VÒNG II: ĐỘI 5 - BÀI DỰ THI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BÀI DỰ THI CỦA THÍ SINH ED

Bốn giờ sáng, trên con tàu trở về quê hương, một nỗi nhung nhớ không bao giờ cập bến Nhật Bản.

.

Tôi không ngủ được, dù sự mệt mỏi đang chôn giấu trong từng lớp cơ cùng thịt cứ giật liên hồi, chẳng khác nào vừa lĩnh trọn một cú đớp của loài cá mập hay một cú ngư lôi dội xuống từ tàu ngầm của Mỹ.

Tháng mười hai, đêm trên biển Thái Bình Dương.

Tôi ngừng nhắm mắt, như thể cái việc đi ngủ là một việc nặng nhọc lắm lắm, rằng tôi rất cần ngơi nghỉ chốc lát trước khi tâm trí mình đột ngột chết đi và tiếp tục những đợt bị bóc lột nặng nề đến thế. Rèm mắt tôi nặng trĩu, và dưới bóng của hàng mi đổ xuống gò má, hình ảnh buồng ngủ chật chội cùng lỉnh kỉnh những đồ đạc xếp trên nóc tủ hệt một cái kho cũ bụi bặm ẩm ướt chỉ làm tôi thêm chán nản.

Trong hơi nhập nhòe của màn đêm và những vì sao hư vô yếu ớt rọi vào khoang phòng chật hẹp, tôi nhổm người dậy, nhẹ nhàng lật tấm chăn và cố gắng với lấy khung ảnh đặt đầu giường theo cách ít gây tiếng động nhất có thể, hoặc chốc nữa thôi, thằng Hiroshi sẽ lại càu nhàu về việc tôi phá bĩnh giấc ngủ của gã.

Hiroshi là một thằng bạn lâu đời, cũng là một tên lính kì quặc nhất tôi từng gặp. Và điều đáng buồn là, dù mang cái danh 'bạn lâu đời' đi nữa, tôi vẫn chẳng biết nhiều hơn là bao về con người ấy. Gã ít nói, cục tính và thích làm những bài thơ haiku trước khi lên giường đi ngủ. Chính cái sở thích khác biệt như thế đã làm tôi vẫn luôn đinh ninh rằng, nếu không đi lính, có lẽ Hiroshi đã đi theo con đường của một nhà thơ văn hoặc một nhà báo cũng nên. Thậm chí, vì sự ủy mị rầu rĩ thường trực nơi vần thơ lẫn con người gã đã biến chủ đề bàn tán của bọn tôi trong các bữa cơm cũng luôn xoay quanh về một tên lính quèn đến thế...

Sau cùng thì gã có vẻ chẳng bận tâm mấy đến những lời đó, hoặc có và thay vì cáu kỉnh ra mặt với bọn tôi, gã lựa chọn chôn giấu chúng trong trang nhật kí mà gã luôn ôm khư khư bên người. Những trang nhật kí đã nhàu nát vì khói đạn, cùng với nội dung đa phần là về vùng quê Kasukabe dấu yêu, hay về nỗi nhung nhớ không tài nào nguôi dành tặng ngôi báu bích khám cô đơn mà tôi vô tình nghe được trong những lời gã thì thào mỗi đêm - trong những ca trực lặng như tờ, duy chỉ có tiếng sóng biển vây quanh an ủi.

Và tôi cũng có nỗi nhớ của riêng tôi, như bất kì ai trên con tàu này cũng vậy.

Trong bóng đêm đang phả lên không gian thứ màu sắc tím lạnh của tháng mười hai, tôi chớp mắt mấy lần để thu lại vài giọt sáng thưa đang lộp độp rơi trên đầu giường. Khung ảnh bằng gỗ ép đã sờn màu, tôi miết nhẹ ngón cái thành một đường dài trên mặt kính đã nứt, không sao kìm được nỗi đau nhói đang lan dần ra cả bàn tay, cánh tay và tràn lên não bộ tôi.

Đêm ấy, như bao đêm khác, tôi nhớ nhà.

Và có lẽ, chẳng một tấm ảnh nào có thể thấm nổi dù chút ít tình yêu giành cho quê hương đang sống dậy trong trái tim tôi, kể cả việc mấy ngày nữa thôi, tôi sẽ lại đặt chân lên sứ xở mặt trời mọc, cảm nhận mùi cát biển nghẹn qua sống mũi và hai tay chan hương đồng nội chăng nữa. Tôi sẽ tranh thủ thời gian để ghé về nhà và xem mẹ tôi đã già đến đâu vì nhung nhớ con, tôi sẽ giúp bà vác gạo hay đốn củi, cũng sẽ không quên gửi tiền để đặt may một bộ kimono mới thay cho việc lần cuối bà đã tiễn tôi đi trong bộ trang phục cũ mèm bạc màu.

Tôi nhớ mẹ.

Tôi vịn thành giường ngồi hẳn dậy rồi rón rén đưa tấm ảnh ra sát khung cửa sổ để soi cho rõ. Đây là một tấm ảnh hiếm hoi giữa hai mẹ con tôi, là tấm ảnh chụp trước lúc tôi nhập ngũ, bà đã tiễn tôi ra tận bến tàu và dù xung quanh đông nghẹt người chăng nữa cũng chẳng ngăn được vẻ mặt cô đơn của bà.

Tôi len lén thở dài, tôi không dám thở mạnh vì sợ màn đêm tan vỡ mà vẫn chứa đựng nỗi rầu rĩ của tôi. Không hiểu sao, một dự cảm chẳng lành cứ đeo bám tâm trí tôi như xăm lửa, và thay vì vui sướng như những lần khác khi sắp được in dấu chân lên mảnh đất quê hương, tôi lại bồn chồn và nao núng đến lạ.

Lần thứ hai trong đêm, tôi lại thở dài, tôi không muốn ngủ nữa, tôi gấp chăn gọn gàng, choàng thêm áo khoác ngoài và xỏ qua loa đôi giày đặt dưới chân giường để chuẩn bị bước ra ngoài.

Tôi cẩn thận vịn tay lên cánh cửa rỉ sét rồi từ từ nhấc lên sao cho nó không phát ra thứ tiếng chói quá đà như mọi lần. Song, với một thằng có đôi tai thính quá mức bình thường như tên lính nằm giường tầng trên của tôi thì lại hoàn toàn vô dụng - gã Eiji Hiroshi gầm gừ mấy câu cảnh cáo rồi mới chịu xoay người ngủ tiếp.

Tôi chậc lưỡi, một vài tia tội lỗi lóe lên trong người rồi lại dịu bớt. Gió biển tháng mười hai rét buốt bao trùm khắp thân thể tôi, cuốn sạch chút hơi ấm tích cóp được nơi chiếc áo khoác dày cộm.

Một mình tôi, một con thuyền giữa biển cùng bóng tối đặc nghịt vẫn dai dẳng vuốt ve lớp da thịt chai sạn. Tôi ngồi tạm lên cái thùng hàng gần đó, cố gắng đè nén nỗi cô đơn đang trào ngược trong dạ dày và sục sôi trong huyết quản.

Tôi sợ cô đơn, tôi sợ phải đi ngủ.

Những suy nghĩ về cái chết cứ quanh quẩn trong đầu tôi, y hệt những hôm thế này trên chiến trường Thái Bình Dương sục sôi máu lửa... Những đêm dài, nằm trên chiếc giường cứng như đá, lạnh lẽo như sương trốn sau cánh cửa, tôi nhắm mắt, nhưng đâu đó ngoài kia tiếng bom lác đác rơi xuống theo sao băng vụt sáng vẫn chưa nguôi ngoai và xa xa tận phía bên kia bầu trời đen mịt, tôi vẫn cảm nhận rõ ràng tiếng động cơ phát ra từ Frumman F3F dồn dập đập vào lồng ngực đến nghẹt thở.

Đến nghẹt thở.

Đến nghẹt thở.

Sau cùng thì, có lẽ tôi không nên ra ngoài vào hôm nay, có lẽ tôi nên ngồi trên giường ngủ, chân vẫn đắp chăn ấm và mắt tôi vẫn nhìn vào khung ảnh cũ sờn. Ít ra, là hơn lúc này, bởi chỉ thoáng chốc thôi, áp lực từ đốm sao băng xẹt qua, hay một quả ngư lôi, tôi không rõ được, đã lao thẳng xuống đây, xuống chiếc tàu mang tôi về quê hương đây, xuống chiếc tàu chở nặng nỗi nhung nhớ của tôi đây...

Tất cả những thứ còn sót lại trong cơ thể cằn cỗi vì gió biển của tôi lúc này là âm thanh cót két từ cánh cửa buồng ngủ, tiếng khàn khàn của thằng Hiroshi, tiếng sóng, và hình ảnh mẹ tôi đang tắt dần trong bóng tối của biển mà lâu lắm rồi tôi chưa nghe cho rõ âm thanh trìu mến của bà. Tôi không hiểu, điều độc ác gì đang ngăn tôi thôi đặt môi mình lên đôi má ngọt của quê hương, điều gì đã cản trở giấc mơ về mái ấm ngay trước mắt và chỉ cần đưa tay ra là chạm tới?

Mắt tôi nặng dần, như những đêm thâu đến sáng và bắt đầu díu lại vì buồn ngủ. Trong giấc mơ của riêng tôi, bộ kimono bạc màu mẹ mặc hôm sớm mai lại nhen nhóm lên ánh hồng bếp lửa, cùng thanh âm hiền từ của bà chưa bao giờ rõ đến thế, văng vẳng bên tai tôi, duy chỉ ba tiếng 'musuko'.

BÀI DỰ THI CỦA THÍ SINH HUYẾT

Tác phẩm: Hiraeth

Tác giả: Ed

~~~

Hiraeth - nỗi niềm của chàng lính xa nhà.

Có một sự thật rằng, gần như bất cứ người con nào rời xa quê hương, đều sẽ ít nhất một lần nhung nhớ về đất mẹ. Nhớ cảnh, nhớ người, nhớ từng ngọn cây, từng viên sỏi, nhớ từng góc gách kẽ nhỏ của con phố, nhớ nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Hiraeth đã bộc lộ một cách trần trụi về nỗi niềm nhớ nhung đó.

Hiraeth không đơn giản là một oneshot, nó như là một bức tâm thư giải bày tâm sự, để mà bất cứ ai đang mang trong mình nỗi nhớ đều sẽ thấy đồng cảm. Tác phẩm được viết theo ngôi thứ nhất, nhưng tôi xin phép gọi nhân vật chính là "hắn".

Hắn - một người con nặng tình nặng nghĩa.

Từ những ngày đầu tiên bắt đầu ra trận, có lẽ không ngày nào là hắn không nghĩ về mẹ của mình. Hắn đóng khung bức ảnh giữa hai mẹ con trong một khung gỗ, nâng niu, trân trọng nó, coi nó như là mối liên kết giúp hắn nhớ rằng phía sau vẫn mãi có người luôn đợi mình. Càng sát đến ngày trở về, tâm trạng của hắn ngày càng nặng nề hơn. Ừ thì vui thì có vui, nhưng tôi thấy xen trong đó là những tia bồn chồn, lo lắng. Tại sao lại phải hồi hộp nhỉ? Hồi hộp vì sau bao thời gian xa cách, cuối cùng cũng thấy được con đường quen thuộc, xộc vào mũi là mùi hương của đất mà hắn đã sống cùng suốt mấy chục năm? Hay bồn chồn vì không biết khi gặp lại người mẹ đáng kính hắn sẽ đối diện thế nào, còn có thể như đứa trẻ mà nhào vào lòng ôm ấp hay không? Hay hắn lo sợ rằng phải đối diện với mái đầu bạc phân nửa ấy, để hắn nhận ra rằng thời gian quá đỗi khắc nghiệt, bào mòn thân thể cùng nỗi nhớ nhung tột độ?

Tôi không biết chính xác hắn nghĩ gì, vì những gì cậu khắc họa chỉ là nỗi nhớ. Nhớ, nhớ, và không có gì ngoài sự nhung nhớ quê hương. Tôi không biết gì về bối cảnh ngoài bốn giờ sáng vào một ngày tháng mười hai, thậm chí cũng chẳng biết hắn đã xa quê bao lâu để mà lại căng thẳng hết mức khi sắp được đặt lại chân lên xứ mặt trời mọc này. Ngoài ra, buộc lòng tôi phải nói rằng, văn phong của cậu khá gượng. Không phải cái gượng của sự thiếu mượt mà, cũng chẳng phải cái gượng của sự thiếu tinh tế, cái gượng của từng con chữ trong đây dường như xuất phát từ việc thiếu bối cảnh. Như đã nói, Hiraeth không hẳn là một oneshot, nó giống như những lời tâm tình, giãi bày của một người lính xa quê. Nhưng cách cậu miêu tả thực sự khiến tôi khá khó chịu. Khuyết, đó là từ tôi nghĩ là phù hợp với giọng văn của cậu. Câu văn không tròn chữ, và dường như khi kết chúng lại thành khối, tôi vẫn không nghĩ mình tiếp nhân đủ thông tin khi đọc. Thừa nhận rằng có rất nhiều tác giả khác thường hay viết như vậy, chỉ tập trung vào khai khác nội tâm triệt để, nhưng chỉ khi văn phong thực sự sắc bén, cách viết này mới phô ra hết thảy cái hay, cái tài, cái tình trong tác phẩm. Ngược lại khi cậu viết, tôi cảm thấy mình như bị giam trong một căn phòng đen hút hút không có lối ra, và không thứ gì bên trong có thể vọng được ra ngoài.

Hiraeth - không đơn giản chỉ là nỗi nhớ. Đó còn là tình yêu, tình thương, một mối liên kết đặc biệt trong tim, mà bất cứ kì gã đàn ông nào dù thô lỗ, hung hãn đều sẽ có thể bị cảm hóa. Thử nghĩ mà xem, trong mắt các đấng sinh thành, chúng ta chỉ như những đứa trẻ, luôn luôn chưa hiểu chuyện đời, luôn luôn cần bảo vệ. Chỉ qua một chi tiết nhỏ là người mẹ tiễn biệt hắn ở bến tàu, không hiểu sao tôi đã có thể cảm nhận được tình yêu thương da diết, tình mẫu tử thiêng liêng giữa hai con người khác giới. Có người mẹ nào mà không yêu con, mà không mong nhớ khi không được thấy hình bóng con.

Một nhân vật khác làm tôi khá ấn tượng, là Eiji Hiroshi - người con của xứ Kasukabe. Gã được giới thiệu là bạn lâu năm của hắn, nhưng tôi chẳng biết cụm từ "bạn lâu năm" này chính xác là vào thời điểm nào? Họ đã quen biết nhau từ trước hay là chỉ mới lần đầu nói chuyện khi đã dưới thân phận của người bảo vệ Tổ quốc? Đây là chi tiết nhỏ, nhưng tôi khá bứt rứt khi không biết được chi tiết này. Gã cũng giống hắn, cũng mang trong mình nỗi muộn sầu. Chỉ khác là gã không thể hiện điều đó ra mặt, mà chỉ trải lòng qua những trang nhật ký. Người khác nói gì gã cũng chả buồn để tâm, có lẽ bởi gã đã dành trọn tâm trí về vùng đất mẹ dấu yêu rồi.

Điều làm tôi đáng tiếc nhất trong câu chuyện chính là mạch truyện, hay nói chính xác là độ cao trào. Từng dòng chữ đều đều, thắng tắp, lại lặng yên như mặt hồ tĩnh lặng. Phải, tĩnh đến nỗi không có một chút động nào. Ngay cả đến phân đoạn mà tôi nghĩ cảm xúc có thể được đẩy đến mức cao nhất, là khi quả ngư lôi lao thẳng xuống chiếc tàu chở nặng nỗi nhung nhớ của hắn, của gã, cùng hàng chục, hàng trăm con người, tôi cũng thấy nó thật nhạt nhòa. Cảnh tượng ấy chỉ vọn vẻn trong vài dòng ngắn ngủi, mặc dù cách viết nửa lộ nửa ẩn có tăng thêm phần ma mị và tinh tế, nhưng để chạm đến tận sâu trái tim độc giả thì hoàn toàn chưa đủ. Nó không để lại bất cứ ấn tượng nào, cũng không khiến tôi cảm thấy xúc động, nuối tiếc là bao, dù hắn rất đáng thương, khi hạnh phúc tưởng chừng như ngay trước mắt, chỉ cần đưa tay ra là chạm tới mà vẫn bị cản trở.

"Bốn giờ sáng, trên con tàu trở về quê hương, một nỗi nhung nhớ không bao giờ cập bến Nhật Bản."

"musuko", có lẽ là từ đầu tiên hắn nghe thấy, là từ tượng trưng cho danh phận của hắn với người mẹ già ở quê, là từ chất chứa bao nhiêu tình thương, nỗi nhớ, là từ hắn muốn nghe thấy ngay khi đặt chân lên mảnh đất năm nào. Và đó cũng là từ cuối cùng hắn sẽ nghe, là thanh âm đến chết hắn cũng không quên được.

"Con trai"

09.04.2020

Huyết

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro