VÒNG II: ĐỘI 6 - BÀI DỰ THI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BÀI DỰ THI CỦA GANI

SERENDIPITY

(noun.) (English.) (serən-dɪpətɪ)

Sự tình cờ.
Vẻ đẹp bất ngờ, không hẹn mà gặp.

"Paris luôn là một ý hay!" – Audrey Hepburn

Anh bắt đầu vội vã chạy trên các đường phố của thủ đô nước Pháp. Đêm gala ở nhà hát lớn đã sắp sửa bắt đầu, và chỉ còn khoảng năm phút nữa thôi là anh sẽ đối mặt với nguy cơ bị đề nghị ra về. Nhưng anh có thể nhờ vả ngài quản lí nhà hát, với tư cách là một nhà soạn kịch sắp cho ra một tác phẩm mới và sẽ được dựng lại lần đầu tiên ở đây. Anh nghĩ lại cảnh hàng trăm du khách bị dồn lại trong phòng kiểm tra hộ chiếu ở sân bay một tiếng trước mà thở hắt ra bực bội. Máy bay hạ cánh muộn hơn hai mươi phút, thêm hàng nửa giờ chờ đợi để được ra khỏi máy bay, chẳng những vậy còn có thêm một màn cuốc bộ dài bất tận trong các hành lang cũ kỹ của sân bay để tìm đường.

Dẫu sao anh cũng phải tới đó thật nhanh.

Bỗng bên vệ đường, trong bóng tối, anh thấp thoáng thấy một cái bóng nhỏ xíu đang co ro bên cạnh một khóm tử đinh hương đẫm nước. Đó là một chú mèo.

Ban đầu, anh đã định sẽ lướt qua đó thật nhanh, bởi anh đang bị muộn giờ. Vào thời ấy, những lô hoặc ghế ngồi của khán giả trong những đêm gala lớn nếu đã được mua vé mà không đến dự trong vòng một tiếng đồng hồ, người ta sẽ nhường ghế đó cho một trong những thành viên của nhà hát. Vì vậy, cho dù cũng là một người quen của Opéra Garnier, anh vẫn muốn tới đó cho kịp giờ.

Nhưng anh bỗng chậm lại, bước tới gần con mèo đang nằm cạnh khóm hoa. Mặt đất ướt nhẹp và không khí rét buốt bao trùm, nhưng con mèo tội nghiệp lại nằm đó, run rẩy và kêu lên khe khẽ khi thấy anh đang tới gần. Nó không phản đối khi anh nhấc nó lên khỏi mặt đường lạnh cóng, chỉ lim dim mắt và kêu to hơn. Có lẽ dạ dày bé nhỏ của nó đang cần được lấp đầy.

Anh nhìn vào bộ lông ẩm ướt của con mèo. Là mèo tam thể, hơn nữa còn là con đực, và anh biết đây một giống mèo vô cùng hiếm. Có lẽ nó đã bị lạc và không biết đường về nhà.

"Chà, mi đang làm ta muộn giờ đến chiêm ngưỡng nàng thơ của ta đấy, anh bạn. Nhưng đêm nay có lẽ ta phải đưa mi về nhà rồi."

Anh đọc dòng chữ màu trắng có tên con mèo và địa chỉ nhà khắc trên chiếc vòng cổ của nó. Thật không may, để đến được địa chỉ này anh sẽ phải quay trở lại một quãng khá dài.

Charles.

Tối hôm đó, buổi tối đã diễn ra đêm gala khiến công chúng rung động trong suốt một thời gian dài, tôi đã từ Moscow trở về nhưng lại bị muộn giờ và chỉ kịp đặt chân đến nhà hát khi vở opera đã kết thúc ba cảnh đầu tiên. Và khi đã yên vị trong khán phòng, tôi mới biết rằng mình vẫn còn may mắn hơn những người không đến tham dự gấp vạn lần. Người ta kể rằng những ai có dịp được thưởng thức đêm diễn này ở nhà hát Opéra Garnier sẽ còn kể lại với con cháu của họ về đêm diễn ấy bằng những hồi ức xúc động. Tất cả - những ca sĩ opera trứ danh, những vị nhạc trưởng tài ba, những vũ công xuất sắc - đều góp mặt, nhưng người đã khiến cả tôi lẫn công chúng chú ý đến lại là Charlotte Bonnet, vốn là một nữ ca sĩ vô danh nhưng đêm ấy đã khiến cho cả giới quý tộc Paris cũng phải ngây ngất và sửng sốt vì màn "thoát xác" ngoạn mục của mình.

Hôm ấy, đáng lẽ ra người ta sẽ cho diễn vở The Magic Flute (Cây sáo thần) - kiệt tác cuối đời của của W. A. Mozart, nhưng rồi lại chọn một tác phẩm khác của ông là Don Giovanni. Khán phòng hôm đó như rực sáng hơn tất thảy mọi ngày. Và khi vở opera kết thúc, khi tất cả như bùng nổ trong tiếng vỗ tay và reo hò, tôi vội tất tả len qua đám đông để chạy tới sảnh chờ ở gần phòng phục trang của đoàn kịch, nơi đang ồn ào và náo loạn nhất cả rạp hát.

Tôi hồi tưởng lại lúc Charlotte Bonnet bắt đầu cất tiếng hát trong vai nàng quý tộc Donna Anna bằng giọng nữ soprano cao, trái tim tôi bỗng như ngừng đập. Trong một khoảnh khắc diệu kì, mắt tôi và mắt cô gặp nhau, sững sờ, như có một luồng điện vô hình nào đó kết nối chúng tôi, bất ngờ và choáng váng. Tôi cảm thấy như đang được cô trao cho một sự bay bổng mới mẻ - và không chỉ có mình tôi, cả khán phòng có lẽ đều rung động trong khoảnh khắc ấy: khoảnh khắc mà mỗi người như có thêm một đôi cánh trắng muốt trên vai. Và đến khi Charlotte lui vào sau cánh gà khi vở diễn kết thúc, gần như ngay lập tức, tôi biết mình phải đi tìm cô. Không hiểu sao, tôi cảm thấy lúc này cô đang rất cần một sự che chở, và sẽ chẳng có ai khác ngoài tôi có thể làm điều đó. Điều quan trọng nhất là tôi cần một lời giải đáp về những phút giây vừa rồi: phút giây mà thời gian như đọng lại, phút giây đã đem lại cho tôi những cảm xúc kỳ dị, khó hiểu không sao tưởng tượng được, nhưng lại mãnh liệt biết nhường nào.

Ở bậc thềm cầu thang, tôi chạm mặt ngài Anderson - lãnh đạo nhà hát lớn Paris. Ngài vốn là một người điềm tĩnh, nhưng lúc này không hiểu sao lại có vẻ bị kích động mạnh:

- Tôi cũng đang định báo cho cậu và gọi cậu trở về đây, Charles! - Anderson vừa nói vừa chào tôi một cách lịch thiệp. Ôi, thật là một đêm diễn tuyệt vời. Bravo! Còn Charlotte Bonnet, phải nói là thành công rực rỡ.

- Không thể nào! - Một cô vũ công đi ngang qua phản đối, - Bình thường, cô ta vẫn ngân nga vài câu hát dở tệ với tông giọng yếu ớt đến mức còn chẳng ngân lên nổi.

Rồi cô ta lắc đầu và chạy lên cầu thang.

Nhưng thực tình ngài Anderson đã đúng. Vốn dĩ, tôi đã khóa cửa phòng thật chặt và tập trung vào công việc soạn kịch của mình ở Moscow thay vì chạy đôn chạy đáo ở các hành lang của một nhà hát ở thủ đô nước Pháp cùng những tiếng hò reo náo loạn. Nhưng thật sự thì tôi nào có thể ung dung như thế, bởi tôi được biết đêm nay, Floriana - người mà tôi thầm yêu - sẽ hát vai nàng Donna Elvira trong vở opera của Mozart. Tôi biết đây là vai quan trọng đầu tiên của nàng, vì vậy, tôi quyết định cấp tốc trở về để xem nàng trình diễn, để chiêm ngưỡng sắc đẹp của nàng rạng ngời trên sân khấu. Nhưng cuối cùng tôi đã đến quá muộn, quá muộn để có thể nhìn thấy nàng và dường như lãng quên luôn nguyên cớ đã thôi thúc mình trở về. Bị mắc kẹt hàng giờ đồng hồ ở sân bay, kiệt sức vì phải chạy bộ, và không những thế còn phải đưa một con mèo bị lạc đường về nhà ở mãi tận phố Degrés.

Tôi chào tạm biệt ngài Anderson, và tiếp tục vội vã chạy theo những tiếng rì rầm ở tầng trên. Tôi còn nghe thấy ngài nhắc đến vở kịch chưa hoàn thành của tôi, và tôi vô cùng cảm kích khi nghe ngài nói rằng sẽ chờ đợi đến ngày nó được dựng lại ở Nhà hát lớn Quốc gia rồi đem về những thành công như mong đợi.

Donna Anna.

Cô gái Charlotte Bonnet được mọi người biết đến lần đầu tiên qua phần trình diễn vở ballet Giselle, được công diễn lần thứ hai ở nhà hát lớn Paris sau khi đã đạt được thành công vang dội ở Học viện Nhạc kịch Quốc gia Salle Le Peletier. Tôi nhớ lại mà thấy tiếc cho những ai chưa được chiêm ngưỡng Charlotte Bonnet múa vai nàng Giselle, không biết đến những động tác uyển chuyển của cô, không được run lên ngây ngất trước vẻ duyên dáng của cô, không cảm thấy nghẹt thở và đắm say theo từng chuyển động của đôi chân nhỏ xinh trên sân khấu mềm mại như một chú mèo!

Ấy vậy mà tất cả bấy nhiêu đó vẫn chẳng là gì khi đặt cạnh những quãng ngân cao vút của Charlotte trong cảnh IV của vở Don Giovanni, khi cô hát thay cho Emilio - cô nàng hôm ấy phải vắng mặt vì một trận ốm. Và đêm nay, quả thực, mọi thành công dường như đều dành cho Charlotte. Những gì mà cô đã thể hiện - khúc "Or sai chi I'onore" đủ để khiến già nửa số người trong đoàn kịch phải tạm thời quên bẵng đi giọng hát chính ban đầu Emilio lẫn sự vắng mặt của cô nàng. Những lời ca tụng của mọi người trong nhà hát về "Nàng Donna Anna mới" cứ vang lên bên tai tôi suốt đêm hôm ấy. Nàng Donna Anna mà Charlotte đã lột tả: rạng rỡ, tỏa sáng bất ngờ trên sân khấu, và tôi thấy rằng dù cho mọi chuyện thực sự có khó tin đến mấy nhưng đúng là một điều kì diệu.

Lúc tôi đến nơi thì những tiếng reo hò vẫn chưa dứt, khán phòng và khắp nơi trong tiền sảnh vẫn rì rầm những tiếng vỗ tay khen ngợi. Từ tận đằng xa, sau đám đông hỗn loạn, tôi có thể nhìn thấy Charlotte Bonnet nức nở và xỉu đi trong tay các đồng nghiệp vì một nỗi xúc động cực độ dâng trào. Charlotte vốn không phải là một cô gái xinh đẹp mĩ miều, thậm chí khuôn mặt cô nếu đánh giá là dễ nhìn thì sẽ là một lời nói quá. Tuy nhiên, cô có mái tóc màu nâu hạt dẻ luôn được vấn gọn, có sống mũi không cao nhưng nhỏ nhắn, có đôi bàn tay mềm mại uyển chuyển với những ngón tay thon thả gầy gò. Nhưng có lẽ gia tài đáng quý nhất mà cô sở hữu lại là đôi mắt xanh dương điểm trầm tích màu thổ hoàng, như chứa cả một vùng rộng mênh mang của thứ nước biển pha lẫn với thủy ngân. Và đêm nay, trong những giây phút vừa rồi trên sân khấu, tôi mới được dịp chiêm ngưỡng thật kĩ đôi mắt đẹp tuyệt vời ấy, ngời sáng một cách hoàn hảo.

Trong quãng thời gian làm việc ở nhà hát, tuy chưa bao giờ nhìn kĩ khuôn mặt Charlotte, nhưng tôi đã từng nhiều lần bắt gặp cảnh cô bị những nữ vũ công khác thi nhau châm chọc và bắt nạt. Họ gạt cô ra khỏi mọi cuộc trò chuyện, họ nói cô là một đứa con gái xấu xí và lì lợm. Nhưng thật lạ lùng, họ không thích Charlotte, nhưng mỗi lần phân vai lại đẩy hết cho cô những vai chính của các vở Hồ thiên nga hay vũ điệu Kẹp hạt dẻ - có lẽ vì người ta không thể nào phủ nhận được tài năng của cô nàng. Họ đắp lên mặt cô đủ thứ phấn son, nhường cho cô những bộ trang phục lộng lẫy nhất, như cố tình muốn tạo ra một lớp vỏ bọc thiên nga hoàn hảo bên ngoài cô vịt con xấu xí.

Hiện giờ, tôi có thể thấy Charlotte lả đi như người đã chết, và các vũ công phải đưa cô trở về phòng phục trang. Tôi tháo găng tay một cách vô thức và cảm thấy nôn nóng không sao tả được. Một đám người vận dạ phục vội vã đi về phía phòng giải lao, những gã thợ dàn dựng sân khấu và hàng chục những vũ công "phụ họa" cả trai lẫn gái xô đẩy những người ở phía trước để tiến lên. Nhưng cho dù lúc này có hỗn loạn đến mấy, cho dù đây thực sự là một cảnh lộn xộn chưa từng có ở nhà hát này, tôi vẫn cố hết sức không để họ làm xáo trộn tâm trí. Tôi cố gắng thuyết phục bản thân nhớ lại mục đích của mình khi trở về: gặp Floriana. Tôi rẽ mọi trở ngại bằng đôi vai rắn chắc của mình, tôi bỏ ngoài tai mọi lời đề nghị của đám thợ dàn dựng sân khấu. Tuy nhiên, tâm trí tôi bây giờ vẫn rối tung lên như một mớ bòng bong còn náo loạn hơn cả đám đông trong nhà hát. Tôi tự hỏi liệu có phải giọng hát tuyệt vời kia, có phải đôi đồng tử đẹp mê hồn kia đã xé tan trái tim tôi ra làm hai mảnh, và một nửa con tim khốn khổ ấy của tôi đã không còn thuộc về tôi nữa? Tôi đã cố bảo vệ hình bóng Floriana trong tâm trí, tôi đã từng quyết chỉ dành trọn con tim mình cho một mình nàng. Nhưng bây giờ, tôi thực sự chẳng còn biết điều gì đang đến với chính mình lúc này, ngay bây giờ, ngay sau chỉ chưa đầy vài giờ đồng hồ tôi trở về và nghe được giọng hát ấy. Tôi đã cố gắng nghĩ tới Floriana với tất cả niềm âu yếm, nhưng những gì tôi nhận lại lúc này chỉ là một cảm giác trống rỗng, cùng với hàng trăm khuôn mặt của chính Charles William hiện ra và chất vấn tôi vô cùng gay gắt. Hôm nay, tôi vốn trở về Pháp để gặp nàng, để được nhìn thấy nàng, nhưng suy nghĩ của tôi lại đang đi ngược lại hoàn toàn với điều ấy. Lồng ngực tôi bỗng nhói lên, càng bước về phía trước, tôi lại càng cảm thấy như có ai đó đang moi lấy con tim của mình, và rồi tất cả chỉ còn là một cái hố trống rỗng khủng khiếp. Chẳng hiểu sao, tôi bỗng có cảm giác như bị Thần tình yêu đâm lén, bị hạ gục bởi một cú đánh kì lạ - cú đánh khiến cho một gã vốn chẳng bao giờ tin vào thứ gọi là "tình yêu sét đánh" như tôi rốt cục cũng phải xem xét lại bản thân mình.

Trước cửa phòng nơi người ta đặt Charlotte – lúc này dường như đã ổn hơn – nằm trên giường, tôi bị cản bước bởi những lời tuyên bố giải tán và không được làm phiền một người đang rất mệt mỏi, cũng vừa lúc một nhóm học viên ballet đi xuống từ tầng trên và ngang qua trước mặt tôi. Những đôi môi được tô son đỏ chót nhắm vào tôi và buông ra vài lời đùa bỡn, nhưng tôi quay đi và nhất quyết không đáp lời. Hành lang này chưa bao giờ đông đúc như tối nay, khi cả nhà hát dường như náo động trước thành công của nữ ca sĩ và cả chuyện cô ngất xỉu đi khi hoàn thành xuất sắc tiết mục của mình. Vì không gặp được Charlotte, tôi quyết định tạm thời rời khỏi đây, và chờ cho đến khi cô gái bé bỏng ấy tỉnh lại, tôi sẽ quay trở lại để thổ lộ với cô, rằng những khoái cảm về mọi nét đáng yêu, duyên dáng mà cô đem lại vẫn vương vấn trong lòng tôi một cách sống động khác thường.

Vậy còn Floriana thì sao? Đối với tôi, nàng đã từng luôn xinh xắn và kiều diễm hơn bất cứ người con gái nào khác, và vì thế, những dung nhan khác xung quanh dù có đẹp đến mấy cũng chỉ để tôn lên vẻ đẹp của nàng. Floriana có mái tóc xoăn bồng bềnh màu hung đỏ rực rỡ, giọng hát ngân nga trong trẻo cao vút cùng với đôi đồng tử tím đẹp mê hồn. Tôi đã yêu nàng say đắm bấy lâu nay, nhưng có lẽ nàng chưa bao giờ để mắt tới. Nàng bước đi thật nhanh mỗi lần tôi đưa tay vẫy chào, nàng sẵn sàng dừng cả việc tập luyện chỉ cần thấy tôi đi ngang qua khán phòng. Cho dù vậy, tôi vẫn dành trọn trái tim mình cho nàng, tôi trân trọng tâm hồn trinh bạch và trong trắng như nữ thần Dian của nàng. Tôi như chàng Romeo si tình, đã đơn phương cô gái Rosaline kiều diễm nhưng rồi lại chẳng được bù đắp bao nhiêu. Nhưng rồi sau đó thì sao, người ta đâu có khắc ghi mối tình thầm lặng của Romeo đối với Rosaline, bởi đó chỉ là thứ ái tình phù phiếm giả tạo, thứ ái tình không đích thực và chẳng đáng để người ta ôm nỗi buồn khổ vì nó. Và giây phút tôi được nhìn thấy Charlotte, cho dù cô chẳng xinh đẹp bằng Floriana, cho dù tôi chưa được đặt lên môi cô một nụ hôn, cho dù tôi chẳng biết liệu cô có thấu hiểu được hay cũng sẽ dửng dưng lãnh đạm, tôi vẫn trông thấy ở nơi cô một bóng hình của nàng Juliette có thể làm tiêu tan tất cả những ảo mộng phiền não của mình.

Tuy vậy, tôi vẫn quyết định đi tìm Floriana, có lẽ là để nhìn thấy nàng một lần cuối trước khi tôi chẳng còn ôm nàng trong tim.

- Xin lỗi, thưa cô? - Tôi hỏi một nữ phục vụ tóc vàng đang bưng một khay trà - Có thể nào cho tôi biết, cô có thấy cô Floriana ở đâu không? Đó là cô gái đã hát vai Donna Elvira vừa rồi, và tôi cần gặp cô ấy ngay.

- Tôi không chắc là mình biết rõ cô ấy, thưa ngài - Cô hầu gái khẽ nhíu mày, như đang cố nhớ lại điều gì đó, - nhưng nếu là cô ca sĩ tóc hung vô cùng xinh đẹp thì đúng là tôi có bắt gặp cô ấy, ngay trên hành lang này. Tôi nghĩ cô ấy đã vào một trong số những phòng giải lao hay phòng thay đồ nào đó.

Tôi cảm ơn cô gái rồi bước từng bước nặng nề đi tìm nàng. Lúc này trong hành lang tăm tối đã không còn đông đúc, và sự tĩnh lặng như đang bao trùm lên tất cả. Hẳn là giờ này mọi người đang tiến hành lễ chia tay các khán giả và nghệ sĩ ở đại sảnh, nên ở đây lúc này chỉ còn vài người phục vụ qua lại và quét dọn.

Đang bước trên hành hang, tôi bỗng nhận ra giọng nói nhỏ nhẹ của Floriana phát ra từ một căn phòng thay đồ, nhưng cửa đã bị khóa chặt, và tôi biết không chỉ có mình nàng ở đó. Gạt bỏ mọi do dự, tôi quyết định ghé sát tai vào cánh cửa. Một giọng đàn ông trầm vang lên:

- Floria, nàng hẳn là đã mệt lắm.

- Ôi, tối nay, em đã trao trái tim mình cho ngài. Mà không, em đã trao nó cho ngài từ lâu lắm rồi, Francesco.

- Đó là một món quà quá quý giá đối với ta, giọng đàn ông đáp lại, nhưng nàng biết không, ta băn khoăn vì Charles của nàng. Cậu ấy yêu nàng, Floriana, điều này ai cũng biết, và nàng không sợ cậu ấy sẽ đau khổ hay sao, thiên thần nhỏ của ta?

Từ khi nghe thấy tiếng "thiên thần nhỏ của ta", tôi chẳng còn nghe thêm được điều gì nữa. Tôi chỉ biết rằng ngay bây giờ đây, trong hành lang, từng nhịp đập của trái tim tôi đang vang khắp xung quanh khiến tai tôi cũng phải inh nhức lên vì nó. Tôi cảm tưởng như người ta sẽ nghe thấy âm thanh ấy, sẽ hét lên giận dữ bắt tôi phải im lặng, sẽ mở tất cả các cánh cửa phòng lao ra, và tôi sẽ bị xua đuổi một cách nhục nhã. Tâm trí tôi thôi thúc bản thân hãy gõ cửa, nhưng tôi không làm được. Đúng ra, tôi không có quyền làm như vậy.

The Serendipity of Opéra Garnier.

Đêm nay ở Paris, trời đổ mưa. Những cơn gió lạnh buốt lùa hun hút trên từng tán cây, khẽ đập lên những tấm kính các cửa hiệu, siết nhẹ lên hai bàn tay tôi như muốn rạch nát làn da khô khốc. Đường phố vắng tanh, những ánh đèn như chập chờn chẳng còn muốn chiếu sáng nữa. Chúng muốn tất cả chìm trong bóng tối mịt mùng.

Tôi chẳng còn nhớ mình đã đi những đâu, đã làm những gì, đã bằng cách nào mà có thể đủ sức trở về được khách sạn mà mình đã thuê. Hôm nay, lòng tôi trĩu nặng đủ thứ nỗi buồn và cảm xúc kì lạ. Tôi cứ thẫn thờ ngồi trước bàn làm việc, chẳng nghĩ ngợi gì nữa, chẳng nghe thấy gì nữa. Không gian yên ắng và tối tăm, nhưng tôi chẳng buồn bật điện. Nước mưa hắt vào phòng từng giọt nhỏ li ti qua cửa sổ. Tôi chỉ ngồi như vậy mãi, có lẽ là suốt đêm. Tôi nhìn những trang bản thảo xếp chồng lên nhau, nhìn chiếc đồng hồ đang tích tắc, nhìn cái đèn bàn bụi bặm. Tôi không còn nghĩ về Floriana, về tình yêu mà mình dành cho nàng nữa. Tôi đã định quăng bản thảo của vở kịch đang viết dở - vở kịch mà nàng Floriana là nguồn cảm hứng lớn nhất - vào ngọn lửa lò sưởi đang hừng hực. Nhưng rồi tôi không thể.

Tôi cất gọn nó vào một góc, giống như khi tôi tự lui về địa phận của bản thân mình khi biết nàng sẽ không bao giờ là của tôi.

Vì đâu mà lòng tôi lại nhanh chóng đổi thay đến thế? Phải chăng tình yêu nào cũng phù phiếm và mờ ảo như làn sương đêm, chỉ cần những tia nắng mặt trời ló rạng ở đằng đông cũng sẽ làm tiêu tan đi tất cả? Tôi chẳng còn hiểu nổi bản thân mình nữa, nhưng có phải là tội lỗi hay không, khi một con người đã trao đi tình yêu cũng khao khát muốn được nhận lại tình yêu? Hình bóng nàng Floriana từng hiện lên trong tâm trí tôi thật rực rỡ, nhưng đến giờ tôi mới nhận ra rằng nó cũng thật tàn nhẫn biết nhường nào. Vì sự thờ ơ của nàng mà tôi đã ôm nỗi buồn khổ nhiều năm. Những tác phẩm mà tôi viết về nàng nhiều vô kể, nhưng chưa bao giờ được đón nhận. Họ hỏi rằng liệu anh đã thật sự trải qua cảm giác yêu và được yêu, đã thật sự hiểu được nó hay chưa? Và thật sự, những gì anh viết ra ở đây chỉ là những ngôn từ bay bổng nhưng phù phiếm và sáo rỗng.

Giờ đây, tôi bỗng dưng nghĩ đến Charlotte, nhớ đến cảnh cô gái đáng thương bị chế giễu, và cùng với đó, là cả hình ảnh cô tỏa sáng rạng ngời trên sân khấu. Có lẽ chăng cô đã phải dốc hết sức mình cho màn trình diễn ấy. Hẳn ban đầu, nhiều người sẽ cho rằng Charlotte đã quá mạo hiểm mà "trèo cao" như thế. Họ lạnh nhạt với cô, những tràng pháo tay chỉ lẻ tẻ rồi im bặt khi thấy cô gái tóc nâu xuất hiện thay vì nữ diva nổi tiếng Emilio. Tôi nghĩ mà thấy thương cho nỗi bối rối và tủi thân của cô, nếu như lúc đó cô nhận ra rằng gần như hơn nửa khán phòng đang không bằng lòng với sự xuất hiện của mình. Nhưng trong thoáng chốc, lúc bước ra sân khấu, tôi như thấy cô nhìn tôi, và vẻ mặt cô bỗng tươi tỉnh - đó sẽ là giây phút mà tôi sẽ không bao giờ quên được. Tôi vừa thấy thương, vừa thấy mừng cho Charlotte, mừng cho chiến thắng vang dội của cô.

Ngài Anderson trong một lần ghé thăm tôi có kể lại rằng ông thường thấy Floriana qua lại với người thầy luyện giọng của mình - Francesco Corradini, một người đàn ông gốc Italia mới làm việc ở nhà hát đã hai tháng nay. Và cứ mỗi lần Floriana chuẩn bị bước lên sân khấu, cả đoàn kịch lại có dịp được trêu trọc Francesco khi thấy ông phải khổ sở vì những câu thỏ thẻ nhõng nhẽo của nàng.

Nhưng rồi với trái tim vẫn còn ấm nóng những thổn thức, tôi yêu cầu ngài Anderson đừng nhắc đến Floriana vì tôi cần phải quên nàng, và tôi đã tâm sự với ngài về Charlotte, về thứ cảm xúc mới mẻ đang xâm chiếm tâm hồn mình. Và rồi ngài lãnh đạo nhà hát, giờ đây hiện lên trước mắt tôi như tu sĩ Laurence, nhưng ngài không dành cho tôi những lời trách móc hờn dỗi mà chỉ khe khẽ thở dài thông cảm, miệng ngài lẩm bẩm những lời xa xăm mà có lẽ đã đọc được trong cuốn kịch của Shakespeare: "Chao ôi, đúng là tình yêu của những chàng trai trẻ thật chẳng nằm trong con tim mà chỉ ở ngoài khóe mắt!"

Trước khi chào tạm biệt, ngài đưa cho tôi một mẩu báo cắt ra từ tờ báo số hôm qua. Trong mẩu giấy, tôi có thể nhận ra hình ảnh của Charlotte Bonnet đang mỉm cười thật tươi trên sân khấu. Tôi thấy được đôi mắt cô vẫn long lanh tuyệt đẹp cho dù chỉ là trong tấm ảnh in trên giấy báo cũ sờn. Tiêu đề bài báo được nhà phê bình nổi tiếng Richard Scott đặt tên chính xác là The Serendipity of Opéra Garnier.

"Vào buổi tối hôm ấy, nữ ca sĩ dịu dàng Charlotte Bonnet đã mang tới cho chúng ta vẻ đẹp siêu thực của nghệ thuật và cả trái tim của nàng. Đối với Opéra Garnier, đây thực sự là một điều kì diệu, một sự chuyển biến choáng váng làm nao nức lòng người. Những quản lí Nhà hát lớn Paris chia sẻ rằng, Bonnet sở hữu một tài năng vô cùng hiếm có, nhưng lạ thay, tài năng ấy lại nằm trong lĩnh vực múa ballet! Nàng Bonnet trước đây chưa từng đem lại một hi vọng đẹp trên sân khấu opera, vậy nguyên nhân nào đã tạo ra cái tuyệt đỉnh của ngày hôm nay? Làm sao Opéra Garnier lại có thể bỏ quên một kho báu như vậy suốt một thời gian dài đến thế? Bonnet từ trước tới nay vẫn là nàng Giselle thơ ngây trong lòng công chúng. Và chỉ đến khi nữ ca sĩ hát chính người Italia - cô Emilio Betrice - đã vắng mặt vì vấn đề về sức khỏe, Charlotte Bonnet mới bất ngờ có cơ hội được thể hiện hết sức mình trong một phân cảnh quan trọng của vở Don Giovanni! Và tôi có thể tuyên bố rằng: Sự tình cờ ấy đã đem đến một điều kì diệu - sự thăng hoa của nghệ thuật đã đến được với công chúng..."

Khi tôi còn đang ngây ngất đọc những dòng bình luận trên mẩu giấy báo thì ngài Anderson cũng đã ra về từ lúc nào không hay. Và trong một buổi sáng đầu tuần sau đó, tôi nhận được bức thư của Charlotte gửi cho mình, vừa hay ngày hôm ấy, tôi đã định thu xếp để quay trở lại Moscow. Khi đọc thư của cô, khi nhìn những con chữ nghiêng nghiêng xinh xắn ấy, tôi đã lưu luyến không muốn rời.

Tôi sẽ bắt đầu từ một trang bản thảo mới. Tôi sẽ viết một tác phẩm mới, dành tặng Charlotte, để chúng tôi có thể mãi mãi nhớ về sự tình cờ đã đem chúng tôi đến với nhau.

Charlotte Bonnet.

Gửi ngài Charles William,

7 tháng Chín, xxxx

Em không rõ ngài sẽ thờ ơ hay vui mừng khi được biết rằng em đã hoàn toàn bình phục sau sự cố đêm gala hôm ấy ở Nhà hát lớn Paris. Em biết mình hoàn toàn xứng đáng với những gì mà em đã đạt được, bởi tất cả mọi chuyện thực ra không phải là tình cờ, nhưng lại được công chúng tin là một sự tình cờ vô cùng kì diệu.

Giờ em đã cách Paris một quãng đường khá dài, nhưng ngài đừng lo lắng bởi em chỉ thả bộ một chút để cảm nhận những làn gió lạnh mơn man trên má sau những ngày tháng sống trong không gian kín mít của nhà hát, khiến em ngộp thở và cảm thấy như bị vây dồn. Nhưng bây giờ thì ổn cả, không khí trong lành đã làm dịu thần kinh em, và đem lại cho em một niềm vui thích. Và cũng nhờ làn gió ấy, em chợt nghĩ đến ngài, Charles – hãy cho phép em được gọi ngài như thế - và đã tất tả ghé vào một tiệm cà phê, mượn họ giấy bút để viết vội lá thư này cho ngài. Chủ tiệm cà phê này là một người quen của em, và chẳng những được mượn giấy và bút lông, em còn được mời nhấm nháp một ít chocolate Ferrero Rocher vốn là một món ông ấy đặc biệt yêu thích.

Ông Anderson đã tìm gặp em khi em đang tập luyện một mình trong khán phòng vắng tanh, đã kể với em về ngài và cũng nhờ ông ấy mà em biết được địa chỉ khách sạn mà ngài đang sống. Em đã hoài công tự thuyết phục mình rằng suốt cả cuộc đời này, sẽ không có ai yêu thương cô gái xấu xí như em cả, và cả khi được thưởng thức những lời mật ngọt của tình yêu – cho dù có là trong những vở kịch của William Shakespeare hay trên những trang thơ của Pushkin – em cũng chẳng bao giờ tin rằng có một tình yêu đẹp đến nhường ấy tồn tại, và nếu như tình yêu ấy tồn tại, nó sẽ chẳng bao giờ thuộc về em, chẳng bao giờ dành cho em.

Thế nhưng kể từ khi em nhìn thấy ngài lần đầu tiên, ở hàng ghế thứ năm, đúng vào giây phút em biết mình sẽ tỏa sáng rạng ngời trên sân khấu, trái tim của em đã được Thần tình yêu sắp đặt là để dành cho ngài, chẳng thể khác đi được. Mọi chuyện dường như đã được định sẵn, chẳng có lấy một ly sai sót: chị Emilio bất ngờ phải dừng tập luyện vì bị cảm nặng, nhưng rồi đã chẳng có ai tự tin rằng có thể thay thế được chị ấy. Sau đó, ông Anderson bất ngờ đề nghị với em về vở "Don Giovanni" sẽ được diễn trong đêm gala, và ông muốn em sẽ đảm nhận một vai vì đã từng biết đến giọng hát có nội lực của em trong cuộc thi ở Nhạc viện Toulouse, vốn là một cuộc thi không có mấy tiếng tăm từ bảy năm trước. Em đã khá ngần ngại trước lời đề nghị đột ngột ấy. Em sợ rằng mình sẽ làm cho cả Opéra Garnier phải xấu hổ, vì chưa từng có ai ngoài ông Anderson hiểu được những nỗ lực thực sự mà em đã bỏ ra. Nhưng rồi em đã quyết định đặt cược thật lớn một lần với cuộc đời mình. Suốt hai tuần trước khi đêm gala được tổ chức, em đã dồn tất cả sức lực và tâm huyết của mình vào việc luyện tập, và em cũng đã gặp vô số khó khăn khi chẳng có một người thầy nào đồng ý giúp đỡ một ca sĩ không chuyên như em cả. Nhưng nhờ đức tin tuyệt đối vào bản thân mình, và có lẽ cũng nhờ vào một phép màu nào đó, đêm ấy em cũng đã trở thành một diva, một diva bất đắc dĩ, một diva thay thế lúc đầu được chào đón chẳng mấy nồng hậu.

Nhưng ngay khi em nhìn thấy ngài, Charles, đang ngồi giữa bao khán giả ngước nhìn về phía em, cho dù đôi chân và hai cánh tay em vẫn run lên khe khẽ, nhưng em đã cảm thấy rất khác. Như có những thiên thần bay xuống từ địa đàng và quấn lấy em. Và em ngân lên thật cao, em điều chỉnh được từng nhịp ngân rung luyến láy, em khống chế được nỗi mặc cảm trong con người mình. Em đã hát bằng cả tâm hồn ngây thơ vụng dại, ngay giây phút mắt em và mắt ngài gặp nhau. Chao ôi, khoảnh khắc ấy đối với em, dẫu chỉ là mơ thì em cũng mãn nguyện. Nếu như đêm ấy người ta đã cho diễn vở Cây sáo thần thay vì Don Giovanni, chắc em sẽ chẳng bao giờ được bước lên sân khấu, được tỏa sáng rạng ngời, và được nhìn thấy ngài ở đó. Không bao giờ em có thể tìm được một người để trao đi trái tim mình, nếu như ngài không trở về Paris.

Và cũng trong giây phút huy hoàng ấy, em bỗng nhiên nhớ về quá khứ của bản thân mình, về những ngày tháng sống cùng cha mẹ mình ở Eguisheim. Khi ấy, gia đình em, và nhất là cha em không bao giờ ủng hộ ước mơ theo đuổi đam mê nghệ thuật của con gái mình. Ông không cho em học đàn, học múa, ông chê em bất tài và không có khiếu nghệ thuật. Ông nói rằng những bản đàn của em thật "inh tai nhức óc", còn chuyện học múa của em thì ông giễu cợt. Vậy là năm mười sáu tuổi, em quyết định một mình đến Paris, và cho đến nay cũng đã được gần mười năm rồi. Thật tiếc, cha em không bao giờ được thấy em trên sân khấu, thấy em tỏa sáng và đem về biết bao thành công. Có thể ông sẽ cười, cười mỉa mai. Em biết, và lúc nào, em cũng sợ nụ cười đó. Nhưng em vẫn cố gắng vượt qua tất cả để có được ngày hôm nay.

Nhưng tất cả những dòng thư này, tất cả những tâm sự này của em, Charles, xin ngài hãy hứa với em rằng ngài sẽ không tiết lộ với ai khác ngoài hai chúng ta! Hãy để cho tất cả mọi chuyện cứ thế vần xoay theo vũ trụ, hãy để cho em – "nàng Donna Anna mới" sẽ mãi là một khám phá kì diệu của sự tình cờ.

Quy luật ngẫu nhiên của vũ trụ đôi khi cũng đem đến những kết quả bất ngờ mà tuyệt diệu, như cách mà tài năng của em được chào đón, và như tình yêu của em dành cho ngài. Cho dù mọi chuyện thật khó tin làm sao, nhưng sự thật là nó đã xảy ra như thế.

Em tha thiết mong rằng sẽ có thể được gặp lại ngài ở Opéra Garnier vào một ngày không xa. Chắc hẳn ngài sẽ thích thú vô cùng khi biết rằng ông Anderson đã gọi ngài bằng cái tên vô cùng thân mật: Ngài Mèo tam thể.(*)

Thương mến,

Charlotte Bonnet.

(*) Chú thích: Mèo tam thể giống đực rất hiếm, vì vậy ngài Anderson gọi Charles là "Ngài Mèo tam thể" ý muốn nói với Charlotte đây là người đàn ông hiếm có dành cho cô. 

BÀI DỰ THI CỦA TONIC

Tác phẩm: Serendipity

Tác giả: Gani

Thể loại: Oneshot, phương Tây

Reviewer: Tonic

Serendipity – "sự tình cờ may mắn", một câu chuyện mà sự tình cờ là nguồn cảm hứng chủ đạo. Đề tài này là một mảng khai thác có vẻ khá quen thuộc đối với nhiều cây bút hiện nay, và tác giả Gani cũng khai thác yếu tố đó trên một lối thường thấy là sự vô tình, tình cờ trên phương diện tình cảm. "Serendipity" của Gani được vẽ nên trên bối cảnh của thủ đô nước Pháp: Paris, nhưng là một Paris không xa hoa, lộng lẫy quá mức. Paris ấy êm dịu hơn nhiều so với trí tưởng tượng của Tonic khi đọc đến dòng "Paris luôn là một ý hay".

Tác phẩm được diễn ra theo một cách mà ở đó hoạt cảnh trở nên ít hơn và phần nhiều là mô phỏng cảm giác, nghĩ suy và diễn biến tâm trạng của nhân vật. Trong tác phẩm, những hoạt động và tình tiết được diễn tả nhiều hơn ở phần đầu, và với Tonic - một người luôn đặt ra một tiêu chí nào đó đối với đoạn mở thì đoạn mở của Serendipity không gây được nhiều ấn tượng với Tonic. Có lẽ đoạn mở đang đi xa rời trọng tâm của truyện, đoạn sau đấy là một đoạn gần như khác hẳn với mở đầu ấy. Những thứ mà Tonic nhìn thấy là đoạn mở đi kèm với những lan man rồi đính kèm với những thứ Tonic xem là chưa phù hợp. Ví dụ với logic khi dùng từ "bỗng" nào đó thì đấy là điều chưa chắc chắn, ấy vậy mà ở câu sau, Gani lại có thể chắc chắn với từ "Đó là", đoạn con mèo này làm Tonic thấy không ổn. Không ổn tiếp theo trong đoạn mở này là ý định đến đúng giờ của nhân vật chính Charles, không muốn đến trễ vì có thể mất đi chỗ ngồi nhưng cuối cùng Charles cũng đến trễ và vẫn còn chỗ. Tonic không rõ chi tiết hoặc đã bỏ lỡ điều gì đó.

Trở lại một chút tổng thể của "Serendipity", đây đa phần là dòng mạch cảm xúc, nghĩ suy của Charles William, với sự đa phần thế này thì dòng tình tiết khá ít ỏi và cảm giác câu chuyện không dài lắm. Khá ngắn và để tóm tắt thì chắc là chỉ gói gọn trong vài câu mà thôi. Nhưng tất cả những thứ đó được vẽ vời bởi màu sắc Tây Âu khá tốt, vẫn là ngoại trừ việc các câu văn khá dài, mặc dù tác giả có tách được ý và chủ ý tốt, nhưng những người đọc như Tonic lại có một cảm giác dong dài mà những câu văn mang đến.

Nói về những lần tình cờ mà tác phẩm thể hiện, tác giả có chia sẻ với Tonic rằng có ba lần tình cờ chính trong "Serendipity". Tình cờ trong thành công của nhân vật Charlotte (nhân vật chính), tình cờ trong cuộc gặp gỡ giữa Charlotte Bonnet và Charles William (nhân vật "tôi"), và đặc biệt, cuộc gặp gỡ ấy xảy ra cũng vô tình làm nảy nở một tình yêu giữa họ. Có lẽ là lần đầu tiên, trong thoáng chốc, họ đã có những cảm xúc như bị trúng một tiếng sét ái tình chẳng hạn. Tác giả cũng chia sẻ rằng tình cảm của Charles và Charlotte có vẻ khuôn mẫu và "cứng" quá. Nhưng với Tonic thì điều đó cũng có thể xảy ra. Trước tiên, hãy cùng cảm nhận về nhân vật chính. Trong vỏ bọc cảm giác khá nhiều là nghĩ suy của Charles, nhân vật hiện lên trong tác phẩm với cái nghề viết kịch, nhưng chưa có thành công nào nổi trội. Charles hiện lên với những đắm say trong tình cảm, nhân vật viết kịch đấy và có hẳn một nguồn cảm hứng chính cho tác phẩm kịch đang viết là tình cảm với Floriana, nhưng tất cả lại bị chôn vùi trong vô thức. Cái chính thức tác động có lẽ là Floriana không yêu Charles, nhưng cái vô thức trước đó chính xác là bản năng của cảm giác níu giữ Charles ở lại và suy nghĩ về Charlotte, tìm kiếm Charlotte trước tiên thay vì "nàng thơ" Floriana như ý định ban đầu. Đó có thể là tình cảm vô ý hay chính ý trao cho một Charlotte Bonnet.

Với Charlotte Bonnet, đây là một nhân vật không nổi trội ở mặt ngoại hình nhưng luôn là một người cố gắng, và trở thành là một người có tài, một tài năng mà không ai có thể phủ nhận. Bất kì ai có thể giễu cợt ngoại hình kia, sự cố gắng kia của Charlotte nhưng không có bất kì lí do nào để giễu cợt tài năng của cô. Chính Charlotte đã khiến đồng nghiệp của mình phải thốt lên những lời bực tức vô hại, chính con người này đã khiến nửa khán phòng còn lại phải vỗ tay vì tài năng của chính mình. Một điều là những thứ này trong nằm trong suy nghĩ của Charles mà diễn tả, nó có thể gọn ý nhưng vẫn giữ một ý nghĩa của việc cố gắng của một người sẽ mang đến thành công, dù người đó không nổi bật ở thời điểm nào đó. Tác giả đem tất cả nằm trong nghĩ suy của Charles đã làm nó trở thành tính phát hiện của cảm xúc, có lẽ vì sự cố gắng đến thành công kia mà Charles chú ý đến Charlotte, từ đó rồi cảm xúc bộc phát, và lập tức thôi thúc Charles phải đi tìm kiếm người con gái này. Còn với Charlotte, Charles có lẽ là một người được cô đem hết những cảm xúc để truyền vào khi đang cố gắng hết mình. Vì nhìn thấy người ngồi ở hàng ghế số năm, và trao tình cảm cho người trong vô ý.

Sự tình cờ kia mang đến một cảm giác mơ hồ trong tình cảm của hai nhân vật chính, và hẳn cũng là mơ hồ của người đọc và truyện. Cảm giác quẩn quanh rằng liệu khả năng mà Tonic nói đến có xảy ra hay không, không thể chắc chắn nhưng phần nào thì sự tình cờ này đã chiếm được một vị trí khác hơn với những mảng đề tài tình cờ thường thấy. Tình cờ mang một dáng vẻ nào đó đã được sắp đặt sẵn của tác giả - một kiểu không rõ ràng.

Tonic nói đến một chút nữa ở văn phong, màu văn phong tất nhiên có cảm giác dong dài (đã được nói ở phần trên) nhưng cũng có vị trí của riêng nó, trong "Serendipity" nó sơn lên một màu cũ tuy không hoài niệm nhưng phần nào phù hợp với kiểu ý thức cảm giác này. Về miêu tả, yếu tố này khá tốt, ngoại trừ việc Gani dùng từ "gia tài" để miêu tả nhân vật thì Tonic không thấy phù hợp. Gani là một người khá có hiểu (với Tonic), cảm hứng sáng tác nói rõ trên những vở kịch như Don Giovanni, những con người trong kịch của William Shakespeare, nhắc đến vở kịch của Mozart và thơ của Puskin, tất cả điều thể hiện một niềm yêu thích. Điều lưu ý cuối cùng là thoại của Gani không ổn, cách thoại này chưa thực sự khéo léo, câu thoại mở đầu cũng là một đoạn khiến Tonic không thoải mái với mở đấy, cần khéo léo hơn với đan xen thoại phụ mang ý nghĩa (của nhân vật đồng nghiệp) trong đối thoại chính của Charles.

Có lẽ đến đây là tạm kết thúc với bài review này của Tonic, Tonic không thể đưa cho Gani một góc nhìn hoàn chỉnh về mọi thứ, và mong cậu thông cảm. Rất cảm ơn vì cậu đã là đồng đội của Tonic trong đợt event này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro