Không Tên Phần 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lần cuối cùng tôi gặp cậu thời tiết cũng như thế này: tiết trời đầu xuân vừa lạnh vừa ẩm, mưa phùn rả rích suốt ngày đêm tràn vào khung cảnh trắng mờ. Thời tiết ảm đạm, nét mặt cậu càng ảm đạm. Cậu đứng trước mặt tôi, mi mắt trĩu nặng những hạt mưa. Chúng tôi lẳng lặng đi cạnh nhau, không ai nói câu nào. Con đường từ đông thị trấn đến tây thị trấn ngắn ngủi, chúng tôi chia tay ở ngã tư trung tâm, nhà tôi đi về hướng những ngọn núi còn nhà cậu đi về hướng những cánh đồng, mỗi đứa một phương. Trước khi quay đầu bước đi, cậu nói với tôi: "Gặp lại Dương sau nhé!"

"Gặp lại sau." Tôi đáp.

Ba chữ 'gặp lại sau' tôi nói theo quán tính, lòng chẳng nghĩ ngợi gì, chúng tôi vẫn hẹn gặp sau những giờ tự học, sau một cuộc gặp gỡ vô tình trong cái thị trấn nhỏ này, ở cổng chợ, ở cửa tiệm hàng lưu niệm, ở sân vận động huyện,... tất cả khiến chuyện tạm xa nhau chỉ như một tích tắc, có gì mà nghĩ ngợi?

Chỉ không ngờ thời gian cho đến lần gặp tiếp theo của buổi tạm biệt ngày hôm ấy, lại kéo dài suốt sáu năm trời.

Sáu năm là khoảng thời gian dài biết chừng nào? Đủ để đứa trẻ hàng xóm mới sinh cạnh nhà tôi nay vào lớp một, đủ để cây sấu tự tay bố và tôi trồng trong sân giờ cao qua cả mái nhà. Đủ để gương mặt Quân trở thành thứ gì đó lờ mờ trong kí ức. Nhiều lúc đột nhiên nhớ về cậu, tôi vẫn hay cố hình dung ra từng đường nét trên khuân mặt Quân. Đã có lúc tôi chỉ cần nhắm mắt lại là ánh mắt, nụ cười, từng cái chớp mi, từng nhịp thở đều đều của cậu đã ùa về, sắc nét như một bức tranh HD, đến độ tôi cứ nghĩ là mình đưa tay ra sẽ có thể chạm tới. Nhưng dạo gần đây, thời gian để Quân xuất hiện trong tâm trí tôi ngày một dài. Khi tôi cố gắng, đầu tiên chỉ có mái tóc mềm, lúc chải thẳng mái dài qua lông mày một chút, sau đó là đường nét lờ mờ của quai hàm, vầng trán. Phải mất đến vài phút tiếp theo cố gắng tập chung, tôi mới lại hình dung được hàng mi dài thẳng, cái mũi cao, và bờ môi của Quân. Không phải lúc nào sự tưởng tượng về cậu cũng thành công. Đôi khi, trong quá trình khó nhọc ấy, cái chậu tưởng kí của tôi bị nhiễu loạn bởi một vài suy nghĩ bất chợt khác, có thể nỗi lo lắng về bản thảo chưa hoàn thành hay sự khó chịu nơi bờ vai đã bắt đầu có dấu hiệu đau thường xuyên (tôi ngờ rằng chứng đau xương khớp đã được di chuyền từ bố tôi, bố tôi cũng thường xuyên đau vai từ ngày còn trẻ). Mỗi lần như thế, khuôn mặt của Quân đang chầm chầm được tô vẽ trên mặt nước giống như bị ai đó ném vào một hòn đá, loang dần, loang dần rồi biến mất.

Tôi đồ rằng nếu thời gian cứ trôi qua phũ phàng như thế, rồi cũng có một ngày tôi quên tiệt Quân, cậu sẽ chỉ còn là những mảnh vụn kí ức, dải rác suốt thời trẻ thơ và niên thiếu, và đâu đó trong quãng ngày xuân trẻ của tôi.

Chớp mắt một cái chúng tôi đã xa cách sáu năm.

Lúc này, Quân lại đứng trước mặt tôi giống như ngày hôm đó, tôi thoáng tưởng rằng tôi và cậu đang ở trong cái lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau sáu năm về trước khi cả hai còn là sinh viên năm thứ tư đại học, dưới làn mưa phùn nhẹ, cậu cười với tôi. Tôi cũng mỉm cười với cậu, trong lòng không rõ đang buồn hay vui. Chúng tôi đều nhìn chăm chú vào đối phương, nhưng tâm trí lại miệt mài theo đuổi những cảm xúc riêng, những suy nghĩ riêng của mình, dù rằng ngay cả cái gọi là 'suy nghĩ riêng và cảm xúc riêng' trong tôi ấy cũng chỉ luẩn quẩn hướng về Quân.

Đôi lúc chúng ta chẳng hay như vậy đó sao? Ở ngay trước một người nhưng không tập chung vào người ấy mà lại tập chung vào suy nghĩ của bản thân về người ấy. Tôi cho rằng, sở dĩ mình như vậy vì tôi có thể điều khiển được suy nghĩ của tôi, thậm chí tự thêm thắt vào một số chi tiết hoặc điều chỉnh những chuyện tôi muốn thay đổi, còn đối với Quân đứng trực tiếp trước mặt tôi, tôi lại không sao năm bắt được, vì thế tôi trốn chạy vào trong thế giới riêng của chính mình.

Tôi cứ ngỡ dáng dấp cậu đã bị thời gian làm mờ nhạt, thế mà chỉ cần nhìn qua cũng nhận ra Quân cao lên so với ngày đó, tóc gọn gàng hơn, trên người mặc âu phục chỉnh tề dáng dấp lịch sự, nhã nhặn, không còn đi giày thể thao và mặc áo thụng quần bò như năm ấy. Cậu vẫn là Trần Anh Quân của tôi, nhưng lại không còn là Trần Anh Quân nữa.

Trong một giây, tôi thật sự hối hận vì đã chấp nhận làm phù dâu cho Vân. Làm phù dâu đối với một cô gái đã 28 tuổi quả là điều chẳng dễ chịu, hơn nữa, lại còn bị ép mặc đồng phục màu hồng chấm bi có đuôi xòe và viền đăng ten quấn một vòng từ ngực cho đến đầu gối. Thứ trang phục lố bịch đến phát sợ!

Tôi là người 'già' nhất trong đám phù dâu. Ba phù dâu còn lại đều là mấy cô bé sinh viên năm đầu đại học em họ của cô dâu chú rể, cái loại trang phục phù dâu nhí nhảnh như tôi vừa miêu tả hình như đã không còn hợp với mình, trong khi trên người những phù dâu khác tạo cảm giác tươi mới, thì tôi lại tự thấy bản thân thật kệch cỡm trong gương.

Tôi nghĩ cách trang điểm của mình cũng kệch cỡm nữa. Phấn mắt và phấn má hồng phấn cùng tông váy, mi giả thì quá nặng. Mấy tiếng rồi đứng đón khách, tôi không có thời gian soi gương, cũng lười nhìn lại mình, nhưng tôi dám đảm bảo lớp trang điểm ấy đang lem nhem vì thời tiết ẩm.

Thực ra đã lâu lắm rồi tôi không còn tự ti về ngoại hình của mình. Ngày còn trẻ, tôi vẫn trẻ, nhưng cái ngày còn trẻ hơn ấy, thi thoảng tôi cũng tự ti rằng da mình không đủ sáng hoặc vòng ba mình hơi quá lép, nhưng không phải mấy năm gần đây nữa. Tôi đã chấp nhận rằng mình không còn hứng thú với việc điệu đà. Thế mà, giờ phút này, cảm giác tự ti đột nhiên tràn về, giống như ngày mới lớn ấy. Tôi thấy mình lôi thôi, xấu xí không thể tả. Còn người đứng trước mặt tôi lại quá đỗi chỉnh tề, tự tin.

Ngày Vân gọi điện thông báo cho tôi là sẽ cưới ba tháng trước, tôi không ngạc nhiên. Dù sao Vân và Hùng – chú rể tương lai đã yêu nhau hơn mười năm, từ ngày chúng tôi còn là những học sinh cấp ba nghịch ngợm ném phấn vào nhau giờ ra chơi. Vân và Hùng đã dính lấy nhau từ khi còn là học sinh đó. Tôi từng đọc ở đâu đó rằng người mà chúng ta yêu khi còn niên thiếu là người mà chúng ta yêu nhất vì tình yêu khi đó chẳng màng cơm áo gạo tiền, cũng chẳng có lý do gì đặc biệt. Giữa trăm ngàn người ta gặp, lại chỉ có một mình người đó, yêu đơn giản là yêu. Hai người bạn của tôi đã xuất phát với tình cảm trong sáng như thế, ba năm cấp ba, bốn năm đại học, bốn năm đi làm, vẫn có thể kiên trì ở bên cạnh nhau rồi cho ra được một cái kết cuối cùng, quả là điều đáng ngưỡng mộ.

Vân nói: "Làm phù dâu cho tớ."

"Ừ." Tôi trả lời đơn giản ngắn gọn. Dù cũng phải hai năm rồi không gặp lại cô bạn, nhưng tình bạn thời cấp ba lúc nào cũng là cái gì đó thật ý nghĩa, không dễ phai mờ. Thời gian khiến chúng tôi trưởng thành và bận rộn với cuộc sống của người trưởng thành, không còn gặp nhau thường xuyên, nhưng chỉ cần nghe thấy giọng Vân, cảm giác thân thiết lại xuất hiện như thể chỉ vừa mới hôm qua chúng tôi còn mặc áo đồng phục ngồi học cạnh nhau, cùng nhau nhặt những cánh hoa phượng đỏ rực rơi lả tả về xếp thành con bướm rồi ép vào cuốn sổ chép đầy những thơ tình của Nguyễn Bính, Vũ Đình Minh hoặc lời bài hát của Đan Trường hay Quang Vinh, Ôi cái thời học sinh xa lắc xa lơ ấy!

Nhiều năm rồi mà cô ấy còn có thể không ngần ngại vô tư trao cho tôi trọng trách quan trọng trong ngày lễ của mình. Thế nên tôi cũng không ngại ngần mà đồng ý.

Tôi mừng cho Vân vì nói gì thì phụ nữ 28 tuổi cũng không còn là nhỏ, nhất là ở một thị trấn miền núi nhỏ nơi chúng tôi lớn lên, nơi thế hệ ba mẹ đa phần đều kết hôn vào những năm tháng mới chớm 20. Mẹ tôi lúc gọi điện cho tôi giục chuyện chồng con, vẫn thường nói: "Bằng tuổi mày mẹ đã có hai đứa học cấp 1 rồi."

Tôi vẫn cười chống chế bằng cách kéo dài giọng gọi mẹ, ý rằng tôi không muốn tiếp tục chủ đề này nữa.

Hôn lễ của cô ấy cũng nhắc nhở tôi rằng tôi là đứa cuối cùng trong đám bạn thân chưa ổn định. Và một hai năm nữa cũng không có vẻ gì là sẽ ổn định. Tức là những lời giục cưới, ca thán của bố mẹ và họ hàng sẽ còn đẩy tôi vào cái vòng lúng túng thêm vài năm nữa.

Thật ra vừa thấy dáng Quân qua khóe mắt, khi cậu mới bước từ sâu trong bãi đỗ xe bên kia đường hướng về phía này, tôi đã biết đó là Quân.

Tim tôi hẫng mất một nhịp vì ý thức điều ấy. Và như thể để bù cho cái nhịp bị hẫng kia, tim tôi bắt đầu đập một cách không kiểm soát được. Tôi thấy tay mình đẫm mồ hôi, ly rượu trong tay trở nên trơn tuồn tuột. Tôi hớp một ngụm rượu vang trắng đắng chát, khuôn mặt thì vờ vĩnh hướng về câu chuyện của một vị khách đang chào hỏi cô dâu và chúng tôi, khóe miệng cũng cười vờ vĩnh trước điều gì đó đáng buồn cười mà mọi người đang cười. Nhưng sâu trong lòng, tôi chỉ để ý đến một người đang điềm đạm bước tới. Nhìn cậu thì chậm rãi nhưng thực ra bước chân lại rất dài. Từng bước, từng bước một hướng về phía tôi.

Đã rất nhiều lần tôi tưởng tượng ra cảnh gặp lại Quân. Có thể là tình cờ đâu đó trên phố, dù Hà nội quá rộng lớn và đông đúc còn chúng tôi thì quá bé nhỏ và vô duyên. Biết vậy nhưng tôi vẫn không nguôi khát vọng ấy và trong mọi viễn cảnh gặp được Quân, tôi đều mong mình xuất hiện xinh đẹp. Có lẽ là mặc chiếc váy voan mỏng thướt tha nào đó, trên tay nên cầm vài quyển sách cho thơ mộng, và khuôn mặt thì trang điểm nhẹ nhàng, tinh tế. Chứ không phải là với vẻ bề ngoài trông như một con búp bê lỗi thế này.

Có một điều buồn cười là, trước lúc Quân đứng trước mặt tôi, tôi cho rằng cậu đang hướng thẳng tới tôi, rằng tôi là lý do mà cậu bước về phía này. Chỉ khi Quân đến và nói với Vân 'Chúc hạnh phúc trăm năm' tôi mới nhớ ra, đây là đám cưới bạn tôi, cũng là bạn Quân. Vân mới là nhân vật chính, không phải tôi. Và vì dẫu thế nào, một người khách cũng luôn đến để chào hỏi cô dâu. Có lẽ, tôi chỉ tình cờ đứng đó.

Không hiểu sao, ý nghĩ ấy lại khiến tôi thấy nhẹ nhõm. Rằng Quân không chú ý đến tôi nhiều tới mức tôi tưởng tượng, lại khiến tôi thấy nhẹ nhõm. Dù sao cũng nhiều năm rồi, nước chảy đá mòn, có lẽ cậu không còn bận tâm đến quá khứ nữa.

Vân cười bắt lấy tay Quân: "Ôi trời Quý hóa ghê cơ, tưởng bác sĩ danh giá như cậu không đến đươc cơ chứ!"

"Tớ làm sao bỏ lỡ được ngày của cậu với Hùng!" Quân cười đáp.

Vân cứ nhìn nụ cười của Quân, không biết là cố tình hay vô tình, mà liếc sang tôi. Nương theo ánh mắt của Vân, Quân cũng nhìn sang tôi. Ánh mắt cậu chăm chú, điềm nhiên. Tại sao cậu lại có thể điềm nhiên như thế trong khi tôi đang bối rối đến thế này? Tôi bỗng đâm ra hơi bực tức nhưng rồi lại thôi luôn, mình trẻ con quá.

"Chào Quân."

Tôi lấy hết sức bình sinh, nói được đúng hai chữ như thế. Chỉ mong, sự run rẩy đừng làm giọng nói cũng run rẩy. Chẳng mấy chốc sẽ ba mươi tuổi mà vẫn còn thẹn thùng như một cô thiếu nữ, có đáng xấu hổ không cơ chứ.

"Dạo này Dương thế nào?" Quân hỏi tôi.

Đến cả chất giọng cậu bây giờ cũng trở nên xa lạ. Trầm hơn, điềm đạm hơn, không còn dịu dàng và chút vội vã như ngày trước. Chưa kịp đợi nghe câu trả lời, Vân lấy cớ chào hỏi khách, lỉnh đi chỗ khác. Bỏ lại hai chúng tôi đứng đối diện nhau.

"Vẫn khỏe, lâu lắm không gặp cậu."

"Ừ, lâu quá rồi."

Phải, lâu đến mức mà chuyện cũ trở nên mờ nhạt, tình cảm cũng nhạt phai. Kí ức xa xôi đến mức có nhiều lần giật mình tỉnh ngủ, mơ về chuyện cũ mà tôi không biết là nó có thật hay chỉ là một giấc mơ dài.

Tôi không biết nói gì thêm, hình như cậu cũng thế. Vừa hay có ai đó từ đằng xa gọi Quân. Quân nhìn người bạn đang gọi mình phía sau, rồi lại nhìn tôi, vẻ mặt rõ nhẹ nhõm: "Tớ phải đi rồi. Nói chuyện sau nhé."

"Nói chuyện với cậu sau."

Thế rồi Quân quay người bước thật nhanh, mưa phùn lất phất sau lưng cậu. Lần trước chúng tôi nói 'gặp lại sau' đã mất sáu năm trời, lần này lại 'nói chuyện sau' không biết là phải mất bao nhiêu năm nữa.

Tôi cứ đứng đó, quay người sang hướng khác để lỡ Quân có quay đầu lại cũng không thấy được dáng vẻ thẫn thờ của mình, không còn hơi sức đâu mà chào hỏi khách khứa. Chân tôi trĩu nặng, đế giày cao gót khiến mắt cá chân đau run rẩy. Tôi không biết là cậu đi rồi trong lòng cảm thấy vui vẻ hay buồn bã. Có biết bao điều tôi với cậu đáng ra phải nói với nhau, nhưng lại chẳng có ai thốt ra lời nào. Tôi nửa muốn níu tay áo cậu, trò chuyện thêm một chút nữa, nửa muốn quay người chạy thật xa để cho trái tim bình tâm lại.

"Chị mệt à?" Một cô bé phù dâu hỏi tôi.

Tôi nhìn lên cười: "Không có gì, hơi đau chân thôi."

Không ngờ cái vẻ mâu thuẫn cùng cực của tôi lại lộ liễu như thế, đến một cô bé nhìn cũng ra.

"Nếu chị mệt thì vào trong ngồi một lúc đi, chút nữa còn phải đi theo cô dâu làm lễ. Bên ngoài này có bọn em rồi."

Tôi cảm động vì sự chu đáo của cô bé, cũng không khách sáo nổi nữa, đành trốn vào phòng thay đồ. Tôi cởi giày, quay mặt vào tường, tôi nhìn bức tường, còn bức tường chỉ đáp lại tôi bằng một màu trắng lạnh lẽo. Bên tai tôi tiếng chuyện trò của khách khứa và tiếng nhạc trộn và nhau, lúc to lúc nhỏ, đặc quánh vào không khí, hết sức khó chịu.

Đến giờ làm lễ, người phụ trách tổ chức vào tìm tôi, thấy tôi thì chê tôi nhợt nhạt, bắt tôi dậm lại son, đánh lại phấn để theo cô dâu ra ngoài làm lễ. Tôi nhìn hai tròng mắt giăng đầy tơ máu vì đêm hôm trước không ngủ chuẩn bị cho lễ cưới, dưới bọng mắt lấm tấm vụn marcara, thấy mệt mỏi vô cùng. Khi môi đã nhòe nhoẹt son và mặt nhòe nhoẹt phấn, tôi xỏ lại chân vào đôi dày cao gót, xách váy ra ngoài.

Phù dâu và phù rể xếp thành hai hàng trước cổng lễ, cô dâu đi trước theo lời của người tổ chức, tôi khoác tay một phù rể nào đó theo sau. Cậu ta trẻ hơn tôi nhiều, lại cao hơn cả cái đầu.

Nhạc bắt đầu nổi lên, tất cả ánh sáng tập chung vào con đường trải thảm đỏ rắc đầy hoa trước mặt.

Tôi bước ngay đằng sau Vân. Cô ấy mặc bộ váy cưới trắng muốt thướt tha, tất cả khách khứa đều đổ dồn ánh mắt về phía này. Bước vào lễ đường là một trải nghiệm có lẽ không cô gái vào có thể quên trong đời. Vân đi trước tôi, đầu ngẩng cao, vai thẳng, bước từng bước thật chậm. Bộ váy trắng muốt của cô ấy dưới ánh đèn trở nên sáng lấp lánh khiến nhớ đến những ngôi sao trên trời. Mấy năm sống ở Hà Nội, tôi tuyệt nhiên chẳng mấy khi còn nhìn được sao nữa, nhưng ngày còn nhỏ, bầu trời mùa hạ là cả một thế giới lấp lánh sáng rực rỡ mà lúc này Vân chính là thứ ánh sáng mê hoặc ấy, cô ấy là ngôi sao, là mặt trời của toàn dải ngân hà, vạn vật xoay quanh cô ấy.

Trong thoáng chốc, tôi bị cũng theo nhịp xoay của trung tâm vũ trụ, tai tôi mờ đi bởi tiếng nhạc lễ đường, giai điệu trầm bổng du dương và mắt mờ đi bởi vô số những tiểu ngân hà xung quanh mình.

Rồi tôi thấy Quân đứng điềm nhiên lẫn trong khách khứa, xung quanh là những người bạn học cấp ba mà tôi cũng quen thuộc. Nhưng những gương mặt ấy đều nhạt nhòa chỉ có cậu là sáng rõ, nom như một bức ảnh kĩ thuật số mà Quân là nhân vật chính còn tất cả những thứ không quan trọng đều bị làm mờ đi. Cậu đã cởi áo khoác ngoài chỉ còn mặc chiếc sơ mi trắng. Quân hơi ngả người người ra đằng sau, hai tay đút túi quần, khuôn mặt cậu lúc sáng rõ lúc mờ ảo sau những cánh hoa hồng và pháo bông đang rơi lả tả. Tôi không nhận ra mình đã nhìn chằm chằm cậu cho đến khi đi qua chỗ Quân, cổ tôi lại vô tình cứ ngoái lại, nhìn cậu thêm chút nữa.

Đi tới cuối lễ đường, phù dâu phù rể tách ra, cô dâu thì đi lên bục làm lễ. Vân Và Hùng tuyên thệ yêu nhau đến cuối đời, chúng tôi vỗ tay, tôi đưa dao cắt bánh cho cô ấy, hai người trao nhẫn, nhìn nhau say đắm. Bạn thân thời cấp ba của tôi nhìn vào chồng mình, cười như thể cuộc đời cô ấy lúc này là hạnh phúc nhất.

Tôi đã xong nhiệm vụ, lẳng lặng quay người đi thay bộ váy phù dâu sang một bộ váy đơn giản hơn. Tôi cũng bóc cả mi giả, rửa thật sạch mặt.

Lúc quay lại thì mọi người đã bắt đầu ăn uống. Tôi ngồi vào bàn của mình, hầu hết tất cả đều là bạn cấp ba. Bạn tôi đã cưới chồng gần hết, nhiều người mang cả con nhỏ tới, không khí rất vui vẻ. Cũng vì là cùng bạn cấp ba nên Quân ngồi ngay bàn bên cạnh, chỉ cần khẽ nghiêng đầu là tôi có thể thấy được cảnh cậu đang trò chuyện với bạn bè. Cậu không nói nhiều lắm, chủ yếu là người khác nói, cậu chỉ nghe, thi thoảng cười, thi thoảng gật đầu, thi thoảng nâng li rượu lên rồi nhấp môi một cái.

"Bây giờ Dương làm gì rồi?" Một bạn học cũ đột nhiên quay sang hỏi tôi.

"Tớ làm trong nhà xuất bản." Tôi đáp.

Công việc chán chết trong nhà xuất bản. Tôi làm ở bộ phận biên tập, hàng ngày ngồi chữa lỗi chính tả và sắp xếp lại câu văn cho người khác. Không phải tôi không thích công việc của mình, cũng có những phần mà tôi yêu thích ví như cà phê miễn phí mỗi sáng dù rằng tôi còn thậm chí chẳng mấy khi uống café và tất cả nhân viên sành uống đều không thích thứ café pha sẵn ở máy đó, nhưng tôi thích mùi hương nồng nàn, trầm ấm của café cứ luẩn quẩn trong không khí đến tận trưa. Ngoài ra thi thoảng chúng tôi cũng nhận được những bản thảo khá thú vị, ngờ nghệch đến mức không thể ngờ nghệch hơn và tôi vẫn làm một chuyện cực kì xấu tính đó là đem những đoạn văn ngây thơ ấy đọc cho cả phòng và cùng cười.

Nếu tôi làm việc chăm chỉ thì lương vừa đủ để sống và thi thoảng sắm sửa chút đồ cho cuộc sống còn tẻ nhạt hơn cả công việc một nghìn lần của tôi.

"Thế bao giờ cậu mới định cho bọn này ăn cỗ hả? Con gái cả lớp còn mỗi cậu thôi đấy."

Câu này tôi nghe nhiều rồi. Không chỉ bạn bè mà bố mẹ, họ hàng mỗi lần gặp đều hỏi thế. Phía bên kia bàn đột nhiên Quân ngẩng đầu lên nhìn tôi giống như là cậu ấy cũng đang chờ đợi câu trả lời. Tôi chỉ cười nhẹ thay cho lời đáp.

Vừa hay, Vân và chú rể đến chúc rượu. Sự chú ý của mọi người lập tức đổ dồn trở lại về hai nhân vật chính. Chúng tôi hò hét, chúng mừng, ai cũng bị uống mấy li. Đến lúc tàn cuộc tôi đã cảm thấy lảo đảo. Tửu lượng của tôi không được tốt, nếu không nói là thấp đến thảm hai. Chỉ hai chén rượu thôi mà cơ thể tôi nóng bừng bừng, mặt mày đỏ gắt. Tạm biệt mấy người bạn cũ xong tôi đi đến phía cổng nơi cô dâu chú rể đang chào khách khứa. Vân nhìn tôi, cười: "Hôm nay cậu vất vả nhiều rồi, cảm ơn nhé. Nhớ về nghỉ ngơi đấy!"

"Mệt làm sao bằng cậu, tự lo cho bản thân đi!" Tôi cũng cười đáp.

Tối hôm qua tôi thức, Vân cũng thức cả đêm bồn chồn lo lắng, tôi nhớ cô ấy chẳng chợp mắt được mấy, cứ đi loanh quanh trong nhà kiểm tra mọi thứ đã đâu vào đó chưa. Hơn nữa cô ấy đi một vòng mời rượu phải uống gấp mười lần tôi. Chắc chắn Vân mệt hơn tôi nhiều lắm. Tôi xiết cô ấy một cái thật chặt, thì thầm: "Hạnh phúc nhé."

Vân không đáp, chỉ có những ngón tay là bấu mạnh vào bả vai tôi.

Lễ cưới kết thúc tốt đẹp như thế.

Tôi đứng trước trước nhà hàng, ngửa cổ lên nhìn trời, bật ô rồi lại cất ô đi. Trời vẫn mưa nhẹ nhưng không khí thì ấm hơn lúc sáng.

Có một bí mật thế này. Tôi rất thích mưa. Từ mưa phùn mùa xuân cho đến mưa rào, thậm chí là giông bão. Tôi không biết mình thích mưa từ khi nào, nhưng hồi nhỏ có một lần anh trai tôi nói anh ấy ghét mưa vì mưa rất bẩn, bà tôi đã mắng anh ấy bảo: "Mưa là lộc của trời đất làm cây cối sinh xôi và nảy nở rau quả, con phải biết ơn chứ."

Không biết có phải là do những lời của bà tôi mà ngày đó thi thoảng tôi vẫn đứng dưới mưa, không mũ áo gì, ngửa mặt lên trời cảm thấy những hạt mưa vỡ tan trên lớp da trần của mình, tưởng tượng mình là một cái cây, lạnh nhưng thật sảng khoái.

Rất nhiều năm rồi tôi không làm thế nữa. Cũng chẳng hiểu sao lại nhớ về chuyện này. Hình như là do vì uống rượu, cả cơ thể nóng hầm hậm nên tự dưng sinh ra tha thiết với những hạt mưa mát lạnh như kim châm chạm vào làn da. Nhưng lúc này, giữa chốn đông người tôi không còn cái can đảm làm những gì mình thích mà không để ý đến xung quanh như ngày còn nhỏ nưa.

"Cậu đi bộ à?" Đột nhiên có tiếng người vang bên tai.

Tôi giật mình, ngửi thấy một mùi thơm nhẹ, giống như mùi thảo mộc, vừa hắc, vừa trầm. Quân đứng cạnh tôi trong chiếc áo sơ mi trắng, cũng đang nhìn về phía bầu trời mờ mịt.

"Ừ." Tôi đáp. Nhà tôi gần nơi tổ chức hôn lễ lại còn mặc váy vóc nên không thích hợp đi xe máy.

"Để tớ đưa Dương về." Quân quay sang tôi, đề nghị.

"Không cần đâu." Tôi đáp không do dự, cười với Quân một cái, lần cuối chúng tôi gặp nhau trong tiết trời như thế này tâm trạng đã nặng nề không tài nào kể xiết, tôi không muốn nhớ lại cảm giác ngày ấy, và chắc là cậu cũng không. "Tớ về đây. Gặp lại Quân sau nhé."

Những câu nói kiểu như 'gặp lại sau', 'nói chuyện sau' tôi với cậu đã nói không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần nói ra, trong lòng tôi đều có cảm giác đó là những lời cuối cùng chúng tôi có thể trò chuyện với nhau. Nếu có cái gọi là duyên số, thì duyên số của tôi và cậu đã đứt đoạn từ nhiều năm về trước, tốt nhất là không nên gặp lại nữa.

Vì thế tôi đi bộ về nhà một mình. Bỏ lại sau lưng là Trần Anh Quân và làn mưa lất phất.

Lúc tôi về đến nhà, mẹ tôi đang ở sau vườn rau nhặt cỏ. Nhà tôi mấy năm trước đã xây lại nhưng kết cấu vẫn là theo kiểu nhà cũ: Một phòng khách lớn với hai phòng phụ ở hai bên, trước mặt là một mảnh sân có lợp mái tôn và trát xi măng, mé bên phải kéo dài và nở rộng ra ở đằng sau là vườn tược.

Mẹ tôi là mẫu người phụ nữ chăm chỉ, tần tảo điển hình của thời ngày xưa. Bà luôn dậy sớm, làm các công việc nhà, nấu cơm ngày ba bữa cho bố tôi. Cả bố và mẹ tôi đều không phải người ở thị trấn này. Bố tôi thì mồ côi từ nhỏ, từ rất sớm đã theo người ta lên núi khai thác than còn gia đình mẹ tôi thì chạy loạn thời chiến tranh những năm 50 của thế kỉ trước, từ đồng bằng lên tận nơi khỉ ho cò gáy ấy. Nên khi nói về Quê hương, cha mẹ tôi luôn ngẩn ngơ nghĩ về một chỗ xa xôi nào đó dưới đồng bằng, còn tôi sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, quê tôi lại vĩnh viễn là cái thị trấn miền núi nhỏ này.

Mẹ tôi đội cái nón đã cũ mềm để che mưa, bàn tay thoăn thoát làm việc. Tôi cũng thay quần áo, ra nhổ cỏ với mẹ. Ngày tôi còn bé, để tăng thêm thu nhập thi thoảng mẹ tôi cũng ra chợ bán nông sản, nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu hơn nữa số tiền lương hưu của bố tôi và trợ cấp hai anh em gửi về mỗi tháng cũng đủ để bố mẹ sống thoải mái nên nông sản chủ yếu để gia đình ăn. Vườn nhà tôi trồng rất nhiều thứ: cà chua, bắp cải, xu hào đủ loại, tuần nào cũng gửi cho tôi một thùng vì sợ rau trên thành phố ăn không đảm bảo sức khỏe. Cũng có thời tôi mơ ước trở thành bác nông dân, mơ ước sẽ trồng ra những hạt gạo thơm ngon nhất, những trái dưa chuột to nhất, những quả cà chua đỏ nhất. Mơ ước đó hình như từ ngày tôi còn bé xíu chưa học lớp một, được nuôi dưỡng bởi bà ngoại là một nông dân thực thụ và những buổi chiều chạy nhảy vô tư trên đồng ruộng, không biết là đã tắt lịm từ bao giờ.

Cả hai chúng tôi cứ yên lặng nhặt cỏ. Mãi lâu, mẹ tôi mới lên tiếng: "Tối lại đi luôn à? Sao không ở nhà thêm mấy hôm?"

"Con đã nghỉ làm hai hôm rồi, sao nghỉ nhiều quá được."

Mẹ tôi chẳng nói gì nữa, nhưng tôi cảm thấy sự thất vọng của mẹ tràn sang cả tôi. Thực ra tôi không phải một đứa con tốt. Cả tôi và anh tôi sau khi đi học đều ở lại thành phố. Tôi ở Hà Nội, còn anh tôi ở Thái Nguyên, nhà chỉ còn bố mẹ. Cả hai đều không thường xuyên về thăm nhà, mỗi lần về thăm đều rất miễn cưỡng. Tôi không biết lý do của anh tôi là gì. Nhưng tôi biết rõ lý do của mình. Mỗi khi vô tình xem một quảng cáo nói về tình cảm gia đình hoặc nghe ai đó nói con nhà người ta bất hiếu, tôi đều chột dạ nghĩ về bản thân, sau đó luôn tự nhủ có dịp sẽ về thăm cha mẹ nhiều hơn, cuối cùng vẫn đâu lại hoàn đấy. Tuy bố mẹ không bao giờ trách nửa câu nhưng cả hai anh em đều âm thầm cảm nhận được sự không bằng lòng của họ.

Tôi bèn chuyển chủ để: "Mẹ nhớ nhắc bố uống thuốc đều nhé, bao giờ hết con lại gửi lên."

Bố tôi bị đau xương khớp từ lâu, cứ mỗi lần thời tiết ẩm ướt như này là đi lại khó khăn. Cũng nhiều lần tôi với anh trai đưa bố về bệnh viện lớn, thuốc tây tàu gì cũng thử qua mà không có tác dụng. Không biết lần năm ngoái anh tôi nghe ngóng được ở Hà Nội có chỗ cắt thuốc nổi tiếng, lại gần nơi tôi sống vì thế giao nhiệm vụ mua thuốc cho tôi, không ngờ uống vào lại có hiệu quả.

Xe của tôi sẽ xuất phát lúc 6 giờ chiều, khoảng 11h đêm thì lên đến Hà Nội. Buổi chiều tôi ăn cơm sớm rồi lại sắp xếp đồ đạc lên thành phố. Ngoài cha mẹ tôi, còn một người bạn cấp ba của tôi nữa cũng đến tiễn. Cô ấy tên là Phương. Học xong đại học thì trở lại thị trấn làm việc trong phòng thuế ở đây, cũng đã kết hôn rồi.

Ngày trước tôi, Phương, Vân và một người nữa chơi với nhau thân như chị em. Thị trấn này vốn nhỏ, chúng tôi quen biết nhau từ ngày còn bé tí, đứa nào đứa nấy chân trần bắt chuồn chuồn trên những cánh đồng ngô, trải qua hai mươi năm, cuộc sống đổi khác, chỉ có sự quan tâm dành cho nhau là vẫn còn. Chúng tôi nói chút chuyện phiếm về cuộc sống.

Thế rồi, Phương hỏi tôi: "Quân cũng về tối nay, cậu ấy không đưa cậu xuống Hà Nội à?"

"Sao Quân phải đưa tớ đi?" Tôi vẫn tiếp tục gấp quần áo bỏ vào vali, hỏi lại.

Phương yên lặng một lúc, nhìn tôi: "Chuyện đã qua nhiều năm rồi, tại sao các cậu còn không tha thứ cho nhau?"

Tôi không trả lời, tôi không muốn nhắc lại chuyên cũ, trong lòng rối bời. Thực ra tôi tha thứ cho Quân, tôi lúc nào cũng tha thứ cho cậu ấy, tôi chỉ không thể tha thứ cho chính mình. Tôi không thể nào gặp cậu mà không thấy hổ thẹn, vì thế, chúng tôi tốt nhất là nên quên nhau đi. Chẳng qua việc quên cậu tôi đã cố gắng làm suốt sáu năm, chưa bao giờ thành công.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro