bên bờ chênh vênh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

3.

Một hôm, gấp cuốn truyện thiếu nhi cũ mèm lại, Du lơ đãng hỏi tôi:

- Anh nói xem, khi Cáo biết Hoàng Tử Bé sẽ không bao giờ quay về với nó nữa, nó sẽ thế nào?

- Hẳn là đau đớn chứ.

- Chắc vậy rồi. – Du gật gù. – Chắc đau lắm nhỉ. Người mình chờ mong lại biến mất như vậy, chắc là đau lắm. Vậy anh nghĩ, chờ đợi một kẻ mãi mãi không tới, và biết người đó mãi mãi sẽ không tới, cái nào đau đớn hơn?

Ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi tôi bước lại ôm lấy Du, thì thầm.

- Anh không nghĩ về chuyện đó. Chẳng ai đem nỗi đau đi cân đo đong đếm. Nhưng nếu em hỏi cái nào đáng sợ hơn, anh nghĩ hẳn là cái đầu tiên.

- Tại sao thế?

- Tại sao à. Vì hy vọng hão huyền, buộc người ta phải sống thật lâu chăng?

Du dựa hẳn vào tôi, cười híp mắt. Môi đẹp hơi dẩu lên và hai má phúng phính, như đứa nhóc thích thú vì tìm được bản đồ báu vật. Rồi em bảo, anh nói đúng, chẳng ai đem nỗi đau ra cân đo đong đếm. Vì đau thì là đau thôi. Còn quan trọng đau đến nhường nào, đau hơn hay đau kém sao. Nhưng mà loài người không có miễn dịch nào với nỗi đau cả, nên chúng ta cứ nói về nó suốt. Rồi, nửa ngái ngủ, nửa lười biếng, Du khép mắt, bâng quơ buông những lời tôi không bao giờ quên.

- Nhưng mà, anh biết không, đáng sợ nhất, vẫn là chờ đợi một kẻ không tới dù biết kẻ đó sẽ không tới, mãi mãi.

Khi tôi về nhà, Thụy đang nhảy tưng tưng trên sô pha. Du thì cặm cụi nấu nấu nướng nướng. Tôi hừ lạnh với Thụy:

- Vậy mà cứ bảo yêu em Du lắm thế này thế nọ. Yêu sao còn bắt em Du nấu cơm?

- Vì em Du nấu ngon. – Cô nàng tỉnh bơ cười toe. Trong bếp, Du cũng cười thành tiếng.

- Thôi được, chị em các người cứ trơ tráo bênh nhau. Du, em để cô ta hành xác vậy sao? Cũng có tự nguyện nấu cho anh bao giờ đâu?!

- Vì anh nấu ngon. – Du toe toét, ngoắc ngoắc tay gọi Thụy vào sắp bát đũa.

Nhìn cứ như một đôi sủng nam nịnh nữ. Thấy mình có dẩu mỏ chu môi dỗi hờn thế nào cũng vô ích, tôi lại lọc cọc đi bày ghế, bày cốc. Du bữa nay đặc biệt trổ tài, có mướp đắng xào trứng khói trắng vỡ bung, có bò sốt vang thơm lừng, cả lạc rang nóng hổi để nhâm nhi, và trứng cút kho nước hàng. Bụng tôi réo ầm ĩ. Thụy híp mắt sung sướng, đắm đuối nhìn mâm cơm, rồi sau oang oang chỉ mặt tôi:

- Du, thằng chồng em nó tính ngoại hình với đĩa trứng cút!

- Nhảm nhí, ngoại tình với trứng cút thì tôi liệt luôn à?!

- Du, thằng chồng em bất lực rồi!

Thật là cái mồm độc ác. Du cái gì cũng không nói, chăm chú gắp gắp những miếng thịt mềm nhất bỏ vô bát tôi, gắp vô bát Thụy quả trứng bự tròn nhất. Vì tôi thích thịt bò hơn trứng, và Thụy thích trứng hơn thịt bò. Công bằng đến khổ sở.

Đang ăn, Thụy đột nhiên không mồm mép tép nhảy nữa, im lặng lạ thường. Mất một lúc, tôi mới nhận ra sự lạ thường đó. Tôi bèn đợi Du, nhưng em không lên tiếng, dù tôi biết em cũng nhận ra không khí yên ắng kì quặc này. Có gì đó trầm mặc lập lờ bay giữa chúng tôi. Như thể tất cả đều nín thở, chờ một việc không rõ xảy ra. Một việc mà, hẳn là trọng đại lắm. Chỉ không gọi tên được thôi.

- Tớ rất yêu các cậu. – Thụy ngẩng lên, nhìn thẳng vào tôi. Không, không phải vào mắt tôi, vì lúc đó tôi vẫn còn cúi đầu ra vẻ chăm chú ăn. Nhưng tôi cảm nhận được ánh mắt cô đâm xuyên da, xuyên hộp sọ, chạm tới não. Nhói lạnh.

Chúng tôi, tôi và Du, đều ngừng đũa.

- Gì?

- Tớ rất yêu các cậu. – Cô từ tốn nhắc lại.

- Em biết mà. – Du khổ sở nhếch môi vẽ ra một nụ cười méo mó. – Nhưng sao, đột nhiên…?

- Chẳng đột nhiên gì cả. Tớ chỉ muốn các cậu biết thế thôi. Rằng tớ rất yêu các cậu. – Thụy cười, không phải giả tạo, tay chống cằm, mũi nhỏ hếch lên. – Rằng tớ thích việc chúng mình chơi với nhau, và việc hai cậu cặp kè, và việc hẳn là tối nay các cậu sẽ làm tình. – Tôi thấy mặt mình nóng ran. Không biết Thụy lại Tây hóa thế đâu nhé! Và khi nói vậy, ý tôi là, Thụy vốn không cởi mở tới độ có thể thản nhiên nói về tình dục. Thụy chẳng hề bận tâm, mắt xa xăm nơi nào, nhẩn nha nói tiếp. – Tớ thích nhất ý nghĩ hai cậu đang yêu nhau. Rất thích đấy! Hai người bên nhau hợp vô cùng. Nếu Việt Nam cho kết hôn đồng giới nhỉ… Tớ muốn được dự đám cưới.

- Chị sẽ làm phù rể chăng? – Du cười, bớt khổ sở hơn trước. Tôi thì vẫn thấy cơ mặt mình căng cứng.

- Ừ ừ, có lẽ vậy. Nếu vầy thật thì thích nhỉ. Còn khi chị cưới, Du có làm phù dâu không?

- Phù dâu phải để cô bạn thân nhất chứ, chẳng lẽ em lại mặc váy à?

- Đâu mà. Nhưng Du thì cũng tính là thân nhất rồi. – Thụy mơ màng, như đang mường tượng đám cưới của mình.

- Vậy bắt anh ngốc kia mặc váy làm phù dâu cho chị hợp hơn chứ?

Rồi hai chị em cứ khúc khích với nhau. Tôi đích thực như thằng ngốc, ngồi ngây người nghe họ nói nói cười cười. Giữa Du và Thụy chảy trôi một thấu hiểu âm thầm nào đó tôi không nắm bắt nổi, một hiệp ước bí mật chỉ của riêng họ. Thật tâm, tôi có hơi sợ hãi trước vẻ thân thiết đó. Cứ như họ đang giấu giếm tôi một sự thật khủng khiếp vậy.

Đêm ấy tôi và Du không làm tình. Chẳng rõ có phải tại câu nói của Thụy trong bữa ăn chăng. Tôi ôm người yêu ngủ, thấy bồn chồn âu lo suốt buổi tối đang dần tan chảy, bốc hơi. Du thở thật nhịp nhàng, đều đặn, ngực phập phồng ngoan ngoãn trong vòng tay tôi. Bình yên ùa về như bất tận. Rồi tôi mơ về đám cưới của mình và người yêu, trong ánh sáng vàng ươm hiếm hoi của một ngày đông lạnh lẽo. Tất cả bừng ấm, chói nhòa. Du siết chặt tay tôi, và hôn tôi, môi mỏng thật mỏng mềm mại ngọt lịm. Thụy đứng trước chúng tôi, khuôn mặt tràn sáng không nhìn rõ. Tôi chỉ cảm nhận được cô đang cười. Một nụ cười đơn thuần hình thức, không bộc lộ vui buồn. Cô có mừng cho chúng tôi không? Đám cưới này có thật là thứ cô muốn thấy không? Hay cô căm giận tôi đoạt mất Du khỏi cô?

Một lần Du bảo muốn đi du lịch. Vì vậy tôi và Thụy cùng nhau hẹn, mùa hè đến, thì lên đường.

Đi đâu nhỉ? Đi Huế xem cung đình. Đi Hồ Chí Minh nhậu nhẹt. Đi Nha Trang biển đẹp mêng mang. Đi Bắc Ninh í ới quan họ. Đi Đà Lạt hoa nắng um sùm. Cư nhiên không thể chỉ loanh quanh Hà Nội ngắm Hồ Gươm Tháp Rùa rồi. Du lịch mà. Vậy đi bụi phượt hết miền Bắc? Hay ra luôn nước ngoài cho sang. Chị đây sẽ bao. Anh chi một nửa.

Cứ thế hỉ hả, hỉ hả, mới mùa xuân đã nói chuyện mùa hè. Du cười mãi. Bảo, nhìn hai người như đám trẻ tíu tít. Có khi còn vui hơn em lận. Thụy giãy đành đạch, mếu máo. Đâu nào, bàn tính là để Du vui mà. Thế rồi cô rơm rớm nước mắt. Đấy, tôi đã bảo rồi, đôi khi cô khóc vậy thôi, chẳng vì gì cả. Nhưng ồn ã là vậy, sau cùng, chúng tôi cũng không có dịp nào đi với nhau.

Khi những hạt mưa xuân tí tách tí tách trên mái hiên, những chiếc lá non rung rinh tươi vui, Thụy giấu mình trong chiếc áo len dạ xám bạc và hát “Almost Lover”, khàn khàn, u uất. Cô dựa đầu vào thành cửa sổ, tóc trôi trên vai, mắt lim dim lười biếng. Rồi vươn tay cố nắm lấy những giọt nước trong suốt. Nhưng chúng vẫn trượt mất. Có một giọt này đọng giữa lòng bàn tay, cô nâng niu ngắm nghía, giữ nó bên mình, bất chấp tay mỏi nhừ đau nhức. Song chỉ chút xíu sau, giọt nước bốc hơi mất. Thân nhiệt loài người 37C cũng đủ làm nước hóa thành hơi, bỏ đi mất rồi.

Cô nửa khóc nửa cười, bảo tôi vậy. Mất mát đó đau đớn quá. Nó bỏ đi mất rồi. Biết làm sao đây.

Khi tỉnh mộng, tôi nghĩ, mất mát của mình còn đau đớn hơn chứ. Thụy đã bốc hơi khỏi thế giới này.

4.

Thiếu Thụy, cuộc sống của tôi và Du cũng chẳng có nhiều thay đổi. Ở trường, người ta đồn thổi đủ điều, rồi bạn bè hỏi tôi này nọ, nhưng những chuyện đó kéo dài không lâu. Có người nói Thụy bỏ đi với một gã họa sĩ theo chủ nghĩa xê dịch. Có người bảo cô đã trầm mình ở sông Hồng tự vẫn. Hay ai đó lại nói cô đang đi tìm lại bản thân, thật ngớ ngẩn, Thụy đã quá già để hành động nông nổi kiểu đó – và chính cô cũng tự nhận vậy. Bao nhiêu là đồn đại, chuyện bịa li kì, tôi ngỡ Thụy đột nhiên phân thân, mỗi thân ảnh sống trong một thế giới – một lời đồn. Nhưng, đồn thế nào, đồn ra sao, tất cả đều chắc chắn một kết luận chung: Thụy đã không còn ở đây nữa, và gần như chắc chắn, cô sẽ không quay lại. Suy nghĩ ấy, đôi lúc, khiến tôi buồn khủng khiếp.

Mở mắt mới là bốn giờ sáng. Du rúc sát vào người tôi, cuộn tròn co ro, khuôn mặt bầu bĩnh hơi phụng phịu như hờn dỗi, tóc mềm xòa trên mặt, trên gối, trông em ấm áp và yên ả. Một tia sáng rất nhỏ xuyên qua khe cửa sổ, đơn độc vẽ một đường xám mờ trong màn tối. Tỉnh dậy sớm dù mới chỉ ngủ đôi ba tiếng, tôi vẫn thấy tỉnh táo, và không thể ngủ lại. Tôi vuốt nhẹ má Du, nghịch nghịch những sợi tóc vương trên mặt em, lông mi dài yêu chưa này, thật chỉ muốn thơm một cái. Gần đây Du bắt đầu dạy gia sư Tiếng Anh cho hai nhóc lớp 11 nghịch như quỷ, ngày nào xong việc về em cũng than thở, còn gầy đi trông thấy. Tôi xót, nhưng không muốn Du cảm thấy bị phụ thuộc, nên đành dằn lòng không cản em.

Kéo người yêu lại ôm, tôi nằm nghĩ miên man. Hôm trước sếp cứ bắt đi khách với ổng, uống đến tởn rượu. Rồi còn dự án mới, sộp, nhưng tất nhiên yêu cầu không dễ dàng, áp lực chồng chất, mà cô nàng trưởng phòng thì săm soi nhân viên suốt ngày. Mẹ Thụy mới gọi điện, không nghe được đau buồn hay nước mắt trong giọng nói lúc nào cũng như thủ thỉ, chỉ toàn, “Thôi con giữ sức khỏe nhé”, tôi cũng không hỏi han được gì về cô. Lại còn đám sinh viên năm nhất, có một cô bé công khai theo đuổi tán tỉnh Du – có lẽ chưa ai cho nàng ta biết Du đã có tôi, có lẽ rồi nhưng cô không quan tâm. Bất giác tôi cảm thấy mệt mỏi. Thấy buồn. Và nghĩ về nỗi buồn vô cớ ào tới trong giây phút này, dù người yêu đang ngủ ngoan bên cạnh, dù cuộc sống vẫn bình lặng trôi đi. Tôi quyết định nhắm mắt, cố dỗ mình vào giấc ngủ nặng nề. Bên tai vẳng từ đâu một câu hát xa xăm, xa đến độ, có lẽ, chỉ là một lỗi giác.

“I never want to see, you, unhappy

I, thought you want the same, for me…”

Khi tôi hỏi Thụy, sau này cô muốn làm gì, Thụy thường cười không đáp. Tôi lại bảo, chán thế cơ à, nghề nghiệp tương lai cũng chưa quyết nữa. Thụy nhún vai, cười khùng khục, làm tôi thấy mình như một thằng oắt đang ra oai, thế là bực bội bặm môi.

Đến lúc ấy làm được cái gì thì làm thôi, nghĩ sớm mà làm chi, cô nghiêng đầu.

- Với lại, tớ cũng không muốn lớn nhanh thế.

- Có phải Peter Pan đâu, hão huyền vừa thôi! – Tôi rít thuốc, cười nhạo.

- Nếu Peter Pan là một nghề thì đó sẽ là nghề tớ muốn làm. Còn không, chẳng có cái gì là tớ muốn làm cả. – Thụy chăm chú với điếu thuốc của mình, không cười. – Ý tớ là, nghề kiếm ra tiền đấy. Phải làm vì mưu sinh, là chuyện khác rồi.

Phải làm vì mưu sinh. Đó là một câu nói buồn vô cùng. Vì chúng ta không thể dứt bỏ cái gánh cơm áo gạo tiền. Vì sự tồn tại của con người đều thật trần tục, phải ăn, phải uống, phải tiêu tiền, phải vứt bỏ vô số thứ để níu giữ một cái mạng, phải vứt bỏ nhiều hơn nữa để níu giữ cái mạng mình đã được gắn kết với những cái mạng khác. Nhưng không ai lên án điều đó, tôi cũng không. Chẳng có gì sai khi cố sống như tất thảy mọi người. Tôi chỉ, cảm thấy thật là buồn.

Thụy có lẽ cũng buồn thế. Cô hay buồn trước những phi lí của nhân gian. Mà như thế tức là cô buồn nhiều lắm. Trước đám đông cô luôn có cái mặt nạ tươi cười hăm hở rất dày, nhưng lúc chỉ còn chúng tôi – cố gắng thành thật với nhau, cô mang gương mặt ngây buồn – một mặt nạ mỏng hơn. Tôi chỉ đoán, tận sâu sau những lớp mặt nạ, là một con người vụn nát vì tuyệt vọng và đau khổ. Bởi những lí do không ai được phép hỏi.

- Anh lại nghĩ gì rồi.

Tiếng Du mềm mại vang lên, kèm một tia ngái ngủ, nhưng có thể em giả bộ thế, để che giấu việc đã tỉnh giấc và quan sát tôi từ trước. Du hay làm thế, để khiến người khác đỡ ngại ngùng – đâu ai ưa bị người khác quan sát, tuy với tôi, nếu là Du, thì chẳng hề gì.

- Đâu có. Anh chỉ nhìn linh tinh thôi. – Tôi vỗ má em, cười nhẹ.

Du hừ nhẹ, đặt bàn tay lạnh giá lên ngực tôi tìm hơi ấm. Mãi sau, em hỏi, gần như bâng quơ:

- Anh nói xem chị ấy, giờ đang ở đâu?

- Ai cơ?

- Thụy.

- Làm sao anh biết được? – Tôi bật cười.

- Chỉ đoán thôi mà.

- Đoán thôi à? Ở đâu ấy à…?

Thụy sẽ ở đâu? Một quán giải khát quê mùa nằm tít sâu ở một làng quê hẻo lánh, tán bàng rộng lớn khi vào hè sẽ sum suê lá và tràn đầy nhựa sống, nhưng khi đông giá thì chỉ trơ trụi và xám xịt. Đồi cao mênh mông nơi Sapa xa tít giờ này có thể có tuyết rơi trắng xóa và băng đọng tê buốt. Bờ biển vắng hoe vẳng tiếng chim thảnh thốt và sóng biển ầm ì át mọi âm thanh của sự sống. Trên những con phố đông đúc tắc nghẽn, đen kịt khói bụi và còi xe inh ỏi, không ai nhìn ai, không ai tự nhìn mình. Có thể là nơi nào?

Sau cuối, tôi siết chặt tay Du, cố truyền cho em chút thân nhiệt, và bảo:

- Nơi mà cô ấy có thể chạm tới hạnh phúc của mình. Nơi mà cô ấy biết, ở đây, chúng ta vẫn có nhau.

Nơi nào chẳng được. Với Thụy, nơi nào cũng như nhau thôi. Chỉ cần ở đó, cô tìm thấy cô quạnh và đơn độc. Để ít nhất một lần trong đời, Thụy được trút bỏ hết những mặt nạ dối trá.

Du im lặng rất lâu, rất lâu, tôi ngỡ em đã ngủ quên. Nhưng rồi tôi nhận ra, em đang khóc. Dòng nước mắt không thành tiếng. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tuyệt vọng như vậy, một bất lực tuyệt đối và nghẹn thở.

5.

Tôi có từng nhắc đến cô bé năm nhất đang theo đuổi Du chưa? Tên cô ấy là Minh. Cái tên mạnh mẽ như chính cá tính cô.

Cô đến tìm tôi vào một chiều muộn sương lạnh, khi tôi vừa tan lớp. Quần bò, áo phông đỏ và áo khoác xám nhạt mỏng, trông cô hoang dã và bất cần. Tóc nâu hơi rối, ngắn, những sợi tóc tùy tiện lòa xòa trên trán. Không đeo kính, môi mím chặt. Tôi có cảm giác cô vừa lo sợ vừa giận dữ, như chú thú nhỏ xù lông trước kẻ thù. Dáng người mảnh khảnh, chân tay nhỏ xíu, lại cố gồng mình lên khi đứng trước tôi. Dù rằng tôi là gã đàn ông mặc ba lớp áo, áo dạ dài tay, áo len cao cổ, áo khoác da dày xụ, và trên cổ quấn chiếc khăn len to bự che nửa mặt, và chân đi bốt giữ nhiệt – cái vẻ của một thằng nhát gan.

- Có chuyện gì vậy? – Chỉnh lại khăn quàng, tôi hỏi. Không phải cố tình, nhưng âm thanh phát ra trở nên lạnh lẽo và bực bội. Tôi nghĩ tôi thấy một tia đỏ trong mắt Minh.

- Anh là, người yêu của anh Du? – Cô bé như cố tránh nói từ “bạn trai”.

Tôi tủm tỉm, trong đầu lóe một tia trêu chọc thích thú.

- Anh thích được bảo là “chồng” hơn.

- Cái gì-?! – Minh đỏ bừng mặt, xấu hổ lẫn tức giận. Cô nhăn nhó như muốn phát nổ. – Chuyện đó mà anh cứ rêu rao vậy sao?

- Có gì đâu. Nếu không rêu rao thì giờ này em cũng chẳng biết Du đã có người kia mà. – Tôi cố nhấn mạnh từ “rêu rao”. Nhìn mặt Minh hóa xanh hóa đỏ, chút nữa tôi đã phá lên cười.

Sau lưng Minh là hai ba cô gái khác đang thấp thỏm nhìn về phía chúng tôi, chắc là bạn của Minh. Tôi thơ thẩn nghĩ, kéo bè kéo đống như vậy, là để ủng hộ tinh thần Minh hay tính đánh hội đồng tôi nhỉ – thật buồn cười mà (không hề mỉa mai đâu nhé).

- Anh- Anh hãy buông tha cho anh ấy đi! Du không đáng bị… vậy!

Bất giác tôi thấy mông lung. Đã lâu rồi mới lại nghe những lời như thế. Tôi còn nhớ như in giọt nước mắt không kìm được của mẹ Du khi biết về quan hệ chúng tôi. Cha Du đã mất từ lâu, cả gia đình chỉ còn hai mẹ con đơn độc bên nhau. Bác gái, gần như tuyệt vọng, cầu xin tôi hãy buông tha Du. “Nó vốn đâu như vậy hả con, nó không như thế đâu. Hồi cuối cấp nó vẫn còn hẹn hò với một cô bạn cùng lớp mà. Nó không, như vậy, đâu con…”. Tôi không rõ điều nào đau đớn hơn, người ta muốn cướp Du khỏi tôi, hay tôi đang cướp Du khỏi người phụ nữ già nua kia. Vì chúng ta không đong đếm nỗi đau.

Tôi chợt nghĩ tới cá tính kì lạ của Du. Em có kiểu nói chuyện không ưa được. Cụt lủn, thiếu hình tượng. Nếu yêu cầu em nhận xét điều gì, em sẽ chỉ nói hay hay dở – không có hay như thế nào, dở ra sao. Nếu bảo em miêu tả ai đó, sẽ chỉ là tóc đen hay đỏ, cao hay thấp, mắt tròn hay dẹt. Việc không thèm vận dụng sự so sánh trong tư duy của Du khiến việc đối thoại đôi lúc rất khó khăn, mà dễ thấy nhàm chán. Nhưng thật lạ là tôi không thấy vậy. Tôi thích sự đơn giản hóa đó của em. Như thể, Du quan sát và tiếp nhận vạn vật đơn thuần là chính nó, tất cả tách biệt và vốn dĩ không giống nhau nên không lí gì phải so sánh nữa. Một sự lập dị khiến tôi yêu vô cùng. Chắc hẳn, Thụy cũng yêu em, vì lẽ đó.

Chúng tôi đều là những kẻ khát khao được nhận thức với bản chất của mình, không phải giả dối, không phải đeo những mặt nạ dày cộp nhiều lớp cho phù hợp xã hội. Chúng tôi mỏi mòn chờ mong ai đó, sẽ chấp nhận mình là chính mình. Để bản ngã và thực thể hòa thành một. Rồi nỗi buồn không rõ nguyên căn sẽ chấm dứt. Mà Du, là cứu cánh duy nhất.

- Xin lỗi, tôi không thể. – Tôi nhìn Minh, lắc đầu. Tôi không thể vĩ đại rộng lượng và trả Du về. Tôi cần em, cần sự hiện diện của em trong đời mình, nó là kim chỉ nan duy nhất để tôi không lệch hướng. Tôi dành cho Du, không chỉ đơn thuần là một tình cảm bất định có thể phai nhạt sau năm, mười năm. Tôi với Du, là mối quan hệ sống còn.

- Anh là một kẻ ích kỉ! – Minh hét lên, chỉ vào tôi, tức giận và đau đớn.

Nhưng tôi nghĩ, tôi chẳng làm gì được cho nỗi đau của em, cô bé ạ. Em có thể khổ sở khi người em yêu mến bị một gã đàn ông lôi thôi hèn hạ chiếm mất. Và nhục nhã. Và bất bình nữa. Nhưng em sẽ phải tự sống với đau khổ ấy. Vì tôi sẽ giữ chặt lấy người yêu nhỏ bé của tôi, không để cậu đi mất. Tôi không rung động trước nước mắt hay chì chiết của em, để mà làm bộ hào hiệp, mà thả tay. Em sẽ phải sống với đau thương của em thôi. Vì tôi cũng vậy.

- Đúng vậy. – Tôi đồng tình, rồi bỏ đi.

Có lẽ trong thâm tâm tôi đã biết rõ tình cảm Thụy dành cho Du, ngay từ đầu, khi Thụy giới thiệu chúng tôi với nhau. Có lẽ tôi biết rõ ánh mắt lấp lánh của Thụy khi ấy không chỉ là niềm vui có bạn mới, mà còn là tin tưởng tôi sẽ tác thành cho họ. Có lẽ tôi biết hết, nhưng ngó lơ, vì cũng như với Minh, tôi quyết định để Thụy sống với khổ đau của cô và cứu lấy mình trước. Bây giờ thì Thụy đã ra đi mãi mãi, có lẽ không chịu đựng nỗi đau được nữa, có lẽ đã từ bỏ cuộc sống rồi. Còn tôi, tàn bạo dẫm đạp lên cô bạn thân nhất. Tôi là một kẻ quá ích kỉ. Qúa sức, ích kỉ.

Du sẽ chẳng bao giờ biết tại sao Thụy biến mất, và tại sao ngày hôm ấy tôi lại say túy lúy, lại khóc đến kiệt quệ. Em dịu dàng bao bọc tôi trong vòng ôm ấm áp, thủ thỉ những điều vụn vặt, thức trắng cả đêm.

- Hôm nay anh sao vậy?

- Em không muốn biết đâu. Nếu biết, em cũng sẽ… – “…bỏ anh đi mà thôi”, nhưng tôi không dám nói ra những lời ấy. Tôi sợ chúng thành sự thật.

- Em sẽ không bỏ anh. – Bàn tay lạnh ngắt siết lấy bàn tay nóng rực của tôi, tìm kiếm chút thân nhiệt. – Không đâu…

Khi ngủ, tôi mơ về ngày đầu tiên gặp nhau của hai đứa. Mùa đông một năm về trước, những cây hoa sữa trong sân trường còn chưa bị chặt đi, tỏa hương ngào ngạt đến quay cuồng, Du như thuộc về thế giới khác – hoodie to quá khổ, bên trong lộ ra cổ chiếc sơ-mi trắng được cài lên tận cúc trên cùng, skinny jean đen và đôi chân nhỏ xíu gầy queo, tóc rối xù đổ lên trán, hơi che một bên mắt, kính to đùng như của các cụ già. Em nửa giống đám người mẫu unisex, nửa giống cậu học trò chăm ngoan chỉ biết sách vở. Mặc kệ Thụy cười nói liên tục, em chỉ nhìn thẳng vào tôi – bất động, yên ả. Tôi nghĩ, thật muốn được hôn lên đôi mắt đen tĩnh lặng kia. Và mơn trớn làn môi mỏng nhạt màu vì lạnh. Sưởi ấm cho em. Chiếm đoạt em. Cất thật kĩ. Bắt em chết trong cô đơn khi tâm trí em chỉ còn tôi, dù là căm hận và thù ghét. Những hoang tưởng điên rồ của một kẻ đang yêu. Thật đẹp đẽ và hoàn hảo làm sao.

“Em sẽ không bỏ anh. Không đâu…”

Đem những lời ấy chôn chặt trong tim, trong não, trong máu, trong từng thớ cơ, từng lớp da, tôi nghĩ, có thể vờ ngây ngô mà sống hạnh phúc hết một đời.

Không bỏ nhau một mình đâu, vì giờ chúng ta, cũng chỉ còn chính chúng ta mà thôi.

6.

Có rất nhiều chuyện Du không bao giờ biết, nhưng cuộc đụng độ của tôi và Minh, thì ngay sáng hôm sau em đã biết. Tường tận. Từng chi tiết. Những đồn đại như vậy truyền đi bao giờ cũng nhanh. Khỏi phải nói, Du nổi trận lôi đình.

- Em sẽ, giết con bé đó!

- Ậy ậy thôi nào. Chỉ là một cô nhóc đơn phương em thôi, đừng làm người ta sợ. – Tôi tếu táo, quạt quạt cho em hạ hoả.

- Em ghét như vậy. – Người yêu không giận nữa, nhưng vẫn không vui vẻ, bảo.

- Như vậy gì? Được người ta đơn phương á? – Tôi cười.

- Không. Em ghét anh bị người khác nói xấu. Vì em.

- Vậy nếu anh bị nói xấu mà không vì em thì được sao? – Tôi tròn mắt, ai oán.

- Anh này… – Em khẽ cười, vẻ nghiêm nghị rũ xuống, chọt ngón trỏ vào vai tôi. – Nhưng anh đừng nghĩ mình ngầu lắm, người ta vẫn bảo anh lăng nhăng lả lơi suốt đấy!

Chà chà, thế thì nguy thật. Tôi cười lớn rồi ôm người yêu vào lòng, nghe tiếng tóc em cọ vào vải áo. Có chút phản đối, em định giãy ra nhưng rồi lại ngoan ngoãn để tôi siết chặt vòng tay, mắng yêu. Anh khùng lắm nhé! Anh khùng lắm. Anh biết mà, thiên thần, khùng thì mới yêu em. Cái gì, thế anh bảo em khùng hả? Ấy nào anh đùa mà, đừng cấu!

Du cười rộ, quay ra cù tôi. Khi mệt rồi, thì gục đầu vào vai tôi, nhịp thở ổn định dần, co ro như mèo con.

- Thôi, anh cứ khùng cũng được.

- Em thích người yêu mình khùng à?

- Không, ai mà thích. Nhưng cứ khùng rồi yêu em, thì cũng được.

Nói thế, rồi Du chỉ cười, khép mắt như sắp ngủ. Trong tôi, những thoáng mông lung đương bay nhảy. Nhưng tôi để kệ chúng dẫn dụ, cũng chìm vào giấc ngủ, và sưởi ấm cho người yêu. Trưa ấy lạnh và âm u, vạn vật bất động và ủ rũ, nhưng tôi không đòi hỏi gì hơn. Tôi yêu Du, tôi biết em cũng yêu mình. Vẹn toàn đến thế, còn đòi hỏi được sao? Thậm chí là đòi hỏi Thụy trở về, tôi cũng không muốn quá phận.

Có những ngày, khi trẻ hơn, khi nông nổi bốc đồng hơn, tôi ôm mộng nhà văn. Tôi muốn viết một câu chuyện tình ái về tôi và vợ mình, viết trong những năm cuối đời khi an nhàn và thư thái. Một câu chuyện có thể chẳng giật gân và nhiều bi kịch, nhưng vẫn khiến người ta rơi lệ. Song khi nhận ra việc mình chẳng thể yêu một cô gái và cưới nàng và có những đứa con hạnh phúc, mộng lớn bị đập nát.

Đôi khi, như thế thật lạ. Ta sinh ra và vẫn yêu những người phụ nữ như bao thằng đàn ông khác, ta vẫn khát khao cơ thể họ, rồi chợt một ngày, không có gì xảy ra cả, mà ta lại thấy mình đang yêu những ngực trần cơ bắp, những mồ hôi và cười vang, những làn da săn chắc rám nắng và những cái khoác vai bạn hữu làm ta run rẩy. Đôi khi, tôi ghét cuộc đời mình cứ bình bình trôi. Chẳng có gì là biến cố vì vậy chẳng thể đổ lỗi cho ai. Nhiều lúc không có ai để đổ lỗi, nhiều lúc phải làm kẻ gan dạ đương đầu với tất cả, thật kinh khủng. Mà tôi vốn chẳng can đảm gì.

Một hôm tôi đang dọn dẹp nhà cửa, thì mẹ tôi đến. Bà bảo mới lên thăm bác bạn, tiện thể ghé qua coi tôi sao. Tôi quyết định không gọi Du về, có lẽ Du chưa sẵn sàng gặp mẹ tôi. Mẹ mang cho tôi một làn lỉnh kỉnh rau củ bánh trái. Tôi cười bảo bà, thành phố cái gì chẳng có, mẹ mang vác nặng thế làm gì. Bà lắc đầu và tặc lưỡi, chậc chậc, đồ đấy ăn có lành không, lại thuốc này thuốc nọ, tao là tao không tin cái thứ ấy, mày ăn cũng phải cẩn thận nghe chưa. Tôi cười vang, vâng vâng dạ dạ rồi đi rót nước, còn bà vẫn thao thao bất tuyệt, đồ quê đấy, bác Hai mày trồng mấy sào rau rồi bảo mẹ mang cho mày đấy, sạch lắm con ạ. Tính mẹ tôi thế, cái gì cũng nói được, mà nói dữ, đôi khi nhí nhảnh như trẻ con.

Hồi tôi bảo bà mình đồng tính, bà trì chiết tôi cũng ba bốn ngày, sau thì khóc. Nhưng chẳng bao giờ bắt tôi thay đổi. Khóc xong rồi, mẹ nắm tay tôi bảo, giờ thì làm được gì nữa, làm được gì nữa hả con, mẹ chỉ mong mày sống cho khôn ngoan, đừng để người đời nó khinh mày, nó khi dễ mày vì mày khác biệt, biết chưa?. Chúng ta lúc nào cũng có thể nói “những bà mẹ vĩ đại”, nhưng chỉ khi họ nắm lấy tay bạn và bảo rằng, con ạ, mày phải sống cho khôn ngoan, đừng để người ta khinh, người ta khi dễ mình vì mình khác biệt, mày biết chưa?. Chỉ khi đó, ta mới thấy họ lớn lao và bao dung nhường nào.

- Mày đang sống cùng cái thằng bé tên, gì nhỉ, Dư ấy hả con?

- Không phải Dư, mẹ này, cậu ấy tên là Du.

- Thế nó sắp về chưa, cho mẹ xem mặt cái nào. À thế hôm nay mẹ nấu cơm cho nhé?

- Nhưng con chưa bảo cậu ấy, mẹ sẽ làm cậu ấy bất ngờ đấy.

- Sao nào? Tao cũng đâu có ghét bỏ gì nó. Nghe nói nó dễ thương lắm nên mẹ tò mò đấy.

- Hả? Ai kể mà mẹ biết?

- Thì, con bé Thụy chứ ai. Nó mới ghé qua tầm tháng rưỡi hai tháng trước mà.

Cái tên làm tôi sửng sốt, suýt rơi cốc chén trên tay. Thụy?

Con ạ, Thụy nó gầy đi nhiều, nó còn hút thuốc dữ lắm. Vào nhà ngồi vẫn còn hút, tao phải bảo nó dập đi, nó mới cười hề hề. Nó bảo hút thuốc là thói quen rồi, tự động châm thuốc, tự động đưa lên mồm, có nhận thức được đâu. Cái con, đến là lạ, cứ dị dị sau này ai dám cưới. Mà nó hỏi mày có viết thư cho mẹ không, cứ như nó không rõ mày ghét viết lách lắm ấy. Con bé, mà nó có ốm đau gì không con, nhìn nó hốc hác bệnh tật quá. Nó ở lại ăn cơm và ngủ với mẹ một đêm. Gặp ác mộng và la hét dữ lắm. Tao thấy nó khổ sở sao đó. Mày là bạn nó thì phải chú ý đến người ta một tí, dễ mà kiếm được con bạn thế ấy à? Mà con ạ, Thụy là nó thương chúng mày lắm, mày với thằng Dư – ấy, Du chứ. Nó nói về chúng mày mà mắt cứ rưng rưng. Nó với tao ôm nhau khóc. Chẳng mò đâu ra đứa tốt thế đâu. Nó còn bảo tao giữ gìn sức khoẻ. Nó dị, mà lành lắm cơ. Đi đâu á? Không, nó đến, sáng hôm sau thì đi mất. Nhưng nó nói nó sẽ an toàn, mày mà hỏi thì bảo đừng có lo. Tao nghĩ mà thương. Nó cô độc quá. Con gái gì mà, cô độc quá.

Con biết mẹ ạ. Thụy là cô gái cô độc và xa cách thế đấy. Cô chẳng để ai chạm đến trái tim mình, cô trốn sau một bức tường lạnh lẽo. Đôi khi con mơ về Thụy, ở một chốn xa xăm nào đó và khóc cho đến chết. Nhưng con không cứu được Thụy. Con đã giết Thụy. Trước khi kịp nhận ra điều đó, tâm hồn Thụy đã nát bấy dưới tay con. Nhưng mẹ ơi, con không biết phải làm sao. Chẳng thể tìm được người thứ hai yêu thương con nhiều như cô gái ấy. Vậy mà, con lại không đáp trả được ân tình của Thụy. Hôm trước con gọi điện cho mẹ Thụy, giọng bác ấy yếu quá, lần đầu tiên bác bật khóc và bảo con. Con xem, con tìm con Thụy giùm bác. Bác chắc mất nó rồi, bác không biết nó ở đâu nữa. Con có nghĩ nó không còn không? Con có nghĩ bác nên tin vào điều kinh khủng đó không? Con ơi, tại sao những điều tàn nhẫn nhất thường là sự thật? Lúc ấy con mới biết, chính con đây, cũng đang ôm mộng rằng Thụy vẫn còn.

Rồi Du về. Em chẳng hề ngạc nhiên trước sự hiện diện của mẹ tôi, chỉ hơi ngượng tí xiu. Hai bác cháu rất hợp nhau, khi ăn cơm còn tán đủ chuyện, và cười nhiều. Khi cười rộ lên Du rất đẹp. Mẹ tôi cũng đẹp. Thụy cũng từng đẹp như vậy. Những người tôi yêu thương, đều có nụ cười của hạnh phúc, dẫu cho đôi mắt họ thật u buồn. Hôm sau khi tiễn mẹ, bà nhìn thẳng vào tôi, mạnh mẽ bảo. Phải biết yêu thương thằng Du, người như mày, tìm đâu ra người yêu như nó. Cả Thụy nữa, mày tìm đâu ra những người yêu mày như bọn nhỏ ấy. Tôi mỉm cười, gật đầu đã rõ. Mẹ giờ nhỏ bé quá, phải ngước lên nhìn tôi, lưng thì đã còng, chân đã chậm bước.

Nhìn theo bóng mẹ, Du bí mật nắm lấy tay tôi, thầm thì, những lời dịu êm như gió đông ngày nắng lên. “Mẹ anh thật vĩ đại…”. Người yêu bé nhỏ của anh ơi, mẹ của anh, mẹ của em, mẹ của Thụy và biết bao người mẹ khác nữa, họ đều thật vĩ đại. Kể cả khi họ trở nên nhỏ bé hơn ta, không thể véo tai ta khi ta làm gì sai, không để bắt ta nằm sấp cho tét mông, họ vẫn cứ vĩ đại và to lớn. Họ vẫn nắm tay ta và nói, mẹ chỉ mong mày được sống, được hạnh phúc, được ngẩng cao đầu vì là chính mình. Em xem, mẹ em, có phải cũng lớn lao như vậy không?

7.

Bình An là bạn của Thụy, trên một tuổi nhưng trượt đại học mất một năm. Quê Bình An ở miền biển, bởi vậy bố Bình An đặt tên con hai chữ “bình an”, mong sao đời nó không lênh đênh như ông. Đời Bình An cũng không lênh đênh thật, vì không như các anh chị ở lại quê chài lưới cá tôm quanh năm, Bình An học lên cao, ôm mộng doanh nhân. Có lẽ Bình An cũng thật hợp với kinh tế: cậu ta tính toán suốt ngày, mà lại giỏi. Chẳng ai lấy được cái gì từ cậu ta và cậu ta cũng chẳng cho không ai bao giờ. Nhưng không phải theo kiểu rõ rành rành. Cậu ta ngấm ngầm tính toán, sao cho người khác nghĩ cậu ta thật tử tế, không hay mình đang bị lợi dụng.

Bình An ghét nhất chịu thiệt. Mua bán thì cậu ta rất chi li, tiền nào rõ tiền nấy, đố có thêm bớt khoản nào. Cậu ta có học một tín chỉ Kế toán đắt tiền và các thầy khoa đó cứ ngày ngày rề rà như gây cười, Bình An ơi Bình An à, con có muốn đi du học không, trường người ta mời đấy, con ở Việt Nam bắt chẹt người ta làm ăn quá, ngày mai con đi dạy thay thầy đi Bình An à. Nhưng Bình An không phải hạng hà tiện mắt híp hay cười hí hí như phản diện trên phim. Cậu ta không khoái bao đồng, không khoái hại người. “Không động vào Bình An, thì sẽ được an bình”, sinh viên trong trường không ai không kháo nhau câu ấy.

Mà Bình An lại đẹp. Lại quá đẹp, thế mới càng đình đám. Mắt Bình An to và như có chứa nước, khi cười thì nheo lại, nước ở trong lấp lánh phản chiếu một thứ ánh sáng mê người dị kì. Khuôn mặt mềm mại không góc cạnh, cho một cảm giác tỉ lệ hoàn hảo. Mũi hơi cao hơn mũi người châu Á bình thường, có nét gì Tây Tây, sang sang. Hồi đầu ai cũng tưởng lai, sau hỏi ra thì biết cả nhà Bình An đều chân chất, đều gồ ghề thô kệch – Bình An đẹp nhất nhà, mà khéo còn đẹp nhất làng. Tay thì thon dài như tay nhạc công. Cậu ta bảo tôi, “Cả nhà tao thương tao quá, bao hy vọng dồn hết về tao, có bắt tao làm gì đâu. Từ bé tao chỉ biết ngồi chơi đánh chuyền với câu cá, đàn bà bỏ mẹ!”. Đẹp thế mà Bình An ngôn từ lại chợ búa, khoái đánh lộn với đấm bốc, ghét đặc thơ thẩn rồi sách rồi nhạc nhẽo. Khi ngồi với đám bạn, câu nào nói ra Bình An phải chửi kèm một tiếng. Như hận ghét đời đến cùng quẫn, không thô thiển chịu không nổi.

Vậy mà Thụy với Bình An, lại thân nhau. Thụy, cái cô gái mê nhạc buồn, mê đọc sách. Bình An, cái gã tiểu côn đồ với khuôn mặt mĩ miều. Khi Thụy mất tích, Bình An như phát điên. Cậu ta mơ hồ nhìn tôi, nói rằng Thuỵ sẽ sớm trở về thôi, chẳng có gì lo lắng cả. Nhưng đêm đêm, Bình An lang thang trong những con hẻm, trên những đường lớn, chân trần muốn toé máu, thảng thốt gọi tên Thuỵ. Cậu ta cứ gọi mãi, ngày này qua ngày khác, gầy đến thảm thương, mắt càng ngập nước. Một ngày của nhiều ngày sau, cậu ta đứng trước cửa nhà tôi, vào một bình minh gió rét, mắt mờ đục và vai sụp xuống. Bình An siết vai tôi, những ngón tay mảnh khảnh trơ xương, oà khóc.

Tao tìm Thuỵ mà không thấy. Tao đã tìm mãi, tìm mãi rồi. Nhưng vẫn không thấy. Mày nghĩ con bé có thể ở đâu kia chứ? Nó cô độc và yếu đuối như vậy, nó có thể đến đâu cơ chứ? Bây giờ tao biết tìm ở đâu đây? Tao đã đợi mãi, đợi mãi rồi. Mà nó không về. Thuỵ, con bé không về nữa rồi ư?

Bình An cũng tuyệt vọng giống như mẹ Thuỵ vậy, có lẽ còn tuyệt vọng hơn. Điều gì đó đã gắn kết Bình An và Thuỵ quá sâu sắc, khiến cân bằng vụn nát khi Thuỵ biến mất. Dù cho đó là gì, nó cũng khiến Bình An khổ sở.

Người ta đồn, khi nào Bình An đến, không khí sẽ có mùi mưa. Mưa từ đôi mắt to ướt át. Không phải ngẫu nhiên, mùa nào cũng vậy, Bình An đi đến đâu mang theo mùi mưa đến đấy. Thứ mùi lạ lùng, con người cũng lạ lùng. Nhưng sau khi Thuỵ biến mất, người ta không ngửi được thứ hương kì lạ đó nữa. Người ta chỉ thấy Bình An khổ sở, Bình An chật vật. Tôi, lại không dám an ủi Bình An bằng những lời an toàn. Tôi không thể nói với cậu ta, rằng Thuỵ sẽ về thôi, sắp về rồi. Không ai nói thế với Bình An. Nhưng Bình An cũng chẳng bao giờ tự nói những điều đầy hy vọng ấy thành lời. Có lẽ ngấm ngầm, chúng tôi đều không dám nói ra. Vì trộm vía. Thứ niềm tin tín ngưỡng vụng về nhưng là bám víu duy nhất còn lại.

Một lần Bình An sang ăn cơm cùng tôi và Du. Bữa ăn yên lặng như mặc niệm. Nhưng ba thằng con trai, thì biết nói gì với nhau? Ăn xong, Bình An ra về ngay. Tôi tiễn cậu ta đến đầu ngõ, không ai nói lời nào. Sau cuối, thì thào như đau đớn, cậu ta cảm ơn về bữa ăn.

- Chúng mày đẹp đôi đấy. Mẹ, không ngờ tao mà cũng có ngày khen hai thằng đồng tính.

- Thẩm mỹ mày lên vài bậc rồi, khá đấy.

- Thẩm mỹ, hừ, mày thì hiểu đếch gì. – Quăng điếu thuốc xuống đất rồi lấy chân dí dí, Bình An cười nhạt. – Thuỵ nó yêu chúng mày lắm. Tao cóc hiểu. Dư đâu lại yêu quý hai cái thằng yêu nhau. Nhưng mà khéo tao cũng thôi yêu gái. Khổ quá.

- Thuỵ à? – Tôi trầm ngâm, nhìn chăm chăm điếu thuốc nát.

- Thuỵ làm sao?

- Người mày yêu ấy.

- … Không, chẳng phải đâu. – Bình An tặc lưỡi, châm điếu nữa. – Cái chuyện yêu đương ấy nó khó khăn lắm, cứ làm như muốn thì yêu được. Tao chỉ thấy, bọn con gái, nó lạ lùng vô biên, tao theo không nổi nữa.

- Mày tính toán nó cũng vừa vừa thôi. Bình sinh ai cũng vô biên cả. Quan trọng là cần nhau.

Bình An cười ha ha, không biết bao lâu rồi mới lại thấy cậu ta cười. Khi cười nhìn Bình An thật buồn, như dở khóc. Bình An hỏi tôi, khi đợi taxi.

- Mày biết tao mơ ước gì không?

- Thuỵ trở về à?

- Không, mơ ước vậy thì phấn đấu quái nào được. Thuỵ, là cái số nó vậy. Tao thì tao, tao ước có tiền.

- Đứa nào chẳng ước có tiền. – Tôi nhạo cậu ta.

- Ừ. Nhưng tao thực sự ước mình sớm có nhiều tiền. Lắm thằng nó cứ nói chung chung là nó muốn có tiền, thật ra nó có cần tiền đến thế đâu.

- Làm gì? Làm giàu cho quê hương?

- Một phần thôi, chí hướng những thằng tỉnh lẻ nghèo kiết. Nhưng tao nghĩ có tiền rồi, tao sẽ mua cho con Thuỵ một cái máy ảnh xịn. Nó ao ước chiếc Canon gì gì đó lâu rồi, mẹ, chúng mày đúng bọn rảnh rỗi, đến tên máy ảnh cũng nhồi vào đầu! – Tôi bật cười. Tôi thì tôi đâu có nhớ tên cái máy ảnh nào đâu. Bình An cũng hơi cười. Mắt nheo nheo, chẳng biểu đạt ý tứ gì. Cậu ta chợt dịu lại, ngây ngẩn như đứa trẻ lạc đường. – Tao cũng sẽ mua mày một cái nhà nữa. Tao muốn mày được sống trong chỗ nào thi vị hơn cái chuồng mày đang chui.

- Mày thần kinh thể. Tao thích ở đó mà.

- Vì có em Du ấy gì. Nhưng mày xem, người với người, mấy ai mà bên nhau lâu. Mày nên ở một chốn lộng gió đầy ánh sáng. Một chốn nào đó đẹp đẽ thanh bình cho hợp với mày, rồi mày ngày ngày viết lách nghệ sĩ, không thì chăm sóc cây cảnh. Đón cả bác gái qua cùng. An nhàn thanh tịnh. Những ngày cuối tuần, tao và Thuỵ, sẽ về đó thăm hỏi.

Tôi thầm mường tượng viễn cảnh Bình An vẽ ra. Cậu ta, có một ước mơ thật lạ. Sau cuối, trước khi Bình An lên taxi, tôi bảo cậu.

- Mày đừng mơ những giấc mơ gì mà toàn lấy người khác làm trung tâm nữa. Mày không mong ước gì cho mày sao?

Bình An cười đến thê lương, không nhìn tôi mà ngước mắt lên trời. Bầu trời thành phố giờ làm sao nhìn ra sao mây, chỉ toàn ánh đèn đủ màu hắt lên, sáng đến rợn người.

- Thật ra, tao còn một cái mộng cỏn con nữa. Rằng chúng mình sẽ cùng làm cho một nông trại, sớm chiều lấm lem, rồi tối tối thì mua bia nhậu nát và chửi bới đánh nhau linh đình. Nhưng nếu không yêu đương thân thích gì, sao mà sống bên nhau kiểu đó mãi được. Mày có hiểu không, tao chẳng chờ đợi gì ở một người tình. Tao chỉ muốn kiếm một thằng bạn đời. Mày nói xem, tao với mày, có phải bạn bè thân thiết không? Mày có cho là như vậy không?

Thế rồi Bình An rời đi. Tôi bị cậu ta nói trúng. Tôi không nghĩ chúng tôi là hai thằng bạn thân. Bình An với tôi mãi mãi chỉ là bạn của Thuỵ. Bình An quá giống Thuỵ ở những lớp mặt nạ, nó khiến tôi cảnh giác, tôi hoang mang: tôi không dám tin điều Bình An bộc lộ là thực, tôi không dám tự kiêu mà cho rằng chúng tôi là bằng hữu. Bình An đẹp quá, đến độ không thực. Thuỵ thì, thực quá, đến độ hão huyền.

Đêm về, tôi nằm mộng. Mộng rất buồn, vì chẳng có gì của hiện thực trong mộng ấy. Tôi có một trang trại nhỏ xíu chốn núi đồi hoang sơ, từ cửa nhà phóng tầm mắt sẽ thấy trùng trùng những mảng rừng xanh biếc, những dãy núi đá vững chãi và mây trắng ngần. Đặt bên cửa sổ phòng ngủ, là chiếc máy đánh chữ không còn mới và những xấp giấy thật dày. Chú mèo chăn cừu của tôi, màu vàng lấp lánh, những bước đi uyển chuyển cao ngạo và cái đuôi dài duyên dáng. Ai đó đương nấu nướng trong bếp, mùi súp ngầy ngậy thơm và thứ hương của mỡ cháy khiến bụng tôi cồn cào. Bình An ngồi vắt vẻo trên một đỉnh núi, ôm chiếc ukulele, khàn khàn xướng những nốt rất buồn. Điện thoại đổ chuông, trong bếp ai nói vọng ra, “Chắc là Thuỵ đấy!”. Du từ đằng xa đi lại, ôm một chú lợn con tròn ủm, vẫy chào tôi. Tôi chào lại em rồi bước về phía điện thoại.

“You speak of love, in a language I don’t, know…”

Tôi trộm nghĩ. Đâu đó trên thế giới này, vẫn có người tôi yêu thương đang mỉm cười. Họ cười rất đẹp, dù mắt thật buồn.

8.

Khi tôi gặp lại Minh, đã là sang xuân. Thời tiết không có chuyển biến gì, nhưng theo lịch, đã là tháng Một, là năm mới. Mà hễ nghe từ “năm mới” mà không nghĩ, ấy xuân đã về, thì tâm tình tôi cũng đôi phần u uất.

Tôi mới đăng ký một lớp nhiếp ảnh, vì Du chê sao ảnh tôi chụp em xấu thế. Dè đâu lớp học đó vốn là người quen mở ra, lại quen với cả Minh. Khi gặp nhau, Minh vẫn là cô bé mạnh mẽ ngang tàn, ăn mặc phong phanh bụi bặm, còn tôi thì đóng bộ lặc lè to sụ như gấu, ấm cúng vô biên, nhìn sao cũng không ra bộ dáng nam tính lãng tử. Cô bé thấy tôi thì ngạc nhiên lắm, rồi sau bực bội soi từ đầu xuống chân, ném cho một ánh mắt khinh bỉ. Rõ thật là sầu, cũng chỉ là trông không được đàn ông oai dũng thôi, nên tội tình gì chứ?

Tôi chỉ là tay mơ, chụp lóng nga lóng ngóng, còn Minh rất ngầu, cứ chụp tành tạch tành tạch. Bạn tôi có cho xem một album ảnh cô bé chụp, dường như rất thích chụp người, đủ các nét mặt. Tôi thấy cả những bức chụp Du. Du đi dạo, Du đang làm bài tập nhóm, Du đánh đàn, Du đá bóng. Tôi bật cười, khẽ lẩm bẩm, gì vậy, stalker sao?

Cá nhân tôi, tôi không thích chụp người. Tôi thích chụp phong cảnh, chụp những phiến đá và những bức tường đổ nát. Cái cũ kĩ xa xưa của chúng khiến tôi có cớ hồi tưởng tuổi thơ mình. Nhưng chụp ảnh người, thì luôn làm tôi rờn rợn, ma mị. Tôi chỉ chụp duy nhất Du, vài bức khi em đang ngủ hoặc nấu ăn, hoặc chăm cái cây xương rồng lùn tịt tròn ủm của hai đứa. Mà xem đấy, chụp có vậy cũng ít tấm ra hồn. Minh chụp người lại rất thần, lúc hạnh phúc lúc u sầu, chỉ nhìn vào tấm ảnh thôi mà thấy cả một thế giới sống động. Chung quy chắc cũng tại năng khiếu. Nhưng anh bạn tôi, bảo rằng, riêng những bức chụp vợ mày, thì không ổn. Tôi ngớ ra, vậy sao?, rồi lục lại ảnh coi. Tao nghĩ, anh bạn tiếp tục, tại không hợp nhau – photographer với model cũng cần tâm ý tương thông thì mới được, vợ mày, khó chụp đẹp lắm. Tôi cười hề hề, ra chiều vuốt râu.

- Vợ tao mà, chỉ mở lòng với tao thôi.

- Xị, lại mở lòng với đúng cái thằng chả biết chụp chiếc gì, có phí sắc đẹp không.

- Thì sao, vợ tao tao để tao ngắm, ai thèm chụp lại mà trưng lên đâu. Vợ tao chứ ứ phải mấy cô vơ đét trên tạp chí nhá.

Khi quay sang bên cạnh, tôi đụng trúng ánh mắt thù hằn của Minh. Trong đôi mắt non nớt vương tia máu có một tầng hơi nước mong mỏng, hoang mang và mờ đục. Minh như con thú nhỏ bị thương, cố xù lông với tất thảy những người nó gặp. Nhưng khi anh bạn tôi tuỳ tiện mang ảnh tôi chụp Du cho Minh xem, cô bé lại dịu đi, im lặng hồi lâu. Trước khi ra về, cô đứng cạnh tôi, mắt lảng tránh, bảo rằng:

- Anh chụp anh Du, đẹp lắm. Chắc chỉ anh chụp, thì mới được thế.

Lần đầu tiên, tôi biết tình yêu và ảnh chụp liên quan mật thiết thế nào.

Tôi kể lại chuyện đó cho Du nghe, em nửa cười, kêu tôi nghỉ lớp chụp ảnh. Em chẳng muốn anh dính đến con bé đó, Du bảo vậy.

- Sao vậy? Người ta không hội đồng anh được đâu.

- Xì, anh to như gấu, ai thèm đánh anh. – Em le lưỡi, lăn vào lòng tôi. – Nhưng mà, số anh đào hoa lắm.Sớm muộn gì, người ta cũng thích anh.

- Ô thật ư? Mị lực của anh cũng không tồi nha. – Tôi cười hà hà, vuốt ve những sợi tóc mềm của người yêu. – Nhưng ai mà để tâm mấy chuyện đó, anh chỉ cần biết Du không ngoại tình là được.

- Em mới phải lo anh ngoại tình ấy, cái đồ Xuân tóc đỏ.

Sau này nhớ lại, tôi cũng không ngờ mình từng có nhiều giây phút hạnh phúc đến thế. Có lẽ tôi bị mắc căn bệnh điển hình của người trẻ, căn bệnh u buồn, bệnh nặng quá, làm quên hết những khi cười vang. Từ bé đến lớn, tôi đã gặp biết bao người tốt, cả những người yêu tôi vô ngần, cả người tôi yêu hết mực – mấy ai có được cái may mắn diệu kỳ đó? Gía khi ấy tôi chín chắn hơn, tôi sẽ gặp Minh, và bảo cô bé đừng sống một tuổi trẻ hằn học gồng mình. Em nên tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc, thay vì giương vuốt với đời. Nhưng tận lúc tôi hiểu được cái triết lý sống sâu xa đó, đã là của nhiều năm sau, khi mọi tươi đẹp chỉ còn là tàn dư, là quá khứ, là những bức ảnh lưu lại trong album cũ kĩ.

Du cũng chỉ nói vu vơ thế, chứ em không bắt tôi bỏ lớp chụp ảnh. Vì vậy tần suất đụng độ của tôi và Minh tăng lên. Song cô bé không còn công khai công kích, lườm nguýt tôi nữa. Thậm chí, thỉnh thoảng, chúng tôi còn nói chuyện phiếm. Một lần, tôi tò mò hỏi cô sau này muốn làm gì.

- Làm người chụp được cái thần của Du.

- Chỉ Du thôi à? Mục tiêu hơi hẹp chăng?

- Không, thế là cao lắm đấy. Du không mở lòng với ai cả, nắm bắt tâm anh ấy gần như là không thể. Anh thì…

- Du chỉ mở lòng với anh thôi, phải vậy không? Tiếc nhỉ, vì anh lại không có khiếu nghệ thuật.

- Lucky bastard. – Minh cười khẩy.

Nhưng tôi vẫn nghĩ, nghệ thuật là cái đến tự nhiên. Không phải chăm chăm muốn chụp ảnh đẹp là chụp được. Người ta sẽ tạo ra kiệt tác khi hoạ lên thứ mình muốn thấy. Lucky bastard, có lẽ với tôi, cũng là một cụm thật hợp.

Có một hôm tôi được nghe Minh kể vì sao cô bé thích Du. Hôm ấy mưa to và tôi không theo đem ô, đành ngồi lại studio đợi Du đón. Minh cũng vậy, trừ bỏ phần được Du đón ra. Nhưng Du đang ở cách chỗ tôi cả chục cây, nên bảo tôi cố đợi lâu một tí, đừng đội mưa đi về mà cảm. Lơ đãng với điếu thuốc đặt hờ trên môi, Minh kể, bằng một giọng thấp và đều.

- Tôi lần đầu tiên thấy anh ấy, là trong buổi đón tân sinh viên của câu lạc bộ Báo chí. Trời mới giữa thu và rất trong xanh. Anh ấy, xuất hiện giống như thuộc về một thế giới khác. Ăn mặc rất lạ, sơ mi trắng phẳng phiu, gầy thật gầy, khoác chiếc dạ len thật rộng màu xám dài ngang đùi, áo hơi trễ đến sát mép vai, quần bò đen bó, bốt cao bụi bặm. Kính lại gọng xám. Tóc cháy nắng và xù ủ rũ như buồn ngủ. Anh có hiểu không nhỉ, nhìn anh ấy, mỏng manh mà cứng cỏi đến lạ lùng, như bước ra, từ chính mùa thu vậy, khiến người ta không sao quên được.

Tôi biết ngày hôm đó. Từ đêm trước Du đã dặn gọi em dậy sớm, mai em có buổi gặp mặt với tân sinh viên của câu lạc bộ. Bộ đồ Du mặc, có áo sơ mi được tôi là sẵn, áo dạ và giày là đồ cũ – hai thứ hiếm hoi em ưng trong tủ đồ suốt ngày bị chê là nhạt nhẽo của tôi. Du bị huyết áp thấp vào buổi sáng nên dù cố gọi em dậy đúng giờ, Du vẫn ẩm ương bám cứng lấy cái giường đến nỗi bị vội, cuống hết cả lên, quên luôn chải đầu. Nhưng tôi không định cho Minh biết tôi nắm rõ cuộc sống của Du tới mức nào. Không, cô bé ấy sẽ lồng lộn lên vì ghen tị – tuy chuyện đó cũng làm tôi khoái đôi chút.

- Nhưng tôi chỉ thực sự thích anh ấy, khi lần đầu tiên anh ấy giúp tôi chỉnh ảnh trong buổi chụp dã ngoại cuối tuần đó. Sự ân cần, sự chậm rãi, tiết tấu nói dài và giọng thật nhẹ. Tôi đã nghĩ, a, con người này, có lẽ là một tinh linh đẹp đẽ nào đó của đất trời. Nước hoặc không khí. Anh ấy dịu như mùa thu. Bàn tay lạnh của anh đã cầm lấy tay tôi và hướng dẫn tôi nên bắt góc chụp thế nào. Khi đó, tôi chỉ ước thời gian dài ra vô tận. Tôi ước đừng ai lấy bàn tay ấy khỏi tay tôi. Anh xem, tôi đã yêu Du với một lòng yêu phù phiếm như thế đấy. Nhiều cô gái khác cũng đã và đang yêu Du với cái lòng yêu ngây thơ thế đấy. Nhưng anh lại là kẻ được quyền ngạo nghễ trên tất thảy. Tôi chỉ thấy, thật nực cười!

Đã bao giờ bạn như tôi, trải qua giây phút kì quặc này chưa? Ngồi nghe một cô gái căm ghét bạn và thầm yêu người yêu của bạn kể về việc cô ấy đã yêu người ta như thế nào và bạn không xứng đáng với người yêu ra sao, và bạn nên biến đi cho khuất mắt vì bạn thật nực cười (à mà tôi không thực sự quan tâm đến câu trả lời đâu, ấy chỉ là một câu hỏi tu từ). Nhưng tôi lại không ghét nghe Minh nói, trong tiếng mưa ồn ào và cái lạnh buốt của mùa xuân, những điều về Du mà cô bé kể, tôi có thể đồng cảm. Dù gì, chúng ta đang yêu cùng một người kia mà. Tôi chẳng lấy làm phiền lòng hay bực tức. Tôi chỉ thấy buồn. Như phần lớn thời gian, một nỗi buồn chảy trôi và thân thuộc đến rùng rợn.

Tôi từng kể rồi chăng, Du có thói quen giả bộ hờn dỗi ghen tuông. Em sẽ dẩu mỏ nũng nịu và lườm yêu tôi, bảo rằng, này nhé, từ nay em cấm anh lảng vảng ở canteen tán dóc với con bé khoa Truyền thông nghe chưa. Nhưng Du là nói cho vui vậy. Em không ghen, vì em biết tôi không thể phản bội em. Tôi trân trọng lòng tin từ Du, chỉ là, đôi khi, nó khiến tôi không thể đập bàn đập ghế mà gào lên, anh chẳng cần biết em có thiên phú chụp ảnh hay tài năng báo chí gì, anh càng không cần biết em là chủ tịch kế nhiệm của cái câu lạc bộ dở hồn kia, anh chỉ biết có bao nhiêu con bé đang nhăm nhe nhòm ngó muốn giành em với anh, và anh không chịu được chuyện đó, vì vậy em hãy nghỉ chơi với bọn Báo chí này ngay đi!. Đôi khi nó khiến tôi u uất. Nó giới hạn quyền lực của tôi với cuộc đời Du. Mà ấy vốn dĩ không phải chuyện nên u uất mới đúng.

Một lần, tôi và Du đang ngồi uống cà phê, thì một gã bạn không thân lắm sà xuống tán gẫu vài câu. Gã hỏi Du chuyện với Minh sao rồi. Du cười nhạt, có cái gì mà sao rồi. Gã ha hả, vỗ vai tôi, bỗ bã nói nhăng cuội gì đấy. Sau, tiện đà nói về Minh, gã tặc tặc lưỡi, “Cô nhóc đó cũng giống Thụy ra phết nhỉ?”. Du dường như bị đả kích rất nặng. Em cắn môi cố kiềm cơn giận dữ, lườm gã trai ngu ngốc kia. Mắt lạnh như muốn đóng băng tất thảy những thứ trong tầm nhìn. Rồi em rít lên, “Thôi đi”, khiến mặt gã từ tươi cười hớn hở thành méo xẹo, rúm ró. Gã lúng túng chào tạm biệt và chạy thẳng. Du trầm ngâm, bàn tay siết chặt, móng đâm vào da sâu hoắm. Tôi chỉ biết lẳng lặng gỡ tay em rồi cầm lấy. Tay Du vẫn rất lạnh. Mắt em chẳng nhìn tôi, nảy nở một nỗi buồn thê lương. Những sợi tóc mềm rung rung dù không có gió.

- Đừng để tâm. Chúng ta đều biết chẳng có ai giống Thụy cả mà.

Du im lặng không đáp. Tôi trả tiền cho hai đứa, rồi ôm Du ra về. Anh bạn chủ quán, vốn là người quen, nhìn tôi ánh mắt dò hỏi. Tôi gật đầu với anh ta, ý bảo không sao đâu. Nhưng tôi biết là có sao. Tôi đọc được trong mắt người yêu bé nhỏ một rạn vỡ. Nỗi buồn như tràn lan trong không khí, và xem này, tôi đang hít thở nó, tiếp nhận nó dù đã cố đào thải nó.

Tôi ước người yêu đừng buồn, đừng bị tổn thương, thậm chí đừng nghĩ về Thụy. Tôi ước gì tôi là quá đủ với em. Tôi ước em hãy chỉ nghĩ về tôi thôi, vì tôi là người yêu em đến điên cuồng, và tôi sẽ làm bất cứ điều gì để em không buồn. Minh từng nói điều tôi nghĩ, Du như không thuộc về thế giới này. Có lẽ em là một diệu kỳ được ban phát cho Trái Đất, và sớm muộn em cũng sẽ bay khỏi đây, về với quê hương. Những kẻ như tôi hay Minh hay thậm chí là Thụy, chỉ đang vấy bẩn em bằng tội lỗi và nhạt nhẽo và u buồn.

Chợt Du dừng bước, nhìn sang tôi. Nhìn xuyên tôi.

- Nếu cô ta giống Thụy, cô ta sẽ len chân vào cuộc sống của chúng mình. Anh không được để chuyện đó xảy ra. Không được, anh hiểu chứ?

Tôi gật đầu, thành thật. Nếu Du muốn, tôi sẽ làm vậy. Cách ly Minh. Về đến nhà, tôi gọi điện cho anh bạn nhiếp ảnh, báo nghỉ lớp. Gã cằn nhằn hú hoạ. Rồi tôi gọi cho trưởng câu lạc bộ Báo chí, nói với anh ta Du muốn rút. Anh ta kêu lên uất ức, nằn nì tôi chí ít cũng phải giới thiệu cho câu lạc bộ một tay chụp kha khá. Tôi nhận lời, nhanh chóng dập máy rồi đi thay đồ và về giường ngủ. Du đã lọt thỏm trong chăn, nhìn đăm đăm lên trần nhà. Đợi tôi nằm xuống rồi, em mới ghé người lại gần. Đèn tắt.

Trong đêm, nhịp thở Du dần bình ổn. Tôi nghĩ về Bình An ôm chiếc ukulele nghêu ngao hát trên đỉnh núi giá lạnh. Tôi nghĩ về Thụy, con người không còn xuất hiện trong giấc mơ của tôi nữa. Tôi nghĩ về chuyện Minh với ánh mắt cương quyết, mái tóc rối thiếu nữ tính đứng cạnh tôi giữa đàn cừu trắng béo quay, tay ôm mèo vàng chăn cừu duyên dáng. Tôi nghĩ về lần làm tình gần nhất của tôi và Du cách đây một tuần, khi ấy Du đã khóc, không rõ bởi sung sướng hay đau khổ. Tôi nghĩ về giọt nước mắt của người yêu và giọt nước mắt của Thụy. Tôi nghĩ Thụy, khi hiện diện trong mơ, là đang cố truyền tải cho tôi một thông điệp quan trọng. Nhưng trước lúc tôi kịp giải nghĩa nó, đường truyền đã đứt.

Tôi nghĩ chúng ta đang làm khổ nhau. Tôi nghĩ chúng ta đang giết nhau dần mòn. Tôi không chắc có bao nhiêu người dính líu đến vòng đau khổ luẩn quẩn này, tôi không chắc “chúng ta” là những ai, nhưng tôi ngờ ngợ chính mình đã lôi kéo họ. Tôi thấy bản thân như một tội đồ.

Tôi thì thầm với Du, không rõ em còn thức để mà nghe, nhưng tôi muốn em biết.

- Mình hãy nuôi một con mèo vàng. Anh muốn đặt tên nó là Lãng Đãng. Và cây xương rồng của chúng mình, hãy gọi nó là Bình Yên.

Trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi nghe được Du đáp lời, rất khẽ. “Vâng”. Hình ảnh cuối cùng hiện ra trong tâm trí tôi, là Bình An, mắt chứa nước của cả một con sông, nhưng chỉ khóc duy nhất một lần trong đời, ôm lấy chiếc ukulele mục nát và cất tiếng hát.

“Hey Father Death, I’m flying home,

Hey poor man, you’re all alone,

Hey old daddy, I know where I’m going,

Father Death, don’t cry anymore,

Mother’s there, underneath the floor…

Suffering is what was born,

Ignorance made me forlorn,

Tearful truths, I cannot scorn…

My heart is still,

as time will tell…”

9.

Anh bạn nhiếp ảnh, tên là Lãnh. Là đàn anh trước đây của tôi ở công ty, có sở thích chụp ảnh và sáng tác. Gã đã nghỉ việc được gần một năm để tập trung cho nghệ thuật. Không biết kiếm chác thế nào, nhưng gã vốn có lối sống xa hoa và bây giờ vẫn vậy. Riêng cái studio mở ra dạy chụp ảnh, tôi không rõ là để gã có thêm ít xu, hay vì sở thích. Lãnh bụi, đúng cái kiểu nghệ sĩ. Ý tôi là, gã rất nghệ sĩ đúng lối đám nghệ sĩ, nên gã không có gì nổi bật lắm. Cũng chẳng phải kiểu người tư tưởng to lớn chí hướng cao xa. Gã chỉ thích gì làm nấy, nên khi muốn làm nghệ thuật thì gã nghỉ việc. Tôi nghĩ thường những người kinh tế vững chắc mới hành xử như vậy.

Chuyện của Lãnh không liên quan gì tới tôi, vì quan hệ chúng tôi chỉ thân hơn đồng nghiệp – cũ – tí xíu, nhờ mấy buổi nhậu nhẹt. Tôi hơi khoái gã cái kiểu bất cần. Nhưng chỉ dừng ở đó. Khổ nỗi Lãnh rất ưa Du. Gã hay mời em làm người mẫu cho gã. Chụp Du, gã rất hứng. Xong bức nào rửa ra cũng bị gã kêu giẻ rách. Lắm bận Du bực, bảo, chụp em không đạt thì anh đừng chụp nữa, thật phiền chết. Cái đoạn “phiền chết” làm Lãnh sợ rúm ró, gã cứ tò tò theo tôi mà hỏi, này thế bé Du giận thật à, có giận thiệt không?. Phiền quá, Du gắt với gã, thôi đi nhé, anh cứ thế tôi cáu thật đó. Vậy là gã lại te tởn chụp ảnh Du. Tôi nghĩ Du không thực ghét Lãnh. Gã là một tên hay ho và khi kể chuyện thì gã rất duyên, gã lại hay giúp tôi lúc còn ở công ty.

Tôi nghĩ Lãnh độc thân, nhưng người ta cứ phong phanh đồn là gã có bạn gái đấy, một cô xinh như mộng. Vì Lãnh có cái mặt rắn rỏi, tỉnh đời nên con gái rất mê gã, nhất là mấy chị em phòng Nhân sự. Mà phòng ấy nổi tiếng mĩ miều nhất công ty. Tôi không cảm thấy gì, nhưng cũng đoán gã là một tên hấp dẫn. Vì vậy tôi bảo Du, nếu anh cứ mặc phong trần bụi đời, liệu anh có hút gái bằng anh ta không?. Du lại cười, nhéo tôi, thôi, gà rù như anh chỉ hút được em, anh mặc cho đủ ấm để khỏi bị ốm là em mừng rồi. Tôi cũng cười.

Lại nói chuyện người yêu Lãnh. Tôi hay thấy gã đi với gái, nhiều cô. Trông gã như đại gia, lúc nào cũng có kiều nữ vây quanh. Thậm chí là kiều nam. Một lần đi học chụp ảnh, tôi đến studio rất sớm, và bắt gặp gã hôn một cậu trong đám học sinh. Cái hôn dài và sâu. Cậu trai run lên, còn gã lại sành sỏi. Nhưng tôi không cho rằng Lãnh thích đàn ông. Gã chỉ có thói hay đùa, dù đùa không dai lắm. Tôi khoái gã chỗ đó. Gã biết chọn điểm rơi, mà người như vậy thì tài tình. Có lần tôi giới thiệu gã với Bình An. Cậu ta ghét gã ra mặt. Cậu ta thì thào, thằng này có khôn lắm, cẩn thận kẻo nó lừa. Nó cùng loại với tao, tao biết. Tôi phì cười, hỏi lại, thế mày thì tính lừa tao đúng không?. Ấy là vui vui vậy, song tôi hiểu mắt nhìn của Bình An chính xác ra sao. Tôi biết Lãnh là dạng không tin được. Nhưng trừ Du ra, tôi cũng không đề phòng gã cái gì. Bạn hiểu mà.

Cô nàng Minh hay đáo để, chắc tao nhận con bé làm đệ tử, Lãnh cười bảo. Tôi mừng húm, thế thì tốt quá, gã mà tách Minh khỏi Du tôi sẽ cảm ơn gã vô cùng. Nhưng chỉ hai tuần sau tôi đã nghe Minh hẹn hò với gã. Cái sự sát gái của gã, cũng thật nguy hiểm.

Vậy còn Thiên thì sao? À phải, đáng ra tôi cần nói về Thiên. Tôi không rõ mình kể về Lãnh làm gì, đột nhiên tôi muốn vậy. Nhưng giờ tôi sẽ nói về Thiên.

Thiên là anh trai Lãnh, so với tôi thì lớn hơn nhiều lắm. Chục tuổi. Đó là khoảng cách của một thế hệ, tôi không nắm bắt được Thiên bao nhiêu. Nhưng Thiên là con người đạo mạo và lạnh lẽo, anh ta thành đạt và đúng với phong cách quý ông. Tôi gặp anh ta trước khi gặp Lãnh. Chỉ gần đây thôi, tôi mới tình cờ biết họ là anh em.

Khi gặp Thiên, tôi còn ít tuổi. Lúc ấy tôi mười sáu, mới lên thành phố học, vẫn là một thằng xốc nổi,vẫn ôm mộng viết văn và nghĩ mình yêu con gái. Thiên có một ngôi nhà cạnh dãy nhà thuê mà tôi ở, song anh ta đi từ sớm tới tối nên ban đầu, tôi không biết đến sự tồn tại của anh ta, tôi còn tưởng nhà kia là nhà hoang. Mà ngôi nhà của Thiên lại rất đẹp. Nó nhỏ nhắn, hai tầng, có một khoảng sân trồng cây khế um tùm lá quả mà khi nào buồn tình, tôi cùng mấy anh sinh viên sẽ vặt trộm ; tường sơn trắng và mái gạch đỏ ; trên ban công có một dàn ti-gôn hồng, thi thoảng sẽ nghe tiếng chim ríu rít – xinh xắn và trang nhã, phảng nét Tây, một chốn thư thái. Tôi ước lớn lên sẽ mua được một chốn như vậy và cưới vợ có con, cùng cả nhà ăn khế thật vui, dù biết điều đó thật viển vông, vì nhà thành phố thì đắt đỏ chừng nào. Còn Thiên, anh ta gần như đã có tất cả những điều một thằng đàn ông mơ ước, ở tuổi hai sáu.

Lần đầu gặp nhau, là khi tôi đang buồn tình đi vặt trộm khế. Dè đâu hôm ấy anh ta ở nhà, mà ở im lìm, làm tôi ngỡ anh ta đã đi làm từ sớm như mọi ngày. Tôi còn chưa kịp trèo xuống, Thiên đã tà tà bước ra, nhìn lên tôi lúc này đang đung đưa hái khế. Vẻ mặt anh ta chẳng biểu lộ gì, ánh mắt bình thản đến rùng mình. Trong tôi sinh ra ảo giác mình trượt chân, ngã vào khoảng rỗng của đôi mắt ấy.

- Này. Cậu muốn xuống rửa khế ăn không?

Con người mang khuôn mặt lạnh lẽo, lại có một giọng nói trầm ấm kì lạ. Có thể ngày ấy tôi còn quá ngây thơ, hoặc ngay từ đầu tôi đã bị Thiên cuốn hút, mà không suy nghĩ, tôi ôm khế trèo xuống, theo Thiên vào nhà. Chúng tôi rửa rồi mang khế ra ban công tầng hai ăn, vừa ăn vừa nói những chuyện trời hỡi. Thậm chí tôi còn chẳng rõ làm sao mình lại thản nhiên tới vậy. Tôi vốn không phải một tên bạo dạn cho lắm.

Thiên hoàn toàn nghiêm túc, bảo tôi, anh ta trồng cây khế này để đến mùa có thể vặt quả xuống ăn, song khi trồng rồi, quả ra sum suê rồi, thì anh ta mới nhớ mình đâu biết trèo cây mà hái, cũng không rõ xài gậy chọc xuống làm sao, chỉ toàn làm nát khế thôi.

- Cậu xem đấy, tôi cứ mong nhờ được ai hái khế cho. Nhưng như thế thật mất mặt quá. Trồng cây hai năm rồi mà đây mới là lần đầu tôi được ăn khế cây nhà lá vườn một cách nguyên vẹn.

Nói những lời như vậy mà mặt không ngại ngùng không biến sắc. Anh ta khiến tôi cười muốn đau bụng.

Thật ra câu chuyện tiếp theo hết sức nhạt nhẽo. Để tôi kết thúc một cách ngắn gọn. Tôi đã yêu Thiên. Nhưng tình cảm ấy đến bình lặng và chẳng có gì đáng kể, bởi nó giống như một nụ mầm nhỏ xíu được vun trồng sau những lần gặp nhau vụn vặt, qua một đêm nọ chợt nở bung, và khiến tôi nhận ra mình đã yêu một người đàn ông. Không, không thực sự là “nhận ra”, tôi không hiểu về tình yêu đủ để nhận biết nó. Tôi chỉ biết mình chợt khát khao được nhìn thấy gương mặt lạnh lẽo, được nghe giọng nói trầm ấm, được chạm vào bàn tay đầy nam tính và thu hết cái bóng hình trưởng thành ấy vào mắt. Nó khiến máu tôi dồn dập hơn và tim đập mạnh mẽ hơn, và hình thành trong tôi thứ ảo giác rằng mình sẽ chết, dần mòn, nếu thiếu đi Thiên. Song cũng chính lúc ấy, tôi chợt hiểu mình đã rơi vào thế sống còn. Vì tôi yêu đơn phương một người đàn ông, chứ không phải một cô gái.

- Anh lại lên mây lên gió rồi.

Tôi giật mình mở mắt. Du đang ngó tôi tò mò.

- Anh sao vậy? Từ chiều về đã đi nằm. Mệt lắm ư?

- Không… Không có gì đâu. Chỉ là nhớ lại hồi nhỏ thôi. – Tôi mỉm cười, nhưng cảm nhận được nụ cười của mình gượng gạo và thiếu thoải mái.

Những kí ức về Thiên chỉ là một phần trong quá khứ, nó không liên quan gì tới cuộc sống của tôi hiện tại. Tôi thừa hiểu, nếu không yêu Thiên và phát hiện ra tính hướng của mình, lúc này đây tôi đã chẳng ở bên Du. Nhưng lý trí và cảm xúc là hai chuyện khác nhau. Bất chấp mọi lý do biện bạch để trấn an bản thân, tôi vẫn không xua đi được cái cảm giác tuyệt vọng in dấu trong những tháng năm yêu Thiên. Cái cảm giác khủng khiếp vì mỗi khi tôi yêu một ai đó, người yêu sẽ trở thành cả thế giới, trở thành mọi thứ. Tôi ghét cách yêu của mình, cũng như chúng ta ghét việc bị cướp đi sinh mạng vậy.

Một hôm Lãnh rủ tôi về nhà nhậu. Nghe nói gã vừa đạt một giải nhiếp ảnh nào đó. “Chú mày biết đấy, đây cũng chụp ảnh cả chục năm rồi, cũng phải gặt hái được cái gì đó chứ!”, gã bảo. Tôi không biết nhiều về mấy giải thưởng này nọ, song vẫn mừng cho gã. Chúng tôi ghé bách hoa mua một lô lốc bia, rồi vừa đi vừa hát rống, như hai thằng say bí tỉ dù chưa nhấp giọt nào. Lãnh có cái giọng mà hát lên không nghe được, nó cứ khàn đặc, cứ thống thiết. Nhưng gã hát liên tù tì, nào “Đêm thấy ta là thác đổ”, nào “Smoke gets in your eyes”. Tôi cười lăn, thoáng nhớ mình bị mấy người đi đường ngó đăm đăm kì thị.

- Mày biết đấy, tao không có chí hướng gì to. Nhưng mà vẫn có, chí hướng ấy mà. – Lãnh cười bảo.

- Cái gì?

- Có một hậu cung mày ạ.

- Thế thì lớn chứ bé gì. Cả một hậu cung. Mày biết là ăn chơi hoang dâm vô độ, kết cục sẽ tàn tạ sao không? – Tôi suýt ngã ra đường vì cười.

Hai thằng cứ thần kinh như thế cuốc bộ về nhà Lãnh. Tiết trời buốt giá, báo hiệu một cái Tết rét mướt. Tôi còn trong ngoài hai ba lớp, chứ Lãnh chỉ có độc cái áo phông. Dĩ nhiên là gã lạnh, run bần bật. Gã phải bám lấy tôi, nhưng vẫn cao hứng mãi không thôi. Tới nơi, tôi ngạc nhiên khi thấy một chiếc Ferrari đỗ trước cửa, nhưng Lãnh chỉ dửng dưng, bảo:

- Chậc thông cảm nhé, tao quên mất anh tao đến.

- Anh? Có anh cơ à? Chắc là dạng có tiền nhỉ? – Săm soi con xe bóng lộn, tôi gật gù.

- Ừ có chứ, nhiều là đằng khác. Tao sống nhờ tiền của chả mà.

Ngày hôm ấy, tôi ước gì mình không về nhà Lãnh. Tức là không gặp lại Thiên. Tức là quãng ngày bình yên bên Du sẽ kéo dài hơn. Tôi biết một ngày nào đó cũng phải chấm dứt tất cả những vương vấn còn lại với Thiên mà thôi, phải dứt khỏi quá khứ, nhưng tôi quá sợ đối mặt với tình yêu tan vỡ một thời.

Thật ra tôi không nhớ rõ về giây phút gặp lại Thiên, vẫn lạnh lẽo đạo mạo, vẫn cao lớn nghiêm trang, trước cửa nhà Lãnh. Tôi nghĩ anh ta ra đón em trai trước khi chúng tôi kịp bước vào. Tôi nghĩ mình đã nhìn anh ta không chớp mắt suốt năm phút. Hoặc ít hơn, không rõ nữa. Tôi chỉ biết giây phút nhìn thấy Thiên, mọi âm thanh và màu sắc xung quanh đều biến mất. Tôi rơi vào một khoảng rỗng vô tận, vô tận như đáy mắt Thiên năm nào. Rồi hai chân tôi tự chuyển động, nó lùi lại và bắt đầu chạy. Và tôi thấy mình chạy, chao đảo, vô định, rối loạn. Tôi thấy gió lạnh tạt vào người và những đèn đường chớp nhoáng xẹt qua. Thấy cả thế giới mờ mịt, những người qua đường chỉ mộng mị như những bóng ma hành quân.

Tôi đã yêu Thiên suốt tháng ngày Trung học. Tôi đã nói với Thiên mình yêu anh ta không biết bao nhiêu lần. Nhưng Thiên không từ chối cũng chẳng chấp nhận. Anh ta thản nhiên để tôi đến bên cạnh, thản nhiên giữ tôi gần kề. Trong suốt ba năm. Suốt ba năm ấy tôi đã vẽ cho mình không biết bao nhiêu ảo tưởng, về tình yêu từ con người băng đá kia. Tôi nghĩ anh ta cũng yêu mình. Rằng tình yêu đó không cần thành lời. Rằng việc anh ta để tôi kề cận, chính là minh chứng của tình cảm. Vì vậy, tôi bất chấp việc hạ thấp bản thân, việc để anh ta coi thường, việc anh ta lừa dối mình. Tôi cầu xin tình yêu của Thiên. Tôi coi Thiên là toàn bộ những gì mình có, tôi sợ mất đi Thiên. Có lẽ bây giờ tôi vẫn nghĩ vậy. Có lẽ tôi vẫn còn yêu anh ta. Nhưng đó là một tình yêu chết, một tình cảm héo tàn không cách nào cứu dậy. Thứ tình yêu đã bị vùi dập tới úa héo năm mười tám tuổi, buộc tôi lựa chọn rời bỏ Thiên nếu muốn sống sót.

Thụy nói đời có hai loại người, một là loại yêu cái suy nghĩ mình đang yêu, một là loại thích được người ta yêu. Mà Thiên, nhất định là loại hai. “Loại đó, là có hại với những kẻ khờ dại trong tình yêu như chúng ta lắm,” cô nhả khói, nhàn nhạt cười. Tôi nghĩ về sự khờ dại. Trên đời này, khờ dại đã thành một yếu điểm chí mạng. Chẳng ai hoan hô những người ngây thơ, chẳng ai thấy họ trong sáng và không vướng bụi đời. Người ta cười họ, và lừa cướp của họ từng mảnh ngây thơ cuối cùng. Tôi thấy buồn. Buồn vì chúng ta sẽ chẳng sống được nếu không lừa lọc. Và vì chúng ta luôn tô hồng cái khái niệm “tình yêu”, để che mắt những kẻ khờ khạo. Tôi cũng buồn, không rõ làm sao mình vẫn sống đến giờ này. Tôi đã lừa bao nhiêu người? Đã nhạo báng bao sự ngây thơ? Đã chà đạp lên bao nhiêu tình cảm? Nếu cố gắng trả lời hết những câu hỏi đó, có lẽ, sẽ chẳng ai đủ thản nhiên mà sống tiếp.

Đêm ấy, khi chạy muốn đứt hơi và chân tê cóng rồi, tôi lang thang trong công viên, thấy bên vai đè một gánh nặng vô hình. Mặt hồ đêm có gió thổi vào, rung rinh gợn những làn trắng bạc. Trăng to tròn lạnh lẽo treo trên bầu trời. Bất giác tôi những tưởng cả thế giới này đã chết, chỉ còn tôi trong vùng cô đơn mênh mang. Tôi biết cần phải gọi điện cho Du, để em khỏi lo. Nhưng tôi quá mệt mỏi, toàn thân không muốn động đậy, và tôi gục xuống lớp cỏ đọng những giọt sương buốt rét. Tôi nghĩ, có thể mình sẽ thiếp đi, và không tỉnh dậy nữa, vì sưng phổi chẳng hạn. Có khi mình sẽ chết. Có khi mình sẽ bốc hơi khỏi mặt đất này, đến một chốn xa xăm vô định nào đó. Giống như Thụy, chỉ sau một đêm, đã mất tích không dấu vết. Có thể một độ vênh thời gian sẽ mở ra, sẽ nuốt mình vào, sẽ cho mình sống mãi những tháng năm hạnh phúc và không cần biết tới tương lai hay quá khứ.

Lúc đó tôi muốn khóc, nhưng hai mắt khô đến bỏng rát. Tất nhiên tôi không chết. Thiếp đi được một lúc, tỉnh giấc đã là ba giờ sáng, tôi lê bước về nhà. Du vẫn thức chờ, co ro ngồi ở sô pha, chìm trong thinh lặng và bóng tối. Như mọi khi, em không đặt một câu hỏi nào, chỉ chuẩn bị nước ấm cho tôi tắm, pha chút ngũ cốc nóng hổi, rồi cùng nhau đi ngủ. Có lẽ sợ tôi bị lạnh, em để tôi gối lên cánh tay và ôm tôi vào lòng. Thật kì lạ, làn da luôn lạnh ngắt của em lại có thể ủ ấm cho tôi bình tâm. Thật mừng là tôi không chết cóng nơi bãi cỏ xa lạ. Nếu được, tôi muốn chết trong vòng ôm dịu dàng không lời của người yêu.

Sau đêm ác mộng, không ai trong chúng tôi nhắc lại nó, cứ thản nhiên như chưa có chuyện gì. Lần đầu tiên tôi thấy mình hèn nhát và tàn tệ với Du. Nhưng can đảm thì tôi tìm không ra.

Lãnh gọi điện hẹn tôi đi ăn. Không lý do gì cả, khơi khơi muốn vậy. Tôi cười gượng, cố giữ giọng tự nhiên, chà dạo này lắm tiền đấy, cứ muốn mời anh em hoài. Lãnh khà khà, rồi cúp máy. Đắn đo một hồi, vẫn là quyết định đi. Tan ca sớm, tôi tạt về nhà, Du đang xem lại xấp ảnh mới chụp và nghe nhạc, tôi bèn bảo em sẽ đi ăn với Lãnh, hay là em đi cùng. Người yêu ngẫm một lát, rồi lắc đầu bảo, thôi em mệt, anh đến mà thấy Minh đi cùng thì nhớ cáo về sớm – anh hiểu mà, phải không?. Trong giây lát, lạnh lùng toả ra từ câu nói của Du, khiến tôi thoáng chững lại. Nhưng vẫn gật gù, tất nhiên, anh hiểu, anh hiểu mà.

Lãnh đặt bàn ở một nhà hàng Ý, gã nói mình mới mua một con xe nên sẽ qua đón tôi. Con xe của gã khá oách, một chú SUV đen bóng nhẫy, gã còn “độ” một dàn đèn chói mắt. Tôi nhăn nhó kêu, chạy cái con này thì em nào bị mày chở cũng khóc thét. Gã xuỳ xuỳ, làm sao, xe ngầu ớn ra mà mày còn ý kiến, cứ như mày lúc nào cũng cuốc bộ, gái nào tự hào nổi. Tôi cười phá, thằng thần kinh, tao gay từ đầu đến chân thì cần gái làm quái gì?! Thế là hai đứa cùng cười hô hố. Đến nơi, ở bàn đã có hai người đợi sẵn. Một người là Minh, cư nhiên tôi lại muốn tặc lưỡi mà rằng, người yêu bé nhỏ à, mồm em thiêng quá. Nhưng người còn lại… Là Thiên. Tôi định tháo lui, song chưa kịp đi đã bị Lãnh giữ tay kéo lại. Gã không cười, nhìn thẳng vào tôi:

- Ở lại đi. Chỉ là một bữa ăn thôi.

Tôi chợt hiểu, bữa ăn này, là ai dàn dựng. Dù đã ngồi vào bàn, tôi cũng không tài nào ngẩng mặt lên. Tôi sợ hãi phải nhìn Thiên. Tôi có thể cảm nhận ánh mắt anh ta phủ lên mình. Và cả tia nhìn khinh bỉ của Minh. Tôi thấy mình như mất nước, như cần gặp Du ngay lập tức. Tôi ước gì những người thân yêu có mặt ở đây, tôi cần sự bảo vệ của họ.

Vì tôi sợ mình sẽ, lần nữa, ngã vào đáy sâu trống rỗng nơi đôi mắt Thiên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro