16

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hơn tháng nay, Nam Việt tiếp tục công việc học y và theo cha đi chữa bệnh cho những người dân quanh vùng.

Hàng ngày hắn thường siêng năng đọc sách, mở mang thêm kiến thức giúp đỡ cho ông Nghiêm rất nhiều. Trước kia, mọi việc từ khám bệnh, kê đơn, hái thuốc, bốc thuốc... tất thảy đều một mình ông làm, nay có Việt phụ giúp mấy việc nhỏ, ông thấy đỡ hẳn.

Ông Nghiêm có tiếng là lương y tốt, ông thường chữa bệnh miễn phí cho mọi người, có lúc còn bỏ tiền túi ra mua giúp bệnh nhân các vị thuốc còn thiếu. Chính vì vậy, người quanh đây đều luôn kính nể ông hết mực.

Có lần, Việt thắc mắc:

"Sao cha không lấy tiền khám bệnh của họ?"

"Con người ta sống với nhau có cái tình cái nghĩa là quý rồi, hơn nữa họ cũng giống ta chỉ là dân nghèo khó, ta giúp được gì thì giúp đâu cần phải tính toán làm chi. Con thấy đấy, ta giúp họ thì lúc khó họ sẽ giúp mình."

Nghe cha nói như vậy, hắn gật đầu ý hiểu. Thế nên, ngoài việc dạy hắn y thuật, ông còn dạy hắn điều khác quan trọng hơn, đó là y đức. "Một người thầy thuốc luôn phải lấy việc cứu người làm trọng", câu nói đó của ông đã khắc sâu vào tâm trí hắn đến suốt đời.

Từ cách tiếp thu, chăm chỉ học thuật, ông thấy Việt quả thực là người học nhiều biết rộng. Nếu cố gắng sau này sẽ trở thành một thầy thuốc giỏi, có thể chữa bệnh giúp nhiều người. Nhận thấy kiến thức của ông chưa đủ đáp ứng cho con người luôn học hỏi, tìm tòi như hắn. Ông nghĩ nếu hắn theo một người thầy khác chắc sẽ tốt hơn.

Một ngày kia, khi hắn đang ngồi bần thần trước hiên nhà, ông mới nói:

"Ta thấy con là người có tài, nếu cứ giữ con ở mãi chốn này e rằng sẽ không thỏa đáng, chi bằng ta giới thiệu con cho một người, con hãy theo ông ấy học tập. Sau này, hãy trở thành một lương y tốt."

"Con... " Hắn muốn nói gì đó xong lại thôi.

"Ông ấy là sư huynh của ta nói về y thuật thì giỏi hơn ta nhiều, hiện đang ở kinh thành." Ông nhìn Việt vẫn đang lắng nghe. " Con thấy sao? Ta nghĩ con nên đi."

"Thế cũng được ạ. Nhân tiện con cũng muốn xem thành Thăng Long như thế nào, có khác Hà Nội nhiều không?" Hắn nghĩ một hồi rồi mới đồng ý.

"Cả Đậu cũng sẽ đi cùng con, nó nói muốn lên kinh thành."

"Vậy... một mình cha ở nhà, con thấy không yên tâm."

"Haha, có gì mà không yên tâm, có phải con chê ta già rồi phải không?"

"Con... "

"Thôi được rồi, con đừng lo nghĩ gì. Ta đâu có ở một mình, ta còn những người hàng xóm tốt nữa mà. Con cứ an tâm mà học cho tốt, lúc nào rảnh thì về thăm ta."

Hắn gật đầu, không nói gì nữa nhưng thực tình vẫn chưa an tâm lắm. Nhưng cha nói cũng đúng, người dân ở đây luôn quý mến ông, họ rất tốt với ông, có việc gì thì có thể nhờ cậy được. Thế mới nói "bán anh em xa, mua láng giềng gần" là vậy.

Ba ngày sau, Nam Việt theo lời cha lên kinh. Trước khi đi, cũng như lần trước ông Nghiêm lại dặn dò cẩn thận:

"Con lên kinh thì đến Tâm Y Đường, tìm người họ Hà tên Trung Quân. Chính là sư huynh của ta." Ông nói tiếp, đưa cho hắn hai cuốn sách và một lá thư đã viết sẵn. "Đây là mấy cuốn sách là nghiên cứu tâm huyết cả đời ta, con hãy giữ lấy mà đọc. Còn đây là thư giới thiệu ta đã viết sẵn, khi gặp thì đưa cho ông ấy."

"Con cám ơn cha!"

"Hãy chăm sóc tốt cho Đậu." Ông nhìn Đậu dặn dò: "Đậu cháu phải ngoan nghe lời anh nhé."

"Con hứa sẽ nghe lời anh." Nó chạy lại ôm lấy ông, ngước mắt lên nói. Ông gật gật đầu.

"Cha ở nhà cũng phải bảo trọng. Khi nào ổn định con sẽ về thăm cha."

"Được rồi, con mau lên đường sớm đi."

Việt vàcáiĐậu cúi chào ông rồi lên đường. Ông Nghiêm vẫn đứng đó, khóe mắt rơm rớm nước nhìn theo đến khi bọn họ khuất dần, ông mới trở vào nhà.

Từ làng Ngư Điều lên kinh nếu cưỡi ngựa nhanh chỉ mất 3 ngày, còn đi bộ thì cũng phải mất hơn chục ngày. Đường đi không mấy khó khăn như dạo trước, hơn nữa lần này lại có Đậu đi cùng nên chuyến đi cũng bớt nhàm chán. Trên chuyến đi, có lúc hắn dạy nó hát mấy bài thiếu nhi, khi lại kể truyện cười trên mạng hắn từng đọc. Con bé thích lắm toàn bắt anh nó kể đến mấy lần. Nhìn nét ngây thơ của con trẻ, hắn thầm ước giá mà mình có thể vô tư như nó thì hay biết mấy.

Gần mười một ngày trôi qua. Giờ đây, trước mắt Việt và Đậu là cổng thành phía trên đề ba chữ hán "thành Thăng Long" to lớn, sừng sững, dòng người qua lại tấp nập. Hai bên cửa còn có lính canh thường trực. Niềm vui dâng trào, rốt cục bao ngày vất vả cũng đến được nơi này. Việt hồi hộp muốn xem ngay thành Thăng Long như thế nào. Không chỉ hắn, Đậu còn háo hức hơn.

Bước qua cánh cổng lớn ấy là một thế giới khác, một nơi hoa lệ. Nơi này, ở quá khứ và hiện đại vẫn luôn là trung tâm văn hóa chính trị lớn nhất nước. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt hắn và Đậu là những nhà lầu mái ngói với các kiểu kiến trúc cổ kính nối nhau san sát, thỉnh thoảng có vài cửa tiệm lớn trang trí hoa lụa nhiều màu sắc xen vào thêm phần nổi bật. Điểm thêm vào bức tranh phố cổ là những hàng cây xanh bóng mát bên lề đường, phía dưới gốc có vài cửa tiệm nhỏ buôn bán đồ chơi hoặc đồ ăn tạm.

Trên đường chính dòng người qua lại khá đông, người sang trọng có, người thường dân cũng có. Thấp thoáng mấy đứa trẻ nô đùa chạy qua chạy lại càng náo nhiệt. Hòa vào đó là những tiếng rao của các cô, các bà bán hàng rong quen thuộc như một đặc trưng của Hà Nội. Bầu trời cao vời vợi không một đám mây, mặt trời quết xuống làn đường từng mảng nắng chiều còn oi ả và nóng bức.

Hắn và Đậu sững người một lúc. Đây đúng là một nơi rất tuyệt. Đi lang thang trên phố, ngơ ngác quan sát mọi thứ xung quanh như bọn nhà quê khiến những kẻ khác nhìn họ với ánh mắt coi khinh bên đường. Chốc chốc Đậu lại chạy tới một cửa tiệm lẻ bên đường, miệng nó cười toe thích thú khi xem những thứ đồ chơi lạ như một con chim nhỏ nhảy tới nhảy lui làm Việt luôn phải theo sát nó chỉ sợ bị lạc.

"Đậu, từ từ thôi!" Hắn nhắc khi thấy nó chạy nhanh quá.

Đến một gốc cây to, nó dừng lại trước một cửa tiệm bánh bao.

"Anh! Em muốn ăn cái này." Nó chỉ vào một cái, có lẽ đi suốt dọc đường bụng đã đói.

"Cái này bao nhiêu vậy chú?" Hắn hỏi người đàn ông trung niên đứng bán.

"Ba đồng một cái."

"Vậy cho tôi hai cái." Hắn móc trong người ra một cái túi nhỏ đựng mấy đồng bạc lẻ vẫn còn, đưa cho ông ta.

"Hai cái sáu đồng." Người đàn ông gói hai cái bánh đưa lại cho hắn.

"Đây." Hắn đưa tiền, cầm lấy hai chiếc bánh bao còn nóng hổi, đưa cho Đậu một cái, hắn một cái.

Việt dắt nó ra ngồi trên hiên nhà của một cửa tiệm đóng cửa. Nhìn Đậu ăn ngon lành, hắn cũng thấy vui. Mắt hắn đưa ra phố ngắm người qua lại. Thoáng chốc, ánh mắt rơi xuống một điểm. Bên kia đường, một cô gái vận trên mình chiếc áo xanh nhạt đang mua đồ. Hắn có cảm giác thân quen lạ kỳ. Tim hắn bỗng đập mạnh, cố nhướn người ra nhìn. Nàng quay đầu lại. Hắn sững sờ một hồi lâu. Đôi mắt ấy, đôi môi ấy, gương mặt ấy và cả dáng người ấy là... là em sao? Không kịp nghĩ ngợi gì, hắn đứng phắt dậy khi thấy cô gái kia bước đi, hắn muốn đuổi theo nàng. Vì một điều gì đó.

"Đậu! Em cứ ngồi yên đây, anh đi một lúc rồi về. Nhớ không được đi đâu đấy." Hắn nói vội rồi chen qua dòng người trên phố sang bên kia đường.

Đậu thấy anh mình hơi lạ, nó chỉ gật đầu chưa kịp hỏi gì thì đã thấy hắn lẩn khuất trong đám người trên đường.

Bóng chiếc áo xanh nhạt thoắt ẩn thoắt hiện trên phố như thách thức hắn, dù đi nhanh đến mấy nhưng không thể nào bắt kịp nàng. Kinh thành thật rộng lớn, hắn có cảm giác mình đã đi khá xa Đậu. Trong đầu hắn lúc này luôn chỉ có một câu hỏi duy nhất: "Người đó có phải là em?"

Hai người như chơi trò đuổi bắt, một người chạy còn một người đuổi. Cứ sắp đến gần là nàng lại càng đi xa. Cuối cùng thì cũng đuổi kịp, người đó đang ngay trước mặt hắn chỉ cách vài phân, cánh tay hắn run run khẽ đập vào vai người đó. Người áo xanh quay đầu lại, là một gương mặt khác đang nhìn hắn khó hiểu.

Không phải! Có lẽ mình đã hoa mắt. Phải, sao em lại ở nơi này được chứ?

Việt cười trừ rồi xin lỗi vì nhận nhầm. Người đó khó chịu quay đi, miệng lầm bầm gì đó. Lúc này, hắn mới sực nhớ ra Đậu vẫn đang đợi mình. Hắn dò hỏi rồi trở lại con đường lớn, chạy về chỗ cũ nhưng...

"Đậu! Đậu đâu rồi?" Hắn tự hỏi khi không thấy nó đâu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro