56

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày kia, quân cấp báo giặc Nguyên do Toa đô chỉ huy từ Chiêm Thành tiến đánh vào Trường Yên, lại thêm phía bắc quân Thoát Thoát cũng đánh vào. Thế quân ta ở giữa, bắc nam đều có giặc thực là "tiến thoái lưỡng nan". Những tưởng lần này sẽ được ra ngoài chiến trường sống chết với giặc một phen, nào ngờ Quốc công hạ lệnh cho lui quân ra biển rồi cùng họp ở Diễn Châu, tuy có chút thất vọng nhưng ngẫm lại có thể đây là kế sách của ngài để bảo toàn quân binh, chuẩn bị cho một cuộc phản công sắp tới chăng?

...

Những ngày đầu của tháng tư, tiết trời nóng nực oi bức lại mưa nhiều khiến các khúc sông dâng cao gây ra ngập lụt. Giặc Nguyên vốn quen sống ở vùng thảo nguyên thời tiết quanh năm mát mẻ, nay lại phải sống ở một vùng có khí hậu nóng bức nên không quen, cơ thể chưa thích ứng được môi trường mà sinh ra nhiều bệnh tật như tiêu chảy, sốt rét, đau đầu và các bệnh ngoài da khiến quân giặc chết không ít. Vì thế sĩ khí của chúng cũng giảm nhiều phần, bây giờ trong doanh trại giặc trông không còn được nghiêm trang như trước nữa. Nếu nhìn vào bên trong doanh trại, sẽ thấy quân lính nằm la liệt khắp nơi vì mệt mỏi, vì bệnh dịch lại thêm nguồn nước nhiễm bẩn, môi trường sống thiếu thốn nặng nề.

Thiết nghĩ, nếu tính theo lịch dương thì cũng sắp đến lúc quân ta phản công đánh đuổi giặc Nguyên giành lại độc lập và cũng khi ấy tôi sẽ gặp lại Vĩnh Linh. Nghĩ tới ngày sắp được đoàn tụ, trong lòng phấn khởi vô cùng chỉ mong ngày ấy đến thật nhanh.

Một ngày nọ, Quốc công cho gọi tất cả các tướng sĩ vào trướng để họp bàn việc quân. Không biết bên trong đã bàn những việc gì mà đến tận chiều mới kết thúc, lúc bước ra khỏi trướng lại thấy các tướng ai ai cũng đều vui vẻ, hào hứng hơn nhiều phần. Tôi đoán chắc sắp đến ngày ấy rồi.

Sau buổi họp bàn ấy hai ngày, Phạm tướng cũng như các tướng khác đều tập hợp quân rồi mỗi người một hướng tiến ra các ngả khác nhau. Đoàn quân của Phạm tướng và Trình tướng thì tiến về phía ngã ba sông Luộc, vùng A Lỗ. Nghe nói là nơi đóng quân của Vạn hộ hầu Lưu Thế Anh. Nơi đây rất quan trọng, chính là chủ chốt để tiến đánh các vùng Trường Yên, Thiên Trường vì vậy trận đánh này nhất quyết không thể thua. Nhận thấy sự quan trọng đó nên các tướng đều phải quan sát tình hình giặc tỉ mỉ rồi cùng bàn kế tiến đánh.

Gần trưa, mặt trời đứng bóng, nắng càng to càng nóng bức khiến quân Nguyên uể oải, nhức đầu, mồ hôi túa ra như tắm không còn sức đâu mà luyện tập. Suốt mấy tháng ròng chúng chỉ ăn với ngủ nên sức khỏe và sĩ khí đã tụt giảm đi rất nhiều, ấy chính là cái lợi cho quân ta. Ngẫm lại, Quốc công quả thực là một tướng giỏi, lường mọi việc như thần. Lợi dụng thế mạnh của Đại Hưng có khí hậu mùa hè nóng bức khác hẳn với khí hậu bên nhà Nguyên, bọn Nguyên không quen với tiết trời này ắt sẽ uể oải, sinh ra nhiều thứ bệnh khiến bọn chúng mệt mỏi, chán nản không còn sức đâu mà cầm binh khí.

Chờ đến tận đêm, khi trại giặc đã lên đèn, quân Nguyên cũng đi ngủ gần hết chỉ còn vài tốp lính đi tuần và canh gác các cửa nhưng xem ra bọn chúng cũng mệt mỏi lắm. Đến lúc này, Phạm tướng mới hạ lệnh cho quân ở phía mạn trái của trại giặc cho khai pháo hỏa. Quân sĩ y lệnh, châm ngòi trong đêm. Bỗng.

"BÙM!!!"

Một tiếng nổ lớn phát ra từ trại giặc, ngay sau đó lại có thêm mấy tiếng nổ khác liên tiếp vang lên rung chuyển mặt đất, lửa cháy bùng bùng lan ra khắp doanh trại. Giặc Nguyên giật mình, nháo nhác chui ra khỏi lều tìm đường trốn thoát. Phía góc trại, đám ngựa cũng sợ hãi hí lên những tiếng kêu dài, lồng lộn cố thoát khỏi đám cháy. Cảnh tượng bên trong vô cùng hỗn loạn hòa trong khói lửa mịt mù phủ kín cả bầu trời.

Lát sau, Trình tướng tiếp tục hạ lệnh cho quân ta tiến vào, khí thế quân ta đang hừng hực, ai ai cũng phấn khởi xông lên. Tôi cầm theo thanh trường kiếm hòa vào dòng người đông đúc cùng tiến thẳng vào trại giặc. Bên trong thật nhốn nháo, bọn giặc như lũ chuột nhắt chạy lăng xăng tìm đường thoát ra khỏi vòng lửa, không tên nào chịu nghe lệnh của tên Vạn hộ hầu mặc cho ông ta gầm thét giận dữ. Thế mới biết, bọn giặc Nguyên còn nhút nhát hơn cả thỏ đế.

Trong đám khói lửa khó mà nhận biết được ta và giặc nên tôi luôn thận trọng xác định rõ rồi mới ra tay, cứ tiến vào gặp giặc là tôi dùng kiếm chém, đâm rồi lại chém. Dường như cái sự giận dữ trong tôi đã biến tôi thành một kẻ khác đáng sợ hơn, sống ở thế giới này đã lâu nên việc dùng kiếm giết người không còn khiến tôi sợ hãi như trước nữa. Tất cả đều hợp pháp, đều chỉ là phòng vệ mà thôi. Hơn nữa, việc giết những kẻ lòng lang dạ sói này và thay trời hành đạo có khác gì nhau? Máu giặc đã nhuốm đỏ tay tôi, bắn cả lên mặt tôi khiến tôi bây giờ không còn nhận ra mình là ai nữa.

Tôi xông thẳng vào trướng chủ tướng, bên trong có một gã râu ria lởm chởm, trang phục luộm thuộm đang cuống cuồng lục tìm thứ gì đó trong rương. Khi thấy tôi bước vào, gã sợ hãi liền cầm thương đao lên lao thẳng vào tôi, tôi nhanh nhẹn nghiêng mình né tránh. Gã tiếp tục dùng sức khua chiếc thương sang trái rồi lại sang phải, tôi liệng người khéo léo tránh những đường đao sắc bén của gã. Bỗng gã chém thẳng xuống một đường lóe sáng, tôi nhanh tay dùng kiếm đỡ lấy. Một âm thanh chát chúa vang lên "Keeng".

Tôi nhận ra công phu của người này không giống bọn lính bình thường, gã gồng tay ghì mạnh tôi xuống. Thật nặng nề! Nếu tiếp tục thế này không chừng tôi sẽ quỵ xuống mất. Nghĩ thế nào tôi dùng chân đá mạnh vào bụng của gã khiến gã mất lực ở tay, khom người cúi xuống nhưng chỉ giây sau đã nhanh chóng điều chỉnh cơn đau. Gã như con hổ dữ lao vào tôi vung đao lia lịa khiến tôi sắp chống đỡ không nổi. Đột nhiên, từ bên ngoài nghe tiếng của Phạm tướng đang tới gần, gã kia dồn sức xuống chân đạp mạnh vào hạ bộ của tôi cái thật đau đớn rồi gã xé toạc bức trướng mà tẩu thoát ra ngoài. Tôi ngã quỵ xuống đất, cố sức gượng người đuổi theo được một đoạn thì trời tối quá, lại nhiều cây cỏ um tùm không thấy gì hết đành quay đầu lại.

Bước trở vào trướng, Phạm tướng thấy tôi hơi nhăn mặt, tay đang xoa bụng thì liền hỏi:

"Cậu không sao chứ?"

"À vâng! Thật xin lỗi, vừa rồi tôi đã để một tên trốn thoát. Võ công của gã đó cao cường, tôi không đánh lại được." Tôi đáp.

"Tất nhiên em không đánh lại được hắn rồi. Hắn chính chủ tướng Lưu Thế Anh mà."

Ra là vậy, thảo nào tôi thấy gã có phần khác so với bọn người Nguyên cả về võ công và hình dáng bên ngoài. Chợt nhớ ra điều khi nãy, tôi vội nói:

"Phải rồi! Tướng quân, khi nãy tôi thấy Lưu Vạn hộ đang tìm kiếm thứ gì đó trong chiếc rương kia nhưng gã chưa tìm được thì đã phải giao đấu với tôi, giờ thì chạy thoát rồi."

"Để ta xem nào!"

Phạm tướng lại gần chiếc rương, lục tìm trong đống quần áo thì thấy bộ giáp tướng và một chiếc hộp gỗ nhỏ, mở ra bên trong có binh phù. Chính là thứ dùng để điều khiển quân binh. Phạm tướng khẽ gật đầu, cười đắc ý. Trận đánh này chúng ta đã chiến thắng thật rồi.

...

Trình Giũ ở lại trại giặc chiếm cứ còn Phạm Ngũ Lão tiếp tục dẫn quân tiến vào vùng Trường Yên để hợp quân với nhà vua đánh Toa Đô. Đoàn quân của chúng tôi đi tới khi trời sáng hẳn mới đến nơi nhưng xung quanh chỉ còn lại một bãi chiến trường ngổn ngang xác người và ngựa, khói lửa nghi ngút bốn bề. Xem chừng Quan gia đã nóng lòng xuất chiến trước và đã xoay chuyển được tình thế. Phạm tướng cho quân dừng lại rồi tự mình theo Quảng Vũ vương vào trướng gặp nhà vua. Mãi lâu sau mới thấy ra, sắc mặt anh tươi vui hẳn.

Nghe trong doanh trại truyền tai nhau rằng, trận đánh hôm qua rất quyết liệt nhưng cuối cùng quân ta cũng khiến bọn giặc bị một phen khiếp đảm. Chưa kể đến sự việc Hoài Văn hầu lấy được đầu của Toa Đô dâng lên nhà vua càng khiến quân ta thêm phấn khởi, khí thế ba quân như ngọn lửa thần không bao giờ tắt.

Lại có tin, mặt trận Hàm Tử và Chương Dương do Quảng Văn vương cùng Chiêu Minh vương dẫn quân đang tiến đánh rất hăng, giặc chống trả đã có phần đuối sức. Nội trong nay mai sẽ không cầm cự được, hai nơi ấy sẽ lại thuộc về Đại Hưng ta.

Chúng tôi theo sự chỉ huy của Thiên Bảo đế cùng tiến về Tây Kết tiến đánh. Chẳng mấy chốc đã chạm trán với quân giặc đóng ở vùng Tây Kết này. Tin tức từ A Lỗ, Trường Yên bị mất, lại thêm Hàm Tử, Chương Dương bị lung lay khiến cho tướng cầm đầu ở Tây Kết là Trương Hiển cũng phải nể sợ quân ta. Chẳng cần hao tổn một binh lực nào, khi thấy quân ta đến Trương Hiển đã tự mình ra hàng, quỳ xuống đất xin tha chết như một kẻ hèn nhát. Ngay trong buổi sáng hôm ấy, cả ba vùng gồm Hàm Tử, Chương Dương và Tây Kết đều bị quân ta chiếm cứ rất nhanh chóng.

Không chần chừ thêm giây phút nào, Thiên Bảo đế hạ lệnh cùng tiến về Chương Dương hợp quân với các đoàn khác rồi cùng tiến thẳng về Thăng Long. Gần tới Thăng Long, trong lòng tôi chợt thấy thật bồi hồi, rốt cục ngày này cũng tới. Vĩnh Linh, nàng nhất định phải chờ ta!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro