Ngoại truyện 05: Một đời, dài rộng mênh mông

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một.

Lúc Tô Ngân đến nhà trọ thì thời gian vẫn còn sớm, mới hơn bảy giờ. Thủ đô hửng nắng nhanh thật, khi cậu ta đến gõ cửa là mặt trời đã mọc.

Ở độ tuổi này, tôi đã không còn ngủ nhiều được nữa, lúc cậu ta đến thì tôi đã chuẩn bị xong bữa sáng.

"Thầy Hứa, chào buổi sáng." Tô Ngân là một chàng trai trẻ trung, chừng hai mươi tuổi, vừa tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật liền tới làm phụ tá của tôi. Cậu ta rất xuất sắc, chính vì thế mà thầy cậu ta muốn tôi dẫn dắt dạy bảo cậu ta một chút, tôi không từ chối.

Tôi không thích phiền phức, vừa may, cậu ta không tính là phiền phức.

Tôi làm hai phần đồ ăn sáng, một đĩa sủi cảo nhân tôm nõn, một đĩa sủi cảo nhân cải trắng. Tô Ngân chọn đĩa bánh nhân cải trắng kia, chấm tương ăn ngon lành, khen thẳng thắn: "Thầy lợi hại thật, không chỉ biết nấu cơm, mà sủi cảo còn gói giỏi như thế!"

Tôi không trả lời. Rất nhiều năm trước, tay tôi chỉ để cầm bút vẽ. Đừng nói là sủi cảo, ngay cả việc cho dầu trước hay là cho nguyên liệu trước, tôi cũng không biết rõ. Sau khi ở cùng Lâm Thanh Dật, tôi chủ động xuống bếp, học được rất nhiều món em ấy thích ăn, tay bị dầu làm bỏng cũng không để ý lắm. Nhưng tôi không gói sủi cảo cho em ấy bao giờ. Sau đó tôi sống một mình rất nhiều năm, trù nghệ xưa đâu bằng nay, có thể gói sủi cảo thành hình dạng vui mắt, lại không biết tại sao luôn cảm thấy sủi cảo ăn không ngon bằng năm ấy.

"Thầy ơi, chúng ta phải có tác phẩm mới cho triễn lãm tranh sang năm." Tô Ngân nói khéo léo. Đại khái cậu ta muốn bảo tôi rằng, đã ba năm rồi tôi không có bất kỳ tác phẩm mới nào. Những tác phẩm cũ đã đem đi triễn lãm gần hết.

Ba năm trước tôi tới thủ đô, ở đây tôi đã gặp Chu Minh Khải, biết rằng Gia Dương không còn nữa.

Sống ở thủ đô ba năm, tôi không vẽ được.

Không bởi nguyên nhân gì, mỗi khi cầm bút lên, tâm trí không có cảm xúc hình ảnh, màu sắc đường nét bóng đổ trộn lẫn thành một đống rối tung trong đầu tôi. Cuối cùng chiếc bút đang vẽ trên tranh không thể họa ra được một hình ảnh hoàn chỉnh. Tựa rèm châu đứt tuyến, rơi xuống đất phát ra âm thanh đều đều có quy luật không ngừng nghỉ, giống như khúc ca vang trong óc, loạn lòng người.

Tô Ngân ăn rất nhanh, trông coi chiếc đĩa không ngồi nhìn tôi ăn.

"Cậu thì sao? Có tác phẩm thì tôi giúp cậu đưa đi trưng bày." Tôi hỏi.

Tô Ngân hơi kinh ngạc, ngượng ngùng gãi đầu đáp: "Em nào có khả năng đó. Những tác phẩm kia của em kém xa so với thầy."

"Sang năm đi. Đến lúc đó cùng triển lãm một thể." Tôi dự định năm nay thử tìm linh cảm để sáng tạo tác phẩm mới, sang năm sẽ mượn danh tiếng của mình để tạo cơ hội cho Tô Ngân, xem như cảm ơn cậu ta đã bầu bạn với kẻ không thú vị này suốt mấy năm. Trong giới nghệ thuật, nếu không có lời tương trợ của quý nhân thì sẽ rất khó bật lên.

"Nghe thầy hết ạ." Tô Ngân nói.

Tuần cuối của tháng Bảy, thời tiết thủ đô thực sự oi nóng bức bối, chỉ muốn ở trong phòng có điều hòa chứ không dám ra ngoài. Ra ngoài năm phút rồi về là toàn thân đầy mồ hôi.

Tôi thật sự phiền chết thủ đô nên dự định về Liễu Thành.

Có lẽ về Liễu Thành mới có thể tìm được trái tim ban đầu khi vẽ tranh.

Tô Ngân nhất định đòi đi theo. Tôi vừa nhắc đến việc muốn về Liễu Thành, tối đó cậu ta đã thu dọn hành lý của tôi xong xuôi rồi cười hì hì bảo: "Em còn chưa về quê thầy bao giờ đâu. Lần này nhất định phải ngắm xung quanh thật kỹ mới được!"

"Thầy ơi, em đi đặt vé tàu hỏa nhé." Tô Ngân lấy điện thoại, muốn đặt phiếu online.

Tôi ngăn cản cậu ta: "Đặt vé máy bay đi."

Tôi không muốn ngồi xe lửa. Đường sắt cao tốc chạy thẳng tới Liễu Thành, tiếp đó gọi một xe taxi là có thể về nhà. Sân bay xa xôi, cần ngồi thêm một chuyến xe khách. Nhưng tôi vẫn muốn đặt vé máy bay, vì Gia Dương đã đứng tự sát trên đường ray tàu hỏa kia. Làm cha, tôi không muốn đối mặt.

Ánh mắt Tô Ngân nhìn tôi đượm vẻ đồng tình không tên. Cậu ta đã từng cho rằng tôi một thân một mình, không con cái. Khi nghe tin tôi có một đứa con thì rất ngạc nhiên, càng ngạc nhiên hơn là con tôi đã không còn trên thế gian. Mấy tháng trước khi tôi đến thủ đô, nó đã qua đời. Cậu ta từng bảo, nếu chúng tôi đến sớm hơn chút, có lẽ tôi sẽ gặp được Gia Dương, cậu ta cũng có thể nhìn thấy đàn anh có biệt danh "mặt trời nhỏ" ấy.

Bầu trời Liễu Thành vẫn tươi đẹp như lúc tôi rời khỏi năm đó. Mây trắng muôn hình vạn trạng đang bay lơ lửng, ánh nắng tạo cảm giác ấm áp, không khiến người ta ngột ngạt như thủ đô.

Trên đường đi, Tô Ngân luôn hào hứng. Máy bay hạ cánh rồi lên xe khách. Tôi rất mệt mỏi cũng rất buồn ngủ, bèn nhắm mắt dưỡng thần trên xe, còn cậu ta thì ngắm cảnh ngoài cửa sổ suốt.

Xe taxi về nhà là phải đi ngang Thất Trung, trường cấp hai trước kia Gia Dương theo học. Từ nhỏ Gia Dương đã không phải là đứa trẻ làm người lớn an tâm. Học kỳ đầu tiên đã dám xúi thằng nhóc nhà họ Triệu cùng trốn học, bị giáo viên bắt được, sợ tôi lải nhải nhiều nên chưa hề kể cho tôi, việc gì cũng để mẹ nó giải quyết.

Đến khu chung cư, Tô Ngân xuống xe rồi hỏi: "Thầy ơi, nhà thầy ở tầng mấy?"

"Tầng hai mươi ba." Tôi vừa nói vừa xách hành lý lên, vào thang máy, về nhà.

Thông tin liên lạc tôi dán trên cửa vào bảy, tám năm trước đã biến mất, không biết là ai xé.

Có điều, đã không còn ý nghĩa gì nữa. Mảnh giấy ấy là hy vọng một ngày nào đó Gia Dương về nhà có thể trông thấy. Bây giờ nó sẽ không về, tờ giấy kia cũng trở nên vô nghĩa.

Cầm chìa khóa mở cửa, mùi bụi ập vào mặt, tôi ho khan mấy tiếng. Sau lưng tôi, Tô Ngân che mũi miệng hỏi: "Thầy, đã bao năm rồi thầy chưa về vậy?"

Thời gian thật sự là năm năm chưa về. Trước đó, mỗi năm tôi đều về một lần, xem xem Gia Dương có từng trở lại hay không. Về sau, mãi không chờ được nó nên tôi bỏ lại tờ giấy rồi cũng dần dà không về nữa. Công việc của tôi rất tự do, ở đâu cũng được, nhưng tôi chỉ duy nhất không muốn ở Liễu Thành. Nơi đây có quá nhiều ký ức không vui.

Quê hương, dẫu có những ký ức không vui thì cũng chẳng xóa nhòa được sự nhung nhớ và bận tâm ăn sâu vào trong máu.

Đặt hành lý xuống rồi bắt đầu quét dọn, tôi và Tô Ngân cũng bận rộn hơn. Thật ra phòng không bẩn, chỉ là quá lâu không có ai ở nên bụi hơi nhiều thôi. Tôi mở hé cửa sổ, lau sàn nhà, lau qua mỗi nơi một ít.

Tô Ngân đi quét dọn phòng cũ của Gia Dương, dọn xong thì ra nói: "Hóa ra anh ấy thích giày à. Bên trong có ít nhất năm mươi đôi, mà trong những năm tháng đó, đây tuyệt đối là hàng limited! Thật lợi hại!"

Tôi cười cười không nói gì. Gia Dương chính là như vậy, ngoại trừ học tập, cái gì nó cũng lợi hại. Khi còn bé, tôi dạy nó học đi xe đạp. Các bạn nhỏ khác cứ hô cha mẹ đừng buông tay suốt, còn nó ấy, đứng gần là không vui, nhất định phải một mình mình học, học được nửa tiếng đã dám đạp đến công viên.

Lúc đó tôi đã nghĩ, tôi phải thường xuyên trông coi thằng nhóc này, không thì mặt dày quá về sau sẽ không có nữ sinh nào thích.

Buổi tối, Tô Ngân chủ động nấu cơm. Tài nấu nướng của cậu ta còn cần rèn luyện thêm. Chỉ làm mấy món đơn giản hàng ngày mà hương vị cũng đã thật khó nói.

Tôi không kén ăn, ăn cái gì cũng chẳng để ý.

Trái lại, Tô Ngân ngượng ngùng: "Thầy à, sau này em vẫn nên theo thầy học nấu ăn thôi."

Tôi cho Tô Ngân ở phòng của Gia Dương, còn tôi ở phòng khách.

Phòng ngủ cũ được quét dọn rất sạch sẽ. Đó là nơi tôi vô cùng quen thuộc, song tôi biết mình không xứng đáng ở lại căn phòng mà cô ấy từng ở.

Cô ấy, Dương Hoa Dung, mẹ của Gia Dương.

Hai.

Năm kết hôn, tôi mới hai mươi tuổi, vừa tốt nghiệp về Liễu Thành, phát triển khá tốt trong giới sinh viên tốt nghiệp. Có mấy giáo viên rất nâng đỡ tôi, tác phẩm cũng đáng xem, nhưng chưa có danh tiếng gì. Tôi là con một trong nhà, mẹ một thân một mình nuôi tôi lớn lên. Năm tôi tốt nghiệp thì bà chẩn ra bệnh ung thư, điều mong mỏi duy nhất là muốn thấy tôi kết hôn.

Tôi đồng tính, đây là điều tôi nhận ra kể từ khi mười sáu tuổi, nhận ra nhưng không thừa nhận. Mấy năm đó cũng không gặp được người đàn ông nào mà mình thích, nên tôi vẫn luôn sống một mình. Song tôi phải kết hôn, một là hoàn thành nguyện vọng của mẹ, hai là vì mọi người đều thế, tôi nghĩ mình có lẽ cũng không tránh khỏi.

Gặp Hoa Dung trong một lần xem mắt. Tôi xem mắt, cô ấy là bạn đi cùng người đến xem mắt. Đối tượng xem mắt của tôi có người yêu, cha mẹ không đồng ý nên ép cô gái kia đi xem mắt, cuối cùng Hoa Dung mượn cớ trợ giúp bạn thân mà chủ động theo đuổi tôi.

Tôi không từ chối. Lúc đó, bất luận người theo đuổi tôi là ai, tôi cũng sẽ không từ chối.

Xem như kết hôn nhanh đi. Tôi cầu hôn cô ấy, vì khi ấy thời gian của mẹ tôi đã không còn nhiều lắm. Thế là sau ba tháng, chúng tôi hoàn thành tất cả mọi lễ tiết, tiếp đến là hôn lễ.

Trong hôn lễ, Hoa Dung mặc lụa trắng, cười rạng rỡ bảo tôi: "Một đời một kiếp một đôi người, nguyện không phụ nhau."

Mới cưới được hai tháng, mẹ tôi qua đời. Hoa Dung cùng tôi xử lý hậu sự, mua đất mộ, tìm nhà tang lễ, tang lễ. Tất cả đều là cô giúp tôi xử lý, tôi rất cảm kích.

Mãi khi mẹ tôi mất được hai tháng, cơ thể lộ rõ, Hoa Dung mới nói với tôi là cô mang thai, vì không muốn tôi phân tâm nên mới một mực chưa nói ra.

Về sau, có thêm Gia Dương.

Ngày Gia Dương sinh ra, tôi ngồi ngoài phòng phẫu thuật hút hai bao thuốc lá. Lúc bác sĩ y tá bước ra, ánh mắt tôi nhìn họ đã nhuốm ướt át. Nghe được tiếng khóc nỉ non của trẻ con, vậy mà tôi kích động đến run rẩy.

Đời này tôi có rất ít người thân. Mẹ tôi đã rời đi, đứa trẻ mới ra đời này là người duy nhất trên thế giới này có liên kết huyết thống với tôi.

Hứa Gia Dương, con của Hứa Viễn Sơn và Dương Hoa Dung. Cái tên này do Hoa Dung đặt, cô ấy rất thích ý nghĩa gửi gắm trong đó. Về sau Gia Dương luôn tự gọi mình là mặt trời nhỏ nhà họ Hứa.

Năm ba tuổi, Gia Dương được Hoa Dung đưa đi nhà trẻ. Hoa Dung là y tá, công việc cũng bề bộn bận rộn, song vẫn không hề xem nhẹ gia đình. Hai phía đều được quan tâm đầy đủ. Sự nghiệp của tôi cũng phát triển rất tốt, có ít danh tiếng ở Liễu Thành.

Vào sinh nhật tám tuổi của Gia Dương, tôi lấy tên nó làm chủ đề, mở triển lãm tranh đầu tiên trong đời, đặt tên là "ánh nắng".

Ắt hẳn trong mắt người khác tôi chính là người chiến thắng trong cuộc sống này, vợ chồng hòa thuận, gia đình hạnh phúc, có một đứa con nghịch ngợm nhưng luôn mang đến niềm vui. Sự nghiệp thành công như vậy, tuổi còn trẻ mà có thể tổ chức triển lãm tranh, có lẽ là dáng vẻ được rất nhiều người ước ao.

Tuy nhiên chỉ mỗi tôi biết, trong tim mình có một mầm độc.

Hoa Dung luôn luôn ủng hộ sự nghiệp của tôi. Lúc mới chuyển nhà, căn phòng hướng mặt trời được giữ làm phòng vẽ tranh. Năm, sáu bồn hoa lớn lớn nhỏ nhỏ được xếp lên, cô nói rằng muốn phân tán mùi thuốc màu. Tôi giữ thói quen bày bồn hoa trong phòng vẽ rất nhiều năm. Dẫu về sau Hoa Dung rời đi, tôi cũng vẫn phải nhìn cây cối mới có thể cầm lấy bút vẽ.

Mãi chẳng thể nào quên, cô ấy thích lan quân tử, nó trở thành một hình ảnh đọng lại trong ký ức.

Chắc vì về lại nơi từng quen thuộc nên tôi hiếm khi ngủ được một giấc ngon lành, Tô Ngân cũng không quấy rầy. Khi tôi thức dậy đã là giữa trưa.

Lúc ra phòng khách, tôi đã ngửi thấy mùi đồ ăn. Tô Ngân đang bưng một bát canh rong biển, thấy tôi ra thì nói: "Thầy ngủ ngon không ạ? Mau tới ăn cơm."

Đã trở về, vậy thì có những địa điểm nhất định phải đến một chuyến.

Buổi chiều, mặt trời xuống núi, tôi và Tô Ngân tới tiệm hoa mua một bó hồng vàng.

Tô Ngân nhận hoa từ chủ tiệm, ngoái đầu bảo tôi: "Thầy ơi, thầy đi thăm cô, tặng hồng đỏ có lẽ sẽ hợp hơn chút. Vì hoa hồng vàng biểu đạt ý xin lỗi."

Tôi ngắm những bông hồng vàng kiều diễm tựa ánh nắng, cười nhạt với chủ tiệm hoa rồi không nói gì. Tôi không trách thằng nhóc Tô Ngân lắm miệng, cậu ta cũng không biết, giữa tôi và Hoa Dung, mắc nợ và phụ lòng chiếm hơn phân nửa. Sao tôi có thể, lại lấy đâu ra tư cách để tặng cô ấy hoa hồng đỏ chứ?

Mộ Hoa Dung nằm sâu trong góc nghĩa trang, đi rất lâu, giẫm từng bước thềm đá đi lên, khiến người ta sinh ra ảo giác không có kết thúc.

Cuối cùng đó vẫn chỉ là ảo giác. Sau nửa tiếng, tôi và Tô Ngân đã tới trước mộ Hoa Dung. Bên trên có hoa hướng dương khô héo, tôi nghĩ có lẽ là ai đấy đã tới thăm.

Nụ cười trên bia mộ rất dịu dàng. Tôi ngắm thật lâu mới kinh ngạc phát hiện, hóa ra mình chưa từng quên dáng vẻ của cô. Dù không có tình yêu, nhưng sự quen thuộc hơn mười năm cùng nhau làm bạn kia đã ngấm vào xương tủy.

Mảnh ký ức nhỏ vụn dần trở nên rõ ràng, cuối cùng dừng tại ngày Gia Dương ra đời, cô ấy nằm trên giường bệnh, suy yếu cười, ánh mắt nhìn tôi chứa ánh sáng. Không thể không thừa nhận rằng, bây giờ tôi rất nhớ cô.

"Chào cô." Tô Ngân khom người chào, "Em là Tô Ngân, rất hân hạnh được gặp cô."

Tôi nhẹ nhàng đặt hoa hồng vàng ôm trong lòng xuống trước mộ, sát bên cạnh bó hướng dương đã khô héo kia.

Tôi muốn mở miệng nói gì đó, song há miệng mới phát hiện mình không thốt thành lời, run rẩy rất lâu mới vẽ ra một nụ cười áy náy.

Suy cho cùng, là tôi phụ bạc cô ấy một đời một kiếp một đôi người. Từ đầu đến cuối, tôi nợ cô rất nhiều thứ, cũng chẳng có cơ hội hoàn trả lại.

Năm ấy, là Diệp Vân gọi điện thoại bảo tôi, Hoa Dung nhảy lầu. Tôi và Thanh Dật vừa rời khỏi nửa tiếng thì cô nhảy lầu. Diệp Vân là bạn thân của Hoa Dung, Triệu Nhị Hầu - con cô ấy là bạn từ nhỏ đến lớn của Gia Dương. Thời điểm Diệp Vân báo tin thì Hoa Dung đã hỏa táng. Cô ấy nói với tôi trong điện thoại: "Hứa Viễn Sơn, anh không xứng gặp chị ấy lần cuối."

Lúc Diệp Vân gọi tới, tôi và Thanh Dật đang ở trên xe, tôi lái xe. Nghe cô ấy nói Hoa Dung nhảy lầu, tôi đạp phanh ngừng đột ngột trên đường quốc lộ, bị xe đằng sau tông thẳng vào.

Bấy giờ đầu óc tôi rất loạn, không có tâm tư cãi cọ với lái xe phía sau, chỉ phóng về nhà bằng tốc độ nhanh nhất. Tôi chưa từng nghĩ đến việc bức tử cô ấy. Tôi không yêu cô, nhưng tôi coi cô là người thân vô cùng quan trọng.

Tôi không kịp gặp Hoa Dung lần cuối. Diệp Vân nói không sai, tôi thực sự không xứng. Sau đó tôi tìm thấy Gia Dương, nó ở bệnh viện. Thời điểm hỏa táng Hoa Dung, đầu nó đập phải chiếc bàn trong nhà hỏa táng, bất tỉnh nhân sự và được đưa vào bệnh viện. Tôi cùng Thanh Dật trông một ngày một đêm, nó mới tỉnh dậy.

Ngày Hoa Dung hạ táng, tôi nhìn ngôi mộ khép lại. Tôi biết người phụ nữ đã từng rất dịu dàng kia sẽ vĩnh viễn an nghỉ ở đây. Chung quy tôi nợ cô một đời gửi gắm.

Ánh mắt Gia Dương nhìn tôi khi tỉnh lại nói cho tôi biết, nó rất hận tôi. Khi ấy, mặc dù buồn bã song tôi không gấp gáp. Tôi luôn muốn chờ sau này bồi thường cho nó, chờ đến một ngày nó sẽ hiểu cho tôi, sẽ tha thứ cho tôi. Xem đi, lúc đó tôi suy nghĩ tốt đẹp biết bao. Thế nhưng, chẳng ai có thể đoán được vận mệnh sẽ đẩy chúng ta về đâu.

Thời điểm xuống mấy bậc thềm đá rời khỏi nghĩa trang, tôi ngoái đầu nhìn, mộ của Hoa Dung thật lẻ loi trơ trọi. Tôi bỗng nhiên rất muốn bảo Gia Dương, về sau chăm sóc mẹ con thật tốt nhé.

Ba.

Sau khi trở về từ nghĩa trang, Tô Ngân đi mua dụng cụ vẽ, bàn vẽ giấy vẽ thuốc màu đều đầy đủ. Cậu ta ôm toàn bộ vào phòng vẽ trước kia, rồi lại đi mua không ít bồn hoa theo thói quen cũ của tôi.

Tô Ngân có nụ cười xán lạn, thấp thoáng bóng dáng Gia Dương của hơn mười năm trước. Cậu ta nói: "Thầy ơi, chúng ta ở đây vẽ đi, không chừng sẽ có linh cảm đó!"

Tôi thấy cậu ta cười vui vẻ, bèn phối hợp ngồi xuống, cũng không biết tại sao mà cõi lòng trở nên giống rất nhiều năm xưa. Có lẽ vì thằng nhóc Tô Ngân này mang đến cho tôi cảm giác của Gia Dương, khiến tôi cảm thấy mình lại là một người cha lần nữa. Đôi mắt ấy sáng ngời nhìn tôi, trong mắt là sùng bái và khâm phục.

Tôi vẽ một bức tranh, đêm đen và ngày sáng cùng tồn tại. Ánh nắng trong bóng tối nở đầy hoa tựa hướng dương, là lửa nóng trong tim tôi, đốt rừng rực khắp trời đêm.

Tôi không hài lòng lắm, nhưng Tô Ngân rất thích, nói: "Sang năm đem đi triển lãm, nhất định sẽ có rất nhiều người thán phục."

Tô Ngân hỏi: "Thầy ơi, em có nhớ bức tranh thầy bán giá trên trời kia, vẽ vô cùng đẹp, người thanh niên trong tranh vô cùng có linh khí..."

Tôi cười nhạt nhẽo, vì bức tranh cậu ta nhắc vẽ Lâm Thanh Dật.

Mọi thứ liên quan đến Lâm Thanh Dật đã từng làm lòng tôi rối bời. Nghe bất kỳ chuyện gì liên quan đến em ấy sẽ khiến tim tôi nhức nhối chua xót. Em đã trở thành ký hiệu mờ nhạt đại biểu nỗi đau trong ký ức của tôi.

Ma lực của thời gian chính là như thế, một năm không hòa tan được thì năm năm, năm năm không tiêu tan được thì mười năm.

Một ngày nào đó, khi được nhắc đến lần nữa, những sự việc bạn cho rằng khó an trong đời đều chẳng qua chỉ là một nụ cười mỉm thản nhiên bên miệng.

Cuộc đời này tôi chỉ yêu Lâm Thanh Dật. Thậm chí em từng làm tôi cảm thấy, đời này có em mới là hoàn chỉnh. Em giống như một phần linh hồn mà tôi đánh mất.

Đột nhiên, bắt đầu nhớ em.

Tôi để Tô Ngân ở nhà vẽ tranh, còn mình đi về quê của Thanh Dật. Cha mẹ Thanh Dật là giáo viên già thế hệ trước, cả đời ở trong sơn thôn, cả đời trồng cây trồng người, học trò khắp thiên hạ.

Xe khách chỉ có thể đến trấn trên, còn lại là một đoạn đường núi gập ghềnh. Cha mẹ Thanh Dật là giáo viên tiểu học duy nhất trên núi, nay cũng đã về hưu.

Tôi đi trên đường núi rất lâu, trên đường gặp thôn dân chỉ dẫn mới không bị lạc, cuối cùng gặp được hơn mười hộ gia đình rải rác và một trường tiểu học thôn quê cao hai tầng.

Tôi vào trường, nói mình là giáo viên mỹ thuật, có thể dạy trẻ con học vẽ miễn phí một khoảng thời gian.

Hiệu trưởng thật sự phấn khởi, tự mình sắp xếp chỗ ở cho tôi, liên tục bảo rằng tụi nhóc nhất định sẽ rất vui.

"Trước đây có một thầy giáo họ Lâm nhỉ?" Tôi hỏi như vậy bởi tôi biết, giáo viên vùng quê không nhiều, giáo viên cả đời cống hiến cho bọn trẻ con như ông Lâm càng khó gặp.

Hiệu trưởng thở dài đáp: "Đã qua đời năm ngoái rồi, chỉ còn bà lão."

"Tôi nhớ tuổi ông ấy cũng không quá lớn mà." Tôi nói.

"Mấy năm đó tai họa bệnh tật, không vượt qua được liền đi." Hiệu trưởng kể, "Hồi ấy con ông truyền ra vài chuyện không tốt, ông tức giận đến mức không nhận con. Trong trường học cũng nghe ít tin đồn, phụ huynh các em đều rất tin tưởng ông, song chính ông cứng đầu từ chức, về nhà cùng bà cày ruộng. Sau đó nữa, con ông tự sát trong cục cảnh sát, là một đả kích lớn với ông, suốt mấy năm chưa thấy ông cười bao giờ. Cố hơn mười năm, chịu không nổi nên mất."

Cõi lòng tôi đau nhức âm ỉ, mãi không nói gì. Hiệu trưởng là người khéo léo, kéo tôi tán gẫu tiếp: "Thầy Lâm đáng thương, lúc ra đi còn hô tên con mình. Aiz, người làm cha mẹ làm gì có thù qua đêm với con cái chứ? Con ông hình như tên là... Tên..."

Tôi nhắc: "Lâm Thanh Dật."

"Đúng, Lâm Thanh Dật!" Hiệu Trưởng tiếp tục: "Tôi từng gặp đứa bé đó nhiều lần, tính cách tốt, vẻ ngoài tuấn tú, với ai cũng khách khách khí khí, thật sự không giống kẻ xấu. Aiz, sự đời khó nói."

Sâu trong tôi rất khó chịu. Nếu là báo ứng, cái chết của Hoa Dung tính lên đầu tôi thì tôi không có gì để nói, nhưng cuối cùng người bị trả thù là Thanh Dật.

Tôi đã hy vọng nhường nào, người chết năm đó là mình.

Sao có thể đối mặt đây, con của tôi hại chết người tôi yêu nhất trên đời? Có điều bây giờ chẳng cần phải đối mặt gì cả, bởi vì bọn họ đều không còn nữa.

Ký túc xá hiệu trưởng tìm cho tôi là một phòng học bỏ trống. Lúc dẫn tôi vào, ông hơi ngượng ngùng nói: "Thầy Hứa, điều kiện chỗ chúng tôi chỉ có vậy, mong thầy thứ lỗi."

"Đã rất tốt rồi, cảm ơn." Tôi cũng không có yêu cầu gì với đồ đạc vật chất, đôi khi chỉ một cái giường là được.

Thu xếp xong chỗ ở, ngày hôm sau tôi bắt đầu dạy học cho các em nhỏ. Hiệu trưởng biết tôi sẽ không ở lâu, bèn đặc biệt sửa lại thời khóa biểu, để mấy ngày này tôi có nhiều tiết mỹ thuật hơn. Vào tiết đầu tiên, các em nhỏ rất kích động, trên bàn học bày ra rất nhiều giấy nháp và bút chì.

Sau khi xong tiết đầu tiên, tôi gọi điện cho Tô Ngân, bảo cậu ta mua thêm ít bút và giấy vẽ, giúp bọn trẻ con có thể học một tiết mỹ thuật thật sự.

Hiệu suất làm việc của Tô Ngân rất cao, xế chiều hôm đó đã đem hết đồ đạc tới. Mấy giáo viên trong trường cùng lên trấn trên giúp khuân đồ, rồi cùng nhau phát cho đám trẻ.

Ở trường ngày thứ ba, tôi mới đến thăm bà Lâm. Sau khi ông Lâm qua đời, bà sống một mình, đi đứng không tốt, vẫn luôn sống dựa vào trợ giúp của hàng xóm và lương hưu. Tôi không có bất kỳ thân phận và lập trường đến nhà thăm hỏi, bèn dứt khoát gọi Tô Ngân chuẩn bị kỹ càng số lượng lớn quà tặng, biếu các hộ gia đình có người già trong thôn. Tôi tự mình đi tặng cho bà Lâm.

Bà Lâm gặp tôi rất vui vẻ. Trước đây chúng tôi từng gặp nhau một lần, e rằng bà không nhớ rõ, nói: "Hôm qua đã có người bảo tôi, có một thầy dạy vẽ mới tới trường, người tốt, tặng quà cho bọn trẻ con, còn tặng đồ cho người già chúng tôi. Thưa thầy, thầy họ gì?"

"Tôi họ Hứa." Tôi đáp, "Bác chăm sóc bản thân thật tốt..."

Bà Lâm nghe vậy thì run rẩy hồi lâu, không hiểu sao lại chảy nước mắt. Bà khàn giọng nói: "Thầy Hứa, thầy đừng chê cười tôi. Bà già này động một chút là khóc. Thầy không biết đâu, từ khi Dật Dật nhà tôi không còn nữa, mấy năm nay, không còn ai dặn tôi chăm sóc mình tốt."

Chẳng biết vì sao, tôi cũng xúc động muốn khóc, song đàn ông tuổi tác này thực sự không khóc được. Thế nhưng trong lòng đè nén quá nhiều tình cảm, tôi chỉ có thể trấn an vỗ vai bà Lâm.

Lúc rời khỏi nhà họ Lâm, tôi bỏ vào túi quà ít tiền mặt, không nhiều, cũng không mấy tác dụng. Có lẽ là chẳng ý nghĩa gì, nhưng tôi vẫn bỏ. Tâm vẫn không yên, song đã có thể bình tĩnh rời khỏi sơn thôn này.

Cả đời này của tôi, rõ ràng muốn sống tốt, lại cứ không như mong muốn. Yêu và không yêu, đều cô phụ

Tôi đột nhiên nhớ về thời điểm mới gặp Lâm Thanh Dật. Em ấy vừa bị Gia Dương lừa leo thang lên tầng hai mươi ba, trên mặt ửng đỏ, nhìn về phía người khác mang theo sự ấm áp không tên. Khi đó, tôi chỉ cảm thấy người này có khí chất xuất trần, hẳn là một người rất tốt.

Về sau gặp lại ở triển lãm tranh, tôi cũng không chú ý tới em. Đó là triển lãm của thầy giáo có ân với tôi, tôi chỉ lo ngắm tranh. Là em chủ động bắt chuyện với tôi, câu nói đầu tiên: "Anh Hứa? Thật là anh à!"

Ngày ấy, Thanh Dật mặc một chiếc áo khoác màu vàng nhạt dài đến bắp chân, vươn tay chủ động bắt tay với tôi. Bàn tay trắng nõn, bắt tay cảm giác lạnh lẽo, nhưng lại khiến lòng người bất giác rung động.

Bốn.

Đại khái yêu một người chính là như thế, dường như một ánh nhìn đã có thể thấu vào nội tâm, xuyên qua linh hồn.

Tôi và Thanh Dật ở bên nhau. Chuyện ngoại tình trong hôn nhân bao giờ cũng không thể lộ ra ngoài ánh sáng, cho nên từ giây phút yêu em, tôi đã suy nghĩ làm cách nào để ly hôn. Dịp nghỉ đông và nghỉ hè, chúng tôi cùng tới thành phố F du lịch, đi xem triển lãm tranh, thuê một căn nhà có vườn hoa. Em vẽ tranh, còn tôi xuống bếp vì em.

Alexander là do Thanh Dật nhặt được trong một đêm mưa lất phất. Em dị ứng với lông chó, vừa sụt sịt nước mũi vừa ôm chó về. Sau đó tôi đưa Alexander cho Hoa Dung và Gia Dương.

Nhưng tôi không ngờ, về sau cãi cọ ly hôn, một Hoa Dung vốn bình thường chẳng dám giẫm côn trùng, sẽ bày Alexander đẫm máu ra trước mặt tôi. Tôi hoàn toàn không dám báo cho Thanh Dật rằng con chó kia đã chết.

Hoa Dung giết, song chúng tôi mới là hung thủ thật sự.

Tôi không thể nào rũ bỏ trách nhiệm trước cái chết của Hoa Dung, thậm chí tôi đã quyết định chuyển tất cả tài sản cho Gia Dương để bồi thường. Đáng tiếc, tôi còn chưa nói ra miệng, Gia Dương đã trả thù Lâm Thanh Dật. Tôi lần lượt nhận được cuộc gọi từ phía bệnh viện và cảnh sát, con của tôi ở bệnh viện, người yêu của tôi ở cục cảnh sát.

Khi ấy, tôi đã hoài nghi mình nghe lầm, không thể đùa cợt tôi vậy được.

Tôi chọn đến bệnh viện trông chừng Gia Dương. Tôi rất thất vọng về Gia Dương, thất vọng việc nó dùng phương thức lưỡng bại câu thương ấy để trả thù. Hủy Thanh Dật, cũng hủy chính mình.

Tình hình của Gia Dương ổn định rồi, tôi mới tới cục cảnh sát. Cảnh sát đi sát cạnh tôi, liên tục khuyên tôi không nên động thủ đánh người. Chắc cậu ta cho rằng tôi là cha của người bị hại, tìm Lâm Thanh Dật để liều mạng. Tuy nhiên, tôi quá quen thuộc hai người kia, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì cũng không khó suy đoán.

Thanh Dật ở cục cảnh sát chưa được vài ngày đã gầy đi trông thấy, sau khi gặp tôi thì chỉ hỏi một câu: "Anh tin em không?"

Tôi đáp: "Anh tin em, nhưng đó là con trai anh."

Tôi yêu Thanh Dật, tôi từng coi em là mạng sống của mình. Nhưng với bậc cha mẹ, đứa con là một điều quan trọng hơn cả sinh mệnh.

Truyền thông bắt đầu đưa tin. Lúc rời khỏi cục cảnh sát, tôi bị phóng viên vây kín đến mức không lọt một kẽ hở.

Tôi rốt cuộc về được tới bệnh viện. Nhìn Gia Dương nằm trên giường bệnh không nuốt nổi ngay cả thức ăn lỏng, lòng tôi như dao cắt.

Tôi đến cục cảnh sát lần nữa. Thanh Dật tới gần tôi, nói bằng thanh âm chỉ hai chúng tôi mới có thể nghe thấy: "Cà phê Gia Dương cho em uống có vấn đề..."

Tôi đột nhiên lắc đầu, nói: "Xin em, không thể nói ra được. Gia Dương mới mười tám, nói ra, Gia Dương sẽ xong..."

Thanh Dật vừa khóc vừa cười: "Không nói thì em sẽ xong."

Tôi cắn răng suy nghĩ thật lâu mà vẫn không biết nên nói gì. Cuối cùng, khi rời khỏi tôi chỉ bảo em một câu: "Xin em, nó là đứa con duy nhất của anh."

Tôi gặp ông bà Lâm lúc ra ngoài cục cảnh sát. Vị cảnh sát bên cạnh không biết nói gì với hai bác, bà Lâm đi tới chỗ tôi và xin lỗi không ngừng, nói bà dạy con không tốt. Trong xương ông Lâm có cốt khí văn nhân, giọng nói đẫm bi thương: "Ngài yên tâm, chúng tôi sẽ không nhận đứa con bất hiếu này đâu!"

Tôi không lên tiếng, không dám nói câu nào. Tôi biết chân tướng nhưng tôi không thể nói. Cuối cùng tôi chỉ rời đi như đang chạy trốn, sợ hãi nếu mình tiếp tục ở đó thì cảm giác tội lỗi sẽ nuốt chửng bản thân.

Lại tiếp sau nữa, Thanh Dật tự sát.

Tôi cực kỳ đau khổ, tôi giận không kìm nổi. Tôi hận mình, cũng hận Gia Dương.

Thời điểm đó, tôi bảo Gia Dương: "Hứa Gia Dương, ta sẽ không tha thứ cho con. Từ nay về sau, con sẽ không bao giờ là con trai ta. Ta cũng không muốn tiếp tục nhìn thấy con nữa."

Gia Dương cười thê lương, đáp: "Thật trùng hợp, tôi cũng sẽ không tha thứ cho ông, tôi cũng không có cha nữa. Để báo đáp công ơn nuôi dưỡng mười tám năm này của ông, tôi hứa với ông, lúc còn sống tuyệt đối sẽ không xuất hiện trước mặt ông."

Lời của tôi bật ra khi cảm xúc đau thương căm phẫn đan xen, không nghĩ rằng Gia Dương thật sự một thân một mình rời khỏi Liễu Thành. Lần này ra đi, chính là vĩnh biệt.

Về sau tôi không còn gặp nó nữa. Nếu tôi biết lần này nó một đi không trở về, cha con chúng tôi sẽ cách cả chân trời, có lẽ tôi sẽ không quyết tuyệt như vậy.

Mỉa mai làm sao, thằng nhóc Gia Dương này chưa bao giờ là đứa trẻ ngoan ngoãn. Cả đời này, có lẽ nó chỉ nghe lọt mỗi lời nói lúc đó của tôi, thực hiện lời hứa của mình rất tốt, quả nhiên khi còn sống không xuất hiện trước mặt tôi lần nữa.

Nghĩ đến đây, thật dở khóc dở cười.

Tôi ở trường dạy nửa tháng rồi rời đi. Tôi muốn trở về chuẩn bị triển lãm tranh.

Hiệu trưởng không giữ tôi ở lại. Ông tiễn tôi đến tận trấn trên, trước khi tôi lên xe thì bảo: "Anh Hứa, tôi biết anh là người nổi tiếng, rất cảm ơn anh đã dạy đám trẻ những tiết mỹ thuật như vậy. Bọn nhóc rất vui."

Ở cùng với bọn trẻ con, tôi cũng rất vui.

Tôi bắt đầu vẽ vời, ngày nào cũng ở trong phòng vẽ. Tô Ngân cũng bắt đầu vẽ, vì tôi đã đồng ý, đến lúc ấy sẽ cùng mở triển lãm để mọi người được ngắm tranh của cậu ta. Đây là thời điểm sáng tác thuận lợi nhất của tôi kể từ khi Gia Dương chết. Biết nó không còn ở đây nữa qua miệng Chu Minh Khải, tôi không có lòng vẽ vời. Bây giờ cầm bút vẽ lên, cõi lòng lại không giống năm đó.

Chẳng ngờ sẽ gặp lại Chu Minh Khải tại Liễu Thành. Ở ngã tư trên đường về nhà từ chỗ mua thuốc màu, tôi thấy bóng dáng Chu Minh Khải một mình đạp xe qua. Trong đầu chợt lóe lên những lời Gia Dương nói rất nhiều năm trước, Chu Minh Khải là một kẻ ngu ngốc, đạp xe cũng có thể đâm vào cây.

Cậu ta không trông thấy tôi. Tôi thấy cậu ta thoáng qua rồi đi tiếp. Chúng tôi không liên quan đến nhau. Điểm chung duy nhất chính là, chúng tôi đều là kẻ đã từng thương tổn Gia Dương. Giống nhau ở điểm này, chúng tôi không muốn thừa nhận, nhưng lại không thể không nhận.

Gió xuân thổi qua Liễu Thành lần nữa, triển lãm tranh của tôi và Tô Ngân được mở.

Tác phẩm trong buổi triển lãm phần lớn là của Tô Ngân, tôi có lòng trợ giúp cậu ta nên đương nhiên muốn cho cậu ta cơ hội thể hiện mình. Người tới rất đông. Suốt vài năm trong giới nghệ thuật, tôi quen được vài người bạn, một ít thương nhân và nhà sưu tập tranh ngưỡng mộ mà đến. Triển lãm tranh sau khi tôi thành danh luôn vô cùng náo nhiệt, mỗi tác phẩm đều mang giá trị không nhỏ, coi như thành công trong nhóm họa sĩ.

Tôi dẫn Tô Ngân đến trước đám đông, bên cạnh là tác phẩm của cậu ta, giới thiệu với mọi người: "Đây là học sinh của tôi, Tô Ngân. Cậu ấy rất tài giỏi, hy vọng mọi người yêu thích tác phẩm của cậu ấy."

Bọn họ cổ vũ, nhao nhao khen ngợi. Tô Ngân rất cảm kích, nhỏ giọng cảm ơn tôi.

Lúc triển lãm sắp kết thúc, tôi đứng trong sảnh báo cho mọi người: "Đây có lẽ là triển lãm tranh cuối cùng của tôi. Triển lãm đầu tiên trong cuộc đời mở ở Liễu Thành, cái cuối cùng cũng ở Liễu Thành, chắc hẳn là một phần duyên phận. Ở triển lãm lần này, tất cả các tác phẩm của tôi sẽ tiến hành đấu giá, toàn bộ lợi nhuận cho vào quỹ từ thiện, quyên góp trợ giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng núi Liễu Thành."

Mọi người than thở không thôi. Tô Ngân không biết tôi ra quyết định này, nghe tôi nói vậy thì kinh ngạc lắm, vội vàng nói: "Thầy ơi, thầy vẽ đẹp vậy mà..."

Tôi cười cười, thản nhiên nói: "Cả đời tôi thất bại đến cực điểm. Người thân người yêu mà tôi yêu quý quan tâm đều rời tôi mà đi. Tôi mắc rất nhiều lỗi sai, cho nên tôi đã mất đi rất nhiều. Tuổi tác cao, vẽ mệt mỏi, tôi không muốn vẽ nữa. Nửa đời sau, chỉ muốn ổn định ở một góc nơi Liễu Thành, không còn gì khác."

Tô Ngân khó chịu, "Thầy ơi..."

"Cậu giỏi lắm, về sau tự mình cố gắng nhé." Tôi nói.

Chỉ có chính tôi biết tại sao mình không vẽ, là bởi tôi không thể vẽ ra một tác phẩm có thể khiến bản thân rung động được nữa. Tôi cũng sẽ không cảm động vì bất kỳ điều gì.

Sau triển lãm, Tô Ngân muốn về thủ đô, tôi tiễn cậu ta ra nhà ga cao tốc. Cậu ta buồn rười rượi, nói tương lai nhất định sẽ thường xuyên đến thăm tôi, dặn tôi chăm sóc bản thân thật tốt.

Trước khi vào ga, Tô Ngân ôm tôi, nói: "Không hiểu sao em luôn cảm thấy, thầy đang... Trừng phạt chính mình..."

Thời gian không còn nhiều, cậu ta chạy vào bên trong.

Tôi đứng yên tại chỗ rất lâu, lẩm bẩm nỉ non: "Đúng thế, tôi làm sai rất nhiều chuyện, tôi đang trừng phạt bản thân."

Trừng phạt cái gì?

Phạt tôi cả đời này sẽ chẳng vui vẻ được nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro