Chương 1: Thạc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Con cứ để nó ở trong nhà mình. Xếp lại phòng của khách cho nó dọn vào. Thằng bé cũng hoàn cảnh nên nhớ đừng lấy tiền nhà làm gì, chi phí ăn uống với điện nước thì đỡ đần giúp một phần, nhớ đừng có tính toán hay thái độ gì mà tội nó nghe chưa."

Thạc chậm dãi đặt điện thoại xuống sau khi cuộc gọi đã dứt hẳn trên màn hình. Anh hơi bất ngờ vì sự quan tâm của mẹ tới một cậu trẻ lạ hoắc thời gian gần đây. Bà vốn là mẫu người sống lý trí và lạnh lùng, chẳng mấy khi bỏ công sức ra ban phát tình thương hay ân huệ cho kẻ khác bao giờ. Nhưng đặc biệt thế nào mẹ lại chọn giúp đỡ cậu nhóc này.

 Có vẻ như bà rất dễ mềm lòng với những mối quan hệ thân quen thời trẻ. Chắc cũng vì cái thuở nhỏ dại vô tư vô nghĩ bạn bè chơi với nhau bằng sự hồn nhiên không chút vụ lợi. Một mối quan hệ trong lành mà khi trưởng thành người ta khó tìm thấy được. Nên ký ức ấy tựa như một loại quyến luyến gây nên những phút yếu lòng nhất thời và vài ba quyết định kéo theo. Nhưng chính bằng cái tình thương hại với người bạn thời phổ thông dưới quê ấy, bà đã đưa cậu đến với cuộc đời anh một cách lẳng lặng như màn sương mù phủ quanh thành phố những ngày giữa đông. 

Đông nào mà chẳng có sương, hiển nhiên và bình thường đến độ người ta chẳng buồn để ý. Nếu chúng không phải sương muối gây hại cho cây trồng hay sương mù dày đặc mất cả tầm nhìn thì chẳng ai thèm nhớ đến lớp sương mỏng manh kia làm gì. Có chăng thì nó đóng vai một gam màu nền nhỏ bé trong bức tranh ủ rột của thành phố Đô Thành vốn đã đầy ưu tư này.

Cậu mang trong mình thần thái đượm buồn và đầy chất lặng lẽ như hòn đá cuội nằm im bên dòng sông cạn khô. Thậm chí tĩnh lặng đến độ lầm lì làm người ta liên tưởng đến một khung cảnh xám ngoét của màn sương vẩn quanh bầu trời Hà Nội những ngày gió mùa. Và hiển nhiên, đó không phải kẻ khiến thiên hạ phải xuýt xoa về sự xuất hiện của mình, mà là tuýp nhân vật nhược tiểu chuyên đi làm vật lót đường cho người khác. Cậu trẻ này chẳng bao giờ có đủ đặc biệt để trở thành người nổi bật trong trí nhớ của đám đông. Nếu có lục hết những tấm ảnh kỷ yếu ra thì chắc chắn cậu ta đang núp vào một góc nào đó nhạt nhòa bên những cuộc vui. Và nếu để nói thẳng thắn thì Doãn Kỳ - cậu trẻ có cái tên kỳ cục ấy gần như sinh ra để làm nhân vật quần chúng trong khung cảnh cuộc sống vốn chằng chịt đường nét này.

Nhưng cậu ta hiền lắm, ít cười và lạnh lùng nhưng hiền khô như loài động vật ăn cỏ chẳng làm hại ai. Thi thoảng chút mơ màng hiện lên trong đáy mắt nâu trầm của cậu khiến anh đã tưởng rằng chỉ cần nghệ sĩ hơn chút nữa thôi, có thể anh sẽ ví Kỳ như làn sương đầy chất thơ nơi tiết trời Đà Lạt mộng mơ mỹ miều. Nhưng tiếc thay nét buồn lấn át quá làm anh chẳng thể ngừng suy ngẫm về những hình ảnh ưu tư nặng nề. Đương nhiên không ai muốn tiếp xúc với một kẻ tẻ nhạt buồn bã làm gì. Đó là một lý do nữa để cậu trở thành gam màu trầm trong phông nền cuộc sống phức tạp xung quanh.

Lầm tưởng, thiên hạ lắm thứ lầm tưởng khiến anh cũng quẩn quanh tin vào những suy nghĩ thông thường phần đa cho là chính xác. Nhưng đa số thì cũng có lúc nhầm. Và khi đó thiểu số mới thỏ thẻ nói với anh sự thật về bức tranh cuộc đời, rằng gam màu nền chính là tấm màn bao phủ, ôm trọn và thấm sâu vào từng tế bào của đối tượng chính, chậm rãi cùng khẽ khàng đến độ không cho kẻ này cơ hội đề phòng. Và nếu một bức tranh không còn phông nền, xung quanh nhân vật chính sẽ chỉ còn khoảng không trống rỗng đến vô nghĩa. Khi ấy, kẻ này sẽ tự thắc mắc rằng mình và gàm màu phụ kia ai mới thực sự là trung tâm trong bức tranh cuộc đời.

Đúng thế, tới một thời khắc nọ, khi Thạc nhận ra thế giới của anh vắng đi phông nền quen thuộc, anh đã thực sự ước rằng giá như cậu mãi làm màn sương, còn anh vẫn là thành phố rực rỡ sôi động. Giá như cậu cứ mãi bao quanh anh, còn anh cứ để bản thân mình nép dưới vòng tay cậu thì có lẽ bây giờ Thạc đã không phải cuống cuồng tìm xem phông nền quanh mình biến đi đâu mất, chỉ để lại mình anh với nỗi cô đơn trong bức tranh trống hoác của sự đời.

Ấy là câu chuyện mà tương lai sẽ thì thầm kể về. Còn bây giờ, Thạc chỉ đang mừng rỡ vì có thêm bạn ở cùng nhà. Anh vốn là tuýp người hướng ngoại, phải sống một mình trong căn nhà vắng vẻ, anh buồn chán đến độ mỗi ngày tan ca thường lượn quanh đủ chỗ rồi mới trở về. Nầm nướng, men say, bia lề phố,... Phố vắng, xe hơi, ly đen trầm,...Cứ thế có ngày anh sẽ quen với việc lang thang đi tìm nhưng thú vui lộn xộn, và đó hẳn nhiên chẳng phải lối sống tốt lành gì.

Cậu trẻ dọn đến bỗng chốc khiến Thạc bớt cô độc hơn, thậm chí còn có người lo cơm lo nước rồi ngồi lắng nghe chuyện anh tỉ tê. Cậu ta ít nói lắm, chỉ vâng với dạ nhưng vẫn đỡ hơn anh ngồi nói chuyện một mình, không sớm thì muộn cũng biến thành thằng dở hơi.

Sơ qua thì ổn, nhưng nhìn kỹ lại thấy tính cách hai người trái ngược lắm, nên những mâu thuẫn nhỏ nhặt cứ thế mà tích cóp dần. Đến một lúc nọ, anh cảm thấy mệt mỏi khi phải giao tiếp với cậu trẻ này. Doãn Kỳ thì chẳng đối diện thẳng thắn với khác biệt của họ bao giờ, cậu lẩm bẩm hèn nhát như cái tính nhược tiểu nơi con người mình, điều đó làm anh phát chán cả lên. Kỳ với mặc cảm của một kẻ ăn nhờ ở đậu, khao khát bình yên sau chuỗi ngày sóng gió nên phớt lờ sự khác biệt giữa hai bên, cậu cố gắng làm những thứ khiến anh vui như một kiểu biết ơn lạ lùng. Kỳ theo anh trong hầu hết các cuộc vui cùng những sự rủ rê trái khoáy, ngoan ngoãn và thầm lặng như kẻ phụ tá sống chết với công việc để kiếm đồng lương. Lại thêm một điều khá rõ ràng để tố cáo cái sự làm nền đầy vụng về của cậu trẻ ấy.

Còn ở góc nhìn của Kỳ, Thạc lớn lên trong cuộc đời bằng phẳng, anh không hiểu được những nối đau của cậu, những trăn trở của cậu. Anh không hiểu được nên cậu cũng chẳng muốn kể, chỉ lắng nghe, lắng nghe những câu chuyện anh nói mỗi khi về nhà, lắng nghe những lời anh khoe khoang về cái cảnh thuận buồm xuôi gió trong cuộc đời mình. Cậu không thích người hay nói. Cậu càng không thích kẻ khoe khoang hay cố ép người khác trở thành hướng ngoại giống mình. Kể cả những bữa ăn nhóm của Thạc hay mỗi buổi karaoke mình bị ép đi. Theo anh, như thế cuộc đời cậu sẽ vui hơn. Nhưng không vui, ai vui thì vui còn cậu không vui.

Tuy nhiên, thật sự trong cuộc sống này có những người đã không trải nghiệm không va chạm với nhiều tuýp người thì thôi, còn đã trải nghiệm đã va chạm thì họ trở nên khôn khéo hơn kẻ khác gấp vài lần. Sau gần nửa năm sống với nhau, Kỳ đột nhiên phát hiện anh không còn kéo cậu đi bất chấp như trước, anh biết cách đối xử làm cậu trở lên thỏa mái hơn.

"Em có muốn đi không?", "Nếu em không thích không cần phải đi",...Anh bắt đầu ngoảnh lại và hỏi những điều cậu muốn. Dường như trong đầu Thạc đã có thêm mục tôn trọng khác biệt giữa hai người. Gần như là một kiểu tiến hóa để thích nghi với hoàn cảnh sống. Ấy cũng là dấu ấn đầu tiên về sự tác động của gàm màu nền lên đối tượng chính. Sau khoảng thời gian đó, mối quan hệ của bọn họ từ đó dần mở sang trang mới. Có lẽ sẽ là những trang viết mà chính họ cũng chưa từng tưởng tượng ra. Nhưng tạm thời, vẫn còn khá nhiều chương truyện buồn bã kéo đến, trước khi Thạc và Kỳ có thể ngồi ăn nầm nướng hạnh phúc bên nhau.

___Hết chương 1___

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro