Chương 2: Kỳ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Kỳ không biết bố là ai, cũng không thực sự muốn biết điều gì về người đàn ông đó. Trong nhận thức của cậu chỉ lơ mơ tồn tại vài ba dáng hình nọ, chúng được tưởng tượng từ lời kể vụn vặt của bà con hàng xóm về một người đã bỏ rơi mẹ và cậu, để bà chết chìm trong nối buồn chông chênh của tuổi trẻ. Hàng xóm bảo khi mang thai cậu mẹ hay khóc lắm nên mới sinh ra Kỳ với nét mặt đượm buồn. Khổ thì buồn chứ liên quan gì tới lúc mang thai, khóc hay cười từ mệnh mà ra chứ ai lèo lái được mà đổ lỗi lung tung. Có đổ thì thôi đành đổ cho số nó khổ chứ biết sao giờ.

Kỳ không cảm nhận được rằng mẹ đang thương mình, từ nhỏ đã vậy, nên cậu buồn. Cậu chẳng rõ cách thức thương con của mẹ vốn dĩ lạnh lùng hay thực sự bà không yêu quý mình. Kỳ là con người và cậu cảm nhận được cái lạnh lùng trong quan hệ giữa hai mẹ con, cả cái bức tường vô hình bà đặt vào giữa tình mẫu tử ấy. Họ vẫn cười nói, vẫn bình thường nhưng luôn có một khoảng cách được giữ nguyên như một định luật bảo toàn về vị trí. Cũng có thể đó là ranh giới, rằng tình thương của bà chỉ đến thế thôi, kịch kim rồi và có cố cũng chẳng thể hơn.

Kỳ từng thắc mắc kinh khủng về nguyên nhân, cậu đã nghĩ rất nhiều, rất nhiều. Cuối cùng cũng nghẫm ra có chăng bức tường giữa mẹ con cậu chính là người bố đã bỏ đi mất hút. Mỗi lần mẹ nhìn cậu sẽ lại nhớ về ông ta, nên bà phải tự dựng cho mình một giới hạn an toàn. Mẹ chẳng muốn nhắc về ông ta, cậu cũng không có nhu cầu biết về người đó, nên bức tường và những rào cản vẫn còn vẹn nguyên mãi đến tận sau này. Có thể nói ông ta là một nốt bè thật buồn trong cuộc đời mẹ con cậu.

***

Mẹ nuôi cậu lớn theo một suy nghĩ logic và lý trí chứ không hề đặt tình cảm vào, hay ít nhất là Kỳ thấy vậy. Mẹ không thường hỏi cậu: "Con thích chiếc áo nào để mẹ mua, con thích đồ ăn nào để mẹ lựa,..." mà bà sẽ suy nghĩ chiếc áo nào hợp túi tiền và mặc được lâu, cứ mua về Kỳ sẽ phải mặc, mẹ sẽ nghĩ loại đồ ăn nào vừa rẻ lại vừa no, cứ mang về Kỳ sẽ phải ăn. Chẳng khá khẩm hơn cách người ta chăm lớn loài heo để chờ đến ngày giỗ họ, Kỳ đã luôn cảm thấy như thế.

Bà quan niệm nuôi Kỳ lớn, cho ăn, cho học, vậy là đầy đủ. Mẹ không và không muốn quan tâm đến đời sống tâm lý của đứa con duy nhất mình đẻ ra. Nói để thông cảm thì bà đã đặt quá nhiều tình cảm vào người yêu đã bỏ đi và nhận lại chỉ là hư không. Nên một nghĩa vụ và ràng buộc bất đắc dĩ níu chân để mẹ không quẳng cậu vào xó xỉnh nào đó, nhưng cũng chẳng đủ lớn lao để ép bà yêu thương "dấu ấn xương thịt" người đàn ông kia để lại. Nghe người ta kể bà cũng từng tốt lắm, trước khi sang chấn tâm lý người phụ nữ đó đã tốt đẹp đến nỗi bao kẻ thầm thương trộm nhớ. Chỉ đến khi bị phản bội và bỏ mặc trong cái nơi phủ đầy định kiến dưới những mái nhà tranh đá ong bạc màu, bà mới thay đổi.

Hồi kỳ học cấp hai, mẹ yêu một người đàn ông khác.

Chú ấy là người đầu tiên hỏi cậu thích loại quần áo nào, thích ăn đồ ăn gì. Cũng là lần người đầu tiên khiến Kỳ nhem nhóm hy vọng sẽ có một gia đình tròn vẹn. Chú tốt lắm, thường dẫn cậu đến nới chú làm, bất chấp vài ba bà cô xấu tính vẫn hay bàn ra tám vào linh tinh. Nơi ấy là một viện nghiên cứu nông lâm nhỏ xíu của tỉnh, mấy bà cô ở đó thường nói chú suốt ngày cắm đầu vào nghiên cứu nên mới lơ ngơ chuyện tình cảm, để dính phải bà chị có đứa con riêng mồi chài. Mà chú hiền, chú hiền lắm, nên chú mặc kệ lời thiên ha chẳng đôi co.

Ngặt nỗi tốt gì cũng tốt nhưng lại có tính bám váy mẹ cha, chú chia tay mẹ Kỳ vì một lý do mà chẳng biết nên cười hay nên khóc: Vì không hợp tuổi. Trước hai cụ thân sinh chú cũng chẳng ưa gì mẹ Kỳ vì có thằng con riêng chửa hoang đâu về. Sau bữa đi xem bói ông thầy nói tuổi hai người dính cung ly tang, đến với nhau thể nào cũng có kẻ chết nên hai ông bà khóc lăn khóc lóc, nhất mực xin chú bỏ mẹ Kỳ. Mà chú hiền, chú hiền lắm, nên chống đỡ một thời gian chú nhượng bộ. Thế là hai mẹ con cậu lại quay về cảnh sống côi cút như xưa.

Từ đó bà không yêu ai nữa, nuôi cậu đến khi bị mắc ung thư phổi rồi qua đời. Trước ngày mất, trong từng cơn đau giằng xé nơi buồng phổi bà vẫn thường lảm nhảm vô thức trong những ảo giác, hẩu hết về người đàn ông mẹ đã thương nhất lòng. Bà không nói tên ông, chỉ lặp đi lặp lại ký ức vụn vặt, như thể trước lúc chết cố tái hiện hết những ngày vui vẻ nhất trong đời. Nghe đâu mẹ nói bố phong độ lắm, ông hay hát cho bà nghe, ông bị dị ứng cua giống cậu nên bà chẳng bao giờ nấu cua hết. Ông còn có một vết sẹo sau gáy chỗ cổ áo, do ngày xưa đèo bà đi chơi rồi bị ngã mà nên.

Vậy đấy, có người phụ nữ lụy tình đến mức sắp chết, đau tới độ không nhớ nổi tên con trai nhưng vẫn hồi tưởng về người tình cũ. Chẳng biết nên khóc hay nên cười.

Trước lúc chết, bà nhét vào tay Kỳ cái dây chuyền kỷ niệm ngày xưa bố đưa, bảo rằng bà không biết ông ở đâu, Kỳ cầm theo nhỡ ông có về đây còn nhận nhau được. Hóa ra bà vẫn đợi chờ người đàn ông ấy, đợi mãi, đợi mãi, đợi cả cuộc đời.

***

Cái dòng họ sinh ra lớn lên trong mảnh đất nghèo khổ nên đến nắm tiền lẻ cũng quý giá. Hồi ông nội mất vội vàng chưa kịp dặn dò đất đai, các chú các bác thi nhau nhảy vào tranh giành. Mâu thuẫn một thời gian dài rồi cái gia đình như tan đàn xẻ nghé. Đứa em gái mất để lại thằng cháu một mình cũng chẳng ai đoái hoài. May Kỳ học đến năm thứ tư, xin vào làm thực tập cho mấy công ty kiếm được ít tiền nuôi thân, rồi phước đâu cô bạn cũ nào đó của mẹ thương tình cho ở nhờ. Ăn không ở đậu nhà người ta cũng ngại lắm nhưng số vất vả thì đành chịu, nhục cũng phải cố chứ vùng vằng lên chỉ tổ khổ thêm.

Mới đầu khó ở, tính cách cậu với anh chủ nhà khác nhau quá. Rồi lâu dần hai người biết chấp nhận sự khác biệt, nhường nhịn thêm chút nữa lại thành ổn thỏa. Bình yên lắm, tự dưng quãng thời gian này bỗng dưng hóa bình yên, bình yên gần nhất trong suốt hơn hai chục năm cuộc đời Kỳ. Tính anh Thạc biết giao lưu, đi ra đi vào hỏi thăm cậu một câu lại làm Kỳ ấm lòng, mặc dù cậu cũng ít nói chẳng phản ứng nhiều, chỉ gật gật lắc lắc. Mấy lần anh lựa tính cậu mà rủ đi đâu chơi hay làm gì lại khiến Kỳ mang máng nhớ mình từng suýt có một người thân biết quan tâm như thế, suýt có một gia đình toàn vẹn đầm ấm như mọi người. Thế là cứ ở cạnh anh cậu lại thấy lòng mình rưng rưng kiểu gì đó như một sự khao khát không xa rời, và có lẽ, cậu phải lòng anh chính từ dạo ấy.

Kỳ không buồn thắc mắc về bản ngã của mình, mặc dù cậu biết rõ sự khác biệt bên trong tâm hồn. Nhưng như một chiếc công tắc vậy, khi trái tim phải lòng một ai thì tự khắc cậu biết quan tâm đến mình và đối tượng mình thương. Người cậu thương không hề lệch lạc, ấy là mảnh dao găm đâm mẩu tình con con chưa bừng lên đã vội thoi thóp. Dẫu biết vậy thì có cố gắng thì sau này cũng chẳng hối hận gì, nên cậu cố, cậu cố nhiều lắm. Một ngày, hai ngày, rồi nhiều ngày cũng không thấy người ta nhìn ra chỗ cố gắng của cậu. Và trong khoảnh khắc đó, khi Kỳ hoang mang không biết nên tiếp tục hay dừng lại thì cậu gặp một nhân vật nọ, kẻ vốn tưởng sẽ đóng vai người tốt hay gam màu sáng trong cuộc đời cậu, nhưng lại chỉ khiến tất cả thêm rối ren trong định mệnh. Người đó chính là chú Tuấn.

___Hết chương 2___


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro