GDQP 3.5 - Vũ khí hủy diệt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bài 5

PHÒNG CHỐNG VŨ KHÍ HỦY DIỆT LỚN

 

I. VŨ KHÍ HẠT NHÂN

1. Khái niệm

Vũ khí hạt nhân là loại vũ khí hủy diệt lớn dựa trên cơ sở sử dụng năng lượng rất lớn được giải phóng ra từ phản ứng phân hạch dây chuyền và phản ứng tổng hợp hạt nhân để tiêu diệt các mục tiêu.

2. Phân loại và phương tiện sử dụng

a) Phân loại theo nguyên lý nổ: có 2 loại

- Loại gây nổ: Gồm vũ khí nguyên tử, vũ khí kinh khí và vũ khí nơtron.

- Loại không gây nổ: Là các chất phóng xạ chiến đấu.

b) Phân loại theo đương lượng nổ:

- Đương lượng nổ (ký hiệu q) là năng lượng của vũ khí hạt nhân khi nổ được giải phóng ra tương đương với năng lượng của một lượng chất nồ TNT.

- Đơn vị tính: Kilôtấn (Kt); Mêgatấn (Mt); Ghigatấn (Gt).

                        1Kt = 1.000 tấn TNT

     1Mt = 1.000.000 tấn TNT (1 triệu tấn)

1Gt = 1.000Mt = 1.000.000.000 tấn TNT(1 tỷ tấn)

- Phân loại theo đương lượng nổ được chia thành 5 loại:

+ Loại cực nhỏ q < 1Kt.

+ Loại nhỏ q ≥ 1Kt và < 10Kt

+ Loại vừa 10Kt ≤ q < 100 Kt

+ Loại lớn 100Kt ≤ q < 1000 Kt

+ Loại cực lớn q ≥ 1Mt (1000Kt)

Loại cực nhỏ đến loại lớn dựa vào phản ứng phân hạch, loại lớn đến cực lớn dựa vào phản ứng nhiệt hạch kết hợp với phân hạch.

c) Phân loại theo mục đích sử dụng: có 2 loại (vũ khí cấp chiến thuật và chiến dịch).

- Vũ khí hạt nhân chiến thuật gồm các loại cực nhỏ đến loại lớn, địch thường tập kích vào các mục tiêu chiến thuật. như kho tàng trân địa pháo, trận địa tên lửa, trận địa phòng ngự, mục tiêu hậu phương, sân bay, đầu mối giao thông ...

- Vũ khí hạt nhân chiến lược gồm loại lớn và cực lớn dùng để tập kích các mục tiêu chiến lược như các trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự.

d) Phân loại phương tiện sử dụng: Sử dụng bằng phương tiện máy bay – tên
lửa – pháo. Có 3 loại:

- Máy bay thường mang các loại bom có đương lượng nổ từ 1 ÷ 30 Mê ga tấn.

- Pháo thường mang bằng đầu đạn có đương lượng nổ từ 0,5 ÷ 30 Ki lô tấn.

- Tên lửa thường mang bằng đầu đạn có đương lượng nổ từ 0,5 ÷ 50 Ki lô tấn.

3. Phương thức nổ của vũ khí hạt nhân: có 5 phương thức nổ

a) Nổ vũ trụ: Nổ ở độ cao 65Km trở lên tính từ mặt đất. Công dụng để tiêu diệt các mục tiêu ở tầng cao khí quyển như các vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa hạt nhân chiến lược. Sát hại mục tiêu bằng bức xạ quang và bức xạ xuyên là chủ yếu (riêng sóng sung kích thì yếu vì mật độ không khí loãng).

b) Nổ trên cao: Nổ ở độ cao từ 16 đến dưới 65Km. Công dụng để tiêu diệt các phương tiện đang bay như máy bay, tên lửa, sát hại chủ yếu vẫn là bức xạ quang và bức xạ xuyên.

c) Nổ trên không: Nổ ở độ cao từ 16Km trở xuống nhưng không chạm đất, cách đất 1÷ 5 mét.

- Tiêu diệt các phương tiện bay trên không, các sinh lực ngoài công sự.

- Trên mặt đất, tiêu hủy các công trình kiến trúc trên mặt đất, chủ yếu bằng sóng xung kích.

d) Nổ trên mặt đất – mặt nước:Công dụng tiêu diệt các mục tiêu tương đối kiên cố trên mặt đất, mặt nước, đất đá trên mặt đất bị nung chảy thành sỉ, có thể khoét sâu xuống lòng đất tại trung tâm nổ.Sát thương chủ yếu bằng sóng xung kích và bức xạ quang.

e) Nổ dưới đất – dưới nước: Nổ ở độ sâu từ vái mét đến vài trăm mét. Tiêu diệt, phá hủy các công trình trong lòng đất của đối phương, sát thương chủ yếu bằng sóng xung kích.

4. Các nhân tố sát thương và cách phòng chống

a) Các nhân tố sát thương: các nhân tố sát thương đối với người và trang thiết bị công trình bao gồm: sóng xung kích - bức xạ quang – bức xạ xuyên, các chất phóng xạ và hiệu ứng điện từ.

- Sóng xung kích:

 Là nhân tố sát thương phá hoại chủ yếu của vũ khí hạt nhân, chiếm 50% năng lượng của một vụ nổ, khi bom đạn hạt nhân nổ giải phóng ra một năng lượng cực kỳ lớn với nhiệt độ lên tới hàng chục triệu độ, áp suất hàng tỉ ápmốtphe, vật chất ở xung quanh tâm nổ điều biến thành hơi nóng đỏ, tạo thành các cầu lửa, cầu lửa không ngừng lan rộng và bốc lên cao nén lớp không khí xung quanh tâm nổ thành sóng, gọi là sóng xung kích.

- Bức xạ quang:

Là nhân tố sát thương phá hoại quan trọng của vũ khí hạt nhân chiếm 35% năng lượng của một vụ nổ, bản chất của bức xạ quang là do dòng ánh sáng có nhiệt độ cao, trong khu vực tâm nổ lên tới hàng chục triệu độ, bức xạ quang có phương truyền thẳng với vận tốc nhanh 300.000 Km/s gây tác hại trực tiếp họăc gián tiếp lên con người và trang bị.

- Bức xạ xuyên:

Là dòng gama (γ) và dòng nơtron (η) được phóng ra từ tâm nổ, ngay lúc xảy ra phản ứng hạt nhân bức xạ xuyên là nhân tố sát thương phá hoại đặc trưng của vũ khí hạt nhân chiếm 5% năng lượng của một vụ nổ.

Gây hại cho người và động vật do các tia chiếu vào cơ thể gây biên đổi sinh học trong cơ thể, phá hoại hệ thần kinh.

- Chất phóng xạ:

Là nhân tố sát thương chiếm 10% năng lượng của một vụ nổ khi vũ khí hạt nhân nổ chất phóng xạ được sinh ra từ 3 nguồn gốc là sản phẩm của phản ứng phân hạch (mảnh vỡ hạt nhân) - chất phóng xạ cảm ứng và chất nổ hạt nhân chưa tham gia phản ứng.

Chất phóng xạ tồn tại ở dạng khí, bụi, xỉ gây bệnh phóng xạ cho con người và động vật theo 3 con đường, chiếu xạ ngoài, nhiễm xạ da, nhiễm xạ bên trong.

- Hiệu ứng điện từ:

Là nhân tố gây hại thứ 5 chiếm khoảng 1% năng lượng của một vụ nổ, hiệu ứng điện từ được hình thành khi bom hạt nhân nổ do nhiệt độ ở tâm nổ rất cao, các dòng gama và nơtron, các phân tử , nguyên tử của không khí bị ion hoá tạo thành các phần tử mang điện, do đó trong không gian hình thành các vùng điện tích trái dấu, làm xuất hiện điện từ trường gọi là hiệu ứng điện từ.

b) Cách phòng chống chung:

Nhanh chóng và  triệt để lợi dụng hầm hào công sự, vật che khuất để ẩn nấp. Nếu ở địa hình trống trải phải nằm sấp chân quay về hướng nổ, hai tay bắt chéo đặt trên trước ngực, 2 ngón tay bịt lổ tai (trong mọi trường hợp mắt không được nhìn về phía trung tâm nổ). Xây dựng hầm có nắp đậy dày để chống bức xạ xuyên, tổ chức cấp phát cho bộ đội liều chiếu xạ cá nhân, nếu được cấp thuốc phòng phóng xạ thì uống thuốc 30 ÷ 40 phút trước khi vào vùng nhiễm xạ làm nhiệm vụ, sử dụng các loại khí tài phòng chống đúng lúc, phát huy hiệu quả.

II. VŨ KHÍ HÓA HỌC

1. Khái niệm

Vũ khí hóa học là một loại vũ khí hủy diệt lớn mà tác dụng sát thương của nó, dùng độc tính của chất độc quân sự để gây cho người, sinh vật và phá hủy môi trường sinh thái của đối phương.

2. Phân loại

a) Phân loại theo thời gian gây tác hại:

Căn cứ vào thời gian tồn tại và gây hại của chất độc phân loại thành 02 nhóm:

- Chất độc mau tan: là chất độc có thời gian tồn tại dưới 1 giờ, nhiệt độ sôi < 140 độ C, thường sử dụng trong trạng thái hơi, khói hoặc giọt lỏng có độ bốc hơi nhanh gây tác hại cho người qua đường hô hấp. Ví dụ như CS, BZ làm ngạt thở.

- Nhóm chất độc lâu tan: thời gian tồn tại trên 1 giờ, nhiệt độ sôi > 140 độ C,  thường sử dụng ở dạng lỏng, bột ít bay hơi, gây độc cho người bằng ba con đường: hô hấp, tiếp xúc, tiêu hóa. Ví dụ nhứ chất độc Vx, chất độc loét da, bột CS …

b) Phân loại theo bệnh lý: Căn cứ vào đặc điểm, tác hại và triệu chứng trúng độc đối với người, người ta chia chất độc quân sự thành 6 nhóm.

- Nhóm chất độc thần kinh.

- Nhóm chất độc loét da.

- Nhóm chất độc toàn thân.

- Nhóm chất độc ngạt thở.

- Nhóm chất độc kích thích.

- Nhóm chất độc tâm thần.

c) Phân loại theo độ độc:

- Chất độc chết người

- Chất độc gây mất sức chiến đấu.

3. Đặc điểm tác hại cơ bản của vũ khí hóa học

a) Sát thương sinh lực chủ yếu bằng tính độc:

 Làm ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng cân bằng sinh thái, gây tác hại với người và cảnh vật xung quanh một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

b) Phạm vi gây hại rộng:

Khi tập kích vũ khí hóa học chất độc có thể tồn tại ở trạng thái khí, hơi, lỏng tùy vào điều kiện khí tượng sẽ lan truyền hẹp hoặc rất rộng, nếu ở vùng động dân cư có thể gây độc hàng vạn người cùng một lúc.

c) Thời gian gây tác hại kéo dài:

Sau khi tập kích vũ khí hóa học một phần chất độc ở thể lỏng và thể bột làm nhiễm độc địa hình vật thể, tùy theo điều kiện khí tượng địa hình, mật độ nhiễm độc và mức độ nguy hiểm có thể kéo dài trong khoảng thời gian nhất định từ vài giờ đến hàng năm và để lại hậu quả lâu dài.

4. Một số chất độc chủ yếu và cách phòng chống

a) Chất độc thần kinh Vx:

- Hiện tượng:  con ngươi mắt thu nhỏ, sùi bọt mồm mép, nôn mửa khó thở, đau đầu đi không vững.

- Xử lý: Mang ngay ra khỏi vùng nhiễm độc, thực hiện tiêu độc,cấp cứu hô hấp nhân tạo, tiêm Atrôpinsunphát.

b) Chất độc loét da Yperit:

- Hiện tượng: Khi trúng độc da mẩn đỏ phòng rộp có bọng nước nốt phòng tăng dần và lan rộng toàn thân, loét sâu hoại tử, để lại sẹo sau khi chữa khỏi, họng, dạ dày đều bị tổn thương nặng có thể chảy máu.

- Xử lý: Ra khỏi vùng nhiểm, cấp cứu, tiêm kháng sinh chống nhiễm trùng, bôi trơn mỡ các nốt phòng, uống thuốc trợ lực cho cơ thể …

c) Chất độc tâm thần Bz:

- Hiện tượng:Con ngươi mắt dãn to, tim đập nhanh, cơ bắp yếu choáng váng, run rẩy, chóng mặt, tính tình liều lĩnh, mê sảng, bất an . . .v. v . .

- Xử lý:  Đưa ra khỏi khu nhiễm độc , đặt ở nơi thoáng gió, xúc miệng rửa mũi bằng nước sạch nhiều lần, tiêm thuốc theo hướng dẫn của quân y.

d)Chất độc kích thích Cs:

- Hiện tượng: Mắt bỏng rát đau nhức dữ dội, cay mắt chảy nước mắt, bỏng rát trong khoang miệng, trong họng , trong ngực hắt hơi sổ mũi liên tục.

- Xử lý: Nhanh chóng đưa ra khỏi khu vực nhiễm, đặt nằm nơi thoáng gió, cho ngửi ống thuốc chống khói, dùng thuốc tím , hoặc axêtôn rửa sạch chổ da bị bỏng rát, tắm toàn thân bằng xà bông.

- Trong chiến tranh địch còn sử dụng rất nhiều chất độc khác như: chất gây độc cho lương thực thực phẩm, gây độc cho nguồn nước, chất độc diệt cỏ cây nhằm làm suy yếu và tiêu diệt đối phương.

III. VŨ KHÍ SINH HỌC:

1. Khái niệm:

Là một loại vũ khí hủy diệt lớn, dựa vào đặc tính lây truyền của sinh vật như: vi khuẩn, vi rút, nấm đơn bào, hoặc độc tố do vi sinh vật tiết ra để giết hại người và động vật.

2. Một số loại bệnh do vũ khí sinh học gây ra và cách phòng chống:

a) Bệnh dịch hạch:

Triệu chứng: nhức đầu, đau mỏi toàn thân, sốt cao, buồn nôn mắt và mặt đỏ, nổi hạch ở bẹn, nách thời gian ủ bệnh khoảng 5 ÷ 6 ngày.

Phòng chống bằng cách: Đeo khẩu trang có tẩm cồn long nảo, đeo kính bảo vệ mắt, tiêm chủng phòng dịch bệnh. Tổ chức phong trào diệt chuột, bọ chét – tiêm kháng sinh truyền huyết thanh, giải độc.

b) Bệnh dịch tả:

- Triệu chứng: Đi ỉa chảy nôn mửa liên tục, mắt sâu, thân nhiệt hạ, tim đập nhanh và yếu, huyết áp bị tụt (thời gian ủ bệnh 2 ÷ 3 ngày).

- Phòng tránh bằng cách: giữ vệ sinh (ăn chín uống sôi). Tiêm chủng theo qui định, tích cực diệt ruồi, muổi, chuột là trung gian lây bệnh..

- Khi bị bệnh cách ly mọi người, tổng vệ sinh đồ dùng, dùng thuốc kháng sinh, truyền huyết thanh.

c) Bệnh đậu mùa:

- Triệu chứng: sốt cao rùng mình – đau lưng – nhức đầu – nôn mửa mẩn ngứa khắp người, rộp phòng vỡ nước để lại sẹo trên cơ thể, thời gian ủ bệnh 9 ÷ 12 ngày.

- Phòng chống: Hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc trị, chủ yếu khi mắc nên cách ly mọi người, tổng vệ sinh đồ dùng. Nên dùng thuốc sunphamít để ngăn ngừa biến chứng do vi rút đậu mùa gây ra

2. Phòng chống vũ khí sinh học

a) Vệ sinh phòng dịch thường xuyên:

- Thực hiện nếp sống vệ sinh.

- Tiêm chủng phòng ngừa vệ sinh cho người và động vật.

- Diệt côn trùng, diệt chuột gây bệnh truyền nhiễm.

b) Đề phòng địch sử dụng vũ khí sinh học:

- Sử dụng tốt các loại khí tài phòng hóa (khi có yêu cầu).

- Thường xuyên uống thuốc phòng dịch.

c) Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Quan sát phát hiện kịp thời địch sử dụng vũ khí sinh học, nhanh chóng thông báo cho mọi người để phòng tránh.

- Đánh dấu khoanh vùng khu vực nhiễm (phân biệt rõ khu bị nhiễm và khu sạch).

- Diệt trùng khu vực bị nhiễm.

- Tổ chức cấp cứu kịp thời điều trị đúng hướng khi bị nhiễm.

IV. VŨ KHÍ LỬA:

1. Khái niệm:

Vũ khí lửa là loại vũ khí sát thương, phá hoại dựa trên cơ sở sử dụng năng lượng của chất cháy có nhiệt độ cao và ngọn lứa mạnh khi cháy tạo nên, nhằm tiêu diệt sát thương sinh lực đối phương.

2. Phân loại chất cháy:

a) Phân loại chất cháy theo trạng thái tồn tại gồm:

- Chất cháy thể rắn ( chất cháy nhiệt, nhôm, các muối giàu ôxi)

- Chất cháy thể lỏng (xăng, dầu).

- Chất cháy thể khí (các loại khí đốt).

b) Phân loại chất cháy theo thành phần hóa học:

- Chất cháy cần oxy của không khí (xăng dầu, sản phẩm dầu mỏ).

- Chất cháy không cần oxy (cháy kim loại, nhiệt nhôm, các muối giàu ôxi).

c) Phân loại theo nguồn gốc của chất cháy:

- Chất cháy sản xuất từ dầu mỏ (xăng – dầu – napan).

- Chất cháy kim loại Na; Kali; Electron . . v . v . .

- Chất cháy photpho.

- Chất cháy hỗn hợp Pyrogen, Tryetyl.

3. Tác hại của chất cháy

a) Đối với người:

Chất cháy thường gây nên hơi hoặc khói độc, gây thiếu oxy trong vùng cháy. Kích thích mắt, cơ quan hô hấp gây nên các hiện tượng choáng ngất do nóng rát, gây tâm lý hoang mang hoảng loạn cho con người.

b) Đối với vũ khí trang bị:

Có thể cháy làm tiêu hủy hoàn toàn hoặc nóng chảy làm biến dạng vũ khí trang bị, chất cháy rơi trên nhiên liệu sẽ có các hậu quả khôn lường rất nguy hiểm.

c) Đối với công sự trận địa, công trình kiến trúc:

Chất cháy tạo ra đám cháy lan truyền phạm vi rộng, phá huỷ thành phố làng mạc, các công trình kiến trúc, công trình quân sự, kho tàng . .v. v. làm thiệt hại tài sản và ô nhiễm môi trường.

4. Phương pháp phòng chống vũ khí lửa

a) Biện pháp đề phòng:   

- Huấn luyện cho mọi người có kiến thức về chống cháy. Có nghĩa vụ để đề phòng, dập cháy,cứu người bị cháy.

- Trang bị bao tiêu độc cho mọi người khi chiến đấu.

- Từng người phải thành thạo các biện pháp dập cháy trên các đối tượng.

- Từng cơ quan đơn vị phải có kế hoạch phòng cháy chữa cháy.

b) Biện pháp dập cháy:

- Phương pháp làm lạnh (hạ nhiệt độ) dùng các chất có khả năng thu nhiệt để hạ nhiệt độ của đám cháy (tưới nước, v.v…).

- Phương pháp làm loãng: Dùng các chất không tham gia phản ứng cháy phun vào vùng cháy để làm loãng các chất tham gia phản ứng cháy.

- Phương pháp cách ly đám cháy: Dùng các chất chữa cháy phủ lên bề mặt đám cháy cách ly đám cháy với oxy.

c) Nguyên tắc dập cháy:

- Xác định đám cháy thuộc loại nào là xăng dầu hay củi lửa, v.v… Diện tích đám cháy – hướng gió – xác định sử dụng phương pháp chữa cháy nào hợp lý.

- Khi dập lửa phải đứng đầu gió.

+ Cháy xăng dầu phải dùng cát,  đất, chăn, bạt nhúng nước đắp lên đám cháy, dùng cây lá tươi dập đám cháy, dùng bình C02, bình bọt.

+ Cháy sắt kim loại dùng nước với lưu lượng lớn.

+ Cháy trên người: nhanh chóng cởi bỏ áo quần trang bị trên người, cởi bỏ vật liệu nổ , trang bị trước quần áo sau. Lăn ép người xuống đất.

d) Nguyên tắc cấp cứu người bị bỏng:

- Nguyên tắc chung:

Nếu vừa bị bỏng, vừa bị thương thì phải băng bó cầm máu vết thương trước sử lý vết bỏng sau, nếu có triệu chứng nhiễm độc toàn thân thì cấp cứu nhiễm độc trước xử lý vết bỏng sau.

- Cấp cứu:

Dùng băng vô trùng băng lại, nếu vết bỏng quá rộng thì phải dung vải sạch phủ lên, không sờ tay vào vết bỏng, không bôi nước vôi, nước mắm, nước dãi, nước lá cây lên vết bỏng đề phòng nhiễm trùng. Không làm vỡ các nốt phòng rộp có thể dùng nước chè ấm hay thuốc tím 5% rửa xung quanh vết bỏng trước khi băng, giữ ấm cho bệnh nhân chuyển về cơ sở y tế gần nhất càng nhanh càng tốt.

Khi bị bỏng chất phốpho trắng không được bôi thuốc mỡ lên vết bỏng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro