GDQP 3.6 - Sơ cấp cứu + Ba môn QS

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bài 6

CẤP CỨU BAN ĐẦU VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH

I. HỆ THỐNG KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ BĂNG BÓ CHUYỂN THƯƠNG

1. Nguyên tắc băng

- Băng kín vết thương, không bỏ sót vết thương, cần kiểm tra kỹ vết thương trước khi băng, đặc biệt khi bị thương vào ban đêm, khi bị nhiều vết thương trên cơ thể cùng 1 lúc).

- Băng đủ chặt, không lỏng quá, không chặt quá.

+ Lỏng gây tuột băng, chảy máu trong khi vận chuyển.

+ Chặt quá máu không lưu thông được).

+ Không làm ô nhiễm, bẩn vết thương trong quá trình băng.

- Băng sớm, băng nhanh nhằm giảm đau – hạn chế mất máu và tránh được ô nhiễm vết thương, giúp cho các tuyến sau điều trị có hiệu quả cao (vết thương nhẹ nếu băng sớm vẫn có thể tiếp tục chiến đấu).

2. Các kiểu băng cơ bản (có 2 kiểu)

a) Băng vòng xoắn

- Băng vòng xoắn: là đưa cuộn băng đi nhiều vòng từ dưới lên trên theo hình xoắn lò xo, hoặc như hình con rắn quấn quanh thân cây.

- Cách băng: sau khi đã đặt gạc phủ kín vết thương, đặt đầu ngoài của cuộn băng ở dưới vết thương, tay trái quay đầu cuộn băng, tay phải giữ cuộn băng ngửa lên trên, cuốn 2 đến 3 vòng băng đè lên nhau để giữ chặt đầu băng, thực hiện cuộn nhiều vòng băng theo hướng từ dưới lên trên vòng băng sau đè lên khoảng 2/3 vòng băng trước cho đến khi vết thương được phủ kín đầu cuối của băng được cố định cho thật chặt bằng cách dùng kim băng hoặc xé đôi đầu cuối cuộn băng sau đó buộc chặt vừa phải ở phía trên vết thương (thường vận dụng băng các vết thương ở phần chi trên – chi dưới – ngực , bụng. Chú ý: các vòng băng phải cuốn đều nhau và siết chặt vừa).

b) Băng số tám

Băng số tám là kiểu đưa cuộn băng vòng theo hình số 8, kiểu băng này phức tạp hơn nhưng phù hợp với các vết thương ở vùng vai – nách – bẹn- mông , cẳng tay, cẳng chân, tùy theo vị trí vết thương định băng mà đưa cuộn băng theo hình số 8 to hay nhỏ.

3. Thực hành băng vết thương ở một số vị trí trên cơ thể

- Băng vai – nách theo kiểu số 8.

- Băng ngực.

- Băng bụng.

- Băng bẹn, mông (theo hình số 8).

- Băng đầu gối – khủy tay, gót chân.

- Băng bàn chân, bàn tay theo hình số 8.

- Băng trán theo kiểu vành khăn.

- Băng đầu theo kiểu quai mũ.

4. Chuyển thương

Tùy theo địa hình thời tiết, tình trạng cụ thể của vết thương khoảng cách vận chuyển mà sử dụng phương tiện tải thương cho phù hợp, có thể cõng thương binh, mang thương binh bằng đai số 8, dìu thương binh, bò vận chuyển thương binh, khênh thương binh bằng võng, cáng.

a) Mang thương binh bằng tay: Vận dụng trong chiến đấu ở cự ly gần, có thể bò, bế, cõng để vận chuyển thương binh.

b) Mang thương binh bằng dây đai: Rất phù hợp với địa hình rừng núi vì người vận chuyển tay chân được tự do để đu bám trong quá trình vận chuyển (không áp dụng với thương binh bị thương cột sống và gãy xương chi dưới).

c) Khiêng thương binh bằng cáng – võng: Là biện pháp phổ biến, thường dùng nhất đảm bảo thuận lợi và an toàn cho thương binh.

d) Những điểm chú ý khi vận chuyển thương binh bằng cáng – võng

- Phải theo dõi tình trạng toàn thân của thương binh (như sắc mặt, hơi thở, mạch, huyết áp) để xứ lý kịp thời.

- Những thương binh có ga rô phải thực hiện nới băng đúng quy định về thời gian

- Những thương binh bị thương ở hàm – cổ trước phải đặt nằm xấp (nếu nằm ngửa rất dễ bị ngạt thở do máu chảy vào đường hô hấp).

- Nếu vết thương ở bụng phải đặt nằm ngửa, chân hơi co để tạo áp lực trong ổ bụng, giảm thiểu các phủ tạng lòi ra ngoài.

- Bị thương ở ngực phải đặt nằm ngửa nửa trên gần như tư thế ngồi để dễ thở.

- Bị thương ở xương sống – vùng chậu phải vận chuyển bằng cáng cứng không dùng võng.

- Khi khiêng thương binh bao giờ cũng phải đưa đầu đi trước.

- Khi leo núi đầu thương binh bao giờ cũng phải cao hơn chân (nếu là cáng cứng phải bảo đảm cân bằng) thăng bằng.

- Tuyệt đối không để ngã, rớt thương binh khi đặt cáng, võng phải nhẹ nhàng không gây chấn động mạnh.

II. CẤP CỨU BAN ĐẦU VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH

1. Đặc điểm của vết thương chiến tranh

a) Vũ khí lạnh (gươm, giáo, lê, dao găm, chông) Các tổn thương do vũ khí lạnh gây nên nhìn chung tương đối đơn giản, ít để lại di chứng

b) Vũ khí nổ thông thường (súng bộ binh, hỏa lực pháo binh, bom, mìn, lựu đạn)

- Vũ khí nổ sát thương bằng tác động trực tiếp của đầu đạn, mảnh phá viên bi trong bom đạn gây ra các loại vết thương chợt, xuyên dập nát nhiều ngõ ngách, gãy xương, mạch máu, vết thương thần kinh hoặc vết thương các tạng trong cơ thể.

- Vũ khí nổ sát thương bằng tác động của sức nổ như bom – mìn, đạn phá nổ… gây sức ép mạnh đối với người ở gần tâm nổ tạo những chấn thương kín ở tạng có khi sốt nặng.

c) Vũ khí hạt nhân

- Có các yếu tố sát thương như sóng xung kích chấn động, bức xạ quang, bức xạ xuyên, chất phóng xạ.

- Vũ khí hạt nhân thường gây nên các tổn thương hỗn hợp làm cho vết thương nặng và phức tạp, một người có thể bị bỏng và phóng xạ, chấn thương và phóng xạ, bỏng và chấn thương.

d) Vũ khí hóa học

Là loại vũ khí sử dụng các loại chất độc chứa trong bom – đạn,  pháo, vũ khí hóa học gây ô nhiễm bầu không khí, mặt đất – mặt nước, gây tổn thương hàng loạt đối với con người và động vật. Đặc điểm tổn thương do vũ khí hóa học gây ra gồm:

- Nhiễm độc toàn thân.

- Nhiễm độc thần kinh.

- Gây lở loét.

- Gây ngạt thở.

e. Vũ khí sinh học

Là loại vũ khí chứa các loại vi sinh vật gây bệnh và các độc tố của chúng như vi rút, vi khuẩn, nấm, các độc tố do vi khuẩn gây ra.

 Địch có thể dùng biệt kích gây độc nguồn nước lương thực, thực phẩm của ta) Hoặc dùng các loại bom đạn có chứa các loại vi rút, vi khuẩn. Khi bom nổ, vi rút, vi khuẩn bung ra gây hại, địch cũng có thể dùng máy bay phun trực tiếp các vi rút vi khuẩn, vũ khí sinh học thường gây các vụ dịch lớn. Nhiều người mắc trong thời gian ngắn, triệu chứng đa dạng, khó đoán bệnh chính xác).

2. Cấp cứu ban đầu vết thương do vũ khí nổ (vũ khí thông thường gây ra)

a) Khái nhiệm vết thương kín, vết thương hở

- Vết thương kín: Là loại vết thương không bị rách da chảy máu bên ngoài thường gọi là chấn thương. Ví dụ như chấn thương ngực kín, chấn thương bụng kín, gãy xương kín (vết thương thuộc loại nguy hiểm cần phát hiện sớm và xử lý kịp thời)

- Vết thương hở: Là loại vết thương rách da và các mô, là loại vết thương chủ yếu trong chiến tranh

Tùy theo tính chất của tổn thương để phân biệt vết thương phần mềm, vết thương mạch máu, vết thương gãy xương, vết bỏng hoặc vết thương có tổn thương phủ tạng.

b) Vết thương phần mềm

- Là loại vết thương có tổn thương da, gân, cơ, trong đó cơ là chủ yếu

- Đặc điểm của vết thương phần mềm:

+ Vết thương ở các bộ phận trên cơ thể đều có kết hợp với tổn thương phần mềm.

+ Số thương binh bị vết thương phần mềm đơn thuần chiếm 50 – 60% tổng số thương binh (số này điều trị sớm sẽ trở về vị trí chiến đấu sớm)

+ Vết thương phần mềm nếu điều trị tốt, xử lý tốt là cơ sở cho việc điều trị tốt các tổn thương khác như gãy xương, vết thương thần kinh.

- Biến chứng của vết thương phần mềm: Tất cả các vết thương do vũ khí nổ gây ra đều bị ô nhiễm, nhiễm khuẩn nặng hay nhẹ phụ thuộc các yêu tố sau:

+ Các mô dập nát và hoại tử, dị vật càng nhiều nhiễm khuẩn càng nặng.

+ Vùng bị thương càng nhiều khối cơ dày càng bị nhiễm khuẫn nặng (như: mông, đùi, bắp chân, tay, …)

+ Sức đề kháng của thương binh kém sẽ dễ làm cho nhiễm khuẩn nặng hơn

- Sơ cấp cứu ban đầu

+ Băng vết thương nhằm bảo vệ vết thương không bị ô nhiễm thêm, cầm  máu tại vết thương, hạn chế các biến chứng xấu.

+ Đưa thương binh ra khỏi nơi nguy hiểm – cất giấu thương binh vào nơi an toàn. Tổ chức vận chuyển về cơ sở điều trị.

c) Vết thương mạch máu

- Đặc điểm: Vết thương mạch máu phần lớn có kết hợp với các tổn thương phần mềm, vết thương gãy xương, đứt dây thần kinh… thường phức tạp. Cấp cứu điều trị tương đối khó khăn. Nguy hiểm nhất là các tổn thương động mạch lớn, động mạch tứ chi.

- Biến chứng của vết thương mạch máu:

+ Choáng do mất máu nhiều dễ dẫn đến tử vong.

+ Vết thương mạch máu đều bị ô nhiễm.

+ Chảy máu lần thứ 2 (thứ phát).

- Sơ cấp cứu ban đầu:

+ Phải cầm máu tạm thời nhanh và tốt ngay tại nơi bị thương theo yêu cầu: khẩn trương – nhanh chóng – đúng chỉ định theo yêu cầu của vết thương.

+ Biện pháp cầm máu tạm thời phải tùy theo tính chất chảy máu không được làm bừa làm ẩu, không đặt ga rô tùy tiện.

d) Vết thương gãy xương

- Đặc điểm của vết thương gãy xương:

+ Gãy xương kín da không rách, chổ gãy da bị bầm tím hoặc bị đội lên do xương gãy chống lên.

+ Gãy xương hở da bị rách, mô xung quanh chỗ gãy bị dập nát có thể nhìn thấy chỗ xương gãy lòi ra ngoài.

- Biến chứng: Choáng do đau đớn và mất máu (nhất là vết thương gãy xương lớn như xương đùi, xương chậu thường bị nhiễm khuẩn nặng)

- Sơ cấp cứu ban đầu:

+ Cầm máu tạm thời (nếu thấy đứt mạch máu)

+ Băng bó đối với vết thương hở

+ Cố định tạm thời gãy xương

+ Đưa thương binh vào nơi an toàn để vận chuyển về cơ sơ điều trị

e) Bỏng

- Đặc điểm: Bỏng trong chiến tranh do các loại vũ khí cháy gây ra như: bom napan, súng phun lửa, đạn mìn cháy… bỏng nặng hay nhẹ phải căn cứ vào diện tích bỏng và độ sâu của vết bỏng, bỏng 10% cơ thể gọi là bỏng nặng.

- Cấp cứu khi bị bỏng

+ Dập tắt lửa bằng nước, đất, cát, chăn, vải… nếu là lửa naphan phải ngâm người trong nước hoặc vùng cơ thể bị cháy vào nước rồi dập tắt.

+ Bỏng do chất lân trắng phải dùng băng ướt, sunfat đồng 5%, nước vôi 5%, thuốc tím 3% (không bôi thuốc mỡ lên vết bỏng trước khi băng).

+ Nếu vết bỏng quá rộng, không băng được phải dùng vải, chăn, màn sạch phủ lên vết bỏng.

+ Cho uống thuốc giảm đau, nước muối theo chỉ dẫn của quân y.

f) Tổn thương do bị vùi lấp

- Nguyên nhân tổn thương do vùi lấp: Do bom đạn – sập hầm – đổ nhà cửa – do nước lũ, lở núi,… nạn nhân có thể bị chấn thương sọ não, gãy chân, tay…

- Hội chứng đè ép:

+ Thời kỳ đầu 10-12 giờ khi mới được bới ra cơ thể gần như bình thường chưa có triệu chứng cụ thể (trừ các trường hợp bị chấn thương nặng)

+ Sau 10-12giờ kể từ lúc bới ra có các triệu chứng cụ thể ở các phần bị vùi lắp phù nề lan rộng, căng to, biến dạng, đau khó hoặc không cử động được, da xanh xám nhợt nhạt. Triệu chứng choáng xuất hiện, mạch nhanh và nhỏ, huyết áp tuột, nước tiểu giảm sau đó không đi tiểu được báo hiệu suy thận cấp dễ dẫn tới tử vong.

- Xử lý:

+ Nhanh chóng bới đưa bệnh nhân ra khỏi khu vùi lấp, khi đào bới được phần đầu phải nhanh chóng lấy dị vật trong mồm mũi, thổi ngạt nếu bệnh nhân không thở được).

+ Đào bới xong đặt nơi thoáng mát hô hấp nhân tạo để lên cáng cứng, chống nóng, chống lạnh cho nạn nhân. Kiểm tra các tổn thương khác để tiếp tục xử lý.

g) Vết thương bụng – vết thương ngực

- Vết thương ngực -  bụng do hỏa khí, đạn bắn thẳng hoặc mảnh bom gây nên là loại vết thương nặng, thương tổn thường kết hợp nhiều bộ phận, có thể cùng 1 vết thương bị tổn thương nhiều bộ phận như dạ dày, gan, ruột, lá lách…

- Khi bị thương hay bị choáng mất máu gây tử vong tỷ lệ cao.

- Cách xử lý: cấp cứu đầu tiên phải đúng phương pháp và nhanh chóng chuyển về cơ sở phẫu thuật, đối với vết thương bụng, thời gian phẫu thuật sớm là biện pháp cơ bản để cứu sống thương binh tốt nhất khoảng từ 6 – 12giờ sau khi bị thương.

- Các xử trí cụ thể:

+ Đối với vết thương thấu bụng phải băng bó che kín vết thương, khi có các phủ tạng lòi ra ngoài tuyệt đối không nhét vào bụng, có thể dùng bát úp lên, hoặc dùng băng làm thành vành khăn bao quanh phủ tạng lòi ra rồi mới tiến hành băng lại, nếu thương binh bị choáng rõ rệt cần để thương binh ở nơi thoáng mát yên tĩnh, tiêm trợ lực – trợ sức, ủ ấm cho thương binh trước khi về tuyến sau. Khi vận chuyển để thương binh nằm ngửa, không cho ăn uống, không tiêm moóc phin.

+ Với vết thương thấu ngực phải băng chặt kín hoặc nút kín khâu kín vết thương nếu có điều kiện, kê cao đầu, lau đờm đề phòng bị ngạt, nếu gãy nhiều xương sườn thì băng vòng quanh ngực, vận chuyển nhanh về phía sau để phẫu thuật, chú ý khi vận chuyển đầu phải luôn cao hơn thân.

h) Vết thương sọ não – cột sống

- Vết thương sọ não có 2 loại

+ Bị thương ở phần mềm của não

+ Vỡ sọ não (vết thương thấu não)

- Vết thương cột sống cũng có 2 loại

+ Chạm tủy

+ Không chạm tủy

- Nếu bị vết thương thấu não hoặc chạm tủy cột sống là rất nguy hiểm, rất dễ dẫn tới tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

- Cách xử lý

+ Băng bó, cầm máu, cố định đúng kỹ thuật.

+ Chống choáng.

+ Chống khó thở bằng cách lau sạch đờm, giãi, đặt đầu thương binh nghiêng về một bên.

+ Vận chuyển nhanh thương binh về tuyến sau, nhưng phải thật nhẹ nhàng.

+ Khi vận chuyển phải dùng cáng cứng và không đổi cáng khi vận chuyển. Vết thương cột sống ở vùng cổ cần nẹp cố định, hoặc chèn 2 đầu, nạn nhân luôn phải nằm ngửa) Cố định nạn nhân không xê dịch (nếu bệnh nhân bị vào các đoạn khác của cột sống nên để nằm xấp trên cáng).

i) Vết thương hàm, mặt, mắt

- Vết thương hàm – mặt: được chia ra 3 loại

+ Vết thương ở phần mềm

+ Vết thương phạm xương (sọ mặt)

+ Vết thương phối hợp với các vết thương khác như: ngực – bụng

- Vết thương mắt cũng chia ra 3 loại

+ Loại tổn thương nhẹ có dị vật ở màng tiếp hợp, giác mạc hay ở mí mắt

+ Loại tổn thương vừa có các vết thường làm sứt hoặc rách mí mắt bị bỏng độ II ở màng tiếp hợp hoặc mi mắt.

+ Loại tổn thương nặng: vết thương rách, sứt toàn bộ mi mắt xuyên thủng nhãn cầu bỏng độ III độ IV.

- Cách xử lý:

+ Vết thương ở hàm mặt phải bảo tồn tối đa các tổ chức da, niêm mạc, xương, răng chỉ lọc bỏ các phần chắc chắn bị hoại tử. Lau cồn, xát trùng (trừ mắt), rửa nước muối sinh lý, băng ép cầm máu. Khi vận chuyển có thể cố định lưỡi, chống choáng.

+ Vết thương mắt: làm sạch mắt bằng bông, gạc sạch rồi băng lại không rửa mắt ngay (trừ trường hợp bị bỏng thì phải rửa). Nếu vết thương xuyên hoặc nghi xuyên nhãn cầu không được làm động tác banh mắt làm mở rộng thêm vết thương gây biến chứng nguy hiểm.

Bài 7

BA MÔN QUÂN SỰ PHỐI HỢP

I. ĐIỀU LỆ

1. Đặc điểm và điều kiện thi đấu

a) Đặc điểm: Là một trong những hình thức để xác định chất lượng huấn luyện thể lực và tình hình hoạt động thể thao của mỗi nhà trường. Học sinh sinh viên phải thường xuyên luyện tập, đạt các chỉ tiêu đã qui định cho các lứa tuổi và từng đối tượng. Thi đấu 3 môn quân sự phối hợp có thể tiến hành thi cá nhân, đồng đội.

b) Điều kiện thi đấu:  

- Hiểu, nắm vững qui tắc và được luyện tập thường xuyên.

- Có chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe của bác sỹ.

2. Trách nhiệm quyền hạn của người dự thi

a) Trách nhiệm

- Hiểu rõ điều lệ qui tắc cuộc thi, nghiêm túc tự giác thực hiện đúng.

- Có mặt tại cuộc thi đúng thời gian, đủ trang bị và trang phục theo qui định.

- Thực hiện đúng hướng dẫn của trọng tài.

- Tuân thủ nghiêm qui tắc quản lý và sử dụng súng đạn.

b) Quyền hạn

- Được bắn thử để kiểm tra súng, luyện tập và thực hiện các bài tập đúng vị trí qui định của hội đồng trọng tài.

- Chỉ khi thật cần thiết mới được phép báo cáo trực tiếp với trọng tài những vấn đề có liên quan đến việc tiến hành cuộc thi (các trường hợp khác phải báo cáo thông qua đoàn trưởng, đội trưởng).

3. Trách nhiệm quyền hạn của đoàn trưởng (đội trưởng)

a) Trách nhiệm

- Hiểu và thực hiện nghiêm qui tắc, qui chế cuộc thi.

- Đưa đoàn đến địa điển thi đấu đúng thời gian, đủ trang bị, trang phục theo qui định, bảo đảm an toàn mọi mặt cho đoàn.

- Thường xuyên có mặt ở địa điểm thi đấu.

- Thông báo kịp thời cho các vận động viên trong đoàn các quyết định của hội đồng trọng tài về thời gian, địa điểm thi đấu…

- Báo cáo kịp thời cho hội đồng trọng tài những thay đổi trong danh sách đăng ký thi đấu của đoàn do sức khỏe hoặc các lý do khác).

- Tham dự các cuộc họp do hội đồng trọng tài triệu tập.

b) Quyền hạn

- Chuyển đến hội đồng trọng tài các khiếu nại của đoàn mình.

- Đề nghị hội đồng trọng tài kiểm tra lại hoặc giải thích kết quả thi đấu sau khi thông báo sơ bộ.

4. Thủ tục khiếu nại

- Tất cả các khiếu nại đều phải đưa đến hội đồng trọng tài trước, trong, và sau khi thi đấu nhưng không chậm quá sau 1 giờ khi môn thi đấu kết thúc).

- Có thể đưa khiếu nại bằng văn bản chỉ dẫn rõ các điểm, khoản, mục của điều lệ, qui tắc mà người khiếu nại bị cho là vi phạm.

- Tổng trọng tài phải có trách nhiệm xem xét kỹ lưỡng và kết luận nhanh chóng chính xác).

- Quyết định của tổng trọng tài về khiếu nại là quyết định cuối cùng không xem xét lại nữa.

5. Xác định thành tích và xếp hạng

- Vô địch cá nhân và đồng đội được xác định theo điều lệ của cuộc thi.

- Khi xếp hạng cá nhân: vận động viên có tổng điểm cao xếp trên.

- Khi xếp hạng đồng đội: tổng điểm của toàn đội cao hơn sẽ xếp trên.

- Trong trường hợp bằng nhau đội nào có nhiều giải nhất, nhì, ba hơn sẽ xếp trên.

II. QUI TẮC THI ĐẤU

1. Qui tắc chung

- Mỗi vận động viên phải thi đấu 3 nội dung trong 2 ngày theo đúng trình tự.

- Ngày thứ nhất: sáng bắn súng, chiều ném lựu đạn.

- Ngày thứ 2: chạy vũ trang 3000 mét (nam), 1500 mét (nữ).

- Trang phục thi đấu: mặc quần áo thể thao hoặc quần áo lao động, đi giầy hoặc chân đất.

- Mang súng tiểu liên, AK hoặc CKC.

- Mang số áo từ đầu đến kết thúc thi đấu (không thay đổi).

2. Qui tắc thi đấu từng môn

a) Bắn súng quân dụng

- Điều kiện:

+ Dùng súng AK hoặc CKC.                          + Cực ly bắn 100 mét.

+ Mục tiêu cố định bia số 4.                           +  Số lượng đạn 3 viên.

+ Nằm bắn có bệ tì.                                        + Phương pháp bắn: phát một.

- Vận động viên phải thực hiện đúng thứ tự các động tác và qui tắc bắn

b) Ném lựu đạn xa đúng hướng

- Điều kiện:

+ Lựu đạn gang hình trụ, cán gỗ dài 12 cm, trọng lượng 600 gam (với nam) và 500 gam (với nữ).

+ Bãi ném trong đường hành lang rộng 10 mét, đường chạy rộng 4 mét, dài 15 mét trở lên.

+ Tư thế ném cầm súng không giương lê, có thể đứng tại chỗ hoặc chạy lấy đà để ném.

+ Số quả ném thử một quả tính thành tích 3 quả.

+ Thời gian 5 phút (cả ném thử). Có thể ném thử hoặc không tuỳ vận động viên.

c) Chạy vũ trang

- Điều kiện:

+ Đường chạy tự nhiên.

+ Cự ly chạy 3000 mét (nam), 1500 mét (nữ).

+ Trang bị và trang phục đúng qui định mang theo súng, dây lưng, đi giầy, đội mũ, mang số áo.

3. Cách tính thành tích

a) Bắn súng quân dụng

- Căn cứ vào kết quả điểm chạm cộng điểm cả 3 viên bắn đối chiếu với bảng điểm để qui ra điểm tổng (có bảng qui điểm) vận động viên nào có tổng điểm cao xếp trên, nếu tổng điểm bằng nhau ai có điểm chạm 10. 9. 8 cao hơn sẽ xếp trên.

b) Ném lựu đạn

- Căn cứ vào thành tích ném xa, đối chiếu với bảng điểm để qui ra điểm, vận động viên nào có điểm cao hơn xếp trên nếu bằng nhau, vận động viên nào có quả ném xa nhất xếp trên tính đến cm, nếu vẫn bằng nhau thì xét đến quả thứ 2, thứ 3.

c) Chạy vũ trang

- Căn cứ vào thời gian chạy (sau khi đã xử lý xong các phạm qui) để qui ra điểm theo bảng điểm.

- Vận động viên nào có điểm cao hơn xếp trên, nếu điểm bằng nhau vận động viên nào có thời gian chạy ít hơn xếp trên, nếu vẫn bằng nhau xếp bằng nhau.

d) Tính điểm cá nhân toàn năng

- Căn cứ tổng điểm của cả 3 môn vận động viên nào có điểm cao xếp trên, nếu bằng điểm nhau sẽ lần lượt so sánh các môn theo thứ tự (chạy vũ trang, bắn súng, ném lựu đạn). Vận động viên nào có điểm cao đứng trên, nếu vẫn bằng nhau xếp bằng nhau.

e) Tính điểm đồng đội từng môn

- Cộng điểm từng môn của các vận động viên trong toàn đội, đội nào có tổng điểm cao hơn xếp trên.

- Nếu bằng nhau đội nào có nhiều cá nhân đạt giải cao xếp trên.

f)  Tính điểm đồng đội toàn đoàn

- Cộng tổng điểm đồng đội nam và điểm đồng đội nữ, đoàn nào có tổng điểm cao xếp trên, nếu bằng nhau đoàn nào có đội nữ xếp hạng cao sẽ xếp trên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro