2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Ai cà lem không?" Tiếng chuông leng keng phụ hoạ sau đó, tiếng vang vọng trong khoảng không gian xóm nhỏ thu hút sự chú ý của bọn trẻ con đang chơi ngoài đồng.

Chúng theo tiếng chuông đồng loạt quay ngoắt ra sau nhưng rồi cũng thôi vì đơn giản là không có tiền. Một tốp trẻ độ sáu tuổi đang nghịch cát ngoài bãi ruộng gần mé sông. Mặt đứa nào đứa nấy lấm lét vì chúng đang xếp "hang" bằng cát. Xoè bàn chân trước mặt rồi xới đất cát ẩm ướt lên sau đó cẩn thận ấn ấn tay để kết cấu "hang" được chắc chắn, lũ trẻ cẩn thận rút chân về. Có đứa vừa động chân thì đã bị nứt, mặt nó nhăn lại, bí xị một đống. Thằng An bên cạnh được dịp cười hả hê. Nó chỉ trỏ:

"Lúc nãy mày còn nói tao không làm được giờ thì xem nè." mặt nó nghênh lên chọc tức thằng Tuấn.

"Mày dám trêu tao hả thằng kia." thẹn quá hoá giận nó vùng dậy tay nắm đấm chuẩn bị tiến lại gần An.

Cảm thấy tình hình có vẻ không ổn. Mặt nó ngờ ngợ rồi lấy lại tinh thần vắt chân lên cổ mà chạy. Vẫn không quên ngoái đầu lại:

"Mày có giỏi thì lại đây, lêu lêu." An lè lưỡi thầy thách thức.

Trong đám có mấy đứa định cản nó lại nhưng giờ thì không kịp nữa rồi.

Tức thì thằng Tuấn vùng dậy. Một cuộc rượt đuổi bắt đầu.

Gió chiều lồng lộng xuyên qua hàng cây kẻ lá tạt thẳng vào mặt An. Dường như trong cơn tức giận thằng Tuấn nó càng chạy nhanh hơn, mặc cho chân buốt rát vì đi trần giẫm phải những hòn đá cuội nằm rãi rác trên khắp mặt đường. Thằng An chạy như ma đuổi, còn con "ma" thì đang dí sát bóng lưng. Nó không ngờ chỉ vì ghẹo Tuấn mà phải nhận lại hậu quả này. Dần dà chân nó không còn sức lực nữa, mỏi lừ. An chạy đến một bãi cỏ dưới sườn dốc rồi dừng lại, thầm nghĩ trong lòng cùng lắm bị bắt được nó chỉ ăn vài cú đấm của Tuấn thôi mà. Cái suy nghĩ lạc quan giữa chốn tiêu cực ấy khiến lòng nó nhẹ bẫng, nỗi sợ vơi ít không ít. An nằm ngã ngửa ra sau, tay để sau gáy kê đầu. Mặc kệ những gì nó sắp phải đối mặt.

Tranh thủ thằng Tuấn còn chưa đến đây nó ngửa mặt ngắm trời, ngắm đất. Buổi chiều, trời trong mây trắng. Nắng cũng không còn gắt nữa mà nhường lại cái dịu êm nhè nhẹ của xóm chiều. Tiếng xào xạc hàng cây tre hoà vào cùng âm thanh râm ran của những con ve sầu là đặc trưng của làng quê nơi đây. Đoạn, nó ngân nga bài hát học được từ chiếc radio của bác Năm hàng xóm. Nói học cho cao sang thôi chứ ngày nào cũng nghe bác Năm tối tối tầm 7 giờ mở chiếc radio cũ kĩ, lời bài hát cũng cứ thế chui tọt vào đầu ở, mãi không dứt ra được. Nó vừa rung đùi vừa hát trong đầu còn thầm tán thưởng cho bản thân, nghĩ sao cũng cảm thấy không tệ rồi nó lại đi lạc những dòng mơ tưởng như thần tượng của nó, nghĩ nghĩ rồi cười tủm tỉm. Hát mãi rồi cũng chán, An bần thần ngồi dậy. Nghĩ cũng lạ nãy giờ cũng hơn mười lăm phút rồi mà sao chưa thấy cái bản mặt cau có của thằng Tuấn. Đâm ra nó có chút hơi bất an. An ngoái đầu về phía sau nhìn xa xăm.

Quay lại mười lăm phút trước, trong lúc hậm hực chạy đuổi thằng An thì từ trong ngõ không biết ông nào đột ngột chui ra. Thằng Tuấn như chiếc xe đạp không phanh chưa thắng kịp tông vào. Nó ngã lăn quay dưới nền đất, kêu la đau điếng.

"Cái thằng đây, mày đui hay sao mà nhìn đường mà chạy như ai đuổi mày vậy!"

Hoá ra là ông bán kem ngoài ngõ hồi nãy. Nó lặng im, phủi mông đứng dậy. Nghĩ bụng hôm nay sao mình xui xẻo chết đi được. Nó cọc cằn trả lời.

"Con xin lỗi."

Thằng Tuấn quay lại xách dép chạy đi, rồi chợt nhớ ra nó làm gì có dép. Nó tự gõ đầu thầm chửi mình ngu ngốc rồi cong giò biến mất.

"Nè, mày đứng lại coi..." Ông bán kem nói với theo nhưng dẫu sao cũng chẳng có ích vì giờ nó mất hút sau rặng tre luôn rồi. Ông lắc đầu bỏ đi.

**

"Kì lạ ta bình thường như nó cũng nhanh tay nhanh chân lắm mà giờ ngay cả cái bóng cũng chẳng thấy đâu." An gãi đầu thắc mắc.

"Ủa mà mình quan tâm nó làm gì, đúng là ngu thật, thằng đó mà tới kịp là mình tiêu đời." An hoàn hồn lại toan bỏ đi.

Quả nhiên nhắc ma nào gặp ma đó, chưa bước được hai bước, thằng Tuấn khều nhẹ vai An. Cả bầu trời như sụp đổ dưới chân, thằng An giật thót mặt nhăn mày nhó rồi quay đằng sau. An biết lần này nó tiêu đời rồi. Trong cái thôn này thằng Tuấn nổi tiếng lì lợm, nó thường hay tập hợp những đứa to béo như thằng Lâm, con Bống đi phá làng phá xóm, có hôm còn rảnh tay rảnh chân đánh nhau với đứa thôn kế bên. Dĩ nhiên thằng Tuấn, sức nó như trâu ấy, quật cho thằng Việt ngã nhào xuống đất, giờ thằng đó chẳng dám léng phéng khiêu khích nó nữa. Ấy thế mà An thân bé xíu, hồi ấy nặng cũng chưa bằng phân nửa nó mà lại dám động vào lòng tự trọng không thương tiếc. Thằng Tuấn tức lắm chứ. Nó định hôm hay dạy cho An một bài học. An lòng chẳng mấy vui vẻ, hối hận là cảm giác bây giờ của nó, tự trách bản thân mình tại sao lúc nãy không về nhà đi, giờ ra nông nỗi này nó cũng là người chịu. An cười cười lên tiếng:

"Ừm… hồi nãy tao không có cố ý trêu mày đâu…" giọng nó mếu máo như sắp khóc, rồi như đầu nó lóe ra một suy nghĩ nào đó vội tiếp lời: "Hay…hay là ngày mai đi tao xin tiền mẹ tao bao mày một chầu kẹo, Tuấn mày tha cho tao nha." An lay lay cánh tay đen nhẻm của Tuấn.

"Mày lật mặt cũng nhanh quá ha!"

Mặt Tuấn nãy giờ đen như nhọ nồi, biểu cảm gương mặt như muốn nói mày nghĩ chỉ vài lời như vậy tao sẽ tha cho lỗi mày sao. Lòng nó hằm hằm nghĩ nghĩ những việc xảy ra mới tức thì càng thêm cau có. Đang suy nghĩ làm sao thì tiềm thức đột nhiên bị ai đánh động, nó nghĩ lại nếu như đánh An thì mình cũng sẽ chịu thiệt, ba mẹ nó chắc chắn sẽ sang nhà mắng vốn với ba mẹ mình rồi cái mông của mình chắc cũng thăng thiên mất…

Rồi Tuấn ngước mặt lên chạm phải ánh mắt sợ hãi của An, đưa mắt lướt từ trên xuống dưới, vuốt vuốt cằm xem xét, thân thể hệt như con chuột nhắt của nó mà bị mình cho một đấm chắc không chịu nổi mà nằm trạm xá suốt ba ngày. Mải mê suy nghĩ đắn đo thì nó giật mình tỉnh lại, không được mình phải bảo vệ cái mông mình trước đã. Nó gật gù đáp lại:

"Tao nói cho mày biết đây là lần đầu cũng như là lần cuối đấy nhé!"

Thằng An mừng như bắt được vàng. Nó nhẹ nhõm thở phào một hơi, cơ thể cứng còng như ai tháo xích cũng được thả lỏng. Nó cũng gật đầu theo lời nói của Tuấn. An chìa ngón út, chắc nịch:

"Tao hứa với mày là tao không phạm sai lầm nữa."

Mặt thằng Tuấn cũng giãn ra, nó nghĩ đường nào mình cũng có lời mà, nó đáp ngón út bằng tay phải. Thằng An và Tuấn như được xoá hiểu lầm giữa nhau. Trẻ con mà dễ giận cũng dễ quên. Lát sau, Tuấn và An cùng nằm xuống bãi cỏ xanh mướt tám chuyện trên trời dưới đất. Thằng Tuấn nhắc nhỏ chuyện mà An đã nói. An nhăn mặt, nó không phải là đứa thất hứa nên thằng Tuấn chớ phải lo đâu.

Đúng như hẹn, chiều mai người ta thấy hai cậu nhóc cãi nhau chí choé vì bịch kẹo bạc hà màu xanh lam. Một đứa thì đòi mua cái bịch kẹo đắt tiền trên cùng, đứa còn lại thì dựt bịch kẹo trong tay nó chuyển sang hàng kẹo rẻ hơn dưới kệ. Cãi cọ một hồi, cuối cùng thằng nhóc đòi bịch kẹo kia nước mắt lưng tròng đành phải buông xuống vì thằng đối diện nó chẳng đủ tiền. Thanh toán tiền cô chủ tạp hoá xong, hai đứa rủ nhau trèo lên đồi nhâm nhi thưởng thức.

Hai nhóc con cũng chẳng biết vì sao kể từ đó như hình với bóng thân với nhau. Thân đến nổi các cô dì trong xóm cứ tưởng tụi nó là hai anh em ruột thịt. Tuy cứ như chó với mèo nhưng An và Tuấn chưa bao giờ chơi "chó" với nhau điều gì. Đó là một trong những kỉ niệm luôn luôn lưu giữ trong hồi ức cho tới tận bây giờ đối với An.

.....

An cười thầm, có qua thì cũng có lại, thực ra hồi nhỏ cậu là người ghẹo nó trước mà. Nhưng kể từ khi đó đúng như câu nói đã hứa với Tuấn của cậu, An chẳng bao giờ dám trêu Tuấn nữa. Tuy nhiên tình bạn giữa hai con người mà không có chút động chạm cãi cọ thì cũng thật tẻ nhạt, từ đó cái sự chòng ghẹo chuyển từ người An sang Tuấn nhưng với phiên bản gấp đôi. Nhiều lúc An nghĩ có phải từ lúc làm bạn với nó mình đã rước cục phiền phức này vào rồi, âu mỗi con người gặp nhau cũng là cái duyên. Có thêm một người bạn tốt cũng giống như có thêm điều tích cực bên mình, là một sự may mắn mà tạo hoá đã ưu ái ban cho cậu.

Tuấn thấy An cứ đờ người ra rồi chốc chốc lại cười ngờ nghệch hệt như có vấn đề về tâm lí vậy. Cậu trời tròn mắt ngờ vực, đưa tay lay nhẹ cơ thể An, Tuấn ngập ngừng:

"Ê ê, mày có bị làm sao không đấy hay là cái thằng Văn nó động chạm gì tinh thần rồi?"

An giật mình thoát ra những hồi tưởng vừa rồi, suy nghĩ chú tâm quá cũng quên mất là Tuấn và mình đang đứng trời trồng tại đây. Đang lục lọi câu giải thích hợp lí thì lại nghe từ "Văn" tình thần cậu có chút chùng xuống. Cứ cho là đầu óc có vấn đề thật đi thì có liên quan gì đến cậu ta cơ chứ?

"Tao rất bình thường nha mà mày nhắc đến nó làm gì?"

Tuấn biết mình lỡ lời, vội lấp liếm:

"Tao xin lỗi vì nhắc đến chuyện không vui xảy ra hồi nãy"

"Tao không có giận mày đâu, cũng không hẳn là không vui chỉ có chút khó chịu mà giờ hết rồi" Khoé môi cậu vẽ nên một nụ cười tươi tắn về phía Tuấn.

An đưa tay xem đồng hồ điện tử vừa vặn đúng 5 giờ. Chiếc đồng hồ này cách đây vài tháng ba mẹ An đã chắt chiu từng đồng mua cho cậu hôm sinh nhật vừa rồi, đặng cũng có cái trông giờ giấc chớ nhà có mỗi điện thoại cùi bắp để xem, nói trắng ra cũng rất bất tiện. Đài phát thanh ngoài ngõ cũng cất tiếng ồm ồm thông báo. Gió xuân ấm áp nhường lại mùa hè oi bức, tuy là chiều nhưng vẫn đọng lại cái nóng đổ lửa ngày hạ cho nên sắc trời vẫn chưa tối lắm. Giờ trường chỉ còn lác đác vài người, đối diện vẻ mặt suy tư của An, Tuấn đành lên tiếng phá tan bầu không khí im lặng:

"Cũng năm giờ rồi tao với mày về đi"

"Ừ giờ này tao còn phải về chăm em nữa, tuy trời chưa tối nhưng cái Yến và thằng Bình ở nhà chắc cũng mong ngóng tao về, đặng nấu cơm luôn. Hôm nay ba mẹ tao có thể là về trễ vì đi thăm ruộng"

Rồi như cả hai hiểu ý, cùng nhau tiến về phía cổng trường.  m thanh trò chuyện ngưng đọng khuất sau không gian chập chờn của buổi hoàng hôn cam nhạt.

Ngôi trường phổ thông Lê Lợi cách nhà An cũng một đoạn khá xa, nếu đi bộ từ thị trấn xuống xã ước chừng cũng hơn một tiếng mà đường thời đó còn chưa bê tông hoá nên càng khó khăn hơn. An vì không có xe nên đành đi bộ nhưng hôm nay cậu đi cùng Tuấn, dù gì cũng là bạn nối khố nên nhờ một đoạn cũng chẳng tính toán gì. Đoạn, đang thong dong được nửa đường bỗng nhiên xe nặng trịch, không đi chuyển được nữa. An biết là đã bị xẹp lốp, đành trèo xuống. Giọng điệu khó hiểu của Tuấn vang lên:

"Ủa lạ ta, sáng nay tao mới vừa gửi xe sang nhà chú Sơn cuối ngỏ để sửa mà" Tuấn gãi đầu thắc mắc.

"Thì xe mày cũng cũ kĩ rồi thì hư cũng là chuyện thường tình, thôi mày dắt nhanh nhà chú Tư gần trường đây giá lốp lại đi. Chú ấy tốt bụng sẽ sửa cho học sinh mình miễn phí"

Tuấn hỏi lại: "Còn mày thì sao?"

An thở dài, thật sự là hết đường nói với thằng bạn mình mà, phất tay giục: "Thì tao đi bộ về chứ sao, mày hỏi lạ. Tao cũng đâu phải tàn tật đâu mà không về được. Thôi mày đi nhanh đi kẻo về muộn"

"Vậy tao đi trước nhé, mày về bảo trọng" Tuấn vừa dắt vừa nói vọng theo.

"Ừ ừ"

An thực ra không để tâm lắm, cậu cũng đã đi bộ để học cũng hơn mười năm trời thì cái này có là gì, thay vào đó An có thể vừa thưởng thức cảnh đẹp bình dị vừa hưởng thụ không khí trong lành này.

Phóng tầm mắt ra xa, từng mái nhà tranh im lìm nằm san sát, duy ở trên, cặp uyên ương tựa đầu nhau tình cảm thắm thiết cả vùng trời khiến cho những loài vật xung quanh phải đỏ mắt ghen tị. Ngay cả cái loài sinh vật nhỏ bé ấy cũng có tình có nợ, vậy mà An suốt mười tám năm vẫn còn cô đơn chiếc bóng. Cậu dành khoảng thời gian thanh xuân tươi đẹp vùi đầu vào chuyện học rồi thì nào có chổ để mở lòng trái tim ấm nóng này. Dường như trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, vật cằn cõi nơi lồng ngực trái tựa như thổn thức nhẹ nhưng rồi An cũng giấu nhẹm vào một góc. Đây là mình cảm thấy cô đơn quá lâu hay chỉ đơn thuần ngưỡng mộ sự gần gũi của đôi uyên ương kia? Cậu không biết giải thích sao cho phải cảm giác lúc này. Quay mặt về đằng khác, An cất bước trên con đường rào rạo sỏi đá.  Âm thanh lộp bộp vẫn đều đều nện xuống, át cả những tiếng động quen thuộc vùng quê, mặc cho cảm xúc lộn xộn dưới đáy lòng hệt ai đó khêu gợi, xáo trộn.

Về đến đầu thôn, trời cũng đã nhập nhoạng tối. Ước chừng như gần cổng, tiếng trò chuyện huyên náo góc sân làm An có chút bất ngờ, bước chân cũng vì thế nhanh hơn. Đập vào mắt là ba mẹ cậu và cô Tư bên nội. Ngẫm một lúc mới nhớ hôm nay cô Tư đến chơi vậy mà An lại quên mất. Cô Tư đon đả gác tay lên đầu gối chân trái, còn chân phải thõng xuống nền đất. Cha mẹ cậu đối diện châm trà rót nước tiếp khách. Cậu bước vào sân, lễ phép chào:

"Con chào cô Tư ạ"

m thanh ồn ào đột nhiên ngừng lại bởi tiếng nói vừa rồi, cô Tư quay qua gật đầu. Mẹ cậu bảo: "Chiều giờ học trên trường cũng mệt rồi, rửa tay rửa chân vào nhà ăn cơm đi con"

An vội trả lời "Dạ hôm nay không có học nên con cũng không mệt lắm, con lên trường chủ yếu là xem thông báo thôi ạ - mặt cậu tươi rói, giọng nói không giấu được vẻ vui mừng- và con cũng đậu vào đại học rồi ạ"

Mẹ An hài lòng, thở hắt một hơi: "Già rồi, lẩm cẩm rồi, không còn nhớ con đã lớn tới chừng này"

Cô Tư vui vẻ tiếp lời: "Nhà anh ba, chị ba đúng là có phước đẻ ra thằng con vừa đẹp vừa học giỏi, đặng tương lai sau này cũng đỡ đần cho anh chị phần nào"

Ba cậu cười khan: "Cô Tư chớ nói thế, nó còn non dại lắm, đậu vào trường cũng là cái may. Tui đây mừng cho nó, đủ lông đủ cánh rồi thì bay ra khỏi lồng cho biết đây biết đó"

"Mong sao cho con Nguyệt nhà tui cũng hưởng được phần nào chứ giờ còn lông bông lắm, đặng cũng học giỏi như con nhà người ta đây tui cũng vui được phần nào…"

"...Thằng An nó cũng cao lớn rồi, sau khi bây học xong nhớ kiếm một cô vợ, vợ chồng chan hoà rồi đẻ đứa cháu cho vui nhà vui cửa nha con" Cô Tư phe phẩy chiếc quạt tre nhiệt tình chỉ bảo cậu.

An ngại ngùng, cười trừ: "Dạ, con cũng mong vậy nhưng mà giờ việc quan trọng trước vẫn là chuyện học hành thôi ạ còn chuyện cưới vợ sinh con thì thôi con đành nhờ trời"

"Cô cũng chỉ nhắc cho con thôi mà"

"Vậy con xin phép vào nhà trước" An kính cẩn cuối đầu.

**

Thằng Bình và cái Yến vừa thấy hình bóng anh hai của nó mừng rỡ không thôi. Tụi nó đang ngồi trên phản chơi búp bê vải thì nhảy phốc xuống, đồng loạt lên tiếng:

"Anh hai!"

Hai tụi nó xúng xính chạy ào tới ôm hôn tới tấp An. Cậu cũng chiều chuộng ngồi xuống để hai đứa dễ dàng ôm cậu hơn. Đoạn, Cái Yến nũng nịu, giả vờ trách móc:

"Anh hai từ chiều giờ đi học không có ở nhà chơi với em buồn muốn não ruột luôn"

Bình cũng đồng tình: "Đúng vậy đó anh An"

An quỳ một chân, xoa đầu Yến và Bình, nhỏ giọng giải thích: "Anh đi học thì làm sao chơi với tụi em được. Vả lại hai chị em ở nhà cũng chơi với các bạn hàng xóm cũng vui mà, đúng không?"

Cái Yến nghĩ nghĩ, anh hai nói cũng phải. Ở xóm nó hay ra ngoài bãi cát ngoài ruộng chơi với Cái Hân và em Trâm mà. Nó gật gù, gương mặt cũng khởi sắc hơn nhưng rồi lát sau Yến bí xị, giọng nức nở:

"Nhưng mà chúng em chơi với anh hai vui hơn"

Cậu nở nụ cười hiền hậu: "Ừm biết hai đứa thương anh hai nhiều đến vậy nên anh mới mua quà để bù đắp cho hai em nè"

Vừa dứt lời cậu lục lọi trong túi vải sờn cũ lấy ra hai cây kẹo mút vị dâu chia cho Yến và Bình, mỗi đứa một cây. Tụi nó hớn hở nhận lấy:

"Em cảm ơn anh hai"

"Ừm hai em ngoan lắm"

Khi nhận được quà từ tay An, tụi nó cười toe, cảm ơn rốt rít rồi cái Yến cất giọng non nớt: "Anh hai đi học về mệt rồi thì nghĩ một lát rồi ăn cơm đi, em có xới sẵn để trong rế tre dưới bếp đấy ạ. Ba mẹ, em và thằng Bình lát nãy ăn rồi"

Lòng cậu dâng nên một nỗi nghẹn ngào không nói thành lời. Cái Yến lớn thật rồi, tháng tám năm nay tròn bảy tuổi, đến tuổi đi học đồng trang lứa. Năm sau thằng Bình cũng tiếp nối. Vai của ba mẹ đã nặng lại càng nặng thêm. Đối diện ánh mắt thơ ngây của hai đứa em, An càng khẳng định lòng mình muốn gì. Cậu giấu sự mệt mỏi trong tâm và khoá luôn cả cánh cửa trái tim kia, chuyên tâm học hành thật tốt. Cậu gật đầu như đã tỏ, chậm rãi xuống gian nhà dưới.

Nhà An còn nghèo, có mỗi chiếc xe đạp cà tàng để đi làm. Để An được đi học biết thêm chữ, cố gắng học hành mà xoá cái nghèo bao thế hệ trước. Bố mẹ lao đao vất vả, dậy sớm về khuya. Thời ấy khoa học còn chưa tiên tiến, người dân tại vùng đất duyên hải chỉ biết trông cậy vào thiên nhiên. Quanh năm suốt tháng "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Trời thương thì cho vài cơn mưa đầu hạ để hoa màu tươi tốt còn trời không thương thì cúp nước, ngay cả nước uống còn chẳng có huống chi là tưới ruộng. Thương sao những con người miền Trung chất phát thật thà ấy thế mà đương tháng chín tháng mười bão lụt như trút nước, nhẹ thì hoa màu tàn phá, nặng thì chỉ cái nhà để ở cũng chìm trong biển nước. Nhất là mưa kèm theo gió bão, tan tác cả một vùng xóm nghèo. Những lúc cơ cực ấy, trẻ con khóc lóc, người lớn chỉ có thể trơ mắt nhìn thảm cảnh diễn ra, ngậm ngùi, đau xót như đứt từng đoạn ruột. Điều đó An biết, An thương ba mẹ, thương cả người dân miền Trung. An chăm chỉ học tập vì cậu có ước mơ sau này có một việc làm ổn định, trước cất cho ba mẹ cái nhà để tránh mưa tránh nắng chứ giờ căn nhà nhìn vào xập xệ đến đáng thương. Mùa lũ thì coi như cả gia đình dọn sang nhà bà ngoại tạm lánh chứ cái mái dột cả phòng khách, phòng ngủ An và hai đứa em côi cút. Đặng cũng phần nào đó phụ ba phụ mẹ đỡ đần chuyện ăn học cho em và cho cha mẹ đỡ phải làm việc cực nhọc nữa. Sau cũng có vốn liếng mà đi dặm hỏi con gái nhà người ta, cậu không muốn ngay cả chuyện cưới hỏi cũng để cho cha mẹ lo liệu.








Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#boylove