2-Hoàn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Và cũng vào khoảnh khắc ấy, tôi dường như nghe được cả sự sống trỗi dậy, từ lồng ngực em, từ lồng ngực con, và cả từ bộ rễ nhỏ của cái cây kia. Cái cây kia rõ ràng chẳng chút thay đổi gì nhưng lại như hoàn toàn thay da đổi thịt. Những dây leo còn sót lại trên cành nhánh đã chuyển hết sang màu xanh thẫm. Lớp vỏ cây khô cong bong tróc lại như đang phát sáng, hấp thụ khí trời nở bung phát triển.

So với cái cây, em và con lại càng thay đổi nhiều. Con vốn vừa rời khỏi em đã không còn hơi thở, tái xám như một khối thịt vô hồn. Ấy vậy mà bây giờ lại hồng hào lên trông thấy, ngay cả tay chân cũng mập mạp mũm mĩm hẳn ra, như thể một đứa bé sơ sinh khoẻ mạnh vừa được no sữa. Không những thế, con bất ngờ mở mắt, và khóc. Tiếng khóc khiến cho người vô cảm như Hạnh cũng phải bối rối. Cô nhìn sang tôi, thúc giục. "Bé...bé khóc mất rồi. Anh dỗ bé đi chứ."

Ngoài dự đoán của cô, tôi cũng đang khóc. Tay chân tôi cứng đờ, chỉ biết ngây ngẩn ra nhìn con. Thì ra, con của tôi, có tiếng khóc đáng yêu như vậy. Hạnh nhăn nhó trước sự vô dụng đó, quay sang cầu cứu thằng bạn tôi. "Này, Trung dỗ em bé đi. Để khóc như vậy, có sao không? Em bé bị sao hả?"

Thằng bạn tôi tái mặt, hấp tấp né xa. "Sao lại là em? Em không biết dỗ con nít đâu. Nó xíu xiu thế kia, động vào lỡ đánh rớt thì sao. Không không không... Chị dỗ đi."

"Chị cũng có biết dỗ đâu..."

Nhìn cả hai đùn đẩy cho nhau, tôi biết không đúng lúc nhưng lại cảm thấy buồn cười quá thể. Tôi phì cười, trong nước mắt. Và rồi, em như giật mình từ trong giấc ngủ, hoảng hốt ôm chầm lấy con, la toáng lên. "Ôi, cục cưng, sao lại khóc lớn vậy! Ngoan ngoan, đừng khóc, nín nín! Ơ kìa, anh, tự dưng làm gì vậy, buông em ra. Sao anh cũng khóc vậy? Chuyện quái gì đang xảy ra thế này?"

Tôi mặc kệ em ngơ ngác khó hiểu mà cứ thế lao tới ôm siết lấy em, lấy con. Điều tôi muốn, chỉ thế này thôi. Em và con đã sống lại với tôi, tôi chỉ cần thế này thôi.

Sau khi sống lại, ký ức của em hơi mơ hồ nhưng chỉ cần được nhắc nhở, em nhanh chóng nhớ lại hết. Kể cả việc mình đã mất và con cũng không còn, trước mình chẳng bao lâu. Tôi vốn muốn giấu diếm điều đó mà lại thất bại, đành thú thật ra. Khi hoàn toàn minh mẫn, nghe tôi nói dối rằng em và con chỉ hôn mê, em phản đối ngay. Em nói thẳng về việc không vui vì thấy tôi định chịu đựng một mình thứ ký ức nặng nề như vậy. Tôi còn có thể làm gì hơn trước một em quan tâm mình đến thế. Hiểu ra mọi chuyện, em xúc động lắm, bước tới gần nắm lấy tay Hạnh. "Em cảm ơn chị!"

Hạnh khẽ lắc đầu. "Tôi có làm gì đâu. Đều nhờ cái cây này thôi."

Nhìn về phía cái cây, em hơi tươi nét mặt nhưng không cười. Tôi lặng lẽ nhìn em. Em vẫn là em nhưng tôi rất nhanh nhận ra, hiện tại, em có nét gì đó rất giống Hạnh. Thản nhiên, vô cảm, như một cái cây. Tôi đoán đó là tác dụng phụ của việc sống lại dựa vào một loài thực vật. Nhưng tôi quyết sẽ không nói ra cũng không phàn nàn gì về điều đó. So với mất em, em lạnh lùng đi một chút chẳng đáng là gì.

Vì rõ ràng, em vẫn là em. Nghe Hạnh nói, em vẫn rất cố chấp. "Cũng là nhờ chị cho em cái cây mà. Cả anh Trung nữa, cảm ơn anh nhiều lắm."

Vô tư, lại thật lòng mừng cho tôi, Trung nhe răng cười. "Cảm ơn suông làm gì, em nấu đồ ăn mời tui với chị Hạnh qua ăn là được."

Gật mạnh đầu, em nắm tay cả Trung lẫn Hạnh, nói lớn. "Đó là đương nhiên, cuối tuần này đi, anh chị qua, cả nhà mình cùng ăn uống một bữa cho vui."

Em không cười, nhưng mắt em sáng ngời. Hạnh và Trung cũng hào hứng ra mặt. Tôi nhìn cả ba, lại nhìn con đang mút tay nằm trong lòng, mừng đến suýt chút rơi nước mắt. Nhưng tôi nén lại. Tôi sẽ không khóc nữa. Từ bây giờ, tôi phải luôn cười, vì em và con, đã ở bên tôi.

---

Chẳng hiểu sao nhận được yêu cầu gặp riêng của cấp trên, tôi hơi khó hiểu, theo thói quen hỏi đồng nghiệp. "Chả biết có chuyện gì, dạo này tui đâu làm gì sai đâu ta."

Đồng nghiệp là một anh bạn tầm tuổi tôi, nghe hỏi thì nhìn qua, vẻ mặt đắn đo, như có điều muốn nói. "Ông không biết thiệt hả? Tui còn tưởng ông giả bộ không để ý tới chứ. Dạo này...cả công ty...đồn đãi ghê lắm."

Chột dạ, tôi cố nhớ xem mình có gây ra điều tiếng gì không trong lúc hỏi. "Đồn đãi, mà đồn đãi cái gì?"

Dường như nhận ra tôi thật sự chẳng biết gì, anh đồng nghiệp hít vào một hơi, kéo ghế tới sát hơn, kề tai tôi nói nhỏ. "Cả công ty đều đang đồn đãi ông sống với thây ma. Còn có người ác miệng nói không chừng ông cũng là thây ma. Mọi người...sợ ông lây bệnh dịch."

Ngỡ ngàng nhìn đồng nghiệp, tôi không biết phải nói gì. Đồng thời, trong lòng cũng có bao nhiêu điều được sáng tỏ. Dạo này, số người nói chuyện cùng tôi trong công ty ít đi thấy rõ. Và hơn hết, ai đụng mặt tôi cũng nhanh chóng tránh đường, có khi mới từ xa đã hấp tấp tìm chỗ khác để đi. Hoá ra, là vì những tin đồn này.

Hiện tại, tìm nguyên do chẳng có nghĩa lý gì, huống chi, không muốn người khác nói thì bản thân đừng làm. Chuyện em và con hồi sinh, tôi làm gì có tư cách để biện hộ. Thở dài, tôi không nhịn được cảm động nói với đồng nghiệp. "Vậy mà ông vẫn nói chuyện với tui. Cảm ơn ông nha!"

Giật mình ngượng ngùng, anh đồng nghiệp đập vai tôi. "Đương nhiên là tui phải nói với ông chứ. Chuyện nhà ông, ông kể rõ tui nghe rồi mà. Huống chi, ông có giống thây ma đâu, vẫn như mọi khi thôi. Dịch bệnh nếu lây thì đã sớm lây. Bây giờ có ai không rõ thời gian lây bệnh, thời gian ủ bệnh, cả triệu chứng đâu. Tui biết tỏng, cũng là ghen tức người nhà ông sống lại thôi. Nhưng nói mãi thì đến tai cấp trên, cấp trên sợ bên y tế để ý rồi xuống điều tra này nọ. Hiện tại kinh tế khó khăn, cấp trên chỉ muốn lặng lẽ kiếm tiền. Nói chung, tui thì tin ông đó, cấp trên có khi cũng tin, nhưng để ông yên thì chắc khó. Ông chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất đi."

Tình huống xấu nhất, đương nhiên là bị đuổi việc. Lòng tôi rõ như thế, và sự thật cũng là như thế. Gặp riêng tôi, cấp trên nói thẳng về những lời đồn đãi và đòi chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu tôi làm căng, chưa biết chắc ai sẽ là người chịu thiệt. Nhưng làm thế để làm gì? Công ty bị rắc rối thì mặc kệ công ty, bản thân tôi, gia đình tôi lẽ nào sẽ được yên? So với công ty, tôi và em, cùng con yêu quý càng mong có một cuộc sống bình an tĩnh lặng hơn. Nên tôi ngoan ngoãn nghỉ việc. Nhờ thái độ hợp tác đó, tôi được tặng thêm ba tháng lương, xem như đền bù, xem như công ty không quá tuyệt tình.

Khi chào chia tay đồng nghiệp, tôi nhìn anh bạn thân đã báo trước tình hình cho mình ủ rũ thì có chút cảm động. Dù trong hoàn cảnh nào, chắc chắn vẫn sẽ có những người tốt, đồng cảm và thật sự quan tâm tới mình. Hẹn anh có dịp lại gặp gỡ uống rượu nói chuyện, tôi dọn dẹp đồ đạc ra về thật nhanh. Vì không hiểu sao, tôi nhớ em và con vô cùng.

Đón tôi, là em đang lặt rau, cùng con nằm ngoan trong nôi nhỏ bên cạnh ở hiên nhà. Lòng tôi dịu lại, tiến tới ôm em, nói khẽ. "Anh bị đuổi việc rồi. Từ mai, chắc phải đi xin việc làm thời vụ hàng ngày để trang trải. Sẽ vất vả lắm đó, nên về nhà, em nuông chìu anh nhiều hơn, được không?"

Em ngơ ngác nhìn tôi. Không giấu em, tôi kể hết sự thật, rồi lại không nhịn được vui vẻ vuốt tóc em, chạm vào sợi dây leo nhỏ xanh thẫm xen lẫn trong đó. "Em đừng lo. Rồi anh sẽ sớm có lại việc làm thôi. Qua công ty mới, chuyện cũng nguôi ngoai dần, sẽ chẳng ai nói gì nữa."

Gió ngoài vườn nhẹ thổi, mơn man trên làn da báo hiệu một đêm mát trời. Tóc em không bay nhưng sợi dây leo kia khe khẽ run. So với tóc, nó dường như nhẹ hơn rất nhiều. Gió mơn man cũng đủ làm nó lay động. Tôi phát hiện ra điều đó sau nhiều giờ ngắm em và con. Chẳng biết từ lúc nào, tôi thấy hình ảnh đó có phần đáng yêu. Lúc này cũng vậy, tôi ngây ngất nhìn sợi dây leo ấy khẽ khàng đung đưa gần vành tai trắng trẻo của em và nghe em nói. "Con rất ngoan nên em cũng rảnh rỗi lắm. Em sẽ tìm việc gì làm tại nhà để phụ anh."

Tựa đầu lên vai em, nắm lấy bàn tay nhỏ của con say ngủ, tôi vui vẻ cất lời. "Ừ, cảm ơn em!"

Em và con, thật tuyệt! Chỉ cần có cả hai, thế giới này khó khăn thế nào tôi cũng chịu được. Tựa vai em, tôi thiu thiu ngủ, và trong tầm mắt, phất phơ một sợi tơ mỏng manh xanh thẫm, bay giữa gió đêm, mơn man cọ nhẹ lên má tôi, như một lời yêu thương.

Ngày kế, tôi thức dậy sớm, thay đồ đàng hoàng, hứng khởi ra khỏi nhà. Đón tôi, là những công việc chẳng đâu ra đâu. Đó cũng không phải là điều bất ngờ gì, thời buổi này, bệnh dịch tràn lan, kinh tế suy thoái, làm gì còn nhiều công việc để mà lựa chọn. Không mơ tưởng viễn vông, tôi chọn lấy công việc theo ngày có mức lương cao nhất, xắn tay áo lên mà làm.

Chiều về, tôi mệt đến rã rời, cầm tiền bước vào nhà với cái bụng đói meo. Em đang vừa dán nhãn cho ly nhựa, hẳn là một công việc tại nhà mới nhận được, vừa chơi với con, ngước lên thấy tôi thì cười dịu dàng. Cơn mệt trong người tôi tan đi như bọt bong bóng. Chẳng hỏi han gì nhiều, em đứng lên. "Anh nghỉ chút đi, em dọn cơm đây!"

Tôi ngồi xuống ngắm con, gật đầu. Ngoài căn nhà này, đúng là bão tố. May sao, chỉ cần trở về, là tôi sẽ có được bình yên.

---

Anh vất vả và khổ sở, là vì tôi. Chẳng biết từ lúc nào, tôi bắt đầu có suy nghĩ ấy. Có lẽ, từ khi anh bị đuổi việc phải chuyển sang làm mấy công việc chân tay kiếm tiền theo ngày. Nhưng tôi biết, chuyện đó chẳng đáng gì với anh. Mỗi ngày đi làm về, nhìn thấy tôi và con, nụ cười của anh rất thật lòng. Dù tôi chỉ là một cái thây ma thì tôi vẫn biết điều đó.

Anh chỉ chớm buồn từ một đêm nọ. Mẹ anh đến thăm vào lúc tối muộn, không vào nhà, lấp ló đứng ngoài cổng, thì thào với anh. Tôi đổ rác bên hè, nép trong bóng tối vô tình nghe trộm được.

"Mẹ vô nhà ngồi chơi! Sao ghé trễ vậy? Con nhắn tin nói cuối tuần về thăm mẹ con nhỏ Út chẳng thấy nó trả lời, dè đâu giờ mẹ lại qua."

Giọng anh hớn hở nhưng mẹ lại đáp thấp thỏm như ngại ngùng, như e sợ. "Mẹ sang nhắn mày đừng qua. Con Út không thích đâu. Nó vừa sinh con nhỏ, nói rằng mày với thằng đó không biết sức khoẻ ra sao, về sợ lắm. Chồng nó cũng sẽ bực mình. Đừng về!"

Tôi cúi đầu. Trong gió đêm, sợi dây leo nhỏ đen thẫm lại từ bên tóc mai hơi tung bay, mơn man chạm đầu vai tôi. Tôi biết mẹ anh đang nói về ai nhưng anh thì còn hơi mờ mịt. "Thằng đó? Mẹ nói ai? Ý mẹ...là nhà con đó hả?"

Mẹ anh dáo dác, ánh mắt láo liên nhìn về phía cái cây hồi sinh của cha con tôi đứng khẳng khiu trong vườn. Tôi không hề biết mình đã trở nên đáng sợ như vậy trong mắt bà. "Chứ còn ai nữa. Nhà mình, ai mà chẳng biết nó đã chết rồi, tại cái cây đó..."

Tôi lặng lẽ bỏ vào trong. Sau đó là tiếng anh hét lớn cùng tiếng đóng cổng rất mạnh tay. Tôi đoán là anh bực mình dù rằng khi đối diện với tôi cùng con, chuyện không vui khi gặp mẹ ấy anh chẳng hé môi nửa lời.

Anh buồn từ dạo ấy. Đương nhiên tôi không hề cảm thấy bất ngờ. Có ai bị chính ba mẹ anh em mình xa lánh ghê sợ lại có thể không buồn. Là một cái thây ma, tôi chẳng thể làm gì cho anh, ngoài yêu thương anh nhiều hơn nữa, thay cả phần cho người thân anh. Và cũng từ ấy, tôi bắt đầu có suy nghĩ tại mình nên anh phải buồn. Nếu tôi không là thây ma sống dựa vào một cái cây, có khi mọi chuyện đã tốt hơn rồi.

Nhưng đó chỉ là mơ ước viễn vông của tôi mà thôi. Tình hình càng ngày càng tệ đi. Hết ba mẹ người thân, đến cả hàng xóm cũng dần xa lánh chúng tôi. Sống giữa khu phố sầm uất mà cứ ngỡ giữa ốc đảo, ba chúng tôi chỉ có nhau, chẳng giao du với ai và cũng chẳng ai muốn giao du cùng. Tôi và con ra đường bị xa lánh không nói. Ngay cả anh xuất hiện trên phố cũng chẳng ai dám lại gần, cứ đứng từ xa chỉ trỏ sợ hãi.

Một buổi sáng từ chợ trở về, tôi thấy anh và con ngồi chăm bẵm cái cây hồi sinh trong vườn. Con mới biết nói không lâu, ngọng nghịu hỏi. "Sao suốt ngày ba chơi cái cây này vậy? Cái cây xấu hoắc!"

Anh cười dịu dàng, trong ánh mắt có phần hiu quạnh. "Thì tại hôm nay ba nghỉ làm, ba đang rảnh. Nếu không chăm cây, ba cũng có biết làm gì đâu."

Con còn nhỏ nên không tập trung nhiều, lại chạy loanh quanh nghịch đám dây leo của cây. Nhìn con, lại ngước mắt nhìn trời, anh lẩm bẩm. "Bữa nay trời đẹp còn mát mẻ, phải mà được, ba ẵm con đi thăm bà nội với vợ chồng cô Út. Con cô Út là bé gái đó, chắc dễ thương lắm. Cho hai đứa chơi với nhau."

Con ngừng chạy, ngó anh ngơ ngác. "Nội là ai? Cô Út là ai?"

Cười buồn rười rượi, anh lắc đầu. "Khi khác ba kể cho nghe."

Ôm lấy con, anh mơ màng nhìn cái cây hồi sinh. Nhưng tôi biết, trong mắt anh, đang hồi tưởng lại khoảng thời gian chúng tôi còn thân thiết với nhà anh, được mẹ anh chăm sóc, được em gái anh quý trọng. Giờ thì hết rồi, anh đánh mất tất cả, là tại cha con tôi, tại cái cây hồi sinh kia.

Suy nghĩ đủ, chuẩn bị đủ, tôi đợi một ngày anh đi làm thì âm thầm mang cuốc ra vườn, quyết định nhổ phăng cái cây hồi sinh đi. Ngoài dự kiến, việc đó chẳng hề dễ dàng. Không có ai ngăn cản, con vẫn còn ngủ trong nhà, ấy vậy mà mỗi lần vung cuốc lên, tim tôi lại đau nhói một cách kỳ lạ, không tài nào xuống tay được. Sau vài lần cố gắng, tôi buông cuốc, hiểu ra lý do. Cái cây hồi sinh này, chính là một phần thân thể của tôi. Chẳng ai có thể thản nhiên cầm dao mà cắt tay chân mình một cách dễ dàng cả.

Sớm mùa hè, gió nhẹ còn mang theo hơi nóng yếu ớt. Những sợi dây leo xanh thẫm mỏng manh của cây hồi sinh đung đưa khe khẽ. Sợi dây leo ở bên tóc mai tôi cũng lay động nhẹ, mơn man cọ da mặt tôi. Cảm nhận cơn gió mơn man cùng chuyển động của sợi dây leo, tôi bật khóc, và vung cuốc. Từng nhác, từng nhác, cuốc xắn tung vào đất, xắn đứt rễ cây. Không có máu chảy, không có thương vong, chỉ có cây hồi sinh ngã chỏng chơ giữa đám đất bị xới tung lộn xộn. Nhưng tôi đau lạ kỳ, tận đáy lòng. Dù vậy, tôi lại nhẹ nhõm. Không còn cái cây, chẳng ai có thể gọi tôi và con là thây ma nữa. Và anh sẽ không còn bị ai xa lánh nữa.

---

Tôi vừa ăn cơm xong, đang ngồi xem tivi thì thấy chồng từ trên lầu xuống, vươn vai ngáp dài. Biết anh đã xong việc, tôi nhắc nhở. "Xong việc thì ăn cơm đi anh. Trễ rồi đó!"

Ậm ừ trong miệng, anh vậy mà lại mở cửa sổ ngó ra vườn. Ngó xong, anh quay vào la lớn. "Hạnh, em không tưới cây à?"

Tôi chưng hửng, đến lúc nhớ ra thì cười hối lỗi. "A, em quên. Nãy định tưới thì có điện thoại, nghe xong cái em quên luôn. Mai rồi tưới, dạo này có nắng lắm đâu, cây cũng chả héo được."

Huống chi, nếu nó có bề gì, tôi đã sớm biết. Vì tôi và cái cây ấy, là một. Đương nhiên, tôi không nói ra miệng.

Tôi vốn đã chết một lần. Lại sống lại được nhờ vào một cái cây. Biết rõ điều đó nhưng vẫn kết hôn cùng tôi, chồng tôi coi trọng cái cây lắm. Từ lúc kết hôn, hai vợ chồng rất hoà thuận, có chăng chỉ là tôi hay đểnh đoảng bắt anh phải theo sau dọn chứ anh chưa từng khó chịu hay bực bội gì tôi. Ấy vậy nhưng chỉ cần dính tới chuyện liên quan cái cây, anh càu nhàu rất gay gắt. Hôm nay cũng thế, vừa biết tôi quên tưới cây, anh lập tức xách bình ra tưới. Lúc xong, anh quay vào nhìn tôi, hờn giận. "Em đừng có quên nữa, được không? Nếu quên, thì nói anh, anh tưới cho."

Thương anh lo lắng, tôi pha trò. "Đã quên thì làm sao nói. Nếu nhớ để nói thì đâu gọi là quên."

Anh méo miệng, như sắp khóc nên tôi thôi, vội vàng làm lành. "Em xin lỗi. Sau này em sẽ cẩn thận mà!"

Ôm lấy tôi, anh ôm thật lâu rồi bắt đầu hí hoáy. Tôi biết anh đang nghịch sợi dây leo xen trong tóc tôi. "Tụi mình cố chăm cái cây nha. Anh không muốn giống thằng bạn anh đâu!"

Tôi thở dài, chỉ đành xoa xoa lưng anh an ủi.

Anh có một anh bạn thân. Anh bạn đấy rất bất hạnh. Bạn đời lẫn con trai vì khó sinh mà mất. Khi đó, được chồng nhờ, tôi mang cây hồi sinh sang giúp anh bạn kia hồi sinh bạn đời và con. Nhờ thế, lúc đám cưới vợ chồng tôi, cả nhà ba người anh bạn kia đều đến dự, hạnh phúc viên mãn biết bao nhiêu.

Thế rồi, nhiều chuyện cùng đồn đãi không hay diễn ra, người bạn đời kia thế mà đã nhổ bỏ cây hồi sinh đi. Chính tôi cũng không nghĩ hành động đó có gì không tốt. Đằng nào cũng đã sống dậy rồi, cái cây khiến những người xung quanh nghi kỵ thì cứ chặt đi thôi. Không còn cái cây, mọi người dần chẳng còn cớ nói điều tàn ác, gia đình anh bạn kia dần có lại cuộc sống thường nhật, họ hàng hoà thuận, xóm giềng thân thiết.

Bẵng đi một thời gian, chồng tôi lại thông báo tin dữ. Anh bạn kia bán nhà, chuyển về quê sống, sau khi bạn đời cùng con trai đổ bệnh lần lượt qua đời. Tôi nhớ mãi những lời chồng tôi nói khi ấy. "Nó suy sụp lắm. Hai người thân yêu nhất chết tận hai lần. Mà lần này, cứ héo úa dần đi, ăn uống không màng, đến cuối cùng chỉ còn quắt queo như hai cái cây khô vậy, vỡ vụn ra từng mảnh. Nó bảo anh rằng, là vì đã lỡ nhổ bỏ cái cây kia đó. Lúc đi, nó chẳng nói gì thêm, cứ một mực dặn anh phải chăm cái cây thật tốt, đừng để gặp chuyện giống nó."

Từ ấy, chồng tôi bắt đầu quý trọng cái cây như sinh mạng. Tôi biết anh như vậy là vì yêu thương tôi. Và tôi đương nhiên cũng không phản đối. Vì tôi cũng rất quý trọng mạng sống của mình. Nhưng có đôi khi, tôi vẫn âm thầm thông cảm với hành động mà người bạn đời của anh bạn kia làm. Những tin đồn không hay về sự sống có lại được nhờ cây hồi sinh chưa bao giờ dễ chịu. Là một người từng trải trước cả người bạn đời kia, tôi sao lại không hiểu điều đó. Sau khi kết hôn, chồng tôi cũng đã khổ sở vô vàn vì chúng. Chỉ là tôi chưa nghĩ ra được cách giải quyết như người bạn đời kia mà thôi. Lo lắng cho bạn đời của mình, người ấy hấp tấp cũng là điều hiển nhiên. Tiếc là, kết cục quá tàn khốc mà thôi.

Ôm lấy chồng, nhìn cây hồi sinh bên ngoài vườn, tôi âm thầm buồn bã. Vì tôi nhận ra, hạnh phúc nào cũng cần đánh đổi. Mà đôi khi, thứ phải đánh đổi, lại chính là thứ hạnh phúc bản thân đang muốn bảo vệ.

Trong bóng tối, cây hồi sinh đứng đó, dây leo đung đưa khe khẽ, dưới gió nhẹ mơn man.

---

Cách trung tâm thành phố ba mươi cây số về phía nam, huyện nhỏ tôi đang sống vốn hẻo lánh vì đại dịch X nên càng thêm vắng vẻ. Tôi mua một căn nhà nhỏ, vừa tồi tàn vừa chật hẹp, nhưng mảnh vườn phía sau lại xinh xắn thoáng đãng. Cây hồi sinh được tôi trồng ở đó. Sau khi bị em nhổ bỏ, cây hồi sinh đã chết khô. Đến lúc em và con cũng mất, tôi mang cả ba về đây. Tro cốt của hai cha con thì chôn xuống mảnh vườn, cây thì trồng bên cạnh, tôi chẳng rõ mình làm vậy để làm gì. Chắc có lẽ, trong thâm tâm, tôi vẫn hy vọng để cả ba gần gũi thế này, biết đâu có thể khiến em và con sống lại lần nữa dù rằng điều đó vô cùng hy hữu.

Thời gian thấm thoắt trôi, cái cây vẫn là dáng vẻ vô vọng cũ. Cành nhánh trơ trọi, mấy sợi dây leo thì ngắn ngủn bạc trắng, hiếm lắm mới rung nhẹ trước gió mơn man. Và khu vườn qua nhiều mùa mưa đã mướt xanh cỏ dại. Mộ của con và em um tùm đủ thứ hoa sặc sỡ tôi mang về trồng xung quanh. Và hơn hết, tôi cũng đã quen với nếp sống mới đơn độc. Sáng đi làm, chiều về nhà, chăm cây hồi sinh, độc thoại với cha con em, rồi lên giường đi ngủ. Đời tôi, chỉ có bấy nhiêu.

Bỗng một sớm mai, bão tới. Đường sá ách tắc do ngập lún nên tôi được công ty gọi điện báo cho phép nghỉ một ngày. Lo lắng, tôi ngồi trong nhà nhưng mắt lom lom nhìn ra vườn. May sao, dù mưa to gió lớn, cây hồi sinh vẫn đứng nguyên, khẳng khiu và mạnh mẽ.

Đến chiều, bão chớm tan, mưa chỉ còn như bụi. Hấp tấp, tôi chạy ra vườn, muốn vun thêm đất cho gốc cây hồi sinh, cũng muốn dọn lá rụng và hoa tàn vương vãi trên mộ của con và em. Hí hoáy một chập, mọi thứ dần có lại dáng vẻ ban đầu. Quẹt mồ hôi kèm bụi mưa đẫm trên trán, tôi thoáng nghĩ tới việc tiếp theo mình cần làm sẽ là đi tắm thì mắt khẽ nhíu lại. Có một thứ lạ lẫm vừa xuất hiện trong tầm nhìn.

Dí mặt lại gần cây hồi sinh, tôi ngỡ ngàng trong phút chốc. Trên một nhánh cây đâm ra từ thân chính, chẳng biết từ khi nào đã xuất hiện hai vật tròn trịa một lớn một nhỏ. Nhìn hồi lâu, tôi không nhịn nổi tự lẩm bẩm một mình. "Ra trái sao?"

Tôi chưa từng biết cây hồi sinh có thể ra trái.

Từ hôm ấy, tôi bắt đầu theo dõi hai trái nhỏ của cây hồi sinh. So với dáng vẻ èo uột của cây, hai trái này phát triển tốt một cách lạ thường. Mỗi ngày trôi qua, lớn lên thấy rõ.

Đến một đêm, trước khi vào nhà chuẩn bị ngủ, tôi như thường lệ đem lưới nhựa ra quây xung quanh cây hồi sinh, tránh gió khiến hai trái kia bị thổi rụng. Bây giờ chúng nó đã lớn gần bằng hai quả bóng rổ, căng mọng đỏ au, bám trên cây hồi sinh khẳng khiu gầy guộc trông vừa nguy hiểm vừa buồn cười. Lui cui trong bóng tối hồi lâu, tôi dần phát hiện từ hai trái mọng ấy có tiếng động phát ra. Tò mò, tôi áp tay lên chúng, sờ soạng. Bên dưới lớp vỏ trơn láng nhưng ấm áp như da người, tôi cảm nhận được từng sự chuyển động khẽ khàng. Sờ một trái xong, tôi sờ nốt trái còn lại. Càng sờ, tôi lại càng chấn động. Cảm giác này, tôi đã từng gặp qua trước đây. Là khi em mang thai, là khi con trong bụng bắt đầu biết đạp. Ký ức tươi đẹp ấy cùng hiện tại lạ lẫm này làm tôi ứa nước mắt. Nhưng chẳng để cho tôi hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra, tiếng động bên trong hai trái mọng kia lớn dần. Là tiếng khóc.

"Oe oe oe..."

"Oa oa oa..."

Là tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Hai trái mọng, tranh nhau khóc. Chuyển động bên trong chúng cũng trở nên dữ dội hơn. Tôi hấp tấp đỡ lấy, sợ chúng rơi khỏi cành. Hiện tại, vỏ của chúng đã căng tức đến giãn ra, sáng bóng. Và rồi, chúng nứt toác. Đám dây leo trên cây bị gió đêm thổi bay mơn man cọ vào má tôi đã biến thành màu xanh đầy sức sống từ lúc nào không hay. Nhưng tôi nào còn tâm trí mà gạt chúng đi. Tôi chết lặng nhìn hai trái mọng trên tay đã nứt toác. Và tuôn vào vòng tay tôi, là hai đứa trẻ sơ sinh bé tí, rất nhỏ, ướt sũng, tiếp tục oe oe khóc. Tôi cũng không ngăn được nước mắt. Một trong hai đứa trẻ trông giống hệt con tôi khi vừa chào đời. Tôi chỉ liếc mắt là nhận ra ngay. Nhưng còn đứa trẻ kia? Tôi nhíu mày quan sát nó. Nó đáng yêu, vừa quen vừa lạ, méo miệng tỉ tê khóc. Và nơi gò má trái, có một nốt ruồi nhỏ bị nước mắt thấm cho ướt sũng. Nốt ruồi ở vị trí giống hệt nốt ruồi của em.

Tôi bật khóc lớn. Hai đứa trẻ ngây ngốc, quên cả khóc. Và rồi, chúng vươn tay nhỏ, chạm mặt tôi, kêu ê a. Tôi tự cho rằng chúng đang dỗ dành mình. Tôi lại càng khóc lớn. Thứ hạnh phúc phi lý ngoài sức tưởng tượng bất ngờ có được làm tôi không biết đón nhận thế nào. Ôm chặt lấy cả hai, tôi để nước mắt tuôn rơi.

Trong đêm tối ngoài vườn, cây hồi sinh dường như đã thật sự hồi sinh. Cao lớn hơn, đầy sức sống. Những sợi dây leo trở nên xanh biếc, mơn man uốn lượn giữa gió nhẹ mát lành. Và từ ngôi nhà sáng đèn lâu nay yên tĩnh của tôi, lúc này lại tràn ngập tiếng cười nói và tiếng trẻ con ê a huyên náo. Nhìn hai đứa trẻ sơ sinh đang bám chặt lấy mình đòi ăn đòi bế, tôi nghe lòng đầy ắp hạnh phúc. Ôm chúng vào tay, vuốt ve mớ tóc tơ xen lẫn vài sợi dây leo nhỏ trên đầu chúng, tôi thầm tự hứa. Lần này, sẽ không đánh mất nữa!

Gió nhẹ thổi vào nhà, khiến dây leo trên đầu hai đứa trẻ lay động bay lên, mơn man cọ vào má tôi. Nhột nhạt, và hạnh phúc, tôi bật cười. Hai nhóc con cũng bật cười. Cuộc sống tốt đẹp, lần nữa bắt đầu.

(HẾT)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro