Phần 1. Hình bóng ấy vẫn chưa tồn tại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Văn Ngọc dằn mạnh tờ giấy xuống bàn:

– Ký đi! Nhanh lên!

Run rẩy nhìn tờ giấy xa lạ trong cơn buốt nhói như giày vò thể xác, cô ứa nước mắt quỳ phục xuống, níu chân anh:

– Em xin anh, vì con của mình, suy nghĩ lại được không anh?

Văn Ngọc vung tay hất vợ:

– Tôi nói cho cô biết! Tôi chán cái bản mặt dạ xoa của cô lắm rồi! Cút nhanh cho tôi nhờ!

Cô oà lên bật khóc, vùng dậy ôm vai anh:

– Không anh ơi, em cần anh, con cần anh! Con chúng mình đang lớn rồi mà anh! Rồi con mình sẽ ra đời, rồi con mình sẽ gọi anh là ba, rồi con mình sẽ gọi em là mẹ, rồi cả ba chúng ta sẽ có một gia đình hạnh phúc! Anh ơi, đừng bỏ mẹ con em mà! Em xin anh!

Văn Ngọc như con thú dữ gầm lên dưới hàng nắng chói chang hắt trước căn nhà hai tấm giữa lòng thành phố. Anh thật sự kinh tởm người vợ có khuôn mặt chẳng khác gì dạ xoa của mình:

– Tôi lặp lại với cô thêm một lần nữa, tôi van cô, tôi lạy cô, hãy buông tha cho cuộc đời của tôi, hãy buông tha cho tương lai của tôi, đừng dùng hình hài này bám theo tôi nữa, nhục nhã lắm! Tốt nhất đừng để tôi thấy chỗ ký tên đó vẫn còn trống khi tôi trở về!

Anh hất mạnh cô thêm lần nữa rồi lao xuống cầu thang dắt xe nổ máy lao đi, mặc cô nằm đó, quằn quại giữa căn phòng lạnh ngắt, máu chảy ngoằn ngoèo trên đôi chân sưng phù đầy chỉ máu mỗi lúc một nhiều, nhỏ lỏn tỏn xuống gạch. Nước mắt vẫn ứa ra khó khăn từ đôi mắt nhắm nghiền đã mất đi ý thức..."

Cô, Nguyễn Thi Ân, một người con gái bình thường, sắc vóc cũng không có gì nổi trội, thế nhưng, cô hơn người ta chữ lành và chữ nhẫn. Ngày xưa ông bà nội vượt biên trơn tru sang Canada để theo đuổi cuộc sống xa hoa, lâu dần ba mẹ cùng em trai cũng sang cùng. Cô chọn một mình ở lại căn nhà hai tấm lát gạch tàu vẫn còn mái ngói vảy cá nằm lạc lõng giữa lòng Hải Phòng, hai mươi ba tuổi đã rời khỏi trường sư phạm và tiếp tục dịu dàng trong bộ áo dài trên giảng đường phổ thông cùng những mùa hoa phượng đỏ. Cô dạy môn sinh học, vì cô yêu thực vật, cô yêu động vật, cô yêu tất cả những gì thuộc về thiên nhiên.

Cô có một mảng bớt màu nâu phủ trên má phải. Từ nhỏ đã bị bạn bè trêu là Chung Vô Diệm, và dĩ nhiên cô cũng mong có ngày mình được lột xác, nhưng mảng bớt rất kiêu căng khi ba mẹ giúp cô chạy chữa đến vô số cách mà dù bị phá hủy thành công cũng nghênh ngang hình thành trở lại, thậm chí càng kinh tởm và tồi tệ hơn. Cuối cùng, cô đành chấp nhận sống chung với nó cùng lời dèm pha của người đời cho đến khi trưởng thành và gặp được anh, một chàng trai khiếm thị nhưng vô cùng khôi ngô và xuất chúng, Văn Ngọc.

Cô gặp được và ngầm yêu thương anh qua những lần tham gia thiện nguyện đến trường dạy nghề cho người khuyết tật. Đôi mắt chỉ toàn bóng tối nhưng lúc nào cũng mơ màng trên khuôn mặt mới nhìn thấy một lần đã đủ đeo bám cô một đời. Cô như chết lặng trước chàng trai lúc nào cũng tách biệt với mọi người bằng cách lao vào mọi thứ từ đồ điện tử, điện máy đến đồ thủ công mỹ nghệ, anh tỉ mẩn từng con ốc đến dây lạt buộc. Có khi cả người đầy nhớt hay bụi lá anh vẫn vừa nghe radio học tiếng anh vừa cầm chén cơm trắng với nước tương xúc ăn ngon lành. Ăn xong lại lao vào guồng quay bằng tài năng sáng bừng trong bóng tối. Anh rất nhanh chóng đón nhận cô, một người con gái có đôi bàn tay mềm lúc nào cũng sẵn sàng nhặt giúp anh một món đồ khi đánh rơi và giọng nói đáng yêu đến kỳ lạ lúc nào cũng là lời động viên khi bóng tối anh rơi nước mắt, đến lúc tưởng chừng như anh đã tìm lại được ánh sáng trong cuộc đời tăm tối. Anh gọi cô là mặt trời nhỏ của anh.

Anh luôn tự ti về đôi mắt vô dụng và thu mình vì nghĩ bản thân không xứng với cô. Một cô giáo sinh học có gia đình sống ở ngoại quốc, còn anh, một thằng mù không nghề nghiệp, không cha không mẹ, không mảnh đất dung thân ngoài trường khuyết tật. Đã có lúc anh tìm cách tránh né cô nhưng hình như anh càng bỏ chạy thì cô lại càng đuổi theo, cho đến một ngày cô thình lình ấn vào ngón tay anh một chiếc nhẫn, và chiếc giống hệt như vậy đã được cô tự đeo vào tay mình khi nào mất rồi. Từ giây phút đó, anh đã biết cô thật sự yêu anh và cần anh đến nhường nào. Anh luôn ước giá như, anh có thể có một đôi mắt bình thường như người ta để đường hoàng đem hình ảnh của cô vào tim và có một gia đình bình thường như người ta để đường hoàng đem cô vào nhà thờ, cưới cô làm vợ. Nhưng điều đó đối với anh lại xa vời quá, vì thế nên ước muốn phần nào xứng với cô, anh lại càng nổ lực để tài năng và trí thông minh của mình ngày một vươn xa hơn. Nhưng chính anh cũng không thể nào ngờ đến, đó lại là con đường ngắn nhất khiến cho khoảng cách giữa anh và cô là ngàn vạn dặm.

Niềm tin yêu ấy cứ thế hạnh phúc trôi đi giữa hai con người luôn nghĩ về nhau đến khi cô tìm được cho anh nguồn tài trợ phẫu thuật mắt từ Mỹ bằng mối quan hệ của ba mẹ mình. Ngày anh được sáng mắt gần kề thì hạnh phúc của anh cũng gần như muốn vỡ tràn ra. Anh sắp được nhìn thấy thiên thần lâu nay đã như phép mầu biến cuộc đời anh từ ngõ cụt sang thiên đường đầy ánh sáng. Và sắp sửa khi được sáng mắt, anh nhất định sẽ tận dụng hết tài năng của mình để tạo dựng tương lai tươi sáng cho người con gái mà sắp sửa anh sẽ gọi là vợ.

Rồi ngày anh được bác sĩ tháo băng, anh tuyệt nhiên không chịu mở mắt cho đến khi cô đứng trước mặt anh, vì anh muốn người đầu tiên anh được nhìn thấy trên cuộc đời này chính là thiên thần của anh chứ không phải ai khác.

- Thi Ân! Hãy là người đầu tiên xuất hiện trong ánh sáng đầu tiên của anh, trong đôi mắt anh, em nhé!

Cô xúc động ứa nước mắt ngã vào lòng anh. Nghe nhịp tim anh đập mà tim cô bỗng nhói lên. Rồi đây khuôn mặt với vết bớt kinh tởm không thể giấu đi này sẽ trở thành từ ngữ gì trong lòng anh? Ước mộng ngày anh sáng mắt trong cô dâng cao bao nhiêu thì nỗi đau khi chứng kiến anh hụt hẫng và kinh hãi khi nhìn thấy cô cũng dâng cao bấy nhiêu. Đã có lúc cô ích kỷ muốn anh mù loà suốt đời, để hạnh phúc này được mãi như vâỵ, để anh mãi mãi là của cô, để cô mãi mãi xinh đẹp và hoàn hảo trong anh, nhưng lòng kiêu hãnh lại không cho phép, cô không thể vì sự ích kỷ của riêng mình mà lừa gạc anh suốt đời như vậy được. Thà hãy cứ để số phận quyết định, và trái tim anh chính là câu trả lời.

Văn Ngọc từ từ nhướng đôi mắt nặng trĩu để đón ánh sáng đầu tiên trong gần ba mươi năm cuộc đời tăm tối. Và một người con gái gầy nhỏ với làn da trắng muốt, mái tóc đen dài dần dần xuất hiện mờ mờ trước mắt anh. Cô mang khẩu trang y tế.

Anh oà khóc như một đứa trẻ, ôm chầm lấy cô:

- Thi Ân! Anh đã nhìn thấy được rồi, anh đã nhìn thấy em rồi! Cuối cùng thì đôi mắt anh đã nhìn thấy được cuộc đời này rồi!

Cô cũng ứa nước mắt siết chặt lấy anh, gật gật đầu, giọng nấc nghẹn:

- Em đã chờ ngày này lâu lắm! Người em thương!

Anh ngước nhìn cô bằng đôi mắt vẫn còn đỏ ngạch vì yếu:

- Sao em lại mang khẩu trang? Em không muốn anh nhìn thấy em sao?

Cô buông anh ra, cúi mặt né đi, tay lau nước mắt:

- Em...chưa sẵn sàng!

Anh bật cười trong hạnh phúc, dùng cả đôi bàn tay nâng đôi má cô, nhẹ nhàng hôn lên trán:

- Dù em có thế nào, em cũng vẫn là người con gái đầu tiên và duy nhất anh yêu!

Anh nhìn cô trìu mến, tay từ từ tháo dây đeo khẩu trang:

- Em là đẹp nhất! Đẹp nhất trong đôi mắt này của anh!

Chiếc khẩu trang rớt xuống, cô run rẩy quay mặt né đi:

- Anh Ngọc! Đừng!

Nhưng rồi, cô còn chưa kịp bưng mặt thì anh đã phải giật mình hét toáng lên vì sợ hãi. Khuôn mặt thất kinh của anh như vô vàn mũi dao đâm xuyên vào tim cô, đau nhói. Anh hất tung luôn cả chiếc gối kê đầu xuống gạch. Cô ứa nước mắt mang theo khuôn mặt đó lao đến ôm lấy anh:

- Anh Ngọc! Em xin lỗi! Là em đã lừa dối anh! Nhưng em thật sự rất sợ khi phải mất anh!

Anh liên tục lắc đầu như để cố trấn tĩnh mình khỏi cú sốc kinh hoàng:

- Sao anh chưa từng nghe em nhắc đến chuyện này?

Cô lặng người, yên lặng không nói.

- Nó đã có trên mặt của em từ nhỏ rồi sao?

Cô rụt rè thu tay lại:

- Dạ!

- Gia đình em có điều kiện như vậy, sao không đưa em đi chữa trị?

Cô lắc nhẹ đầu, ứa nước mắt:

- Vô phương rồi anh ạ! Nhưng anh ơi, đừng sợ hãi em như vậy nữa được không? Em thương anh! Em thật sự rất thương anh!

Văn Ngọc nhắm nghiền đôi mắt đau buốt. Quả thật bao nhiêu đẹp đẽ chỉ tồn tại trong tiểu thuyết còn cuộc sống vốn dĩ toàn những thứ kinh hoàng. Tại sao tồi tệ đó lại xảy đến với anh, một con người đã quá đủ bất hạnh?

- Không ngờ, thứ đầu tiên Văn Ngọc này nhìn thấy trên cuộc đời gần ba mươi mấy tuổi đầu, lại là thứ không thể chấp nhận được!

Cô lại một lần nữa ôm lấy anh:

- Em xin lỗi! Nhưng giờ này, em thật sự rất sợ khi phải mất anh! Anh...đừng như vậy có được không?

Văn Ngọc hướng đôi mắt đỏ quạch:

- Đó là thứ không tôn trọng người nhìn! Em về đi! Anh cần có thời gian!

Cô thình lình quỳ xuống nền gạch:

- Anh Ngọc! Em có thai rồi!

***

Bình minh ngập ngừng trên từng con sóng đang vỗ về những mảng đá tai mèo, làm rạo rực đám hoa muống biển. Bóng tối lê thê bỗng mất bặt vì ánh sáng xua tan sương mù bủa vây trên đảo. Đâu đó đã tấp nập những neo thuyền rôm rả tôm cá che đi mệt nhoài sau chuyến biển đêm. An nhắc Vy bám chắc vào thành thúng.

- Mày nghĩ xem mớ ốc phù du này tao có thể làm được cái gì cho Thiên Nga?

Vy lòn tay hốt một nắm ốc nhỏ xíu như đầu bút bi câng câng suy nghĩ:

- Nó nhỏ xíu nhưng có đủ màu, hay là về lấy hết ruột, đem phơi nắng rồi ghép tranh?

An quay lại sau lưng nhìn ngọn hải đăng cũ kỹ đã bị tàn phá gần hết, đoạn hứng thú gật gật đầu rồi chúi người đẩy mái chèo cho thúng đi nhanh hơn. Mặt trời ngoi lên khỏi mặt biển như quả gấc chín.

- Tao sẽ dựng chúng thành ngọn hải đăng!

- Giống như cái hải đăng ấy hả?

- Ông già Quân nói, nó vốn dĩ đã từng là một ngọn đèn rất uy nghi và cao ngạo nhưng vì chiến tranh nên mới trở thành như thế!

Vy nheo nheo mắt:

- Mày muốn dựng lại nó như thế nào?

An lém lỉnh:

- Còn hỏi nữa? Tất cả trông cậy vào mày đó!

An khom người kéo thêm một mẻ lưới nữa vì đã thấy nặng tay. Vy lắc nhẹ đầu hiền lành cúi xuống chăm chỉ gỡ từng con cá mắc lưới.

***

Vừa đến lớp An đã vất cái cặp xuống bàn rồi lao tới úp quyển sách sinh học:

- Học bài chi nữa? Bà Phượng sắp chuyển đi rồi mà, có trả bài bả cũng cho 10 điểm hết! Yên tâm đi!

Vy để tập xuống bàn:

- Hình như cứ hễ thầy cô nào dạy giỏi đều chê quê mình nghèo, bỏ lên thành phố hết, riết rồi, trường mình có còn ai nổi trội nữa đâu, lấy gì tụi mình vào đại học?

An bỉu môi vẻ không quan tâm:

- Mày suốt ngày cứ đại với học, chán chết đi được! Cái khung mày làm cho tao sao rồi?

Vy trầm tĩnh mở cặp lấy ra một cái khung bằng kẽm:

- Xem này, có giống ngọn hải đăng chưa? Tao lấy kẽm ngoáy mạng thuyền lủng của ba tao nên chắc lớ, dùng kềm bẻ cả đêm đó!

An trầm trồ, nhảy cẫng lên:

- Woa! Đẹp quá à! Không uổng công tao đã tin tưởng mày! Mày đúng là giỏi thiệt!

Vy nheo nheo mắt ngắm nghía rồi dùng tay bẻ lại một vài chỗ:

- Đơn cử thì tao thấy ổn rồi, mấy cái chỗ khuyết này mày dán nhiều vỏ ốc lên một chút thì sẽ che đi thôi! Hy vọng sẽ thành hình!

- Sau khi hoàn thành tao sẽ đem lên đó cho ông già Quân sáng mắt ra!

An đang sung sướng nói bỗng vỗ vỗ vai Vy:

- Ê Vy, bà Phượng, bà Phượng mặc đồ thường đi ra kìa, không lẽ bả nghỉ dạy luôn rồi?

Vy chau mày nhìn theo:

- Ủa? Nghe nói cô dạy hết tháng này mới đi mà?

An vẻ phấp phới:

- Kệ, có cô mới về, xinh hơn, giỏi hơn, lo cái gì!

Vy thở ra:

- Xinh hơn, giỏi hơn, thì người ta cũng đã tìm nơi xa hơn, tốt hơn nơi này lâu rồi, ở đây còn kiếm đường chạy, vừa xinh, vừa giỏi, có điên mới về đây! Mà chắc gì đã là cô về, nhỡ khi là thầy thì sao?

An móc ngón tay lên cái khung kẽm xoay xoay:

- Mà thôi, kệ đi! Sinh học thôi mà, có gì đâu quan trọng!

Vy phân bua:

- Tao muốn làm bác sĩ!

- Nghèo rách chỉ toàn ăn ốc ruốc với rau muống biển mà đòi lên thành phố học bác sĩ! Bớt mơ đi cưng!

An cốc đầu Vy một nhắt rồi xách khung kẽm nhét vào cặp.

- Tối nay qua nhà lể ruột ốc với tao, tao sẽ phơi khô một mớ dán lên khung thử!

Vy chớp mắt:

- Mà mày nghĩ Thiên Nga thích không?

An chu môi:

- Không biết nữa, mà chắc là Thiên Nga sẽ thích!

***

- Con mập Vy này, bữa nay ăn cái quái gì mà nặng vậy! Hôm sau tự lấy xe đạp mà đi, tao không chở mày nữa!

- Có nặng gì đâu, mấy bữa nay học nhiều, tao còn bị sút ký nữa đó! Tại gió ngược thôi mà!

Đang còng lưng đạp xe chở Vy qua mấy cồn cát nặng trịch, An bỗng hét toáng lên:

- Ế ế Thiên Nga của tao! Xuống! Xuống! Xuống mau! Lẹ!

Vy nhảy tót xuống xe, vờ cau có:

- Rốt cuộc mày có phải con gái không vậy? Mê gái gì mà ra mặt, đang nhức mình muốn chết còn bắt đi bộ nữa!

An tăng tốc lướt vèo qua mặt Vy:

- Phải hay không cũng không ảnh hưởng gì, miễn hết năm nay Thiên Nga phải là bạn gái của tao! Mày bị nhức mình hả? Thì kệ mày chứ!

Vy quải cặp, nói với theo:

- Nè! Thiên Nga mập hơn tao đó nha con quỷ!

An ngửa cổ lên trời:

- Không liên can!

Một lúc sau...

An reo chuông xe đạp:

- Thiên Nga! Hôm nay ba lại đón trễ hả? Lên An đèo về nè!

Nga dừng hẳn lại:

- Ủa Vy đâu, không đi chung với An hả?

An lém lỉnh:

- Nó ở lại chép bài gì đó, An không đợi được nên về trước, lát nữa cho nó quá giang ai về đi!

- Vậy thì phiền An nữa rồi!

An hấp háy mắt:

- Không sao mà, chỉ cần Nga đồng ý, yên xe này An chở Nga suốt đời cũng được!

Nga bật cười, nhanh chóng leo lên yên xe:

- Chở suốt đời ai chịu nổi, nó xốc cho mà chết, ít ra cũng phải đổi thành xe máy chứ?

- An sẽ cố gắng làm kiếm tiền, sau này Nga muốn đi xe nào, An hứa mua bằng được xe đó!

Nga cười tủm tỉm:

- Thế xe bốn bánh An cũng mua luôn hả?

- Mua luôn, chỉ cần là Nga thích!

- An mà là con trai chắc cưa được nhiều cô lắm!

- Vậy á? Vậy mà có một cô An cưa mãi vẫn không được đây này!

- Thì Nga nói nếu An là con trai cơ mà, nhưng sự thật thì đâu phải!

An lặng đi một lúc:

- Vậy nếu An là con trai thì Nga sẽ chấp nhận làm bạn gái An đúng không?

Nga ậm ừ:

- Nga cũng không biết nữa, nhưng chắc là Nga sẽ chấp nhận! Mà An có hỏi Vy khi nào xe đạp của Nga mới sửa xong chưa?

- Ba nó nói chắc khoảng hai hôm nữa, người ta bảo có đồ trong đất liền gửi ra mới thay được! Nhưng Nga yên tâm đi, nhỡ ba Nga có đi làm về trễ không đón Nga được thì An chở Nga về! An không để Nga đi bộ đâu!

Nga vịn hông An:

- Mà An...

- An nghe!

- Vy chơi thân với An như vậy...Vy...có thích con gái giống như An không?

An cười phá lên:

- Cái này thì Nga đi hỏi nó chứ sao lại hỏi An?

Nga đánh vai An:

- Nhưng An kề cận với Vy nhất mà?

- Nó suốt ngày chỉ học rồi tranh, tranh rồi bác, bác rồi lại sĩ, làm sao An biết được!

Nga gật gật đầu:

- An nói cũng phải! Mà công nhận Vy học giỏi thật!

- Sao mà giỏi bằng Nga? Lớp trưởng của cả lớp cơ mà!

Nga không nói gì mà cười lấp lửng, không hiểu Nga cười vì ý gì, An phía trước cũng không nhìn thấy nên chỉ cắm đầu đấu tranh với gió. Tối nay nhất định An sẽ phải lể xong mớ ốc phù du để nhanh chóng làm thành ngọn hải đăng cho kịp sinh nhật của Nga đã gần đến.

Mấy hôm sau...

An háo hức lao vào lớp:

- Vy! Vy ơi! Có cô mới về! Có cô mới về rồi!

Vy đang tập trung nhìn vào cái vỏ sò mới nhặt được chiều hôm qua:

- Tao nghe lúc sáng rồi, không biết vì lẽ gì từ thành phố về đây nên chắc cũng không trụ được lâu đâu, thế nên tao cũng không trông mong lắm!

An nhỏm nhẻm cái miệng:

- Lâu hay không tính tiếp, miễn có cô xinh tươi mang theo làn gió mới về đây thổi mát tâm hồn sa mạc khô cằn này là được rồi!

An khoái trá ngồi luôn xuống mặt bàn cười sang sảng. Vy lắc đầu nhìn theo rồi lại tập trung vào cái vỏ sò, mãi đến khi An thình lình giật lấy Vy mới ngẩng đầu lên:

- Này, đừng có phá!

An chu môi:

- Nhìn cái vỏ sò này tao nghĩ chắc nó cũng già cả rồi! Mà nó to như vậy, chỉ có nước mang về nhà đục lỗ rồi trồng hẹ vào đó để dành ăn bún cá chứ làm cái gì!

Vy phần trần:

- Điên quá! Ở quê mình hiếm khi nhặt được cái vỏ sò tai tượng lớn như thế này, tao sẽ mang nó đi giũa rồi vẽ tranh lên đó!

An gật gù:

- Mày lúc nào cũng tranh với ảnh, vậy mà đòi làm bác với sĩ! Mà nè, bộ mày không hứng thú gì với cô mới về thiệt hả? Tao nghe ông Chí Huy nói bà cô hiệu trưởng đã giúp cô thuê cái nhà bỏ trống của ông già Quân rồi đó, chắc đường này sẽ ở lại lâu!

Vy tiếp tục mân mê cái vỏ sò:

- Ở thì ở, nhưng lúc muốn đi thì trả lại mấy hồi!

An kéo cái cặp Vy sang một bên rồi sà xuống bên cạnh:

- Cái ông già đó khó tính lắm, cứ suốt ngày trốn trên ngọn hải đăng, nhà tuy để trống vậy chứ, không phải muốn ở thì ở, mà đi thì đi! Thường thì mấy ông thầy bà cô lúc trước chuyển về toàn ở đỡ mấy cái lớp cũ sau trường mình hoặc nhà tập thể trên xã thôi, này là người đầu tiên chịu thuê nhà để ở đó!

Vy ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Nhiều khi cô đó giàu, hoặc thích riêng tư thì sao? Dù gì nhà bác Quân cũng hướng ra biển, lại tách biệt với mọi người, xem ra rất hợp với những người thích yên lặng!

An vẻ hứng thú:

- Thường những cô gái có ngoại hình xinh đẹp sẽ luôn thích tách biệt với mọi người, ở một mình trong những nơi nào yên lặng! Nếu mày nói như thế...xem ra phen này...tụi mình được rửa mắt rồi! Há há há!

Vy cốc một nhắt vào đầu An rồi trề môi:

- Mày nên nhớ là mình đang gạ Thiên Nga rồi đó nha!

An hấp háy mắt:

- Gạ thì gạ, nhưng có gái đẹp thì phải nhìn! Giáo viên trường mình ngoài ông Chí Huy ra thì chỉ toàn sư ông, ma ma với bà bà, chán chết đi được!

Vy bật cười:

- Chứ mày nghĩ xem, có ai trẻ đẹp, tài năng mà chịu mai một ở lại cái đảo khỉ ho này, còn thầy Chí Huy chẳng qua là cháu của cô hiệu trưởng nên mới ở lại, mà thôi, xem lại bài đi kìa, lát ra chơi vào là kiểm tra 15 phút đó!

An cầm quyển sách gõ lạch cạch xuống bàn:

- Có gì đâu mà phải xem, 15 phút thôi mà, không quan trọng! Lát mày cho tao chép là được chứ gì! Giờ tao chỉ mong cho mau hết tuần, đến thứ hai, tới tiết chào cờ để cô hiệu trưởng giới thiệu cô mới! Nghe bảo là, cô chỉ hơn tụi mình có một con giáp thôi, còn trẻ chán! Không biết là cô sẽ đẹp đến nhường nào nữa!

An nói rồi sung sướng úp quyển sách lên mặt. Vy giật quyển sách gõ lên đầu An:

- Dẹp cái thói mê gái khó bỏ của mày đi! Nhằm khi lúc đó tá ra xấu hoắc không ai thèm! Trả sách lại cho tao học bài!

An nhăn mặt:

- Là mày nói đó nha, tới lúc đó đừng có hòng giành cô đẹp với tao!

Vy thách thức:

- Nhường hết cho mày đó, tao không có thèm đâu!

- Ờ! Mày nhớ đó!

An thè lưỡi chọc Vy rồi lại chạy bang bang ra ngoài sân giành quả banh với thằng Hậu.

***

Má Vy đang dở mấy con khô trên sào vừa mới ráo xuống nia, thấy Vy về từ xa đã lên tiếng:

- Hôm nay có qua nhà con An nữa không?

Vy giũ giũ đôi sandal cho bớt cát:

- Không ạ, bữa nay con ở nhà làm bài tập rồi! Bữa nay ít nắng cá có khô kịp không má? Để con bưng cho!

Má Vy xốc lại mấy bao mực:

- Chắc phải phơi thêm vài nắng nữa khô mới chắc! Mà mày có chơi với con An thì bớt thân lại cho má nhờ, không khéo mày nhiễm nó thì khổ!

Vy chép miệng:

- Má cứ khéo lo, con với nó chơi với nhau từ nhỏ đến lớn nhưng cũng có giống nhau xíu nào!

Má Vy phân tình:

- Mày cũng thừa hiểu má đang muốn nói tới cái gì mà!

Vy tần ngần:

- Con chỉ giỡn với nó thôi mà chứ con có thích con gái như nó đâu, má cứ khéo lo! Thôi, má nghỉ đi, để mấy bao đó lát con kéo vô cho!

Má Vy vẫn không an tâm:

- Ngoại nó cũng lớn tuổi rồi nên nó muốn làm gì thì làm không quan tâm, cũng không ai dạy bảo, nó lại hay học đòi theo mấy đứa trong xóm lên huyện đi chơi nên bị tiêm nhiễm mới thành ra như vậy!

Vy để nia khô xuống cát:

- Mà má nó đi biền biệt không thấy về thăm nó lần nào, lúc trước còn nghe có gửi ít tiền về, mấy năm nay thì bặt luôn không thấy nữa! Con thấy tội nó quá!

Má Vy thở dài:

- Cái thứ đĩ điếm đó lỡ dính bầu không bỏ được thì mang về làm gánh nặng cho ba má, chắc vớ được đại gia nào rồi nên lại quên xó đi, vài năm nữa xất bất thì lại nhớ đến rồi về thăm chứ gì! Không chừng lại dẫn về cho nó thêm mấy đứa em không cho bú nữa!

Vy nhăn mặt:

- Con thấy An nó vô tư lắm má, có lần con cố tình hỏi về má nó, nhưng mấy lần như vậy nó đều cười xoà tỉnh queo rồi như không có chuyện gì!

Má Vy lắc nhẹ đầu:

- Nó hư đốn lắm rồi, nhất là...

Đến đây, má Vy bỗng thở hắt ra rồi lom khom đi thẳng vào nhà. Những lần như vậy, Vy biết bà sắp nói đến chuyện gì. Đó là chuyện của khoảng ba bốn năm về trước, lúc đó Vy và An vừa lên cấp hai. Làng chài của Vy ở đơn côi trên một đảo nhỏ khá xa đất liền, hướng đông nhìn về một ngọn hải đăng không tên, tuy đã bị chiến tranh tàn phá những vẫn ngày đêm âm thầm soi đường cho biển cả nhờ ngọn lửa cháy bằng dầu của bác Quân lớn tuổi mà cũng khó tính nhất trong làng. Tuy nghèo nhưng trẻ con làng Vy rất thích đi học, và dĩ nhiên không ngoại trừ Vy, chỉ khổ nỗi giáo viên cứ thiếu lên hụt xuống, đa phần là những giáo viên thực tập về lấy kinh nghiệm rồi vội đi, không một ai có tài mà trụ lại ngoài những giáo viên đã lỡ thanh xuân vì họ không đi được đâu nữa. Luôn bên Vy là An, con bạn dường như chỉ biết đi học cho vui vì nó ở nhà cũng chẳng làm được tích sự gì. Nghe đâu má nó làm gái từ hồi trẻ, không kinh nghiệm, lỡ dính bầu mới có nó, sợ vướng tay vướng chân nên lúc đẻ lại ôm về bỏ cho ngoại nó rồi đi biền biệt, chưa kịp đặt tên, chưa kịp cho nó bú hay thậm chí là nhìn kỹ mặt nó. Nhà Vy cũng khá giả hơn những hộ trong xóm vì được cái ba Vy vừa có nghề sửa xe vừa có tàu đi biển. Hồi đó ngoại nó hay ôm nó sang gửi mẹ Vy cho bú nhờ. Mỗi lần như vậy ông ngoại nó phải chèo thuyền thúng cả đêm rồi sáng hôm sau lại mang hết những gì đánh bắt được cho nhà Vy để không mang nợ. Có khi chỉ vài ba con cá, con ốc, có khi chỉ mấy bó rau muống biển nhìn mà khổ thân. Cũng vì thế mà má Vy cũng thương nó. Má luôn xem nó như con, má mua cho Vy cái gì thì cũng mua cho nó cái đó. Có người dị nghị lại gieo cho má tiếng ác rằng má rảnh hơi đi nuôi con của đĩ điếm, toàn lũ chơi cho sướng vướng cục nợ mà má lại nhặt về, chỉ tổ xuôi xẻo. Vậy mà má mặc kệ, cho hai đứa con gái bú mớm cách gì mà hai đứa Vy với nó lúc nhỏ đều tròn trùng trục, trắng búng ra sữa. Chắc nhờ sữa má mát, ba Vy hay nói vậy. Rồi chỉ có qua thời gian lớn lên, má trả nó về với ngoại. Ăn cá ăn mắm, hít hơi gió muối hay tắm nước mặn thế nào mà cả Vy và nó lớn lên đều rám đen, làm má hay chắt lưỡi than uổng công má. Vy thì có phần tròn trịa hơn nó, nó thì lại cao và gầy hơn Vy. Bà ngoại nó vì mong ông ngoại nó ra khơi thuận buồm xuôi gió hay sao mà đặt cho nó cái tên cũng thanh thanh, Lê Thuận An. Lê là họ của ông ngoại nó.

Mà không biết có phải vì cái tên của nó cụt lủn giống con trai quá hay không mà từ nhỏ đến lớn nó cứ cư xử như một đứa con trai. Vy không nữ tính đã đành mà nó lại còn nam tính hơn Vy nữa. Nó tỏ ra thích bọn con gái từ nhỏ. Không phải thích chơi chung mà là thích ra tay che chở, bảo vệ. Đối với bọn con trai thì không rụt rè, e thẹn mà tay khoác vai, đấm đánh rồi kết bè phái đi khắp làng chọc phá suốt ngày. Lúc đó chẳng ai biết điều gì bất thường trong cơ thể nó, con người nó mà người ta chỉ nói vì nó không có ba mẹ dạy dỗ, lại mang dòng máu của kẻ đĩ điếm nên hư đốn, ngông cuồng. Những lúc đó má còn đứng ra cãi hay bênh vực nó đủ cách, thậm chí chiếc xe đạp nó chạy còng còng suốt ngày cũng là ba Vy hỏi mua về cho, nhưng từ khi...

Năm đó, một cô giáo còn rất trẻ về đây thực tập. Cô ăn ở lại lớp học bỏ trống sau trường. Mọi chuyện sẽ không có gì nếu như hôm đó cô không tri hô có một học sinh nữ cứ hay lẻn vào nhìn trộm cô tắm hay thay đồ. Cô đã bắt quả tang nó mấy lần nhưng nó đều không chừa, đến lúc quá lắm không chịu nổi nữa cô đành bắt buột phải báo cho cô hiệu trưởng. Và rồi nó bị nêu tên dưới cột cờ với tội xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của người khác. Năm đó đúng ra nó bị đình chỉ học nhưng do làng chài nghèo, có mấy trẻ con được đi học đâu, thế rồi cô hiệu trưởng cũng quyết định bỏ qua nên chỉ hạ hạnh kiểm nó năm đó rồi gửi nó lên xã viết kiểm điểm với làm lao động. Một con bé chỉ mới chập chững bước lên cấp hai nhưng lúc được trở về trường lại nghênh ngang không chịu nhận lỗi, đã thế nó còn thừa nhận nó thích nhìn phụ nữ như thế. Từ sau vụ đó tiếng tăm hư đốn của nó lại càng vang xa nhiều hơn. Nó bị ông ngoại đánh cho sưng đít cả một tuần lễ, má Vy cũng từ đó mà không nói tới nó nữa. Xung quanh người ta lại càng khẳng định đúng là con của đĩ điếm thì chẳng đường nào ngoan hiền. Thấm thoát vậy mà giờ Vy với nó cũng đã lên cấp ba và chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp.

- Nói gì thì nói, ráng học hành cho đàng hoàng, hết năm sau má cho lên thành phố vào đại học! Bớt thân thiết lại với cái con bé đó, chị mày mất rồi, ba má chỉ có mình mày là con gái, đừng có mà y như nó thì hư một đời nghe con!

Má Vy đã dằn cái mền lên bụng mà vẫn trằn trọc nói vọng ra. Vy đang cặm cụi soạn bài tự nhiên cũng bất an, thấy thương má.

- Má cho con với nó bú chung một dòng sữa chứ mấy, nó không tệ như má nghĩ đâu mà! Nó thông minh lắm đó má, cũng không thua gì con gái của má đâu, chẳng qua là không chịu học thôi! Nhờ sữa của má đó!

Má Vy nằm trong mùng bỗng bật cười:

- Mày đừng có tưởng nịnh má thì má không lo, không nói nữa! Mày còn đang tuổi ăn tuổi học, dễ lầm đường lạc lối, suy nghĩ lệch lạc, lại còn chơi thân với cái con bé hư đốn không được bình thường nên má coi nhắc chừng vậy thôi! Thôi học đi rồi ngủ sớm, má ngủ đây, khuya còn dậy ra đón tàu của ba mày!

- Dạ, con biết rồi, má ngủ ngon!

Tự nhiên mấy chữ "không được bình thường" của má lại ám ảnh Vy. Tuy từ nhỏ tới giờ Vy chưa thấy ai là con gái mà lại đi thích con gái bao giờ, nhưng chơi chung với con An, nhìn thấy, cảm nhận rồi lắng nghe suy nghĩ, tâm tư của nó riết rồi qua bao năm Vy cũng thấy bình thường. Tuy lúc mới biết Vy có sợ hãi nó thật, lúc đó nghe nói nó nhìn trộm cô giáo tắm tự dưng Vy thấy gai gai sóng lưng, Vy từ bạn nó cả hai ba tháng trời, má cũng cấm Vy không được chơi chung với nó nữa. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, nó tuy chẳng giúp ích hay mang lợi lộc gì cho Vy mà thậm chí Vy còn mệt mỏi thêm trong mỗi lần đưa bài cho nó chép, bênh vực nó với thầy cô giáo khi nó gây chuyện nhưng không có nó nghênh ngang mỗi ngày Vy cứ thấy thiếu thiếu. Chắc vậy quen rồi, từ nhỏ đến lớn cứ hễ cái gì nó cũng đều tìm sự trợ giúp của Vy. Ngay đến việc lấy lòng Thiên Nga Vy cũng phải làm quân sư cho nó, và mới đây nhất là mớ ốc phù du cả hai vừa vớt được để làm quà sinh nhật Thiên Nga Vy cũng phải làm cho nó hết. An ơi, biết đến khi nào tao mới ngừng lo cho mày để nghĩ về bản thân tao được đây!- Vy thường hay thở dài nói với nó như vậy.

***

An chắt lưỡi quay tới quay lui:

- Có nắng nóng hay dịch bệnh gì đâu mà đeo khẩu trang kín mít, vậy thì ra mắt kiểu gì! Hay là đang xem thường người khác nên không giở khẩu trang!

Vy chép miệng:

- Mày cứ như con gà bị vặt lông, làm gì nhảy đong đỏng! Lát nữa lớp mình có tiết, cô vào chắc cũng tự giới thiệu lại lần nữa, vào lớp thì phải mở khẩu trang thôi chứ gì! Lúc đó tha hồ mà nhìn!

An hấp háy mắt:

- Có khi nào bả xinh quá nên mang khẩu trang để gây chú ý? Lúc bả mở khẩu trang thì một luồng ánh sáng như cầu vồng lấp lánh chiếu tới và tụi mình lúc đó sẽ loá cả mắt! Woa! Vừa nghĩ tới đó đã thấy sung sướng rồi! Dáng nhỏ nhỏ, da trắng, tóc dài, chắc chắn phải xinh lắm! Trời ạ, sinh học ơi sinh học, tới tận tiết cuối, giờ mới có tiết hai, biết khi nào mới tới!

Vy nhướng mắt:

- Xinh đến cỡ nào mày cũng có bỏ Thiên Nga được không? Đúng là cái tật! Muốn tụi nó không xem thường nữa thì lâu lâu ráng nghiêm chỉnh lại một chút cho tao nhờ! Cứ cái đà này...

An không quan tâm, mặt ngờ nghệch thấy rõ:

- Đúng là nhìn sơ bộ thì không bằng Thiên Nga, nhưng nhỡ khuôn mặt xinh hơn thì phải làm thế nào? Uầy, khó quá khó quá!

- Không biết có cái gì hấp dẫn nữa!

Vy lắc lắc đầu rồi bỏ mặt An vẫn còn mơ mộng cúi xuống đọc bài, dường như từ nhỏ đến lớn vẫn chưa có gì làm Vy phải ngừng lại chú ý ngoài tranh ảnh với việc học. Còn con An lém lỉnh đó, Vy bỗng thở hắt ra, không biết từ khi nào mà trong đầu nó chỉ toàn là gái, gái với gái.

Kết thúc tiết bốn, cái lớp có mười mấy đứa mà lao nhao như vỡ chợ. Con Thùy lớp trưởng đã mấy lần cầm sổ đầu bài gõ gõ xuống bàn nhưng tình hình vẫn không khá hơn. Con trai con gái đều như nhau, cứ chạy ra chạy vào ngóng cô mới đi xuống. Mấy đứa lớp khác cũng thập thò như đang trông đợi một cái gì đó thật tuyệt vời sắp xuất hiện.

Thằng Hậu vừa nhảy cẫng vừa hét toáng lên:

- Xuống tới, xuống tới, xuống tới rồi kìa!

An phấn khích phóng ra cửa lớp:

- Tháo khẩu trang chưa? Tháo khẩu trang chưa?

- Bịt kín mít! Không biết có đang bị bệnh gì không?

- Hay có khi nào bả bị dị ứng không?

- Chắc vậy đó, chứ sao tự nhiên bịt kín mít, giáo viên mới gì kỳ vậy!

- Ê về chỗ về chỗ, bả vô tới bả vô tới!

An hớt hải phi xuống, một phát đã về đến chỗ. Thằng Hậu ngồi bàn chót nên về chậm hơn nhưng cũng vừa kịp lúc cả lớp đứng lên trầm trồ. Bên những tiếng xì xầm nao nao bên tai. Vy cũng hiếu kỳ ngẩng đầu lên theo bóng dáng ấy. Mái tóc đen dài tự nhiên chẳng làm gì, áo dài màu lá cây đơn giản, cô bước vào lớp vẻ khoan thai vô cùng. Dáng người cô nhỏ thật, mà đúng hơn là gầy nữa. Cô đúng là người thành thị, nhìn cô đứng lớp mà cứ như tuyết trắng phủ lên lớp đá đen bọn học sinh lớp Vy. Cô trắng thấy cả gân xanh. Cô gật đầu chào cả lớp.

- Chào các em, chắc chúng ta đã biết nhau từ buổi sáng chào cờ rồi đúng không? Nhưng cô cũng xin tự giới thiệu lại một lần nữa, tên cô là Nguyễn Thi Ân, chỉ còn hai năm nữa thì cô tròn một phần hai cuộc đời rồi! Cô ở Hải Phòng chuyển ra đây! Từ hôm nay cô sẽ thay cô Phượng tiếp tục đồng hành với các em trong bộ môn sinh học! Rất vui khi được đứng lớp và làm quen với các em!

Một tràng pháo tay rộn ràng vang lên, cả lớp ngồi xuống. Giọng cô thăm thẳm một nỗi gì đó như gió biển ngoài khơi thổi về. Tuy cô mang khẩu trang kín mít nhưng Vy vẫn rất nhạy bén nhìn được có điều gì đó bất thường trên khuôn mặt cô.

Vy thụi chỏ An đang đắm đuối nhìn theo:

- Mày có thấy gì lạ trên khuôn mặt cô không?

An nhăn mặt nhìn sang:

- Không! Đâu thấy lạ cái gì? Mà thấy trán bả trắng nõn, tình hình này chắc bả bị mụn nên mới đeo khẩu trang!

Vy chép miệng:

- Cái da mỏng tang đó không đời nào có mụn được đâu!

- Chứ mày nói xem vì cớ gì mà bả phải mang khẩu trang như vậy?

- Tao nghĩ trên mặt cô có vết gì đó, có thể là vết sẹo nhỏ chẳng hạn, nhưng thôi tốt nhất mình không nên thắc mắc làm gì, tôn trọng cô một chút đi!

Vy nói rồi yên lặng cúi xuống nhìn vào sách. Cô lên tiếng sau khi nhìn quanh một lượt:

- Trần Dương Thùy, là lớp trưởng lớp mình đúng không em?

Thùy cũng đang ngẩn ngơ nhìn theo cô liền giật mình đứng lên:

- Dạ, đúng em thưa cô!

Hình như cô cười, nhưng tiếc rằng không ai nhìn thấy được cô cười như thế nào. Cô gật đầu nói:

- Từ nay cô sẽ phiền em giúp đỡ cô nhiều hơn!

Cô nói rồi kéo áo dài lên gối ngồi xuống ghế. Nhìn sơ bộ danh sách lớp một lúc cô đề nghị cho từng đứa tự giới thiệu bản thân. Mười mấy đứa lần lượt đứng lên sau cái nôn nóng nên nói như bắt được vàng. Có đứa giới thiệu xong còn lanh chanh cái miệng- Sao cô trắng quá cô ơi! Mở khẩu trang ra đi mà cô!

Làng chài của Vy có duy nhất ngôi trường này dạy chung cho cả ba cấp nên học sinh chỉ mang quần tây sơ mi trắng. Mỗi khối nghe đông đúc vậy chứ có vỏn vẹn một lớp nên một giáo viên thường chủ nhiệm và đứng rất nhiều lớp. Duy có khối mười một của Vy là ngoại lệ vì số lượng vượt trội hơn lứa khác mà lớp học thì lại nhỏ nên phải chia làm hai. Lớp của Vy và An có gần hai mươi đứa, và lớp còn lại là lớp của Thiên Nga, có khoảng mười lăm đứa. Chắc là năm đó biển yên, người ta ăn nên làm ra nên đẻ nhiều, ba Vy hay nhìn Vy hớn hở chạy còng còng từ ngoài ngõ vào mỗi khi đi học về rồi chọc.

- Cô ơi, cô về đây có dạy luôn không cô, hay vài tháng rồi lại đi?

Thằng Hậu bỗng lên tiếng khi cô đang viết tựa đề bài hôm nay lên bảng nhưng cũng là câu hỏi chung của cả lớp.

- Sao các em lại hỏi cô như thế?

Thùy lớp trưởng đứng lên giải thích:

- Chắc tình hình này cô cũng có nghe cô hiệu trưởng phổ biến qua rồi ạ, do trường mình ở đơn độc trên đảo, xung quanh người ta đánh bắt và làm muối nên cuộc sống rất chật vật, không có tương lai nên không một giáo viên nào muốn ở lại, thế nên trường mình chỉ toàn những giáo viên lớn tuổi thưa cô!

Cô gật gật đầu:

- Cô hiểu rồi, nhưng cô phải đi đâu nữa bây giờ khi thứ cô đang thật sự muốn tìm lại chính là các em, những em học sinh chịu ngồi ở đây, tại nơi được gọi là lớp học để nghe cô giảng, biết nâng niu sách vở, chịu tiếp thu và để tâm những điều cô nói, nếu ngày nào những em học sinh giống như thế đó vẫn còn ở đây, thì ngày đó cô sẽ không bao giờ bỏ rơi các em, cho đến khi các em hoàn thành tốt nghiệp!

Cả lớp bỗng vang lên một tràng pháo tay. Vy thầm nghĩ rồi bật cười, thật đúng như lời con An từng nói, nếu những lời nói đó của cô là thật lòng thì cô đúng là làn gió mới về đây thổi mát những tâm hồn sa mạc khô cằn nơi này. Tự dưng Vy vô thức ngẩng mặt lên nhìn cô. Giá như cô không có cái khẩu trang đó trên mặt thì Vy đã có thể nhìn thấy được khuôn mặt hiền lành của cô rồi. Thế nhưng có một điều Vy vẫn thích nhìn cô thêm một lần nữa dù thừa biết, là cô trắng thật. Nhìn những đường gân xanh trên cổ và tay cô mà tự dưng Vy thấy xót.

- Vậy tại sao cô lại từ Hải Phòng chuyển ra đây ạ?

Thằng Phước thắc mắc lên tiếng.

Nghe đến đó cô dừng phấn thêm một lần nữa, nhưng lần này trong đôi mắt cô có cái gì đó lạ lắm, hình như nó long lanh và sắp rớt ra. Nhưng cô quá khéo vì đã kịp giấu đi và ngăn lại.

Cô lại cười, nhưng tất cả chỉ nhìn thấy được trên đôi mắt:

- Chỉ tại cô thôi!

Không hiểu mấy trong câu trả lời của cô nên cả lớp yên lặng mất một lúc rồi con Thùy lại hỏi:

- Cô có làm chủ nhiệm của lớp nào không ạ?

Cô chớp mắt nói:

- Trước mắt thì cô sẽ chia với thầy Chí Huy lớp 11 còn lại!

Vy đá chân An:

- Mày có nghe cô nói gì không, cô sẽ chủ nhiệm lớp của Thiên Nga đó!

An xoay xoay cây viết trên tay:

- Nhìn bả cũng dễ, bả làm chủ nhiệm chắc Thiên Nga cũng không có vấn đề gì đâu!

An nói rồi chợt nhớ gì đó liền hướng về phía cô:

- Cô có gia đình chưa cô?

Cô gật nhẹ đầu.

***

Sáng sớm, An đợi ở cổng trường một lúc đã thấy ba Nga dừng xe gắn máy thả Nga xuống rồi hối hả chạy đi cho kịp tàu vào đất liền. Ba Nga là cán bộ trên huyện nhưng vẫn chấp nhận ở lại cái đảo khỉ ho cò gáy này khiến nhiều người kính nể. Người ta quý gia đình Nga nên cũng quý luôn Nga. Và An tất nhiên cũng không ngoại lệ. Nga là con gái gia đình gia giáo mà.

- Thiên Nga! Hồi tối An theo mấy chú trong xóm đi tàu, câu được mấy con mực to lắm, bà ngoại có nấu cháo, An múc cho Nga nè!

An vừa nói vừa hí hửng giơ cái gà mên cháo nóng hổi. Nga tháo nón tai bèo để lộ mái tóc xoăn lọn mới làm chiều hôm qua.

- Cảm ơn An nha, nhưng mà Nga ăn sáng rồi, An để đó ăn đi!

An dúi vào tay Nga:

- Không sao, để trưa ra chơi có đói ăn cũng được mà, gà mên này ngoại An nói nó có từ thời Pháp nên bền với giữ ấm lâu lắm!

Nga chần chừ một lúc rồi cầm lấy:

- Ờ...Nga cảm ơn An nha!

An gãi gãi đầu:

- Không có gì đâu! Mà...Nga mới uốn tóc hả?

Nga long lanh hai mắt:

- Nga xin cả tháng, chiều hôm qua má mới chịu chở Nga lên huyện đi uốn đó! An thấy thế nào, có hợp với Nga không?

- Nhìn đẹp lắm! Nhưng thật lòng An vẫn thích Nga để tóc tự nhiên như trước kia hơn! Kiểu này An nhìn không quen mắt chút nào!

Nga phân trần:

- Tóc Nga không được dày lại hay chẻ ngọn nên nếu để tự nhiên thì xấu lắm!

- An vẫn thấy đẹp! Mà sao Nga phải xin má lên tới tận trên huyện, An nhớ dì Vân cắt tóc ở xóm mình cũng có uốn tóc mà!

Nga chu môi:

- Dì Vân uốn cái thuốc gì mà ngáy lắm, mùi cứ như nước tiểu ấy, với cả dì chỉ uốn được có mỗi một kiểu, tháo ra thì xù như đống lưới rối, trong khi mấy salon trên huyện bây giờ người ta uốn bằng máy hết rồi, thuốc thì thơm nức mũi mà nhìn tự nhiên nữa!

An gục gặc đầu vẻ không hiểu lắm. Từ nhỏ tới lớn tóc An chỉ toàn do ông ngoại cắt. Bây giờ ông mất rồi nên thấy vừa chấm vai là An tự cắt luôn, cắt không kịp thì lấy thun cuộc lại sau ót một chùm lổm xổm như đuôi gà thế là xong. Tóc mình dày mỏng hay chẻ ngọn An cũng không thèm quan tâm thì nói gì đến việc uốn ép, nghe sao phức tạp. Tuy vậy An vẫn thích nhìn con gái có mái tóc đen dài tự nhiên vì trông nền nã và dịu dàng thế nào. Ở trên đảo này rất hiếm con gái có mái tóc đẹp. Tự nhiên An lại vô thức nghĩ đến cô Thi Ân dạy sinh mới về, tóc cô đen dài, óng ánh như suối, đẹp đến gần như hoàn hảo.

- Hôm qua Nga tính nhuộm nữa nhưng má không cho!

Nga lên tiếng làm cắt ngang dòng suy nghĩ của An.

- Uốn như vậy đã đẹp lắm rồi, Nga nhuộm lên sẽ lạ lắm, An nhìn không ra đâu!

Nga cười đẩy vai An:

- An cứ nói quá lên, có gì đâu mà nhìn không ra chứ! Nếu được Nga chỉ nhuộm màu hạt dẻ thôi!

An gật gù:

- Màu hạt dẻ cũng tạm, nhưng đen óng ánh thế này vẫn hơn chứ!

An vừa nói dứt lời thì từ phía sau thằng Hậu đã reo chuông xe đạp, vẻ khinh khỉnh:

- Ê An, tao biết má mày rồi nè, hồi tối tao lên huyện với ba tao, thấy má mày đang kiếm khách, ba tao chỉ, tao thấy bả mặc có cái áo vú với cái quần si liếp không lớ, mà da nhăn nheo, nhìn hãi lắm! Ba tao nói chắc bị quầng dữ quá nên tàn! Mày có muốn lên trên đó chăm sóc má mày không? Không chăm sóc thì lấy đâu ra tiền ngoại mày mua gạo cho mày ăn!

An nhướng mắt cười:

- Mày thấy thiệt hả? Ừ, tao biết rồi! Cám ơn mày nha bạn tốt! Mà cũng công nhận má tao giỏi thiệt, già rồi mà vẫn còn kiếm được khách, chắc rảnh rảnh tao phải lên đó kiếm má tao học hỏi kinh nghiệm!

Thấy An trả lời kiểu bất cần, thằng Hậu có vẻ quê kèo nên phóng xe đạp đi thẳng vô cổng trường, không nói gì thêm nữa.

Nga dè dặt:

- Hậu nói như vậy mà An không buồn hả?

An cười khục khục:

- Nó nói đúng mà có gì đâu phải buồn!

Nga nhăn mặt:

- Nhưng dù sao Hậu cũng không nên nói như vậy, đó là đang sỉ nhục An đó, vậy mà An còn cười được nữa! Với An cũng thừa biết, má An có ở trên huyện đâu mà để cho người ta thấy? Rõ ràng là Hậu đang đặt điều mà?

An chép miệng:

- Nhục thì cũng nhục từ lúc bả chưa đẻ ra An rồi, sống được tới bây giờ có còn gì đâu mà nhục nữa!

Nga thở hắt ra:

- Nga không nói An nữa, An đúng là mặt dày! Hèn gì hồi đó còn nhìn trộm cô giáo tắm! Trả cho An nè, Nga không dám lấy của An đâu!

Nga dúi gà mên vào ngực An rồi đi thẳng một hơi vào lớp. Lần này An không này nỉ Nga lấy nữa mà chỉ cúi đầu xách gà mên lủi thủi theo sau. Không ai biết lúc này trong đầu An nghĩ gì.

***

Dưới vòng sáng lập loè của đèn măng-xông, An lười biếng cầm con ốc chỉ nhỏ bằng đầu bút bi gật lên gật xuống, chốc chốc lại đưa tay đập muỗi:

- Buồn ngủ quá Vy ơi, nó nhỏ xíu, cứ ngồi lể như vậy biết đến khi nào mới đủ!

Vy vẫn tập trung cầm gai xương rồng chích vào ruột ốc nhỏ xíu khéo léo kéo ra:

- Gắng lể cho hết mớ này để mai phơi nắng, mớ còn lại nhớ thay nước rồi bữa nào siêng siêng một chút thì đem luộc lên rồi lể tiếp!

An càu nhàu, quăng cái gai xương rồng xuống đất rồi ngán ngẩm nhìn mớ ốc đầy vun trong nồi:

- Biết sớm vậy tao không có bày biện cái vụ này làm gì, ngồi mỏi cả lưng mà chẳng đâu vào đâu!

Vy nhíu mày chồm người nhặt lại cái gai cẩn thận ghim vào nhánh xương rồng:

- Đừng có bỏ lung tung như vậy chứ, ngoại mày lớn tuổi rồi, không khéo đi ra đi vào đạp phải thì sao?

An hốt mớ ruột ốc teo héo bỏ vào miệng nhai:

- Tao không lể nữa đâu! Chán chết đi được!

- Ai bảo mày mê gái làm gì? Đã vậy còn chưa chắc Thiên Nga sẽ thích cái hải đăng vớ vẩn gì đó của mày nữa!

An nuốt nước bọt giải thích:

- Lần đó lên huyện, Thiên Nga thấy cái mô hình tháp nghiêng gì ở Ý đính bằng vỏ ốc trong tiệm quà lưu niệm cứ khen đáo để, ở quê mình không có tháp nghiêng mà có một cái hải đăng nghiêng, ốc phù du thì mình lại không thiếu, tao nghĩ hoàn thành xong cái công trình này, chắc chắn là Thiên Nga sẽ thích!

Vy bật cười:

- Gì mà hải đăng nghiêng, lại còn mang so sánh với tháp nghiêng Pisa nữa, cái hải đăng ở quê mình bị hư hỏng nặng lắm rồi, mất hết dáng hình, chẳng còn chút kiến trúc nào hay ho hết, mày có muốn dựng ngọn hải đăng để tặng Thiên Nga thì cũng nên lấy đại cái tên nào nổi tiếng một chút, như ngọn hải đăng cổ Alexandria chẳng hạn!

An nhăn mặt:

- Cái gì mà Pi pi rồi A a, khó nghe khó nhớ quá, tóm lại tao không cần một hải đăng nổi tiếng nào hết, nhỏ lớn tao thấy ngọn hải đăng nào, tao dựng thành ngọn hải đăng ấy, tuy nó bị phá hủy hết rồi nhưng nó vẫn còn linh hồn của nó, tao tin chắc ngày xưa khi còn nguyên vẹn nó là một ngọn đèn rất đẹp!

Vy gật gật đầu:

- Được rồi, tao thua mày, nhưng biết nói như thế thì bây giờ làm siêng giùm tao cái này, ngồi cả buổi tối với cái nồi ốc mà chỉ có một mình tao lể là sao!

An chu môi, đoạn cầm cái rổ ốc xốc lên xốc xuống:

- Phải chi có sẵn một đống vỏ không thì hay biết mấy!

Vy chau mày:

- Nè, không lể nữa thì làm ơn để yên cho tao lể, mày xốc như vậy nó va vào nhau, bể hết vỏ thì uổng lắm!

An phân trần:

- Tao xốc cho ruột rớt ra bớt mà, con nào rớt thì đỡ phải lể!

Vy lắc lắc đầu không nói nữa mà chỉ quay sang cái nồi hốt thêm một nắm ốc mới bỏ ra rổ. An nghịch nghịch mớ ốc một lúc rồi nhìn Vy:

- Mà bà Thi Ân mới về đó, coi bộ cũng khó chịu, mấy tuần nay cứ tới tiết bả là bả lại nhắm vào tao để nhắc nhở, tao hết thèm bả rồi! Giờ cho dù bả có đẹp nghiêng thùng đổ nước thì tao cũng mặc! Tao nhường cho mày đó!

Vy nhướng mắt nhìn An một cái rồi lại tập trung lể ốc:

- Nhường gì chứ, cái con khùng này, tao có thích con gái giống mày đâu mà nói kiểu đó! Với cả không phải cô khó chịu mà là nghiêm khắc đấy thôi, chẳng qua cô dạy ở trường nề nếp, kỷ luật quen rồi nên về đây thấy trường mình lâu nay buông lỏng, cô siết chặt lại một tí thôi mà! Tao nghĩ như vậy sẽ tốt hơn! Nhất là sẽ càn quét được cái lũ không học hành mà vẫn nghênh ngang ngẩng đầu lãnh thưởng!

An lại nhăn mặt:

- Ý mày là sao, gì mà cái lũ không học hành, trong đó có tao nữa đó!

- Mày còn biết là trong đó có mày nữa cơ đấy? Vậy mà tao còn tưởng là mày quên luôn rồi chứ?

- Mày nói móc méo ai vậy hả?

Vy ngừng tay, thở hắt ra:

- Mày nên nghiêm túc lại trong việc học hành một chút đi, mày là đứa có khả năng chứ không phải không có, đừng lơ là, lêu lổng như vậy nữa, năm sau là năm phải thi tốt nghiệp rồi!

An không trả lời mà vô thức hốt một nắm vỏ bóp chặt trong tay. Vy trợn tròng mắt đánh vào tay An:

- Mày bị khùng rồi hả con quỷ, mày có biết bao nhiêu đó là cả một đống công sức từ chiều giờ của tao hay không?

An giật mình bỏ nắm vỏ xuống rổ:

- Tao...tao xin lỗi!

Vy cằn nhằn:

- Không biết làm cái này được lợi lộc gì cho tao nữa mà trước mắt thì thấy công sức bị đổ sông đổ biển hết rồi!

An vẫn không lên tiếng mà chỉ chớp mắt nhìn theo đống vỏ nát ngúm vừa bị mình bóp chặt, đôi mắt như mơ hồ vào những con thiêu thân cố lao vào ngọn đèn măng-xông. Tiếng sóng ngoài kia bỗng vỗ ầm ầm như giận dữ.

***

Một tháng sau...

- Lê Thuận An!

An đang thả hồn nghĩ cái gì đó liền giật mình đứng dậy:

- Dạ có em!

Cô nhìn An gật nhẹ đầu:

- Cô kiểm tra bài cũ!

Hình như An vẫn chưa kịp hoàn hồn để nhận ra chuyện gì, An vẫn đứng thừ ra đó khiến Vy phải liên tục huých vào cùi chỏ:

- Lên trả bài kìa! An! Lên trả bài!

Phải mất một lúc An mới bước thấp bước cao cầm tập ra khỏi chỗ. An đứng rụt rè trên bảng.

Cô nhìn An khó hiểu:

- Lại đây nào, sao lại đứng ở đó? Cô cần kiểm tra tập của em!

An chớp mắt nhìn xuống Vy rồi thở mạnh một cái bước tới bên cô, để tập lên bàn.

- Dạ đây!

Nhìn quyển tập mấy đường gập in lằn không bao bìa, không dán nhãn, cô nhíu mày lật qua lật lại rồi trầm tĩnh giở ra xem.

An đứng cắn cắn môi nhìn ra sân, một chốc lại liếc sang xem cô thế nào. Rồi trong lúc An trợn tròng mắt thách thức lại thằng Phước đang đắc ý nhìn mình phía dưới vì dường như nó đã biết được điều gì sắp sửa đến thì cô bỗng lên tiếng:

- Từ đầu năm đến giờ cũng đã gần nửa học kỳ rồi, em đã học được cái gì từ cô Phượng?

An ú ớ một lúc rồi trả lời:

- Dạ trong bài học có gì thì em học được cái đó!

Cô gật nhẹ đầu:

- Được rồi! Vậy thì bây giờ em cho cô biết, chương đang học có tên là gì?

- Dạ...dạ...

An vừa nói vừa liếc nhìn Vy, nhưng khổ thân Vy mấp máy đến nhừ cái miệng mà An cũng không tài nào đọc ra được.

Cô tiếp tục hỏi:

- Bài tuần rồi cô dạy có tên là gì?

An cắn chặt môi hơn nhưng hàng lông mày vẫn không quên nhíu lại để cảnh cáo thằng Phước.

Cô nhìn theo rồi tiếp tục lên tiếng:

- Từ đầu năm đến giờ, em chỉ viết được vào tập có hai dòng thôi, nhưng quyển tập lại bị nhàu nát đến như thế này, trong khi sổ điểm cô Phượng trao lại cho cô thì em đã có hai cột điểm, 8 và 9.5 lần lượt ứng với kiểm tra 15 phút và một tiết, em giải thích sao về chuyện này?

An chầm dầm nhìn xuống đất:

- Dạ...là em học bài ở trong sách, thưa cô!

- Được rồi, bây giờ em hãy cho cô biết ít nhất một câu hỏi trong hai đề kiểm tra em đã làm vừa rồi!

Lần này An không ú ớ được nữa mà im lặng thật. Cả lớp lặng như tờ đến nổi tiếng sóng biển đánh ngoài kia còn lớn hơn tiếng thở.

Cô mở giỏ xách lấy bìa đựng giấy tờ tìm ngay bài kiểm tra một tiết của An.

- Được rồi, cô sẽ cho em thêm một cơ hội nữa, nếu em không trả lời được câu hỏi cuối cùng này, cô sẽ chấm em điểm 0 cho cột kiểm tra miệng hôm nay, và đồng thời xoá luôn hai cột điểm em đã có! Bây giờ em hãy cho cô biết, bài kiểm tra một tiết mà em đạt được điểm số 9.5, em đã viết được bao nhiêu trang giấy?

Lần này An đầu hàng thật. An đứng cứng đờ một chỗ như trời trồng, hai mắt vẫn chầm dầm nhìn xuống đất. Vì hai bài kiểm tra đó ngay cả cái đề An còn không đọc thì lấy gì để nhớ, vừa dứt cặp giấy ghi họ tên với lớp thì An chỉ biết cắm đầu chép lại của Vy. Vy viết cái gì An viết cái đó, Vy bỏ chữ nào An bỏ chữ đó, ngay đến cả mình đã viết cái gì và viết được bao nhiêu trang An cũng không tài nào nhớ nổi.

- Đặng Quỳnh Sang Vy!

Vy đang lo lắng cho An nghe cô gọi liền giật mình đứng lên:

- Dạ, có em ạ!

- Em hãy cho cô biết, ít nhất một câu hỏi trong đề kiểm tra em đã làm!

Vy chớp mắt nói:

- Dạ, 15 phút hay một tiết đều được hả cô?

Cô gật nhẹ đầu:

- Em nhớ câu nào thì nói câu đó!

Vy trầm tĩnh trả lời rất nhanh gọn. Cô hài lòng hỏi tiếp:

- Em còn nhớ trong bài kiểm tra một tiết mình đã viết được bao nhiêu trang giấy không?

- Dạ, là hơn 2 trang rưỡi, gần 3 trang thưa cô!

Cô nhìn vào bài kiểm tra của Vy một lần nữa rồi gật đầu:

- Được rồi, em ngồi xuống đi! Em nên nhớ, giúp đỡ bạn có rất nhiều cách, cho bạn xem bài không phải là cách để giúp đỡ bạn! Nếu những bài kiểm tra tiếp theo cô phát hiện em vẫn tiếp tục cho bạn xem bài thì em sẽ bị chia đôi số điểm, em rõ rồi chứ?

Vy cúi mặt xuống bàn:

- Dạ, em rõ ạ!

Cô đóng tập trả lại cho An:

- Em về chỗ đi! Em đã có 3 cột điểm, và tất cả sẽ là điểm 0! Em hiểu tại sao mình lại có số điểm như vậy chứ?

An tức tối cầm lấy quyển tập đi về chỗ, nhưng nửa đường bỗng quay lại nhìn thẳng vào cô:

- Hôm nay cô cho em điểm 0 em chấp nhận, nhưng hai cột điểm trước là cô Phượng đã ghi vào sổ điểm rồi, cô không có quyền thay đổi nó!

Cô trầm tĩnh nói:

- Cô đã phụ trách bộ môn thì có nghĩa là từ bây giờ, mọi quyền hạn đều thuộc về cô! Thế nên, cô có quyền sửa chữa những lỗ hỏng thiếu sót của cô Phượng trước đó, mà điển hình là trường hợp của em!

An không phục:

- Nhưng cô lấy căn cứ gì mà lại kết luận em như vậy chứ? Hai bài kiểm tra trước đó cũng lâu lắm rồi, cô Phượng chấm xong thì giữ luôn không trả lại, thử hỏi làm sao em có thể nhớ được chính xác mà trả lời cho cô? Cô tự tung tự hứng, cô làm như thế là không công bằng! Cô có không thích em thì cứ nói, sao lại nhắm vào em như vậy?

Cô nhíu mày:

- Không hề có sự ghét bỏ hay nhắm vào bất kỳ ai gì ở đây, vì cái cô đang làm là lấy lại công bằng cho lớp! Tập em không chép bài, lại còn nhàu nát, không bao bìa, không dán nhãn! Bài em không thuộc! Cái em đang học em không biết! Đề kiểm tra em từng làm em không nhớ! Em hãy xem lại mình có đang làm đúng hay không? Trong khi việc học là hoàn toàn có lợi cho em, người truyền dạy lại là người mang nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi đó! Em không xứng đáng nhận được điểm số đó thì cô phải là người có trách nhiệm đứng ra để thu hồi nó lại!

An lớn tiếng nói:

- Cô đừng tưởng mình từ thành phố về thì lên mặt, ngang ngược quá thì sống ở cái đất này không nổi đâu! Xin lỗi, con An này đi học vì sở thích, không phải vì mấy con số vô nghĩa đó, cũng chẳng cần đết quyền lợi gì nên cũng đ* cần những người giả danh tri thức mang tên trách nhiệm!

An nói rồi nhét tập vào cặp quải lên vai định ra khỏi lớp, nhưng cô đã kịp lên tiếng nói:

- Được rồi, để chứng minh cho điều cô đang làm là đúng, cô sẽ cho lớp làm lại bài kiểm tra với sự giám sát của cô, em có đồng ý không?

An quát lớn:

- Cô muốn cho 0 điểm thì cứ cho đi! Không cần phải rườm rà như vậy, ảnh hưởng đến người khác! Không ai rảnh mà làm lại bài kiểm tra hai ba lần!

An nói rồi bỏ đi thật. Cô trầm tĩnh bước xuống giữa lớp:

- Cô biết chắc chắn lớp mình sẽ còn nhiều những trường hợp giống em Thuận An mà cô Phượng đã cố tình làm lơ hoặc tỏ ra không quan tâm! Nhưng để tránh làm mất thời gian của cả lớp cô sẽ không truy cứu nữa, xem như em Thuận An là một bài học cho các em! Kể từ ngày hôm nay cô muốn các em phải học với cô bằng một thái độ nghiêm túc, xem bài, chép bài và học bài đầy đủ, không được lơ là giống như trước nữa! Nhất là không phải riêng một mình môn của cô thì các em mới như vậy, mà cô hy vọng rằng điều đó sẽ được các em áp dụng trên tất cả các môn! Và nếu đã gọi là học thì môn nào cũng quan trọng như nhau, các em không được có sự phân biệt giữa môn tự nhiên và môn xã hội, môn thi đại học và môn không thi đại học! Những bài kiểm tra về sau cô sẽ soạn ra nhiều đề để tránh trường hợp những bạn ngồi cạnh nhau có chung đề! Nếu cô phát hiện có trường hợp những bài kiểm tra giống nhau thì cô sẽ chia số điểm đạt được của một bài cho tổng tất cả số bài kiểm tra đó!

Cô dứt lời, cả lớp bắt đầu xì xầm bàn tán. Có những gương mặt sáng bừng vì tìm thấy công bằng trong lời nói của cô, cũng có những gương mặt xịu xuống vì bất an. Hôm đó cô viết tên An vào sổ đầu bài, đôi co với giáo viên bộ môn và tự ý ra về giữa giờ.

...

Cô ơi! Cô ơi!

Cô đang bước nhanh về phía văn phòng liền quay đầu lại:

- Sang Vy?

Vy dè dặt:

- Cô...nhớ tên em hả?

Cô bật cười sau lớp khẩu trang:

- Làm sao cô không nhớ được, nghe rất nhiều thầy cô trong trường bảo rằng em có thành tích học tập rất khá! À, chuyện lúc nảy nếu cô có làm buồn lòng em thì cho cô xin lỗi nhé!

Vy mạnh dạn bước lên song song với cô:

- Cô làm đúng mà ạ! Nhưng do nơi này vẫn còn khó khăn nhiều lắm nên đa số thầy cô ở đây cũng không làm khó ai làm gì, dường như chỉ đến trường, hết giờ rồi ra về, chẳng mấy khi quan tâm đến việc học sinh học tập thế nào, miễn sau, học sinh có đủ điểm số để lên lớp là được! Còn cô Phượng thì dạy khá hay, nhưng hình như cũng xác định không ở lại lâu dài nên cũng chẳng màng quan tâm đến tụi em, tụi em học thế nào thì học, còn cô cứ dạy xong rồi thì về, lâu dần tụi em cũng quen với lối học đó, nên điển hình như chuyện lúc nảy trên lớp, có lẽ biểu hiện của bạn Thuận An cũng là bình thường, cho nên, em mong cô đừng làm lớn chuyện này lên văn phòng...

Cô đang bước đi bỗng ngừng hẳn lại:

- Em đuổi theo cô để muốn giúp cho em Thuận An sao?

Vy gục đầu:

- Dạ đúng ạ, nhưng còn một lẽ nữa...là vì em cũng không muốn cô buồn!

Cô cười thấu hiểu:

- Cô cảm ơn em, thật sự trước khi về đây cô cũng đã lường trước được những chuyện như thế này, chỉ là, cô không biết rằng nó sẽ biến chuyển như thế nào so với những thứ mình đã nghĩ! Em có vẻ quan tâm đến em Thuận An?

Vy ngập ngừng:

- Vâng ạ, vì năm vừa rồi cũng vì đôi co với một giáo viên mà nó đã bị hạ mất một bậc hạnh kiểm, nếu năm nay lại tiếp tục như thế, cứ đà này, kỳ thi tốt nghiệp sắp tới nó sẽ không được tham gia mất!

Cô gật nhẹ đầu:

- Cô chỉ muốn nhắc nhở em ấy học hành tốt hơn chứ ngoài ra chẳng có ý định gì bất lợi cho em ấy cả, em cứ yên tâm! Hy vọng điều hôm nay cô làm sẽ là động lực khiến em ấy cố gắng và nỗ lực nhiều hơn! Ba điểm 0, nhưng nếu tất cả các cột điểm về sau đều trên trung bình thì sẽ hoàn toàn không gây ảnh hưởng! Cô sẽ tạo nhiều cơ hội để em ấy gỡ điểm!

Cô nói rồi cúi đầu bước đi. Vy bỗng nói với theo:

- Dạ em cảm ơn cô ạ, cô đã hoàn toàn không sai mà còn nghĩ cho tụi em những điều xa xôi nữa, nhưng mà cô ơi...

Cô lại một lần nữa nhìn Vy bằng đôi mắt sâu thẳm màu nâu nhạt:

- Có chuyện gì nữa sao?

Vy ậm ừ:

- Cô đã đến đây cũng được gần một tháng rồi, nhưng chưa lần nào em thấy cô không mang khẩu trang cả, cô có thể cho em biết lý do không?

Cô bỗng quay đi hướng khác, phải mất một lúc sau cô mới quay lại nhìn Vy:

- Cô...bị bệnh!

Cô nói rồi lại nhanh chóng bước đi. Vy như càng muốn đi theo:

- Nhưng bệnh gì thưa cô?

Lần này cô chỉ đứng lại mà không trả lời. Cô yên lặng một lúc rồi đi luôn.

- Em muốn được nhìn thấy khuôn mặt của cô!

Vy vô thức nói lớn nhưng hình như cô giả vờ không nghe thấy.

...

Vy lặng lẽ bước tới gần An:

- Sao ngọn hải đăng bữa nay tối thui vậy?

An vớ một nắm cát ướt quăng ra xa:

- Chắc ông già Quân đó lại bệnh nên không ai đốt lửa chứ gì!

- Tối rồi không về tắm rửa thay đồ, bộ mày tính ngồi ở đây tới sáng luôn hả? Hồi nảy ngoại mày qua nhà tao kiếm mày đó, làm tao phải nói dối ngoại là mày ở lại học phụ đạo!

- Từ nay mày không cần phải giúp tao nói dối ngoại như vậy nữa đâu! Tao không muốn ngoại cứ tưởng bở, rồi đến lúc tao không được thi tốt nghiệp ngoại lại thất vọng!

Vy chau mày nhìn theo khuôn mặt đã tím lại vì lạnh của An:

- Nếu biết như vậy thì mày phải biết thay đổi rồi cố gắng để không phụ lòng ngoại mày chứ?

An phóng mắt nhìn theo từng lớp sóng đen ngòm đang tham lam cuốn từng vần cát ra ngoài khơi:

- Mày cũng thừa biết là tao không thể và cũng càng không hề có khả năng đó mà? Nhất là khi những chuyện giống như lúc chiều cứ tiếp tục xảy đến?

- Mày muốn nói đến chuyện cô Thi Ân sẽ mách lại chuyện của mày với cô hiệu trưởng sao?

An nhếch miệng cười:

- Ở cái làng chài này ai cũng nghèo xác, kiếm được mấy đồng để tới trường thì cũng đã mừng lắm rồi, giáo viên thì người đi kẻ ở lênh đênh không kể siết, hơi sức đâu mà phải tự đặt ra những cái nghiêm khắc không đâu vào đâu đó rồi tự làm khó mình!

Vy trầm tĩnh nói:

- Mày nói đúng, nhưng không có nghĩa là hoàn cảnh như vậy, điều kiện như vậy, họ như vậy thì tụi mình cũng phải như vậy! Tao nghĩ trường mình đã buông lỏng và lơ là bao nhiêu năm rồi, cũng phải đến lúc có những giáo viên khuôn mẫu giống như cô Thi Ân xuất hiện để chấn chỉnh lại! Sao mày không thử nghĩ đó không phải là sự nghiêm khắc, khó tính, mà đó lại chính là việc mà đúng ra những giáo viên đứng lớp lâu nay phải làm nhưng đã cố tình bỏ quên?

An thở hắt ra:

- Tao không hơi đâu mà ngồi suy nghĩ ba cái triết lý xa xôi đó! Cái đầu của tao còn phải để dành làm nhiều công chuyện lắm! Ông ngoại tao mất rồi, giờ tao chỉ còn có mình bà ngoại, trước mắt tao phải kiếm thật nhiều tiền để nuôi bà ngoại, và cái thứ hai là...

- Thiên Nga chứ gì? Nhưng mày cũng nên hiểu rằng cả hai thứ đó nếu muốn thực hiện thì việc duy nhất bây giờ của mày là phải học để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, lên đại học rồi, mày sẽ thấy tương lai của mình không còn mịt mờ nữa! Bộ mày định ở đây suốt đời phơi cá, cào muối để nuôi ngoại mày và cả Thiên Nga à? Mày thử nghĩ xem, mày là con gái, Thiên Nga cũng là con gái, để một đứa con gái chấp nhận một đứa con gái bình thường thì cũng đã khó khăn lắm rồi, huống chi còn là một đứa không học thức, không nghề nghiệp?

- Tao biết, tao thừa biết những điều đó, nhưng mày cũng thừa biết rằng tao có muốn bắt đầu thì cũng chẳng có một thứ gì chịu quay lưng lại với tao mà?

An thình lình đứng dậy rồi quải cặp bỏ đi.

Vy lặng nhìn vào khoảng không cứ chốc chốc lại vần lên những đường chỉ máu khô khốc ở tít ngoài khơi, đoạn cúi xuống nhặt một con ốc mượn hồn vừa bò lên chân bỏ vào túi áo rồi cũng lặng lẽ quay về. Trên trời không có ánh trăng cũng không có một vì sao nào. Ngọn hải đăng hôm nay chìm trong sương mù mặn chát, tối đen như mực.

***

Chiều hôm ấy, Vy lấy xe đạp về trước vì An phải ở lại học phụ đạo. Đang lững thững đạp xe lên xuống mấy cồn cát thì chợt thấy một bóng dáng loay hoay gỡ tà áo dài ra khỏi căm xe.

- Cô Thi Ân?

Vy phanh gấp làm chiếc xe đạp nằm luôn xuống cát:

- Cô ơi, cô có sao không?

Vy nói rồi lo lắng lao tới tìm cách xoay dây sên.

- Lúc nảy gió thổi làm cát bay vào mắt cô, cô thắng lại để dụi mắt làm tà áo rớt xuống, nó quấn vào xe lúc nào không hay, xuôi xẻo thế nào nảy giờ lại không có ai đi qua, ở đây cô lại không biết nhà nào có sửa xe!

Vy trầm tĩnh:

- Nếu không biết gỡ thì chỉ có nước xé rách cái tà áo này ra làm hai mới mong về được! Cô đừng lo, để em gỡ cho!

Cô ái ngại:

- Làm phiền em quá!

- Không có sao đâu mà, ba em là thợ sửa xe nên em cũng biết được chút ít từ ba!

Vy nói rồi chăm chú nhìn theo hướng tà áo bị vướng vào, tay khéo léo vừa xoay bánh xe vừa kéo dây sên, một lúc sau Vy đã đường hoàng kéo tà áo ra khỏi chiếc xe.

Cô cầm tà áo nhăn nhúm dính đầy nhớt:

- Lại đi tông một cái áo dài của cô nữa rồi!

Vy bật cười:

- Nếu cô không ngại thì để em mang về giặt cho, nhà em có nước tẩy nhớt xe, ngâm vào một lúc là nó ra hết!

- Như vậy có được không? Hay cho cô xin một ít, cô mang về giặt được mà!

Vy lắc đầu giải thích:

- Nó nguy hiểm lắm, da cô lại mỏng như vậy, không cẩn thận nó lại làm bỏng da cô mất, với, em thấy xe cô cũng khô nhớt rồi, hay cô về nhà em đi, thay áo của em, để áo dài lại cho em giặt, còn ba em sẽ giúp cô kiểm tra xe! Cứ vậy nha!

Cô long lanh hai mắt nhìn Vy:

- Cô cảm ơn nhiều lắm! Phiền em thật sự luôn đó! Lúc đầu còn ngỡ hôm nay xuôi xẻo nhưng khi gặp em lại may mắn thế này! Cái xe cũng đã lâu rồi cô không dùng tới vì lúc trước trên thành phố chỉ toàn đi xe máy thôi, lúc chuyển về đây nghe bảo không có xăng nên cô mới mang theo xe đạp!

Vy bồi thêm:

- Chắc lâu quá không dùng, ốc vít cũng lỏng lẻo hết rồi! Cô về nhà em nha!

Cô gật nhẹ đầu, ánh mắt lại vẽ lên nét cười. Cô cười sau lớp khẩu trang, dưới nắng chiều lổm chổm trên mấy cồn cát trắng xoá cứ chốc chốc lại ánh lên mấy vỏ ốc vỡ đủ màu, da cô trắng muốt.

...

- Cô cứ đạp xe từ từ thôi, đường ở đây nhiều cát lại hay có gió biển thổi vào, bánh xe dễ bị trượt lắm, cô chưa quen, không khéo là ngã lăn quay cả người lẫn xe luôn đó!

Cô bật cười:

- Mới hôm trước cô đã ngã rồi cơ đấy! Nhưng cũng may là cát ở đây dày nên cô không có bị gì hết, chỉ tội cái áo dài, bị vướng vào nhánh xương rồng toạc mất một mảng!

Vy nửa đùa nửa thật:

- Sao lúc đó em không xuất hiện giống như hôm nay để giúp cô ta? Duyên số gì mà không suôn sẻ gì hết!

Cô lại bật cười:

- Vy nè, tên em thật sự ấn tượng với cô lắm!

Vy sung sướng đáp:

- Thật hả cô!

Cô vừa chăm chú đạp xe vừa nói tiếp:

- Từ đó giờ đi dạy cô cũng nghe nhiều cái tên hay nhưng cũng không cảm thấy nhớ nhiều như vậy!

Vy cố cho xe chạy từ từ để chờ cô:

- Em còn một chị lớn, nhưng chị bị bệnh nên mất từ lúc nhỏ! Ba đặt tên chị là Đặng Quỳnh Sang, đến em thì lại thêm chữ Vy vào! Ba thích gọi em bằng hai chữ Sang Vy thay vì chỉ là Vy, vì lúc đó, như ba đang gọi luôn cả hai chị em!

Cô chỉ gật nhẹ đầu rồi yên lặng đạp xe. Vy cắn chặt môi lén nhìn sang cô một lúc rồi chợt lên tiếng:

- Mà...cô đã hết bệnh chưa?

Cô quay sang:

- Hả? Bệnh gì?

Vy nheo mắt:

- Chẳng phải tuần trước, cô bảo với em là cô bị bệnh nên mới phải mang khẩu trang?

Cô vỡ lẽ:

- À, cho cô xin lỗi! Thật ra...

- Vy ơi, vào đây chở bao cá bác gửi về cho má mày làm giúp nào!

Tiếng bác Kiến bỗng thình lình vang lên. Vy dạ rân một tiếng rồi thắng xe ái ngại quay sang cô:

- Suýt chút nữa là quên mất rồi! Cô chờ em một chút, em vào lấy bao cá xong trở ra liền!

Cô gật nhẹ đầu rồi cho xe đứng cạnh mấy sào phơi cá đợi Vy. Một lúc sau Vy đã nhanh chóng trở ra với bao cá còn nhỏ nước lỏn tỏn, Vy để xuống yên xe, khéo léo cầm dây quấn một lượt mấy tuôn cho chắc theo thói quen:

- Cô đợi em lâu không?

Cô lắc nhẹ đầu:

- Bao cá nặng như vậy mà em ôm không thấy khó khăn gì hết sao Vy? Người em ướt hết rồi kìa!

Vy bật cười, leo lên yên xe rồi trở bàn đạp:

- Kệ, cũng sắp về tới nhà rồi, tắm một cái là xong! Hồi nhỏ em theo ba đi biển, kéo lưới, vác cá, làm nhiều thứ lắm, làm riết rồi quen, mà lúc nảy, cô định nói với em cái gì, thật ra chuyện gì?

Cô né đi:

- À, không có gì đâu, mình đi thôi!

Vy hơi thất vọng rồi cũng mỉm cười nhìn cô, muốn hỏi cô đến khi nào mới không cần dùng đến cái khẩu trang nhưng chắc lại đành thôi. Chỉ hy vọng rằng không phải vì một vết sẹo khó phai nào đó mà cô phải luôn mang theo nó. Hai cô trò lại lẳng lặng đạp xe trên cát. Mặt trời vẫn rực rỡ, cần mẫn buông nắng dù biết chốc lát nữa nó phải bị mặt biển cướp mất để nhường cho ánh lửa bùng sáng trên ngọn hải đăng.

***

Chiều hôm ấy vừa học xong tiết giáo dục quốc phòng thì trời bỗng đổ mưa lớn. Mặt biển trắng xoá đến nổi không còn nhìn thấy một chiếc tàu nào. Trời càng lúc càng tối, Nga đắn đo một lúc rồi liều lĩnh ôm sát cặp vào người chạy thẳng ra nhà xe, đang loay hoay quấn mấy cuốn tập vào ngăn trong cho đỡ ướt thì từ phía sau lưng An đã lên tiếng nói:

- Lấy áo mưa của An về nè, trời mưa lớn lắm, bộ Nga tính để như vậy đi về luôn hả?

Nga đưa tay vuốt cặp mắt cay xè vì ướt mưa:

- Ủa, chẳng phải giờ này An còn học phụ đạo sao, An ra sớm vậy?

- Đúng là còn đang học, nhưng An thấy mưa lớn quá, An lo Nga không mang theo áo mưa nên mới chạy ra đây, An có xin con Yến thêm mấy cái bịch mủ, Nga trùm vào chân cho không lạnh, cát khỏi vô chân nữa!

An nhanh chóng kê miệng thổi bịch mủ cho phồng lên rồi cúi xuống giở một chân Nga bỏ vào cẩn thận cột quai lại. Nga ái ngại nhìn An:

- An để Nga tự làm được rồi, để tụi nó thấy không hay đâu!

An vừa ngước lên nhìn Nga vừa tiếp tục với chân còn lại:

- Ai nói thì nói, An không quan tâm, miễn Nga về đến nhà an toàn là được!

Nga đang đứng yên bỗng giật chân lại:

- An! Cô Thi Ân kìa!

An theo quán tính nhìn theo bằng ánh mắt căm phẫn rồi quay lại nhìn Nga:

- Kệ bả, Nga quan tâm làm gì!

An nói rồi giũ giũ áo mưa giúp Nga mặc vào, cẩn thận kéo mũ, cột dây lại.

Phía cuối nhà xe, chỗ nước mưa đang theo máng xối dội xuống làm hõm cả lớp cát dày cộm phía dưới, cô vẫn đứng lặng người nhìn theo An và Nga, thầm ngưỡng mộ Nga rồi lại thích thú nghĩ về An. Nhìn cái cách An chăm sóc Nga thật sự khiến cô rung động. Cả một tháng nay khi về đây, đã nghe bao nhiêu điều không tốt đẹp về An, và ngay cả bản thân cũng vừa đôi co để chứng kiến em ấy thô lỗ, cọc cằn thế nào, vậy mà khi với người em ấy yêu thương thì lại trìu mến, dịu dàng đến như thế đó. Tự dưng cô lại nhớ về chiều mưa của hơn năm năm về trước. Văn Ngọc với cả người ướt sũng nước hấp tấp đến nổi cây gậy dò đường rớt xuống lòng sân trường giữa cơn mưa chỉ để đưa cho cô tấm áo mưa trong đôi mắt tăm tối. Anh biết cô lúc nào cũng quên mang áo mưa bên mình để rồi những lúc dầm mình trong mưa trắng xoá cô lại sốt cả một tuần lễ. Vậy mà giờ này, cô cũng lại quên không mang áo mưa, lại sắp sửa dầm mình trong cơn mưa lạnh thấu, anh đã không còn liều mạng xuất hiện để chỉ đưa cho cô một tấm áo mưa. Chắc là giờ này anh cũng đang xuất hiện đúng lúc, nhưng là đúng lúc với một người khác. Một giọt nước mặn chát không biết ở đâu tự dưng ứa ra làm trôi đi nước mưa trên mặt, rớt xuống khẩu trang. Cô lặng lẽ lấy tay lau đi. Lâu lắm rồi không có ai đưa cho cô tấm áo mưa nào, cũng lâu lắm rồi không có ai quan tâm, trao yêu thương cho cô như vậy. Tự dưng cô lại nghĩ đến Sang Vy, một cô bé có tuổi đời còn rất nhỏ nhưng lại trưởng thành cả về suy nghĩ lẫn trái tim. Vy có thình lình xuất hiện ngay lúc này rồi ân cần trao vào tay cô một tấm áo mưa giống như An đã làm với Nga không? Cô đưa một bàn tay lạnh ngắt đã ướt sũng nước run rẩy đặt lên mặt, qua lớp khẩu trang nhưng sau cô vẫn thấy kinh tởm. Khuôn mặt dạ xoa mà Văn Ngọc đã nhiều lần lặp lại khiến nó luôn ám ảnh trong tâm trí cô như một vết cắt khoét sâu vào da thịt. Nhưng mà không đúng, cô đã đang nghĩ cái gì thế này. Tại sao giờ phút này cô lại nghĩ đến Vy? Thuận An, Thiên Nga, những hình ảnh vẫn đang diễn ra trước mắt và ngay cả Sang Vy, tất cả sẽ là thứ đi ngược lại với xã hội ngoài kia. An với Nga là tình yêu đồng tính, thứ tình yêu mà cô thừa biết không ai ngoài kia dám đối mặt và chấp nhận, vậy còn thứ cô đang nghĩ về Vy, là cái gì? Tự dưng cô thấy kinh tởm những ý nghĩ vừa loé lên trong trí óc mình còn hơn cả người ta kinh tởm khuôn mặt dạ xoa của cô. Cô dắt nhanh xe đạp rồi nhắm con đường cát đã bị nước mưa làm cho lún xuống, cứ thế lao đi.

***

Chủ nhật, chuyến biển đêm về lúc hơn ba giờ sáng, má Vy với mấy thiếm tranh thủ gỡ vội đám cá mới chết mang về cắt đầu, lấy ruột làm khô. Vy, An với cả chục đứa nữa trong xóm quây một vòng tròn quanh mấy thau cá còn hơi muối biển cay cả tròng mắt. Đứa lựa cá tươi, cá ươn, đứa lựa cá lớn, cá nhỏ. Cá ươn hoặc nhỏ quá thì bỏ sang một bên để người lớn nhận mắm. Còn lại thì làm sạch, xẻ hai xẻ ba rồi rửa lại với nước biển bỏ ra nia cho ráo, nắng tới thì phơi lên sào. Đang lăn xăn bỗng có tiếng xe đạp thắng két trước ngõ. Con Yến nhanh như chim chích choè:

- Cô Thi Ân dạy sinh kìa, cô tới đây làm gì vậy ta?

Theo quán tính Vy liền ngẩng đầu lên nhìn phía trước, hôm nay cô lạ quá. Cô không mặc áo dài mà chỉ quần jeans với áo thun, nhỏ xíu như một cô học sinh, vẫn làn da trắng muốt nổi cả gân xanh cùng mái tóc đen dài không buộc phủ cả bờ vai. Cô dè dặt dắt xe đạp với đôi sandal vướng đầy cát. Gió làm tóc cô hơi rối. Cả bọn đều đứng lên chào cô, duy chỉ có An là vẫn ngồi chầm dầm. Rồi hình như cô có vẻ ngại nên chỉ đứng đó mà không bước vào.

- Bả tới đây tìm mày hả Vy? Bộ có chuyện gì hả, sao thấy bả cứ đứng nhìn mày hoài vậy, bả sợ ai mà không dám vào?

An lườm nguýt nói. Sẵn thau nước biển, Vy rửa vội tay rồi lau luôn vào hai gối quần:

- Chắc cô đến để trả tao cái áo hôm trước!

An hằn hộc:

- Cái áo gì, mày trở nên thân thiết với bả từ hồi nào vậy? Bả vừa cho tao ba con 0 đó mày không nhớ hả?

- Không lẽ vì vậy mà mày bắt tao cạch mặt cô theo mày luôn hả? Hôm trước chẳng phải tao đã giải thích rõ ràng với mày rồi mà, mày vẫn còn ghét cô sao?

Vy nói rồi nôn nóng đi thẳng một hơi tới chỗ cô.

- Sao cô không vào nhà chơi? Ngoài này nắng lắm, không tốt cho da cô đâu!

Cô cười hiền lành sau lớp khẩu trang, giọng khàn khàn:

- Trong đó đông người như vậy, cô vào không hay! À, lúc sáng cô có việc lên Hải Phòng, cô có mua cho em với gia đình gói bánh với trà, sẵn tiện ghé qua trả em cái áo, cho cô cảm ơn em và gia đình chuyện hôm trước nhiều lắm!

Vy sung sướng cầm gói đồ từ tay cô:

- Cô đừng có khách sáo như vậy! Từ hôm trước đến giờ ba em cứ khen cô hoài, ba nói cô trắng gì mà trắng quá chừng, người thì nhỏ nhắn, từ thành phố ra đây mà lại từ tốn, lịch sự chứ không có hách dịch như mấy người thương lái ra đây mua cá! Bữa nay ba mà biết cô mang quà qua chắc ba vui lắm!

Cô lại cười sau lớp khẩu trang rồi lo lắng nhìn vào trong sân, giọng cô nhỏ và yếu dần:

- Em nhắn với ba có dịp cô sẽ ghé qua thăm ba, bây giờ em vào nhà đi, kẻo mấy em trong đó nghĩ nhầm lại không hay!

Vy nheo nheo mắt:

- Cô bệnh hả? Sao nảy giờ giọng cô khác quá?

Cô lắc nhẹ đầu:

- Chắc là do hôm trước gặp mưa lớn, nhưng cô vẫn khoẻ, chỉ hơi khan tiếng một chút thôi!

- Cô đừng lơ là sẽ không tốt cho sức khoẻ đâu, cô có uống thuốc chưa, nhà em có thuốc, hay để em vào nhà lấy thuốc cho cô nha, để như vậy bệnh nặng lên làm sao cô dạy nổi!

Cô níu tay Vy:

- Không cần đâu Vy, cô đã uống rồi, cô không có sao đâu mà, em đừng lo, em vào nhà đi, cô không phiền em nữa!

Vy quay lại nhìn đám bọn nó vẫn rôm rả làm cá nhưng cứ một chốc lại thò thụt nhìn ra rồi hướng cô.

- Được rồi, để em quay xe lại giúp cô!

Cô leo lên yên xe, lặng đi một lúc rồi bỗng ngần ngại quay lại nhìn Vy:

- Hôm nào đó nếu không phải trả một thứ gì như hôm nay hết, thì cô vẫn có thể gặp em giống như thế này nữa được không?

- Em vẫn luôn chờ đợi điều đó!

Vy nói rồi lại như mơ màng vào trong đôi mắt biên biếc của cô lúc nào không biết. Nhưng có một điều Vy luôn biết, rằng cô lại nở nụ cười hiền lành, sau lớp khẩu trang.

...

Đang cho xe chạy trên con đường cát ngoằn ngoèo những nhánh xương rồng chi chít quả đỏ, cô chợt dừng xe rồi hiếu kỳ bước tới một cồn cát. Mấy vỏ ốc đủ màu chỉ li ti bằng nút áo, long lanh như ngọc cứ ánh lên dưới nắng làm cô thích thú. Dùng tay cời cát càng sâu thì vỏ ốc xuất hiện càng nhiều, có con xám bóng, có con nâu đỏ, có con vàng đồng, có con lại xanh biếc xen đủ hoa văn. Cô thích thú cời cát rồi nhặt bỏ vào ngăn giỏ, say mê đến nổi cát nóng làm đỏ tay cô mà cô cũng không nhận ra. Nhưng rồi từ xa, Vy bỗng lên tiếng khiến cô giật mình:

- Cô!

Cô nheo mắt đứng bật dậy:

- Vy?

- Lúc nảy cô về rồi em cũng quay trở vào tiếp tục làm cá, nhưng mà không hiểu tại sao cứ thấy xốn xang, lo lo thế nào, không chịu được nên em lấy xe đạp chạy theo cô, không ngờ lại gặp cô ở đây!

Vy nói rồi nhìn xuống mớ vỏ ốc vẫn còn kiêu hãnh nằm trong tay cô:

- Ốc ruốc?

Cô giơ mớ ốc lên trước mặt Vy:

- Mấy con này tên là ruốc hả?

Vy bật cười:

- Không phải ruốc, mà là ốc ruốc, tại nó nhỏ y như con ruốc nên mới có tên như vậy đó! Hồi nhỏ cá tôm đánh bắt được ba má đem bán hết để đổi gạo với tiền đóng học phí cho tụi em, tụi em toàn luộc tụi nó ăn, coi nhỏ vậy mà ngọt thịt không chịu nổi luôn đó cô! Mà cô thích tụi nó hả?

Cô mân mê:

- Nhìn nó đẹp quá, li ti trông đáng yêu thế nào, cô chưa được thấy tụi nó bao giờ! Mà...tụi nó nhỏ như vậy cũng ăn được hả?

Vy cúi xuống cồn cát cời cời, thổi thổi một lúc rồi trao vào tay cô thêm một mớ ốc nữa:

- Lúc triều lớn tụi nó bị sóng biển đánh dạt vào rồi nằm ở đây, không ai ngó ngàng tới, chỉ có ít thương lái thi thoảng đặt mua để mang lên bán cho người thành phố ăn chơi thì dân ở đây mới đi cào! Nghe đâu họ luộc lên, nêm nếm đủ thứ gia vị rồi bán bằng lon đó cô! Còn tụi em thì hay nhặt để làm đồ trang trí trong nhà, con nít thích tụi nó lắm! Người ta còn nói, nếu nhặt được 1000 cái vỏ ốc ruốc mang bỏ vào hủ sành mà không bị vỡ con nào, sau đó thả ra biển vào lúc trăng tròn và lên cao nhất cho sóng mang đi thì lúc đó điều ước của mình sẽ thành hiện thực!

Cô long lanh đôi mắt:

- Thật như thế hả?

Vy cười gật đầu.

Cô bỏ nắm ốc vào trong ngăn giỏ rồi xốc xốc mấy cái để đảm bảo chúng không bị cấn vào nhau:

- Mà nó mảnh quá, chưa gì mà mớ ốc này của cô đã bị vỡ hết rồi!

- Nên mới khó đó ạ! Lúc nhỏ tụi em hay để dành mấy chai đựng rượu của ba để bỏ ốc, nhưng mà chừng khoảng vài trăm con thì mấy con phía dưới lại bị vỡ ra, thế là ngồi trút hết để nhặt con bị vỡ đem bỏ, rồi lúc bỏ con mới vào thì lại tiếp tục bị vỡ, cứ như vậy tới bây giờ, riết rồi cũng lười nên tụi em không đứa nào làm được hết!

Cô cúi xuống nhặt thêm cái vỏ ốc đang lấp lánh dưới cồn cát rồi lặng người nhìn ra xa sa mù:

- Cô sẽ thử một lần xem thế nào!

Vy đề nghị:

- Mà...cô thấy trong người thế nào rồi, cô thật sự không sao chứ, tự nhiên em muốn ngồi ở đâu đó với cô, hay mình ra biển đợi hoàng hôn nha cô!

Cô gật nhẹ đầu, nụ cười hiền lành lại ẩn hiện phía dưới đôi mắt biên biếc, sau lớp khẩu trang. Vy lấy trong cặp một túi cam Vy vừa tìm mua được bỏ vào rổ xe cô.

- Cô vắt lấy nước uống sẽ đỡ khan tiếng!

...

Biển sắp về chiều sóng ít vỗ hơn buổi sáng mà chỉ rì rầm. Chắc là buổi chiều trên đảo vắng lặng và buồn hơn. Cô đứng lặng người nhìn về ngọn hải đăng không tên nằm cô độc trên một hòn đảo cách nơi này khoảng hai dặm biển. Dưới cái nắng mặn mòi cá tôm và hơi muối, tuy đã đổ nát lổm chổm khiến người từ xa còn thấy rõ những bậc thang bằng đá ong xám rêu mốc bên trong nhưng chẳng hiểu vì sao đã qua biết bao năm tháng, nó vẫn còn hùng vĩ và uy nghi đứng đó, tự hào rực sáng trên biển đêm chỉ bằng những ngọn lửa giữ bằng dầu.

- Cô có vẻ thích ngọn đèn ấy hả?

Vy thình lình lên tiếng khiến cô giật mình.

- À không, cô chỉ hơi tò mò về nó, nhưng hình như đã bị xuống cấp hết rồi, chả biết tên của nó là gì nữa!

Vy bật cười:

- Không ai biết tên của nó cả, người lớn tuổi nhất cũng chỉ biết rằng nó là một ngọn đèn nhỏ đã có từ thời Pháp thuộc, rồi sống còn với chiến tranh thế nào mà tuy đã bị tàn phá nặng nề lắm rồi nhưng cô thấy không, nó vẫn sừng sững đứng ở đó, nghênh ngang và vững chắc!

Cô bước ra gần biển hơn:

- Vậy ra, nó là ngọn đèn bị bỏ hoang hả Vy?

- Nói bỏ hoang thì cũng không đúng!

Cô chớp mắt nhìn Vy:

- Đúng rồi, hình như bác Quân cho cô thuê nhà đang sống trên ngọn đèn đó!

Vy cúi xuống nhặt một con còng gió vừa ngoi lên mặt cát:

- Đã lâu rồi bác Quân không về nhà mình cho đến khi cô chuyển về đây và đồng ý thuê nó, ba em nói, bác ấy đã sống trên ngọn đèn hơn 30 năm rồi, hàng ngày thì cắm cúi chăm sóc cái vườn dược liệu gì đó dù đất trên đảo cằn cỗi lắm, đêm đến thì lặng lẽ thắp hết mấy trăm cái tim đèn, bác ấy chỉ rời ngọn đèn và trở về xóm chài khi hết dầu thắp đèn và đồ dùng cá nhân thôi!

Cô chau mày:

- Bác ấy sống độc thân như vậy từ đó đến giờ sao?

Vy thả con còng cuống biển:

- Bác ấy vẫn có một gia đình rất hạnh phúc là một người vợ hiền lành và một đứa con!

- Thế bây giờ vợ và con của bác ấy đâu?

- Vợ bác ấy sinh khó, bác ấy không có tiền chuyển lên bệnh viện lớn nên cả hai mẹ con đều bỏ bác ấy đi cả rồi!

Cô lặng người:

- Tội nghiệp bác ấy quá! Vậy chắc là, bàn thờ của hai mẹ con, bác ấy cũng đặt trên ngọn đèn hả Vy?

Vy gật nhẹ đầu:

- Thỉnh thoảng, ba em có mang dầu thắp đèn ra biếu bác ấy và ít trái cây thắp nhang cho hai mẹ con, những lần như thế, bác ấy đều gửi cho ba rất nhiều dược liệu khô!

Cô yên lặng không nói nữa mà chỉ bước ra gần biển hơn. Sóng mang theo cát tràn vào chân cô lạnh ngắt, ướt cả ống quần. Cô nhắm nghiền mắt hít hà hơi gió muối.

Vy cũng lẳng lặng bước theo sau vì sợ cô bị ngã khi sóng bất chợt lớn mà không nói gì. Mãi một lúc sau Vy mới lên tiếng:

- Cô đã thấy quen với không khí và con người ở đây chưa?

- Cô cũng không biết nữa!

Cô mở mắt, quay lại nhìn Vy:

- Có những con cá khô vừa nhìn qua thật sự trông rất đẹp và ngon, nhưng mùi tanh và vị mặn thì ít ai nhận ra vì dường như họ chỉ mải châm châm vào bề ngoài mà quên đi cái thật sự họ cần là gì, đáng ra sẽ là những điều khó chấp nhận nhưng họ lại xem đó là điều nghiễm nhiên, bình thường!

Vy chau mày:

- Cô đang muốn nói đến một người nào đó có vẻ bề ngoài luôn hoàn hảo trong mắt mọi người, nhưng thực chất người đó lại không tuyệt vời như vậy?

- Em đúng là một cô bé thông minh! Nhưng thật sự, cô cũng không biết là mình có nên tiếp tục với những tích cực mình đang làm không nữa, nó có quá đáng không với một nơi vốn dĩ luôn tôn trọng sự dễ dàng!

Cô nói rồi lại lặng người nhìn về ngọn hải đăng. Trông nó cô đơn thật. Vy vẫn đứng sau cô, đôi chân ngập trong nước biển mặn chát.

- Em không biết người cô đang muốn nói đến đó là ai, nhưng em tin chắc, điều cô làm sẽ luôn luôn là những điều tốt đẹp! Cô là một giáo viên rất giỏi và chuẩn mực!

Cô quay lại nhìn Vy:

- Em nghĩ về cô như thế thật sao? Em không sợ mình sẽ lầm hả?

- Cũng giống như cô luôn khen ngợi em là một cô bé thông mình, em nghĩ cô cũng không sợ rằng mình sẽ lầm!

Cô bật cười nhìn theo từng lớp sóng đang vỗ về đôi chân mình. Vy bước lên ngang bằng cô.

- Gia đình cô...ở thành phố thế nào, sao cô lại chuyển về đây một mình?

Cô ngước nhìn người đứng bên cạnh. Ngược lại mái tóc ngang vai lúc nào cũng cuộc một đuôi gà nhỏ xíu của An, Vy không để tóc dài mà luôn cắt trên vai một chút.

- Gia đình cô, họ đều sống ở nước ngoài, ba mẹ giận cô vì một mực đòi ở lại, thế nên cũng lâu rồi họ không liên lạc về bên này cho cô!

- Sao cô không sang nước ngoài cùng với ba mẹ?

Cô lắc nhẹ đầu:

- Cô muốn một mình ở lại nơi này để thực hiện những điều tốt đẹp mình có khả năng, tự mình nuôi sống bản thân và không làm phiền đến cuộc sống của bất kỳ ai khác nữa!

Vy cắn môi lặng đi một lúc rồi nhìn cô, dè dặt:

- Có phải, cô đã từng kết hôn?

- Đã chẳng còn gì nữa! Vốn dĩ, người ta không hề chấp nhận cô dù chỉ một lần! Cũng tại vì cô tham lam nên cố chấp!

Cô nói rồi vô thức bước ra gần biển hơn, đôi chân vùi vào cát lúc nào khiến sóng biển vỗ cao đến nổi ướt cả vai áo. Vy lo lắng giữ tay cô:

- Cô đừng đi ra xa nữa, sẽ nguy hiểm lắm!

Tay Vy ấm quá, khiến cô như được trở về từ cõi chết và ở yên đó tham lam tận hưởng, nhưng hình như cô bỗng nhận ra sự ích kỷ của mình nên run rẩy rút khỏi tay Vy.

- Cô xin lỗi!

Vy lặng người nhìn cô:

- Tay cô lạnh quá!

Cô ái ngại:

- Cô xin lỗi, tự nhiên chuyện của cô lại khiến em buồn! Mình nói chuyện khác vui hơn Vy nhỉ?

Vy cười hiền lành:

- Là em tự hỏi mà, đâu phải cô tự nói, nhưng thật tâm em muốn biết!

Cô hướng nhìn mấy tảng đá gần đó ý định tìm chỗ để cùng Vy ngồi xuống thì bỗng mở tròn mắt khi thấy một chùm hoa trắng muốt trông rất lạ đang yêu kiều đung đưa, dưới ánh nắng lất phất những giọt nước biển li ti mà gió mang theo, trên cánh hoa của chúng như ánh lên cầu vồng.

- Vy ơi, ở đằng kia có hoa gì trông đẹp quá!

Vy nhanh chóng hướng theo cô rồi nheo nheo mắt:

- Nếu em không lầm, thì hình như nó là hoa của cây chùm gọng!

Cô lẩm nhẩm một mình:

- Chùm gọng...đúng rồi, nó còn có tên gọi khác là ngọc nữ biển phải không Vy?

Vy thích thú nhìn cô:

- Kiến thức của cô rộng quá!

Cô bật cười:

- Ngày xưa đi học, cô chỉ được nhìn thấy những hình vẽ qua sách vở rồi tự hình dung, tưởng tượng, chứ chưa thấy chúng ở ngoài bao giờ cả!

Vy thình lình nắm tay cô rồi chạy về hướng có chùm ngọc nữ biển trắng muốt. Cô giật mình nhìn xuống bàn tay gầy nhưng ấm áp đang nắm chặt lấy tay mình, tự nhiên những tiếng tim lì lợm lại rộn ràng đập. Nửa muốn dứt khỏi nửa lại ích kỷ chẳng muốn rời xa. Cuối cùng, cô vẫn để yên tay mình trong tay Vy.

Vy nâng chùm hoa lên định bứt nhưng cô ngăn lại:

- Vy ơi đừng! Nó đang rực rỡ mà!

Vy hiểu ý cô nên đặt nó lại chỗ cũ:

- Em định hái để tặng cô, nhưng mà bây giờ thì em hiểu rồi, cô chỉ thích ngắm hoa khi chúng còn trên cành thôi!

Cô tì gối xuống cát nhẹ nhàng nâng chùm hoa nép trong mỏm đá thích thú ngắm nghía. Nhìn cái cách cô say mê Vy đủ hiểu cô yêu chúng như thế nào.

- Chắc loài cây nào, cô cũng yêu thương và nâng niu chúng như thế?

Cô mỉm cười, dưới nắng chiều vàng ươm đôi mắt cô lại như xanh thẳm.

- Chúng thật sự rất đẹp và đáng yêu! Ơ, mà hình như ngọc nữ biển có quả đúng không Vy?

Vy gật đầu:

- Cô định mang chúng về trồng trong nhà của bác Quân hả?

- Cô muốn thử mang chúng về chăm sóc xem sao!

Vy ngẫm nghĩ một lúc rồi đề nghị:

- Ở trên đảo theo em được biết chúng mọc rất ít, chỉ lưa thưa một vài bụi nhỏ nhưng không rõ khi nào chúng có quả nữa, nhưng mà em biết có một nơi, chắc chắn sẽ có rất nhiều cây con, cô thử mang cả cây con về trồng cho nhanh!

Cô lấp lánh mắt nhìn Vy:

- Là nơi nào hả Vy?

Vy đứng dậy, nhảy lên tảng đá rồi chỉ tay ra một cái hòn nhỏ xíu nằm lạc lõng giữa biển xanh:

- Em nhớ mấy lúc theo ba đi thuyền gặp sóng lớn có ghé qua hòn nhỏ đó mấy lần, ở đó không có ai sống cả nhưng cây cỏ lại rất màu mỡ!

- Ở trên đó có rất nhiều ngọc nữ biển?

Vy gật đầu:

- Vì thế nên người ta đặt tên nó là hòn chùm gọng! Cô có muốn ra đó không? Đợi vài hôm nữa sức khoẻ cô tốt hơn, em sẽ lấy thuyền thúng đưa cô ra đó!

Cô như hạnh phúc ngập tràn trong đáy mắt:

- Cô sẽ cố gắng giữ sức khoẻ của mình tốt hơn và chờ Vy!

Vy lại cười hiền lành nhìn cô, mà chính xác hơn là nhìn vào đôi mắt biên biếc như đại dương sâu thẳm. Những lúc như thế Vy như lạc vào cả thiên đường gì đó mà Vy không thể định nghĩa được. Ráng chiều vàng rực giăng khắp trên đảo lúc nào cả Vy và cô cũng không hay.

***

- Nhìn dáng vẻ cũng ngon đó nhưng mà nghiêm khắc quá, Thiên Nga là trò cưng của thầy Chí Huy, làm lớp trưởng mấy năm liền bả cũng dám cách chức! Phen này tụi mình mà hó hé là chết sạch hết cả đám!

- Chỉ là sinh học thôi chứ có cái gì mà bả làm thấy nóng lạnh, cứ y như không có môn đó của bả thì tụi mình khỏi thi tốt nghiệp!

- Bả làm riết tụi mình quậy bả chịu không nổi cũng đi sớm thôi! Mà không biết sao cứ đeo khẩu trang kín mít, không biết bệnh hoạn kiểu gì nữa!

- Nghe nói có chồng rồi, mà sao không thấy đeo nhẫn, chắc khó quá nên bị chồng bỏ!

- Mà sao bả trắng ghê quá, nhìn thẳng đét từ trên xuống dưới giống y chang như mấy con khô mực ở nhà má tao phơi!

- Bả có con cái gì chưa ta? Cũng không biết là sẽ ở lại bao lâu nữa!

- Chắc dạy vài tháng không ai hợp tác, chán rồi cũng đi sớm thôi, ở đây thầy cô xưa nay chỉ đảm bảo cho học sinh lên lớp để tốt nghiệp, chứ có bao nhiêu học sinh đâu mà còn làm khó rồi đánh rớt thì có nước cả xóm chài ở đảo nhận mắm ăn suốt đời! Chỉ có mấy trường hợp quá lắm như con Thuận An mới bị hạ hạnh kiểm rồi không được tốt nghiệp! Mà không biết nó có nghe vụ hôm thứ bảy Thiên Nga bị cách chức chưa ta?

- Chắc là chưa đâu, nếu có thì chiều hôm đó nó đã làm om sòm lên chứ đời nào để cho bả yên! Nó bị biến thái lại có tính côn đồ, đụng tới nó thì không sao, nhưng đụng tới Thiên Nga của nó thì không xong với nó rồi!

- Vậy lát nữa gặp nó mình có nên cho nó biết không ta?

- Đảm bảo chút nữa tụi lớp nó cũng đồn rần lên, tội gì phải nói!

- Nó kìa tụi bây! Nhắc tiền nhắc bạc thì sướng biết mấy!

- Ê An, nghe nói bữa trước mày tính gạ bà Thi Ân mà không dính, kết cuộc bị bả cho lên sổ đầu bài ngồi thầu phải không?

An đang khoan thai quải cặp liền phóng mắt quay lại:

- Bà nào? Thi Ân gì?

Thằng Tuấn mập khinh khỉnh:

- Thì bà Thi Ân dạy sinh thay bà Phượng mới về đó chứ còn ai vào đây? Đừng có nói với tụi tao là mày rình thấy bả đi nhà xí rồi phê quá quên tên luôn nha? Ha ha ha!

An nhướng mắt, nhoẻn miệng cười:

- Sao tụi mày biết hay vậy? Tao còn biết là ở nhà, bả mặc áo vú màu gì nữa kìa!

Tụi thằng Tuấn nghe thấy thế liền cười phá lên.

- Sư huynh, hay quá! Đúng là không hổ danh anh hùng nhìn trộm thiếu nữ đi tắm năm xưa! Vậy chẳng hay, sư huynh đã nhìn thấy mặt bả rồi chứ gì? Ê, có đẹp giống ở mấy chỗ sư huynh đã rình thấy rồi không vậy?

An nhếch miệng:

- Cái mặt hả? Tao bận nhìn mấy chỗ khác ngon hơn, nên quên nhìn rồi!

An nói rồi quải cặp tiếp tục bước đi. Thằng Tuấn bồi thêm:

- Vậy thì bữa nào giật khẩu trang của bả, cho huynh đệ cùng chiêm ngưỡng với nào!

An cười đểu:

- Được! Dù gì hôm tuần trước cũng đã làm mất mặt Thuận An này rồi, vậy thì Thuận An này cũng không nể mặt!

Lần này An nói rồi đi luôn. Tụi thằng Tuấn đắc ý định quăng thêm mấy câu nữa để khiêu khích nhưng hình như thấy An có vẻ sẽ hợp tác nên đành thôi.

...

- Hôm thứ bảy mày có biết chuyện gì chưa?

Vy thấy An vừa quăng cặp xuống bàn đã lên tiếng nói.

An không quan tâm mà chỉ lôi cái khung kẽm với bịch vỏ ốc khô ra tiếp tục dán.

Vy lôi từ hộc bàn thêm bịch vỏ ốc Vy đã lể rồi phơi nắng phụ An để lên bàn:

- Không phải mấy chuyện học hành như bình thường tao nói đâu, chuyện này thật sự nghiêm trọng!

An nhướng mắt nhìn Vy nhưng không trả lời. Vy nghiêm mặt nói:

- Hôm thứ bảy sinh hoạt lớp cô Thi Ân đã đổi cho con Yến Thanh làm lớp trưởng thay Thiên Nga rồi!

An đứng bật dậy:

- Mày nói cái gì? Cách chức lớp trưởng của Thiên Nga? Bả dám?

Vy kéo tay An, ấn An ngồi xuống:

- Mày bình tĩnh lại đi, nghe tao nói, không phải tự nhiên mà cô làm như thế mày hiểu không?

- Mày không cần nói để bênh vực cho bả! Mày thấy hôm đầu tuần rồi, rõ ràng là bả đang nhắm vào tao, cố tình gọi tao lên trả bài cho đã rồi lại lôi chuyện hai bài kiểm tra vào, xoá điểm của tao! Mày nghĩ thử xem, cả một lớp mười mấy đứa bả không gọi mà sao lại cứ phải là tao? Bây giờ ỷ mình làm chủ nhiệm thì vô lý thay đổi cán sự lớp! Bả chỉ là một giáo viên quèn mới từ thành phố về đây thôi, không chừng ở trong ấy bị đuổi hay kỷ luật mới trốn ra cái đảo hẻo lánh này rồi tự do tung hoành! Lần trước là tao nên tao còn bỏ qua, nhưng lần này là Thiên Nga! Tao phải dạy cho bả một bài học mới được!

An nói rồi tức tối định lao đi nhưng Vy đã kịp khoác tay An lôi An ngồi xuống:

- Hôm đầu tuần mày có biết vì sao cô chỉ gọi một mình mày lên trả bài không? Là vì những tiết học trước mày không chép bài, cô đã mấy lần nhắc nhở nhưng mày lại không để tâm, rồi lúc gọi mày lên trả bài cô cũng cho mày rất nhiều cơ hội từ việc hỏi những câu đơn giản đến nổi ai cũng có thể trả lời được còn mày thì lại không! Tại sao mày không chịu suy nghĩ thoáng hơn mà lại cứ khăng khăng quy hết vào cho cô?

An hùng hổ:

- Được! Những điều mày nói tao chấp nhận! Nhưng còn Thiên Nga? Thiên Nga xinh đẹp, có tài lại học giỏi, vậy thì việc bả thay người khác làm lớp trưởng thì mày giải thích thế nào?

Vy gật nhẹ đầu:

- Đó mới chính là điều mà nảy giờ tao muốn nói để mày bình tĩnh suy nghĩ, Thiên Nga với mọi người là hình mẫu tốt, cô Thi Ân là giáo viên chuẩn mực, nhưng tại sao họ đi ngược lại với nhau trong khi một cán sự lớp, một chủ nhiệm như thế sẽ góp phần đưa khối 11 trở nên nổi trội?

- Rõ ràng là bả đang ganh tị với Thiên Nga mà! Hôm trước trời mưa trong nhà xe thấy tao lo cho Thiên Nga, còn bả thì phải lủi thủi ra về một mình trong mưa, chắc lâu rồi không được ai yêu thương, thấy chướng mắt nên kiếm chuyện chứ gì!

- Sao mày lại nghĩ cô như vậy, chuyện tình cảm mày dành cho Thiên Nga thì việc gì cô phải ganh tị chứ?

- Tụi nó đang đồn khắp trường là bả bị chồng bỏ đó mày không biết à?

An trừng mắt nói rồi hồng hộc bỏ đi. Vy lặng người sau câu nói của An rồi chợt giật mình gọi với theo:

- Gần vào tiết rồi mày còn đi đâu vậy? Mày bỏ tiết nữa hả? An! An!

...

Vừa thấy Nga về tới cổng An đã lao tới nắm tay Nga kéo đi:

- Cất xe đạp rồi theo An trở lên trường! An sẽ đòi lại công bằng cho Nga!

Nga giật tay lại:

- An làm đau Nga! Mà công bằng gì? Tối đến rồi còn đi đâu nữa!

- Chẳng phải, bà Thi Ân không cho Nga làm lớp trưởng nữa sao?

Nga xụ mặt xuống:

- An nói tới chuyện đó làm gì nữa, con Thanh cũng đã thay Nga nhận chức rồi!

An liếm môi:

- Con Thanh lúc nào cũng xếp sau Nga, lại khù khờ thì làm được trò trống gì chứ? Bả đúng là tác oai tác quái mà Đi! Đi theo An!

Nga lùi lại:

- Làm lớp trưởng bao nhiêu năm nay, tự dưng bây giờ đùng một cái không còn được làm nữa, Nga cũng buồn thật, nhưng mà...

- Không nhưng nhị gì hết, đi tìm thầy Chí Huy, chẳng phải thầy Chí Huy thương Nga lắm sao? Thầy Chí Huy sẽ giúp Nga! Vị trí đó đâu phải ai muốn làm khơi khơi là được! Nó phải dành cho người xứng đáng chứ?

- Nga...

Nga ậm ừ nhìn xuống đất rồi đảo mắt liên tục:

- Thôi An! Bỏ đi! Nga...Nga vô nhà đây! An về đi!

- Sao lại bỏ qua dễ dàng như thế được chứ?

- Nga đã nói là bỏ đi mà!

Dứt lời, Nga dắt nhanh xe đạp, ngoáy lại cọng kẽm trên cổng rồi đi thẳng vào nhà. An lừ lừ đôi mắt nhìn theo dáng Nga cho đến khi Nga khuất sau sào phơi cá.

- Nga yên tâm đi, vừa quá đáng vừa ngang ngược, bả sẽ không yên với An đâu!

An đá mạnh cồn cát dưới chân khiến nó vỡ nát, văng lên mịt mù rồi bỏ đi.

***

- Thi Ân!

- Thầy gọi em?

- Về trường cũng được một tháng nay rồi, em thấy môi trường ở đây thế nào, có ổn không?

Cô ngước lên nhìn người đàn ông vạm vỡ trước mặt:

- Có thế nào thì đó cũng đã là sự lựa chọn của mình rồi ạ! Mình phải xem những khó khăn là thứ để vượt qua và chinh phục chứ!

Thầy Chí Huy cười giả lả:

- Em đúng là một cô gái mạnh mẽ, chỉ mới có mấy tiết dạy thôi, nhưng em đã làm đảo lộn gần như tất cả mọi thứ rồi đó cô gái ạ!

Cô chớp mắt:

- Ý của thầy...muốn nói đến em Thiên Nga?

Thầy Chí Huy nhướng mày:

- Cũng không hẳn! Vì còn nhiều lắm, từ khối 6 đến cả khối 12, cô Thi Ân mới về, nghiêm khắc, khó chịu quá thể, đà này học sinh giỏi chắc sẽ bị khống chế môn sinh!

Cô trầm tĩnh nói:

- Em nghĩ trường chúng ta nên thay đổi suy nghĩ và tư tưởng rằng, môi trường và điều kiện không cho phép thì buông lỏng các em học sinh, như thế các em sẽ quen với sự dễ dàng đó và đến khi bước vào cánh cửa tương lai sau này, các em sẽ bị hụt hơi rồi dần bị đào thải bởi cái đang phát triển của xã hội!

Thầy Chí Huy gật nhẹ đầu:

- Đó là cách nghĩ tốt, tôi ủng hộ, còn việc thay đổi vị trí lớp trưởng của Thiên Nga, tôi có thể biết lý do không?

Cô lặng đi một lúc rồi dè dặt:

- Thầy đã chủ nhiệm lớp của Thiên Nga từ cấp hai rồi đúng không? Em nghĩ thầy phải là người hiểu hơn ai hết! Em ấy không xứng đáng thì em phải tìm người xứng đáng để thay thế! Muốn cả đàn chim không bay lạc hướng thì con đầu đàn phải bay đúng hướng, và người nuôi chim phải sáng suốt để chọn đúng con đầu đàn! Em xin phép về văn phòng trước!

Cô nói rồi cúi đầu quay đi. Thầy Chí Huy câng câng nhìn theo, vẻ hứng thú vì bản lĩnh của cô gái phía trước, vẻ như thách thức xem một mình em thì có thể làm nên trò trống gì, trong khi hiện giờ dường như cả trường đang không hề có thiện cảm với em, một giáo viên khó tính không đúng chỗ.

***

Cô dắt xe đạp len qua hai hàng cùm rụm chi chít trái rồi dừng trước ngôi nhà mái thiếc vách đất nhưng nghênh ngang, vững chắc. Lúc mới chuyển về đảo, cô còn buồn nôn bởi trăm nghìn mùi tanh và mặn mòi của biển, nhất là khi bất kỳ nhà nào trên hòn đảo này cũng sinh sống bằng nghề đánh bắt, làm khô, nhận mắm, thi thoảng còn có vài ba ruộng muối vào mùa nắng gắt. Làng chỉ có một ngôi trường duy nhất là nơi cô đang công tác và một cái chợ bán lai rai suốt ngày nhưng nói đúng hơn là những hộ có kinh phí chuyển nhu yếu phẩm từ đất liền về bán kiếm lời. Đi đến đâu cô cũng bắt gặp những sào phơi cá đủ cỡ, đủ kiểu, mấy tấm phên bắt trên ghế đẩu hay có khi là mấy cái nong lớn nhỏ hoặc những tấm bạc nối tiếp nhau trải dài trên cát. Và trước sân của ngôi nhà này cũng không ngoại lệ.

Một bà cụ đội nón lá trông còm cõi đang hì hục dưới nắng trở mấy con khô. Nghe tiếng bước chân trên cát, bà vịn nón lá, nheo mắt nhìn lên:

- Cô giáo đến mua cá hay có chuyện gì không?

Cô vội vã đá chống xe rồi cầm giỏ bước vào:

- Dạ cháu đến để tìm mua mắm mực thưa bà! Hôm trước đi chợ, cháu nghe bảo mắm mực của bà có thính với con men thơm lắm, mực lại dai vừa phải chứ không mềm oặt, thối như mắm mực ở nhà khác!

Bà cụ giở nón lá đứng dậy, mặt lo âu:

- Cô giáo có mua thì cứ đến mua chứ đừng nói của nhà tôi ngon hơn nhà nào, xung quanh xưa nay người ta đã có hiềm khích với nhà tôi rồi, người ta nghe được người ta ghét luôn cả cô giáo đấy! Cô giáo lấy nhiều không?

- Dạ, cháu mua trước một ký ạ, cháu sợ mang về không biết bảo quản, hư thì lại phí! Nhưng mà...người ta có hiềm khích là sao ạ, cháu không hiểu lắm!

Bác cụ lắc lắc đầu:

- Chuyện đó cô giáo đừng quan tâm, mà tôi bán bốn mươi ngàn một ký, cô giáo có vui lòng không?

- Dạ vâng ạ!

- Cô giáo đi theo tôi!

Bà cụ nói rồi đi thẳng xuống gian bếp, nơi có mấy cái khạp lớn nhỏ chất chồng lên nhau. Cô chậm rãi bước theo bà.

- Trong lớp cô giáo ráng để ý con Thuận An giúp tôi, từ nhỏ nó đã học kém lại nghịch ngợm, chẳng biết rồi năm sau có được tốt nghiệp như người ta không nữa!

Cô giúp bà cầm bịch mủ:

- Sao bà biết cháu là giáo viên của em Thuận An ạ?

Sau khi ôm một lượt mấy cái khạp bỏ xuống đất, bà mới hài lòng mở nắp một cái khạp đã mất gần hết lớp men. Và lạ thay, một mùi thơm vô cùng kích thích vị giác lập tức bốc lên, tuy là mắm nhưng những con mực lại căng nõn, còn nguyên râu nằm phơi mình chất chồng lên nhau trông rất đẹp. Bà cho tay vào một cái bịch khác khéo léo dở từng con mực đã ngấm gia vị lên xem xét rồi bỏ vào cái bịch trên tay cô.

- Cái đảo này chỉ bằng cái lỗ mũi, cô giáo về cả xóm chẳng ai là không biết, và nhất là cô giáo lại nhỏ nhắn, trắng trẻo, vừa nhìn qua thì đã biết người thành phố, không đen đúa, nhăn nheo và khô đét như người ở đây!

Cô cười hiền lành:

- Bà quá khen rồi ạ, do cháu từ lúc sinh ra chỉ biết có ăn rồi đi học, đi dạy, còn người lao động ở đây từ lúc sinh ra đã biết cần cù, sinh nhai, cháu làm sao dám so sánh ạ!

Bà cụ chỉnh lại cái cán cân tróc sơn rồi cầm bịch mực bỏ lên giá.

- Được rồi, tôi cân dư cho cô giáo đó, nếu nhà cô giáo có lọ thủy tinh hay vại sành thì bỏ vào sẽ giữ được lâu lắm, đừng bỏ vào hủ nhựa, muối mặn ăn nhựa sẽ rất độc!

Cô mở giỏ xách lấy tiền đưa cho bà rồi lễ phép cầm bịch mực:

- Dạ vâng, cháu biết rồi ạ, cháu cảm ơn bà nhiều lắm! Cháu xin phép! Hôm khác cháu sẽ lại đến mua nhiều hơn!

Cô nói rồi quay lưng ra về. Bà cụ nhanh chóng nhét tiền vào túi áo, lúc chuẩn bị đậy lại nắp khạp bỗng rút thêm cái bịch mủ:

- Cô giáo bỏ thêm cho chắc chắn, trên đường không khéo nó lại vỡ ra!

Cô cười hiền lành bỏ bịch mực vào cái bịch bà cụ dở sẵn rồi cảm ơn, thầm cảm thán bà thật chu đáo và tốt bụng, chỉ tội không nói được đứa cháu gái cứng đầu, chắc bà phải buồn lòng lắm.

Cô cầm bịch mực đi ra thì cũng vừa lúc An cho xe đạp vào trong sân. Thấy cô xuất hiện ở nhà mình, An hất hàm:

- Cô ăn uống gì mà tới đây?

Cô trầm tĩnh mỉm cười nhìn An:

- Em vừa tan học đó hả, cô nghe bảo ngoại em làm mắm mực rất ngon nên hôm nay cô đến để mua về dùng thử! Đúng là trăm nghe không bằng một lần thấy, chỉ mới ngửi mùi thôi mà đã thấy nhớ nhiều như vậy rồi!

- Chẳng bằng ăn cho nát cái xóm này bị đau bụng mới mò tới đây!

An nói rồi câng câng dắt xe đạp vào nhà, đoạn cầm cái cặp quăng lên chõng tre.

- Từ nhỏ đến lớn, cô thật sự chưa biết mắm mực là món ăn như thế nào!

An gầm gừ quay lại:

- Vậy thì định tới đây mua về ăn rồi hôm sau lại la toáng lên là mắm mực nhà tôi gây ngộ độc chứ gì?

Cô kiên nhẫn nhìn An:

- Dù sao em cũng là học sinh của cô, em nhỏ tuổi hơn cô rất nhiều, sao em lại ăn nói với cô như vậy?

An khinh khỉnh:

- Ở lớp thì cô có quyền nói tôi này nọ, chứ còn ở đây...- An nhổ nước bọt- Xin lỗi, ở đây là nhà tôi, cô đừng hòng dạy đời! Chuyện cô làm với Thiên Nga, tôi sẽ không bỏ qua đâu!

An nói rồi đi thẳng vào nhà. Cô thở dài nhìn theo cái dáng cao lêu khêu nhưng lại như có một gánh nặng gì đó luôn phủ trên bờ vai cô độc.

- Giá như Thiên Nga có thể giúp em thay đổi để tốt hơn!

Cô nói rồi lặng lẽ quay đầu xe đạp, leo lên yên và cắm cúi chạy. Mấy con cá khô trên sào đung đưa trong gió mỏng tang như những tấm rèm lụa. Đâu đó cô đã lại nghe hơi gió muối tràn về. Chắc là mùa hạn trên đảo sẽ lại đến.

***

- Được rồi, bài học của hôm nay như thế này là hoàn tất! Các em nhớ về xem bài trước, tuần sau lớp chúng ta sẽ có tiết thực hành nhóm, cô mong rằng các em sẽ cố gắng để có số điểm thật tốt!

Cô nói rồi từ tốn đứng dậy chào cả lớp. Phía sau lớp khẩu trang, nụ cười hiền lành lại bừng lên trên đôi mắt. Những lần như vậy Vy thấy mắt cô như ánh lên cả đại dương mênh mông, tuy sâu thẳm nhưng biên biếc, long lanh đến lạ thường. Vy đang lặng người nhìn theo dáng cô chuẩn bị bước đi rồi liên tưởng đến khuôn mặt giấu sau lớp khẩu trang đó thì An bên cạnh bỗng thình lình lên tiếng:

- Cô ơi, em không hiểu chỗ này, cô giải thích giúp em được không?

Vy giật mình nhìn sang An rồi chau mày khó hiểu. Tính An Vy hiểu hơn ai hết, có đời nào nó chịu quan tâm đến thầy cô giảng dạy cái gì mà hôm nay lại còn chủ động nhờ cô giải thích, hơn nữa còn là người mà nó đã công khai đối chọi, cạch mặt mấy tiết học liền. Vy thụi chỏ An:

- Mày lại muốn giở trò gì đây hả?

An nhếch miệng cười:

- Trò gì, tao chỉ muốn nhờ bả giải thích cái tao đang cảm thấy khó hiểu thôi mà!

Vy định nói thêm câu nữa nhưng cô đã bước xuống cạnh An:

- Hôm nay em chủ động hỏi bài cô, là một tiến bộ rất tốt, cô rất hoan nghênh việc này, hy vọng rằng câu hỏi của em và câu trả lời sắp tới đây của cô sẽ giúp em cảm thấy môn học này hay ho hơn là những tiêu cực mà em đã từng suy nghĩ trước đó!

An nhếch miệng cười:

- Cô không cần phải giả tri thức rồi dài dòng như vậy đâu! Vì cái mà em cần giải thích là thứ đang tồn tại sau lớp khẩu trang của cô kìa!

Dứt lời, An thình lình chồm về phía trước rồi với tay giật mạnh khẩu trang của cô vứt xuống đất. Ngay lập tức, cả lớp như nín lặng nhìn về một hướng. Vy há hốc miệng, mở to mắt đứng hình nhìn cô. Cô như một cú trời giáng làm cho bất ngờ không thể định hình trong một lúc. Cô lảo đảo rồi suýt té ngã nhưng hình như đâu đó đã có thứ gì mặn chát đang lưng tròng trong đôi mắt biên biếc mà Vy vẫn còn thấy long lanh lúc nảy, nhưng lúc này nó đã không còn long lanh nữa mà như vỡ tràn ra tung toé. Tổn thương, chua chát và xấu hổ thình lình tuôn trào ra. Cô bật khóc, một tay ôm lấy khuôn mặt rồi ứa nước mắt lao đi. Cả lớp bắt đầu xì xầm, lao nhao bàn tán.

- Đã vừa lòng, hả dạ mày chưa?

Vy thình lình quát lớn rồi vội vã quải cặp lên vai lao ra khỏi lớp. Vy đuổi theo cô.

An hướng ánh mắt đắc ý nhìn theo, cười khinh miệt:

- Thì ra mang khẩu trang bao nhiêu lâu nay là để giấu đi khuôn mặt quỷ! Tưởng tốt lành gì, vậy mà cứ tỏ ra kiêu hãnh! Để xem cô còn can đảm nào quay lại đây không? Là cô tự mình chuốc lấy, đừng trách học sinh tại sao hỗn láo!

Hết phần 1

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro