Chương 6: Hồ (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi từng đến Bourton on the Water thuộc vùng trung Nam, để vẽ lại cây cầu tuyệt đẹp ở đấy, cây cầu bằng đá, bắt ngang qua con sông Windrush cạn êm dịu. Cây cầu ở đây đặc biệt với thiết kế rất thấp. Bourton on the Water còn rất nhiều những ngôi nhà truyền thống bằng gạch. 
Điều tôi thích nhất ở nơi này, là người ta dùng cây cầu như một nơi dừng chân, bởi thiết kế thấp khiến cây cầu và con sông trở nên thật dịu dàng. Nhìn từ xa khó lòng mà cưỡng lại việc phải bước lên cầu đi dạo. Nơi này lại không quá đông, những đôi bạn trẻ thích đứng đôi bờ tán gẫu, thi thoảng có vài kẻ nghịch gợm xuống lòng sông đùa với nước. Quanh bờ sông là thảm cỏ xanh mướt tuyệt đẹp. Yên bình với thiên nhiên vô cùng. Có thể nằm dài trên cỏ mà ngước nhìn bầu trời xanh như biển. Dòng nước của con sông cứ như một tấm vải lụa, mềm đến nỗi tôi chỉ muốn được con sông ôm ấp. 

Nơi tôi ở phía Bắc, làng chày Cloverlly thuộc North Devon, nơi chẳng có gì ngoài mưa và gió rít. Nếu nhà làm phim nào muốn chuyển thể Đồi Gió Hú có thể chọn bối cảnh ở Cloverlly. Đôi lúc tôi vẫn tự hỏi tại sao lại chọn nơi này? Lúc mới mua căn nhà ở đường High St. Tôi rất khó chịu khi gió đập vào cánh cửa sổ, khiến tấm kính của cánh cửa va vào khung lỏng, tạo ra tiếng động cả ngày trời. Tôi gọi thợ đến sửa chữa ngay nhưng vì mưa bão mà qua hôm sau mới có người đến.

Tôi mua nhà ở đây vì làng chày Cloverlly có nhiều con đường cấm xe đi vào. Nơi đây không đông đúc lại càng yên tĩnh. Du khách cũng hiếm đến, bởi mưa và gió khiến người ta không quá hưng phấn khám phá. Cloverlly tự tách mình ra khỏi thế giới, nhiều người từng đến và ngỡ ngàng vì nước Anh vẫn còn một nơi hoang sơ đến vậy. Nếu chịu khó đi lên đồi, tôi hẳn sẽ trông thấy nhiều thứ rất thú vị. Chỉ là tôi quá yếu để cuốc bộ lên đồi.
Hầu hết khi ra ngoài, tôi chỉ đi dạo quanh đây. Dễ dàng nhận ra là những cư dân ở đây đều quen biết nhau, họ trò chuyện và chào nhau với nụ cười trên môi. Nhưng đây cũng là điều tệ hại nhất với một thị trấn nhỏ, bởi tất cả điều biết nhau, họ xem chuyện bàn tán đời tư của nhau là tất nhiên.

Tôi không quá thân với hàng xóm, nơi tôi lui đến nhiều nhất là phòng trà gần nhà. Cách tôi chừng năm phút đi bộ. Nhưng cũng có thể đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Có ai đó đã nói thế giới là tấm gương, ta cười với thế giới thì thế giới cười với ta. Còn tôi thì nghĩ, thế giới là một tập hợp rối loạn. Không thể dùng điều gì mà áp đặt. Người theo Tôn giáo thì cho rằng nhân loại là sản phẩm của Chúa, của các Đấng bề trên. Người theo học khoa học thì cho rằng nhân loại là thuyết tiến hóa của Darwin. Với họa sĩ như tôi, hẳn mọi thứ luôn theo một cảm xúc bất định mà chính tôi còn không giải thích nổi.

Sáng hôm nay, trời quang đãng hơn mọi khi. Nhưng vẫn còn đó dấu tích trận mưa trên mọi vật. Tôi đang ở tầng hai, nhìn qua cửa kính quan sát sân bên dưới. Lớp cỏ xanh được cắt tỉa gọn gàng. Những đoá hoa oải hương được thay thế cho luống hoa cúc đã chết úng trước kia. Gần đây mưa rất nhiều, nên tôi không thể ra vườn chăm sóc cho hoa cỏ.

Xem ra là công sức của Scarlett Lancaster. Vừa nhắc thì tôi đã nghe tiếng chân của cô ấy.

"Xuống ăn sáng Amy!" Lancaster nói. Tôi quay đầu nhìn cô ấy. Hôm nay Lancaster vận một chiếc sơ mi màu rêu, tay áo dài được cài nút chỉnh chu.

Tôi nhìn xuống luống hoa oải hương bên dưới. Rồi luyến tiếc rời đi.

Tôi dần nhận ra, Lancaster luôn đi sau lưng tôi. Mỗi khi gọi tôi xuống dưới nhà ăn uống, cô ấy sẽ đứng ở cửa. Khoanh tay chờ. Tôi lướt qua thì Lancaster mới đi cùng.

Ngồi bên bàn ăn, tôi uống một tách cà phê nóng và một lát bánh mình với mứt. Tôi chợt có một câu hỏi, Lancaster luôn ở gần tôi, cô ấy lấy đâu ra thời gian chăm sóc vườn nhỉ? những luống hoa, lớp cỏ rõ ràng được chăm rất tốt.

"Cô cắt cỏ và trồng oải hương trước nhà à?" Tôi hỏi.

Lancaster vừa lật một trang cuốn tiểu thuyết, vừa trả lời:

"Phải!"

Tôi nhìn tựa cuốn sách mà Lancaster đang đọc. Là Jane Erye. Cuốn sách có vẻ khá cũ.

Tôi tiếp tục hỏi:
"Cô làm vào lúc nào?"

Lancaster như đã đoán trước tôi sẽ hỏi câu này. Liền đáp ngay:

"Bốn giờ sáng mỗi ngày." Cô không nhìn tôi, vẫn tập trung vào trang sách trả lời.

Tôi không hình dung được việc ra sân, chăm sóc vườn vào bốn giờ sáng. Lúc đó trời vẫn còn chưa sáng, chắc chắn gió sẽ rất lớn, đến độ như roi quất vào da thịt.
Nhưng tôi hiểu, thời gian chăm sóc tôi, dọn dẹp nhà cửa đã là rất lớn. Muốn chăm sóc cả khu vườn thì chỉ có thể là lúc bốn giờ sáng.

Tôi nhìn Lancaster. Có chăm chú đọc sách, tôi nhớ trong tác phẩm này. Nhân vật Jane Erye từng bỏ chạy trong mưa bão. Có lẽ trận mưa mà Jane Eyre trải qua hệt như bầu không khí thường trực ở Cloverlly.

"Có vất vả lắm không? Hay để tôi thuê người khác làm vườn?"
Tôi nói, dù gì Lancaster cũng là nữ, tôi không an tâm khi cô ấy ra ngoài vào giờ đó. Thêm nữa, cô ấy đổ bệnh thì ai lo cho tôi?

Lancaster ngước mắt nhìn tôi, hàng chân mày nhíu lại. Lại ánh mắt đó nữa, ánh mắt tức giận.
Lancaster lên tiếng:
"Nếu thấy tôi vất vả, thì tăng lương cho tôi đi. Đưa thêm người vào nhà làm gì?"

Tôi im lặng giây lát. Cô ấy hiểu nhầm ý tôi là muốn tống cô ấy đi à? Hay cô ấy sợ tiền lương sẽ bị chia đôi khi có thêm người làm?

Tôi uống một ngụm nước. Bình thản trả lời, dù trong lòng có chút bực bội với Lancaster.
"Tôi sẽ tăng 15% lương cho cô."

Lancaster "hừ" một tiếng rồi tiếp tục đọc Jane Eyre. Đây là thái độ gì? Tôi vừa tăng lương cho cô ấy cơ mà?

Chết tiệt Scarlett Lancaster!!!
Tôi rủa thầm trong bụng.

Lúc này điện thoại di động của tôi đổ chuông. Là mẹ gọi.
Tôi nhanh tay bắt máy, để lâu mẹ chắc chắn mẹ sẽ lo lắng thái quá.
"chào mẹ!" tôi lên tiếng.

"Con vẫn khỏe chứ?" mẹ hỏi. Luôn là câu này mở đầu.

Tôi vui vẻ đáp:
"Rất tốt ạ. Hôm nay không có mưa. Con định cùng Lancaster ra ngoài dạo công viên."

Mẹ nghe tôi nói hết câu, liền cười vui mừng. Mẹ biết tôi luôn phải ở trong nhà vì sức khỏe. Nếu có thể đi ra phố được, mẹ luôn hết lòng ủng hộ. Mẹ lo lắng cho tôi nhưng không đồng nghĩa quản thúc.

"Con có thể vẽ tranh ngoài trời nếu có cảm hứng. Nhớ cẩn thận là được!"
Mẹ dặn dò.

"Vâng. Mẹ an tâm."
Tôi trấn an.

Mẹ cười.
"Được rồi, không phiền buổi sáng của con nữa. Nhớ đừng bắt nạt Lancaster, cô ấy vốn khá ít nói."

Chúa ạ, mẹ vừa nói gì thế? Tôi bắt nạt Lancaster? Được rồi, điều này có vẻ đúng với những hộ lý trước. Nhưng cứ đến mà nhìn tôi và Lancaster bây giờ xem? Chủ nghĩ Triết học Kinh nghiệm lần nữa chiến thắng.*

Tôi nhíu mày nhìn sang Lancaster, cô ta vẫn tiếp tục đọc sách như thường.

"Sẽ không có chuyện đó!" tôi khẳng định.

"Tạm tin như thế, buổi sáng tốt lành, Amy!"
"Buổi sáng tốt lành"
Tôi đáp. Mẹ sau đó ngắt cuộc gọi.

Tôi thật sự thắc mắc, trong tâm trí cha mẹ tôi giống con sói, Lancaster giống cừu lắm sao?

Tôi ăn nốt phần bánh mì còn lại. Như thường lệ, Lancaster gấp sách lại và dọn đi mọi thứ.

Chừng hai mươi phút sau, chúng tôi bắt đầu chuyến đi. Tôi vừa mở cánh cửa, đã cảm thấy không khí tươi mát ập đến. Đặt chân khỏi cửa, tiến đến khu vườn. Tôi ngồi xuống quan sát luống hoa oải hương.
Những nụ hoa nhỏ màu xanh cô ban. Thích thật, ngón tay tôi khẽ chạm lên nụ hoa.
Lancaster chăm sóc thật rất tốt.

Gara được mở lên, Lancaster tiến vào lái chiếc 4x4 ra ngoài. Cô bước xuống và mở cửa xe đợi tôi bước vào.
Tôi nhanh nhẹn vào trong. Ngồi cạnh ghế tài xế do Lancaster lái.
Chiếc xe được lái rất chậm. Tôi có thể quan sát cảnh vật dễ dàng hơn. Kiến trúc ở Cloverlly vẫn đậm tính hoài cổ.

Đến siêu thị, Lancaster đậu xe phía trước rồi một mình vào trong. Tôi không vào, ngồi trong xe tôi bắt đầu phác thỏa kiến trúc.
Rất nhanh Lancaster đã bước ra. Cô ấy mở cốp sau xe. Đặt đồ vào bên trong. Hầu hết là nhu yếu phẩm.

Khi đã xong, Lancaster mở cửa xe ngồi vào ghế. Cô chỉnh lại khăn choàng cổ cho tôi.
Xe bắt đầu lăn bánh.

Chỉ mười phút đã tới công viên. Nơi đây khá đông trẻ con, chúng đang chạy giỡn trên thảm cỏ xanh. Vài đứa trẻ thì tập chạy xe đạp dưới sự dìu dắt của bố mẹ.

Họ đang tận hưởng ngày không mưa hiếm hoi của nơi đây. Tôi cảm nhận được sự phấn khích của bọn trẻ. Trong thế giới hỗn độn này thì chỉ sự ngây thơ của trẻ con mới là cánh cứu duy nhất.
Người lớn cũng tự tạo không gian riêng cho mình. Vài người thì ăn vội bửa sáng, vừa làm việc bên laptop.
Vài đôi tình nhân trao nhau cái nhìn trìu mến. Nếu có gì đó khác biệt ở Anh và Mỹ, thì đó là người Anh chúng tôi không thích hôn môi nơi công cộng.

Tôi bước xuống xe và ngồi trên băng ghế gỗ. Ngay cạnh mặt hồ. Lancaster ngồi bên cạnh. Mặt hồ phản chiếu màu xanh của bầu trời. Màu xanh thật êm dịu. Vẫn có nét ám đạm của một vùng Cloverlly lộng gió. Nhưng tôi thích sự tĩnh lặng của nước.

Chừng năm mười phút, Lancaster quyết định đi lấy cho tôi một chai nước suối.
Tôi cảm ơn và im lặng ngắm nhìn nơi này. Thế giới của tôi là sự quan sát, tôi ngắm nhìn sự vui vẻ của mọi người để thưởng thức cô đơn của bản thân.
Nghe có vẻ mơ hồ khó hiểu, nhưng với một người thở cũng là sự vất vả, thì niềm vui chính là như vậy. Bất chợt tôi hình vào hình bóng phản chiếu trên mặt hồ. Đó là tôi, một cô gái gầy gò. Bên cạnh là Lancaster, một hình dáng khó nắm bắt. Lancaster đôi lúc xa xăm vô cùng. Như lúc này đây, dù ngồi bên nhau  nhưng tôi cứ có cảm giác cô ấy là chiếc hộ Pandora. Nhưng tôi và cô ấy cũng chỉ mới gặp nhau. Cảm giác như vậy cũng không có gì là lạ, đúng không? 

Tôi thở hắt ra, không nên quá chìm trong suy nghĩ về người khác như vậy. Đó không phải là tính cách của tôi. Tôi mở túi xách, lấy ra giấy và màu để vẽ. Còn chưa bắt đầu thì một vài đứa trẻ độ chín mười tuổi hiếu kỳ đến xem, dáng vẻ vô cùng nghiêm túc.

"Chị là hoạ sĩ?" Một cậu nhóc vận áo phông đen in nhìn Người Nhện lên tiếng. Mái tóc vàng bồng bềnh thật đáng yêu.

Tôi gật đầu. Lên tiếng hỏi:
"Các nhóc thích vẽ không?"

Đứa bé gái vận váy hồng liền đáp ngay, tôi có thể nhìn ra sự háo hức của đứa bé này.

"có chứ, nhưng mẹ bảo nghề này không kiếm ra tiền."

Tôi bật cười, Chúa ạ, người lớn không nên giết đi giấc mơ của những đứa trẻ bằng sự thất bại của họ chứ.

Tôi đưa tay sờ mái tóc đen xoăn tít của cô bé.

Lúc này thì Lancaster đã xuất hiện, cô ấy cầm trên tay chai nước suối. Chân mày của cô ấy nhíu lại quan sát đám trẻ.

"Mấy đứa đi chỗ khác chơi!" Lancaster càu nhàu, cô nhìn đám trẻ và xua chúng đi.

Mấy đứa trẻ có phần giật mình, chúng chạy ra sau lưng, nắm lấy vạc áo của tôi.

Tôi nhìn Lancaster, đáp trả:

"Thôi nào, có chuyện gì với cô vậy?"

Lancaster lườm tôi một cái rồi chuyển sang đám trẻ, rồi rất nhanh lại chuyển sang tôi.

"Tôi ghét trẻ con!" Lancaster đáp gọn.

Tôi suýt thì bật cười.

"Tôi cũng không ưa cô, nhưng chúng ta vẫn sống chung nhà đấy thôi?!" tôi đáp.

Lancaster nghe xong, chân mày càng nhíu chặt hơn. Nhưng cô ấy không nói gì.

Đám trẻ im lặng quan sát tình hình. Khi thấy Lancaster không còn lời để nói, liền hả hê lè lưỡi giễu cợt cô ấy.
Lancaster vẫn giữ bộ mặt chán ghét. Nhưng cô ấy cái gì mà không chán ghét cơ chứ. Đó là chuyện bình thường và tôi mặc kệ bọn họ, bắt đầu vẽ nét cọ đầu tiên.

----

*Triết học Kinh nghiệm ra đời vào thế kỷ XVII, nói đơn giản thì tâm trí con người là tờ giấy trắng, sự hiểu biết chính là mực viết vào giấy. Con người hầu hết đều dựa vào kinh nghiệm để phán đoán tình huống tiếp theo.

Một trích dẫn để hình dung cho Triết học kinh nghiệm: "Chúng ta đều là sống theo chủ nghĩa Kinh nghiệm vì đều tin ngày mai không phải là tận thế."

Câu nói của Amy có nghĩa, do cô nhiều lần trêu chọc hộ lý, nên đến khi Lancaster nhận việc, mẹ cô dựa vào kinh nghiệm nên cho rằng Amy  bắt nạt Lancaster.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro