Chương 70: Điều giản dị

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mặc dù đã dặn bản thân không nên thất thố, nhưng Tình vẫn chẳng thể ngừng nhìn chằm chằm bộ ảnh kỷ niệm của Thi và Triều.

Một hình hài nhỏ bé đang lớn dần trong tình bạn đẹp của hai người mẹ.

Thực ra ở một thời điểm nào đó, nàng cũng hy vọng bản thân có một em bé của riêng mình, hy vọng được đón nhận thiên chức thiêng liêng và được chia sẻ cùng đồng nghiệp về chuyện con cái. Thậm chí nàng đã dành riêng một khoản để sử dụng trong trường hợp không kết hôn, dù biết rằng quyết định ấy sẽ khiến gia đình không bằng lòng.

Thi đặt cốc trà gừng xuống bàn, sau đó vuốt nhẹ tóc bạn gái, nói bông:

"Ảnh đẹp quá hay sao mà chị ngắm kỹ vậy?"

Tình mỉm cười đáp:

"Ừ, đẹp thật mà."

"Vậy sau này chúng mình cũng chụp một album như thế nhé?"

Nàng nghe vậy liền ngẩng đầu nhìn em bằng ánh mắt kinh ngạc. Mà Thi chỉ khom lưng hôn nhẹ lên má, sau đó vuốt ve bụng nàng, thủ thỉ: "Nhưng trước hết phải giải quyết cơn đau của tháng này đã."

Nàng vòng tay qua cổ em, chẳng hề phản kháng khi em luồn tay vào khoeo chân và bế mình dậy. Cuối cùng cả hai đổi vị trí, em ngồi đúng nơi nàng vừa ngồi, còn nàng ngồi trong lòng em, cẩn thận kéo chăn phủ quanh người trong khi chờ bạn gái tìm một bộ phim hay.

Lèo nhảy tới nhảy lui vài lần, liên tục kêu: "Meo meo meo (còn chỗ nào trống không cho tôi ngồi chung với)?"

Thi chọn bộ phim Thổ Nhĩ Kỳ - Cây Lê Dại (The Wild Pear Tree). Một bộ phim thuộc thể loại slow cinema (1), kể về Sinan - chàng sinh viên vừa tốt nghiệp và quyết định trở lại quê hương với mong muốn có thể xuất bản cuốn sách mang hơi thở của nơi mình sinh sống. Tuy nhiên hiện thực đã vùi dập hoài bão của anh, tiền bạc đã kéo khát khao của anh chạm đất. Sự thật nghiệt ngã đeo bám số phận Sinan, rằng anh chưa tìm được việc làm, chưa có nguồn thu nhập để xuất bản cuốn sách của mình; chẳng ai bằng lòng giúp đỡ và cũng chẳng thể nương tựa gia đình khi có người cha ham mê cờ bạc, dẫn tới nợ nần chồng chất.

Bên cạnh hành trình xuất bản cuốn sách đầu tay, còn là câu chuyện về gia đình, bạn bè, về những mối quan hệ xuất hiện trong cuộc đời Sinan. Để rồi anh nhận ra rằng, không tình yêu nào sánh bằng tình yêu của cha, một người tưởng chừng chỉ mang tới cho anh những rắc rối, ưu phiền.

"Mọi thứ, cuộc sống có vẻ như rất gần nhưng lại không phải, bởi vì mọi thứ đều quá xa vời."

"Khi ta hiểu được mình không quá quan trọng, vì sao bản năng của ta lại bị tổn thương? Coi đó là một khoảnh khắc quan trọng của nhận thức không tốt hơn sao? Ta tạo ra niềm tin của chính mình, thêm nữa ta cần tin vào sự chia ly nhiều như tin vào tình yêu và sắc đẹp, và có được sự chuẩn bị. Bởi vì tan vỡ và chia ly luôn đợi sẵn đối với mọi thứ đẹp đẽ. Trong trường hợp đó, sao không coi những đau khổ này giống như những tai nạn xây dựng để giúp ta đột phá qua được những bí ẩn của chính mình?"

Hai tiếng đầu Thi còn xem chăm chú, thỉnh thoảng sẽ cùng Tình bàn luận. Em cho rằng Sinan là người ích kỷ, không đồng tình với cách cư xử của anh ta với người xung quanh, đặc biệt là với cha mình. Nhưng nàng chỉ lắc bình tĩnh đáp: "Không hẳn là ích kỷ, vì đôi khi con người quá ám ảnh với những điều bản thân muốn đạt được mà thôi."

Sau đó em ôm nàng nằm xuống sofa, lẩm bẩm: "Dạo này em hay đau lưng dã man", cuối cùng ngủ thiếp đi, trong khi tay vẫn duỗi ra để nàng gối.

Tình lỡ mất cơ hội chứng minh câu trả lời của mình. Vì kết phim, Sinan đã nhận ra sai lầm của bản thân, nhất là với người cha từng khiến anh mệt mỏi. Anh hiểu những việc cha làm và chủ động giúp ông hoàn thành công việc tưởng chừng vô nghĩa ấy. Bởi anh nhận ra dù cha có những điểm không tốt, thì ông vẫn chăm chỉ làm việc, vẫn yêu thương vợ con theo cách riêng, và gia đình là nơi duy nhất có thể bao dung cho những lỗi lầm.

Con người sẽ trưởng thành hơn sau mỗi lần vấp ngã. Điều đó đã được chứng minh ngay từ khoảnh khắc họ bắt đầu có thể đứng vững bằng đôi chân của mình.

Một đứa trẻ đang tập đi, mỗi lần ngã xuống rồi đứng dậy sẽ càng đi được quãng đường dài hơn. Nghĩa là để đi được quãng đường dài nhất, con người sẽ không tránh khỏi vấp ngã thêm nhiều lần.

Và người ta dành cả đời để đi, để khám phá, để tới ngày chân mòn gót mỏi lại quay về nhà.

Thi thấy Tình cử động liền hé mắt nhìn, ngơ ngác hỏi:

"Hết phim chưa chị?"

Nàng ngồi dậy, véo nhẹ mũi em, mỉm cười đáp:

"Hết rồi."

"Đừng đừng, chị mau nằm xuống đi, đừng để hở chăn. Em lạnh."

Thi nhăn nhó phản đối, song vẫn không quên xoa bụng nàng.

"Có đỡ hơn không? Sáng nay đưa chị đi làm mà em tưởng chúng ta phải tới thẳng bệnh viện đấy."

"Chị ổn mà. Thường thì cuối ngày thứ hai là không sao nữa. Em buồn ngủ chưa? Chúng mình về phòng nhé?"

Em đứng dậy quấn chăn quanh người, sau đó tiện tay quấn cả bạn gái đang đứng cạnh, vừa bước đi khệnh khạng vừa mặc nàng cự tuyệt: "Đừng, buông chị ra kẻo ngã."

"Nếu ngã thì chúng ta sẽ có dịp đi làm mũi ở cùng một cơ sở. Để ai gặp cũng phải thốt lên rằng: "Ôi, hai bạn này yêu nhau nên trông như hai giọt nước." Lúc đó tha hồ mà cảm ơn."

Nàng đánh vào tay em.

Khi cả hai vừa bước qua bậc thang thứ nhất, Thi bỗng cất tiếng gọi: "Tình ơi."

Người được gọi tên khẽ đáp:

"Chị nghe."

Nhưng chờ mãi không thấy em phản hồi, Tình đành dừng bước, xoay lại nhìn em.

"Sao thế?"

Thi gỡ chăn xuống rồi vắt lên cánh tay, sau đó bất ngờ ôm nàng thật chặt, ngẩng đầu hỏi:

"Chị định bao giờ có em bé? Có gấp không?"

Nàng bật cười.

"Đâu phải ra chợ mua mớ rau mà gấp hay không? Bao giờ em sẵn sàng thì chị sẵn sàng. Hơn nữa chuyện này cũng cần nhiều thời gian."

"Vậy bây giờ chị nuôi tạm em đi, em cũng là em bé. Em bé đường... A, chị kia, chị định đánh em chứ gì? Định lườm em chứ gì?"

Thi rú lên rồi đứng nép sang bên cạnh, mà Tình chỉ im lặng nhìn cô bạn gái nhỏ không thể nghiêm túc quá hai câu, sau đó thở dài và tiếp tục bước đi.

Nàng cũng không hình dung được viễn cảnh Thi làm mẹ, giống như em không tưởng tượng nổi cảnh Triều chăm bẵm một đứa bé.

"Nhưng mà Tình ơi."

"Dạo này em gọi tên chị thuận miệng quá."

"Thì thuận thật mà? Em có thấy khó khăn chỗ nào đâu?"

Thôi được rồi.

Tình thở dài lần nữa.

"Em còn băn khoăn việc gì?"

Thi chỉ vào nàng và tự chỉ vào mình, khuôn mặt đầy vẻ hoang mang.

"Ai sẽ là người đầu tiên?"

Nàng mỉm cười xoa đầu em, trả lời rằng: "Chuyện này còn dài, từ từ rồi tính."

***

Vì cuối năm là thời điểm diễn ra các lễ trao giải, cũng như các chương trình âm nhạc, nghệ thuật nên cả Thi và Tình đều thường xuyên vắng nhà. Thành thử buổi tối em không còn nhiều năng lượng để ríu rít bên tai nàng như mọi khi, mà hễ đặt lưng xuống giường là có thể chìm vào giấc ngủ.

Hôm nay cũng là một ngày bận rộn.

Thi uể oải xách cốp trang điểm vào phòng khách sau hơn ba giờ đồng hồ ngồi xe. Chớm thấy bạn gái đang nấu cơm trong bếp liền trở nên đầy sức sống. Vừa nhảy chân sáo vừa nhớ lại bài hát đồng nghiệp đã bật suốt chặng đường ban nãy, vui vẻ ngâm nga:

"Dịu dàng hạt nắng đùa nhẹ trên áo
Đôi môi em gọi bao khát khao
Mắt em vời vợi đăm đắm trời cao
Em mong manh tựa rừng cây trút rơi lá
Gió chiều bỗng chợt xao xuyến khôn nguôi..."

Em thấy Tình ngoảnh lại nhìn mình liền khúc khích cười, sau đó nâng cằm nàng, liên tục chạm môi vài lần rồi ôm chặt cánh tay nàng như đỉa bám. Không quên hát nốt phần điệp khúc:

"Người yêu ơi đừng bao giờ cách xa
Mãi mãi diệu kỳ là tình yêu chúng ta
Và ta biết một điều thật giản dị
Càng xa em ta càng thấy yêu em..." (2)

Thi không ngờ bạn gái bỗng cúi đầu, vô cùng vất vả nín cười. Song vẫn chẳng tài nào kìm được độ cong của đôi mắt và khóe môi.

Em mở to mắt nhìn nàng, ngơ ngác hỏi:

"Chị cười cái gì? Sao tự nhiên chị lại cười? Đúng rồi mà, càng xa em ta càng thấy yêu em. Đúng mà? Sao chị lại cười?"

Trong lúc em còn đang lay nhẹ cánh tay Tình, sốt ruột chờ nàng trả lời thì chiếc điện thoại đang dựng ở bàn ăn chợt phát ra âm thanh rằng:

"Thi đi làm về rồi hả con?"

Âm thanh ấy hệt như sét đánh giữa trời quang. Khiến Thi giật bắn mình, lắp bắp:

"Bác... bác... con chào bác. Bác... ăn cơm... ăn cơm chưa ạ?"

Bà Thành đáp:

"Bác ăn rồi. Tình vừa kể dạo này con bận lắm, nhớ giữ gìn sức khỏe nhé."

"Vâng... hai bác... hai bác cũng vậy ạ. Con xin phép đi... đi nghe điện thoại. Con chào bác."

Dứt lời, em hốt hoảng tránh khỏi camera, sau đó ôm đầu ngồi xổm xuống. Tự nhủ: "Sao chị ấy không nói gì với mình?" Rồi lập tức phủ nhận: "Không, phải trách bản thân đã chủ quan mới đúng."

Đoạn, Thi ngẩng đầu nhìn Tình, khuôn mặt hiện rõ vẻ đau khổ. Mà nàng chỉ tủm tỉm tạm biệt mẹ và lại gần tắt máy.

Em lập tức nhích tới ôm đùi nàng, rên rỉ:

"Bây giờ phải làm sao? Hay là ngày mai chúng mình về thú nhận với hai bác nhé? Tội vạ gì em xin chịu."

"Tội vạ gì? Bố mẹ biết cả rồi."

Em ngạc nhiên.

"Hai bác biết rồi? Biết từ bao giờ ạ?"

Nàng cúi xuống nhìn cô bạn gái nhỏ đang há to miệng vì bất ngờ. Vươn tay kéo em dậy rồi trả lời:

"Một tuần sau ngày cưới Tùng. Chẳng phải chị đã nói với em rằng sẽ về nhà thưa chuyện của chúng ta sau khi công việc xong xuôi ư?"

Thi lẩm nhẩm tính một lát, sau đó tiếp tục rên rỉ:

"Nhưng lâu như vậy chị vẫn không chịu báo tiếng nào để em biết. Người yêu ơi, sao chị lại giữ bí mật? Chuyện này đâu phải chuyện bí mật?"

Tình vuốt ve má em, mỉm cười đáp:

"Nếu báo trước thì đâu thể xảy ra tình huống đặc biệt như hôm nay?"

"Ôi, trong khi bạn gái chị đang ngại tới mức chẳng biết giấu mặt vào đâu thì chị lại coi đó là niềm vui sao?" Em lắc nhẹ vai nàng, nghĩ ngần một lát lại xua tay. "Mà thôi, chị vui là được."

Trần Cẩm Tình thản nhiên tiếp lời:

"Vâng, chị vui lắm, cảm ơn em."

"Vâng, chị đừng khách sáo."

"Vâng."

Cả hai im lặng một lát rồi bật cười. Thi âu yếm dụi vào tóc nàng, sau đó đẩy nàng tới bồn rửa và đứng đó nghịch nước.

Hai cổ tay đều bị giữ chặt khiến Tình chẳng thể thoát khỏi em, chỉ biết yếu ớt cảnh cáo: "Em thôi ngay."

Thi không nói gì thêm mà bất ngờ gạt sang vòi nước lạnh, sau đó dùng bàn tay vẫn còn dính nước áp vào cổ nàng. Thực hiện trò đùa kinh hoàng nhất mùa đông.

Cuối cùng, bữa cơm gia đình diễn ra trong bầu không khí yên ắng lạ thường.

Thi rón rén gắp thức ăn vào bát Tình, thỏ thẻ lấy lòng:

"Chị đừng giận em nữa. Lúc đó em rửa tay trước khi ăn mà."

Lèo ngồi ghế bên cạnh liếm lông, nghe vậy liền góp vui:

"Meo (đáng lắm)."

"Chị ơi... Tình ơi... người yêu ơi... vợ ơi... vợ yêu ơi..."

Nàng đáp sau tiếng "ơi" ngọt ngào:

"Mau ăn cơm đi."

"A, chị cười này. Vợ yêu ơi, vợ yêu ơi, vợ yêu ơi. Em yêu vợ nhất trên đời. Để em kể cho vợ nghe drama ở chương trình hôm nay nhé?"

Và rồi bữa cơm lại vang lên câu chuyện do phóng viên thường trú Lê Thị Thi tường thuật. Nhưng vì hôm nay em đã có thêm cách gọi mới, nên thỉnh thoảng lại cố ý hỏi: "Nếu là vợ, vợ sẽ trả lời như thế nào?"; "Ghét nhỉ vợ nhỉ? Em ghét kiểu làm việc ấy dã man." Cho tới khi đứng hình bởi phản ứng của nàng.

"Vợ cũng không thích cách làm việc ấy."

"Từ từ đã." Thi vừa nói vừa nghếch một bên tai tới gần nàng. "Vợ nói lại đi, hay để em ra kia rửa tai xong rồi nói cũng được."

Tình đỏ mặt lắc đầu.

"Đi, lát nữa em mua khoai về bóc rồi chấm đường cho."

Nàng lại lắc đầu.

"Vậy em hôn vợ một cái rồi vợ cảm ơn em nhé?"

Em chưa để nàng trả lời đã chạm nhẹ lên môi, sau đó nhìn nàng bằng đôi mắt long lanh, nhoẻn miệng cười.

Nàng ngập ngừng một lát rồi vươn tay che mắt em, khẽ nói:

"Vợ cảm ơn em."

"Meo (nổi da mèo)."

***

Trước khi ra khỏi nhà, Thi cẩn thận choàng khăn quanh cổ Tình, sau đó đeo găng tay và mũ bảo hiểm rồi hài lòng nhận xét:

"Chắc vậy là đủ."

Nàng đáp:

"Nhưng chúng mình chỉ đi một đoạn thôi mà."

"Không, em không định mua ở quán quen. Hôm nay chúng mình sẽ đi xa hơn."

Sau đó kéo nàng tới trước gương, tiếp tục hài lòng.

"Phải khoe với mọi người hai chiếc áo phao đôi này mới được."

Thì ra đó chính là lý do em kiên quyết từ chối hàng bán khoai quen thuộc.

Nàng nhận ra mục đích khoe khoang liền tháo găng tay, chìa điện thoại tới trước mặt em, để em biết rằng hiện tại ngoài trời chỉ có 13 độ.

Thi "ôi trời" một tiếng rồi tiếp lời:

"Không thành vấn đề. Chị chỉ cần ngồi sau ôm em thôi, mọi thứ cứ để em lo."

"Em mà ốm thì..."

"Chị chăm."

Tình nghe vậy liền xoay người muốn bỏ về phòng. Tuy nhiên cô bạn gái nhỏ đã kịp giữ nàng lại, đồng thời mở tung cửa chính.

"Chị xem, cũng không lạnh lắm đâu, chúng mình vẫn có thể đi vô tư... hắt xì."

Nàng nhìn em, em nhìn nàng.

Khoảng nửa tiếng sau:

"Bạn ơi mình đến rồi, bạn ra lấy đồ ăn giúp mình nhé."

Trong thời gian chờ Thi lấy đồ và hâm nóng, Tình tranh thủ nhắn thêm vài tin rồi bất ngờ cất lời:

"Hôm qua chị Hy đưa Trinh về nhà ăn tối."

"Thật ạ? Nghĩa là hai chị ấy được chấp nhận ư?"

"Cũng không hẳn là chấp nhận, chỉ không phản đối và cũng không phản ứng quá gay gắt mà thôi."

"Nhưng vẫn là một tín hiệu tốt."

Nàng gật đầu.

"Em nghĩ ở độ tuổi của các chị thì không thể cấm đoán được nữa rồi." Thi tiếp lời. "Trừ một vài phụ huynh mang sức khỏe, tính mạng ra để đe dọa con cái mà thôi."

"Độ tuổi của các chị?"

"Trần Cẩm Tình, em cấm chị biên tự diễn rằng em đang muốn chê chị già nghe chưa?"

Nàng khẽ thở dài, nhưng đủ để em nghe thấy.

Thi lại gần chống tay lên bàn, híp mắt đánh giá cô bạn gái lớn, không quên cam đoan:

"Chị yên tâm, dù chị cách em thêm bốn tuổi nữa, nghĩa là tròn mười tuổi, thì em vẫn yêu chị thôi. Vì số phận đã định sẵn em phải yêu người lớn hơn nhiều tuổi, cụ thể là Trần Cẩm Tình."

Nàng ngẩng đầu nhìn em, khen bằng câu cửa miệng:

"Em có lòng quá."

"Chị đừng khách sáo."

Đoạn, Thi trở lại lò vi sóng lấy đĩa khoai đã trở nên nóng hổi, sau đó tỉ mỉ lột vỏ, thỉnh thoảng lại xuýt xoa vì nóng. Tình cũng giúp em tách một nửa, sau đó đưa miếng khoai vàng ươm tới miệng em.

"Sao chị nhanh thế? Chị không thấy nóng à?"

Nàng khẽ cười.

"Chị có khả năng điêu luyện mà."

"Thành tinh... A, em ăn, em ăn."

Thi cắn vội miếng khoai trước khi rơi vào trường hợp miếng ăn đến miệng còn vuột mất do nói năng hồ đồ. Trong khi bạn gái em bình tĩnh cắn nửa còn lại, dáng vẻ điềm nhiên như đã quen từ lâu.

Em biết Tình đã thay đổi nhiều. Biết nàng trân trọng tình yêu này bao nhiêu. Biết nàng sẽ luôn bên mình và cũng biết mình muốn bên nàng suốt đời.

"Vợ ơi."

Nàng nhếch mày thay câu trả lời.

"Cảm ơn vợ."

"Cảm ơn vì đã cho em thử món khoai chấm đường à? Thúy kỳ thị cách ăn này của chị lắm đấy."

"Không, cảm ơn vì vợ đã mở lòng. Để hôm nay em được ngồi đây."

Tình im lặng một lát rồi thong thả đáp:

"Vì em là mối tốt nhất nên chị không còn sự lựa chọn nào khác."

Cô bạn gái nhỏ ra vẻ tủi thân bằng cách đưa nửa khoai vừa bóc vỏ cho nàng, sau đó sụt sịt trách:

"Nghĩa là có mối tốt hơn chị sẽ tống em vào xó và cả đời chẳng ngó ngàng tới chứ gì?"

"Đã là tốt nhất thì làm gì còn tốt hơn hả Thi?"

"Vợ tuyệt quá, hay quá vợ ơi. Em yêu vợ nhất."





















---

Chú thích:

(1) Slow cinema: trường phái điện ảnh chậm, chiêm nghiệm. Còn được gọi là "điện ảnh chậm" hoặc "điện ảnh chiêm nghiệm"

(2) Điều Giản Dị, Phú Quang

---

13.10.2023

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro