Chương 1.1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tên tôi, vào những ngày ấy, là Susan Trinder. Mọi người gọi tôi là Sue. Tôi biết năm sinh của mình, nhưng trong suốt nhiều năm không được biết ngày sinh, bèn chọn sinh nhật vào lễ Giáng sinh. Tôi tin mình là trẻ mồ côi. Tôi biết mẹ của mình đã chết. Tôi chưa bao giờ thấy bà, nên bà chẳng là gì với tôi cả. Nếu bất cứ ai hỏi tôi về cha mẹ của mình, thì tôi là một đứa trẻ của bà Suckby. Còn về cha, tôi có ông Ibbs – người trông một tiệm sửa khóa ở phố Lant, Borough, gần sông Thames.

Đây là lần đầu tiên, tôi hoài niệm và suy nghĩ về thế giới cũng như nơi mà mình đang sống.

Từng có một cô gái tên Flora trả bà Suckby một đồng để dẫn tôi đi ăn xin tại một vở kịch. Dạo đó người ta từng thích dẫn tôi đi ăn xin vì tôi có mái tóc sáng màu. Flora cũng khá sòng phẳng, thế là chị ấy tự nhận mình là chị gái tôi khi đưa tôi đến rạp Surrey- một gánh xiếc thuộc quyền sở hữu của ông George. Đêm đó, họ đã diễn vở 'Oliver Twist'. Thật sự là một đêm kinh khủng!

Tôi nhớ độ nghiêng của rạp diễn, dốc xuống tận sàn. Rồi một người đàn bà say khướt đã tóm lấy các chiếc nơ trên váy tôi. Tôi nhớ những luồng sáng chói mắt cùng sân khấu màu mè, tiếng gầm của diễn viên, tiếng rú rít của khán giả. Có cả một nhân vật đội tóc giả màu đỏ và đeo râu quai nón, lúc đó tôi đoán chắc đó là một con khỉ mặc áo khoác, bởi hắn nhảy nhót hệt như thế. Nhưng tệ hơn là những con chó mắt đỏ cứ gầm gừ luôn miệng. Tệ hơn hết thảy nữa là chủ của chúng nó là Bill Sykes – một gã ma cô. Khi ông ta đánh cô gái Nancy đáng thương bằng dùi cui, tất cả mọi người từ hàng ghế của tôi trở xuống đều đứng dậy. Một chiếc giày bốt bị ném lên sân khấu. Một người phụ nữ cạnh tôi thét lên: "Ôi, đồ quái vật! Đồ du côn! Cô gái đáng giá bốn chục thằng côn đồ như mày!"

Không biết do việc mọi người đứng dậy – khiến phòng diễn dường như nhấp nhô nghiêng ngả, do tiếng la hét của người phụ nữ, hay do cảnh tượng Nancy nằm xụi lơ, tái nhợt dưới chân Bill Sykes, nhưng tôi bị tóm chặt bởi cơn kinh hãi tột độ.Tôi tưởng tượng rằng tất cả sắp bị giết. Tôi bắt đầu hét lên. Flora không thể bắt tôi im lặng được. Và khi người phụ nữ đã la lớn nọ đặt cánh tay lên tôi, mỉm cười, tôi càng hét to hơn. Rồi Flora bắt đầu khóc, cô ấy mới chỉ mười hai hay mười ba tuổi, tôi đoán vậy. Chúng tôi về nhà, và bị bà Sucksby tát vào mặt.

"Mày nghĩ cái gì vậy hả, mà lại dẫn con bé đến đó?" Bà nói. "Lẽ ra mày nên ngồi với con bé. Tao không cho thuê đám nhóc để chúng bị dẫn về như thế này, xanh cả mặt vì khóc. Mày đang chơi trò gì vậy hả?"

Bà đặt tôi lên đùi, tôi lại khóc thút thít. "Ngoan nào, cừu con của ta," bà nói. Flora đứng trước mặt bà, không nói gì, kéo kéo một lọn tóc nơi chiếc má đỏ hoe. Bà Sucksby khi giận dữ chẳng khác nào quỷ sa tăng. Bà nhìn Flora, nhịp bàn chân xỏ dép lên thảm, cứ thế đung đưa trên ghế – một chiếc ghế gỗ kêu cọt kẹt mà ngoài bà ra không còn ai khác ngồi – và vỗ bàn tay dày, cứng lên chiếc lưng run rẩy của tôi. Rồi thì thầm:

"Tao biết cái mánh nho nhỏ của mày," bà lẳng lặng nói. Bà biết tất cả mánh của mọi người. "Mày lấy được gì hả? Hai cái khăn tay phải không?Hai cái khăn tay, và túi xách của một quý bà?"

Flora kéo lọn tóc vào miệng, cắn. "Một túi xách," chốc sau con bénói. "Và một chai nước hoa."

"Lấy ra coi," bà Sucksby nói, chìa tay ra. Mặt Flora tối sầm. Nhưng nó đưa ngón tay đến một vệt rách ở eo váy, thò vào trong. Hãy hình dung ra sự ngạc nhiên của tôi khi vệt rách hoá ra hoàn toàn không phải một vệt rách, mà là miệng của một chiếc túi lụa nhỏ được đính vào bên trong váy. Nó lấy ra một túi vải đen nhỏ, một cái chai với nút đậy trên một sợi dây bạc. Trong túi vải có một đồng ba mươi xu và nửa hạt nhục đậu khấu. Chắc nó lấy được từ người đàn bà say đã túm váy của tôi. Cái chai đã bị mở nắp, có mùi hoa hồng. Bà Sucksby hít hít.

"Xoàng xĩnh quá," bà nói, "phải không?"

Flora hất đầu. "Lẽ ra con còn lấy được nhiều hơn," nó nói, liếc nhìn tôi, "nếu nó không mở mồm gào toáng lên."

Bà Sucksby vươn tới đánh nó cái nữa.

"Tao mà biết mày như thế," bà nói, "thì mày sẽ chẳng có được gì đâu. Giờ để tao nói cho mà biết: nếu muốn một đứa nhóc để lên mặt kẻ cả, thì chọn đứa khác đi. Đừng có chọn Sue. Có nghe không hả?"

Flora sưng sỉa, nhưng nó sẽ làm vậy. Bà Sucksby nói, "Tốt. Giờ thì biến đi. Và để mấy thứ thó được lại, không thì tao sẽ nói với mẹ mày là mày đi với đàn ông đấy."

Rồi bà đem tôi về giường của bà, trước tiên, dùng tay cọ xát tấm trải để chúng ấm lên, cúi xuống thở vào ngón tay tôi để tôi được ấm. Tôi là đứa duy nhất trong số tất cả bọn trẻ được bà làm thế này. Bà nói, "Giờ con không sợ chứ, Sue?"

Nhưng tôi còn sợ, bèn trả lời như thế. Tôi nói mình sợ bị lão ma cô tìm thấy, bị lão dùng gậy đánh. Bà nói đã từng nghe nhắc đến chính cái lão ma cô ấy, rằng hắn chỉ huênh hoang thôi.

"Là Bill Sykes đúng không? Biết sao không, hắn là người vùng Clerkenwell. Hắn không gây sự với người vùng Borough đâu. Những anh chàng ở Borough quá khó chơi đối với hắn."

Tôi nói, "Ôi, nhưng, bà Sucksby! Bà đâu có thấy Nancy đáng thương và cách hắn đánh cô ấy quỵ xuống rồi giết chết cô ấy!"

"Giết chết hả?" Bà nói. "Nancy ấy hả? Đâu có, mới một giờ trước cô gái còn ở đây với ta mà. Chỉ bị đánh trên mặt một chút thôi. Bây giờ tóc của cô ta được uốn khác đi rồi, con sẽ không còn nhận ra lão kia từng chạm tay vào cô ấy đâu."

Tôi nói, "Nhưng lão ta sẽ không đánh cô ấy nữa chứ?"

Bà bèn nói với tôi rằng Nancy cuối cùng đã ngộ ra và rời bỏ hoàn toàn Bill Sykes rồi, rằng cô ấy đã gặp một anh chàng tốt ở Wapping, anh chàng này đã sắp đặt cho cô gái làm ở một cửa hàng nhỏ bán những con chuột đường và thuốc lá.

Bà vén tóc quanh cổ tôi, vuốt thẳng dọc trên gối. Tóc của tôi, như đã nói, bấy giờ rất sáng màu – mặc dù khi tôi lớn nó trở thành màu nâu đơn giản – và bà Sucksby từng gội nó bằng giấm, chải đến khi nó sáng bóng lên. Giờ khi đã vuốt phẳng tóc tôi, bà nhấc một sợi lên chạm vào môi, và nói, "Nếu Flora định lên mặt với con lần nữa, nói cho ta biết, được chứ?"

Tôi vâng dạ. "Ngoan lắm," bà nói, rồi đi khỏi. Bà đem cây nến đi luôn, nhưng để cửa mở hờ. Rèm cửa sổ làm bằng ren, đèn đường có thể chiếu qua. Ở đây không bao giờ quá tối, cũng không bao giờ quá yên tĩnh. Tầng trên là hai căn phòng mà bọn trẻ ở, cả nam lẫn nữ. Chúng cười, đánh nhau, làm rơi những đồng xu, đôi khi nhảy múa nữa. Bên trên bức tường là nơi em gái của ông Ibbs nằm, bà bị giữ trên giường vì thường tỉnh giấc trong cơn hoảng loạn, la hét ầm ĩ. Và khắp căn nhà – nằm xếp lớp trong các nôi như cá trích nằm trong hộp muối – là bọn trẻ nhỏ của bà Sucksby. Bất cứ lúc nào trong đêm chúng cũng có thể cất tiếng khóc, thút thít hoặc nức nở. Điều vặt vãnh gì cũng có thể kích động chúng được. Rồi thì bà Sucksby sẽ đi ở giữa chúng, chuốc rượu cho chúng từ một chai gin bằngchiếc thìa bạc nhỏ – có thể nghe được tiếng lanh canh khi cái thìa chạm vào thuỷtinh.

Nhưng tối nay, tôi nghĩ những phòng bên trên chắc không có ai, và em gái ông Ibbs rất yên lặng. Có lẽ vì yên lặng nên bọn trẻ cứ thế mà ngủ. Đã quen với tiếng ồn, tôi nằm đó thao thức. Tôi nằm, lại nghĩ về gã Bill Sykes tàn ác, về Nancy chết dưới chân gã. Từ căn nhà nào đó gần bên có tiếng một người đàn ông chửi rủa. Rồi chuông nhà thờ kêu báo giờ, tiếng hoà âm vọng một cách khả nghi qua những con phố đầy gió. Tôi tự hỏi nơi má bị tát của Flora còn đau hay không. Tự hỏi Borough gần Clerkenwell nhường nào, và quãng đường đi có vẻ nhanh ra sao đối với một người đàn ông mang gậy.

Ngay từ dạo đó tôi đã có trí tưởng tượng bay bổng. Khi trên phố Lant có tiếngbước chân ngừng lại bên ngoài cửa sổ, theo sau là tiếng chó kêu ư ử, tiếng cào móng của nó, tiếng xoay tay nắm đầy thận trọng nơi cửa quầy hàng của chúng tôi,thì tôi bật dậy khỏi gối, thiếu điều hét toáng lên – ngoại trừ việc trước khi tôi kịp làm vậy thì con chó sủa một tiếng, tiếng sủa gây sự chú ý, tôi biết nó thì phải. Không phải con quái vật mắt đỏ từ rạp diễn, mà là con chó của chúngtôi, Jack. Nó có thể chiến đấu rất quả cảm. Rồi một tiếng huýt sáo. Bill Sykeskhông bao giờ huýt sáo được ngọt đến vậy. Là đôi môi của ông Ibss. Ông ấy đã ra ngoài mua bánh pudding thịt nóng cho bữa khuya của ông và bà Sucksby.

"Được rồi." Tôi nghe giọng của ông. "Ngửi nước xốt thịt này..."

Rồi giọng ông biến thành tiếng thì thào, tôi nằm trở xuống. Nên nói rằng lúc bấy giờ tôi khoảng năm hay sáu tuổi. Nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ. Tôi nhớ những lần nói dối, những khi nghe tiếng dao nĩa, đồ sứ, tiếng thở dài của bà Sucksby, âm thanh kẽo kẹt từ chiếc ghế của bà, tiếng bà nện đôi dép đi trong nhà lên sàn. Tôi nhớ cả việc trông thấy – trước đó tôi chưa từng được thấy – những gì tạo nên thế giới: có những gã Bill Sykes xấu xa, những ông Ibbs tốt bụng, những cô Nancy, có thể ở trong tình trạng tốt hoặc xấu. Tôi nghĩ đến việc đáng mừng nhường nào khi mình đã ở hoàn cảnh mà cuối cùng Nancy đạt đến – ý tôi là, tình trạng tốt,nơi có những con chuột đường.

Chỉ đến nhiều năm sau đó, khi được xem Oliver Twist lần thứ hai, tôi mới hiểu rằng cuối cùng Nancy chắc chắn đã bị giết. Vào bấy giờ, Flora đã là một đứa móc túi rất khá. Surrey chẳng là gì với nó, nó hành sự ở các nhà hát tại West End, các hội trường, nó có thể luồn lách như chạch xuyên qua đám đông. Nhưng nó không baogiờ đem tôi đi cùng nữa. Nó cũng như mọi người, quá sợ bà Sucksby.

Cuối cùng nó cũng bị bắt, thật đáng thương, với hai tay ngay trên chiếc vòng cổ của một quý bà. Nó bị đi đày vì tội ăn trộm.

Ở phố Lant, tất cả mọi người đều ít nhiều là những kẻ trộm. Nhưng riêng chúng tôi là kiểu trộm thà xuôi theo những trò tinh quái hơn là tạo ra chúng. Nếu tôi đã từng trố mắt khi trông thấy Flora thò tay vào vết rách trong váy và lấy ra một cái túi xách cùng nước hoa, thì kể từ đó tôi không còn ngạc nhiên đến vậy nữa.Vì nếu một ngày không có ai đến cửa hàng của ông Ibbs với túi xách hay một gói thuốc dưới viền áo khoác, trong nón, trong tay áo hay tất, thì ngày đó sẽ cực kỳ tẻ nhạt.

- Ổn chứ, ông Ibbs? - Chàng trai nói.
"Ổn, con trai à," ông Ibbs trả lời. Ông ấy dường như nói bằng giọng mũi nhiều hơn.
- Cậu có gì nào?
- Không nhiều.
- Có gì cho tôi không?
Anh chàng nháy mắt. "Có mấy thứ, ông Ibbs à, rất nóng sốt và khác lạ..."

Họ luôn nói như vậy, hoặc điều gì đó tương tự. Ông Ibbs sẽ gật đầu, rồi kéo tấm màn che trên cửa của cửa hàng, xoay chìa khoá – ông là một người cẩn trọng,bkhông bao giờ xem các đồ thó được cạnh cửa sổ. Phía sau quầy là một tấm rèm vải len xanh lục, đằng sau có một lối đi nối thẳng tới bếp. Nếu tên trộm nằm trongsố những người ông biết, ông sẽ dẫn lại bàn. "Nào, con trai," ông nói. "Không phải với ai ta cũng làm thế này đâu. Nhưng con thì nhẵn mặt quá rồi – chà, ta coi con như người nhà ấy chứ." Rồi thì ông sẽ bảo người kia đặt các thứ ra giữa các cốc tách lẫn vỏ bánh mì và muỗng trà.

Bà Sucksby có thể đang ở đó đút cháo cho một đứa bé. Tay trộm trông thấy bà, bèn bỏ mũ ra.

- Khoẻ chứ, bà Sucksby?
- Tôi khoẻ, con trai à.
- Khoẻ chứ, Sue? Lớn quá rồi!

Tôi đánh giá họ còn cao hơn mấy người làm ảo thuật. Bởi từ áo khoác và ống tay áo, họ lấy ra nào sổ tay, khăn tay lụa, đồng hồ, thậm chí cả đồ trang sức, đĩa bạc, đế nến bằng đồng, thỉnh thoảng cả váy lót – nguyên bộ. "Chất lượng tốt lắm, thật đấy," họ nói trong lúc đặt tất cả chúng xuống, còn ông Ibbs thì xoa tay, vẻ đầy trông đợi. Nhưng rồi ông sẽ săm soi chiến lợi phẩm của họ, mặt chảy dài. Ông là một người trông rất hoà nhã, nhìn có vẻ rất thật thà – má rất trắng, môi rõ nét, có râu quai nón. Mặt ông chảy dài xuống, có thể khiến bạn đau lòng vô cùng.

"Toàn giẻ rách," ông lắc đầu nói, chọc vào một tờ tiền giấy. "Rất khó tiêu thụ." Hoặc, "Đế nến. Mới tuần rồi ta có cả tá đế nến thượng hạng từ một thằng trộm vặt ở Whitehall. Chẳng thể làm gì với chúng hết. Chẳng thể đem cho đi đâu."

Ông đứng dậy, vờ vịt so đo tính giá, nhưng trông như thể không dám nói ra với anh chàng vì sợ xúc phạm cậu ta. Rồi ông sẽ đưa giá đề nghị, và tay trộm tỏ ra phẫn nộ.

"Ông Ibbs," cậu ta nói, "nhiêu đó không đủ để trả công tôi đi bộ từ cầu London đến đây đâu. Công bằng đi xem nào."

Nhưng vào lúc đó thì ông Ibbs đã đi lại chỗ chiếc hộp của mình, đếm những đồng shilling trên bàn (1 bảng = 20 shilling) Một, hai, ba, ông có thể ngừng lại cùng đồng thứ tư trên tay. Tay trộm sẽ trông thấy ánh sáng của bạc, ông Ibbs luôn giữ những đồng xu của mình được cọ bóng loáng chỉ vì lý do này, thật chẳng khác mỡ treo miệng mèo.

- Năm đồng luôn đi, được không ông Ibbs?
Ông Ibbs sẽ ngước khuôn mặt thật thà lên, nhún vai.
"Ta muốn lắm, con trai. Thật sự muốn vô cùng. Nếu con mang tới thứ gì tuyệt hảo, ta sẽ để tiền của mình đáp lại. Nhưng mà, với thứ này" -Ông vẫy tay phía trên đống lụa, giấy tờ hay chỗ đồ đồng phát ra dăm tia sáng, "thứ này thật quá bèo bọt. Đưa thêm thì chẳng khác gì ta tự cướp của mình. Chẳng khác gì ta cướp thức ăn trên miệng đám trẻ của bà Sucksby."

Và ông sẽ đưa những đồng shilling cho hắn, hắn sẽ cho vào túi, cài nút áokhoác, ho và quệt mũi.
Tiếp theo, ông Ibbs có vẻ đổi ý một chút. Ông lại bước về phía chiếc hộp của mình, "Sáng này có ăn gì chưa, con trai?" Ông hỏi. Và tên trộm luôn luôn trả lời, "Chả có lấy một vụn bánh mì." Ông Ibbs sẽ đưa hắn sáu xu, bắt hắn cam đoan dùng để mua bữa sáng, đừng đem đi cá ngựa. Tên trộm sẽ nói điều gì đó đại loại như,
"Ông thật hào phóng, ông Ibbs, lúc nào cũng vậy."

Với mỗi người như thế, ông Ibbs có được lợi nhuận mười đến mười hai shilling. Tất cả, từ đầu tới cuối, đều có vẻ trung thực, công bằng. Bởi vì, dĩ nhiên, những gì ông nói là giẻ rách hoặc đế nến toàn là dối trá. Ông biết đá biết vàng, thế đấy. Khi tên trộm đã đi khỏi, ông bắt gặp ánh nhìn của tôi, và nháy mắt. Ông xoa tay, trở nên linh hoạt.

"Nào, Sue," ông nói, "Con có muốn mang một miếng vải lại đây để đánh ra vàng không? Bé yêu, nếu con có thời gian, và bà Sucksby không có việc cần đến con, con có thể thực hiện thử một công việc thú vị với đám giẻ này. Một chút thôi, nhẹ nhàng, với kéo và đinh ghim của con, đây là vải gai mịn đấy. Con thấy không, bé yêu? Xé ra, nếu con giằng mạnh quá..."

Tôi tin mình đã học được bảng chữ cái theo cách đó: không phải bằng việc đặt các ký tự xuống, mà là tách chúng ra. Tôi biết rằng đã học được hình dạng tên của mình từ một chiếc khăn tay có ký hiệu Susan. Đối với việc đọc nói chung, chúngtôi không bao giờ màng tới. Bà Sucksby sẽ đọc nếu cần thiết, bà biết đọc, cả viết nữa. Nhưng với những người còn lại thì điều đó giống như là, chà, tôi sẽ nóilà giống như nói tiếng Do Thái cổ hay khai trương một cái nhà hàng. Bạn có thể thấy được lợi ích của nó đối với người Do Thái hay kẻ có tiền. Nhưng dù việc đó có lợi cho họ, nhưng có gì lợi lộc cho chúng tôi đâu?

Dù sao thì đó là điều tôi nghĩ bấy giờ. Tuy vậy, tôi có học cách tính từ việcquản những đồng xu. Chúng tôi giữ những đồng còn tốt, tất nhiên. Những đồng xu xấu sẽ quá bóng sáng nên cần phải làm cho dơ đi chút ít trước khi trao tay cho người khác. Tôi đã học được điều đó. Với lụa và vải lanh, có những cách giặt giũ, là ủi để khiến chúng trông như mới. Với đá quý, tôi đánh bóng với giấm nguyên chất. Với đĩa bạc đã ăn sạch thức ăn bên trên, chỉ một lần như vậy, vì sẽ dính vụn bánh và vệt thức ăn, thì khi đã ăn xong, ông Ibbs sẽ lấy những tách, chén để nung chúng thành thỏi. Vàng và thiếc cũng vậy. Ông không bao giờ mạo hiểm, chính vì vậy mà ông rất giỏi. Mọi thứ đi vào bếp của chúng tôi sẽ được xử lý để khi ra khỏi đây, nó trông như một thứ khác. Và dù đi vào bằng cửa trước– cửa vào cửa hàng, lối trên phố Lant – chúng sẽ rời khỏi đây bằng đường khác. Cửa sau. Ở đó chẳng có con phố nào cả. Chỉ có một lối đi nhỏ được nguỵ trang vàmột hàng hiên nhỏ, tối. Nếu đứng ở đó, bạn có thể cảm thấy bị mắc kẹt, nhưng thực ra có đường, nếu bạn biết cách quan sát. Nó dẫn vào một ngõ hẻm quanh co, tối om, chạy đến chỗ uốn cong của làn đường sắt. Từ một trong những chỗ uốn đó – dù có thể, nhưng tôi sẽ không nói rõ chỗ nào – dẫn đến một ngõ khác tối hơn dẫn ra sông, rất nhanh và kín đáo. Ở đó chúng tôi quen hai, ba người giữ thuyền. Thực ra, các chiến hữu của chúng tôi sống dọc theo con đường quanh co đó – các cháu trai ông Ibbs, những người tôi xem như anh em họ. Chúng tôi có thể gửi chiến lợi phẩm từ bếp của mình đến bất kỳ ai trong số họ để các thứ đó đi tới mọi nơi ở London. Chúng tôi có thể chuyển đi mọi thứ, bất kỳ cái gì, với tốc độ kinh ngạc. Chúng tôi có thể vận chuyển băng đá, giữa tháng tám, trước khi một phần tư khối đó có cơ hội tan thành nước. Chúng tôi có thể vận chuyển cả ánh mặt trời mùa hè– nếu ông Ibbs tìm được người mua.

Nói ngắn gọn, không có nhiều thứ được đem đến nhà chúng tôi mà lại không bị đem ra khỏi đó, khá nhanh gọn. Thực ra chỉ có duy nhất một thứ được đem đến và kẹt lại – một thứ, bằng cách nào đó, đã chống lại được sức kéo mãnh liệt của dòng cuốn chiến lợi phẩm – một thứ mà ông Ibbs và bà Sucksby có vẻ không bao giờ nghĩ đến chuyện đặt giá.

Hiển nhiên, đó là tôi.

Tôi phải cảm ơn mẹ mình về việc đó. Câu chuyện của bà thật bi thảm. Bà đến phố Lant vào một đêm năm 1844. Bà đã đến, "to lùm lùm, bé yêu, cùng với con," bà Sucksby nói – mãi cho đến khi biết nhiều hơn, tôi cứ cho rằng bà có ý nói rằng mẹ đã mang tôi đến, hẳn là nhét trong chiếc túi phía trong váy hoặc khâu vào mép áo khoác. Theo tầm hiểu biết của tôi, bà là một tay trộm. "Một kẻ trộm đáng gờm!" Bà Sucksby nói. "Rất bạo dạn! Và bảnh nữa!"
"Bà Sucksby, bà ấy, bà ấy có trắng không?"
"Trắng hơn con, nhưng khuôn mặt, cũng như con, sắc sảo, và mảnh khảnh hệt một tờ giấy. Chúng ta đưa bà ấy lên gác. Chẳng ai biết bà ấy ở đó, ngoại trừ ta và ông Ibbs – vì bà ấy nói mình bị cảnh sát của bốn vùng truy nã. Nếu họ bắt được, bà ấy sẽ tiêu tùng. Bà ấy đã làm cái gì chứ? Bà ấy nói mình chỉ huênh hoang chút thôi. Ta thì cho là nó phải tệ hơn cơ. Ta biết bà ấy rắn như thép, vì bà ấy có con, và ta dám thề, bà ấy không bao giờ lầm rầm, cũng không bao giờ kêu la dù chỉ một lần. Bà ấy chỉ nhìn con, đặt một chiếc hôn lên cái đầu nhỏ của con, rồi đưa ta sáu bảng để giữ con, đều là những đồng vàng, chất lượng tốt. Bà ấy nói còn một việc cuối cùng phải làm, điều đó sẽ đem lại cho bà một tài sản lớn. Bà định sẽ trở lại tìm con khi mọi thứ đã dàn xếp xong..."

Bà Sucksby kể chuyện, và mỗi lần như thế, dù ban đầu giọng bà đều đặn, đến cuối sẽ trở thành run rẩy, mắt thì ngấn nước. Bà đã chờ mẹ tôi, nhưng bà ấy không đến. Thay vào đó lại là tin xấu. Một người đàn ông bị giết trong lúc cố gắng chống cự. Con dao của bà ấy đã kết liễu ông ta. Chính bạn bè của bà ấy mách lẻo. Cuối cùng cảnh sát cũng tìm được mẹ tôi. Bà ở trong tù một tháng. Sau đó, người ta treo cổ bà.

Họ treo cổ bà ấy, như đối với những kẻ sát nhân lúc bấy giờ, trên nóc của Horsemonger Lane Gaol. Bà Sucksby đã đứng xem vụ đó từ ô cửa sổ căn phòng nơi tôi được sinh ra.

Từ căn phòng đó sẽ có được tầm nhìn rất tráng lệ, phong cảnh đẹp nhất ở phía bắc London, mọi người nói vậy. Người ta sẵn lòng trả hậu để có được một chỗ tại cửa sổ đó vào ngày treo cổ. Dù vài cô gái thét lên khi cửa sập lạch cạch mở, riêng tôi thì không. Tôi không hề rùng mình hay chớp mắt.

"Susan Trinder đấy," ai đó thì thào. "Mẹ cô ta bị treo cổ vì tội sát nhân. Cô ta dũng cảm không chứ?"

Tôi thích nghe người ta nói như vậy. Ai lại không thích chứ? Nhưng sự thật là tôi không hề dũng cảm, và bây giờ thì tôi không quan tâm việc những ai biết cả. Vì để dũng cảm về một việc như vậy, trước tiên phải cảm thấy thương tiếc. Làm thế nào tôi có thể thương tiếc một người chưa bao giờ gặp gỡ? Tôi nghĩ việc mẹ rốt cuộc lại bị treo cổ thật đáng tiếc, nhưng vì bà ấy đã bị treo cổ rồi, nên tôi mừng rằng đó là do một việc hay ho, giết một người đàn ông khi ông ta chống cự, chứ không phải việc gì đó quá tàn độc như là bóp cổ một đứa trẻ. Tôi nghĩ việc bà để tôi là trẻ mồ côi thật đáng tiếc. Nhưng, tôi biết vài cô gái có những bà mẹ là bợm rượu hoặc bị điên, những người mẹ mà các cô ấy rất ghét, không bao giờ yên ổn nổi khi ở gần nhau. Tôi thà có một bà mẹ đã chếtcòn hơn một người mẹ như thế!

Tôi thà có bà Sucksby. Bà tốt hơn chán. Bà được trả tiền để giữ tôi một tháng, nhưng đã giữ tôi mười bảy năm. Nếu đó không phải tình yêu thương thì còn là gì nữa chứ?

Bà đã có thể đưa tôi vào trại trẻ mồ côi. Đã có thể bỏ tôi kêu khóc tại một cái máng đầy gió thốc. Thay vào đó, bà chăm chút, không để tôi làm cái việc xoáy thứ này thứ kia vì sợ cảnh sát có thể đến bắt tôi đi. Bà để tôi ngủ bên cạnh, trong giường của chính bà. Bà làm bóng tóc của tôi bằng giấm. Đó là cách người ta làm với đá quý.

Mà tôi thì không phải đá quý, thậm chí chẳng phải một hạt ngọc trai. Về sau, tóc tôi trở nên khá thường. Khuôn mặt tầm thường. Tôi có thể cạy một ổ khoá đơn giản, cắt một chiếc chìa đơn giản. Tôi có thể búng một đồng xu và phân biệt nó tốt hay xấu, chỉ dựa vào tiếng kêu. Nhưng ai cũng có thể làm những việc đó, nếu họ được dạy. Khắp xung quanh tôi, những đứa trẻ khác đến, ở ít lâu, rồi được mẹ chúng nhận lại, hoặc tìm được mẹ mới, hoặc bỏ mạng, và tất nhiên, chẳng có ai nhận tôi. Tôi cũng không chết, thay vào đó, lại lớn lên, cho đến khi cuối cùng cũng đủ lớn để một mình đi giữa những cái nôi cùng chai rượu gin và chiếc thìa bạc. Thỉnh thoảng dường như tôi bắt gặp ông Ibbs nhìn mình chằm chằm với một thứ ánh sáng trong mắt – như thể, tôi thầm nghĩ – ông đột nhiên xem tôi như món đồ, tự hỏi làm thế nào tôi lại ở đây lâu như vậy, và ông có thể trao tôi cho ai. Nhưng khi người ta nói – bây giờ họ vẫn nói thế – về máu mủ, rằng nó đậm hơn nước lã, bà Sucksby sẽ sa sầm mặt.

"Lại đây, con yêu," bà nói. "Để ta nhìn con nào." Và bà đặt tay lên đầu tôi, vuốt má tôi bằng ngón cái, nghiền ngẫm khuôn mặt tôi. "Ta thấy bà ấy trong con," bà nói. "Bà ấy đang nhìn ta, như cách bà ấy nhìn ta đêm đó. Bà ấy nghĩ mình sẽ quay lại và trao cho con cái tài sản đó. Ai biết được chứ? Thật đáng thương, bà ấy sẽ không bao giờ quay lại! Con vẫn sẽ có cái tài sản đó. Của con, Sue à, và của chúng ta nữa..."

Bà nói như vậy, nhiều lần. Bất cứ khi nào càu nhàu hay thở dài, bà luôn thế mỗi lần đứng dậy khỏi một chiếc cũi, xoa cái lưng ê ẩm thì mắt bà sẽ tìm đến tôi, ánh mắt bà sẽ sáng lên, mãn nguyện.

Nhưng có Sue đây rồi. Bà cũng sẽ nói vậy đấy, Bây gi mọi th đều khó khăn vi chúng ta. Nhưng có Sue đây rồi. Con bé sẽ khiến mọi việc được ổn...

Tôi để bà ấy nghĩ thế, nhưng tôi nghĩ mình biết rõ hơn. Tôi nghe nói bà từng có đứa con của chính mình nhiều năm trước, nhưng khi sinh ra thì nó đã chết. Tôi nghĩ khi nhìn chằm chằm vào mặt tôi, bà trông thấy mặt của cô bé. Ý tưởng đó khiến tôi phát run, thật kỳ quặc khi nghĩ đến chuyện được yêu thương không phải vì họ yêu thương mình mà vì tình cảm dành cho ai đó mình chưa từng biết...

Những ngày ấy, tôi nghĩ mình biết tất cả về tình yêu. Tôi nghĩ mình biết tất cả về mọi thứ. Nếu bạn hỏi tôi muốn làm gì khi lớn lên, tôi dám nói mình sẽ mở trại trẻ. Có thể tôi sẽ muốn kết hôn, với một tên trộm hoặc một gã buôn đồ trộm. Năm tôi mười lăm, có một cậu chàng trộm một cái móc cho tôi, và bảo rằng cậu ta muốn hôn tôi. Ít lâu sau có một cậu khác đứng ở cửa sau nhà chúng tôi, huýt sáo bài 'Con gái ông thợ khoá,' rắp tâm muốn xem tôi đỏ mặt. Bà Sucksby đuổi cả hai đứa đó đi. Bà thận trọng với tôi trong vấn đề đó, cũng như trong mọi vấn đề.

"Bà ấy giữ cô để trao cho ai vậy hả?" Bọn con trai hỏi. "Hoàng tử Eddie hả?" Tôi nghĩ những người đến phố Lant cho rằng tôi chậm chạp. Ngược lại với nhanh nhạy. Có lẽ là vậy, so với tiêu chuẩn của Borough. Nhưng với bản thân, tôi cho là mình đủ sắc bén. Không thể nào lớn lên trong một ngôi nhà thế này, có những hoạt động mua bán thế này, mà không có ý tưởng hay ho về việc cáigì là cái gì – cái gì có thể cho vào trong cái gì, cái gì sẽ được tạo nên.

Bạn bắt kịp ý tôi chứ?
Bạn đang chờ tôi bắt đầu câu chuyện của mình. Vậy thì có lẽ tôi đang chờ. Nhưng câu chuyện của tôi đã bắt đầu rồi – tôi cũng giống như bạn thôi, không biết đến việc đó.

Tôi nghĩ đây là lúc nó thực sự bắt đầu.
Một đêm mùa đông, ít tuần sau lễ Giáng sinh đánh dấu sinh nhật thứ mười bảy của tôi. Một đêm tối trời – khắc nghiệt, phủ đầy sương mù mà ít nhiều là một cơn mưa, cơn mưa ít nhiều là một trận tuyết. Những đêm tối trời là điều kiện tốt cho phường trộm lẫn buôn đồ gian. Các đêm tối vào mùa đông là tuyệt hơn hết thảy, vì khi đó người thường sẽ chỉ quanh quẩn gần nhà họ, ai thuộc chốn nào ở yên chốn nấy, và những toà nhà lớn ở London thì đóng cửa, vắng hoe, mời gọi được bẻ khoá xông vào. Chúng tôi có được nhiều thứ từ những đêm như vậy, lợi nhuận của ông Ibbs cao chưa từng thấy. Cái lạnh khiến bọn trộm ít cò kè, chịu giá rất nhanh.

Ở phố Lant, chúng tôi không cảm nhận được rõ lắm về cái lạnh, vì bên cạnh ngọn lửa bếp thông thường còn có lò than của ông Ibbs. Ông ấy luôn giữ lửa bên dưới lớp than. Không bao giờ phân biệt được thứ không xuất hiện rằng nó cần được tạo hình hay nung chảy ra. Đêm ấy, ba hay bốn cậu trai ở đó, đang đổi chác chiến lợi phẩm lấy những đồng vàng. Ngoài họ, có cả bà Sucksby nơi chiếc ghế to của bà, hai đứa bé trong cái cũi bên cạnh, và một thằng nhóc cùng một cô gái đang ở cùng phòng với chúng tôi bấy giờ - John Vroom và Dainty Warren.

John là một thằng nhóc gầy gò, da đen, thích chơi dao, khoảng mười bốn tuổi. Thằng nhóc ăn luôn miệng. Tôi tin là nó nhiễm giun. Đêm nay nó đang cắn đậu phộng tanh tách, ném vỏ lên sàn.

Bà Sucksby thấy nó làm vậy. "Mày đàng hoàng được không hả?" Bà nói. "Mày đang bày bừa ra đấy, rồi Sue sẽ phải dọn dẹp."

John nói, "Tội Sue ghê, tim tôi đau đến rỉ máu đây này."

Nó chẳng bao giờ bận tâm về tôi. Tôi nghĩ nó ganh tị. Nó, cũng như tôi, đến đây từ khi còn nhỏ xíu, và mẹ của nó, cũng giống mẹ tôi, đã chết, khiến nó trở thành đứa trẻ mồ côi. Nhưng nó là một đứa trẻ hết sức kỳ cục, chẳng có ai đem nó đi khỏi chỗ bà Sucksby cả. Bà giữ nó từ lúc nó bốn hay năm tuổi, rồi dùng nó để nhận cứu tế, nhưng ngay cả khi đó, nó vẫn đủ tai quái để bỏ trốn khỏi xưởng làm. Chúng tôi luôn thấy nó ngủ trên bậc thềm khi mở cửa hàng. Cuối cùng, bà tìm được một chủ tàu để bắt nó đi, thằng nhỏ đã lênh đênh đến tận Trung Quốc, rốt cuộc vẫn quay về Borough, cùng với tiền, để khoe khoang. Số tiền dùng được một tháng. Giờ thì nó giúp việc ở phố Lant, làm việc cho ông Ibbs, ngoài ra cũng làm những trò mánh nho nhỏ của riêng nó với sự trợ giúp của Dainty.

Đó là một cô gái tóc đỏ hai mươi ba tuổi, ít nhiều khá là thộn. Tuy nhiên, con nhỏ có hai bàn tay trắng trẻo, sạch sẽ và biết khâu rất giỏi. Dạo này con nhỏ đính da chó lên những con chó trộm được giùm cho John, để khiến chúng trông như giống chó ngon lành hơn là thực chất.

Thằng nhỏ đang có phi vụ với một tay trộm chó. Thằng này có hai con chó cái. Khi hai con này động đực thì hắn dẫn ra phố, dụ mấy con chó khác đi xa khỏi chủ,rồi thu mười bảng tiền chuộc trước khi trả chúng lại. Việc đó hiệu quả nhất đối với những con chó thể thao hoặc có chủ nhân là các quý bà đa cảm. Vài chủ chó chẳng bao giờ xì tiền – bạn có thể cắt roẹt cái đuôi để gửi cho họ mà vẫn không thấy một cắc nào. Họ vô cảm thế đấy. Bọn chó mà chiến hữu của John chộp được bị bóp cổ, rồi bán cho thằng nhỏ với giá rẻ bèo. Tôi không biết John làm gì với chỗ thịt, đem bán, bảo đó là thịt thỏ, hay tự nó ăn luôn. Nhưng chỗ da, như tôi đã nói, thì nó nhờ Dainty đính vào những con chó lề đường tầm thường để đem bán như là chó thượng hạng ở chợ Whitechapel.

Những mảnh lông sót lại được con nhỏ khâu với nhau để làm một chiếc áo khoác cho thằng nhỏ. Tối nay con nhỏ đang khâu. Nó đã xong cái cổ và vai áo cùng nửa ống tay, bốn mươi phần khác nhau của con chó đã được dùng vào đó. Trước ngọn lửa, mùi rất nặng, khiến con chó của chúng tôi phát sốt lên – không phải con chiến binh già, Jack, mà là con kia, một con nâu tên Charley Wag, đặt theo tên gã trộm trong truyện.

Thỉnh thoảng Dainty giơ chiếc áo khoác lên cho tất cả xem nó đẹp đến thế nào.
"Thật tốt cho Dainty là cậu không cao hơn cô ta nhiều, John," tôi nói trong một lần Dainty giơ áo lên.
"Thật tốt cho chị là chị chưa chết," nó trả lời. Nó khá thấp, và biết điều đó. "Mặc dù sẽ rất xấu hổ cho mọi người, nhưng tôi muốn có một mẩu da của chị trên tay áo khoác – có lẽ phía trên gấu tay áo, chỗ dùng để quẹt mũi.Chị sẽ cảm giác hệt như ở nhà ấy, cạnh bên một con chó bun hoặc boxer."

Nó cầm lên con dao luôn đem theo bên mình, thử độ sắc bằng ngón cái. "Tôivẫn chưa quyết định," thằng nhỏ nói, "việc liệu có nên đến vào đêm nào đó, lấy một ít da khi chị đang ngủ hay không. Thấy sao, Dainty, nếu tao bảo mày khâu cái đó vào áo?"

Dainty đưa tay lên miệng, thét lớn. Con nhỏ đeo một cái nhẫn quá rộng đối với tay mình. Nó quấn một ít chỉ bên dưới, quanh ngón tay, chỗ chỉ đó khá đen.

"Cậu thật hết thuốc chữa!" Con nhỏ nói.

John mỉm cười, dùng đầu con dao gõ nhẹ lên một chiếc răng mẻ. Bà Sucksby nói:
-Mày đủ rồi đấy, coi chừng tao đánh cho văng mặt. Tao sẽ không để Sue lo sợ đâu.

Tôi nói ngay, rằng nếu mình để một thằng như John Vroom khiến cho lo sợ, thì thà tự cắt họng mình còn hơn. John nói nó sẽ vui lòng được cắt dùm tôi. Bà Sucksby vươn khỏi ghế, đánh nó, cũng hệt tất cả những lần bà vươn khỏi ghế đêm nọ để đánh Flora đáng thương, hệt cách bà vươn người đánh những đứa khác trong những năm sau đó – tất cả đều vì tôi.

Trong một giây, John trông như thể nó sắp đánh trả bà, nhưng rồi nó nhìn sang tôi, tựa hồ muốn đánh tôi còn đau hơn thế. Dainty cựa quậy ở chỗ ngồi của nó,thằng nhỏ bèn quay sang đánh nó.
"Tao không hiểu nổi," nó nói sau khi đã đánh con nhỏ, "sao mọi người đều mang thành kiến xấu với tao vậy chứ."
Dainty bắt đầu khóc. Nó giơ tay về phía ống tay áo của thằng nhỏ. "Đừng bận tâm những lời nặng nề của họ, Johny," con nhỏ nói. "Tôi vẫn bám về phe cậu mà, đúng không?"

"Mày bám dính, đúng đó," thằng nhỏ trả lời. "Hệt như phân bám vào xẻng." Nó đẩy tay con nhỏ ra, con nhỏ đành ngồi đung đưa trên ghế của mình, ôm chỗ da chó và khóc rấm rứt vào các mối khâu.

"Thôi nào, Dainty," bà Sucksby nói. "Con đang làm hỏng tác phẩm dễ thương của con đấy."

Con nhỏ khóc chừng một phút. Rồi một trong số mấy thằng con trai ở lò than bị bỏng tay vì một đồng xu nóng ran, bèn bắt đầu chửi thề. Thế là con nhỏ ré lên cười. John cho một hạt đậu phộng khác vào mồm, phun vỏ lên sàn nhà.

Rồi chúng tôi ngồi yên lặng trong khoảng mười lăm phút. Charley Wag nằm trước đống lửa, vặn vẹo người, rượt đuổi những chiếc xe ngựa trong giấc mơ – đuôi nó đã bị vẹo ở chỗ từng bị một bánh xe ngựa chẹt phải. Tôi lấy bộ bài ra, chơi trò Patience. Dainty ngồi khâu. Bà Sucksby ngủ gà gật. John ngồi hoàn toàn bất động,chỉ thỉnh thoảng liếc sang bộ bài tôi chơi, để bảo nên đặt vào chỗ nào.

"Bồi nhép để lên Bà đầm cơ." Hoặc, "Lạy Chúa! Chị chậm chạp đếnvậy hả?"

"Cậu thù hằn đến vậy hả?" Tôi trả lời, tiếp tục trò chơi của mình. Bộ bài đã cũ rồi, các lá đều mềm oặt như giấy nát. Từng có một người đàn ông bị giết trong một trận ẩu đả vì ăn gian trong lúc đánh bài. Tôi đặt chúng ra lần cuối cùng, xoay ghế chút đỉnh để John không thể trông thấy chúng được sắp như thế nào.

Và rồi, nhất loạt, một đứa trẻ thức dậy khỏi giấc ngủ, khóc toáng lên, Charley Wag bừng tỉnh, sủa một tiếng. Một cơn gió bất chợt khiến ngọn lửa bốc cao trong lò, cơn mưa rơi nặng hạt hơn xuống chỗ than, khiến chúng kêu lèo xèo. Bà Sucksby mở mắt, hỏi:
- Cái gì vậy?

"Cái gì cái gì cơ?" John hỏi ngược lại.

Lúc đó, chúng tôi nghe thấy: một tiếng 'huỵch' nơi lối đi dẫn đến phía sau căn nhà. Rồi một tiếng nữa. Âm thanh đó trở thành tiếng chân bước. Nó dừng lại ở cửa bếp, một giây im lặng, rồi, một tiếng gõ cửa, chậm chạp và nặng nề.

Cộc, cộc, cộc. Thế ấy. Như tiếng gõ cửa trong một vở kịch khi hồn ma của người đàn ông quay về. Dẫu vậy, không phải tiếng gõ cửa của một tên trộm – nhẹ và nhanh. Khi nghe, ta biết ngay là loại công việc gì. Tuy nhiên, việc này có thể là bất cứ gì, bất cứ điều gì. Có thể là việc xấu.

Chúng tôi đều nghĩ vậy. Chúng tôi nhìn nhau, bà Sucksby đưa tay vào cũi để bế đứa bé ra, nó nằm trong lòng bà, nín khóc. John tóm lấy Charley Wag, ghìm chặt miệng con chó lại. Mấy thằng con trai ở lò than lặng im như thóc. Ông Ibbs lẳng lặng nói, "Có khách à? Mấy đứa, dẹp chỗ này đi. Cứ mặc cái tay bỏng của mày. Nếu là cớm, chúng ta coi như tiêu tùng."

Họ bắt đầu lập cập tóm lấp những đồng tiền cùng chỗ vàng đã phải đổ mồ hôi để đổi lấy, gói vào khăn tay, đặt xuống dưới nón hoặc cho vào túi quần. Một trong số họ – cháu trai lớn nhất của ông Ibbs, Phil – đi nhanh đến cửa, đứng cạnh đó, lưng kê sát tường, tay để trong áo khoác. Cậu chàng này đã trải qua hai hạn tù, và luôn luôn thề thốt sẽ không chịu bị đến lần thứ ba.

Tiếng gõ lại vang lên. Ông Ibbs hỏi, "Sạch sẽ cả rồi chứ? Giờ thì, bình tĩnh, mấy đứa, bình tĩnh. Con thấy sao, hở Sue yêu quý, con mở cửa nhé?"

Tôi nhìn bà Sucksby lần nữa, và khi bà gật đầu, bèn bước lại mở chốt cửa. Cánh cửa bật mở nhanh, mạnh về phía tôi đến nỗi Phil ngỡ nó bị huých vai – tôi thấy anh ta gồng mình sát vào tường, rút con dao ra giơ lên. Nhưng chỉ là gió đã thổi tung cửa, thốc vào bếp, thổi tắt nửa số đèn cầy, khiến lò than loé lên, tung tất cả các lá bài tôi đang chơi vào không khí. Nơi lối vào có một người đàn ông đang đứng, mặc đồ sẫm màu, ướt lõng bõng, dưới chân có một cái túi da. Ánh sáng yếu ớt cho thấy hai má trắng nhợt của người đó, bộ râu quai nón, nhưng đôi mắt thì vẫn bị giấu dưới bóng của chiếc nón. Nếu anh ta không cất tiếng, tôi sẽ chẳng thể biết đó là ai. Anh ta nói,

"Sue! Sue phải không? Tạ ơn Chúa! Tôi đã đi bốn mươi dặm để gặp cô. Cô để tôi đứng đây thế này à? E là cái lạnh sẽ giết chết tôi mất!"

Thế là tôi nhận ra anh ta, dù đã không gặp suốt hơn một năm. Cả trăm người đàn ông cũng không ai đến phố Lant mà ăn nói như anh ta. Anh ta tên Richard Rivers, hoặc Dick Rivers, đôi khi là Richard Wells. Tuy nhiên, chúng tôi gọi anh ta bằng cái tên khác, cái tên lúc này tôi dùng khi bà Sucksby thấy tôi tròn mắt, bèn gọi, "Ai vậy?"

"Là Gentleman," tôi đáp.

Tất nhiên, chúng tôi gọi theo cách đó: không phải theo kiểu nói của một quý ông đường hoàng – dùng tất cả răng để phát âm, mà theo kiểu từ ấy là một con cá đã bị cắt khúc – Ge'mun.

"Là Gentleman," tôi nói. Phil lập tức cất con dao đi, nhổ nước bọt và quay trở lại lò than. Tuy nhiên, bà Sucksby trở mình trên ghế, gương mặt đỏ ửng của đứa bé hơi ngoẹo đi, miệng hé mở.

"Gentleman!" Bà kêu lên. Đứa bé bắt đầu hét toáng, Charley Wag được John thả ra bèn phóng tới sủa Gentleman, đặt vuốt lên áo khoác của anh ta."Cậu đến thật quý hoá quá! Dainty, đem nến châm lại chỗ đèn đi. Bắc nước lên lò, để pha trà."

"Chúng tôi tưởng anh là cớm," tôi nói trong lúc Gentleman đi vào bếp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro