Lời tự thuật của con ngốc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tôi đã theo dõi anh được hai buổi. Buổi đầu tiên là buổi chiều tôi vô tình bắt gặp anh trên đường đi dạo vòng chợ đêm. Buổi thứ hai là buổi tối tôi cố tình lén lút theo dõi anh. Hai buổi ngắn ngủi không thể xem là một quãng thời gian đủ để có thể thấu hiểu triệt để một người. Nhưng đại khái tôi vẫn có thể nắm được một số thói quen của anh. Anh cao khoảng một mét tám, người gầy còm như cây sậy, hẳn vì thân hình mỏng manh đó nên anh lúc nào cũng khoác trên người chiếc áo thun form rộng màu đen, cổ áo tròn, hơi trễ xuống bên vai trái. Anh có thói quen xắn tay áo bên phải lên tận khuỷu tay trong khi tay áo bên trái thả dài. Khi làm việc, anh đều hạn chế dùng tay trái hết mức có thể.

Lần đầu ngang qua quán nhậu anh làm, tôi đã bị thu hút bởi phong cách làm việc khéo léo chỉ với một cánh tay của anh. Tôi cứ đứng tròn mắt nhìn anh chằm chằm. Không biết có phải do cảm nhận được có ánh nhìn về phía mình hay không, anh liếc ngang liếc dọc và rồi bắt gặp tôi đang chăm chú quan sát anh.

Bị bắt quả tang tại trận, tôi đành xấu hổ quay đi chỗ khác. Trước khi rời khỏi đó, tôi còn không ngừng chép miệng cảm thán: "Đẹp trai vậy mà cụt mất một tay!". Có lẽ anh chàng đi guốc trong bụng tôi thật, bởi tôi vừa mới nghĩ vậy, bàn tay trái của anh từ trong cổ tay áo thình lình lòi ra, nắm lấy cán ky hốt rác, còn tay phải cầm chổi, quét dọn đống rác.

Ồ, hóa ra không phải bị cụt tay.

Các bạn độc giả xin đừng hiểu lầm tôi, thử hỏi bạn gặp một anh chàng bận áo rộng thùng thình, chỉ cử động một bên tay, tay còn lại chả thấy đâu, bạn có hiểu lầm như tôi không?

Sau khi nhìn thấy tay trái anh giấu kín như bưng nãy giờ hoạt động bình thường, tôi đã nghĩ chắc anh ta thích làm việc bằng một tay nên mới dùng mỗi tay phải. Chả hiểu sao tôi thấy cách làm việc kiểu này của anh ngầu ngầu sao ấy, làm tôi có cảm hứng muốn viết một nhân vật truyện giống anh vậy.

Thế là tối hôm sau, tôi lại tiếp tục đi bộ tới quán nhậu đó với hy vọng có thể quay phim và chụp hình anh để thu nhập dữ liệu cho nhân vật chính trong câu chuyện của mình.

Tôi choàng trên người một cái áo khoác, đội nón che đầu và bịt khẩu trang. Sau khi đã trùm kín người từ trên xuống, chắc ăn không ai có thể nhận ra tôi, tôi mới yên tâm bước chân ra khỏi cửa.

Từ nhà tôi đi bộ đến quán nhậu cũng phải mất gần mười lăm phút. Và trên đoạn đường kéo dài mười lăm phút ấy, tim tôi cứ đập bùm bụp liên hồi như trống dồn, lòng thấp thỏm lo âu. Tôi chẳng biết anh là ai cả, cũng chẳng chắc hôm nay tới nơi có thể gặp lại anh không, nếu không gặp được, tôi sẽ buồn chết mất.

Quán nhậu nơi anh làm mở từ khoảng bốn, năm giờ chiều đến tận đêm khuya. Quán nằm trên một ngã tư lớn gần chợ đêm, một trong số địa điểm ăn chơi nổi tiếng bật nhất trong thị trấn. Diện tích quán khá rộng rãi thoải mái, và điều đáng khen là chủ quán rất biết tận dụng diện tích để kinh doanh. Bên trong quán có vách ngăn tách biệt khu bếp núc và khu ăn uống của khách hàng. Cách bố trí bàn ghế thì không có gì đặc sắc. Cái "biết tận dụng diện tích" mà tôi nói là phần vỉa hè ở mặt tiền và bên hông quán được thiết kế theo kiểu cà phê vỉa hè, đặt hơn bảy, tám bộ bàn ghế xếp mini và các chậu cây kiểng, xung quanh giăng những dây đèn pingpong sáng vàng nhạt khá chill, tách biệt hẳn so với sự ồn ã và hào nhoáng bên trong. Nếu những người không có ý định nhậu mà chỉ muốn kiếm một chỗ uống nước nghỉ chân, thưởng thức quang cảnh chợ đêm thì đây là chỗ ngồi khá lý tưởng. Bằng chứng là khi tới nơi, tôi đã nhìn thấy những bộ bàn ghế ngoài trời đều đã chật kín người ngồi.

Tôi đứng ở vỉa hè bên kia đường, đối diện mặt tiền quán nhậu. Vỉa hè này thành bãi đỗ xe máy và ô tô cho những khách hàng của quán. Bên cạnh chỗ tôi đứng còn treo tấm biển quảng cáo hình chữ nhật bự chảng, rất phù hợp làm "bia đỡ đạn" cho tôi núp sau quay lén anh.

Chỉ có một vấn đề là tuy đã năm lần bảy lượt nhón chân, lia mắt vào bên trong quán, tôi vẫn không thấy bóng dáng anh đâu. Lòng tôi chùng xuống, thất vọng vô cùng. Vậy là kế hoạch quay phim của tôi coi như phá sản!

Tôi chỉ còn ở thị trấn này ngày mai nữa thôi. Ngày mốt tôi phải trở về thành phố Hồ Chí Minh để đi học rồi. Vậy mà hôm nay không có cơ duyên gặp lại "chàng thơ" của mình. Lỡ mai cũng không gặp được nữa, tôi biết kiếm đâu ra nguồn cảm hứng mới cho nhân vật của mình đây.

Đúng lúc chán chường, buông xuông tất cả, một mái đầu nhô cao vượt trên tất cả những người đang đứng trong quán cùng thân hình quen thuộc chợt hiện ra trước mặt tôi. Hai mắt tôi sáng rực, vui sướng reo lên bài ca:

是你 是你 一定 是你

是你 是你 真的 是你

(Là anh là anh chính là anh

Là anh là anh thật sự chính là anh) (1)

Ồ ố ô...

Không khó để tôi nhận ra anh. Với chiều cao lêu nghêu hơn hẳn bất kì ai và gương mặt cực phẩm kia, cho dù anh có đứng giữa đám đông trăm người, tôi đều có thể dễ dàng tìm ra anh.

Hôm nay anh vẫn mặc chiếc áo đen trễ vai trái, cánh tay trái kia của anh cụp sát vào thân như không muốn cho ai thấy, giống hệt hôm qua.

Tôi quay ngang điện thoại, bấm quay phim. Nhưng được khoảng mười giây, mặt tôi bắt đầu nóng hầm hầm tưởng chừng sốt muốn nhập viện tới nơi. Tôi sượng sùng, nhận ra có mấy ông nhân viên trong quán chốc chốc lại ngoảnh mặt về phía mình. Những lúc như thế, tay cầm điện thoại của tôi cứ run bần bật trong khi miệng không ngừng lẩm bà lẩm bẩm: "Mình khoác nón với đeo khẩu trang kín mít thế này, sẽ không ai biết mình là ai. Mình đứng xa thế này, không ai thấy được mình hết! Mạnh mẽ lên tôi ơi! Cố lên tôi ơi! Vì đứa con tinh thần... bla bla bla".

Ánh mắt họ nhìn tôi thật không khác đang nhìn một tên stalker biến thái là bao. Có khi nào tí họ lại đây đòi kiểm tra điện thoại của tôi không nhỉ! Nếu họ xem xong mà hiểu được mấy đoạn video tôi quay có nghĩa gì, tôi nhất định sẽ bái họ làm sư phụ luôn. Bởi tôi đây là người quay mà còn không biết mình đang quay cái khỉ gió gì nữa mà!

Đối tượng quay phim của tôi cứ chạy vòng vòng khắp nơi, mỗi lần tôi giơ điện thoại lên, tin chắc mình sẽ quay được anh thì những chậu cây kiểng chết tiệt trưng bày trước quán lại vô duyên đứng chắn hết người anh. Rồi khi anh rời khỏi điểm mù ấy, bước sang chỗ khác, lại lòi đâu ra một cái biển báo giao thông xuất hiện, chắn hết mặt anh (Biển báo: Tui nằm đây đó giờ rồi nha bạn). Bởi vậy, trong điện thoại tôi lúc này, ngoại trừ những đoạn video về cây cảnh, biển báo giao thông ra, chả có cái khỉ khô gì hết. Bạn tôi mà nhìn thấy cái đống video này nó còn tưởng tôi bị điên bị khùng nên mới quay mấy thứ nhảm nhí vậy.

Lúc anh đứng xa những chậu kiểng, biển báo, tôi chớp thời cơ đưa điện thoại lên thì mấy anh nhân viên mon men chen vào, cướp hết "đất diễn" của anh tôi. Tôi tức anh ách nhưng ngoại trừ giậm chân mạnh xuống đất cho bõ ghét (Đất: Tao có tội tình gì?), tôi chả biết phải làm sao nữa.

"Tín hiệu từ vũ trụ chăng?", tôi toát mồ hôi hột, hoang mang cực độ. Quả nhiên, đứng đây hoài cũng không phải cách hay, nhất là khi chàng thơ của tôi "không hề đứng yên một chỗ", anh phải tất bật phục vụ khách hàng. Còn tôi, sau hơn một tiếng đồng hồ đứng im quay phim, toàn thân đã mềm nhũn ra như cọng bún. Bàn chân tôi tê ngứa như bị trăm ngàn con kiến lửa bò lúc nhúc phía dưới. Tôi lau mồ hôi ướt đẫm cả gương mặt, cởi nón lưỡi trai khỏi đầu, sau đó lững thững rời đi.

Lánh người đi vào một góc vắng, tôi kiếm được một cái ghế đá trống rồi ngồi xuống nghỉ mệt. Thời tiết độ đêm như vầy khá mát mẻ, nhất là khi thả mình dưới bóng mát của những hàng cây sao to sừng sững, thi thoảng lại có những làn gió nhè nhẹ lướt qua, thật sảng khoái vô cùng! Cảm giác thật sung sướng sau một khoảng thời gian dài phải khốn đốn trốn lui trốn lủi, trùm kín người quay phim (đã vậy còn bị muỗi đốt nữa chứ!).

Tôi bỏ dép xuống đất, ngồi khoanh chân trên ghế, lưng khom xuống tập trung xem hình ảnh và video mình quay được. Đoạn video dài nhất là tám giây, mấy đoạn còn lại mới vừa giơ máy quay lên, anh đã bị vật cản chắn hết người. Ngoài ra, tại vì tôi đứng xa chỗ anh quá nên hầu hết hình ảnh cũng mờ căm, chỉ thấy lờ mờ thân hình anh chứ mặt mũi gì nhòe đặc. Thôi kệ vậy, quan trọng là tôi đã in sâu hình ảnh anh trong đầu mình, đoạn video này chỉ có tác dụng khơi gợi ký ức cho tôi để sau này tiện cho việc viết truyện thôi.

Đoạn video kéo dài tám giây là đoạn tôi thích nhất, đó là cảnh anh bước đi hết sức tiêu sái trên hành lang quán dưới những ánh đèn vàng rực rỡ. Những ánh đèn chói sáng lấn át cả sao trời.

Tua lại đoạn video bốn, năm lần, tôi mới phát hiện ra mấy hình vẽ trên bức tường màu xám trong quán khá mắc cười. Đó là hình chibi một con cá mập chạy xe đạp, mặt nó trông tức giận đến độ miệng xì khói tá lả. Cá mập một tay giữ tay lái trong khi tay kia cầm... ly bia giơ ngang miệng. Cạnh con cá mập là hình vẽ một cha thợ lặn cầm máy khoan... đục tường. Do hình ảnh trong cuộn phim nhòe quá, tôi không chắc mình có nhìn lộn không nữa! Hình vẽ trên tường kiểu này cũng thật quá... "độc" rồi nhỉ? Có ai để ý là con cá mập kia vi phạm an toàn giao thông không? Cảnh sát ơi!

Tôi bất giác lia mắt lên góc trái điện thoại. Bây giờ là tầm tám giờ rưỡi tối, tức là tôi đã ra đường hơn hai tiếng đồng hồ. "Trời đất ơi!", tôi ôm đầu rên rỉ. Hóa ra nãy giờ mình tốn mấy tiếng đồng hồ mà chỉ quay được mỗi cảnh người mẫu đi sàn catwalk và cái con cá mập nhảm nhí kia. Thật quá hoang đường rồi!

Tôi ngồi bất động trên ghế, thở dài thườn thượt, tự hỏi mình có đang đúng đắn khi đầu tư thời gian vào một thứ không chắc có thể đem lại ích lợi cho bản thân hay không. Kể từ khi phát hiện bản thân có sở thích viết lách, tôi luôn dành hàng ngày hàng giờ vào việc... viết bậy viết bạ không mục đích. Trong máy tính của tôi có hàng trăm tệp word bản thảo truyện chưa bao giờ và sẽ không bao giờ được ai biết đến. Nói ra không biết có đáng tự hào không nhưng thay vì đưa câu chuyện của mình đến kết thúc, tôi toàn đưa chúng vào ngõ cụt.

Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã thất bại không biết bao nhiêu lần trong sự nghiệp văn chương. Lý trí của tôi không ngừng khuyên nhủ tôi nên dừng việc viết lách lại, thay vào đó hãy tập trung vào việc học của mình, trong khi trái tim tôi vẫn cứ thôi thúc tôi phải tiếp tục viết, viết gì cũng được, miễn sao đừng dừng lại, dừng lại đồng nghĩa với việc từ bỏ đam mê đời mình. Hai bên lý trí và con tim cứ luôn luôn đối nghịch nhau như thế. Vậy mà không hiểu sao thượng đế lại để chúng cùng tồn tại trong một cơ thể. Ôi thật mệt mỏi!

Tôi trầm ngâm nghĩ ngợi hồi lâu. Và như một kẻ khờ dại luôn thích phớt lờ những lời khuyên răn từ lý trí, tôi hạ quyết tâm dành cả tối nay để tiếp tục nghiên cứu về anh, chàng thơ của tôi.

Lần trở lại này, tôi thay đổi vị trí quay, tránh bị mấy người trong quán nhậu phát giác ra. Chỗ tôi đứng là vỉa hè trước căn nhà nằm cùng dãy với quán nhậu, cách quán nhậu hai căn.

Đứng từ góc bên đây, tôi chỉ có thể nhìn thấy cảnh phía cuối bên hông quán, nơi mà nhân viên nướng hải sản và rửa chén, cũng là nơi đặt rất nhiều đồ đạc. Ba cái rổ nhựa chữ nhật đựng chén bát dơ được để liền nhau dọc theo vách tường, trong khi mấy cái thùng đá xanh đỏ nằm trên kệ sắt và một cái thùng phuy xanh khá cũ lại đặt theo chiều dòng, tạo thành một cái ranh giới phân cách quán nhậu và quầy bán khoai lắc bên cạnh. Còn bếp nướng thì nằm gần rìa vỉa hè, sát mặt đường, bên cạnh bếp có quạt thổi vù vù. Nhìn loáng thoáng một lúc, tôi mới thấy dưới bếp nướng có hai thùng xốp bám đầy bụi bặm, chắc là để đựng rác.

Do đây là chỗ làm việc của nhân viên nên trên bức tường ở góc này chỉ lắp hai, ba ngọn đèn led màu trắng xanh, bởi vậy mà khung cảnh có phần ảm đạm hơn so với cảnh tượng tôi nhìn thấy ở vị trí phía trước mặt tiền quán.

Tôi ngồi thụp xuống ghế đá trên vỉa hè, hạ thấp máy quay. Có lẽ do ông trời thấy tôi than vãn quá thể nên lần này ông đã giúp cho việc quay phim của tôi trở nên thuận lợi. Anh cuối cùng cũng không đi phục vụ khách nữa mà chỉ đứng yên trước bếp nướng inox, tay phải cầm kẹp gắp. Và đây chính nó là cơ hội tốt để tôi được ngắm anh kĩ hơn cũng như là quay anh.

Tôi dán mắt vào hình ảnh anh đang được quay trên điện thoại. Gương mặt nghiêng của anh dưới ánh sáng xanh phảng phất gì đó nét suy tư, trầm lắng. Tôi không thể thấy anh đang nướng gì. Chỉ biết lâu lâu anh phải cúi đầu gần sát bếp để xem món nướng đã chính chưa. Anh dùng tay phải mở vỉ nướng ra, đặt trên một trong những thùng đá xếp dọc, rồi vẫn là bàn tay phải cầm than thêm vào trong bếp. Những đốm cháy li ti từ lò than bay quanh gương mặt lạnh lùng của anh do hơi gió của quạt làm tôi tưởng như thứ anh vừa mở không phải vỉ nướng mà là cánh cửa luyện ngục. Những tiếng lách tách giòn rụm của bếp than cháy rực như tiếng trái tim đập bình bịch của tôi lúc này. Dường như chính tôi cũng không ý thức được mình đang chìm đắm vào hình ảnh anh lúc nào không hay.

Một chị nhân viên tóc nhuộm vàng, ngắn ngang vai bưng chén bát đặt xuống một cái rổ chữ nhật sát chân tường, sau lưng anh. Đặt chén bát xong, chị ta chạy lại đứng cạnh anh, mỉm cười tình tứ, sau đó mắt chị khẽ liếc về phía tôi.

Tôi lập tức cất điện thoại lại, giở tiếp cái trò giả đò cũ rích, miệng huýt sáo tuýt tuýt, bày ra vẻ mặt ngây thơ kiểu: Là lá la, ta đây đang thưởng thức cảnh quang phố phường, nhưng trong lòng lo ngay ngáy sẽ bị còng tay vào đồn công an. Mãi một lúc lâu khi chắc chắn chị gái kia đã đi xa, tôi mới dám đưa máy lên quay tiếp.

Lần này anh không đứng nướng trước bếp than nóng phừng phừng kia nữa, một người nhân viên khác đã vào thay thế vị trí của anh. Anh đứng quay lưng về phía camera, dựa người vào cái thùng phuy, rồi hờ hững hút thuốc. Cổ áo vai trái của anh trễ xuống thấp, để lộ một bên vai buồn tênh.

Tuy trong quá trình quay không có sự phá đám của bất kì ai hay tín hiệu ngăn cản từ vũ trụ, tôi vẫn nhanh chóng ngừng lại. Đây là thời khắc vàng để tôi dùng mắt để quan sát, dùng tim để cảm nhận thay vì cứ dựa hơi vào "đôi mắt" của điện thoại.

Tôi ngồi lặng người, chăm chú ngắm anh. Từng làn khói mờ nhạt bay lơ lửng quanh tấm lưng man mác nỗi buồn ấy khiến trái tim tôi thoáng xao động. Anh đã phải làm việc vất vả mấy tiếng trời, đây là quãng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi để anh được khuây khỏa đôi chút, nhưng chẳng hiểu sao khi nhìn anh đứng ngắm trời như thế, tôi lại thấy buồn bã vô cùng... Hình như tôi thích những lúc chàng thơ của mình bận rộn làm việc hơn, dù trông anh không bớt bất cần đời bao nhiêu.

Tôi tự hỏi, mình muốn xây dựng một nhân vật như thế nào từ anh?

Là kiểu nhân vật luôn làm việc bằng một tay với phong thái bất cần đời, chỉ những lúc hút thuốc một cách thất thểu và bắt gặp bờ vai rất "buồn" kia, người ta mới nhận ra anh luôn phải sống trong một nỗi đau thầm kín nào đó?

Tôi không chắc trình độ văn chương hiện tại của mình có thể khắc họa sống động một nhân vật dựa vào hình ảnh anh hay không, nhưng tôi vẫn muốn hỏi anh một câu: Anh ơi, anh có phiền sống trong văn chương của em không?

(1) Đây là trích đoạn hát trong bài Là em của TFBOYS. Ở đây mình thay "em" thành "anh" để hợp tình huống truyện thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro