1. Tình cờ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi còn nhỏ, tôi đã bắt đầu tập viết. Không phải viết chữ, là viết văn, chẳng phải do điểm số ở trường tôi quá thấp nên tôi mới bục mặt ra viết. Khi đó tôi mới chỉ vào lớp ba, nét chữ vẫn còn nghuệch ngoạc chứ nói gì là nội dung của bài văn. Cũng do luôn trưng cái mặt vào đống sách do bác Định tặng nên tôi chẳng có mấy đứa bạn ở trường, giờ ra chơi tôi không đi bắn bi, chơi rượt bắt với tụi bạn nên dần tôi bị xa lánh và bị bắt nạt bởi tụi thằng Long. Do chẳng có bạn bè nên dọc con đường tôi cuốc bộ tới trường luôn chỉ một mình, mấy khi tôi lại hỏi chị hai rằng "Mọi người có ghét em lắm hả chị Hai ?", chị Hai không những ngạc nhiên mà còn nở nụ cười hiền dịu và ôn tồn bảo tôi.

- Có thể do mọi người chưa hiểu được em thôi. Rồi sẽ có người bạn hiểu em và thích chơi với Chính vì điều đấy.

Có lẽ chị Hai đã nói đúng. Tôi đã gặp được ngọn gió của đời tôi khi tôi lên chóm cấp hai, cụ thể rằng đó là mùa hè trước khi tôi vào lớp sáu, nhỏ Phượng hiếu kì lắm, tò mò đủ thứ, nó luôn đặt ra những câu hỏi hóc búa làm tôi nhức cả đầu, đôi lúc tôi thấy rất phiền và có lúc còn tỏ ra nóng giận vì điều đấy. Nhưng nhỏ không như những đứa trẻ tôi đã từng thấy, nó không bỏ tôi hay khóc mè nheo, nụ cười vẫn thường trực và bẻn lẻn đi theo sau.

Lần đó tôi và ba có ghé nhà của cậu Tư để thắp hương cho ngoại, ngoại tôi mất chỉ khi tôi vừa lên sáu tuổi.

Nhà cậu Tư có sân trước rộng và trán, lát gạch màu đỏ ngói, khuôn viên có thể đậu vài chiếc xe hơi, có cả vườn sau hiên trồng đủ loại cây trái. Nhà cậu Tư giàu lắm, đối diện nhà cậu lại khác, nhà lộp mái ngói, tường trét bê tông có cả hàng rào cao.

Đối diện nhà cậu có con kênh nhỏ bắt cây cầu dừa bắt ngang. Nhà chồi ọp ẹp không bằng một góc nhà cậu, nhưng điều làm tôi nhớ về ngôi nhà chồi đấy là cánh đồng phía sau, bát ngát và trải dài, cũng chính lúc đó tôi gặp con Phượng, tóc xõa dài qua vai, có nét duyên dáng và ấn tượng bởi đôi mắt long lanh như bầu trời.

Lúc tôi thấy thì nó đang ngồi đọc sách gì đấy ở trước hiên, nhưng lại bị khuất ánh sáng. Nó cứ đọc trong bóng râm như thế sẽ tổn hại mắt mất nên tôi bèn ra hiệu.

- Đọc trong đấy không tốt đâu. Ít nhất cũng ra chổ sáng đọc chứ.

- Hả. Không sao đâu bạn, mình đọc suốt có bị gì đâu.  - Nó đáp lại làm tôi ngớ người

- Này qua nhà cậu của tui mà đọc, ngồi đó không tốt đâu.

Nghe tôi bảo thế nên nó chậm rãi, ôm cuốn sách vào lòng ngực rồi bước ra khỏi hiên. Nó đọc cuốn sách "Chú bé người gỗ Pinochio", dày cợm, dày hơn cả cuốn mà bác Định tặng tôi, cuốn bác tặng là những trang truyện màu sặc sỡ, còn của Phượng một màu đen trắng, trùng trùng chữ.
- Chú bé người gỗ Pinochio ? - Tôi thì thầm

- Anh biết truyện này không ? - Tôi bị bất ngờ bởi cách xưng hô của nó, khi nãy nó gọi tôi là bạn nhưng lúc này lại bảo tôi là "anh", có lẽ do tôi có chiều cao khá hơn so với đám đồng trang lứa nên thành ra bị nhầm lẫn, trái ngược với độ tuổi của tôi, so với đám trẻ trong xóm thì tôi chẳng khác nào một cành cây khẳng khiu có tứ chi và biết cử động.

- Có, có. Tui có đọc cuốn này, nhưng mà truyện của tui sặc sỡ hơn, nhiều tranh ảnh hơn.

- Quao, ước gì tui cũng có cuốn đấy. Quyển này nhiều chữ quá nên tui không định đọc. Anh kể cho tui nghe đi. - Nó nhìn tôi, đôi mắt sáng lên như loài mèo, nó hiếu kì đưa ra lời đề nghị.

Nó không định đọc cuốn sách nữa vì quá dài, nên tôi tóm tắt cho nó nghe, nó bị hấp dẫn khi tôi bắt đầu kể, từ truyện này đến truyện khác, từ "Romeo và Juliet" cho đến "Bạch Tuyết và bảy chú lùn", rất nhiều thể loại truyện cổ tích khác nữa. Khi kể nó chú ý kĩ các tình tiết rồi hỏi những câu mà tôi chả thể nào ngờ được. Chẳng hạn.

- Tại sao bảy chú lùn lại lùn ?

- Tại sao Thạch Sanh lại có niêu cơm kì diệu đến vậy ?

Nó cứ "Tại sao" rồi đến "Ủa, sao kì vậy" đâm ra cứ khiến tôi phải vừa kể vừa giải thích cho nó tường tận, có những câu hỏi hóc búa tới nỗi mà tôi chỉ mong bác Định ở đây để giải đáp thắc mắc của con Phượng. Chúng tôi ngồi trước hiên, con Phượng nghe tôi luyên thuyên về những câu chuyện kì lạ ở xứ nào, có những câu chuyện mà tôi phải thuê dệt thêm để tăng phần kịch tínhDo ba tôi cứ mãi mê chén chú chén anh với cậu Tư nên buổi thắp hương như thế mà kéo đến tận chiều tối, khi chị Hằng đã lên cao và những ngọn đèn dầu của bầu trời được thắp sáng.

Chúng tôi ngồi đến tận khuya, "tửu lầu" của ba và cậu Tư tạm dừng và tôi theo ba về nhà. Tôi có dặn với con Phượng là ngày mơi tôi lại đến để cho nó vài cuốn "Trạng Quỳnh". Tới lúc ba tôi nổ máy xe thì tôi mới ngớ người khi quên nói tên của mình với nhỏ. "Ờ thì, mai nói cũng được.", tôi tự nhủ. Về đến nhà tôi chả buồn đi tắm, một phần vì trời tối nước lạnh lắm, một phần vì ... tôi sợ ma. Sở dỉ như thế vì nhà tắm không ở được xây phía trong nhà, mà xây phía ngoài, phải đi qua con đường tối, đầy cây cỏ, mặc dù biết rằng ma không có thật nhưng tôi vẫn sợ. Mấy lần nghe ông kể về truyện ma kéo dò, ma nữ đâm ra tôi sợ điếng chả buồn đi tắm buổi đêm.

Thay một đồ mới, tôi đi ra cái kệ sách, nhiều vô số cái loại sách, sách của bác Định, sách của chị Hai, của ông, của ba. Tôi lanh quanh tìm mấy mẫu truyện "Trạng Quỳnh" nhưng tìm mãi chả thấy.

- Chị Hai ! - Tôi ngó đầu nhìn sang cái võng được mắc hai đầu vào hai cây cột ở góc nhà, nơi chị tôi đang nằm vừa đọc gì đấy, vừa cười khúc khích.

- Gì đấy Chính ?

- Mấy cuốn Trạng Quỳnh em đâu chị Hai ?

- Ở buồng trong ấy, hôm qua chị mới mang vô trổng đọc chơi.

- Có đâu ! - Tôi lặn lội vào trong buồng, ngỡ như tìm thấy nên tôi hỏi lần nữa.

- À quên, chị đang đọc này. Xíu trả, xíu trả. - Nói xong chị lại chăm chú rồi cười ha hả.

- Chị đọc lẹ mai em còn đưa con Phượng.

- Con Phượng là ai ? Bạn em hả ? Nè truyện nè, mai đưa Phượng đi ! - Chị Hai hỏi tới tấp, gấp cuốn truyện lại rồi chạy lại chỗ tôi, kéo tay tôi ra và đặt cuốn truyện lên. 

- Rồi nói chị Hai nghe đi, Phượng là ai thế ?

- Em nghĩ không hẵng là bạn đâu. Con Phượng, nhà đối diện cậu Tư ấy, em mới gặp lúc trưa nè. Nó cũng chăm chú nghe em kể truyện lắm, nó bảo nhà nó không có nhiều sách nên nghe em kể nó khoái chí cực.

- Đó là bạn rồi đó ông tướng. Để bữa nào chị qua nhà cậu Tư kiếm Phượng xem trông như nào.

- Làm chi ? - Tôi ngu ngơ hỏi lại.

- Trời ơi. Để biết chứ chi, chưa bao giờ nghe Chính nhà ta nhắc tên người khác, đã vậy còn là con gái nữa chứ.

Chị Hai khoái chí cười như được mùa, tới lúc vào trong buồng để ngủ, chị vẫn còn cười, đêm đó chị luyên thuyên đủ thứ, nhưng chủ yếu là nhắm vào con Phượng, "người bạn" mà chị Hai tự phong. Thành ra tôi ngủ được có tí xíu mà sáng mai lại phải qua nhà bác Tám với ba, ba không nói rằng mai lên nhà bác Tám làm gì.

Sáng sớm gà chưa cất tiếng thì tôi theo chân ba leo lên chiếc Cub rồi vọt lên nhà bác Tám. Nhà bác Tám nằm trên huyện, đường lên đấy được trải nhựa như trải thảm, một con lộ dài dẫn từ xã, lên huyện rồi lại kéo dài lên tận tĩnh, trái ngược với đường qua nhà cậu Tư chỉ là con đường đất đá, tay lái phải vững chớ không lại lọt xuống con sông kế sát, chưa kể đên cây cầu bắt sang bên này qua đường bên kia con sông, nó không có lan can. Mấy đợt tôi nghe chị Hai kể có hai người chạy xe hướng ngược nhau, chỉ vì không nhường để luân phiên qua phía bên kia mà té thẳng xuống dưới sông.

Cổng nhà bác Tám không hoành tráng như cậu Tư, chỉ là một lớp kẽm đan xen vào nhau rồi nối tiếp một dãy dài cùng hàng cây leo quấn trên đấy, khác ở chỗ là nó nằm sát lộ, và phía sau cổng dẫn theo một lối mòn men thẳng vào trong. Ngày con nhỏ, ba hay dẫn tôi qua bác Tám chơi, trong kí ức tôi nhà bác Tám là cả một khu vườn rộng lớn, trước hiên được lát gạch đá, lưa thưa những đám cỏ mọc đan xen nhau giữa những ô gạch đã cũ, với chiếc bàn được khắc cả "trận địa" cờ tướng, những cây tre, cây trúc mọc ở ngoài bờ đâm cao thẳng tít, lầm tưởng đâm thủng cả tầng mây cao, đặc biệt hăng là con chim trích với biệt tài hót khi có người đến, cứ như một cái loa thông báo. Ba tôi nhấc chiếc điện thoại gập lên rồi nhấn 'tít tít', chắc là gọi cho bác Tám, tôi nghĩ thế. Tôi với ba đứng chờ một lúc lâu, trời đã chóm chạng vạng, hơi ngã màu từ đen xám qua màu xanh lưu ly, mây vẫn chưa xuất hiện vẫn một vùng trống không. Cứ như một hồ nước tĩnh, trong vắt và không có sự hiện diện của bất kì loài cá nào. Chợt ba tôi buồn miệng.

- "Chạng vạng hừng động nắng sắc hồng
Mây trăng và gió vắt ngang hông..."

Đọc tới đấy rồi ba tôi dừng lại, có lẽ ba quên nên tôi đọc tiếp đoạn còn lại của khổ thơ.

-"...Trên cao tinh tú chừng soi sáng
Hái xuống nhân gian đùa với ong."

- Ba cũng biết bài thơ này à ?

- Biết chứ sao không, ba mày viết nó trong cuốn tập của ông Định mày mà.

- Ba viết sao ba không nhớ ?" - Tôi kinh ngạc trước lời của ba, mắt to tròn quay qua nhìn mặt ông.

- Ba chỉ viết hai câu đầu, má mày viết hai câu sau đấy . - Nói xong ba phì phèo điếu thuốc lá, ngồi trên xe ba nhìn về phía bầu trời trận trụi xa kia

- Trước, ba với má mày học chung lên cấp ba, qua một mùa hè thì yêu nhau say đắm. Đời mà nó đẩy nó đưa ai biết được, bả đẻ mày ra xong rồi bả cũng đi mất tiêu. Đúng là đời ! - Làn khói mờ mờ che đi khuôn mặt nhưng mắt ba có gì đó đượm buồn khi nhắc lại chuyện cũ.

Dứt câu chuyện cũ kia thì ở phía đằng sau, từ phía trong nhà bác Tám có tiếng bước chân, tiếng dép lê bước dẫm vào những tàn lá khô.

- Mời bác, mới em vào nhà chơi - Đấy là giọng của anh Cua, con của bác Tám, lớn hơn chị Hai vài tuổi đang theo học ngành báo chí, anh Cua cũng hay ghé nhà tôi chơi, ngày còn nhỏ anh cũng thân với chị Hai lắm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro