Chiến Tranh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

#Hạ Nguyệt Lạt
___

Ở giữa "lòng chiến tranh" đã luôn có một truyền thuyết về tiếng hát của một cô gái. Người ta bảo rằng, âm thanh ấy trong veo mà đượm buồn, tựa như tiếng violin da diết nhất. Người ta cũng lại bảo nó trầm đục và thê lương tựa như tiếng của ma quỷ thống hận gây lên nổi ám ảnh kinh hoàng.

Điều đặc biệt là ai cũng đã từng nghe qua thanh âm ấy. Từ những người dân nhỏ bé nhất như vị làm nông ở cánh đồng "Thủy Tinh". Lão với mái tóc bạc phơ, cái lưng còng và đôi tay nhăn nheo đầy bùn đất; vốn là một công dân lương thiện gắng với cái nghèo không lối thoát nhưng lại trở thành người hùng với bất kỳ ai. Lý do bởi trong "lòng chiến tranh", giữa cơn mưa đạn lấm tấm rơi và hoà lẫn trong giai điệu của những tiếng nổ bôm bốp. Khung cảnh chết chóc giống như bản nhạc thê lương ông trời đã tấu nên để hành hạ con người hoặc để đòi lại một cái giá.

Cánh đồng lúa của lão từ màu vàng đến phực cao ngọn lửa, đến khi bị tô điểm bởi những cái hố to nhỏ sâu hút. Đôi mắt với đồng tử nhạt nhoà trông thấy rõ ràng từ lúc sinh đến lúc tử, một đứa bé sơ sinh, một thằng nhóc, một tên thanh niên rồi đến một lão già nua lọm khọm.

Một đời người.

Gắng liền với cánh đồng lúa. Chỉ có cánh đồng lúa. Mất đi, là mất tất cả. Mất đi là mất người thân, mất đi sự sống mất đi nguồn lương thực tiếp tế cuối cùng.

Lão già đứng giữa mưa bom đạn nổ, cầm trong tay cây cuốc đã gỉ sắt và bào mòn, trong lòng lão đầy thê lương và buồn bã. Mưa đạn vẫn rơi tựa như cơn mưa phùn đã khiến cánh đồng lão ngập úng như hôm nào. Tiếng nổ cứ vang tựa như tiếng di cư của đàn châu chấu; phối hợp cả gió lốc tựa cuồng phong thổi lên từng mảng cát vàng cay xè con mắt. Trung tâm giữa biển bi kịch, lão vẫn yên vị nơi ấy nhìn lên bầu trời xanh.

Một giàn các máy bay chiến đấu hiện đại của quân địch.

Một bầu trời âm u đen tối.

Nhưng lão cũng lại thấy một thứ không ai thấy được. Đó là một nụ cười, một tiếng nói, một niềm hy vọng, một màu xanh của đất nước.

Lão đã ngước cao mà cất lên tiếng nói cuối cùng đầy nghĩa khí rồi cũng lịm đi trước ngòi súng của quân thù. Nhưng lúc đó, thanh âm êm ái đã vang lên.

Một giọng hát êm như ru của hoà bình và của niềm hy vọng. Đưa lão vào giấc ngủ vĩnh hằng, đưa lão đến một nơi lão có thể tiếp tục giữ vững lòng tin ấy.

Đấy là thứ nhất.

Một cô gái đội trên mình cái mũ cối, khoác một màu áo xanh, trên vai mang một cây súng nặng trịch màu đồng. Cô dũng khí nổi trội nhất trong đoàn nữ xung phong đầu tiên. Biết đến như "cô thỏ vận chuyển" nhanh nhất. Cô chiến đấu với tử thần từng giây phút một, gần như cô đã quen và trở thành một bạn chiến của lão.

Nhớ khi ấy một người bạn đã cất lên câu hỏi vì sao. Đáp bởi nụ cười và thanh điệu trong sáng nhưng ngập trong nỗi buồn man mát.

"Tôi sợ lắm. Nhưng như mấy đồng chí đã nói, sợ mất nước nhiều hơn."

Không ai biết cô tên gì vì cô chẳng có tên, không ai rõ cô là ai vì vốn dĩ cô không có cha mẹ. Nhưng ai cũng biết cô là người của vùng đất thiên liêng vì trong cô luôn rực lên ngọn lửa hồng soi sáng. Bên cạnh cô cũng có những "cô" như vậy, trong những trận chiến, trong những binh đoàn khắp mảnh đất chữ S kéo dài, bất kể giới tính một "cô" và một "cô" vẫn song song tồn tại.

Không tên nhưng rất nổi tiếng. Vô danh lại hữu danh.

Nhưng các cô đều đã ngã mình trong ngọn lửa của hoá chất và lầm than. Bị những viên đạn bạc xuyên qua cơ thể, lấy đi máu thịt, lấy đi một nguồn sự sống nhưng không thể lấy đi tấm lòng quật cường quyết chiến, quyết hy sinh.

Vèo vèo, viên đạn bay. Cô tránh thoát nhưng vẫn phải bỏ mạng vì một khối hình lõm chõm trên bầu trời cao được thả xuống. Ing một tiếng rồi vụt mất âm thanh, tầm mắt cô bị chói đến vụt đen đi, biết rằng cuộc chiến này cô cùng lão tử thần đã phân rõ thắng bại. Trăm lần thắng chẳng thể so được với một lần thua, lão ta phải chăng đã ứa lên giọt lệ cay đắng vì chính chiến thắng không mong muốn này.

Cô chẳng biết nữa nhưng cô cũng có cái tiếc nuối cho đời người bản thân.

Ngã xuống khi đôi mươi luyến tiếc một đời thanh xuân cũng có đấy nhưng nhiều hơn cả là không thể cùng các đồng chí xông pha, không thể tiếp tục được cống hiến và hy sinh. Tiếc thay vì không thể cùng đồng hành để gắng bó khung cảnh cuối cùng, một hoà bình cô hằng mơ sẽ trông thấy.

Một ngày đại thắng như lời của "Cha", lời của vị lãnh tụ cô hằng khát khao có thể gặp được. Đáng tiếc thay, đã không thể nữa rồi.

Lúc đó, cô đã nghe được tiếng hát. Một giọng hát vang xa đầy hào hùng và khí thế đầy nhiệt huyết, hăng say, một bài hát phỏng mô về cái ngày chắc chắn. Trao cho cô một niềm hạnh phúc, trao cho cô một giây phút bình an.

Đấy là thứ hai. Nhưng đếm mãi cũng sẽ không đếm hết được. Vì "cô" không phải một, vì "cô" không phải tất cả, "cô" không phải là vô số, không phải vô hạn nhưng cô chính là hữu hạn nhưng theo một cách vô số.

Cũng có một câu chuyện thiết thực về truyền thuyết nọ, tiêu biểu là hai anh em trong một gia đình nho giáo cũ. Người anh sống trong một môi trường "học vấn" dưới cái nôi mang danh "nổi tiếng vượt bậc". Nhưng đến đấy học được những gì, thật giả ra sao hay tự biến bản thân thành một con heo, một con vẹt luôn gật đầu đồng ý. Nhiều lắm, nhiều trường hợp nhưng với người anh trí thức này thì đã tha hoá rồi.

Có lẽ là sợ chết, có lẽ là một "mơ ước" viễn vông hoặc có lẽ là do chính sự lệch lạc của gã ta.

Bắt đầu là phục tùng sau dần là đi thuyết phục chính gia đình chảy trong mình dòng máu "hồng" nóng hổi. Mở mồm, là yêu cầu ngưng chiến, mở mồm là thuyết phục đầu hàng. Để rồi cả gia đình dằn xé nhau, cha mẹ nhìn con một cách đau khổ, con nhìn cha mẹ một ánh mắt khó lòng mà hình dung. Một quỷ dữ, một con quỷ do chính xã hội đắp nặn nên. Thối nát và mục rữa hoàn toàn.

Đã không thể mưu hoá về được bằng tình thương nữa rồi.

Ngược lại người em là cách mạng, luôn hướng mình theo tư tưởng của "Cha", luôn quyết tâm quyết chí. Trải qua những công cuộc khác nhau. Giờ đây gặp lại người anh trên chiến trường mưa bom đạn bạc, hai anh em cùng chung dòng máu nhưng chẳng thể cùng tồn tại. Không phải định lí về ghen ghét mà theo chính lí cao cả hơn đó là vì mảnh đất thân thương.

Nổ súng bắn vào nhau, đạn bay nhanh hơn cắt. Lúc đấy không chỉ có hai anh em, trên chiến trường, trên trăm trên ngàn, âm thanh súng nổ lấn át đi tất thảy. Nhưng không hiểu sao vẫn vang lên tiếng hát ấy mà lại khác nhau.

Một văng vẳng hào hùng, một oán trách u tịch.

Một thăng chí lên cao, một ám ảnh kinh hoàng.

Một bài cổ vũ, một bài nhục vũ.

Kết thúc cũng đã định rõ, dẫu cho mất mát là nhiều vô kể dẫu cho bi thương để lại trong tấm lòng yêu thương. Nhưng rồi vẫn vững tin về phía trước, một tương lai ắt phải gặt hái được.

Và rồi họ chiến đấu, khắp đất nước từ mọi ngõ ngách nhỏ nhất, vang lên ca khúc hào hùng. Trong tâm trí họ tồn tại một giọng hát. Đối lập ở tâm trí của bọn địch nhân cũng tồn tại một giọng hát. Như vậy mà song hành, như vậy ai cũng đã từng nghe qua nhưng đến nay chưa ai thể chứng minh được đâu mới là tiếng hát đúng nhất.

Ngay lúc kết thúc chiến tranh cũng chẳng ai có thể đưa ra một câu trả lời thích đáng cho truyền thuyết "khúc hát lòng chiến tranh này".

Nhưng có một nhận định khá hay ho.

Đó không phải tiếng hát, đó là tiếng khóc than, một tiếng khóc của niềm hy sinh ước vọng cao cả khôn cùng.

Một tiếng khóc của không chỉ một người mà là vạn dân đã ngã xuống. Để mưu cầu hạnh phúc để đòi lại thứ vốn thuộc về ta.

"Tiếng khóc lòng chiến tranh".

___
#Lạt💜

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro