1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




03/05/2024

Bắt đầu

***

Màn đêm buông xuống, ánh trăng sáng tròn vành vạnh, bầy dế kêu ri ri, bên trong cái buồng tối, Duy vặn chiếc đèn dầu len lỏi một ít ánh sáng

Duy đứng lên thành giường, với tay móc dây màn vào cái khung cửa, treo được một góc rồi lại tiếp tục trèo lên ghế ở góc khác, móc tiếp cái đầu dây khác

"Dương ơi, ngủ rỗi nào!"

Dương đang ngồi khoanh chân ở ngoài hiên nhà, mắt em trông xa xăm ra cửa ngõ, chập chiều là bố mẹ em đã phải có mặt ở nhà nhưng hôm nay đã gần đến giờ đi ngủ mà bố mẹ em vẫn chưa đi làm về

"Sao bố mẹ đi lâu quá anh Duy ơi!"

Em ngoảnh mặt vào trong nhà, nói vọng, Duy vừa vặn mắc màn xong, chỉnh lại chăn gối ngay ngắn rồi đi ra ngoài hiên nhà, cũng đưa mắt nhìn ra ngoài ngõ, đúng là hôm nay bố mẹ về trễ hơn mọi khi

"Chắc tại hôm nay cỗ cưới đông nên bố mẹ phải ở lại phụ" Duy ngồi xổm xuống ngay cạnh Dương, Duy đoán mò như thế chứ biết chăng gì, chỉ nhớ là sáng nay gà còn chưa gáy đã thấy bố mẹ tất bật rời nhà để đi nấu cỗ, thầm nghĩ cái đám cưới này đãi nhiều món lắm nên đến giờ vẫn chưa dọn xong, Dương co đầu gối lên, gãi cái cẳng chân đang bị muỗi chích sưng tấy, em bĩu môi dưới

"Nhưng em muốn bố mẹ về sớm cơ!"

Duy chỉ phì cười, Dương còn nhỏ nên nghĩ gì nói đấy

"Thế Dương có muốn bố mẹ kiếm nhiều tiền mua quần áo đẹp mặc, mua sách vở mới cho hai anh em mình học không?"

Nghe anh Duy hỏi thế, Dương gật gật đầu ngay, Duy từ tốn giải thích cho em

"Ít cỗ thì bố mẹ về sớm nhưng không có nhiều tiền, nhiều cỗ thì bố mẹ về trễ nhưng lại có nhiều tiền lo cho anh em mình, Dương hiểu không?"

Em ngoan ngoãn vâng lời anh trai, Duy liền vỗ nhẹ vào lưng Dương

"Thôi, vào trong ngủ nào, anh mắc màn xong rồi, ngồi ngoài này muỗi cắn chết!"

Duy vươn vai một cái, ngáp ngắn ngáp dài, Dương cũng chống tay đứng dậy, đi lẽo đẽo theo sau anh Duy vào buồng

"Em không muốn ngủ với anh đâu, anh ngủ anh cứ gác em nặng bỏ xừ! Em muốn ngủ với mẹ cơ!"

"Em đợi mẹ về có khi tới đêm" Vừa nói Duy vừa vén màn, chui vào trong, nằm xuống giường, Duy nhìn ông em vẫn còn đang đứng lưỡng lự trước màn, mọi đêm thì Dương ngủ với mẹ còn Duy thì ngủ với bố

"Em mà không vào ngủ, coi chừng con ma nó dưới gầm giường nó bắt đi đấy!" Duy làm cái giọng ồm ồm rồi liền lấy chăn chùm lên đầu

Bị hù một vố, Dương sợ tái mặt, em luống cuống cởi dép, vén màn trèo tọt ngay lên giường, nằm ngay ngắn kế bên anh trai, trong đầu cứ tưởng tượng sẽ có con ma từ gầm giường nhảy lên thật nên em nằm đẩy ép Duy vào tận góc tường, không để một kẽ hở nào giữa cả hai, em giành hết chăn đắp lên người, em biết là anh Duy trêu mình nhưng em vẫn sợ lắm

"Anh đừng có mà gác chân lên em nữa đấy!"

"Haha nào, anh hết chỗ rồi, nhích ra!!"

Tiếng then chốt cửa mở xoành xoạch, bố mẹ về rồi, em liền tung chăn bật dậy, đi luôn chân đất ra ngoài nhà, đã thấy ông Hải đang đẩy chiếc xe thồ vào bên trong, bà Loan cởi chiếc nón lá từ trên đầu xuống, phẩy phẩy mấy cái

"Ơ chưa ngủ à ông kễnh con?"

Bà Loan bước tới bể nước mưa, múc một gáo đổ ra xô, rửa mặt mũi tay chân cho sảng khoái, thấy bố mẹ về nên em vui lắm, cứ nhảy cẩng lên, ông Hải còn cầm trên tay một cái bịch to tướng, mùi thơm thoang thoảng nức mũi, ông vào bếp lấy ra cái dĩa, từ từ đổ thức ăn ra ngoài, bao nhiêu chả nem rán, gà luộc, vài nắm xôi gấc, ông đều dồn hết vào một dĩa

Trải cái chiếu nhỏ xuống dưới đất, ông đặt dĩa đồ ăn xuống, gọi hai đứa con của mình

"Ra ăn hai con ơi, nay đồ ăn cỗ nấu nhiều quá!"

"Con xúc miệng rồi, con không ăn đâu!" Dương chần chừ, ông Hải tạch lưỡi, ông lấy tay nhón miếng chả nem to, đưa cho Dương

"Ăn xong thì xúc tiếp, việc gì!" Dương cầm lấy miếng chả nem từ bố, em định sẽ không ăn nhưng bố nài nỉ quá nên cũng cho vào miệng nhai nhóp nhép, có lẽ do để từ chiều đến giờ nên chả nem nguội ngắt, không còn độ giòn nữa nhưng Dương vẫn ăn được, ăn xong cái này, Dương liền lấy thêm một miếng nữa, ông Hải trông thấy cười khà khà

"Đấy, xơi tốt mà cứ làm bộ cơ!!"

Duy lúc này mới từ trong buồng bước ra, thấy bố và em trai đang ngồi ăn ngon lành, ông Hải liền bảo Duy vào trong góc bếp, lấy cho ông một chai rượu mà ông cất gọn trong hộc tủ, Duy cầm rượu ra cho bố, không quên lấy cho ông một cái li nhỏ, ông Hải đổ ra rượu ra li, cầm lên uống ực một hơi

"Đêm hôm còn rượu với chè!!"

Bà Loan bước vào nhà, liếc mắt ngang qua đã thấy chai rượu, bà ngồi xuống cạnh ông, thở dài trách móc

"Lâu lâu cho khuây tí chứ"

"Hôm nay bố mẹ về trễ, hai anh em có tự bảo ban nhau làm bài tập hết chưa?" Bà Loan hỏi Duy, miếng thịt gà còn đang nhai dở trong miệng, Duy nuốt xuống rồi mới trả lời mẹ

"Xong hết rồi ạ, vừa chuẩn bị đi ngủ thì bố mẹ về!"

Bà đưa cái tay thô sáp rờ lên đầu Duy, rồi vuốt vuốt cái tóc mái, hai vợ chồng bà làm nhiều nghề lắm, hết cấy lúa đến gánh thóc thuê, tiền cũng chỉ đủ ăn đủ mặc chứ dư thì cũng không dư là bao, gần đây thì ông bà mới nhận đi nấu cỗ thuê, chỗ nào có đám ma, đám cưới hay đám tiệc thì ông bà sẽ tới để nấu đồ ăn, cực nhọc vô cùng nhưng đổi lại tiền bạc cũng nhiều hơn hẳn, khấm khá nên mua được quần áo giày dép mới cho hai đứa con mình, nấu cỗ phải đi sớm về khuya nên sức khoẻ giảm sút, nhưng nghĩ đến con mình nên phải nhắm mắt cố gắng

"Duy này, sau này Duy muốn làm nghề gì?" Bà bất giác hỏi một câu, Duy không ngập ngừng gì, nhanh nhảu cất miệng

"Con muốn làm kỹ sư ạ! Giống như anh Tiến xóm trên ý mẹ, anh ý kiếm nhiều tiền lắm!"

Thấy Duy dõng dạc chắc nịnh, bà Loan gật gù, mong muốn con mình có nghề nghiệp đàng hoàng, được ngồi trong văn phòng làm giấy tờ sung sướng còn hơn cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời như ông bà, hỏi xong con trai lớn, bà cũng hỏi con trai nhỏ

"Thế còn Dương? Dương muốn làm gì? Bác sĩ hay kỹ sư giống anh Duy nào?"

Dương ngừng ăn, em suy nghĩ một hồi

"Con muốn ... đi phụ cỗ cưới"

Ông Hải và bà Loan nghe thế thì sững sờ, đều trơ mắt ra nhìn, sao Dương lại muốn chọn cái nghề này, đã đầu tắt mặt tối lại còn vất vả, ông Hải đặt li rượu xuống, ông liền xốc người Dương bế nhẹ lên, đặt em ngồi vào trong lòng ông, vừa hỏi con vừa thắc mắc

"Việc gì phải làm giống bố mẹ? Khổ lắm, đây, thấy tay bố không?" Dứt lời, ông liền giơ bàn tay lên trước mặt em, bàn tay chai sần rám nắng vì đi suốt cả ngày, các đầu ngón tay nứt nẻ và khô sạm do rửa bát chén quá nhiều, một vài chỗ còn vài vết phỏng khi đang nấu ăn, ông Hải cho Dương chiêm ngưỡng đôi bàn tay xấu xí của mình, chủ yếu là dọa cho Dương sợ, rằng cái nghề này rất tần tảo

"Đấy, hãi chưa?" Bà Loan dùng giọng trêu ghẹo, Dương nhìn hết vòng này đến vòng kia, bàn tay nhỏ xíu của em nhẹ chạm lên bàn tay bố, em sờ thật nhẹ để tránh làm bố khó chịu, ông Hải cười cười

"Bố mẹ ít học nên mới làm cái nghề này, Duy với Dương học giỏi thì phải làm nghề khác!"

"Nhưng đám cưới có cô dâu chú rể, đẹp lắm ạ"

Dương hồn nhiên, nghĩ đơn giản là vì đám cưới thì cô dâu chú rể luôn được ăn mặc đẹp, lộng lẫy, Dương thích ngắm nhìn lắm, lâu lâu có đám còn cho kẹo bánh mang về nên em càng thích hơn, nghe em nói hết lý do thì ông bà chỉ phì cười, thầm nghĩ em còn nhỏ quá nên vẫn chưa suy nghĩ sâu xa, tối muộn nhà ai cũng tắt đèn, chỉ riêng nhà ông bà vẫn hí hửng rôm rả

1993.

"Nhà Hải Loan ơi, có thư!!" Tiếng bác Vĩnh đưa thư gọi to ngoài cửa, ông Hải liền nhanh chóng mở cửa, bác Vĩnh cười tươi rói, đưa cho ông bức thư

"Nhất nhà bác rồi đấy! Cả xóm chỉ mình nhà bác có thư đấy nhá!"

Ông Hải không khỏi phấn khởi, hôm nay là ngày thư báo Đại Học, ông hào hứng mang vào trong nhà, khoe với Dương và bà Loan, đến em còn bất ngờ, bà Loan bảo em mau xem thư, kết quả thi ra làm sao, có đậu hay không, Dương bóc thư mà tay còn run run, em nhìn qua bức thư, dòng chữ đầu tiên

"Nguyễn Tùng Dương, đã trúng tuyển vào trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội!"

Em sung sướng như muốn hét lên

"Bố mẹ ơi! Con đậu rồi!"

Ông Hải đứng bên cạnh em, ông ngó đầu nhìn vào bức thư, nheo nheo đôi mắt để đọc, bà Loan vỗ tay phấn chấn, em đậu Đại Học, có tương lai rạng rỡ , con trai lớn của ông bà cũng đậu Đại Học Bách Khoa Hà Nội, xin được học bổng du học sang Liên Xô, làng xóm xung quanh ai cũng khen hai anh em, ông Hải còn dặn bà Loan phải làm một mâm cơm thịnh soạn để ăn mừng, thấy bố mẹ cười thủ thỉ với nhau, Dương tự cảm thấy tự hào về bản thân mình, mục tiêu tiếp theo của em sẽ là tập trung học trên Hà Nội và có công việc ổn định

Cơm nước no căng cái bụng, ông Hải trộn tô cơm thừa canh cạn, ông mang ra đằng sau nhà, bầy lợn háu đói thấy ông liền kêu éc éc, ông đổ tô cơm vào cái máng, đám lợn liền tụ vào tranh nhau nhai nhồm nhoàm, con nào cũng ăn khỏe nên tròn quay, ông Hải gật gù đầu, tự nói chuyện một mình

"Ăn nhiều vào nhá, mai sau tao bán chúng mày đi để đổi lấy tiền cho anh Dương đi học!"

Đêm trước khi lên Hà Nội, ngồi trong buồng, bà Loan cùng Dương chuẩn bị hành trang bỏ vào cái va-li gỗ, xếp xong cái áo cuối cùng, bà lẩm nhẩm xem còn thiếu gì nữa không. Quần áo, sách vở, bút viết, đồ dùng cá nhân đều có đủ cả rồi, bà nhìn con trai vẫn đang loay hoay ở hộc tủ, trong lúc Dương không để ý, bà liền nhét lén vài đồng vào trong góc túi

"Bố đâu rồi mẹ nhỉ?"

"Cũng chẳng biết đi đâu từ chiều đến giờ"

Ông Hải đã rời nhà từ khi nào, ông chẳng rằng gì với vợ con, cũng không biết ông đi đâu, Dương kéo sẵn chiếc va-li để ra ngoài nhà, thấy bóng dáng ai đang loay hoay mở cửa, ông Hải bây giờ mới về, ông còn dắt theo một chiếc xe đạp mới toanh vào trong sân

"Dương, xe đạp này con mang lên Hà Nội mà đi học nhé?"

"Nãy giờ bố đi là mua xe cho con đấy ạ?" Dương bất ngờ "Tiền đâu bố mua thế ạ?" Dương rờ chiếc xe bóng lưỡng, chắc chắn giá thành không hề thấp

"Tiền bố bán lợn đấy"

Bầy lợn trong nhà là thu nhập chính, ông bà có tuổi nên đã ít nhận nấu cỗ, chỉ đi cày cấy và nuôi lợn, thế mà giờ đây ông bán lợn đi để mua xe đạp cho Dương, em đảo mắt nhìn chiếc xe thồ cũ kĩ hơn mấy chục năm của bố vẫn còn để trong góc kho, em thấy nôn nao trong dạ, em thấy buồn nhiều hơn vui, em đậu Đại Học mà bố mẹ em tốn nhiều tiền của quá, mai sau còn tiền học tiền trọ, nghĩ thế thôi Dương đã xụ mặt xuống, chẳng nhẽ bây giờ kêu ông Hải đem trả lại xe, em đi bộ đi học cũng được, ông Hải động viên em

"Có làm sao hả con, bố mẹ đã than thở gì đâu mà mày đã than rồi, thôi ngủ sớm để mai còn lên đường"

Ông đẩy Dương vào trong nhà, bắt con phải đi ngủ, đêm ấy bà Loan ngủ cùng với em, hai mẹ con cứ nằm nói chuyện với nhau mãi đến chập khuya mới ngủ

Sáng hôm sau, bà Loan vo gạo như thường lệ, hôm nay đặc biệt nấu nhiều cơm hơn hẳn để chốc lát sẽ làm thêm cơm nắm muối vừng cho Dương ăn đi đường, bà còn chặt thêm con gà to, bà bước vào trong buồng gọi Dương, đã thấy Dương ngồi thừ bên mép giường, trông em không chút ngái ngủ nào, ngược lại rất tỉnh táo, thoăn thoắt đi rửa mặt, thay đồ

"Ra ăn sáng con ơi!"

"Vâng ạ!"

Bà Loan và ông Hải cứ thay nhau gắp lấy gắp để vào bát của Dương, muốn em phải ăn no bụng, trước khi rời nhà dặn em phải thắp hương cho tổ tiên để thượng lộ bình an, bà Loan không quên đưa cho em nắm cơm mà bà đã làm, xong xuôi thì cả ba cùng đi ra ngoài đầu xóm, đứng đợi xe buýt, xe vẫn chưa tới, đầu làng lặng thinh. Có một vài ông cụ ngồi hàng nước chè kế bên, lên tiếng chào hỏi

"Hà Nội nhà chú Hải đấy à?"

Ông Hải cười toe toét, đưa tay vỗ vỗ vào vai của Dương, giọng ông tự hào

"Vâng, Hà Nội nhà cháu nay lên đường đây ạ!"

"Cố gắng học cháu nhá! Ở đây mấy ai được như cháu"

Dương nhẹ cười, từ xa xa đã thấy bóng dáng chiếc xe, em bồi hồi nhìn bố mẹ, bà Loan choàng tay lên ôm em, thơm đỏ hai bên má, vuốt ve khuôn mặt em, bà rưng rưng

"Xa bố mẹ, Dương phải cố gắng nhá, lên tới nơi thì viết thư cho bố mẹ!"

Chiếc xe dừng lại, ông Hải cùng chú lơ xe khiêng chiếc xe đạp đặt vào xuống gầm xe, Dương chào tạm biệt bố mẹ, em xách ba lô và va-li đi lên xe, ngồi ngay cửa kính nhìn xuống dưới, bố mẹ vẫy tay chào em, đột nhiên lại muốn òa khóc nhưng em cố nén lại, em đưa tay lên nhẹ vẫy xuống, tiếng xe nổ máy chầm chậm rời đi, hình bóng bố mẹ xa dần rồi biến mất

Hồi xưa cả nhà chỉ nghe Thủ Đô Hà Nội qua máy cát-xét, là nơi cả nhà đều mơ ước, tưởng chừng xa vời, thế nhưng giờ đây em sắp đặt chân đến nơi ấy

Em lấy ra bịch cơm nắm muối vừng, cắn một miếng, vừa ăn mà nước mắt cứ tuôn

Mất đến hơn một ngày trời mới lên được đến Hà Nội, em phải đi tìm trọ, càng gần trường càng tốt, Hà Nội đang vào thu, trời trong veo sáng mướt, người dân ở đây tấp nập đi lại, buôn bán mưu sinh, em hỏi những người xung quang chỗ tìm phòng trọ thì họ chỉ vào một con hẻm ngay gần đấy

Đạp xe vào đến gần cuối hẻm thì mới thấy một căn nhà, phía trước còn có một cây hoa sữa to, đang tỏa hương thơm, Dương lúng túng cứ đứng trước cửa, ngó tới ngó lui, lúc sau có một ông bác trung niên bước ra, ông ấy chắp tay đằng sau, nhìn Dương

"Kiếm ai à?"

"Dạ ... cháu tìm phòng trọ ạ!"

Ông bác kia sáng mắt, cười tươi tiếp đón

"Tôi là chủ trọ đây, vào đây, vào đây!!"

Dương dắt xe vào bên trong, dựng gọn một góc, em theo ông bác đi qua mấy dãy phòng trọ, cũng có vài ba người mở cửa ra đứng nhìn em, ông bác ấy mở khóa một căn phòng, em đi theo sau vào

"Nếu cháu ở thì bác bắt đầu tính tiền vào ngày mai, tiền thuê nhà bác thu vào thứ hai hằng tháng, ngoài tiền nhà mỗi tháng trả thêm mười ngàn tiếng nước, điện thì một ngàn một số, dùng hết bao nhiêu trả bấy nhiêu, đây công-tơ đây" Bác ấy chỉ lên chiếc công-tơ điện lắp trên tường

"Điện thoại thì hai ngàn một cuộc, nghe không thì một ngàn" Ông bác ấy dặn cặn kẽ vô cùng, Dương lắng nghe, giá cả ở đây so với đất Hà Nội thì cũng không quá mắc

"Bác đưa cho cháu chìa khóa này, mất là năm ngàn đấy!" Dương nhận lấy chìa khóa, em lễ phép cảm ơn, thế là đã kiếm được trọ, căn phòng cũng không quá nhỏ, hơi bụi bặm nhưng quét dọn một chút sẽ sạch ngay

Em đặt va-li xuống đất, lấy ra quần áo đồ dùng cá nhân, ở bên ngoài cửa đã lấp ló hai ba người

"Em mới chuyển đến à? Em tên gì?" Một chị gái hào phóng làm quen trước

"Dạ Dương ạ!" Em có một chút rụt rè

"Chị tên Thu, Dương là sinh viên chứ nhỉ, nhìn nhỏ thế kia chắc là sinh viên năm nhất?"

Dương gật gật đầu, anh trai cao to cởi trần đứng kế bên chị Thu, anh hỏi với cái giọng khàn đặc

"Dương học trường gì?"

"Dạ Đại Học Kinh Tế Quốc Dân ạ!"

Chị Thu bật cười, liền vỗ vào vai ông bạn kế bên cái chát

"Thế thì cùng trường với anh Khải đây rồi" Chị lại ngoảnh vào nhìn Dương phía bên trong "Mới lên còn lạ đường, mai để anh Khải dẫn em đi cho nhé?"

Dương chần chừ, em cười ngượng ngùng, không biết chị Thu đang nói đùa hay nói thật, anh Khải cười khẩy

"Không dám đi với anh hay sao mà lâu trả lời vậy, anh có bắt cóc đâu mà sợ!"

Mấy anh chị đứng bên ngoài cười phá lên

"Kìa Khải, đừng trêu em nó!"

"Thế có gì ngày mai anh Khải dẫn em đi nhé Dương, chị có ít bánh cam để chị mang sang cho em ăn nhé?"

Xóm trọ ở đây đa phần đều là sinh viên cả, các anh chị năm ba năm bốn, đều là những người xa quê như Dương, anh chị rất dễ mến, chưa tới một ngày đã làm quen rối rít. Sáng ngày đầu tiên nhập học, anh Khải tận tình dẫn Dương lên đúng Khoa Ngành em học, chỉ đường cho em vào lớp học, đợi em vào trong lớp rồi anh Khải mới chịu đi về lớp mình, cứ như sợ Dương lạc không chừng

Dương ngồi vào bàn cuối, ngơ ngác nhìn bạn bè xung quanh, đến khi giảng viên vào lớp giới thiệu thì bên ngoài lẽn bẽn một ông bạn, tay còn lộc cộc xách theo va-li, cả lớp ai cũng nhìn, thấy kế bên Dương trống chỗ, liền hỏi Dương có ai ngồi hay không, em lắc lắc đầu nên ông bạn nhanh chân ngồi vào ngay, mặt còn đang nhễ nhãi mồ hôi

"Thầy vào lâu chưa?" Ông bạn ấy quay sang hỏi Dương, đưa tay lên lau mồ hôi trên trán, thở hồng hộc

"Thầy vào được một lúc rồi!"

Xong buổi sinh hoạt đầu tiên, mọi người cùng ra về, nhìn xuống dưới chỗ để xe đã thấy anh Khải đang đứng đợi, em bước xuống cầu thang thì thấy ông bạn cùng bàn ban nãy đang đứng ngay hành lang

"Ơ, lại gặp nhau à?" Ông bạn ấy bắt chuyện

"Sao chưa về thế?"

"Chưa kiếm được phòng trọ, ấy có biết gần đây chỗ nào cho thuê trọ không?"

Tay ông bạn vẫn còn đang xách chiếc va-li, than thở rằng nếu tối nay không kiếm được trọ thì không biết sẽ ở đâu, Dương đắn đo một lúc, thầm nghĩ phòng mình cũng không quá chật chội, em mở lời thử

"Nếu đằng ấy không chê thì ở chung với tôi đi, tôi ở một mình, ở ghép thì cùng chia tiền"

Nghe thế, ông bạn kia hào hứng liền đồng ý ngay, vừa đi vừa cảm ơn Dương hết lời

"Nãy giờ quên hỏi tên, ấy tên gì?"

"Tôi tên Dương!"

"Còn tôi tên Thành!"

Dương dẫn Thành xuống, kể cho anh Khải nghe mọi sự tình, anh Khải cũng vui vẻ giúp Thành chở cái va-li về đến xóm trọ, nói chuyện với bác chủ nhà một lúc thì bác đồng ý cho Thành thuê cùng với Dương

Thành rất cởi mở, vừa mới vào trọ đã đi mua cả đống bánh mời các anh chị khắp dãy phòng, Thành khéo ăn nói nên ai vừa gặp cũng đã quý mến, mọi người còn đặt cho cái biệt danh hóm hỉnh là Thành Bánh

Ngày đầu tiên nhập học, Dương đã có một người bạn đầu tiên, ấy thế giờ còn cùng phòng trọ với nhau nữa

Cứ như cái duyên ấy.

***

Mình rất mong sẽ nhận được những cảm nghĩ và bình chọn từ các bạn sau khi từng chương kết thúc để mình hoàn thiện tốt hơn

Mọi sự ủng hộ của các bạn đều là động lực để mình viết thêm nhiều hơn, cảm ơn các bạn đã ghé đọc Hà Nội mùa hoa sữa!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro