[Lãng mạn] 100 Ngày Hạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thật ra thì nội dung bài hát chẳng liên quan gì đến truyện của mình ngoài cái tên

———

Hà với tay nhấn nút play của chiếc máy cát xét cũ rồi lại lười biếng nằm lăn ra sàn nhà.

"Nóng thật đấy."

Tiểu sa mạc giữa lòng Việt Nam cứ đến độ hè là oi bức, hừng hừng như chảo lửa. Nhưng chưa bao giờ Hà cảm thấy chán ghét nơi này một chút nào. Hà yêu cái hương vị biển cả vào mỗi sáng sớm, yêu cái mùi hoang dại ở những cánh rừng dương hay cả mùi nước mắm thoang thoảng ngay khi vừa đặt chân vào con ngõ này.

Và Hà yêu cả anh bán cam nhà bên cạnh.

?!

Có tiếng nước chảy rào rào, Khánh Hà ngồi bật dậy chạy ngay đến cửa sổ, lén lút đưa mắt nhìn qua hàng rào. Anh thanh niên đội mũ rộng vành, áo thun khoác sơ mi ca rô, quần kaki, mang ủng... không khác gì một ông chú nông dân đang cầm bình phun thuốc cho mấy cây cam.

Cảm giác như có ánh mắt đang dõi theo mình, anh thanh liền ngẩng đầu nhìn về phía ban công nhà bên cạnh. Ngay khi bốn mắt chuẩn bị chạm nhau, người Khánh Hà như có luồng điện chạy qua, cô lật đật ngồi thụp xuống.

"Phù. Suýt nữa thì bị phát hiện."

Một cơn gió nhẹ thổi qua, lật tung mấy trang giấy của cuốn sổ trên bàn rồi dừng lại ở trang mới nhất.

"Ninh Thuận ngày thứ 75.

Sáng hôm nay đi chợ gặp anh ấy, vẫn là áo thun trắng và sơ mi ca rô, giao hàng cho mấy cô trong chợ.

Buổi sớm mai tiết trời dìu dịu, nhưng mồ hôi vẫn chảy nhễ nhại ướt đẫm cả tấm lưng rộng lớn. Từ lúc đến đây mình chưa bao giờ thấy anh ngừng làm việc... Ừm cũng không chắc nữa, có những ngày anh mất tăm, dường như bốc hơi khỏi thị trấn.

Không biết anh đã đi đâu nhỉ?

Tò mò thật..."

———

Ninh Thuận ngày đầu tiên

Hôm nay là ngày đầu tiên tôi chuyển đến đây. Bác sĩ nói cơn đau tim của tôi có thể đến bất cứ lúc nào...

Tôi đã nộp đơn nghỉ việc theo lời mẹ. Mấy ngày đầu ở nhà tẻ nhạt chán ngắt... Tự nhiên vào những lúc gần chết như thế này tôi lại nhớ bà ngoại mình da diết. Vậy nên giờ tôi mới có mặt ở đây, trong ngôi nhà tràn ngập mùi hương của ngoại. Mọi thứ trong mắt tôi như quay về khoảng thời gian hai mươi mấy năm trước, khi tôi còn là một đứa nhóc bốn, năm tuổi, lăn xăn chạy theo sau lưng bà bà. Hừm... Mùi hương hoài niệm quen thuộc.

Bà ngoại bảo tôi mang rổ mướp bà mới cắt sang cho nhà bên cạnh. Lúc tôi gọi cửa, một thanh niên cỡ tuổi tôi ngái ngủ bước ra, vừa nhìn thấy tôi, bước chân thoăn thoắt của anh ta liền khựng lại.

Tôi không biết tên của anh ấy, bà không nói tôi biết, mà tôi đoán có khi bà cũng không biết. Bà nói mọi người ở xóm này gọi anh là Lì, lì trong lầm lì, bởi anh lầm lì ít nói và không thích giao tiếp với người khác, nhưng hình như anh rất quý bà ngoại của tôi. Lúc nhận lấy rổ mướp, tôi còn nghe thấy mấy tiếng lí nhí cảm ơn.

Buổi tối ngồi ở bệ cửa sổ tôi cứ liếc mắt nhìn sang nhà anh mãi, anh lúc này đang nằm trên chiếc ghế dài ở ban công, đọc sách dưới ánh đèn vàng con con gắn ở thanh cửa sổ, yên tĩnh hệt như một bức tượng đá.

Bầu trời đêm không một bóng mây, lốm đốm những chấm sáng dày đặc, phía xa xa còn treo một vầng trăng khuyết ánh vàng.

Tôi nhảy khỏi bệ cửa sổ, lật quyển nhật ký mới ghi dở vài dòng ngày, tháng, năm... rồi nhìn chăm chăm vào nó bắt đầu cắn bút.

"Gió như Phan

Nắng như Rang"

"Ninh Thuận ngày thứ nhất..."

Tôi hí hoáy ngồi viết đến khuya về ngày hôm nay, về việc Ninh Thuận nóng như thế nào, về những người mà tôi đã gặp và về anh hàng xóm nhà bên.

Đèn nhà bên chợt tắt cũng là lúc tôi đặt dấu chấm cho những dòng nhật ký kết thúc một ngày

"Ninh Thuận ngày thứ 30..."

***

Tôi có cảm giác, dạo này hình như mình bị theo dõi thì phải.

Phát hiện ra rồi, là con bé nhà bên cạnh. Đôi mắt nó cứ láo liên, liếc suốt về phía bên này. Hễ mỗi lần ra vườn tưới cây là con bé đó lại núp sau cánh cửa, lén dòm ngó sang. Nó làm như tôi không biết hay sao ấy... Trốn gì lộ quá trời.

Khánh Hà, tôi nghe tiếng ngoại Năm gọi nó như thế khi nó cứ ngơ ngơ giẫm nát mấy luống rau muống của ngoại. Con bé ấy nhỏ hơn tôi bảy tuổi, thất nghiệp, ngày ngày cứ nằm ườn trong phòng nghe nhạc từ chiếc cát xét cũ kỹ.

Tôi không thích Khánh Hà vì cái miệng cứ tía lia suốt ngày của nó. Từ lúc nó đến đây, cuộc sống yên bình của tôi bỗng có thêm nhiều tiếng ồn. Thiệt tình... Đã cố tình trốn đến tận đây mà vẫn bị người khác làm phiền.

Khánh Hà hai mươi lăm tuổi, nhưng vẫn thích tranh kẹo mút với bọn trẻ con cùng xóm để chúng nó khóc ré lên rồi ngồi cười ha hả.

Khánh Hà lớn già đầu vẫn không biết nhặt rau... Một điều ngoại ơi, hai điều cũng ngoại ơi suốt cả ngày.

Khánh Hà, chúa phiền phức. Hễ không ai để ý lại trèo qua hàng râm bụt, ngắt mấy bông hoa thanh tú của tôi.

Con nhóc U30 phá hơn giặc.

Nhưng mà có đôi lúc Khánh Hà cũng dễ thương.

...

"Anh Lì!"

Tôi giật cả mình suýt đánh rơi hũ phân bón. Con nhóc nhà bên cạnh ló đầu qua hàng râm bụt, đưa qua một hộp dâu tây. "Biếu anh này, của nhà em trồng ấy."

Nói xong, nó để lại hộp dâu trên hàng râm bụt rồi chạy biến vào trong nhà.

Tôi đứng dậy, nhìn chăm chú hộp dâu mọng nước... Lâu rồi tôi chưa ăn dâu tây ngào đường, hay là làm dâu tây phủ chocolate nhỉ?

"Ninh Thuận ngày thứ 65...

Cũng đã hơn hai tháng kể từ khi tôi về quê.

..."

Sáu giờ sáng, lúc đang hái hoa thiên lý để trụng chung với mì gói, tôi thấy có cô nào xinh dữ lắm cứ luẩn quẩn trước cổng nhà anh Lì. Nhưng anh Lì vốn đã đi kéo lưới với mấy bác trong xóm từ sáng sớm rồi.

Thấy cô gái kia cứ đi qua đi lại mãi, tôi đành ló đầu lên tốt bụng nhắc vài câu:

"Anh ở trong nhà đó ra ngoài từ sớm rồi chị ạ. Chẳng biết bao giờ về."

Tôi cứ tưởng chị ta sẽ quay sang niềm nở cảm ơn tôi, ai dè đâu chị ta lại liếc tôi một cái sắc lẻm rồi đỏng đảnh bỏ đi.

Lúc này tôi mới ngớ người ra. Gì vậy trời?! Mới sáng ra đã gặp cái gì đâu không.

Cơ mà cũng ghê lắm nhé, lần đầu tiên tôi thấy, ngoài tôi ra cũng có người bám anh hàng xóm dai như đỉa vậy, còn hơn cả đỉa đói.

Hôm nay dì Sáu đưa bà ngoại lên thành phố khám bệnh nên việc nhà giao lại hết cho tôi. Sau khi tưới rau tôi nằm dài trên hiên nhà gặm trái ổi mới hái trộm của ông Bảy nhà phía sau. Tiếng cổng sắt vang lên, đôi mắt tôi liếc nhanh qua hàng râm bụt. Anh hàng xóm về rồi, trên vai còn vác một tấm lưới dày màu xanh. Vừa đi được vài bước thì bỗng nhiên anh ta dừng lại rồi quay đầu nhìn về phía này.

Thấy anh hàng xóm nhìn mình đăm đăm, tôi cảm thấy hơi mất tự nhiên liền ngồi bật dậy.

"Sao nhìn em ghê vậy?"

"Lại hái ổi trộm hả?"

Tim tôi giật thót. Làm sao ảnh biết được?

"Cô có thể hỏi xin mà? Lần sau đừng hái trộm nữa."

"Với lại..."

"Dì Hà! Dì Hà!"

Tiếng thằng cu Kiên oang oang cắt ngang lời anh. Tôi liệng cuốn ổi vào thùng rác gần đó rồi kiễng chân, dòm qua giàn thiên lý. Cu Kiên là thằng nhóc bảy tuổi, con trai của bà chị họ con cậu Ba. Từ nhỏ tôi đã rất thân với mẹ của thằng nhóc, giờ này mà qua í ới thì chắc là muốn nhờ vả chuyện gì rồi.

"Sau đấy nhóc?"

Cu Kiên thở hồng hộc, lấy chiếc kẹo mút ra khỏi miệng, vội vã:

"Dạ, mẹ con nhờ dì đi giao giúp mẹ thùng bánh gói trong nhà cho bà Cả Lan ở xã trên. Trưa nay nhà bà ấy có cỗ mà mẹ thì đang bận trông hàng giúp bà ngoại ngoài chợ rồi."

"Được, được. Nhưng mà về nói lại với mẹ, phải có thù lao cho dì đấy."

Thằng nhóc hớn hở gật gật rồi cầm cái ná đồ chơi chạy mất hút.

Đang loay hoay lấy mũ lấy áo thì tôi đột nhiên nhớ ra một chuyện.

"Chết dở, chiếc xe máy ban sáng dì Sáu lấy đi mất rồi."

"Để tôi chở cô đi. Dù gì tôi cũng đang rảnh."

Bất ngờ thật, tôi chỉ mới nói chuyện với thằng cu có mấy câu mà anh đã thay đồ xong xuôi hết rồi. Anh dắt chiếc vespa cũ dựng trước cổng sau đó thì vào nhà chị họ phụ tôi bê hai thùng bánh gói ra.

Chiếc vespa màu lam nhạt chạy dọc bờ kè, băng qua ruộng ngô, đi ra đường lớn. Xã trên cách chỗ tôi bốn mươi phút đi xe. Như mọi ngày, hôm nay anh vẫn mặc sơ mi ca rô cùng quần bò. Tôi nhìn vai áo đã sờn của người đàn ông ngồi trước, trong đầu bất chợt có dòng suy nghĩ chạy ra... Không biết chiếc áo này đã được bao lâu rồi nhỉ?

"Anh Lì này..."

"Sao?"

Giọng tôi trở nên ngập ngừng. "Anh là người ở đâu đến vậy? Nghe giọng anh hình như không phải người ở đây."

Một phút, hai phút... Không có tiếng trả lời. Tôi đoán anh ta chắc không muốn trả lời câu hỏi của tôi rồi. Thấy vậy, tôi bèn chuyển chủ đề. Bỗng nhiên, tôi chợt nhớ đến cô gái đỏng đảnh ban sáng.

"À! Sáng nay có người đến tìm anh đấy."

"Vậy hả?"

Sao nghe chẳng có tí hào hứng nào vậy.

"Ừm, em thấy chị ấy cứ đi tới đi lui trước cổng nhà anh. Mà khi ấy anh đi kéo lưới rồi."

Vẫn không có bất kỳ lời hồi âm nào. Tôi nhăn mặt bực bội. Gọi anh ta Lầm Lì đúng là không sai mà. Khó ưa!

Chửi người ta khó ưa nhưng mà tôi vẫn đâm đầu thích người ta đấy.

***

Sau khi chở Khánh Hà đi giao bánh. Tự nhiên con bé bảo thèm chè thế là chúng tôi đành tấp vào gánh chè của cô Tư Lợi ở đầu ngõ.

"Con chào cô Tư!"

Đấy cái miệng lúc nào cũng lanh như thế đấy.

"Chu cha ơi, hai đứa ngồi xuống đây. Ăn cái gì nói rồi cô làm cho."

"Cho con một chè thập cẩm không bỏ đậu xanh. Anh Lì ăn gì? Thoải mái đi, em mời."

Tôi liếc sơ mấy nồi chè một lượt. "Lấy con ly chè đậu xanh nhiều nước."

Quầy chè của cô Tư, ngoài hai đứa tôi thì còn hai bà cô khác đang ngồi tám chuyện. Từ câu chuyện của riêng hai người, chưa bao lâu lại trở thành chuyện của cả bốn người là cô Tư bán chè, hai cô kia và Hà.

Tôi phải công nhận con bé này hay thật, chuyện gì trên trời dưới đất cũng nói được. Chẳng biết lời nói có bao nhiêu phần trăm là nói dóc và bao nhiêu phần trăm là sự thật nữa. Tôi cứ thế ngồi im nghe bốn người họ nói từ đông sang tây, từ nhà bác Hai Cả đầu xóm đến nhà chú Hùng Rô Phi ở cuối xóm. Từng ấy câu chuyện cũng ngốn hơn mấy tiếng đồng hồ.

"Mấy giờ rồi Hà?" Vì lúc nãy tôi để quên điện thoại trong túi quần ban sáng nên chỉ đành mở miệng hỏi bạn đồng hành.

Khánh Hà xem điện thoại xong thì kêu lên một tiếng. "Trời đất, trễ thế này rồi. Cô ơi cho con tính tiền."

Cơ mà người nào nói mời tôi ăn chè nhưng cuối cùng lại bỏ quên bóp tiền.

"Hi hi, lần sau em mời lại nhen." Hà cười hì hì, chắp hai tay xin lỗi.

Tôi thở ra một tiếng. Cũng không trông chờ gì lắm. Chắc là tôi không có phúc phần ăn chầu chè tiếp theo rồi.

Ngoại Năm đi lên thành phố khám bệnh, nghe đâu đi chơi ở nhà bà con rồi ngủ luôn ở trển. Lúc ấy tôi đang ninh sườn để nấu canh thì nhận được điện thoại của cô Sáu Linh, con gái ngoại Năm gọi về bảo rằng sao cô gọi con bé Hà mãi mà không được. Nhờ tôi qua xem con bé thế nào rồi.

Cùng lúc ấy điện tắt cái bụp, xung quanh tối om như mực. Tôi bật flash điện thoại, bỏ nồi canh sườn ở đấy, phóng qua hàng rào chạy vào nhà bên cạnh.

"Hà! Hà ơi!"

Chết tiệt! Không có tiếng trả lời.

Rầm.

"Ai da!"

Tôi tức tốc chạy lên cầu thang gỗ, xông vào căn phòng vừa phát ra tiếng động. Khi ánh đèn flash của tôi chiếu tới, lúc này Hà đang nằm dưới đất. Tôi đoán chắc là do té từ trên giường xuống.

"Cô không sao chứ?" Tôi nắm khuỷu tay Hà, giúp cô ấy đứng dậy.

"Sao trời lại tối thế này?"

"Cúp điện rồi. Lúc nãy dì Sáu của cô gọi đấy."

Hà nghe thế lật đật mở điện thoại. "Thế hả? Do bình thường em ngủ có thói quen tắt điện thoại nên không nghe thấy."

Chúng tôi đi xuống nhà dưới lục tủ tìm nến. Chẳng biết mất điện tới bao giờ chứ nom hai cây nến cụt lủn ấy thì chắc không trụ nổi qua một tiếng rồi.

"Xong rồi. Tôi về nhà đây, còn nồi canh..."

Lúc này tôi mới sực nhớ ra nồi canh sườn của mình. Vậy là tôi lại ba chân bốn cẳng phóng về nhà. Thật may là vẫn chưa rút cạn nước.

Nhưng nhìn nồi canh sườn này tôi lại nghĩ tới một chuyện khác.

Tự nhiên thấy lo lo cho cái người ở nhà bên kia ghê. Cô ta đâu có biết nấu ăn.

Cũng cái tính bao đồng hay lo xa của tôi mà giờ đây, bên ánh nến lãng mạn... Tôi và Khánh Hà chia đôi nồi canh sườn.

"Uầy, anh nấu ăn ngon thật đấy. Chẳng bù cho em." Hà vừa gặm sườn vừa tấm tắc khen ngon khiến tôi cũng cảm thấy nở mũi.

Hàng xóm này lâu lâu cũng nói ra được mấy lời nghe lọt tai.

Ăn cơm xong chúng tôi kéo nhau ra trước hiên nhà. Khánh Hà bổ trái dưa hấu mới được chị họ cho hồi chiều. Dưới ánh trăng sáng, chúng tôi vừa ăn dưa, vừa ngửa đầu ngắm mây trôi trên nền trời đêm. Gió biển táp vào mặt mát rượi giữa tiết trời mùa hè oi ả. Tôi nằm dài ra thềm, lặng lẽ tận hưởng cơn gió mát lành.

Tính ra từ lúc tôi bỏ phố về đây cũng đã gần ba năm. Thời gian trôi nhanh thật.

"Mới đó mà đã hơn hai tháng rồi."

Hà duỗi chân, bắt chước tôi ngả lưng ra đất.

"Nè, anh bí ẩn thật đó. Tên của anh là gì vậy?"

"Cô hỏi cái này làm gì? Mọi người gọi sao thì cô cứ gọi vậy là được."

"Xuỳ!"

Đang luyên thuyên bỗng nhiên Hà im bặt. Tôi tò mò quay đầu sang nhìn cô gái trẻ đang nhắm mắt nằm cạnh.

"Tên anh là gì? Cứ nói với tôi đi. Dù sao tôi cũng chẳng thể sống nỗi quá một tháng nữa nên sẽ không tiết lộ với ai đâu."

Sự yên tĩnh bao trùm lên chúng tôi. Tiếng ve kêu trong những tán cây inh tai nhức óc. Cô gái bên cạnh cũng nhìn lại tôi nở nụ cười thật tươi.

"Đùa đấy."

Mặt tôi đừ ra.

Tôi quên mất. Có bao giờ Khánh Hà nghiêm túc quá ba giây đâu. Xém tí lại bị lừa rồi.

"Ninh Thuận ngày thứ 82.

Trời hôm nay bỗng nhiên trở gió. Biển động rồi, tàu thuyền đánh cá đều được lệnh phải quay vào bờ..."

Sáng sớm hôm nay, tàu câu mực của bác Tâm cập bến. Tôi đi cùng ngoại và dì Sáu ra cảng lựa mực tươi thì gặp anh Lì bước xuống từ tàu của bác Tâm. Thì ra đêm qua anh ra khơi cùng bác, nghe nói dự định đi tận mấy ngày nhưng vì có bão nên phải quay về sớm.

Trong lúc ngoại và dì còn đang bận trả giá thì tôi mon men lại gần cái thùng nước màu vàng của anh Lì. Bên trong cái thùng ấy chứa đầy mấy con cá bé bằng ngón tay út.

"Một mẻ cá cơm này ăn được phải bốn, năm ngày đấy. Có muốn ăn thử cá cơm kho quẹt không? Khi nào làm xong tôi sẽ mang qua biếu một ít."

Tôi trố mắt ra nhìn anh Lì. Không phải bất ngờ vì món cá cơm kho quẹt, tôi bất ngờ vì đây là lần đầu tiên mà anh chủ động bắt chuyện với tôi.

"Sao vậy?"

Chắc thấy tôi cứ trợn mắt nhìn trân trân trông giống yêu quái nên anh có chút giật mình. Nhưng tôi không quan tâm. Căn bản là tôi đã mất sạch thể diện trước mặt anh ấy từ lâu rồi.

Tôi đi theo anh Lì khi anh xách thùng cá cơm và thùng mực của ngoại tôi về giúp vì ngoại và dì còn phải ghé chợ mua một số thứ.

"Anh Lì bao nhiêu tuổi rồi?"

Quen biết anh ấy đã lâu nhưng tôi chưa bao giờ hỏi chuyện này. Mà nếu có hỏi thì anh cũng chẳng thèm trả lời, do lúc nãy yên tĩnh quá nên tôi mới kiếm chuyện thôi.

"Ba mươi hai."

Trời đất! Ảnh trả lời rồi nè.

Tôi được đà hỏi tiếp.

"Quê anh ở đâu vậy?"

"Sài Gòn."

"Tại sao anh lại ở đây?"

Không có câu trả lời.

Nhưng không sao, tôi lại biết được thêm hai thông tin về anh trai bí ẩn này.

***

Khánh Hà cứ léo nhéo bên tai suốt đoạn đường về nhà khiến tôi ong hết cả đầu.

Nhưng cũng nhờ có cô ấy mà cả đoạn đường tôi đã không còn cảm thấy cô đơn nữa. Dường như tôi đã quen có sự xuất hiện của Khánh Hà trong thế giới của mình.

Cây hoa phượng ở đầu ngõ đã rụng hơn phân nửa. Mùa hè lại sắp kết thúc rồi.

Khi mùa hè kết thúc, có lẽ Khánh Hà sẽ trở về nhà của mình. Nghĩ đến chuyện này, tôi thấy cũng có chút buồn.

"Ninh Thuận ngày thứ 90..."

Tôi lên cơn đau tim khi đang phơi đồ ngoài sân sau, khi ấy cả ngoại và dì Sáu đều không có ở nhà.

May sao lúc đó anh Lì đi thay nước cho hồ cá thì nhìn thấy. Anh ấy bế tôi chạy một mạch ra trạm y tế xã, suýt chút nữa thôi là tôi đi chầu ông bà rồi.

Lúc mở mắt ra tôi đã thấy anh Lì ngồi cạnh giường mình. Như mọi ngày, tôi lại nhe hàm răng trắng toát ra cười hi hi với anh. Nhưng trông anh có vẻ không ổn lắm, biểu cảm gương mặt lạnh tanh hệt như lần đầu tôi gặp anh ấy. Cảm giác rằng người kia vẫn chưa hết bàng hoàng, tôi liền trấn an.

"Chuyện thường ở huyện mà, sao anh căng thế?"

"Vậy là lần trước nói thật?"

"Nói thật cái gì?" Tôi ngờ nghệch tỏ vẻ không hiểu.

Anh không nói nữa mà đứng lên bỏ ra ngoài.

Nằm một chút thì bác sĩ cũng cho tôi về. Nhưng để chắc ăn thì ngày mai tôi vẫn phải đi bệnh viện kiểm tra.

Lúc ra khỏi cửa trạm xá, tôi nhìn thấy anh Lì đang đứng ở một góc hút thuốc. Lâu nay tôi chưa từng thấy anh Lì hút thuốc bao giờ. Nhìn đống tàn thuốc dưới chân anh ấy thì đây là điếu thứ năm rồi.

"Cứ tưởng anh đi về trước rồi."

Vừa nhìn thấy tôi, anh liền dập điếu thuốc đang hút dở. Trông mặt thì chắc vẫn còn đang giận nên cứ vậy mà hộc hằn bỏ đi trước. Tôi chạy theo, cố đuổi kịp anh, miệng thầm trách anh chân gì mà dài quá, bước nhanh thế không biết.

***

Tôi biết Khánh Hà vẫn còn đang đi theo mình. Lửa giận trong tôi vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

"Đừng có đi theo tôi nữa."

Tôi quay ngoắt ra nhìn Hà. Ánh mắt cô ấy có hơi ngỡ ngàng vì lần đầu thấy tôi to tiếng. Cảm thấy mình có hơi lỡ lời, tôi liền thu ánh mắt bực dọc lại quay đầu đi thẳng.

Hình như Hà không đi theo tôi nữa Lúc rẽ sang đường khác, tôi vẫn nhìn thấy Hà đứng ở chỗ lúc nãy, nhìn trân trân theo lối tôi đã đi.

Tôi nghe tiếng cổng nhà bên cạnh đẩy ra khi đang tưới phân cho mấy cây cam.

Qua hàng râm bụt, tôi nhìn thấy Khánh Hà đang dắt chiếc cub 82 ra khỏi cổng. Hôm qua nghe loáng thoáng bác sĩ bảo rằng phải lên bệnh viện thành phố kiểm tra. Đến đây, tôi thả bình phân bón xuống rồi vội bước nhanh ra cổng.

"Khánh Hà!"

Hà đang đóng cổng, nghe thấy tôi gọi thì nhìn sang.

"Để tôi đưa cô đi."

Tôi chạy vào nhà, khoác vội cái áo sơ mi ca rô. Lúc ra cổng thấy Hà đứng tựa người vào yên xe thì thở phào nhẹ nhõm.

Từ đây lên thành phố mất hơn một tiếng. Tôi ngồi bên ngoài ghế chờ trong khi Hà đi kiểm tra tổng quát. Bây giờ nghĩ lại mới thấy vô lý. Sao tự dưng hôm qua tôi lại nổi cáu với Hà nhỉ? Liệu Hà có nghĩ tôi là một tên vô duyên không?

Đang chìm đắm trong dòng suy nghĩ riêng, bất chợt hai tiếng "anh Lì" kéo tôi trở về thực tại.

"Xong rồi hả?"

"Dạ."

"Bác sĩ có kê thuốc gì không?"

"Em có thuốc riêng rồi, xưa giờ vẫn uống loại đó. Mà..."

Đang nói nửa chừng, đột nhiên Hà im bặt.

"Anh còn giận em không?"

"Sao tôi lại phải giận cô chứ? À, hôm qua tôi có quá lời. Xin lỗi cô. Thực chất tôi không có ý gì đâu."

Khánh Hà thở nhẹ ra một hơi, nhoẻn miệng cười.

"Tốt quá! Em cứ lo anh giận em rồi."

Nụ cười khiến tôi hơi ngẩn ra một chút. Không còn nụ cười bỡn cợt hay tinh ranh thường ngày. Lần này nụ cười của Hà khác hẳn... làm tim tôi muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

"Tôi không muốn cô mang mạng sống của mình ra làm trò đùa." Miệng tôi không tự chủ mà lên tiếng.

"Dạ?"

Ngay lúc này, tự dưng tôi lại cảm thấy hơi ngượng. Chậc. Tự nhiên lại nói ra làm chi.

"Nếu như cô không còn, thì cuộc sống tẻ nhạt của tôi lại mất đi một niềm vui rồi."

***

"Ninh Thuận ngày thứ 91...

Hôm nay tôi được anh hàng xóm hộ tống đi khám bệnh. Có vẻ như anh ấy đã hết giận tôi rồi.

Nhưng anh nói vậy là có ý gì nhỉ?

Không hiểu không hiểu không hiểu.

Liệu mai mình có nên hỏi anh ấy không?"

"Ninh Thuận ngày thứ 92...

Hình như hôm nay anh ấy không có ở nhà. Mình gọi mãi mà không thấy ai trả lời.

Mẻ dâu lần trước anh ấy bảo ngọt lắm nên mình đoán rằng chắc anh thích ăn dâu. Hôm nay mẹ lại gửi dâu về, định mang qua cho anh một ít. Tiết thật."

"Ninh Thuận ngày thứ 95...

Đã ba ngày rồi vẫn không thấy anh đâu.

Vậy nên sáng nay mình đã leo rào sang tưới cho mấy cây cam của anh.

Chậu hoa Thanh Tú mà anh thích đã rơi úa màu. Nhớ lúc mới đến đây mình rất hay hái trộm hoa của anh. Mình thích mấy bông hoa màu xanh tim tím ấy, chúng trông cứ đáng yêu kiểu gì. Nhưng khác với hoa râm bụt, nét mặt anh có vẻ không hài lòng khi mình ngắt mấy bông hoa nhỏ xinh ấy nên mình đoán rằng anh thích chậu hoa ấy lắm. Vậy là sau đó mình không hái chúng nữa."

"Ninh Thuận ngày thứ 97...

Sáng nay cô gái lần trước lại đến tìm anh. Không biết là cô ta và anh có quan hệ gì với nhau không? Trong đầu mình lúc ấy xuất hiện hàng trăm suy nghĩ. Người yêu cũ của anh, hay là anh trốn nợ, hay anh lừa tình người ta...

Thôi, đợi anh về rồi thắc mắc sau vậy.

Nhưng khi nào anh về thì không biết. Ba ngày nữa là mình đã rời khỏi đây rồi, không biết có kịp chào anh không?"

"Ninh Thuận ngày thứ 99...

Hôm nay là đêm cuối mình ở đây rồi. Nhà anh vẫn đóng cửa im lìm như chẳng có ai đã từng sống trước đó. Nếu mình đi rồi, không biết có ai tưới cho mấy cái cây không."

***

Hơn một tháng sau...

Tôi đẩy cửa bước vào. Chiếc cổng sắt kêu cót két khiến tôi cau mày. Đám cây trong vườn đã héo gần hết, chỉ còn hàng râm bụt là vẫn xanh tốt và đơm hoa.

"Vậy là phải mất công làm lại mọi thứ nữa rồi."

Toan bước vào nhà, mắt tôi vô thức liếc nhìn khung cửa sổ tầng trên nhà bên cạnh. Lạ thật, bình thường cửa vẫn luôn mở mà nhỉ? Hay cô ấy đi đâu rồi?

Sau khi dọn sơ căn nhà một lượt, tôi vào kho lấy cuốc xẻng và mấy bị hạt giống ra làm lại khu vườn. Đột nhiên tôi phát hiện ra, chậu hoa Thanh Tú bên cạnh hàng rào đã biến mất. Lúc này cổng nhà bên cạnh cũng mở ra. Ngoại Năm xách cái làn đi vào, chắc là ngoại mới đi chợ về. Vừa nhìn thấy tôi, ngoại liền cười tươi rói.

"Thằng Lì về rồi đấy hả?"

"Con chào ngoại." Tôi cũng lễ phép chào bà.

"Ừa, lát qua ngoại lấy mấy con cá diêu hồng về mà nấu canh. Hôm qua con bé Sáu lại mua hơi quá tay."

"Dạ, con cảm ơn ngoại." Chợt nhớ ra một chuyện, tôi liền nhanh nhảu hỏi. "À ngoại ơi, hôm nay con không thấy Hà đâu. Cô ấy đi chơi rồi hả ngoại.?"

Nghe thấy tôi nhắc đến Hà, nét buồn in rõ trong ánh mắt ngoại, tôi thấy ngoại rơm rớm nước mắt.

"Con bé Khánh Hà mất được gần một tháng rồi. Ngay sau khi về nhà ba mẹ ở Đà Lạt được vài tuần, nó lên cơn đau tim khi đang tưới cây, lúc đó ba mẹ con bé không có ở nhà. Khi hàng xóm tìm thấy thì nó đã đi rồi."

Hai tay tôi buông thõng, cái bay trên tay theo đó mà rơi xuống đất. Tôi đứng chết trân trong khu vườn hoang tàn chỉ còn cỏ khô. Tôi có cảm giác hồn mình như vừa chết đi một nửa.

Không biết từ khi nào. Có thể là từ buổi sáng đầu tiên tôi nhìn thấy cô ấy, vừa mở tung cửa sổ vừa ngân nga một bài hát nào đó đang thịnh hành trên mạng, mái tóc xoăn dài khẽ đung đưa trong gió khiến trái tim tôi vô thức đập một cách nhanh hơn. Lâu dần lại thích nhìn cô ấy nhiều hơn một chút, nhắm mắt làm ngơ mỗi lần cô ấy hái trộm cây hoa yêu thích của mình. Và tôi biết, tôi thật sự đã rung động khi cô ấy tặng cho tôi hộp dâu tây mà cô ấy thích nhất.

Tôi hỏi ngoại Năm địa chỉ nhà của ba mẹ Khánh Hà rồi lại khăn gói bắt xe đi Đà Lạt.

Nhà ba mẹ Khánh Hà nằm trong một con ngõ nhỏ, trên một ngọn đồi ở ngoại ô thành phố. Tôi đứng trước cánh cổng hoa mai xanh chần chừ, nhưng rồi cũng quyết định bấm chuông. Một người phụ nữ trung niên tầm năm mươi mấy chạy ra mở cửa, nét mặt dịu dàng có hơi giống Khánh Hà khiến tôi ngơ ra.

"Cậu tìm ai?"

Tôi giật mình, vội cúi đầu chào. "Con chào bác, con là bạn của Khánh Hà."

"Bạn của Khánh Hà?" Người phụ nữ ngờ vực hỏi lại. Nhưng rồi bác ấy chợt nhận ra điều gì đó. "Có phải là cậu ở bên cạnh nhà mẹ tôi không?"

"Dạ vâng, đúng ạ."

Người phụ nữ nhoẻn miệng cười mời tôi vào nhà. Chúng tôi băng qua khu vườn trồng toàn hoa cẩm tú cầu, xung quanh cũng có vô vàn loài hoa khác. Ngôi nhà cấp bốn như lọt thỏm giữa rừng hoa.

Bàn thờ của Khánh Hà nằm sừng sững ở phòng khách. Tôi bỏ mũ lưỡi trai ra, đi đến thắp cho Hà nén nhang. Sau khi ngồi nói chuyện với bác Loan, mẹ của Hà một lúc thì bác ngỏ lời đưa tôi lên phòng của Hà.

Căn phòng nhỏ với cửa sổ nằm ở hướng đông bắt trọn ánh ban mai trong buổi sớm. Đối diện giường ngủ là chiếc kệ áp tường chứa đầy sách.

Tôi ngồi xuống bàn học, trước mặt là quyển sổ be bé.

100 ngày Hạ.

Tựa đề cách điệu trên sổ khiến tôi không khỏi tò mò mà mở ra.

"Ninh Thuận ngày thứ nhất..."

Đọc xong trang thứ nhất, tôi lại lật sang trang thứ hai rồi thứ ba...

"Ninh Thuận ngày thứ 25...

Hình như mình thích anh ấy mất rồi. Ngay khi anh ấy đỡ lấy đống củi khô, mình nghĩ trái tim mình thật sự đã rung động."

Tôi lại lật sang trang tiếp theo, rồi vài trang nữa...

"Ninh Thuận ngày thứ 30...

Hôm qua mẹ vừa gửi dâu xuống, trái nào trái nấy to mọng nước nhìn thích mắt lắm. Mình đã đem biếu anh một nửa số dâu của mình... mặc dù có hơi chút không nỡ vì mình thích dâu lắm.

Buổi chiều lúc đi dạo biển mình lại gặp được anh. Dưới giàn Đăng Tiêu nhà ông Sáu Xiêm, gió thổi hiu hiu, hoa Đăng Tiêu đỏ rực rơi như mưa... Đẹp vô cùng.

Mình không thích anh ấy nữa... Mình yêu anh ấy."

Tôi lục lọi trí nhớ của mình về ngày hôm đó. Ừm có một buổi chiều, bác Sáu Xiêm nhờ tôi sang phụ sơn lại thuyền. Trước khi về, bác Huyền nhà đối diện còn gọi tôi lại lấy mấy con mực về ăn, chồng bác Huyền là bác Tâm vần thường gọi tôi đi câu mực trên thuyền của bác. Hóa ra là Hà nhìn thấy tôi khi tôi đang đợi bác Huyền lấy mấy bị mực.

Tôi lại tiếp tục lần từng trang. Mỗi trang giấy, Hà đều kể về tôi.

"Ninh Thuận ngày thứ 90...

Anh ấy giận mình rồi. Nét mặt anh ấy đã nói lên điều đó.

Lần đầu tiên mình thấy anh hút thuốc. Trông anh có vẻ rất cô đơn. Mà bóng lưng ấy lúc nào cũng cô đơn như vậy. Tự dưng muốn ôm anh quá đi mất."

Đến đây, tôi cảm thấy hốc mắt mình ươn ướt. Một dòng nước ấm lăn dài trên má, rơi cái tách xuống quyển nhật ký.

Cái hôm đưa Hà đến viện, tôi tình cờ nhìn thấy vợ mới của ba ở đó.

Ba mẹ tôi ly hôn khi tôi vừa tốt nghiệp đại học. Thật ra mối quan hệ của họ đã có vấn đề từ trước và tôi cũng đã lờ mờ nhận ra nó từ lâu. Nhưng chỉ vì tôi, hai người họ đã không ly hôn chỉ vì muốn lo cho tôi hết bốn năm đại học. Hậu ly hôn, mẹ tôi đi bước nữa rồi theo chồng sang Mỹ định cư, còn ba tôi thì cặp kè với một cô gái trẻ chỉ hơn tôi vài tuổi. Hai năm sau, ba tôi cưới cô ta và có thêm một đứa con trai. Tôi bất đắc dĩ trở thành anh trai của một đứa nhóc mới sinh khi mới 25 tuổi.

Chuyện sẽ không có gì nếu như "mẹ kế" không có tình cảm với tôi. Cô ta tìm cách tiếp cận tôi từ mọi góc, ngay cả khi tôi chuyển ra ngoài ở, cô ta vẫn tìm đến căn hộ nơi tôi sinh sống để ve vãn tôi mặc cho tôi bao lần cự tuyệt và từ chối. Khi tôi không còn chịu đựng được nữa, vào ngày giỗ của ông nội, tôi đã tố cáo hành vi của vợ ba mình trước mặt mọi người. Nhưng tội cho tôi, ông ấy tin tưởng vợ hơn là tin đứa con trai ruột này. Tôi bị tán cho một bạt tai ngay giữa nhà, trước mặt tất cả quan khách vì tội làm ông ta mất mặt.

Tôi bỏ đi. Để tránh bị người phụ nữ kia làm phiền nên tôi đã đi thật xa khỏi cái đất Sài Thành nhốn nháo ấy. Dì giúp việc ở nhà là người thương tôi nhất. Lúc tôi chuyển ra ngoài sống, lâu lâu dì vẫn hay đến thăm và dạy tôi nấu ăn. Căn nhà ở Ninh Thuận là nhà của vợ chồng dì. Từ sau khi chồng mất, dì cũng chưa bao giờ về đây. Khi nghe tin tôi bỏ đi, dì đã gợi ý cho tôi về nơi này, một làng chài yên bình ở Ninh Thuận... Chìa khóa nhà, dì cũng giao luôn cho tôi.

Ấy mà chẳng hiểu sao người mẹ kế kia của tôi biết được nên đã mò đến đây. Mỗi lần như thế, tôi lại phải dọn đồ, đi đây đi đó một thời gian. Còn vì sao tôi biết thông tin, thời gian chính xác mà cô ta tìm đến ư? Vì chính dì giúp việc đã gọi điện báo cho tôi biết. Tôi giữ bí mật về tên mình với mọi người xung quanh là để tránh ánh mắt tọc mạch và tránh để người phụ nữ kia tìm đến làm ảnh hưởng bà con trong xóm.

Lần này tôi đi lâu hơn dự tính, một tháng rưỡi. Vì người đàn bà kia chắc chắn đã đánh hơi ra tôi nên tôi đành đi lâu một chút để bà ta nghĩ rằng tôi đã bỏ đi nơi khác.

Nhưng vì đi lâu quá, tôi đã không thể gặp em, không kịp bày tỏ lòng mình. Tôi không ngờ cái hôm ở bệnh viện ấy là lần cuối tôi có thể nhìn thấy nụ cười của em.

"Ninh Thuận ngày thứ 100...

Bây giờ mình phải đi rồi, tạm biệt Ninh Thuận, tạm biệt giàn râm bụt, tạm biệt...

Nếu bây giờ mình lấy trộm chậu hoa Thanh Tú của anh thì có sao không nhỉ?"

Bây giờ tôi mới để ý, bên bệ cửa sổ là chậu hoa Thanh Tú xanh tím mà tôi yêu thích. Hóa ra là Khánh Hà đã mang nó đi. Nước mắt tôi lúc này không ngừng rơi xuống.

Tôi xuống nhà chào tạm biệt mẹ em để ra về. Tôi cũng đã xin phép bà cho mình mang theo chậu hoa Thanh Tú, quyển nhật ký của em và một tấm ảnh chụp em. Trước khi đi, tôi đã đến trước di ảnh của Hà, nhìn em thật lâu. Vẫn là nụ cười đó, nụ cười làm lòng tôi bồi hồi xao xuyến một cách thật lạ lùng.

"Chào em, Nguyễn Khánh Hà. Anh tên Phạm Hoàng Anh Kha."

Cuối cùng thì tôi cũng đã có thể nói ra tên mình với em.

Em đi rồi, để lại tôi cùng với mùa hè đầy thương nhớ.

Tôi rời khỏi Đà Lạt, quay về nhà ba để giải quyết dứt điểm mọi chuyện. Tôi đã bỏ lỡ tuổi trẻ của mình vì những người ở gia đình đó, bỏ lỡ tình yêu của mình cũng chỉ vì trốn tránh người của gia đình đó. Nhưng tôi cũng đồng thời biết ơn gia đình đó vì nhờ họ mà tôi mới có thể gặp được em. Và giờ thì tôi muốn rời khỏi gia đình đó, sống một cuộc đời khác của tôi.

Cuộc đời vốn có những ngã rẽ bất ngờ mà ta không bao giờ ngờ tới. Khánh Hà cũng vậy, em là một ngã rẽ mà chính tôi cũng không ngờ đến việc mình đã bước vào từ bao giờ.

Nếu tôi không chần chừ... Nếu tôi không bỏ đi lâu như vậy... Chắc là tôi sẽ kịp nói những "điều đó" với em, nói rằng tôi thích em nhiều đến nhường nào. Nhưng cuộc sống không có "nếu", và tôi cũng phải đành chấp nhận rằng, có những người chỉ có thể gặp gỡ trong một đoạn đời ngắn ngủi rồi lặng lẽ rời xa.

Đã hơn 5 năm kể từ ngày Khánh Hà rời đi. Chậu hoa Thanh Tú năm nào giờ đây đã mọc khắp bệ hoa bên hàng rào.

Mùa hè lại đến trong căn phòng ngập tràn ánh nắng mặt trời. Trên chiếc bàn gỗ nhỏ ở phòng khách, Anh Kha đặt bên cạnh di ảnh Khánh Hà một chậu hoa Thanh Tú nho nhỏ. Anh ngồi trên sô pha, lật quyển nhật ký của Khánh Hà đọc lại những gì cô đã viết... Quyển nhật ký đề tên mùa Hạ mà mỗi năm anh đều sẽ lấy ra đọc ít nhất một lần.

"Ninh Thuận ngày thứ 85...

Hôm nay mình nằm mơ một giấc mơ rất kỳ lạ.

Mình nghe thấy loáng thoáng tiếng ai đó gọi tên mình, thanh âm rất nhẹ nhàng và trầm lắm.

Đột nhiên mình lại cảm giác môi mình như vừa có thứ gì đó chạm vào, mềm mềm, ấm ấm khiến đầu óc mình như muốn nổ tung. Hình như có ai đó đang hôn mình thì phải, cảm giác rất thật.

Cho đến khi mình mở mắt thì chẳng có ai ở đấy cả. Mình đã ngủ gần ba tiếng ở hiên nhà và nụ hôn vừa rồi đúng thật chỉ là một giấc mơ."

Đọc đến đây, anh Kha bất chợt mỉm cười vì thật ra chẳng có giấc mơ nào cả.

Hôm đó khi anh sang nhà xin vài cọng rau mồng tơi để nấu canh thì bắt gặp Khánh Hà đang ngủ say trước hiên nhà, bên cạnh là chiếc máy cát sét vẫn đang phát bài nào đó mà anh không biết. Anh Kha có gọi tên cô vài lần nhưng Khánh Hà chỉ ú ớ vài cái rồi lại xoay người ngủ tiếp.

Và rồi...

Bất chợt anh cúi người, nhẹ nhàng đặt lên môi cô một nụ hôn, chiếc môi mà anh đã lén lút nhìn vô số lần trước đó.

Đến khi Khánh Hà tỉnh dậy, Anh Kha đã nhanh chân nấp sau bức tường trước cổng. Điều đó khiến cho Khánh Hà nghĩ rằng những gì mình vừa cảm nhận chỉ là giấc mộng của một buổi trưa hè... Cũng vì thích anh nhiều quá nên cô mới nằm mơ thấy những thứ như thế.

Và đó cũng là bí mật của Phạm Hoàng Anh Kha. Một bí mật to lớn đi theo anh đến cuối cuộc đời.

Hết.

Đà Lạt, 13.08.24

trachanhmatonggg

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro