Chương 1: Cái gì là đúng cái gì là sai?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Cô Dần chú Dần đâu rồi? Ra tôi bảo! Có tin này hay lắm cô chú nhất định phải biết đây!

Cái giọng chua ngoa ấy vốn đã khó nghe lại thêm người nói cố gân cổ hét cho to cho vang. Ôi chao ôi! Cứ phải gọi là như khoét vào tai, chối không sao tả nổi!

Đào vừa nghe liền nhận ra ngay là giọng của mụ hàng xóm tọc mạch chuyên ngồi lê đôi mách chuyện nhà người khác. Thị đã vốn không ưa gì mụ ta rồi mà sao mụ cứ vác xác sang đây thế không biết?

Đành bỏ dở việc đang làm, Đào bước vội ra cửa nhà xem thử thì thấy mụ hàng xóm đã ngồi chễm chệ trên cái chõng tre ở hiên nhà từ đời nào rồi. Quái chưa kìa? Ở đâu ra cái kiểu chủ nhà chưa mời mà đã nhảy vào ngồi thế hả? Rõ là cái phường vô duyên. Tuy trong bụng nghĩ vậy nhưng ngoài mặt Đào vẫn cười, bước đến ngồi xuống chõng lại rót cho mụ chén nước chè đặc, thị hỏi.

- Có việc gì mà chị hò hét cứ như cháy nhà không bằng thế? - Đào cười nhạt, thong thả nói tiếp. - Em đây quanh đi quẩn lại có mỗi cái ao mảnh ruộng nên chỉ thích nghe chuyện mớ rau con cá ngoài chợ ra sao thôi, chứ mấy chuyện nhà người khác em không muốn nghe đâu.

Mụ hàng xóm làm như không hiểu ý của thị, mụ vẫn ung dung nhấp ngụm nước chè, đôi mắt lươn híp lại nhìn Đào - là một ánh nhìn không có ý tốt. Mụ nói bằng giọng khinh khỉnh.

- Tôi nói chứ, cô cứ suốt ngày cặm cụi ruộng vườn vì ba cái đồng tiền chết đói ấy rồi quên cả dạy con bảo sao thằng Thiên nhà cô lại chẳng ra cái gì.

Nghe mụ nói vậy mặt Đào sa sầm xuống. Tuy thị là người quen sống một điều nhịn chín điều lành chẳng mấy khi đôi co với người khác, nhưng nào có cái chuyện đang yên đang lành có kẻ móc mỉa đến con thị mà thị lại để yên? Đào quắc mắt lườm mụ, gằn giọng quát lên.

- Này nhé chị ăn nói cho hẳn hoi, con tôi làm gì nhà chị mà chị lại nói nó như thế hả?

- Ối giời đất ơi, con cô tài giỏi như thế nào có thèm động đến nhà tôi, nó động là động đến nhà ông Tri huyện (1) kia kìa.

Thấy mụ nhắc đến ông Tri huyện trong lòng Đào chợt sinh ra bất an. Người vùng này không ai là không biết đến lão, bởi lão không chỉ là quan Chánh lục phẩm mà còn rất giàu có, nhà cửa ruộng vườn của lão bằng mấy hộ gộp vào, cứ phải gọi là giàu nứt đố đổ vách!

Kẻ vừa có quyền lại có tiền như thế chỉ trừ phường tai to mặt lớn ra còn dân đen ai nấy đều e sợ. Mỗi lần thấy lão đều phải một điều ông Tri huyện hai điều ông lớn, không ai dám đem tên huý là Thường của lão ra để gọi cả. Chẳng hiểu sao lão có vẻ không thích cái tên này chỉ biết ai mà lỡ miệng gọi thì chết với lão ngay chứ chẳng đùa, hơn nữa chức quan của lão lù lù ra đấy dân đen ai dám gọi tên cúng cơm của quan?

Mà mụ hàng xóm thấy thị thấp thỏm không yên thì ra chiều hả hê lắm. Xưa nay mụ luôn ghen ghét với nhà Đào hay nói đúng hơn là thằng con trai thị. Rõ ràng con thị và con mụ được nhận vào làm trong cùng một phủ đệ, nhưng con thị chó ngáp phải ruồi theo hầu quý nhân, tháng nào tiền thưởng cũng nặng túi lại còn được học chữ nghĩa, trong khi con của mụ chỉ là kẻ chăn bò dọn chuồng ngựa, đã khổ cực còn chẳng được mấy đồng tiền công. Hàng xóm láng giềng hễ nhắc đến Thiên thì khen ngợi hết lời, lại còn mang đứa con của mụ ra so sánh rồi chê bai nó mới tức chứ. Giá mà không có thằng ranh con đó thì người theo hầu quý nhân sẽ là thằng con mụ, người được ca ngợi cũng là thằng con mụ. Tất cả phải là của thằng con trai mụ mới phải. Trời ơi, càng nghĩ mụ lại càng sôi cả tiết. Nhưng may thay trời có mắt, cuối cùng cũng có ngày mụ được xả cơn giận rồi!

- Thằng con cô theo hầu cậu cả nhà ông lớn nhỉ?

Cậu cả mà mụ hàng xóm vừa nhắc đến là mụn con duy nhất của lão Thường. Cậu tên Hạc năm nay vừa tròn 18 tuổi. Số cậu sinh ra trong cảnh phú quý lại là đứa con trai nối dõi tông đường được lão quý mến chiều chuộng lắm, nhưng cậu chẳng hề có cái tính hống hách hợm hĩnh của phường cậy quyền cậy của mà khinh thường người khác. Nghe đâu Hạc có vẻ là người khó thân nhưng tính tình lại xem như hiền lành, nói chuyện với kẻ sang hay hèn cũng đều nhẹ nhàng lễ nghĩa đâu ra đấy. Chỉ là tiếc thay từ lúc sinh ra đã bệnh tật liên miên, uống thuốc cứ phải gọi là thay cơm. Người ta kháo nhau rằng đời cha ăn mặn thì đời con khát nước. Đúng là thương thay, người thì tốt đấy nhưng ai bảo xui xẻo đầu thai vào cái nhà ấy. Có muốn trách cũng chỉ có thể trách duyên, trách số, trách ông trời mà thôi.

- Đúng rồi, thằng Thiên theo hầu cậu cả cũng ngót nghét hai hay ba năm gì đấy. - Đào đáp, chần chừ giây lát thị hỏi. - Mà chị hỏi việc này làm gì?

Mụ hàng xóm thở dài vẻ mặt trông thương xót lắm nhưng ánh mắt mụ không giấu được khoái trá, mụ ghé sát vào tai Đào hạ thấp giọng nói.

- Thằng con cô ấy à, bị người ta phát hiện ăn nằm với cậu cả nên ông lớn đang sai người đánh cho tuốt xác kia kìa. Ông lớn sợ mất mặt không làm to chuyện chỉ đóng cửa giải quyết trong phủ, lại lệnh đám tôi tớ không được hé răng bàn tán lung tung nên người ngoài phủ nào ai biết đâu. May mà thằng con tôi cũng làm trong phủ mới nghe ngóng được đấy.

Dường như thứ vừa vang lên không phải giọng nói của mụ hàng xóm mà là tiếng sấm tiếng sét mới phải, nếu không sao Đào lại thấy đầu óc tê dại thế này? Thị vô thức lắc đầu, trong ngực như bị hòn đá lớn chẹt ngang khiến thị không thở được, tay chân cứ run lên bần bật, song thị vẫn cố dồn sức nói, nói mà như quát.

- Làm sao... làm sao mà có chuyện đấy được? Chị đừng có mà ăn nói liên thiên!!!

Mụ hàng xóm giật mình suýt đánh rơi chén nước chè, không ngờ Đào lại phản ứng dữ dội như vậy. Nhưng bộ dạng này của thị khiến mụ vui lắm, giá mà bây giờ thị tức đến phát điên lên thì lại đúng là chuyện vui càng thêm vui, cơ mà nhìn thị bây giờ chẳng có vẻ gì giống sắp điên cả. Tiếc ghê gớm!

- Tôi đây nể tình hàng xóm láng giềng nhiều năm lại có lòng tốt mới sang nhắc cô, chuyện rành rành ra đấy cô tin hay không thì tuỳ. À, nhớ kín kín cái mồm đừng bép xép linh tinh không ông lớn biết là chết cả lũ đấy nghe chưa? Mà này, tôi thấy cô nhanh nhanh sang lạy lụp van xin ông lớn tha cho thằng Thiên một mạng đi, cô cũng biết ông lớn có tiếng "nghiêm khắc" thế nào rồi đấy, không nhanh lên là chỉ còn nước nhặt xác về đem chôn thôi đấy.

Rồi mụ chép miệng đứng dậy, đỏng đảnh lắc cái hông núc ních mỡ đi về.

Thật ra ấy à, mụ bảo vợ chồng thị đi xin lão Thường chẳng phải do mụ tốt bụng gì đâu, mà mụ biết thừa cái thứ dân đen xin xỏ lão ấy thì chỉ rước nhục vào thân chứ có được trò trống quái gì. Cơ mà vừa hả giận vừa có tiếng tốt là thương hàng xóm thì tội gì mà mụ không làm? Càng nghĩ mụ càng thấy hả hê, mụ tủm tỉm cười, trong lòng vui sướng hơn cả nhặt được vàng.

Mụ hàng xóm đã về từ lâu nhưng Đào vẫn ngồi chết trân trên chõng không nhúc nhích. Những lời cay nghiệt mụ hàng xóm vừa nói như rắn rết ùa đến cắn xé tâm trí Đào, đôi mắt thị dần đỏ lên, cuối cùng thị che mặt, cổ họng bật ra tiếng khóc nức nở, miệng mấp máy mãi mới nên câu.

- Con ơi là con, sao con lại đi làm cái việc bẩn thỉu bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ thế này hả con?

* * *

Đã vào giờ Tý (2) từ lâu nhưng trong phủ đệ nhà lão Thường đèn đuốc vẫn sáng rực, đám tôi tớ vội vã chạy tới chạy lui có điều ai nấy đều im thin thít không dám lén lút nói chuyện với nhau như mọi khi. Các chủ nhân trong phủ hôm nay mỗi người mang một tâm trạng khác nhau, có u sầu, có sợ hãi, có trầm mặc nhưng tất cả đều chẳng vui vẻ gì cho can. Phận làm tôi tớ vốn đã hay bị trách phạt, nhỡ không may nói dài nói dai lại thành nói dại rồi khiến bọn họ tức giận có khi bị đánh chết chẳng chơi, bởi thế đám tôi tớ đều nơm nớp lo sợ mà giữ im lặng.

Ngọn nguồn của tất cả những việc trên là do chuyện của chàng tôi tớ tên Thiên với Hạc gây ra.

Bà hai - mẹ của Hạc khi vừa nghe tin đã ngất lịm đến nay vẫn chưa tỉnh, có người nói là do tức giận quá, có người lại bảo bà sợ lão Thường giận cá chém thớt trách tội cả bà nên giả vờ giả giả vịt ngất thôi chứ chẳng sao cả. Mà kể ra lời này cũng có lý vì nay lão Thường giận ghê lắm, ngay cả bà ba cũng bị lão cho một bạt tai vì nói sai. Ấy thế mà bố mẹ chàng tôi tớ kia lại điếc không sợ súng chạy đến lạy lụp xin lão tha cho con trai của họ, cuối cùng cả hai bị lão Thường sai người đuổi thẳng cổ. Nhưng họ làm vậy cũng dễ hiểu thôi, có cha mẹ nào mà không thương không xót đứa con mình rứt ruột đẻ ra?

Lúa - gã tôi tớ theo hầu Hạc vừa đi vừa nghĩ lại mọi chuyện, khi giật mình nhớ ra việc được sai thì gã đã đến trước phòng chứa củi từ khi nào. Gã ngó ngang ngó dọc thấy không có ai mới lén lút lấy chìa khoá ra mở khoá phòng củi.

Vừa mở cửa mùi bụi mốc trộn lẫn mùi tanh của máu phả thẳng vào mặt khiến gã cau mày bịt mũi.

Đặt đĩa đèn và cặp lồng xuống bàn gỗ ọp ẹp bám đầy bụi bên cạnh, gã nhìn người nằm co ro bất động dưới sàn nhà. Bộ quần áo vải trên người chàng đã rách nham nhở lộ ra da thịt sưng tím xen lẫn những vết rách còn chảy máu đầm đìa. Lúa thấy mà rùng mình, nếu là gã bị đánh như vậy chắc đã về đoàn tụ với ông bà tổ tiên rồi chứ chẳng đùa.

- Thiên ơi dậy đi! Mà mày có dậy được không đấy? Hay để tao đỡ mày lên?

Lúa bước đến ngồi xổm xuống bên cạnh nhỏ giọng gọi Thiên, nhưng người nằm dưới sàn không đáp cũng không động đậy gì, chẳng rõ do đau đến mức không nói nổi hay là không muốn đáp lại đây. Trông Thiên như vậy gã thấy tội nghiệp chàng ghê gớm, dù cho có vì lý do gì đi chăng nữa chàng nằm ì ra đây không cơm nước thuốc thang thì sống làm sao? Chưa kể đây còn là việc gã được giao thì phải làm cho đến nơi đến trốn chứ không thể qua loa cho có.

Gã nói tiếp.

- Cậu cả sai tao mang cơm với thuốc cho mày đây này. Dùng nhanh nhanh lên không ông lớn phát hiện thì chết cả lũ.

Lúa vừa nhắc đến Hạc người nằm dưới sàn đột nhiên cựa người, khó khăn chống tay ngồi dậy.

Ánh nến vàng úa ủ ê phủ lên gương mặt chàng ta, là một gương mặt bình thường được cái trông hiền lành chất phác chứ không quá đẹp, nhìn một cái xong quay đi là có khi quên ngay. Nhưng giờ đây gương mặt chàng lại khiến người ta chẳng thể nào quên nổi, khắp mặt chàng đầy những vết bầm tím với máu khô, đôi môi trắng bệch khô khốc trong khi hai mắt lại nổi đầy tơ máu. Trông đến là sợ!

- Hạc... - Chàng ngừng lại, cố nén cơn đau để hỏi tiếp. - Hạc thế nào rồi?

Lúa trợn mắt chửi tục một câu.

- Tiên sư cha nhà mày, giờ cái thân mày mày còn chẳng lo nổi mở mồm hỏi cậu cả làm cái gì? - Miệng thì nạt thế song gã vẫn nói về Hạc, ánh mắt ảm đạm hẳn đi. - Chú Mộc không ở đây, từ chiều đến giờ phải đổi mấy thầy thuốc đến xem bệnh lại kê đủ thứ thuốc mà cậu cũng chỉ vừa mới tỉnh thôi. Nhưng cậu còn yếu lắm, nằm liệt giường chứ chưa dậy được.

Thiên không đáp, bàn tay lặng lẽ siết chặt đến mức gân xanh cũng nổi lên. Chàng biết tại sao Hạc ra nông nỗi ấy, còn biết rõ là đằng khác.

Gói gọn mọi việc thì chỉ vỏn vọn trong một câu lão Thường đã biết chàng và Hạc ở bên nhau. Nhưng với hai người mà nói thì ấy lại là việc dài tựa cả kiếp sống.

Thiên nhắm mắt, từng chuyện cứ như đèn kéo quân lũ lượt quay vòng vây hãm tâm trí chàng. Từ đôi tay khẽ run rẩy của Hạc, đôi mắt long sòng sọc vì giận dữ của lão Thường, đám tôi tớ kinh khiếp mất hồn vía, cái tát lão Thường giáng xuống mặt Hạc, cho đến cả vết máu chảy xuống từ khoé miệng cậu mà chàng chưa kịp lau đi.

Chuyện trước mơ hồ như đèn kéo quân mà chuyện sau lại tựa dao cùn xẻo da cắt thịt.

Khi ấy Thiên bị đám gia nhân vai u thịt bắp trói nghiến lại quỳ ở sân chịu hình phạt đánh trượng. Mà cách đó không xa Hạc quỳ xuống trước mặt lão Thường, chẳng nghe được cậu nói gì mà càng lúc mặt lão càng đỏ tợn như xung huyết. Vào thời khắc Thiên cảm thấy lão Thường sẽ lại đánh Hạc, mà thậm chí là đánh chết ngay chứ không lưỡng lự, chẳng thể ngờ Hạc chợt nôn ra một ngụm máu tươi, sống lưng thẳng tắp rốt cuộc không chống đỡ nổi nữa mà đổ gục xuống, ngất lịm.

Đằng ấy tức thì láo loạn cả lên. Ngay cả lão Thường cũng sửng sốt trước biến cố này, mặt lão dại ra rồi sợ hãi ập đến chiếm cứ gương mặt hãy còn đỏ gay vì cơn giận. Lão lao đến đỡ lấy Hạc, miệng quát ầm lên, đám tôi tớ ba chân bốn cẳng lao tới vội vàng đưa cậu về phòng.

Thiên cắn chặt răng, cố giữ lại chút tỉnh táo ít ỏi kiếm tìm bóng lưng của Hạc giữa đống người nháo nhác chạy tới chạy lui. Nhưng cuối cùng thứ chàng thấy chỉ là vô số bóng người mơ hồ dần tan trong bóng tối.

- Dù sao tao với mày cũng quen biết nhiều năm, tao khuyên thật, mày đừng tơ tưởng gì cậu cả nữa. Nếu ông lớn nhân từ tha cho mày sống thì sống cho tử tế, vùng này thiếu gì con gái đâu, kiếm lấy một đứa hiền lành đảm đang cưới hỏi đàng hoàng rồi sinh con dưỡng cái. Mày cứ thử nghĩ xem, như thế chẳng phải tốt hơn nhiều cái chuyện trái luân thường đạo lý kia à?

Dù cho việc giữa Thiên với Hạc khiến Lúa thấy kinh hãi, gã cũng trách Thiên khiến Hạc bị liên luỵ nhưng dù sao tình nghĩa bạn bè bao nhiêu năm vẫn còn đó, gã không đành lòng nhìn Thiên tự làm khổ bản thân như thế, lần này bị đánh bầm dập cả người ai biết được lần sau sẽ thế nào đâu. Về phía Hạc, gã chỉ là thằng tôi tớ theo hầu nào có dám lắm miệng chen vào việc của chủ, gã đành quay ra đi khuyên Thiên, hi vọng chàng nghe khuyên bảo sẽ tỉnh ra mà đi đúng đường.

Ngoài dự liệu của Lúa, Thiên nghe xong chẳng gật đầu cũng chẳng đồng tình, trái lại chàng lắc đầu, giọng nói cứng rắn lạ thường.

- Mày nói sai rồi, chuyện của tao và Hạc không phải thứ dơ bẩn hay trái đạo đức gì cả. Thứ tình cảm này là điều quý giá nhất trong thế gian mới phải, là tao có phúc là ông trời ưu ái ban ân huệ tao mới có được thứ tình cảm đẹp đẽ như vậy. - Thiên cười, tiếng cười sao mà chua chát thê lương. - Cái gì là đúng cái gì là sai? Cưới một người mới gặp mặt được đôi ba lần, chẳng rõ tính tình người ta thế nào thậm chí mặt mũi chưa kịp nhớ là đúng sao? Còn thứ tình cảm đôi bên thật lòng thật dạ cùng bồi đắp nhiều năm lại là sai? Nếu vậy tao nguyện đem cái tâm cái lòng này dâng lên cái sai, đời này tao đi theo cái sai trong miệng người đời mới là đúng, còn đi theo cái đúng của bọn họ tao sẽ sai, sai đến mức đánh mất cả con người tao.

—-

Chú thích:

(1) Tri huyện: theo sách Từ điển chức quan Việt Nam "Trưởng quan cấp huyện thời Nguyễn."

Theo sách Việt Nam sử lược "Chánh lục phẩm: Hàn lâm viện trước tác, chủ sự, đồng tri phủ, kinh huyện, tri huyện, y tả viện phán, ngũ quan chánh. Ngũ đẳng, thị vệ, cẩm y hiệu úy, tinh binh chánh đội trưởng suất đội, thổ binh chánh đội, trợ quốc lang."

(2) Giờ Tý: từ 23 giờ đến 1 giờ sáng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro