phân tích hình ảnh chuyến tàu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hình ảnh chuyến tàu xuất hiện vào lúc đêm khuya ở gần cuối tác phẩm. Đêm nào Liên và An cũng cố thức cho tới giờ xe lửa chạy qua theo đúng lời mẹ dặn, nhưng còn vì một lí do đặc biệt khác. Có phải là các em chỉ đơn giản muốn được nhìn chuyến tàu, một hoạt động cuối cùng của đêm khuya? Không phải! Còn có cái gì đó sâu xa hơn nhiều đối với hai chị em và đám người khốn khổ ở phố huyện này. Với hai đứa trẻ, đoàn tàu là một thế giới khác hẳn với cuộc sống tù túng, tẻ nhạt hằng ngày của chúng.Có lẽ chính vì vậy mà hình ảnh chuyến tàu được Thạch Lam tập trung miêu tả một cách ti mỉ, kĩ lưỡng qua tâm trạng chờ mong và cảm nhận của hai chị em Liên và An. Cách quan sát, miêu tả của Thạch Lam tinh tế và giàu tính nghệ thuật. Tác giả quan sát, miêu tả hình ảnh đoàn tàu đêm từ Hà Nội về theo trình tự từ xa đến gần bằng nhiều giác quan, bằng sự đan xen giữa hồi ức và thực tại.

Đoàn tàu hiện ra trong bóng tối với "ngọn lửa xanh biếc", với tiếng còi kéo dài, với "làn khói bừng sáng". Con tàu hiện lên bằng một thứ ánh sáng khác hẳn với ngọn đèn leo lắt của chị Tí, của bác phở Siêu. Âm thanh "rầm rộ" làm xáo động cả không gian phố huyện. Trong sâu thẳm tâm hồn những con người nơi đây, đoàn tàu còn mang lại ánh sáng giàu sang, no ấm, hạnh phúc, đó là ánh sáng mà "chừng ấy người trong bóng tối " đang chờ đợi chăng? Đoàn tàu xuất hiện chỉ làm thay đổi không gian phố huyện trong khoảnh khắc nhưng cũng đủ để mọi người thèm khát. Đặc biệt là Liên, Liên càng hiểu thấu sự khao khát đó do chính cô bé cũng từng là người Hà Nội, từng có cuộc sống ấm no như thế. Đoàn tàu ấy như chạy đến từ tuổi thơ đã mất cô. Nó là tia hồi quang để nhìn lại tuổi thơ, đánh thức những kỉ niệm ngày trước.

Đoàn tàu giống như một tia chớp, một ngôi sao băng rạch ngang qua bầu trời phố huyện rồi mất hút vào đêm tối. Nhưng cái ánh sáng của nó là ước mơ, là khát vọng của biết bao nhiêu kiếp người nơi đây. Hình ảnh đoàn tàu gợi lên đâu đó ngoài phố huyện có cuộc sống tươi vui hơn cuộc sống ao tù mòn mỏi nơi đây. Để họ mơ tưởng đến cuộc sống nhộn nhịp, sung túc và khát khao thay đổi cuộc sống nghèo nàn này. Đó chính là niềm tin sâu sắc của Thạch Lam, là giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Nhưng đó chỉ là ý niệm, không thể thay đổi được thực tế. Đoàn tàu đi qua, khiến phố huyện lại chìm vào bóng tối. Đây là không gian tự nhiên xưa nay của phố huyện. Hiện thực này kéo Liên và An trở về với cuộc sống tối tăm mênh mông. Bóng tối bám chặt vào cuộc sống tâm hồn họ. Dường như sau phút chốc ánh sáng vội đến rồi vội đi ấy, bóng tối lại càng trở nên tối hơn, nó bủa vây, cản trở khát vọng của con người.

KB

Với lối viết nhẹ nhàng, mỗi truyện tựa như một bài thơ trữ tình đầy xót thương, Thạch Lam đã mang đến cho người đọc sự đồng cảm sâu sắc về những thân phận cuộc đời trong xã hội cũ. Qua nhân vật Liên nhà văn đã làm toát lên những giá trị nhân văn cao đẹp, giúp chúng ta thấu hiểu nỗi buồn đau của dân tộc trong thế kỷ bạo tàn dưới ách đô hộ của bọn thực dân và đế quốc. Trang văn khép lại rồi mà ta còn thấy trước mắt mình hình ảnh hai đứa trẻ ngồi đấy giữa phố huyện nhỏ nghèo tăm tối đang đợi chờ chuyến tàu đi qua trong khát vọng mỏi mòn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#van