Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

HÀI HƯỚC - TRÍ TUỆ CUỘC SỐNG

HÔN NHÂN KHÔNG PHẢI LÀ MỒ CHÔN CỦA TÌNH YÊU, HÃY TẠO DỰNG THẾ GIỚI TUYỆT ĐẸP CỦA HAI NGƯỜI

H

ài hước là một tài năng, một trí tuệ, một sức mạnh, đó cũng được coi là cách hành xử văn minh khi con người phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Hài hước là cách con người dùng phương thức vui vẻ để biểu đạt sự chân thành, rộng lượng và lương thiện của mình, khiến cho cuộc sống tràn đầy sự phấn khích, giống như nhà văn Lão Xá từng nói: “Người hài hước luôn có trái tim nóng.”

1. DÙNG SỰ HÀI HƯỚC ĐỂ KHÉO LÉO TRÁCH CỨ

Trong xã hội hiện đại, tỉ lệ li hôn càng ngày càng cao, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ kết hôn không được bao lâu đã phát hiện ra: Yêu nhau thì dễ, sống với nhau thì lại khó; vì một chuyện nhỏ trong cuộc sống cũng khiến họ dằn vặt, trách cứ nhau.

Những cặp vợ chồng này cãi nhau cả ngày, mà nguyên nhân chỉ là những việc nhỏ nhặt. Những việc này nếu xảy ra ở những gia đình khác thì chắc chắn sẽ không gây tranh cãi, nhưng trong những gia đình này thì dường như luôn chứa một mồi dẫn hỏa, chỉ mâu thuẫn nhỏ cũng gây ra những xung đột nặng nề.

Có người nói, người hài hước rất thích hợp với cuộc sống gia đình, đó là bởi hài hước là con đường để con người tự hoàn thiện mình, cũng là một nghệ thuật chọc cười người khác.

Hài hước có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa bạn và đối phương, giúp bạn thay đổi bản thân, đối mặt được với mọi áp lực trong cuộc sống, giải tỏa phiền não, phấn chấn tinh thần; thậm chí còn khiến đối phương càng thêm thích bạn, tin tưởng bạn.

Trong cuộc sống, nếu vợ hoặc chồng có cách cư xử hơi quá khích mà người kia lại không biết tha thứ, việc gì cũng ăn miếng trả miếng thì rất dễ nảy sinh tranh chấp và xung đột. Đôi khi chỉ vì một lời nói không thuận tai mà hai người còn “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với nhau.

Rất nhiều ông chồng, bà vợ ngày nào cũng cằn nhằn, lải nhải chê bai những khuyết điểm của đối phương, không hề khách sáo khi chỉ trích đối phương khiến hôn nhân đi vào bước đường cùng. Thực ra, suy nghĩ kĩ một chút, chúng ta sẽ thấy, nguyên nhân cuối cùng gây ra sự bất hòa trong gia đình cũng là những sự việc cỏn con ấy.

Hương và Nam yêu nhau từ hồi còn học đại học. Khi còn đi học, Nam lúc nào cũng chăm sóc cho Hương như một người anh trai, vô cùng chu đáo; còn Hương thì như chú chim nhỏ suốt ngày líu lo vui vẻ.

Sau khi tốt nghiệp, hai người cưới nhau, có một gia đình ấm áp và sự nghiệp ngày càng phát triển. Nỗ lực không ngừng nghỉ suốt mấy năm trời của họ đã được đền đáp bằng một chút tích lũy. Hai vợ chồng bàn nhau mở công ty riêng, làm ông bà chủ, họ vô cùng bận rộn nhưng vẫn quyết tâm phấn đấu vài năm để có tiền mua được nhà cao, cửa rộng.

Từ khi mở công ty riêng, Nam làm ngày làm đêm, thường đi tiếp khách tới khuya mới về nhà, về tới nhà là vùi đầu vào ngủ; thi thoảng về nhà sớm cũng lại mải làm việc, đọc sách…

Vậy là chẳng ai còn nghe thấy tiếng “con chim nhỏ” ngày nào, mới đầu Hương còn nhỏ nhẹ yêu cầu Nam nghe mình nói nhưng anh thực sự quá bận, anh mong mỏi thành công, mong mỏi mang tới cho vợ mình một cuộc sống vật chất đầy đủ.

Dần dà sau này, Hương bắt đầu hét vào mặt chồng: “Anh lúc nào cũng về muộn!”, “Có phải là lúc nào cũng thế đâu”, Nam phản ứng lại, anh không nghĩ rằng nên dành một khoảng thời gian để hai vợ chồng trao đổi mọi điều với nhau.

Một năm sau, Hương thường xuyên chất vấn: “Anh thường ở cùng những ai?”

“Anh Dũng, Trang…” – Nam đáp.

Càng ngày Hương càng phàn nàn, la hét nhiều hơn, nhưng mỗi lúc như vậy Nam chẳng nói gì, chỉ lẳng lặng cầm báo đi vào một căn phòng khác.

Năm năm sau, họ đã có một thành quả tạm thời – sự nghiệp có chút thành công, có thể thực hiện kế hoạch mua nhà to, nhưng Hương lại đề nghị mua hai căn nhà nhỏ chứ không phải là căn nhà to như kế hoạch ban đầu – tuy rằng giữa họ không hề có người thứ ba.

Giữa Hương và Nam dường như không còn sự ăn ý như trước, đó là vì cả ngày Hương chỉ biết cằn nhằn, khiến Nam vốn đã ít nói chuyện với cô, nay càng trở nên bực bội và ít nói hơn. Cuộc sống gia đình giống như trường hợp Nam – Hương có thể nói là không hiếm gặp; thực ra vào lúc này, những điều Hương nói ra cần phải có nghệ thuật.

Khi phê bình, chỉ trích người khác chính là bạn đang mạo hiểm bởi rất có thể bạn sẽ gây tổn thương tới lòng tự trọng của đối phương.

Cho dù lời phê bình hay chỉ trích của bạn xuất phát từ thiện ý, nhưng đối phương vì lòng tự trọng bị tổn thương, cho dù biết là mình sai nhưng vẫn biện hộ cho mình, đến chết không chịu nhận lỗi, thậm chí còn cố ý nói ngược với ý của bạn.

Thực ra, chúng ta có thể dùng sự hài hước để nhắc nhở đối phương. Như thế, dù là có ý trách cứ thì ngôn ngữ hài hước cũng không gây phản cảm, nó hiệu quả hơn nhiều so với những lời chỉ trích nghiêm túc. Ví dụ:

Con trai hỏi: “Bố ơi, núi Alps ở đâu ạ?”

Bố đáp: “Con hỏi mẹ đi! Cái gì mẹ cũng giấu đi rồi.”

Bạn có biết rằng, nếu mỗi thành viên có thêm vài phần hài hước thì trong gia đình sẽ luôn tràn ngập tiếng nói tiếng cười không!

Những tiếng cười chân thành, những cái nhún vai ra vẻ bất lực, một biểu cảm hoạt kê hay câu nói tự trào… đều khiến những mâu thuẫn, xung đột được hóa giải ngay tức khắc. Hài hước khiến các thành viên trong gia đình không còn cảm thấy bí bức, mang lại không khí vui vẻ ấm áp cho mọi người.

So với phê bình gay gắt thì hài hước thể hiện được thiện chí hơn và có cảm giác gần gũi hơn. Cô con gái vào kì nghỉ thường thích ngủ nướng. Sáng hôm đó, bố nói với cô con gái vẫn đang nằm trên giường: “Con ơi, ngày nào con cũng tiết kiệm cho bố mẹ một bữa sáng, làm bố mẹ thấy có lỗi với con quá.”

Cô con gái hiểu hàm ý trong câu nói của bố, từ hôm sau bắt đầu dậy sớm hơn. Đương nhiên, cô bé dậy sớm không phải là vì vội ăn bữa sáng.

Trong gia đình nọ, người chồng đau đầu vì vợ mình quá đam mê thời trang, bỏ ra rất nhiều tiền mua đồ hàng hiệu, vì thế đôi lúc cáu gắt và vô tình làm tổn thương tới tình cảm vợ chồng.

Một người chồng hài hước, khi vợ đưa ra yêu cầu không thể đáp ứng được thì phê bình cũng phải có thiện ý và biết vận dụng sự hài hước để gián tiếp thể hiện quan điểm của mình; như thế gánh nặng tâm lí của cả hai vợ chồng đều được giảm bớt, không khí gia đình nhờ vậy mà giữ được hòa thuận. Chúng ta hãy cùng xem cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng dưới đây:

Vợ: “Mùa xuân năm nay không biết thịnh hành mốt quần áo gì anh nhỉ?”

Chồng: “Thì cũng như mọi khi, chỉ có hai loại, một loại không vừa ý em, một loại anh mua không nổi”.

Sự hài hước của người chồng này sẽ được những người vợ hiểu biết chấp nhận, hai người lúc đó có thể bật cười trước sự nhanh trí của người chồng. Đồng thời, trong câu nói của người chồng cũng hàm ý rằng, vợ anh thường mua những bộ quần áo đắt đỏ, một chút không hài lòng của anh cũng thể hiện ở trong đó.

Tuy nhiên, nếu vẫn tình huống này mà người chồng lại giận dữ nói: “Anh không biết, chắc chắn đây là loại quần áo khiến em hài lòng nhưng khiến anh ăn mì gói cả tháng!” thì chắc chắn rằng giữa hai vợ chồng sẽ lập tức xảy ra một trận “đấu khẩu” nghiêm trọng.

Người chồng dùng ngữ khí vui vẻ, nói một câu hài hước, không những có thể tránh xung đột với vợ mà còn khiến vợ hiểu được cái khó của mình, như thế sẽ không mua đồ đắt tiền nữa.

Vợ chồng nhà kia, buổi tối khi đi ngủ, vợ thường cằn nhằn hết việc này tới việc khác, khiến người chồng không sao chợp mắt, vì thế không thể dậy sớm được.

Một hôm, người vợ nói với chồng: “Anh phải mua một cái đồng hồ báo thức.”

Chồng nói: “Không cần mua đâu! Em chẳng phải là đồng hồ báo thức rồi sao!”

Chỉ nhờ câu nói hài hước mà anh chồng đã nhẹ nhàng chỉ ra khuyết điểm của vợ, vậy là hai người giải quyết được mâu thuẫn trong “hòa bình”.

Trong cuộc sống gia đình, điều mà các cặp vợ chồng quan tâm nhất chính là việc ăn no mặc ấm. Thông thường, hai vợ chồng trò chuyện với nhau chủ yếu xoay quanh những việc nhỏ trong cuộc sống, nhờ những cuộc chuyện trò như vậy mà hai vợ chồng có thể thấu hiểu lẫn nhau.

Khi người chồng về nhà, thấy một cái bánh ngọt đặt trên bàn bèn tò mò hỏi vợ lí do.

Người vợ nói: “Ơ, anh quên à? Hôm nay là kỉ niệm ngày cưới của anh mà! Em mua tặng anh đấy.”

Người chồng nghe thấy rất cảm động, cười nói với vợ: “Cảm ơn em, khi nào tới ngày cưới của em, anh cũng sẽ mua một cái bánh thật to để chúc mừng em”.

Hai vợ chồng cưới vào cùng một ngày, kỉ niệm ngày cưới chỉ có một ngày, làm sao có riêng ngày cưới “của anh” và “của em” được!

Hiển nhiên, trong lời nói của người vợ ngầm ý trách cứ chồng mình quên ngày kỉ niệm, nhưng chị dùng cách nói hài hước để nói với chồng mình, còn người chồng cũng dùng sự hài hước để trả lời vợ, tỏ ý rằng sau này anh sẽ không quên nữa.

Hai vợ chồng tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau là nền tảng để đảm bảo cho tình yêu thăng hoa và sự nghiệp thành công. Bất cứ sự chỉ trích, coi thường nào đều làm tổn thương lòng tự trọng của bạn đời của chúng ta, điều này tuyệt đối không thể coi nhẹ. Bởi vậy, chúng ta có thể thông qua sự hài hước để trách cứ đối phương.

Gia đình nọ, anh chồng có thói quen uống sữa trước khi đi làm. Có một lần, người vợ vì bận công việc từ thiện mà ba bữa sáng liền đều quên chuẩn bị sữa cho chồng. Người chồng không lên tiếng hỏi han, cũng không trách cứ, vẫn chăm chỉ đi làm như thường lệ.

Tới buổi sáng ngày thứ tư, người vợ mới nhớ ra chuyện này, bèn xin lỗi chồng. Lúc này, người chồng tủm tỉm cười rồi nói: “Anh nghĩ là quên thì chỉ quên một ngày thôi, em quên cả ba ngày nên anh tưởng em định ‘cai sữa’ cho anh.”

Người vợ bật cười, sự việc được giải quyết gọn gàng. Thái độ xử sự hài hước này của người chồng thực sự là một điển hình mà các đấng lang quân nên học tập.

Trong một tình huống khác, một người vợ nói với chồng: “Kì nghỉ tới em muốn đi du lịch.”

Người chồng nói: “Sao phải tốn kém thế, mua một quyển tạp chí du lịch về xem là được rồi, vừa được mở rộng tầm mắt, vừa tiết kiệm tiền. Em đừng có mơ mộng nữa, mau mua thức ăn về nấu cơm đi.”

Người vợ lập tức đáp: “Mua thức ăn? Sao phải tốn kém thế, mua một quyển sách dạy nấu ăn về nhìn, như thế chẳng phải vừa được mở rộng tầm mắt, vừa tiết kiệm được tiền sao?”

“Ăn miếng trả miếng”, người vợ đã khiến người chồng “gậy ông đập lưng ông”, chắc chắn lúc này anh ta sẽ phải suy nghĩa lại về yêu cầu của vợ, thừa nhận là mình sai.

Hơn nữa trong cuộc sống, cho dù là trường hợp nào cũng đều nên phát huy sức mạnh của ngôn ngữ, cho nên việc “nói vòng” có tác dụng hơn nhiều so với việc “nói thẳng”.

“Nói vòng vo Tam quốc”, là thông qua cách nói vòng vo để biểu đạt mục đích của mình. Thông thường, hài hước không đi liền với thẳng thắn, bởi vì thẳng thắn hướng tới hiệu quả ngôn ngữ rõ ràng, mạch lạc chứ không đạt được hiệu quả hài hước.

Thường thì hài hước đều thông qua sự ám thị gián tiếp để thông báo cho đối phương một vấn đề gì đó. Vấn đề được nói ra một cách khéo léo, vòng vo thì sẽ tốt hơn là nói thẳng.

Chúng ta cùng theo dõi cặp vợ chồng dưới đây:

Một người vợ hiếu thắng nói với chồng: “Chúng ta không được thua kém gì anh Trung hàng xóm, nhà họ có gì, nhà ta cũng phải có cái đó. Anh biết nhà họ mới mua cái gì không?”

Chồng nói: “Mới có bộ bàn ghế mới thì phải.”

Vợ nói: “Thế thì chúng ta cũng phải mua một bộ mới.”

Chồng nói: “Nhà cậu ấy hình như còn mới mua cái tivi màn hình tinh thể lỏng nữa thì phải.”

Vợ nói: “Chúng ta cũng mua một cái.”

Chồng nói: “Nhà đó còn cái xe máy 125 phân khối.”

Vợ nói: “Chúng ta cũng mua xe máy.”

Chồng nói: “Gần đây Trung còn…, anh không muốn nói nữa.”

Vợ nói: “Vì sao? Sợ không thắng được nhà anh ta sao? Anh nói đi!”

Chồng nói: “Cậu ấy tìm được cho mình một người vợ mới rất xinh.”

Vợ nói: “Thế chúng ta cũng…”

Lúc này thì người vợ á khẩu. Ở đây, người chồng đã cố ý nói đùa, ám thị cho vợ thấy yêu cầu của mình thật hoang đường. Cách xử lí này chắc chắn là tốt hơn nhiều so với việc trực tiếp phản đối quan điểm của vợ, khiến tâm lí của người vợ bớt mất thăng bằng hơn.

Trong cuộc sống, khi xảy ra mâu thuẫn, hai vợ chồng đều cần tránh có thái độ quá cứng nhắc, trầm trọng hóa vấn đề. Dùng sự hài hước để trách cứ, kể cả là sự hài hước nửa châm biếm, nửa khoan dung thì cũng có thể “trị” được đối phương mà hoàn toàn không gây tổn thương cho họ. Thêm một chút hài hước, bớt một chút trách cứ, cuộc sống sẽ càng đẹp hơn.

Cuộc sống này vốn giống như mặt biển, có lúc sóng yên bể lặng thì cũng có lúc nổi cơn sóng gió. Những lúc như thế, sự hài hước tựa như “phao cứu sinh” cứu vớt cuộc đời con người. Bởi vậy, đừng tính toán quá chi li, hãy để hài hước là sứ giả mang tới sự thấu hiểu và tiếng cười vui vẻ.

2. TẠO RA SỰ BÌNH ĐẲNG TRONG QUAN HỆ VỢ CHỒNG

Người xưa có câu: “Tương kính như tân” (Nghĩa là: Kính trọng nhau như khách), răn dạy giữa hai vợ chồng nên tôn trọng, khách sáo, lịch sự với nhau như cư xử với một người khách vậy.

Nhưng lại có một câu thành ngữ khác: “Tân chí như quy” (Nghĩa là: Đối xử với khách như người nhà), ngụ ý rằng khi tiếp đãi khách cần phải nhiệt tình, chu đáo để khách tới nhà như được về nhà họ. Vậy rốt cuộc nên làm thế nào mới đúng?

Có một người đàn ông vì không chịu nổi sự cao ngạo, lạnh nhạt của vợ, nên một hôm đã trốn nhà đến ở khách sạn. Nhân viên phục vụ vừa mở cửa phòng giúp anh vừa vui vẻ nói: “Sống trong căn phòng này, quý khách sẽ cảm thấy như mình đang ở nhà.”

Người này vừa nghe thấy thế, thất kinh hét lên: “Trời ơi, mau đổi cho tôi căn phòng khác!”

Một gia đình không có sự hài hước, vợ chồng chỉ như hai người qua đường thi thoảng ghé qua, đối xử với nhau khách sáo như thể vẫn còn nghi ngờ, đề phòng đối phương thì gia đình ấy có khác gì một cái khách sạn!

Lại có người chồng gia trưởng nói với vợ: “Việc gì em cũng phải nghe theo anh.” Lúc này, nếu người vợ nói một câu chống đối như “Sao em phải nghe theo anh” thì có thể chiến tranh sẽ nổ ra.

Còn nếu người vợ trả lời một cách hài hước rằng: “Được thôi, lúc ốm em nghe theo anh, lúc không ốm anh nghe theo anh.” để “đối đáp” lại với chồng thì người chồng ngạo mạn của chị – có lẽ vì sự thân thiện, dịu dàng của vợ mà sẽ trở nên ôn hòa hơn, không khí gia đình cũng sẽ trở nên thoải mái, dễ chịu hơn.

Chỉ những người theo thời gian đã trải qua nhiều biến cố về tình cảm mới hiểu được tầm quan trọng của một gia đình hòa thuận. Bởi vậy, tương thân, tương ái, tương kính mới là nền tảng vững chắc làm nên một gia đình hạnh phúc.

Chúng ta có thể phát hiện ra, những cặp vợ chồng biết đối xử bình đẳng với nhau thì ít nhất một trong hai người đó là người rất có khiếu hài hước.

Nhà thơ Từ Quang Trung (Trung Quốc) có bốn người con gái, thêm vợ ông nữa là thành gia đình “âm thịnh dương suy”. Cũng may Từ Quang Trung đã quen với việc sống cùng năm người phụ nữ: trên ghế lúc nào cũng bày đầy túi xách, trang phục nữ, trong phòng tắm lúc nào cũng sực nức mùi sữa tắm và nước hoa, trên bàn ăn chẳng có ai tranh uống rượu với ông. Bởi vậy, Từ Quang Trung thường tếu táo gọi nhà mình là “Kí túc xá nữ”, còn mình là “Bảo vệ kí túc xá”.

Vì điện thoại cố định được đặt trong thư phòng của Từ Quang Trung nên có lúc ông bận tối tăm mặt mũi: “Bốn cô con gái, thêm vào một bà vợ, mỗi người bốn, năm cú điện thoại một tối, vậy là tiếng chuông điện thoại đổ không dứt”. Ông cảm thấy mình giống như một người đưa tin thời hiện đại, trở thành nhân viên tổng đài cho năm người phụ nữ, nhưng nếu ông rút dây điện thoại thì sợ xâm phạm tới “nhân quyền”, ấy là chưa nói tới “nữ quyền”. Bởi vậy, trong tình thế đó, ông chỉ đành nhẫn nhịn.

Tuy nhiên, trong những lời cằn nhằn của Từ Quang Trung, chúng ta lại không nhận thấy một chút gì thất vọng, đã vậy ông còn tự trào rằng: Mình là người bảo vệ cho “kí túc xá nữ”. Dường như ông đã hoàn toàn cam tâm tình nguyện “chịu khổ” vì những người phụ nữ của mình.

Từ Quang Trung đã dùng cách nói hóm hỉnh đó để “tán tỉnh” vợ và các con gái mình. Hài hước như vậy chính là nghệ thuật thể hiện sự bình đẳng giữa hai vợ chồng, như thế có thể khiến vợ biết được nỗi vất vả của mình khi ở nhà, đồng thời cũng khiến vợ con hiểu được tình cảm ông dành cho họ.

Thực ra, cái gọi là “vợ chồng bình đẳng” không có nghĩa là hai vợ chồng phải đối xử với nhau như khách, bởi quá khách sáo, đề phòng, xa cách dĩ nhiên không phải là điều tốt.

Có thể nghĩ như thế này, khi ra ngoài xã hội, khi đi làm, chúng ta phải đảm nhiệm những vai trò khác nhau, là một nhân viên công sở, một ông chủ uy nghiêm, một nhân viên chăm chỉ, một giáo viên yêu nghề, thậm chí là một nhân viên phục vụ nhiệt tình… Ai cũng mệt nhoài sau một ngày làm việc, nếu khi về nhà, ở bên người bạn đời yêu dấu mà lại tiếp tục phải đóng vai trò một vị khách và đối xử khách sáo với một vị khách khác, thì cuộc sống còn gì là niềm vui, còn đâu thời gian để thả lỏng tinh thần? Bởi vậy, giữa hai vợ chồng thực sự cần có sự thông cảm lẫn nhau.

Người hài hước sẽ sống rất hạnh phúc trong gia đình mình, và cũng chỉ có sự hài hước mới khiến người ta biết dùng nghệ thuật để thuyết phục đối phương và nêu ra những bất mãn trong lòng, như thế vừa giữ được hòa khí lại vừa thắt chặt được tình cảm giữa đôi bên. Chúng ta hãy cùng xem cặp vợ chồng trẻ dưới đây đã thể hiện ý kiến của mình như thế nào.

Vợ: Ông xã ơi, người kia đẹp trai quá, em tán tỉnh anh ta được không?

Chồng: Tùy em thôi, mai anh cũng đi tán gái, nghe nói tầng dưới công ty anh có mấy em xinh lắm.

Vợ: Ông xã, anh phải thề với em, anh chỉ yêu mình em, không được nhìn những em khác.

Chồng: Sao em được đi tán trai mà anh không được nhìn gái?

Vợ: Anh mà cũng tầm thường như em sao, anh không thể nhường em sao? Em biết là anh không yêu em mà!

Chồng: Được rồi, được rồi. Anh thề sau này anh sẽ không nhìn cô gái nào khác!

Vợ: Vậy thì từ giờ em yên tâm đi tán trai rồi.

Đọc xong đoạn hội thoại trên, chắc chắn có người sẽ bật cười vì sự hài hước. Cặp vợ chồng thông minh này đã vận dụng sự hài hước để thể hiện điều mình muốn nói.

Những người hài hước như thế này, chắc chắn sẽ thấy tinh thần được thoải mái, tự do tự tại trong gia đình. Mặc một bộ quần áo pijama, xỏ chân vào đôi dép lê quen thuộc, khoảng thời gian thả lỏng tinh thần thực sự bắt đầu. Con người lúc ấy sẽ không còn phải đeo chiếc mặt nạ nghiêm túc như ở ngoài nữa. Cho dù ở ngoài, bạn là Tổng thống, hay chỉ là nhân viên quèn thì về tới nhà, bạn đều cần được trở lại là con người thật của chính mình.

Khi bạn được thoải mái thể hiện bộ mặt mà mình phải che giấu trước mặt người khác, thể hiện cái tôi chân thật nhất trước mặt bạn đời, thì đó cũng là một niềm vui trong cuộc sống. Nếu ở nhà mà bạn vẫn phải giả tạo, vẫn thể hiện mình là một người có địa vị xã hội, thì chắc chắn sẽ gây ức chế tâm lí cho bạn đời và chính bản thân bạn.

Sau khi cãi nhau với chồng là Thân vương Albert, Nữ hoàng Victoria (Anh quốc) muốn làm lành nhưng chồng bà lại đóng chặt cửa, không chịu ra khỏi phòng. Nữ hoàng quyết tâm chủ động xin lỗi, bà gõ cửa phòng chồng.

“Ai thế?” – Chồng bà hỏi.

“Em là Nữ hoàng”, – Nữ hoàng trả lời.

Cửa không mở, Nữ hoàng gõ cửa thêm mấy lần nữa, nhưng chồng bà ở bên trong vẫn chẳng có phản ứng gì. Lúc này Nữ hoàng mới hiểu ra, lập tức đổi sang giọng nói dịu dàng: “Xin lỗi, anh yêu, em là vợ của anh.” Cánh cửa lập tức mở ra.

Thực ra, mối quan hệ vợ chồng là mối quan hệ giao tiếp phù hợp với sự hài hước nhất, cuộc sống gia đình là nơi thích hợp nhất để gieo trồng mầm hài hước. Vợ chồng hoàn toàn có thể bình đẳng với nhau, không cần phải đề phòng nhau, cũng không cần thực hiện những lễ nghi cầu kì, giáo điều. Một người hài hước thực sự sẽ coi mỗi việc trong cuộc sống gia đình là một “nguyên liệu” phong phú để tạo nên sự hài hước, mà cuộc sống như vậy mới mang lại hạnh phúc.

3. HÀI HƯỚC LÀ GIA VỊ CHO CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH 

Cuộc sống không thể thiếu sự hài hước, con người có thể thông qua tiếng cười hài hước để phát hiện ra phẩm chất cao thượng, tốt đẹp, lương thiện của mình và người khác, như những gì mà Shakespeare nói: “Hài hước là ánh sáng của trí tuệ.”

Trong cuộc sống vợ chồng, hài hước là một nội dung quan trọng không thể thiếu, vai trò của nó giống như gia vị cho các món ăn, đời sống vợ chồng giống như một đĩa thức ăn ngon lành, nếu thêm một chút “gia vị” thì chắc chắn nó sẽ càng hoàn thiện hơn.

Một số người cho rằng, sự giao tiếp giữa hai vợ chồng không cần cầu kì, đầu tư nhiều về ngôn ngữ, thực tế nhận định này là không đúng.

Vợ chồng là những người cùng chung hoạn nạn, chia ngọt sẻ bùi, đi cùng nhau đến hết cuộc đời, vì vậy phải đối xử chân thành với nhau. Chỉ khi đáp ứng được nhu cầu tình cảm của đối phương, thì mới có thể thu hút lẫn nhau, khiến con thuyền hạnh phúc cập bến bờ lí tưởng.

Ngược lại, ngôn ngữ thô tục sẽ khiến đối phương cảm thấy cuộc sống khô khan, có thể còn khiến hôn nhân tan vỡ. Nhà triết học Anh – Bacon từng nói: “Thứ mang làm nên sức hút cho một gia đình chính là niềm vui rất đẹp.” Ông đang muốn nói tới sự hài hước.

Những câu chuyện còn lưu truyền đến nay đều khẳng định rằng mối quan hệ giữa Nhậm Bật Thời (Nhậm Bật Thời là một lãnh đạo nổi tiếng của Quân giải phóng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) và vợ ông rất tốt. Một lần, do không cẩn thận nên vợ ông đã làm khê cơm, khiến ông ăn đen cả miệng, điều này khiến bà vợ vô cùng xấu hổ.

Để vợ không còn bận tâm vì chuyện này, Nhậm Bật Thời nói: “Cơm đen có thể trị bệnh ung thư, là liều thuốc bổ hiếm có. Với lại, mai anh phải đóng vai Trương Phi mặt đen, như thế này không cần phải hóa trang nữa.” Lời ông nói khiến vợ phải phì cười.

Thực ra, hài hước có thể coi là một công cụ thể hiện sự hòa thuận giữa hai người. Người Trung Quốc có câu: “Mỗi gia đình như một cuốn kinh khó đọc”, nếu biết lợi dụng sự hài hước thì cho dù gặp phải cuốn kinh khó đến đâu, chúng ta cũng vẫn có thể đọc được.

Một hôm, người chồng hứa sẽ về ăn tối với vợ, nhưng lại có việc đột xuất phải làm ngay nên không về được.

Người vợ giận lắm, đêm khuya, khi ra mở cửa cho chồng, vợ không nhịn được cằn nhằn một câu: “Hôm nay không làm thêm thì công ty phá sản luôn à? Sao anh lại tự làm khổ mình thế, hãy nói với ông chủ là anh không thể ngày nào cũng làm thêm như vậy được!”

Chắc chắn, trong lúc đang mệt mỏi, nhiều ông chồng sẽ không nén được sự giận dữ khi bị vợ dội “gáo nước lạnh” như vậy. Nhưng người chồng này lại ôn tồn nói với vợ:

“Em biết không? Lúc làm thêm, cứ nghĩ tới em là anh thấy mình có một niềm an ủi.”

Nghe thấy lời này, người vợ lập tức cười tươi như hoa, không còn trách chồng vì việc cho chị “leo cây” nữa.

Nghệ thuật hài hước cao siêu nhất là khi “không vui”, con người có thể xoay chuyển được tình thế, nhẹ nhàng dập tắt “quả bom” đã được châm ngòi.

Trong cuộc sống hôn nhân, vui buồn luôn luôn song hành, câu nói đùa đúng lúc có thể giúp giải tỏa được nỗi buồn không đáng có giữa hai vợ chồng. Khi tâm trạng đối phương không tốt, bạn đừng nói những chuyện không vui.

Rất nhiều người thường hiểu lầm rằng, khi người khác nổi giận, im lặng hay nhẫn nhịn là cách duy nhất. Thực ra, im lặng hay nhẫn nhịn còn khiến đối phương càng giận dữ hơn, chi bằng bạn hãy học nghệ thuật nói chuyện để giúp đối phương thay đổi tâm trạng.

Bởi nếu chỉ biết im lặng hay nhẫn nhịn thì chẳng khác nào thêm dầu vào lửa, trong tình huống này, bạn hãy nói một câu chuyện vui vẻ gì đó.

Ngoài ra, khi đối phương đang vui vẻ, bạn đừng làm họ mất hứng, đó cũng là một cách tôn trọng đối phương. Marx từng kể với người khác về cuộc sống vợ chồng ông như thế này: “Khi cô ấy vui, tôi để cô ấy vui hết mình; khi cô ấy buồn, tôi bắt nỗi buồn của cô ấy phải sớm ra đi”.

Có một lần, Jenny vui vẻ may áo cho con, Marx đi tới trước mặt bà, nói: “Em yêu, để bố nó ngắm xem, nếu không có sự ‘nỗ lực’ của bố nó thì em sẽ chẳng có việc để làm đâu.” Một câu nói hài hước, hóm hỉnh lập tức khiến Jenny đỏ bừng mặt.

Hài hước có thể nói là một gia vị cho đời sống gia đình, hai vợ chồng phải dùng sự hài hước để điều chỉnh ngôn ngữ, dẹp bỏ mọi trở ngại, như vậy thì con thuyền tình yêu mới thuận lợi tiến về phía trước.

Một cặp vợ chồng mới cưới cãi nhau, người vợ cuối cùng không chịu được, hét lên: “Tôi sẽ chia tay anh. Bây giờ tôi sẽ thu dọn đồ đạc và rời khỏi căn nhà này.”

“Được thôi, em yêu, tiền xe đây.”

Người vợ nhận tiền, nhanh trí nói: “Thế tiền chuyến về thì sao?”

Đã tuyên bố chia tay tức là không quay về nữa, nhưng người vợ lại hỏi tiền về làm thế nào, chứng tỏ cô còn muốn quay về, tâm lí và hành động hoàn toàn mâu thuẫn với nhau.

Có thể mâu thuẫn trên đã chứng tỏ sự thất bại trong việc đưa ra quyết định, nhưng với tình huống đặc biệt của hai vợ chồng lúc này thì nó lại vô cùng thành công.

Hài hước là gia vị của cuộc sống vợ chồng; nó mang lại ánh sáng cho bầu trời đang khi u ám, tưới ướt mặt đất đang khô cằn, điều hòa lại mối quan hệ đang căng thẳng.

Cho dù ngoài miệng kiên quyết nói bỏ đi, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, người vợ vẫn muốn quay lại. Cái hay nằm ở chỗ cô không muốn nói thẳng, nhưng vẫn chủ động bộc lộ mong muốn này, hơn nữa lời nói không hề giả dối mà lại rất chân thành. Nếu chỉ có mâu thuẫn mà không có chân thành thì không còn gì là hài hước và nghệ thuật nữa.

Bởi vậy, trong cuộc sống gia đình, hai vợ chồng nên thường xuyên vận dụng nghệ thuật hài hước để điều hòa mối quan hệ. Đương nhiên, ngôn ngữ như thế nào cũng rất quan trọng, không nên có những trò đùa bất lịch sự, hài hước phải là sự tao nhã, là cái đẹp để chúng ta thưởng thức.

Grignard – nhà hóa học người Pháp, sau khi nổi tiếng thường có rất nhiều cô gái xinh đẹp lai vãng xung quanh ông.

Ngày nọ, một người phụ nữ xông vào phòng thí nghiệm của ông, trên người chỉ mặc độc một bộ đồ lót. Cô nói: “Anh yêu, anh không cảm thấy em đẹp và quyến rũ sao?”

“Đúng vậy, quá đẹp”, Grignard bình tĩnh nói, “Đẹp như Venus, và anh không thể làm ô uế Venus được!”, câu trả lời vừa hài hước mà vẫn không mất đi sự lịch sự.

Có một người vợ thường cằn nhằn trước mặt chồng, người chồng hài hước nói: “Được rồi, để anh đi rửa tai rồi nghe.” Chỉ một câu nói ấy thôi cũng khiến người vợ biết mình không đúng.

Vợ chồng khuyên nhủ hay tranh luận với nhau, vừa phải chú ý tới ngôn từ, vừa phải lưu tâm tới nội dung của câu nói, hãy biết nói lí để người nghe phải phục, đừng xỉa xói để rồi làm tổn thương lòng tự trọng của đối phương.

Tuy rằng sự hài hước không thể quyết định tất cả, nhưng ở một mức độ nhất định nào đó, có thể coi nó là gia vị quan trọng của cuộc sống gia đình, khiến không khí gia đình trở nên hòa thuận, đầm ấm hơn.

Trong cuộc sống gia đình hiện đại, cặp vợ chồng nào cũng có thể vì mâu thuẫn, xô xát nhỏ mà cãi cọ vài câu, đó là điều không thể tránh khỏi. Có những lúc vì tâm trạng bất ổn nên chúng ta liên tục cáu gắt, bực bội lẫn nhau, điều này không những không giải quyết được vấn đề mà còn khuếch đại mâu thuẫn trong lòng hai người, kéo giãn khoảng cách và làm tổn thương tới tình cảm đôi bên. Nhưng nếu cả hai vợ chồng đều hài hước một chút thì kết cục chắc chắn sẽ khác.

Có người cho rằng hài hước chỉ tồn tại giữa những cặp vợ chồng trẻ, còn những cặp vợ chồng đã có tuổi thì không thể hài hước, thực ra không phải như vậy.

Càng những cặp vợ chồng đã có tuổi, đặc biệt là những cặp vợ chồng già không có con cháu ở bên cạnh, do tuổi đã cao, phạm vi giao tiếp nhỏ hẹp, tiếp xúc với ít người nên cuộc sống đơn điệu thì càng cần hài hước để xoa dịu cảm giác cô đơn, thắt chặt tình cảm.

Hài hước là liều thuốc bổ của cuộc đời. Trong cuộc sống hàng ngày, hai vợ chồng nếu biết hài hước một chút, không những sẽ khiến không khí gia đình sôi nổi hơn, mang lại nhiều niềm vui sống hơn, mà còn có thể khiến vợ chồng hòa thuận với nhau, điều này đặc biệt có lợi cho sức khỏe tâm sinh lí của hai vợ chồng và các thành viên khác trong gia đình.

Hãy để sự hài hước bước chân vào gia đình chúng ta, để cuộc sống của chúng ta nhẹ nhàng, thoải mái hơn; hài hòa, hạnh phúc hơn!

4. DÙNG SỰ HÀI HƯỚC VUN ĐẮP CHO CUỘC SỐNG HÔN NHÂN

Nhiều người nói rằng hôn nhân là “nấm mồ của tình yêu”. Sở dĩ hôn nhân trở thành “nấm mồ của tình yêu” là vì tính hiện thực và công thức của nó.

Tình yêu là một thứ vô cùng trừu tượng, nó thần bí, khó nắm bắt, tùy từng người mà có “mùi vị” khác nhau và tạo cho người ta không gian tưởng tượng rất lớn. Một khi tình yêu phát triển tới một mức độ nhất định nào đó, kết hôn sẽ là chuyện đương nhiên.

Kết hôn không giống như tình yêu – không thành công thì có thể từ bỏ, nó buộc phải tiến hành công khai và rõ ràng.

Đầu tiên là gửi thiệp cưới, tổ chức tiệc cưới, sau đó nhận quà mừng, cuối cùng là tiễn khách. Trong bữa tiệc, nếu có người quậy phá, bạn vẫn phải cười nói nhẫn nhịn. Mối quan hệ của hai bạn hiển hiện trước mắt mọi người, vậy thì chẳng còn gì là bí mật nữa, bước vào đời sống hôn nhân cũng như vậy.

Khi tất cả đều được công thức hóa và bình thường hóa, tầm quan trọng của sự hài hước trong gia đình càng rõ rệt hơn. Hài hước trong gia đình là một loại dầu bôi trơn cho cuộc sống của hai vợ chồng, cũng là liều thuốc bổ nuôi dưỡng một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Sự hài hước trong gia đình bắt nguồn từ một tâm lí lành mạnh, từ sự phối hợp tích cực giữa hai người. Khi hai vợ chồng phải cùng ngồi lại bàn bạc những vấn đề quan trọng và nghiêm túc liên quan tới “trách nhiệm”, thi thoảng có thể khéo léo chuyển chủ đề sang một chuyện mà cả hai đều có hứng thú.

Ví dụ như du lịch, văn học, bóng đá… Những chủ đề tưởng chừng như không liên quan đến cuộc sống hiện thực ấy lại là những phương thuốc tốt nhất điều tiết cuộc sống vợ chồng.

Quan trọng là khi một trong hai người nêu ra một chủ đề vui vẻ và nhẹ nhàng nào đó, bên còn lại phải phối hợp tích cực và thể hiện sự nhiệt tình cũng như sự quan tâm, tuyệt đối không được có thái độ thờ ơ hoặc vẫn chìm đắm trong vấn đề nghiêm túc trước đó; bởi như vậy sẽ khiến người cố tình tạo không khí hài hước cũng chẳng còn hứng thú để nói nữa.

Có người ca thán rằng: “Chồng (vợ) tôi chẳng còn đáng yêu như trước nữa, ở nhà cứ khô như ngói, chán lắm, li hôn cho xong!” Thực ra, sự “khô như ngói” ở đây là do thiếu sự hài hước – một điều vô cùng quan trọng đối với gia đình.

Muốn không khí trong gia đình bớt nặng nề, bạn và người bạn đời cần phải thả lỏng tinh thần hơn, hài hước nhiều hơn. Nếu bạn chủ động và sẵn sàng thay đổi thì sẽ phát hiện thực ra thả lỏng tinh thần rất dễ dàng. Chúng ta hãy xem thêm một số cặp vợ chồng dưới đây đã làm điều đó như thế nào.

Dưới ánh đèn đường hiu hắt, một cặp vợ chồng trẻ sánh vai nhau tản bộ trên phố, chỉ nghe thấy người vợ nói thao thao bất tuyệt, còn người chồng có vẻ lơ đãng, chẳng nói năng gì.

Đột nhiên, người chồng ngắt lời vợ: “Em biết lúc nào em nói ít không?” Người vợ ngước nhìn chồng bằng đôi mắt ngạc nhiên, lắc đầu.

Người chồng quả quyết nói: “Tháng Hai”.

“Vì sao?”, người vợ nóng lòng hỏi.

“Bởi vì tháng Hai chỉ có 28 ngày”, người chồng nói xong thì mím miệng cười.

Người vợ vỡ lẽ ra, bật cười và đấm khẽ vào lưng chồng một cái, phản bác: “Ai như anh, số câu nói ban ngày còn không nhiều bằng số câu nói mơ ban đêm.” Thật là một cặp vợ chồng thú vị đáng ngưỡng mộ! Cuộc sống gia đình nên đầm ấm, hài hòa như thế.

Một cặp vợ chồng khác ngồi trên ghế nói chuyện. Người vợ: “Trong cuộc sống, người phụ nữ nào cũng cần người đàn ông, tương tự, người đàn ông cũng không thể thiếu người phụ nữ.”

Chồng: “Vì sao đàn ông lại cần phụ nữ?”

Vợ: “Nếu trên thế giới không có phụ nữ thì ai đính khuy quần cho anh?”

Chồng: “Nếu thế giới này không có phụ nữ thì đàn ông cũng chẳng cần mặc quần làm gì nữa!”

Hài hước là một nghệ thuật sống, nó có thể khiến bạn thu hoạch được niềm vui và bài học từ trong tiếng cười.

Thường xuyên nói những lời hài hước có thể tăng thêm niềm vui cho vợ chồng, thậm chí còn biến “nguy nan” thành “mật ngọt”, khiến cuộc sống gia đình ngập chìm trong không khí hòa thuận, ấm áp.

Thuận bị coi là người sợ vợ. Một hôm, có người bạn tới nhà chơi. Thuận ngồi uống rượu với bạn, được ba chén thì anh thở dài.

Người bạn hỏi: “Ông anh làm sao thế?”

Thuận nói: “Tôi đang nghĩ, đàn bà giống nước, đàn ông giống thuyền. Nước có thể đẩy thuyền trôi, cũng có thể lật úp thuyền…”

Còn chưa nói xong, ngẩng đầu lên thấy vợ đứng cạnh, nghiêm giọng hỏi: “Từ ngày cưới đến giờ, em lật thuyền anh mấy lần? Hôm nay anh phải nói rõ cho em biết.” Vừa nói vừa áp sát lại gần anh.

Thuận sợ quá, vội nói: “Anh là tàu ngầm, quanh năm chìm dưới nước, tuy rằng không thể căng buồm đi xa, nhưng cũng không bao giờ lo bị chìm, ngày nào cũng hưởng thái bình.” Vợ anh nghe thấy thế, sắc mặt lập tức thay đổi, lại trở nên vui vẻ với anh.

Những lời sau đó của Thuận đã thay đổi hoàn toàn ý tứ của câu trước, đồng thời cũng thay đổi phản ứng của vợ, khống chế được “hậu quả”. Cũng may mà anh nghĩ ra lời nói đó để cứu vãn tình hình, nếu không e rằng hậu quả sẽ vô cùng khó lường.

Một triết gia phương Tây từng nói: “Giải thích là vết thương chí mạng của hài hước, hài hước là vết thương chí mạng của lãng mạn.”

Sự hài hước trong gia đình được coi là biểu hiện của trí tuệ, người nói nhanh trí, người nghe nhạy cảm thì mới có thể hiểu hết được ý nghĩa của lời nói hài hước. Nếu người nói nhiều hàm ý mà người nghe không hiểu, lại còn cần người nói giải thích hay nói lại lần nữa thì hứng thú chẳng phải là đã giảm mất sao? Điều này yêu cầu trình độ nhận thức của hai vợ chồng phải tương đương nhau, không nên cách nhau quá xa, nếu không sẽ không thể tạo ra được niềm vui, sự hài hước.

Những bạn trẻ khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân thường không hi vọng người bạn đời sẽ dành cho mình cảm giác lãng mạn bất ngờ nữa, nhưng vẫn cần người đó mang lại cho mình niềm vui, để mình cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm sau một ngày làm việc bận rộn.

Đời sống hôn nhân thực sự không dễ dàng. Hai vợ chồng chung sống với nhau từ lúc tóc xanh tới khi bạc đầu; có thể có những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc, nhưng cũng không tránh khỏi những giây phút đau khổ, thất vọng. Nếu có sự hài hước đồng hành thì con người có thể giải tỏa được rất nhiều phiền não trong lòng.

Lâm Ngữ Đường là một danh hài nổi tiếng thế giới, cho dù là trên sân khấu hay trong gia đình, ông đều có biểu hiện rất đặc biệt, ông thường dùng ngôn ngữ hài hước để thắt chặt tình cảm vợ chồng.

Trong cuốn Lâm Ngữ Đường tự truyện, ông đã viết một đoạn:

Trong một lần trò chuyện với vợ, ông đột nhiên nổi hứng thốt lên một câu: “Đốt giấy chứng nhận kết hôn của chúng ta đi nhé! Giấy chứng nhận kết hôn chỉ dùng đến khi li hôn thôi!” Người vợ hiểu ý, lấy tờ giấy chứng nhận kết hôn màu đỏ ra, đưa cho chồng châm lửa. Suốt mấy chục năm chung sống, hai vợ chồng ông luôn thương yêu nhau sâu sắc, cuộc sống lúc nào cũng ngọt ngào, lãng mạn, được người đời ca tụng là “kim ngọc lương duyên”.

Trong cuộc sống vợ chồng, chắc chắn sẽ nảy sinh những mâu thuẫn. Vậy, khi mâu thuẫn xảy ra, bạn phải làm thế nào? Cách đơn giản nhất là giải quyết từ những mặt tích cực.

Trong một lần cãi cọ, người vợ nói: “Trời ơi! Đây đâu phải cái nhà! Em không thể sống trong cái nhà như thế này được nữa!” Nói rồi xách quần áo bỏ đi.

Vừa ra tới cửa, người chồng đã hét lên ở phía sau: “Chờ một chút, chúng ta cùng đi! Trời ơi, ai mà ở được trong cái nhà này chứ?”

Người chồng cũng xách va li đuổi theo và đỡ lấy cái va li trong tay vợ, không biết đi đâu mà khi trở về, trông họ như vừa đi trăng mật.

Thực ra, hài hước là một nghệ thuật rất độc đáo, cùng một việc nhưng hình thức và ngữ khí nói khác nhau sẽ sinh ra hiệu quả rất khác nhau. Vợ chồng nhà nọ có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc, chính bởi vì người chồng rất hài hước.

Một lần đang nấu cơm, không hiểu vì sao mà người vợ nổi giận, thế là cô liền đeo ba lô định bỏ về nhà mẹ đẻ. Người chồng biết vợ mình chỉ nóng giận nhất thời, nhưng vẫn giằng lấy chiếc ba lô đó rồi đeo lên vai mình, trông như một học sinh tiểu học. Trong tay người chồng còn cầm con dao thái rau, điệu bộ vô cùng ngộ nghĩnh khiến người vợ bật cười, quên cả giận.

Đúng vào lúc người vợ còn đang vừa cười vừa khóc, thì người chồng liền nắm lấy tay vợ, thề thốt bằng vẻ mặt nghiêm túc: “Mãi mãi yêu vợ anh.” Thế là người vợ chẳng còn lí do gì để giận chồng nữa! Vấn đề cũng đã được giải quyết. Đó chính là nghệ thuật của tình yêu, là nghệ thuật xử lí quan hệ vợ chồng.

Hàng ngày, thấy người vợ mặc váy dài lau nhà, người chồng sẽ nói đùa là “váy quét đất”; khi trang điểm, nếu lớp phấn trên mặt không đồng đều thì sẽ ám thị rằng “Khu vực cục bộ có vết.” Kỉ niệm ngày cưới, người chồng không bao giờ quên tặng quà cho vợ, có thể là một bộ đồ lót gợi cảm và kèm theo lời nói: “Tình yêu anh dành cho em gắn trên người và trong tim!” Khi tức giận, người chồng vẫn hài hước nói: “Ngoan nào, đừng giận, giận sẽ mau già!” Cứ thế, người vợ giận rồi lại quên, vậy là cuộc sống của họ lúc nào cũng vui vẻ.

Thực ra, khi xử lí mâu thuẫn trong gia đình, nói vài câu hài hước hay làm những hành động hài hước, kể một câu chuyện cười và nhiều ý nghĩa… sẽ khiến không khí căng thẳng nhanh chóng tan đi. Bởi vậy, dùng thủ pháp hài hước để giải quyết mâu thuẫn gia đình trong “hòa bình” là biện pháp tốt nhất.

Một hôm, hai vợ chồng Lệ vì một chuyện nhỏ mà cãi nhau, giận nhau suốt mấy ngày, chẳng ai nói với ai lời nào. Cuối cùng, chồng Lệ bắt chuyện trước, nhưng Lệ lại không tiếp lời.

Một buổi sáng, chồng Lệ lúi húi lục tung hết tủ này đến tủ khác, không biết là tìm cái gì. Lệ không nhịn được nữa mới hỏi: “Anh tìm cái gì thế?”

Chồng Lệ thấy vợ đã chịu mở miệng thì cười ha hả và nói: “Tìm câu này của em.”

Lúc này Lệ mới hiểu dụng ý của chồng, lại gần cốc yêu chồng một cái rồi mỉm cười. Thế là cuộc chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng diễn ra suốt mấy ngày qua đã được hóa giải, không khí vui vẻ lại quay về với gia đình.

Trong cuộc sống thường ngày, vợ chồng cãi nhau là chuyện thường gặp. Nhưng có những cặp vợ chồng một khi đã tranh chấp là không chịu nhường nhịn nhau, nhất định phải phân biệt đúng sai; thậm chí chỉ hơi khác biệt về quan điểm cũng đã giận dỗi, chiến tranh lạnh với nhau, coi đối phương như người qua đường, làm ảnh hưởng tới sự hòa thuận, êm ấm của gia đình; cũng ảnh hưởng tới sức khỏe tâm sinh lí, tâm tư tình cảm của mọi người trong nhà.

Ông bà ta có câu: “Bát đũa còn có lúc xô”. Một cặp vợ chồng hòa thuận đến đâu cũng khó tránh khỏi những lúc tranh cãi; một khi giữa hai người có hiểu lầm, mâu thuẫn, thậm chí là cãi vã thì hài hước chính là “bình cứu hỏa” tốt nhất.

Cặp vợ chồng nọ trong một lần cãi nhau đã không ngừng chỉ trích khuyết điểm của đối phương, khen ngợi mình đảm đang, giỏi giang, càng lúc càng gay gắt.

Giọng người vợ càng lúc càng cao, người chồng nghe thấy bực mình, nói: “Được, anh thừa nhận, em giỏi hơn anh.”

Người vợ đắc ý hỏi: “Điểm nào?”

Người chồng nói: “Bạn đời của em giỏi hơn bạn đời của anh.”

Một câu nói rất hài hước đã làm dịu đi không khí căng thẳng giữa hai vợ chồng, hóa giải được mâu thuẫn giữa đôi bên, khiến đối phương phải quên đi giận hờn. Có người nói rằng: “Sự kết hợp của hai người giống như hai khúc nhạc kết hợp thành một khúc, vì giai điệu, tiết tấu ban đầu khác nhau nên cần có sự hợp tác của đôi bên mới tạo thành một giai điệu hay hơn ban đầu. Nếu kết hợp không ăn ý thì khúc nhạc này nghe sẽ còn tệ hơn.” Muốn cuộc sống gia đình mãi mãi phát triển theo chiều hướng lành mạnh thì sự hài hước là không thể thiếu được.

Người chồng hỏi: “Em yêu, tại sao Thượng đế tạo ra em xinh đẹp nhưng lại ngốc nghếch thế?”

Người vợ đáp: “Câu hỏi này quá đơn giản. Tạo ra em xinh đẹp để anh yêu em; tạo ra em ngốc nghếch thì em mới yêu anh.”

Giữa hai vợ chồng có rất nhiều chủ đề nói chuyện hài hước, và sự hài hước cũng cần có mặt ở khắp nơi. Trong sự hài hước có tự trào, tự an ủi, có sự nhanh trí, ngây thơ, tùy vào tình huống khác nhau mà cách vận dụng và hiệu quả đạt được cũng khác nhau.

Một người chồng về nhà muộn, thấy vợ đang nổi giận, liền nhanh trí hỏi: “Sao thế, em nhớ anh đến bực mình cơ à?”

Người vợ bật cười: “Ai thèm nhớ anh.”

Trong một gia đình hài hước, sự hài hước sẽ luôn tồn tại trong mọi ngóc ngách của căn nhà; có thể là trong phòng bếp, trên bàn ăn, khi trò chuyện, khi cãi cọ, khi bận rộn, khi nhàn rỗi, nơi đâu chúng ta cũng bắt gặp sự hài hước. Ngoài ra, bạn còn nên tạo điều kiện để sự hài hước có cơ hội phát triển. Thông thường thì cần mấy điều kiện sau:

1. Tính cách lạc quan

Có những người gặp phải việc không như ý trong cuộc sống thì trở nên thiếu tự tin, thái độ xử sự thiếu đúng đắn; đối với họ, cuộc đời chỉ toàn là nước mắt. Những người như vậy không thể tạo ra sự hài hước.

2. Có kiến thức sâu rộng

Không có kiến thức sâu rộng thì sẽ không có chất liệu để tạo ra cảm hứng hài hước, như thế sẽ không sinh ra sự hài hước. Do vậy, để trở nên hài hước, bạn phải nắm vững một số kĩ năng ngôn ngữ nhất định. Ngôn ngữ hài hước cần vận dụng một lượng lớn các thủ pháp tu từ, bởi nếu không có một nền tảng ngôn ngữ vững chắc mang tính nghệ thuật thì hài hước sẽ trở thành một nguyên liệu gây cười sáo rỗng.

Cuộc sống luôn thường trực nỗi lo cơm áo gạo tiền, lâu dần khó tránh khỏi sự đơn điệu, nhàm chán, nếu thêm vào đó là những cuộc xung đột trong gia đình thì thật là mệt mỏi. Chi bằng chúng ta hãy có cái nhìn cởi mở về mâu thuẫn gia đình, hài hước thêm một chút, ít nổi giận hơn một chút, như thế không những khiến không khí gia đình sôi nổi hơn, giải tỏa được tâm trạng căng thẳng trong công việc và học tập, mà còn nâng cao sức khỏe cũng như cải thiện tâm sinh lí của mọi người. Hãy học cách vận dụng sự hài hước để củng cố cuộc hôn nhân của bạn, để cuộc sống của bạn ngày càng ngọt ngào hơn.

5. ĐỂ BÁNH XE CUỘC SỐNG THUẬN LỢI LĂN VỀ PHÍA TRƯỚC

Trong cuộc sống vợ chồng, hài hước thường mang lại những hiệu quả không ngờ. Nó có thể dùng nụ cười thiện ý thay cho những lời ca thán, tránh được sự tranh cãi; mang lại cho mọi người niềm vui, giải tỏa nỗi buồn, khiến mối quan hệ vợ chồng hòa thuận hơn.

Không lời giáo điều nào, sự chỉ trích, khẩn cầu nào, thậm chí là sự thân mật nào có thể thay thế được hài hước, nó có tác dụng hơn cả hàng trăm nụ hôn nóng bỏng nhất, ý nghĩa hơn cả hàng nghìn câu thề thốt sâu nặng nhất. Cuộc sống chứa đựng sự hài hước sẽ khiến bánh xe cuộc sống lăn về phía trước bình yên.

Hài hước đồng nghĩa với trí tuệ, cũng là một nghệ thuật của ngôn ngữ. Đồng thời còn là biểu hiện cụ thể của cá tính, phong độ, tài năng và tư tưởng của một người. Nhắc tới sự hài hước, có người bèn nghĩ ngay tới những chính trị gia hay nhà ngoại giao. Thực ra, nếu để sự hài hước bước chân vào gia đình, chúng ta cũng sẽ thu được những hiệu quả không ngờ.

Ngôn ngữ hài hước sẽ khiến cuộc sống của hai vợ chồng thú vị và tình cảm hơn. Khi tâm trạng của một bên sa sút hoặc đôi bên xung đột với nhau, sử dụng những lời nói công kích chẳng khác nào “thêm dầu vào lửa”; cằn nhằn cũng không đem lại lợi ích gì, chi bằng nói một, hai câu hài hước đúng lúc lại có thể khiến đôi bên nhanh chóng nguôi lửa giận, phá vỡ được sự căng thẳng tồn tại giữa hai người.

Một lần, vì một chuyện nhỏ mà Einstein nổi giận với vợ. Buổi tối, trước khi bắt tay vào viết sách, ông dặn vợ chuẩn bị một vài thứ cho mình vào hôm sau. Vợ ông không vui, nói: “Anh cần những gì?”

Einstein nói: “Một cái bàn, một cái ghế, giấy và bút… À, thêm một cái thùng rác thật to nữa.”

“Sao lại cần thùng rác to?”– vợ ông hỏi.

Ông nói: “Để anh có thể vứt đi mọi hiểu lầm của anh.” Vợ ông bật cười, thế là tâm trạng hai người đã vui vẻ trở lại.

Từ đó có thể thấy, chỉ một câu nói hài hước rất đơn giản cũng có thể “biến nguy thành an”, khiến không vui trở thành vui. Thế nên khi gặp chuyện khó chịu, chúng ta cũng nên hài hước một chút. Như lời của một nhà văn nổi tiếng từng nói: “Hài hước là chiếc phao cứu sinh giữa sóng gió cuộc đời.”

Một cặp vợ chồng tranh cãi với nhau, cả hai đều rất không vui, sau đó người chồng mềm lòng trước. Khi ăn tối, anh thấy vợ giận dỗi không ăn bèn lấy một cái bánh bao đưa cho vợ, nhẹ nhàng nói: “Em yêu, em ăn hết cái bánh này thì mới có sức cãi nhau với anh chứ!”

Người vợ lập tức trả lời: “Em mà ăn hết cái bánh bao này là không cãi nhau được nữa!”

Ở đây, sự mâu thuẫn trong lời nói và hành vi của họ đều là chân thành, cãi vã kết thúc, hòa hảo quay trở lại như ban đầu, đôi bên đều tha thứ cho nhau. Khéo ở chỗ người chồng rõ ràng là muốn hòa giải, nhưng lại bảo vợ ăn cơm xong rồi cãi nhau tiếp; người vợ biết rõ ăn cơm rồi sẽ không cãi được nữa và đã thể hiện ngay ý đó ra. Có thể thấy, sự hài hước là một liều thuốc tốt giữ cho gia đình hòa thuận.

Trong đời sống vợ chồng không chỉ cần có sự dịu dàng và nhiệt tình, mà còn cần tình cảm và trí tuệ để hoàn thiện, giúp đời sống tình cảm gia đình được phong phú hơn.

Có một người chồng chạy về nhà, thở hổn hển và đắc ý nói với vợ: “Anh chạy theo xe bus về nhà, tiết kiệm được bao nhiêu tiền xe.”

Người vợ nói: “Thế sao anh không chạy theo xe taxi? Tiết kiệm tiền taxi có tốt hơn không?” Đây chỉ là khởi đầu của cuộc đối thoại vui vẻ giữa họ, và cả buổi tối hôm đó, hai vợ chồng đã sống trong không khí rất ngọt ngào. Sự hài hước có thể làm tăng thêm niềm vui trong cuộc sống thường nhật, nếu hai vợ chồng đều biết dùng sự hài hước để giải quyết những tranh chấp thì sẽ chẳng bao giờ xảy ra xung đột, cãi vã nữa.

Dũng và Sơn là bạn thân từ thuở thiếu thời, thi thoảng lại gặp gỡ trò chuyện và rủ nhau uống vài li cho vui. Nhưng vợ Dũng lại không thể hiểu nổi thú vui này, thế nên lần nào anh về nhà, cô cũng cằn nhằn ca thán.

Một lần, sau khi gặp nhau, Sơn đưa Dũng trở về nhà trong tình trạng chuếnh choáng men say, vừa bước vào cửa, vợ Dũng nhìn thấy đã tỏ ra không vui, sau đó thì bắt đầu mắng mỏ. Khi đưa Dũng về giường nằm xong, Sơn chào tạm biệt, nhân thể dặn dò vợ Dũng vài câu: “Mong em đừng giận. Bọn anh chỉ là bạn bè thi thoảng gặp nhau, vui nên có uống mấy chén, chỉ cần em khoan dung hơn một chút là mọi người đều thoải mái mà.”

“Nhưng trong lòng em cứ cảm thấy không thoải mái!” vợ Dũng trả lời.

“Anh biết, nhưng hai vợ chồng cũng cần phải cho nhau một không gian tự do, như thế chẳng phải tốt hơn sao?” Vợ Dũng nghe Sơn nói thế thì chẳng còn biết nói gì nữa.

Một hôm khác, hai người bạn lại gặp nhau uống rượu, sau đó ai về nhà nấy, Dũng nghĩ bụng chắc kiểu gì vợ cũng cằn nhằn mình, nhưng cũng tặc lưỡi mở cửa.

“Ồ! Lạ thật, sao hôm nay yên tĩnh thế?”

Bình thường, cứ vừa vào đến cửa là Dũng đã nghe thấy tiếng vợ cằn nhằn, nhưng không khí tối nay lại lặng lẽ như tờ, lúc còn đang ngạc nhiên thì anh thấy trên cửa tủ lạnh dán một tờ giấy:

“Ông xã, em không giỏi ăn nói, đành phải để tờ giấy lại cho anh: Nếu anh đói bụng thì trên bàn còn cái đùi gà; nếu anh muốn uống thêm vài li nữa thì trong tủ lạnh đã có chân gà nhắm; còn nếu không thì trong phòng có một con gà mái già.”

Trong cuộc sống gia đình, nếu một bên có tâm trạng không tốt hay đôi bên nảy sinh xung đột, thì những lời nói mang tính công kích chẳng khác nào thêm dầu vào lửa, cho dù có người khuyên can cũng vô ích. Lúc này, một sự hài hước đúng mực lại thường khiến đối phương chuyển giận thành vui. Có lúc, mâu thuẫn có thể thành xung đột, nhưng một câu nói khéo léo cũng có thể biến “nguy hiểm” thành “bình yên”.

Theo khảo sát và đánh giá của các nhà xã hội học, các gia đình phương Đông thiếu sự hài hước hơn các gia đình phương Tây. Vì điều này mà chất lượng cuộc sống của nhiều gia đình giảm sút, thậm chí là các thành viên trong gia đình không thể kết nối với nhau, khiến vợ chồng li hôn, con cái li tán.

Sở dĩ như vậy là do các gia đình phương Đông chịu ảnh hưởng khá nặng nề của quan niệm phong kiến, mối quan hệ giữa các thành viên bị gò bó bởi một công thức nhất định, thiếu sự sôi nổi, gần gũi. Mà muốn cuộc sống gia đình sôi nổi, hòa thuận hơn thì hài hước là một trong những gia vị cần thiết nhất.

Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc – Sa Diệp Tân là một người rất hài hước, con gái ông cũng mang trong mình năng khiếu hài hước bẩm sinh. Lớn lên, cô đi du học nước ngoài, một lần về nước thăm cha mẹ, cô và bố mẹ nói chuyện về người em trai cũng đang du học ở Mĩ, cô nói em trai đang muốn cưới một cô gái da đen. Người mẹ giật mình và phản đối.

“Sao mẹ lại kì thị chủng tộc như thế? Con gái da đen là ngọc trai đen, thân hình chuẩn, lại còn xinh đẹp nữa.”

“Bố thì không kì thị chủng tộc”, Sa Diệp Tân nói, “Bố chỉ lo sau này chúng nó đẻ cho bố một thằng cháu da đen, đưa tới bảo bố mẹ nuôi. Buổi tối mà mất điện, xung quanh tối om, không tìm thấy cháu thì lo lắm!”

Cô con gái vội vàng nói: “Không sao đâu, lúc nào mất điện, bố bảo cháu cười thật to, thế là tìm thấy rồi.”

Trong những lời đối thoại ấm áp giữa hai cha con, người bố đã chứng tỏ mình là một người có tấm lòng rộng mở, có tâm hồn trẻ trung và hài hước; còn con gái ông cũng không hề thua kém bố, câu trả lời nhanh nhẹn, cách phản đối khéo léo của cô đã tăng thêm niềm vui cho gia đình lâu ngày mới đoàn tụ.

Không phải chúng ta không có khiếu hài hước, mà là không quen với sự hài hước. Có những gia đình không khí lúc nào cũng buồn tẻ, đối thoại giữa các thành viên trong gia đình lúc nào cũng quy củ, nguyên tắc. Đương nhiên, trao đổi nghiêm túc chẳng có gì sai trái, nhưng nó như xích xe không tra dầu, dễ gây ra tiếng ồn và bào mòn xích xe – nhất là khi tâm trạng của bạn không tốt, lời bạn nói mang tính xúc phạm và sỉ nhục, sẽ khiến các thành viên khác trong gia đình cảm thấy khó chịu.

Mọi người đều hi vọng không khí gia đình bình yên, hòa thuận; mà sự bình yên thì cần có tiếng cười làm trang sức, còn những phút giây hòa thuận lại cần sự hài hước làm gia vị. Vận dụng những ngôn từ hài hước một cách phù hợp có thể khiến không khí gia đình đầm ấm hơn, cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn.

Cuộc sống gia đình rất cần sự hài hước, chúng tôi tin rằng, cho dù trong hoàn cảnh nào, một cặp vợ chồng biết dùng sự hài hước để điều hòa cuộc sống, thì sự bình yên mà họ có được chắc chắn sẽ nhiều hơn những gia đình suốt ngày cãi cọ ồn ào với nhau.

Tạp chí Psychology Today (Tâm lí học ngày nay) của Mĩ từng đưa ra kết luận: Vợ chồng có thể chọc cười nhau sẽ mãi mãi ở bên nhau. Một nghiên cứu tâm lí học cũng cho thấy: Những cặp vợ chồng cùng hài hước như nhau thì sẽ dễ dàng thương yêu và thấu hiểu cho nhau. Chọc cười người khác làm giải tỏa mệt mỏi và lo lắng, khiến không khí gia đình luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Trong tập sách Cuộc đời hài hước của Lâm Ngữ Đường có một đoạn rất đáng để chúng ta suy ngẫm, ông viết: “Khát khao kiến thức như khát khao nước sạch, thích một tư tưởng tốt cũng như thích một món thịt kho ngon lành, hướng tới một câu nói đẹp cũng như hướng tới một người phụ nữ đẹp.” Đó chính là chân lí của cuộc đời.

Không có lí do gì để một người từ chối sự hài hước. Hài hước là mục tiêu theo đuổi của mọi thành viên trong gia đình. Bởi vậy, chúng ta nên nỗ lực thực hiện để hài hước trở thành “Sứ giả vui vẻ”, mang lại cho gia đình sự hạnh phúc.

Trong cuộc sống, chúng ta cần sự hài hước. Hài hước thể hiện sự khéo léo, thú vị và sức sống của bạn, có nó, bạn sẽ khiến cuộc sống trở nên yên bình hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#yugi