Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

HÀI HƯỚC - NGHỆ THUẬT GIAO TIẾP

TỨ HẢI GIAI “BẰNG HỮU”, ĐỂ CÁC MỐI QUAN HỆ CỦA CHÚNG TA NGÀY CÀNG MỞ RỘNG

C

on người là “động vật” lí tính hóa, bởi vậy luôn tồn tại rất nhiều cảnh giác; con người lại rất cảm tính, cảm tính ở chỗ đánh giá sự vật dựa trên ý thức chủ quan của mình. Muốn mở rộng các mối quan hệ một cách thuận lợi thì sự hài hước là một điều cần thiết. Sự chính trực và nhân hậu của một người sẽ là nhân tố quan trọng, nhưng hài hước sẽ là điểm cộng để mở rộng các mối quan hệ ấy. Bởi quan hệ giao tiếp luôn đề cao sự thoải mái, nhẹ nhàng và thêm vào một chút niềm vui bất ngờ.

1. NGÔN NGỮ HÀI HƯỚC PHẢI TAO NHÃ, LỊCH SỰ

Điều kiện đầu tiên của hài hước phải là thú vị, “thú vị” ở đây không là sự chọc cười, nực cười, mà là sự thú vị khiến người ta phải suy ngẫm do đã chỉ ra mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, hiện tượng và bản chất, nguyện vọng và kết quả, đó là một tiếng cười tao nhã.

Trong cuộc sống, rất nhiều người khi nói đùa thường không chú ý tới mức độ, từ đó khiến người khác không vui, ảnh hưởng tới tình cảm của đôi bên, mang lại những phiền não không cần thiết cho bản thân. Bởi vậy, khi đùa với người khác, hãy biết điểm dừng đúng lúc.

Hài hước không phải là nói những lời đùa cợt vô nghĩa, cũng không phải là châm biếm, đả kích một cách ác ý, mà là khiến người khác suy ngẫm về nhiều điều trong cuộc sống sau những tiếng cười thoải mái.

Hài hước là hiện thân sức mạnh và khả năng lan truyền cảm xúc của ngôn ngữ, cũng là một trong những nhân tố quan trọng khiến ngôn ngữ có thể mang lại sự thưởng thức cái đẹp cho con người. Bởi vậy, ngôn ngữ hài hước phải tao nhã, lịch sự.

Trong quá trình giao tiếp, con người khó tránh khỏi mâu thuẫn, xung đột với người khác, nhưng nếu bạn đủ rộng lượng và nhanh trí vận dụng sự hài hước, cho dù không thể thay đổi sự công kích thì cũng có thể khiến sự công kích ấy mềm mại hơn, tránh làm mối quan hệ căng thẳng hơn.

Ví dụ như trong công việc ở quầy thu ngân, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra xung đột với khách hàng, nếu dưới sự gò bó của các chuẩn tắc xã hội, xử lí theo cách thông thường thì khó tránh khỏi thất bại, thậm chí còn có thể nói là “đại bại” trong giao tiếp. Lúc này, chúng ta có thể vận dụng sự hài hước, thông qua ngôn ngữ hài hước để giảm nhẹ mâu thuẫn và công kích. Hãy cùng xem ví dụ dưới đây:

Một đám cưới đang diễn ra rất náo nhiệt, pháo hoa bắn bên cạnh cô dâu chú rể, không ngờ một tia lửa bắn vào áo cưới khiến cô dâu hoảng sợ. Đúng lúc này có người nhanh nhẹn nói: “Chúc mừng cô dâu chú rể, tình yêu của hai người sẽ thăng hoa như những bông pháo này.” Câu này vừa thốt ra, mọi người đều vỗ tay rầm rầm. Người vừa lên tiếng trong lúc bối rối đã rất nhanh trí vận dụng sự hài hước để hóa giải tâm trạng không vui của cô dâu, thực là đáng khen ngợi.

Ngôn ngữ hài hước thường khiến người ta không kìm nén được mà bật cười, nhưng không phải tất cả mọi ngôn ngữ khiến người ta cười đều là hài hước, bởi vì hài hước cũng có đặc điểm riêng của nó.

Sự hài hước tao nhã, lịch sự nằm ở chỗ luôn ẩn chứa chân lí trong những câu nói hóm hỉnh, thể hiện sức mạnh của chân – thiện – mĩ. Bởi hài hước là biểu hiện của người có tâm lí lạc quan, lành mạnh, tao nhã và lịch sự.

Hài hước tuy rằng có chứa yếu tố gây cười, nhưng nó không phải là dùng những lời đầu môi chót lưỡi để gây ra tiếng cười nhất thời. Hài hước đến từ những người có kiến thức, am hiểu văn hóa và tu dưỡng đạo đức tốt; còn những người thiếu các tố chất trên thì khó có thể có được sự hài hước, có chăng chỉ là biết kể vài câu chuyện cười nông cạn, thô thiển để đổi lấy tiếng cười thông cảm của mọi người.

Hài hước thực sự cần phải dựa trên lời nói tao nhã, lành mạnh, tâm trạng người nói cần thoải mái, vui vẻ để vạch ra đạo lí sâu sắc, nghiêm túc và trừu tượng, khiến sự hóm hỉnh và triết lí hòa làm một với nhau.

Bộ Bách khoa toàn thư nước Anh trong mấy bản in đầu tiên có chủ đề “Tình yêu” với độ dài năm trang, nội dung rất cụ thể. Nhưng tới bản in lần thứ 14 thì mục này bị xóa đi, mà thay vào đó là chủ đề “Đạn nguyên tử” cũng chiếm số trang tương đương.

Vì việc này mà một độc giả cảm thấy vô cùng nuối tiếc và đã gửi thư trách ban biên tập coi nhẹ tình cảm tốt đẹp nhất của con người, cổ vũ loại vũ khí giết người.

Trước sự phản đối này, Tổng biên tập đã rất hài hước trả lời rằng: “Đối với tình yêu, đọc Bách khoa toàn thư nước Anh không bằng tự mình trải nghiệm; còn đối với đạn nguyên tử, tự mình trải nghiệm không bằng đọc Bách khoa toàn thư nước Anh.”

Câu trả lời của vị Tổng biên tập này thật vô cùng hài hước. Quan trọng nhất là nó ẩn chứa triết lí rất sâu xa, so sánh tình yêu với đạn nguyên tử, vừa trả lời được chất vấn của độc giả, lại thể hiện được rằng ông cũng như độc giả, khát khao thứ tình cảm tốt đẹp nhất của nhân loại, cũng như thực lòng không muốn đạn nguyên tử trở thành “hung thủ giết người”.

Hài hước đa phần được hình thành bởi dăm ba câu miêu tả rất ngắn gọn, nó không giống như tiểu thuyết, có một kết cấu hoàn chỉnh và các tình tiết kịch tính; nó cũng không như hài kịch, có những mâu thuẫn xung đột gay gắt.

Hài hước có một sức xuyên thấu rất đặc biệt, nó có một sức mạnh vô cùng to lớn, và có thể trải rộng ra khắp nơi.

Ví dụ như câu trả lời của vị Tổng biên tập ở trên, tuy rằng chỉ có hai câu ngắn ngủi nhưng sự hài hước trong đó đã thể hiện được hàm ý vừa sâu vừa rộng.

Cũng chính nhờ đặc điểm này của hài hước mà khi sử dụng kĩ năng này trong giao tiếp, chúng ta nên dùng ngôn ngữ đơn giản nhất, dễ hiểu nhất để biểu đạt ý của mình, tuyệt đối không nên dài dòng.

Ba phạm nhân mắt lác đứng trước một vị quan tòa mắt lác.

Quan tòa lườm phạm nhân thứ nhất, hỏi: “Cậu tên là gì?”

Phạm nhân thứ hai tưởng là đang hỏi mình, bèn đáp: “Eli”.

“Tôi không hỏi cậu!”

Nói rồi quan tòa quay sang phạm nhân thứ hai. Lúc này, phạm nhân thứ ba lập tức đáp: “Tôi có nói gì đâu.”

Câu chuyện này được kể lại vô cùng ngắn gọn. Khi kể chuyện chúng ta nên cắt bỏ đi những tình tiết rườm rà, đặc biệt là khi giới thiệu nhân vật càng phải tuân thủ nguyên tắc ngắn gọn, đừng sử dụng quá nhiều từ ngữ phức tạp.

Ngoài ra, ngôn ngữ hài hước, hóm hỉnh còn thể hiện sự nhanh trí và tinh tế của một người. Hài hước phải biểu đạt được những điều mà người khác không nghĩ ra, hàm ý mà người khác không nghĩ đến, đó là tôn chỉ của hài hước, như thế sẽ khiến ngôn ngữ của bạn có sức thuyết phục đặc biệt, đạt được hiệu quả giao tiếp tốt hơn.

Có một vị khách uống rượu trong nhà hàng, uống xong li thứ hai, anh hỏi ông chủ: “Một tuần ông bán được bao nhiêu thùng rượu?”

“35 thùng”, – ông chủ dương dương tự đắc đáp.

“Thế thì”, – vị khách nói, “Tôi nghĩ ra một cách có thể giúp ông bán được 70 thùng một tuần.”

Ông chủ rất kinh ngạc, vội hỏi: “Cách gì?”

Vị khách mỉm cười nói: “Đơn giản lắm, chỉ cần ông rót đầy rượu vào mỗi li là được”.

Ý của vị khách này là trách ông chủ bán rượu cho khách chỉ rót có nửa li, nhưng anh lại lợi dụng tâm lí ham lợi nhuậncủa ông chủ, khéo léo giăng ra một cái bẫy để “khổ chủ” vô tình bước chân vào, sau đó mới bất ngờ chỉ trích hành vi của ông ta.

Có người từng nói: “Trong cuộc sống, không có triết học, người ta vẫn có thể sống được, nhưng không có sự hài hước thì chỉ những kẻ ngu ngốc mới có thể tồn tại.” Ngôn ngữ hài hước thể hiện học thức, tài năng, trí tuệ, linh cảm của một người, là “Năng lực nắm bắt những tình huống nực cười và trí tưởng tượng hóm hỉnh”. Nó vạch ra bản chất của những hiện tượng hoang đường, cực đoan, mâu thuẫn, không hợp lí trong xã hội, đồng thời miêu tả những ngôn ngữ, hành vi, tri thức bất thường.

Hài hước có thể khiến tâm lí căng thẳng và áp lực của mọi người được giải phóng, trở thành một nụ cười nhẹ nhõm. Trong giao tiếp, ngôn ngữ hài hước giống như chất bôi trơn có thể giảm bớt “tần suất mâu thuẫn” giữa người với người, hóa giải xung đột và mâu thuẫn, đồng thời khiến chúng ta dễ dàng thoát khỏi những khó khăn gặp phải trong giao tiếp.

2. DÙNG SỰ HÀI HƯỚC ĐỂ XÂY DỤNG MỐI QUAN HỆ VỚI NGƯỜI KHÁC

Một người muốn xây dựng các mối quan hệ của mình thì việc phải giao tiếp với người khác là điều đương nhiên. Vào lúc này, hài hước chính là phương pháp giao tiếp tốt nhất.

Có lần, khi Tổng thống Mĩ Reagan đang phát biểu trong một buổi trình diễn piano ở Nhà Trắng thì phu nhân Nancy của ông không cẩn thận ngã cả người cả ghế xuống tấm thảm phía dưới.

Lúc ấy, thấy phu nhân của mình không bị thương, Reagan liền hài hước chêm vào một câu: “Em yêu, anh từng nói với em rồi, chỉ khi anh không được mọi người vỗ tay thì em mới cần làm như thế.” Trong phút chốc, dưới sân khấu vang lên tiếng vỗ tay vang dội.

Đáng lẽ đây là một việc khiến Reagan phải cảm thấy rất xấu hổ, nhưng nếu lúc này chỉ biết ca thán hay vờ như không thấy thì sẽ khiến không chỉ những người ở dưới sân khấu mà bản thân ông và vợ ông cảm thấy khó xử.

Khi đối mặt với nguy cơ trong giao tiếp này, Reagan đã khéo léo vận dụng sự hài hước để giải quyết và giành được hiệu quả tốt hơn hẳn, điều này đã thể hiện được sự nhanh trí của ông, đồng thời cũng kéo gần khoảng cách giữa ông và khán giả, đó chính là ví dụ điển hình của việc vận dụng sự hài hước trong xã giao.

Thử nghĩ xem, nếu khi phải đối mặt với một vấn đề hóc búa, bạn vẫn có thể sử dụng khéo léo vài câu nói hài hước để mọi người bật cười thì chẳng phải là rất có lợi sao?

Hài hước thường không phải là cách trực tiếp đối mặt với vấn đề, mà áp dụng phương pháp đi đường vòng, bởi vậy không gây ra cảm giác căng thẳng.

Hài hước thường xảy ra đột ngột, đòi hỏi sự nhanh nhạy, điều này cũng phản ánh được trí tuệ của người hài hước, khiến người ta thán phục.

Khi người ta thán phục thì người ta cũng sẽ có thiện cảm với bạn, dễ dàng tiếp thu ý kiến của bạn, bởi vậy trong xã hội phương Tây, hài hước được công nhận là một khả năng kiệt xuất.

Trong giao tiếp xã hội, hài hước là thiên sứ vui vẻ kết nối tâm hồn mọi người với nhau, có sự hài hước thì sẽ có tình yêu và tình bạn. Người hài hước đi đến đâu thì nơi ấy sẽ có được không khí vui vẻ, hòa thuận.

Trong một cuộc xung đột không thể vãn hồi, người không hài hước có thể sẽ phải đối mặt với sự tra hỏi, đập bàn đập ghế, nổi giận đùng đùng, buồn rầu, ủ rũ hay chịu thua người khác!

Sự cao minh của người hài hước là ở chỗ, cho dù gặp phải vấn đề hóc búa cũng sẽ không cư xử như người bình thường, khiến bản thân lo lắng rối rít, mà vẫn giữ được bình tĩnh. Khi người bình thường cảm thấy không còn lựa chọn nào khác, người hài hước vẫn có rất nhiều lựa chọn.

Trong một bữa tiệc, một binh sĩ trẻ không cẩn thận đã làm bắn rượu lên đầu một vị tướng nổi tiếng.

Tình huống này thật nan giải; nếu vị tướng nổi giận thì mọi người xung quanh sẽ mất vui; còn nếu ông im lặng thì mọi người cũng khó xử.

Thế là ông mỉm cười, vỗ vai chàng lính trẻ: “Chàng trai, tóc tôi đúng là rất ít, cảm ơn cậu đã có thành ý điều trị cho tôi, giúp tôi bớt phiền muộn vì chuyện này. Ngày trước tôi cũng đã từng nghe nói đến phương pháp “Điều trị bằng rượu”, không biết lần này thực sự có hiệu quả không?”

Khi ông nói xong, những người khác cũng bật cười theo.

Chính nhờ câu nói này của vị tướng mà không khí vui vẻ vẫn được duy trì. Nếu vị tướng đó nổi giận, không những sẽ phá hỏng không khí vui vẻ, mà e rằng hình tượng của ông trước mặt người khác cũng sụp đổ.

Tuy rằng người khác sẽ không nói gì trước mặt ông, vì dù sao ông cũng là một vị tướng, nhưng sau lưng ông có thể là ngược lại. Cách làm của vị tướng không những đã khiến bầu không khí vui vẻ trở lại, mà còn khiến người khác cảm thấy ông rất hài hước, rất có văn hóa.

Có rất nhiều kiểu hài hước, ví dụ như hài hước kiểu vui vẻ, hài hước kiểu triết lí, cũng có hài hước kiểu tự trào, hài hước kiểu châm biếm.

Để đạt được hiệu quả hài hước cao nhất; có thể vận dụng một số kiểu hài hước vui vẻ hay hài hước triết lí khi đối mặt với bạn bè đồng nghiệp, còn đối với bản thân hay người thân, có thể tùy vào tình hình mà vận dụng hình thức hài hước kiểu tự trào.

Ngoài ra, khi đối xử với kẻ địch hay người có ác ý, cần vận dụng sự hài hước kiểu châm biếm, để thông qua những lời nói châm biếm đó, nhắc nhở đối phương hãy tự kiểm điểm lại mình.

Vận dụng sự hài hước còn cần phải căn cứ vào tình hình để có những phân tích cụ thể; đặc biệt là đối với người lớn tuổi, phụ nữ hay những người mới gặp lần đầu, khi thể hiện sự hài hước phải vô cùng thận trọng.

Đồng thời, vận dụng sự hài hước còn cần phải chú ý mức độ, nếu quá đà có thể khiến đối phương hiểu lầm rằng bạn cố tình giễu cợt, châm biếm họ, như thế sẽ khiến quan hệ đôi bên trở nên căng thẳng.

Hài hước phải như một làn gió xuân sưởi ấm quan hệ giao tiếp, giải tỏa những căng thẳng và lo lắng trong lòng mọi người, rút ngắn khoảng cách giữa đôi bên.

Ngoài ra, hài hước cũng là một biểu hiện của sự khoan dung, khiến một người cho dù đang không vui vẻ cũng có thể lấy lại được tâm trạng vui vẻ, thoải mái.

Lệ là Trưởng phòng marketing của một công ty, cô có ngoại hình khá xinh đẹp. Một hôm, giám đốc yêu cầu cô cùng tham gia một bữa tiệc, khi cô đến buổi tiệc, tất cả cánh đàn ông có mặt ở đó đều nhìn cô chăm chú.

Nhưng một việc không hay xảy ra, một cô bé vô cùng đáng yêu đã không cẩn thận đụng vào Lệ, làm rượu đổ vào chiếc váy trắng rất đẹp của cô.

Bố mẹ cô bé ấy nhìn thấy, lập tức chạy tới xin lỗi Lệ. Còn cô bé thấy bố mẹ có vẻ bối rối thì cũng rất sợ hãi: Sợ cô gái xinh đẹp này sẽ trách mình.

Khi đó Lệ hơi khựng lại một chút, rồi lập tức mỉm cười nói với mẹ cô bé: “Không sao đâu ạ!” Sau đó cô hài hước nói với cô bé: “Cháu thấy bông hoa trên váy cô có đẹp không?”

Cô bé ngước đôi mắt to tròn đáng yêu nhìn Lệ và nói: “Đẹp ạ.” Mọi người nhìn thấy đều thở phào nhẹ nhõm.

Chuyên gia phân tích tâm lí Freud từng nói: “Người hài hước nhất là người có khả năng thích nghi tốt nhất.”

Đúng vậy, trong cuộc sống, người hài hước có thể xử lí rất tốt các mối quan hệ giao tiếp, dễ dàng tháo gỡ những tình huống khó xử, khiến các mối quan hệ của mình càng ngày càng được mở rộng.

Một chuyên gia tâm lí học khác cho rằng: “Nếu bạn có thể khiến một người có thiện cảm với bạn, thì bạn cũng có thể khiến mỗi người xung quanh bạn, thậm chí là mọi người trên toàn thế giới có thiện cảm với bạn. Chỉ cần bạn không đi khắp nơi bắt tay với người ta, mà dùng sự thân thiện, thông minh, hóm hỉnh của mình để truyền đạt thông tin của bạn, thì khoảng cách không gian sẽ biến mất.”

Hài hước là một cây cầu nối liền tâm hồn con người lại với nhau, giao tiếp với người hài hước, ai ai cũng cảm thấy vui vẻ.

Mai và Thanh là đồng nghiệp đã nhiều năm, ngồi cạnh bàn nhau, tình cảm rất thắm thiết, cả hai cũng rất ăn ý với nhau trong công việc. Dù vậy, hai người đôi lúc cũng khó tránh khỏi những xung đột, giống như răng với lưỡi có khi còn va phải nhau.

Có lần, vì phải giải quyết một việc mà sếp giao, hai người bất đồng ý kiến, tranh cãi hồi lâu mà vẫn không giải quyết được vấn đề, cuối cùng trở thành một cuộc “đấu khẩu” kịch liệt. Sau đó cả hai xảy ra chiến tranh lạnh, coi nhau như người xa lạ.

Tới ngày thứ ba, Mai cảm thấy không chịu nổi không khí làm việc ức chế này. Để phá vỡ bầu không khí căng thẳng đó, Mai bắt đầu lục lọi ngăn kéo và bàn làm việc.

Đến nước này thì Thanh không nhịn được, bèn hỏi: “Này, cậu lục ngăn kéo tìm gì thế?”

Mai nhìn Thanh, hài hước nói: “Tìm cái miệng và giọng nói của cậu! Cậu chẳng nói gì với tớ, làm sao tớ nói chuyện với cậu được”.

Hai người phì cười, cuối cùng cũng làm lành với nhau.

Hài hước có thể khiến chúng ta thả lỏng tâm trạng, kéo gần khoảng cách giữa đôi bên. Khi xảy ra tranh chấp, một câu nói đùa đúng lúc có thể hóa giải được căng thẳng. Hài hước có thể nói là một cục nam châm hút mọi người lại với nhau; cũng có thể nói là một liều thuốc biến phiền muộn thành vui vẻ, biến đau khổ thành niềm vui, biến sự căng thẳng thành hòa thuận.

Hài hước có thể tạo nên cảm giác thân thiện giữa người với người, bởi trước một sự vật, sự việc, cả hai cùng cười chứng tỏ có chung sở thích, hứng thú, đây là một bước rất quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ.

Vận dụng phương thức hài hước khoáng đạt, tự nhiên, nhẹ nhàng sẽ có thể khiến những mâu thuẫn ngăn cản bước đường thành công của chúng ta bớt gay gắt hơn; từ đó giúp chúng ta không rơi vào cục diện khó xử, hóa giải tâm lí đối lập giữa đôi bên, khiến vấn đề được giải quyết dễ dàng.

Một nhà văn từng nói: “Khi chúng ta muốn biến thái độ của một người từ phủ định thành khẳng định, sức mạnh của hài hước có hiệu quả thuyết phục rất lớn, có thể coi nó là cách thức xử sự hữu hiệu nhất.”

Ông còn nói: “Hài hước giúp bạn giải quyết được nhiều vấn đề trong giao tiếp. Khi bạn hi vọng trở thành một người có thể khắc phục được trở ngại, được mọi người yêu quý và tin tưởng, thì bạn đừng bỏ qua sức mạnh thần kì này.”

Hài hước không chỉ khắc phục được những xung đột trong mâu thuẫn, mà còn là một nghệ thuật kết nối tâm hồn.

Người ta dựa vào sức mạnh của sự hài hước để phá vỡ lớp vỏ bọc của bản thân, chủ động giao tiếp với người khác để rút ngắn khoảng cách với nhau. Thông qua sự hài hước, mọi người có thể cảm nhận được sự chân thành và thiện ý của bạn.

Trong những cuộc trò chuyện nghiêm túc hay những mối quan hệ công việc hàng ngày, bạn có thể phải “đeo mặt nạ” để đảm bảo giữ đúng chuẩn mực và quy tắc, như vậy người ngoài chỉ có thể hiểu được ngoại hình mà không thể nào hiểu được nội tâm của bạn.

Cách thức giao tiếp như vậy rất khó để tiếp tục tiến tới mối quan hệ sâu sắc hơn, hơn nữa, không giao tiếp về tâm hồn cũng có thể coi là thất bại trong giao tiếp; bởi vậy, nó càng không thể giúp bạn xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp. Ngoài ra, sự hài hước giúp mọi người nhìn thấy mặt tích cực của bạn: chân thành hơn, giàu nhân tính hơn; đó cũng là điểm chung của con người.

Trong bài phát biểu khi tới dự một buổi lễ tốt nghiệp tại trường cũ, Tổng thống Mĩ – Reagan đã tự giễu cợt thành tích học của mình. Ông nói: “Có được vinh dự này, tâm trạng tôi vô cùng xúc động, bởi ngày trước tôi luôn cho rằng, chỉ những người đứng đầu mới được phát biểu.”

Những lời nói vui bộc lộ một Reagan rất khác – cũng có lúc “tự ti” đã đạt được hiệu quả giao tiếp rất tốt.

Con người đều rất lí trí, bởi vậy lúc nào cũng đề phòng lẫn nhau; con người cũng rất cảm tính, bởi vậy tiếng cười có thể khiến tinh thần của con người trở nên vui vẻ. Do đó, muốn mở ra các quan hệ mới một cách thuận lợi, bạn đều phải có sự hài hước. Hài hước có thể giúp bạn xây dựng được các mối quan hệ hiệu quả.

Hiện nay, rất nhiều người dẫn chương trình nổi tiếng đều là những người có tướng mạo bình thường, vậy thì tại sao họ lại được công chúng hoan nghênh như vậy? Nguyên nhân là vì khi dẫn chương trình, họ đã phát huy tốt kĩ năng hài hước để bù đắp cho khiếm khuyết về mặt ngoại hình của mình.

Nếu những người bình thường luôn im lặng, ít nói, biểu cảm nghiêm túc, bỗng một ngày từ miệng họ đột nhiên thốt ra một câu chuyện cười được người khác vỗ tay, thì như vậy họ có thể phá vỡ được khoảng cách với người khác, thắt chặt mối quan hệ hơn nữa.

Mức độ thiện cảm người khác dành cho chúng ta thường tỉ lệ thuận với sự thiện cảm với câu chuyện mà chúng ta kể. Bởi vậy, muốn giành được thiện cảm của người khác, sự hài hước đúng mực là biện pháp tốt nhất.

Những người giỏi quan sát tình thế và biết vận dụng sự hài hước một cách đúng mực thì các mối quan hệ giao tiếp của họ thường rất tốt, cho dù họ đi tới đâu cũng sẽ được mọi người hoan nghênh.

“Cười” là ngôn ngữ thông hành phù hợp với mọi quốc gia, và cũng là cây cầu hữu nghị, thân thiện nhất thế giới. Bởi vậy chúng ta đừng ngại dùng sự hài hước để tạo nên một mạng lưới quan hệ tốt, trở thành một người được mọi người yêu quý!

Biết đối đáp hài hước, sức mạnh hài hước trong lời nói không những giúp chúng ta giải tỏa những căng thẳng trong quan hệ giao tiếp, loại bỏ những khó khăn, mà còn có thể mang lại cho người khác điều mà họ muốn có nhất, đó chính là một thái độ thoải mái, chân thành và sẵn sàng chia sẻ. Bởi vậy, bạn nên vận dụng sự hài hước để xây dựng nên các mối quan hệ cá nhân của mình.

3. CA THÁN CŨNG PHẢI DỄ NGHE

Không còn người phụ nữ nào đáng ghét hơn những người phụ nữ cả ngày chỉ biết cằn nhằn, ca thán.

Nhưng không ca thán cũng không được. Bởi khi cánh mày râu đã quen được phục vụ, mọi chuyện dường như đều trở thành đương nhiên; nếu thi thoảng có một, hai lần bạn làm không tốt, không đạt được yêu cầu của đàn ông, thì anh ta sẽ tỏ ra bất mãn.

Như thế không ca thán sao được? Chắc chắn là phải ca thán, nhưng ca thán cũng phải có nghệ thuật, ca thán cũng phải dễ nghe.

Nếu vì một chuyện rất nhỏ, bạn đã chê bai vợ bạn (thực ra lời chê của bạn không có ác ý gì, chẳng qua chỉ là vài câu cằn nhằn, ca thán); nhưng vợ bạn nghe rồi sẽ có cảm xúc như thế nào, bạn từng nghĩ tới chưa?

Điều này không những ảnh hưởng tới tình cảm của đôi bên, hơn nữa còn thể hiện bạn là một người đàn ông thất bại.

Bởi vậy, dù thế nào thì ca thán cũng phải nói một cách uyển chuyển, khéo léo, điều đó sẽ giúp hai vợ chồng có thêm cơ hội tìm hiểu nhau, giúp không khí gia đình thêm đầm ấm.

Gần đây, có một vị giám đốc thường xuyên bắt cấp dưới làm thêm ca tối. Hôm đó, anh ta hỏi một nhân viên của mình: “Xin lỗi, tối qua anh về muộn như thế, vợ anh có ca thán gì không?”

Cấp dưới đáp: “Cũng chẳng có gì, nhưng sáng nay khi tôi ra ngoài, vợ tôi nói với tôi là…”

“Nói gì?”

“Anh yêu, tối nay anh còn phải làm thêm không?”

“Thế anh trả lời vợ anh thế nào?”

“Tôi nói: Ừm! Có thể!”

“Cô ấy nói gì?”

“Vợ tôi nói: Thế thì anh phải làm thêm chăm chỉ vào nhé! Không được về nhà quá sớm đâu.”

Sự hài hước này tuy ở cấp độ thô sơ, nhưng lại biểu đạt trực tiếp và rõ ràng những cống hiến bạn đã dành cho công ty.

Nếu bạn muốn thể hiện tâm lí không muốn làm thêm, vậy thì bạn hãy nói với cấp trên như thế này: “Nếu tôi còn phải làm thêm như thế này, vợ tôi có lẽ sẽ ‘phát triển’ ra ngoài mất!” Khi bạn nói vậy, chắc chắn cấp trên sẽ không thể nói với bạn rằng: “Anh cứ để cô ấy ra ngoài đi!”

Bạn không từ chối thẳng thừng: “Tôi không muốn làm thêm!”, mà thông qua ngữ khí uyển chuyển, vòng vo, khiến cấp trên nảy sinh tâm lí đồng cảm, từ đó đạt được mục đích của bạn.

Khi gặp trở ngại hay phải chịu những đãi ngộ không công bằng mà nảy sinh tâm lí bất mãn, bạn cũng có thể dùng sự hài hước để giải thoát cho bản thân.

Trên xe bus, một nữ hành khách liên tục làm phiền bác tài xế, cứ đi được một đoạn chị ta lại nhắc nhở mình xuống xe ở bến nào.

Bác tài xế vẫn kiên nhẫn lắng nghe, cho tới khi hành khách kia hét lên: “Nhưng làm sao tôi biết được chỗ tôi cần xuống đã đến chưa?”

Bác tài xế nói: “Chị chỉ cần nhìn mặt tôi, thấy tôi cười là biết.”

Vì bị người khác làm phiền mà không thể làm tốt công việc, trong khi tình huống lại không cho phép được đắc tội với người ta; bởi vậy, dùng sự hài hước một cách khéo léo có thể đạt được mục tiêu của mình. Khi bạn ôm một bụng đầy những bất mãn hoặc ca thán cần phát tiết, hãy thử áp dụng phương thức hài hước, nhưng đừng vì muốn thể hiện suy nghĩ của bản thân mà bất chấp tất cả, làm tổn thương tới người khác, phá hỏng mối quan hệ tốt đẹp giữa đôi bên; khi đó, phiền não của bạn chỉ càng nặng nề thêm.

Một hôm, người đàn ông nọ gõ cửa nhà hàng xóm: “Anh có thể cho tôi mượn cái radio một tối được không?”

“Sao thế, anh cũng thích tiết mục đặc biệt buổi tối à?”

“Không, tôi chỉ muốn được ngủ yên tĩnh một đêm thôi.”

Cách nói chuyện hài hước của người này đã khéo léo thể hiện ý muốn thực sự trong lòng mình và đạt được hiệu quả rất tốt.

Có một người vợ nói với chồng: “Anh rất hay nói mơ, hay là đến bệnh viện kiểm tra xem.”

Người chồng cười nói: “Không cần đâu, nếu trị khỏi bệnh này thì anh chẳng còn cơ hội để nói nữa.”

Người vợ vốn quan tâm tới sức khỏe của chồng, muốn chồng đi khám bệnh, nhưng người chồng lại giả vờ không hiểu, và khéo léo dẫn dắt câu chuyện sang vấn đề người vợ nói nhiều.

Nói mơ là một căn bệnh sinh lí, còn nói nhiều lại là một thói quen, người chồng đã dùng sự hài hước để “gửi” lời than vãn của mình, còn người vợ qua lời nói của chồng cũng hiểu được ý chồng, biết rằng mình nói hơi nhiều. Hài hước đã khiến cuộc sống càng trở nên thú vị hơn.

Có một người vợ muốn mua bộ quần áo mới, bèn bắt chồng đi mua cùng. Nhưng đi từ 8 giờ sáng tới 12 giờ chưa vẫn không chọn được bộ nào ưng ý.

Hơn thế nữa, lần nào người vợ hỏi ý kiến của chồng, người chồng đều khen đẹp, không có ý gì đặc biệt hơn.

Cuối cùng, người vợ bực dọc nói: “Sao con người anh tùy tiện thế?”

Người chồng đáp: “Ban đầu anh cũng tùy tiện chọn em, còn em thì tỉ mỉ mãi mới chọn được anh.”

Câu trả lời hài hước và khéo léo không những có thể đề cao bản thân, bảo vệ bản thân mà còn có thể giữ cân bằng tâm lí cho người vợ.

Hãy biết cách dùng những lời tán dương để mở đầu cho một lời ca thán, như thế bạn mới giảm bớt hiểu lầm của đối phương, điều quan trọng hơn là lời khen ngợi của bạn đã trở thành tiêu chuẩn trước lời ca thán. Hãy nhớ, người nghe bạn ca thán có thể hoàn toàn không liên quan gì tới việc mà bạn muốn ca thán, thậm chí còn không biết tình hình thực tế như thế nào, nếu ngay từ đầu bạn đã nổi giận thì có thể khiến đối phương đối địch với bạn và có phản ứng tự vệ.

Ngày trước, có một vị Hoàng đế bị bệnh lâu ngày. Hôm đó, đột nhiên bệnh tình của ông có chuyển biến tốt, tinh thần phấn chấn. Vì đã lâu không hỏi tới chính sự, nên trong lòng ông vô cùng lo lắng, bèn lập tức triệu tập quần thần.

Trên con phố lớn của kinh thành có hàng dài những chiếc xe ngựa đi qua. Các quần thần đều tiến vào Hoàng cung bằng tốc độ nhanh nhất có thể, cứ như sợ mình chậm hơn người khác.

Khi văn võ bá quan đang khấu đầu chúc mừng Hoàng đế thì Tể tướng là người cuối cùng tới nơi.

Hoàng đế nhất thời nổi giận nói: “Chẳng mấy khi trẫm được khỏe mạnh như hôm nay, bởi vậy mới triệu các khanh đến, vậy mà khanh là Tể tướng lại đến muộn, chẳng nhẽ khanh không mừng cho trẫm sao? Khanh có ý đồ gì hả?”

“Xin Hoàng thượng bớt giận!”, Tể tướng ung dung trả lời, “Hoàng thượng, Người bị bệnh lâu ngày, quần thần từ trên xuống dưới đều lo lắng cho Người. Hôm nay đột nhiên thấy xe ngựa của các quan viên đua nhau vào cung, ngựa phi như bay, nhân dân bách tính lại càng thấy bất an.”

Tể tướng lên trước một bước, cung kính nói: “Thế nên thần bảo xe cứ đi chậm, giả bộ rất ung dung, như thế, nhân dân bách tính chuyển lo thành mừng, không còn nghi ngờ gì nữa. Bây giờ, nhân dân cả nước đều đang chúc mừng cho long thể của Hoàng thượng.”

Hoàng đế vốn đang nổi giận, nghe thấy thế thì phút chốc lửa giận tan hết, cười nói: “Tể tướng dù sao cũng là Tể tướng, suy nghĩ thật thấu đáo. Trẫm quả nhiên không nhìn lầm người.”

Trong sự hài hước luôn ẩn chứa sự thông minh, hơn nữa còn không mang lại cho người khác cảm giác bị tổn thương.

Dưới triều nhà Tống (Trung Quốc), Lã Mông Chính ba lần được phong làm Tể tướng. Một hôm, có người tặng ông một tấm gương cổ, nghe nói có thể chiếu xa được 200 dặm, Lã Mông Chính hài hước nói: “Mặt ta chỉ to như cái đĩa, cần gì cái gương chiếu được 200 dặm?”

Lại có người tặng ông một cái nghiên cổ: “Cái nghiên cổ này không cần cho nước, chỉ cần hà hơi vào là có thể chấm mực viết chữ.”

Lã Mông Chính nửa đùa nửa thật nói: “Cho dù một ngày hà ra mười gánh nước thì cũng chỉ đáng mười đồng tiền mà thôi!”

Đối với những món đồ quý giá người khác tặng, đương nhiên Lã Mông Chính hiểu giá trị của chúng, nhưng ông cố ý dùng những lời nói đùa như vậy để hạ bớt giá trị.

Cho dù công dụng của lễ vật được nói tốt thế nào thì ông cũng vẫn hiểu theo nghĩa khác: có thể là một chức năng nào đó của lễ vật không dễ dùng, hoặc là chức năng này không nhất thiết phải tồn tại.

Sự hài hước của Lã Mông Chính tỏ ra rất hiệu quả, dường như không phải là ông muốn từ chối lễ vật, mà do lễ vật không thích hợp. Sự hài hước này khiến đối phương dở khóc dở cười, khiến những người có ý định biếu xén, hối lộ này không dám tặng quà tiếp.

Cuộc sống này thật ra cũng giống như thế giới tự nhiên; có ngày nắng thì cũng có ngày mưa; có mùa thu thì cũng có mùa đông; vấn đề là bạn nhìn nhận mọi chuyện như thế nào.

Khi đối mặt với sự vô lí và bất mãn của người khác, đừng quên vận dụng những câu nói hài hước và dễ nghe để xử lí vấn đề, đừng chỉ biết cằn nhằn, ca thán. Hãy lạc quan đối mặt với cuộc sống, như thế bạn mới sống vui vẻ, mọi người mới yêu quý bạn và bạn sẽ có thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn.

4. NGHỆ THUẬT TỰ TRÀO

Tự trào chính là tự giễu cợt mình, đó là một hình thức biểu hiện của sự hài hước. Ngày nay, các mối quan hệ giao tiếp ngày một mở rộng và phức tạp hơn, muốn xử lí tốt tất cả là chuyện không hề dễ dàng. Một khi rơi vào tình huống khó xử, có rất nhiều người nhìn vào bạn, bạn có thể tự trào một chút, vừa là để đỡ mất mặt, vừa là để khéo léo thay đổi không khí.

Trong quan hệ giao tiếp, khi xử lí những tình huống ngượng ngập, dùng sự tự trào để đối phó với những bối rối sẽ vừa tạo ra hiệu quả hài hước, vừa tìm được điểm tựa tinh thần; bởi vậy, tự trào là một “thủ pháp” thoát thân rất cao minh.

Thời xưa có một học sĩ họ Thạch. Một lần khi đang cưỡi lừa, ông bất cẩn bị ngã xuống đất; lúc này người bình thường sẽ cảm thấy vô cùng bối rối, nhưng vị học sĩ này lại thong thả đứng lên và nói: “Cũng may tôi là “Thạch học sĩ”, chứ nếu là “Ngõa học sĩ” thì chắc là vỡ vụn rồi” (Ở đây, người này đã dùng thủ pháp chơi chữ, ông họ Thạch, có nghĩa là “đá”, còn Ngõa, có nghĩa là “ngói”). Chỉ một câu nói khéo léo đã khiến những người đứng xung quanh bật cười, Thạch học sĩ này đương nhiên cũng không còn khó xử nữa.

Tương tự như vậy, một người béo bị ngã, anh ta vừa lồm cồm ngồi dậy vừa nói: “Nếu không nhờ đống thịt mỡ này thì có khi gãy xương rồi cũng nên.” Ngược lại một người gầy lại có thể nói: “May mà tôi nhẹ, chứ không thì nát bét ra rồi.”

Từ đó có thể thấy, khi tự trào nên nhấn mạnh vào một khuyết điểm nào đó của mình, như vậy sẽ dễ tạo ra tiếng cười hơn. Bởi nếu chỉ nhắm vào phẩm chất hay dũng khí, thì người khác sẽ mặc cho bạn tự cười, hoặc cười cùng bạn vài tiếng nhạt nhẽo.

Trương Đại Thiên – Họa sĩ nổi tiếng Trung Quốc chuẩn bị từ Thượng Hải quay về quê nhà Tứ Xuyên, trước khi đi, người bạn thân mở tiệc tiễn ông, đặc biệt còn mời Mai Lan Phương (Nghệ sĩ kinh kịch nổi tiếng của Trung Quốc) và vài người nữa tới dự. Vào tiệc, mọi người mời Trương Đại Thiên ngồi ghế chủ tọa.

Trương Đại Thiên nói: “Ông Mai là quân tử, nên ngồi ghế chủ tọa; tôi là tiểu nhân, nên ngồi ghế cuối cùng.” Mai Lan Phương không hiểu ý của ông.

Trương Đại Thiên giải thích: “Chẳng phải có câu nói “Quân tử động khẩu, tiểu nhân động thủ” sao? Ông Mai hát kịch phải động khẩu, tôi vẽ tranh là động thủ, tôi nên nhường ông Mai ngồi ghế chủ tọa mới phải.” Đến lúc này các vị khách đều bật cười và mời cả hai người ngồi song song ghế chủ tọa.

Trương Đại Thiên tự trào mình là tiểu nhân, dường như là tự hạ thấp mình; nhưng “ý tại ngôn ngoại”, câu nói vừa thể hiện được tấm lòng rộng lượng của Trương Đại Thiên, vừa tạo ra không khí thân thiện, chan hòa cho bữa tiệc.

Nếu đặc điểm, năng lực và thành tựu của bạn có thể khiến người khác đố kị, thậm chí là căm ghét thì hãy thử thay đổi những suy nghĩ không tốt này.

Ví dụ, bạn có thể nói: “Trên thế giới này chẳng có ai hoàn mĩ, tôi là ví dụ điển hình nhất.” Bạn dùng cách tự trào, cùng cười với người khác, như thế họ sẽ yêu quý, tôn trọng, thậm chí là kính phục bạn hơn, bởi vì sức mạnh hài hước đã chứng minh bạn là người rất có tình người.

Từ “Tôi thích bạn” cho tới “tôi hiểu bạn”, sau đó là “tôi tin bạn”, cuối cùng bạn đã đạt được mục tiêu là được mọi người tin tưởng.

Khi được người khác tin tưởng, bạn sẽ có thể gây ảnh hưởng tới họ, khiến họ phát huy hết năng lực theo mục đích mà bạn mong muốn, đó cũng là mục tiêu cuối cùng khi một người nỗ lực giao tiếp với người khác.

Tự trào một cách thích hợp là một kĩ năng giao tiếp tốt. Tự trào có thể tạo ra không khí trò chuyện thân mật, cởi mở, khiến tâm trạng của bạn trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn, cũng tạo cho người đối diện cảm giác bạn rất đáng yêu, dễ mến, có khi còn giúp bạn giữ được thể diện và duy trì được tâm lí cân bằng.

Nếu hài hước là kết quả của trí tuệ và sức mạnh, thì tự trào lại là kết quả của trí tuệ và dũng khí. Lỗ Tấn từng nói: “Đúng là tôi luôn mổ xẻ người khác, nhưng thực chất là tôi mổ xẻ chính mình.” Mổ xẻ bản thân cần có dũng khí, tự trào càng cần có dũng khí, chỉ có những người biết tự trào mới là người tràn đầy tự tin và xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp.

Các nhà tâm lí học cho rằng, tình trạng sức khỏe của một người chịu ảnh hưởng của trạng thái tinh thần và tâm lí, khoảng hơn một nửa các căn bệnh sinh ra do tâm lí và tinh thần; bởi vậy, giữ được tâm lí cân bằng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của con người.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường hay gặp những tình huống khó xử. Khi gặp phải tình huống này, chúng ta sẽ làm thế nào để đối phó một cách bình tĩnh? “Tự trào” chính là một liều thuốc tốt giúp bạn thực hiện điều đó.

Ngày trước, có một văn nhân tên là Lương Hạo, khi còn trẻ đã thề rằng: không thi đỗ Trạng nguyên sẽ không làm người. Sau đó, ông tham gia thi cử nhiều lần nhưng đều không đỗ, bị người đời cười nhạo.

Nhưng Lương Hạo không hề để tâm, ông thường tự trào rằng, thi một lần là gần với Trạng nguyên thêm một bước. Ông đã mang theo trạng thái tâm lí tự trào này ứng thí từ năm Thiên Phúc thứ 3 nhà Hậu Tấn (năm 938), trải qua các triều đại Hậu Hán, Hậu Chu, đến tận năm Ung Hi thứ 2 đời Tống Thái Tông (năm 985) mới thi đỗ Trạng nguyên.

Tự trào đã giúp Lương Hạo vượt qua được quãng thời gian gian nan nhất để vươn tới thành công. Tự trào cũng khiến ông được trường thọ – sống tới năm hơn 90 tuổi, một tuổi thọ hiếm có ở thời cổ đại.

Khi bị người khác giễu cợt, nếu bạn tỏ ra giận dữ thì chỉ khiến người ta càng coi thường bạn hơn. Bởi vậy, cách làm tốt nhất là cũng tự cười những khiếm khuyết của mình để dập tắt một trận phong ba có thể nổi lên, làm như thế, người khác sẽ không còn coi thường bạn nữa, thậm chí còn thấy bạn là người thú vị.

Trên thực tế, có rất nhiều cách tự trào để ổn định tâm trạng. Ví dụ, khi bạn bị đãi ngộ không công bằng, khiếm khuyết vóc dáng của bạn bị người khác giễu cợt, vô tình bị người khác công kích, bạn có thể áp dụng “Phép thắng lợi tinh thần của AQ”, ví dụ như “Chịu thiệt là phúc”, “Của đi thay người”… để điều chỉnh tâm lí của bản thân.

Tự trào là một liều thuốc tốt để giải tỏa tâm trạng không vui và tạo ra tâm lí vui vẻ, đương nhiên cũng là một vũ khí để phản công người khác. Học cách tự trào, bạn sẽ có một tâm lí cân bằng, một cơ thể khỏe mạnh.

Thà cười nhạo bản thân chứ không được tùy tiện cười nhạo người khác, đó là nguyên tắc quan trọng nhất của sự hài hước. Có người từng nói: “Khuôn vàng thước ngọc của tiếng cười là cho dù bạn muốn cười người khác thế nào, hãy cười mình trước đã.” Tự trào cũng là biểu hiện của việc tự nhận thức, việc tự tin vào bản thân.

Việc biết sử dụng sự tự trào một cách thích hợp để tạo ra sự hài hước không những giúp bạn thoát khỏi tình huống nan giải, mà còn khiến đối phương cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn, không khí xung quanh nhờ vậy mà trở nên cởi mở hơn, quá trình giao tiếp diễn ra thuận lợi hơn.

Tự trào không có nghĩa là tự coi thường bản thân, bạn cần phải nắm vững và vận dụng nó đúng cách, trước tiên phải có lòng khiêm tốn nhưng cũng cần có sự tự tin. Chỉ có những người khiêm tốn và tự tin mới có thể chấp nhận được những lời giễu cợt của người khác và tự đả kích chính mình.

Thứ hai, cần phải tự biết yêu thương bản thân, biết nhận định, đánh giá chính xác về bản thân. Nếu một người không thể hiểu, yêu thương và bảo vệ ngay cả bản thân mình, không coi trọng sức khỏe tâm sinh lí và trân trọng những phẩm chất đạo đức của mình, thì người đó sẽ chỉ mù quáng nghe theo lời người khác, gây ra những tình huống khiến bản thân mất mặt. Còn một người biết chấp nhận và yêu thương chính mình mới biết vận dụng sự tự trào để giải vây và bảo vệ bản thân.

Cuối cùng, người tự trào là người biết thích nghi và cải tạo môi trường xung quanh. Một người thường bị giễu cợt khi bản thân không phù hợp với môi trường xung quanh, do đó cần học cách thích nghi với môi trường, tức là cá nhân khi tiếp xúc với môi trường không có những ảo tưởng phi thực tế; đồng thời khi đối mặt với hiện thực, không được rụt rè, tháo chạy, hãy nỗ lực cải thiện môi trường xung quanh để nó hòa hợp với mình hơn.

Người có đủ những tố chất ở trên, một khi bị châm biếm sẽ có thể áp dụng phương thức phòng vệ tâm lí tự trào để giảm bớt mâu thuẫn, giữ thăng bằng tâm lí.

Một người biết vận dụng sự tự trào có nghĩa là có khả năng tạo ra niềm vui và thoát khỏi khó khăn, đồng thời có quyền phản kích người khác. Bởi vậy, trong cuộc sống của bạn, khi đối mặt với những lời nói đả kích, châm biếm của người khác, bạn có thể sử dụng phương pháp tự trào, có thể nó sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ.

Nếu cuộc sống không có sự hài hước thì sẽ vô cùng khô khan, nhàm chán; nếu không có sự tự trào thì có thể tiếp tục phạm sai lầm, gặp phải hoàn cảnh khó khăn cũng không biết đối phó.

Trong nghịch cảnh, biết tự trào bản thân có thể giúp bạn không cam chịu số phận; trong hoàn cảnh thuận lợi mà tự trào bản thân sẽ giúp bạn cảnh giác và không ngủ quên trên chiến thắng. Trong cuộc sống thêm một phần hài hước và sự tự trào một cách đầy lí trí, bạn sẽ có một tâm lí khỏe mạnh, như vậy sự vui vẻ lành mạnh sẽ theo bạn suốt đời.

Bất cứ ai có khả năng thao túng được nghệ thuật ngôn ngữ cao cấp nhất – hài hước, đều có thể gọi là “Người thắng lợi trí tuệ”; vậy thì người vận dụng được sự hài hước ở cảnh giới cao nhất – coi tự trào là vũ khí có thể được gọi là “Ông hoàng giao tiếp”. Người như vậy luôn khiến mọi người khâm phục.

Khi nói chuyện với người khác, đối phương vô tình mạo phạm bạn, khiến bạn ở vào hoàn cảnh vô cùng khó xử, bạn có thể mượn sự tự trào để giúp bản thân thoát khỏi cảnh bối rối đó. Sử dụng phương pháp này sẽ hữu hiệu hơn việc đấu khẩu rất nhiều; có những lúc, đối phương vì vậy mà phát hiện ra, sau đó xấu hổ và nghĩ cách để thay đổi cục diện.

Trong giao tiếp, khi trình độ đôi bên không cân xứng với nhau, lại do đối phương kì vọng quá nhiều khiến cuộc trò chuyện trở nên khó khăn, lúc này, nếu khéo léo vận dụng sự tự trào có thể sẽ đạt được hiệu quả “lùi một bước, tiến hai bước”, đối phương vì vậy mà nhượng bộ.

Khi bạn bị đối xử không công bằng hoặc nhận được những lời đánh giá không hợp lí, bản thân bạn lại không thể “chiến đấu” với đối phương, bạn có thể tự trào một chút, dùng phương thức uyển chuyển hơn để bày tỏ sự bất mãn trong lòng, để đối phương hiểu được cảm nhận thực sự trong lòng bạn, phương pháp này có thể đạt được hiệu quả giải tỏa căng thẳng và ức chế.

Tự trào thường là cách nói khoa trương, hình tượng để phơi bày khuyết điểm của bản thân, nó thể hiện sự chân thành và thẳng thắn của mình, bởi vậy dễ nhận được thiện cảm và niềm tin của người khác, giành được quyền chủ động trong giao tiếp.

Trong một buổi biểu diễn, Nhậm Hiền Tề – Diễn viên, ca sĩ nổi tiếng người Hồng Kông hát một bài hát tạm dịch là Cô bé đối diện, hãy nhìn qua đây, tiếng hát rất hay, các khán giả đều yên lặng lắng nghe, đột nhiên anh thêm vào một câu: “Haiz, chẳng ai đếm xỉa gì tới tôi!” Thế là khán giả như bừng tỉnh, sau đó dành cho anh tràng pháo tay vang dội.

Phương pháp tự trào này của Nhậm Hiền Tề rất hữu hiệu, so với những diễn viên trực tiếp “đòi” tiếng vỗ tay của khán giả thì cách này rõ ràng là thông minh hơn nhiều. Bởi vậy, tự trào có hiệu quả nghệ thuật rất lớn. Nghệ thuật tự trào là một sự hỗ trợ, cũng là một kĩ năng hài hước, một phẩm chất trí tuệ.

Tự trào là một phương thức nói chuyện hài hước, một thái độ sống lạc quan, một cách để điều tiết tâm lí, một biểu hiện của trí tuệ nhân sinh. Nếu thiếu sự tự trào thì cuộc sống sẽ trở nên vô cùng nhạt nhẽo, con người cũng sống rất mệt mỏi. Người biết tự trào thường là người rất thông minh và hóm hỉnh, cũng là người dũng cảm và chân thành, và là những người có cái nhìn thấu đáo về bản thân cũng như cuộc đời.

Tóm lại, trong quá trình giao tiếp với người khác, biết vận dụng sự hài hước đúng lúc có thể sẽ đạt được hiệu quả giao tiếp tốt, từ đó giúp bạn mở rộng thêm nhiều mối quan hệ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#yugi