Chương 1: Loạn Trần Cảo - Trịnh Duy Sản giết vua.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nước Việt Nam ta từ xưa đến nay, khí thế lâu bền đã kéo dài ngót mấy ngàn năm. Từ lúc khai thiên lập địa cho đến thuở hiện đại tân kỳ, đã trăm nghìn tấn máu phải đổ xuống. Thế mới có câu: "Trên mảnh đất này, chưa bao giờ nguôi lửa chiến tranh".

Năm xưa, Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế thuận theo thiên mệnh mà dấy nghĩa, nương mình tại chốn Lam Sơn, hành binh mà đánh bại giặc Ngô cướp nước. Đến đời vua Thánh Tông nhân đức mở mang bờ cõi, cải tổ triều chính làm cho bộ mặt nước ta được thay đổi, người dân an cư lạc nghiệp, nước ta mạnh mẽ từ bên trong đến bên ngoài. Tuy nhiên, Nhà Lê truyền được bảy đời thì mất nước rơi vào tay họ Mạc. Nhân gian sâu trong khói lửa, đất nước xẻ làm hai nửa gọi là Trịnh Nguyễn phân tranh.

Truy đến cùng thì cuộc loạn ly đó xuất phát từ hai vua là Uy Mục và Tương Dực. Vua Lê Uy Mục tin dùng ngoại thích và để triều chính rơi vào tay lũ hoạn quan, giết hại tông thất hiền thần, ngầm hại chết cả bà nội của mình. Ngoại thích chia làm ba phe cánh trong triều là làng Hoa Lăng ở phía đông, làng Nhân Mục ở phía Tây, làng Phù Chẩn ở phía bắc. Chúng mượn thế mà vùi dập các quan, kẻ thì vì ý riêng mà giết hại sinh dân, kẻ thì dùng quyền lực để yêu sách tiền của. Đến cả loài thú vật, hoa màu của dân, chúng đều cướp đoạt cả, nhà nào có đồ lạ, vật quý, chúng đánh dấu chữ "Ngự dụng" vào và đòi lấy.

Lúc bấy giờ vua Lê Tương Dực là Giản Tu Công bị nhốt lại vào ngục trong một cuộc điều tra toàn bộ tông thất của vua Uy Mục nhưng may mắn trốn thoát về xứ Thanh Hóa. Quan cựu thần là Nguyễn Văn Lang liên hợp cùng với Giản Tu Công dấy binh đoạt chính, đánh bại Vua Quỷ lên ngôi vương vị. Bấy giờ do tân vương nghe lời can gián tin dùng nhân tài mà sử gọi là "Hồng Thuận trung hưng".

Chẳng qua được mấy năm thanh bình, nhân gian lại lần nữa sắp chìm vào cái loạn chiến tranh. Năm Hồng Thuận thứ hai (tức năm 1511 SCN), một thủ lĩnh tên là Trần Tuân nổi dậy giữa lúc đất nước tiêu diều sau hơn bốn năm nhiễu nhương thời vua Uy Mục. Vua hạ chiếu cho Trịnh Duy Sản lĩnh quân dẹp loạn nhưng thất bại, phải nhờ đến Nghĩa Quốc công thống lĩnh Điện Tiền lục vệ bảo vệ nhà vua, định cho thuyền ngự đến Thanh Hóa mà tránh nạn. Tình thế như nem buộc chặt, nguy cơ rình rập tứ phía, ban đêm Trịnh Duy Sản dẫn theo ba mươi người còn lại đột nhập vào dinh của Trần Tuân. Trần Tuân bấy giờ đang mặc áo đỏ ngồi trên giường, tay cầm bình rượu uống. Sản cầm theo thanh kiếm nhằm vào ngực của Tuân mà đâm chết. Trước khi chết hắn ngước mặt lên trời mà trăn trối mấy câu:

- Tuân nay đã chết nhưng sẽ có hàng ngàn Tuân khác sống - Nói rồi hắn tắc thở.

Tuy đã đánh bại được quân phiến loạn nhưng lòng dân trong nước ngày càng suy sụp, chính quyền thì đổ nát, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Ấy vậy Tương Dực còn không nghe lời can gián mà tin kẻ nịnh thần cho sát hại tông thất nhà Lê. Đã thế vua còn thông dâm với cung nhân, xa hoa phóng đãng. Cho xây cất Điện Trăm Gian, Cửu Trùng Đài khiến cho muôn dân khốn khổ, không phu phen nào phục dịch cho vừa.

Bấy giờ, Trong triều có vị quan Thuần Mỹ điện giám quê ở xứ Đông (Trấn Hải Dương) tên là Trần Cảo. Ngẫm thấy các vua Uy Mục và Tương Dực không theo đạo trời mà nhũng nhiễu con dân khiến cho trăm họ cùng cực. Ông nghe trong nhân gian có lời sấm rằng "Đông phương hữu thiên tử khí" thế nên trở về quê hương dấy lên cờ xí, khởi binh dành chính quyền.

Tháng 3 năm Hồng Thuận thứ sáu, Trần Cảo tụ tập những người tha hương và nông dân bị áp bức khắp nơi. Tự xưng mình là cháu của vua Trần Thái Tông và là ngoại thích của vua Lê Thánh Tông nên xứng đáng có được thiên mệnh. Nói rồi ông tế thiên tại chùa Quỳnh Lâm. Trần Cảo rằng:

- Xưa vua Tiên Hoàng nhà Đinh xuất thân áo vải mà nên nghiệp đế vương, hô một tiếng mà các sứ quân phải run sợ, nay ta ứng mệnh trời đất, choàng tấm áo nhung mang thanh gươm sắt, noi theo chí của Tiên Hoàng ngày xưa để mở thái bình thịnh trị cho muôn dân.

Trần Cảo tự xưng làm Vương, đặt niên hiệu là Thiên Ứng, phong cho con trai mình là Trần Cung làm Thủy Đường tướng quân, phong cho các bộ hạ làm Phó Tướng, tự lập làm riêng. Quân lính được cho cạo trọc chỉ để 3 chỏm tóc tượng trưng cho tam tài, tổng quân tụ tập lên tới hàng vạn người.

Trần Cảo nhân lúc thời thế rối ren một mình độc chiếm xứ Hải Dương, quan quân chống lại không nổi nên đều bỏ chạy cả. Cả vùng xứ Đông đều quỳ mọp xuống chân Cảo, người dân dưới cơn phẫn uất đều hướng theo Cảo. Phản ứng của Thăng Long quá chậm chạp, chớp thời cơ hắn nhanh chóng chỉ huy quân lực tiến đánh các huyện Tiên Du, Quế Dương, Gia Lâm rồi tiến thẳng vào bến Bồ Đề, uy hiếp Thăng Long.

Lúc đó trong dân gian có lời thơ rằng:

"Trần Cảo kế truyền Thiên Ứng Thiên
Trăm năm nối vận tiếp Trần Triều
Hải Dương một vùng xanh bát ngát
Diệt bạo quân xưa bớt tiêu điều"

Nghe tin Thăng Long bị uy hiếp, Tương Dực Đế hạ chiếu thân chinh đi đánh dẹp, sai Đông Nham bá Lại Thúc Mậu mang quân ban đêm lẻn sang bên kia của sông Nhị Hà. Thúc Mậu đóng quân tại Lâm Hạ theo kế hoạch của vua nổ ba tiếng pháo để mở màn trận chiến.

Tiếng thần công vang trời, ba quân nhất tề tiến lên. Khí thế mãnh liệt, từ muôn ngã, người dao người kiếm xông tới tiêu diệt giặc. Các vệ Điện Tiền do Đồng Tri Nguyễn Lạc dẫn đầu vượt sông đánh tấp mặt quân của Trần Cảo, lại phối hợp cùng với đạo quân của Thúc Mậu đánh thúc vào bên sườn của quân địch. Chiến sự diễn ra từ lúc rạng sáng đến chiều, khí thế của quân triều đình dâng cao mà quân Trần Cảo thì mỏi mệt. Nhìn thấy tình hình không mấy khả quan, Trần Cảo hạ lệnh cho quân lính rút lui đến Trâu Sơn (Kinh Bắc), để lại một toán để bọc hậu và nghi binh.

Tương Dực Đế nhìn thấy quân địch rút chạy liền cho Định quận công Phùng Trấn, Diên Hưng bá Trịnh Khổng Chiêu, Phú Lộc bá Trịnh Ngạc đem quân đuổi đánh Trần Cảo. Không ngờ bị nghi binh lọt trúng ổ mai phục của Trần Cảo. Trần Cảo thống lĩnh quân từ các phía bao vây quân triều đình. Trên con ngựa trắng, cầm cây đao dài năm thước, mắt người lăm lăm sắc lẽm. Hắn vung cương ngựa thống lĩnh quân binh vọt tới phía trước như mũi lao đâm xuyên qua hàng phòng thủ của quân triều đình. Quân Trần Cảo như con sói bị thương tung ra nhát cắn chí mạng xé toạt kẻ địch. Mùi máu tanh nồng lan ra, con ngựa trắng cũng nhuốm đỏ, Cảo vung đao chém bay đầu Phùng Trấn. Chưa đến một ngày, quân triều đình như rắn mất đầu mà tan vỡ, lớp lớp quay đầu chạy trối chết. Trần Cảo truy đuổi tận cùng chém nốt đầu chủ tướng thứ hai là Trịnh Không Chiêu rồi cho quân vây lại, bắt sống Trịnh Ngạc, chính thức đại thắng quân triều đình.

Trịnh Ngạc bị đưa về doanh trại của Trần Cảo, trời chiều xa xăm, mây sắc hơi màu tía. Trần Cảo lúc này có ý chiêu hàng Trịnh Ngạc cùng nhóm tàn quân còn lại, tay cầm thanh đao chấn xuống đất cao giọng nói:

- Thiên mệnh nay đã về ta, ngươi chịu quy hàng ta thì sẽ được sự khoan hồng. Nếu người còn ngu ngốc mà theo tên bạo chúa kia thì kết cục chỉ có con đường chết mà thôi!

Trịnh Ngạc tuy là bại tướng nhưng thần sắc không hoảng. Ánh mắt gợn lên từng chút đỏ quạch, tròng mắt đầy nhưng tia máu, trông về phía Trần Cảo giống như con cá sấu đang bị giam lại trong lồng. Ông lớn giọng đáp trả:

- Hừ! Thứ giặc cỏ nhà ngươi mà cũng dám xưng mình nắm được thiên mệnh! Ngươi nên tự xem lại bản thân mình đi!

- Còn quy hàng ư? Ân của vua ta còn chưa báo hết, ngươi muốn chém muốn giết thì tùy, có chết ta cũng không theo ngươi đâu!

Trần Cảo cười thầm, lặng lẽ vung đao lên chém dọc mạn sườn của Ngạc. Máu đỏ bắn lên ba thước, nhuốm cả lên áo bào của Cảo. Bóng lưng cao dài quay đầu lại, mặt lạnh như tiền, không chút luyến tiếc. Cảo hầm hừ:

- Ý ngươi đã quyết ta cũng chẳng cần.

- Bây đâu! Mang xác tên này đi an táng. Còn đám tàn quân kia ai hàng thì thả, ai chống thì giết.

Bọn lính dưới trướng của Trần Cảo nhanh chóng theo lệnh. Quân thì chỉnh đốn hàng ngũ, bố cục lại đội hình và chuẩn bị tiến công lên Thăng Long lần nữa.

Lúc này, hay tin quân mình truy đuổi giặc bị lọt vào ổ mai phục mà táng mạng. Vua Lê Tương Dực vô cùng lo lắng. Ông gửi thư hỏa tốc cho con của Nguyễn Văn Lang là An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ lập tức trở về trấn giữ bến Bồ Đề phòng thủ cửa ngõ của Đông Kinh.

Bấy giờ, nghe tin triều đình rối ren do biến loạn. Trịnh Duy Sản và các tướng lấy thời cơ chuẩn bị thuyền bè khí giới ở bến Thái Cực, nói phao lên là đi đánh Trần Cảo. Tuy nhiên do nhớ mối thù năm xưa mình vì can gián vua Tương Dực mà bị quất roi nên bây giờ muốn giết vua để trả thù.

Ngày 6 tháng 4 năm đó nhân lúc canh hai, Duy Sản đem hơn 3000 quân kim ngô hộ vệ vào cửa Bắc Thần. Vua Lê Tương Dực nghe tin có một toán quân lạ vào thành, ngỡ là quân Trần Cảo đánh tới vua bèn ra cửa Bảo Khánh, đến Cầu Dừa rồi vòng về cửa Nam thành. Tờ mờ sáng ngày 7, vua cùng vài tên hộ vệ đi qua khu Thái học đến hồ Chu Tước. Nhà vua gặp Duy Sản bèn hỏi:

- Giặc ở nơi nào?

Duy Sản không đáp lời vua, chỉ quay người chắp tay bước vài bước rồi cười lớn. Vua thấy lạ nhưng không hỏi nhiều, thúc ngựa chạy về phía Tây. Bỗng Duy Sản nói:

- Bây đâu! Ngăn bệ hạ lại.

Vài tên lính tráng nhanh chóng xông lên chặn đứng con ngựa lại. Vua Tương Dực ngẩn người, bỗng nhiên một tia đỏ lóe qua không gian. Một mũi giáo đâm thẳng vào vai của vua, ông ngã từ trên lưng ngựa xuống. Tương Dực hoảng hồn, không tin vào mắt mình:

- Ngươi!... Ngươi!

- Không ngờ... Ngươi lại phản ta!

Trịnh Duy Sản cười rồi nhìn phía Tương Dực. Khẽ sai tên tỳ tướng là Hạnh đâm chết nhà vua. Một đời hoàng đế chấm dứt tại đây, không biết trăm ngàn năm nữa sẽ khen chê thế nào. Từ đây trở đi thì đạo nghĩa quân thần đã đảo lộn, tôi không ra tôi mà vua không ra vua. Là sự khởi đầu cho hơn hai trăm năm quyền đấu và chia cắt, hoàng quyền mất quyền lãnh đạo.

Có bài vè thế này:

"Tháng tư lá đổ gợn mây
Quân thần đại nghĩa từ nay tan tành
Gió nồm thổi lộng trời hanh
Đế vương như ngọn cỏ tranh bên đường
Hỏi người có mấy nhớ thương
Trăm năm ly loạn tang thương vô tình
Chỉ vì chữ hận mà sinh
Bẽ bàng chua xót thình lình thế sao?"

Tương Dực Đế bị giết. Trịnh Duy Sản cho người mang thi thể về quán Bắc Sứ để khâm liệm, sau đó cho người hỏa thiêu. Khâm Đức Hoàng Hậu nhìn thấy vậy cũng nhảy vào lửa tự thiêu cùng nhà vua. Quân sĩ đem tro cốt của vua cùng hoàng hậu táng vào hai quan tài về chôn ở huyện Ngự Thiên phía Đông Nam kinh thành. Khu vực này sau này được cho sửa sang lại đàng hoàng hơn và gọi là Nguyên Lăng.

Bấy giờ, Nguyễn Hoằng Dụ nghe tin Tương Dực Đế bị sát hại ở trong kinh, ông tức giận vô cùng bèn mang binh lính vào kinh để báo thù cho cựu hoàng. Quân binh đi đến đâu, nhà cửa bị lục soát đốt hại đến đấy, ông lùng sục khắp nơi trong kinh thành khi đi đến cổng Đoan Môn thì nhìn thấy Vũ Như Tô. Ông toang chém chết Tô quăng xác ra giữa chợ. Nhân dân khắp nơi vốn vì những công trình mà Tô thiết kế mà khổ nên đã dày xéo xác của Tô và nhổ nước bọt vào. Kinh thành cháy khắp nơi do lửa chiến loạn, Cửu Trùng Đài cũng cháy rụi như là ngọn đuốc thiêu đốt những ngày tháng cuối cùng của triều đại Lê Sơ đầy vĩ đại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro