Chương 21: Phục Lư

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 21: Phục Lư

Dưới chữ "Trần Thái Tông" và "Lý Thiên Hinh" là một cột chữ nhỏ. Hai cái tên hiệu quá hút mắt nên ban đầu tôi không để ý tới.

- "Kiến Trung thứ mười ba". Ngôi mộ này xây năm Kiến Trung thứ mười ba à? Thật vô lý!

Nguyên Khang đồng tình:

- Đúng, rất vô lý! Năm Kiến Trung thứ mười ba, cả Thái Tông và Chiêu Hoàng đều chưa chết.

Đây quả là một ngôi mộ trái với lẽ thường.

Tôi nảy ra một giả thuyết:

- Xây mộ cho người sống. Anh có nghĩ thực ra Thái Tông muốn chôn vùi thứ khác?

Nguyên Khang càu mày:

- Ý nàng là gì?

Tôi hào hứng:

- Tình yêu. Thái Tông muốn chôn vùi tình yêu của mình dành cho Chiêu Hoàng.

Năm Kiến Trung thứ mười ba cũng là năm hoàng hậu Lý Thiên Hinh bị giáng xuống thành Chiêu Thánh công chúa. Thái Tông từng bỏ lên núi Bạch Vân để phản đối việc Trần Thủ Độ ép phế truất Chiêu Hoàng. Có thể những ngày tháng ngồi một mình hờn dỗi giữa nơi hoang sơn đã khiến ông ta nảy ra ý tưởng này. Ngoài việc Thái Tông thật lòng yêu Chiêu Hoàng ra thì tôi không nghĩ được nguyên nhân nào khác cho ngôi mộ kì quặc này. Thái Tông phải chăng muốn lưu giữ kí ức thời thơ ấu đẹp nhất của hai người họ.

Nguyên Khang khẽ lắc đầu:

- Ta tin vào tình yêu của Thái Tông ở cái tuổi đôi mươi. Nhưng sau đó, tình yêu ấy chẳng còn lại chút gì.

Tôi biết Nguyên Khang đang nói tới vụ Thái Tông ban Chiêu Hoàng cho Lê Tần. Nhưng tôi lại không nghĩ như anh:

- Có thể Thái Tông không muốn nhìn thấy Chiêu Hoàng cô đơn đến chết, trong khi ngài ấy thì cứ đều đều mấy năm một đứa.

Nguyên Khang cười:

- Khánh Du à! Khi một người đàn ông làm được chuyện như vậy, thì có nghĩa là anh ta đã hoàn toàn hết yêu nàng rồi. Đừng trông mong gì nữa.

Tôi nhướn mày:

- Tôi tưởng anh đang cố nhồi nhét vào đầu tôi một tình yêu trong mơ chứ!

Nguyên Khang bỗng trầm ngâm:

- Những người sát cánh cùng ta, ta đều coi là anh em ruột thịt.

- Hả? Anh nói cái gì cơ?

Tôi ngẩn ra trước câu nói lạc lõng chủ đề của Nguyên Khang.

Nguyên Khang chậm rãi giải thích:

- Nếu quãng đường ta đi càng ngắn, thì sự hy sinh càng ít.

Lờ mờ hiểu ra, tôi lên giọng:

- Con đường ngắn nhất? Tôi? Ý anh muốn nói là sẽ không bao giờ từ bỏ việc lợi dụng tôi à? Kêu tôi đừng trông mong gì ở anh? Buồn cười! Nhân tiện cho anh hay, tôi chẳng trông mong gì ở anh hết.

Nguyên Khang dường như chẳng mảy may để tâm lời tôi nói:

- Nàng chỉ giúp ta rút ngắn một bước rất quan trọng thôi. Người đó ngu dốt và tầm nhìn hạn hẹp ngoài mong đợi. Không có nàng thì ta cũng chỉ phải nhẫn nại thêm một thời gian ngắn. Không, con đường ngắn nhất mà ta nói chẳng liên quan gì tới chuyện này hết.

Có một sự thật hiển nhiên, ấy là Nguyên Khang càng nói thì tôi càng trở nên mù mờ. Và để vỗ yên cái sự tò mò đang cựa quậy không ngừng, tôi chuyển sang kiên nhẫn mớm lời:

- Vậy con đường đó?

Nguyên Khang lại tiếp tục tuôn ra một câu chả ăn nhập gì.

- Ta nghĩ mình biết ngài ấy muốn ta thấy gì khi chỉ dẫn tới đây. Tiếc rằng, tình cảm là thứ khó điều khiển. Canh bạc này, ngài ấy thua rồi.

Trong đầu chợt nảy ra một giả thuyết. Tôi dò hỏi:

- Vách quan tài viết gì vậy?

Nguyên Khang bỗng sững người, và tôi biết mình gần chạm tới vấn đề rồi. Tôi nhìn Nguyên Khang bằng ánh mắt mà tôi tin là rất mực bình lặng và đầy chân thành. Một chút nữa thôi, rồi Nguyên Khang sẽ dốc hết nỗi lòng. Ráng lên... ráng lên nào...

- Đi thôi!

Nguyên Khang đứng dậy phủi quần áo, phủi luôn cả sự nhẫn nại tôi cố công gây dựng nãy giờ. Tôi bật dậy theo, tức tối hết sức. Cứ nói lập lờ thế này thì thà rằng đừng có hé răng câu nào. Tôi bắt đầu nhận ra một điều mà đáng lý tôi phải thấy ngay từ ngày đầu tiên chạm mặt Nguyên Khang, rằng đầu óc anh chính xác là một cái thùng tối om đầy nhóc bí mật, cố ngó vào chỉ tổ tức lộn ruột.

- Đang nghĩ gì vậy?

Nguyên Khang hỏi khi đưa tay kéo tôi lên khỏi bậc thang cuối cùng. Tôi nghĩ đại một lý do để tránh cái chủ đề gây nhức nhối kia:

- Chiêu Hoàng thật đáng thương.

Nguyên Khang nheo mắt nhìn tôi, tưởng như sắp bóc mẽ lời nói xạo. Nhưng cuối cùng anh vẫn quyết định tán dóc theo chủ đề tôi phịa ra:

- Nàng có nghĩ nếu như Trần Thủ Độ không truất ngôi của Lý Chiêu Hoàng thì khi quân Mông Nguyên xâm lược Đại Việt, chuyện gì sẽ xảy ra không?

Tôi im lặng. Anh nói đúng. Triều Lý đã đi đến hồi diệt vong. Trần Thủ Độ suy cho cùng cũng chỉ làm theo một quy luật lịch sử tất yếu. Một cuộc đảo chính trong hoà bình dù sao vẫn tốt hơn nhiều so với nội loạn đẫm máu. Số phận của một cô gái khi đặt giữa vòng xoáy chính trị thì chẳng là gì hết.

Và giả như không có cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên, giả như hào khí Đông A không lớn mạnh như vậy, thì có lẽ dưới góc nhìn của lịch sử, nhà Trần cũng chỉ là nguỵ triều giống như nhà Hồ hay Mạc mà thôi.

Nguyên Khang vươn tay lên chỗ miệng con rồng, lúc này đã xuất hiện một cái hốc nhỏ vuông vắn, để lấy ra hai quyển sách cổ lỗ sĩ bìa ố vàng.

Tôi ngó cái hốc thắc mắc:

- Nguyên Khang này, anh có thấy cái hốc hơi nhỏ so với hai quyển sách không? Ai lại đi cuộn bảo vật lại chứ?

Nguyên Khang hờ hững đáp:

- Không biết nữa. Chắc mỗi người khoái một kiểu.

Rồi anh ấn hai quyển sách vào tay tôi:

- Coi đi!

Tôi trố mắt nhìn hai cái tựa sách, một là Vạn kiếp tông bí truyền thư, một là Binh thư diệu lý yếu lược.

- Cái... cái này...

Nhìn bộ dạng lắp bắp của tôi, Nguyên Khang cười đắc ý.

Vạn kiếp tông bí truyền thư và Binh thư diệu lý yếu lược, hay còn gọi là Vạn kiếp tông thư và Binh thư yếu lược, là hai cái tên xuyên suốt tất cả các trang lịch sử chống giặc Nguyên Mông hào hùng của nhà Trần. Đây là hai cuốn binh thư do Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tự tay biên soạn.

Đáng tiếc sau này khi nhà Minh đô hộ nước ta, chúng thực hiện âm mưu đồng hoá dân tộc. Một phần của âm mưu đó là huỷ diệt nền văn hoá Đại Việt, bia tự bị đập phá, sách vở đa số thiêu huỷ tại chỗ, còn lại đem về nước. Vạn kiếp tông bí truyền thư và Binh thư diệu lí yếu lược cũng thất truyền từ đó.

- Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết.

Nguyên Khang đột ngột tuôn một tràng.

Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi, anh nói tiếp:

- Lời đề tựa của Trần Khánh Dư cho cuốn Vạn kiếp tông thư. Đó là thứ duy nhất còn tồn tại đến bây giờ.

Tôi giở trang đầu của cuốn Vạn kiếp tông thư, không có lời tựa nào. Mấy trang sau cũng dày đặc chữ, tất nhiên tôi cũng chẳng hiểu lắm, đại khái chỉ biết nó nói về bày binh bố trận.

- Không có lời tựa nào hết. Anh có nhớ nhầm không?

Nguyên Khang cầm lấy quyển sách trên tay tôi, mặt hơi ngẩn ra. Tôi thấy Nguyên Khang nhiều khi hơi thừa tự tin vào bản thân, đối với những sai lầm của mình thì luôn luôn chấp nhận một cách rất khó khăn.

- Không thể tin đươc!

Nguyên Khang bỗng thốt lên.

Tôi nói mà. Anh cần học cách nhìn nhận những sai lầm một cách từ từ. Quen rồi thì sẽ không có những biểu cảm quá lố như vậy nữa.

- Là bản gốc đấy. Nàng xem!

Nguyên Khang hào hứng cho tôi xem trang cuối của cuốn sách.

"Trần Quốc Tuấn thủ bút"

- Không thể tin được!

Tôi há hốc miệng, thậm chí không ý thức được mình còn quá lố hơn cả Nguyên Khang.

Chúng tôi đang sở hữu bản viết tay của Trần Quốc Tuấn. Tôi lật như bay mấy trang sách, chữ không đẹp lắm, hơi thô cứng nhưng giá trị liên thành của nó thì không thể tưởng tượng nổi. Bút tích của Trần Quốc Tuấn... tận hai quyển... mấy trăm trang sách... hàng vạn chữ... Chưa kể đến đây là loại sách đã thất truyền. Xé đại một trang đem bán cũng đủ để phát tài.

Tôi đâu lỡ biến lý tưởng cao đẹp gì đó của Nguyên Khang thành dạng tầm thường là đi mót của, nhưng vẫn không sao ngăn được niềm hân hoan thiếu lành mạnh với hai cuốn sách cổ. Thậm chí tôi còn tưởng tượng ra mình đứng giữa chợ trong vai trò chủ phiên đấu giá, khua môi múa mép, chém bay nóc nhà về hai món bảo vật.

Tôi duy trì tâm trạng bay bay khi đi giữa hai hàng tượng La Hán. Và có lẽ sẽ còn bay lâu nữa, nếu không đột nhiên ngó phải thanh kiếm bên hông Nguyên Khang:

- Ủa! Viên ngọc này màu gì vậy?

- Đen. Nhưng thi thoảng nó cũng có màu...

- Đỏ thẫm.

Tôi cướp lời, ngạc nhiên tột độ:

- Tại sao vậy? Khi được rút khỏi vỏ à?

Nguyên Khang vuốt ve thanh kiếm với một nét mặt âu yếm.

- Không. Khi có máu. Máu sẽ chảy theo những đường khắc chìm về phía viên ngọc, nó sẽ chuyển sang màu đỏ. Sắc thái tuỳ vào số lượng máu.

Tôi ngó sững Nguyên Khang. Anh mang theo mình cái thứ quái đản gì vậy.

- Thôi nào! Phục Lư không tệ như nàng nghĩ đâu. Đồng ý là nói hơi bất thường...

Tôi gạt phăng:

- Không chỉ hơi bất bình thường đâu Nguyên Khang. Nó đáng sợ. Chẳng có thứ gì khoái uống máu mà dễ thương hết.

Nguyên Khang từ tốn:

- Trong một trận đánh cách đây bảy năm, ta sử dụng nó lần đầu tiên. Viên ngọc khi ấy đỏ rực lên mấy ngày liền. Ta cũng hơi hoảng, nhưng tất cả chỉ có vậy. Nó không đòi hỏi, cũng không rút cạn máu người ta cho đến chết. Và một thanh kiếm khiến nàng lưỡng lự mỗi khi rút ra thì có nghĩa là gì hả Khánh Du?

Tôi gay gắt:

- Phải. Có thể anh hạn chế rút kiếm. Nó cho anh cảm giác mình không giết quá nhiều người. Nhưng lúc ở trong rừng, anh vẫn tìm ra cách khác để giết chết kẻ bám đuôi còn gì.

Nguyên Khang bắt đầu tỏ ra mất kiên nhẫn:

- Tình huống đó khác. Ta đã bỏ qua khi còn ở Đông Kinh, nhưng chúng vẫn lẵng nhẵng bám theo. Nếu để bất kì tên nào trở về và nói lung tung rằng ta đã đi đâu, làm gì... hậu quả nàng không thể tưởng tượng...

Tôi ngắt lời:

- Khoan đã. Chúng ta đang nói về thanh kiếm chứ không phải chuyện xử lí hay không xử lí đám theo đuôi. Tôi thì vẫn cho rằng anh không nên kè kè nó như vậy. Có khi nào anh nghĩ nó hơi mê hoặc đầu óc anh không?

Nguyên Khang mất kiên nhẫn thực sự:

- Không. Chẳng có bùa ngải nào hết. Và nhân nói đến vấn đề kè kè bên mình, thì chuyện ta không bao giờ rời thanh kiếm rất có ý nghĩa trong một số trường hợp nhất định.

- Nhưng...

Nguyên Khang gạt phăng:

- Vấn đề này chấm dứt tại đây! Nàng muốn ra ngoài hay là không?

Chúng tôi trở lại đường hầm dẫn tới căn phòng có bốn bức bích hoạ mà không thèm nói thêm với nhau bất kì một câu nào. Tôi vẫn có ấn tượng hết sức tồi tệ với thanh kiếm. Và cái cách Nguyên Khang âu yếm gọi tên nó như một con cún cưng sao mà chướng tai.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro