Chương 20: Bi kịch của một nữ hoàng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 20: Bi kịch của một nữ hoàng

Tôi cố gắng rời sự chú ý khỏi cái quan quách đen thui để tập trung xử lí vết thương cho Nguyên Khang. Miếng vải đã ướt đẫm máu, không dùng lại được nữa. Hai cánh tay áo của tôi cũng đã xé ra hết. Áo ngoài thì đen xì, lại còn bẩn, thà đừng băng còn đỡ nhiễm trùng.

- Xé quần ấy!

Tôi trố mắt ra trước lời đề nghị của Nguyên Khang.

Anh vẫn tỉnh bơ:

- Mặc mỗi áo ngoài làm sao được.

Cũng phải. Cái áo lót trong của tôi không thể xé thêm được nữa.

Tôi cắn răng hỏi:

- Anh có phải quân tử không?

Nguyên Khang cười nham nhở:

- Còn tuỳ.

- Thế bây giờ anh làm quân tử nhé?

Nguyên Khang nhún vai ra vẻ bất đắc dĩ rồi nhắm mắt lại.

Tôi dùng dao găm rạch ống quần trong, cắt mỗi bên một đoạn. Lâu lắm mới được mặc quần đùi, cảm giác man mát này thích thật. Tôi tròng cái quần đen vào trong sự nuối tiếc chút đỉnh.

- Xong rồi.

Nguyên Khang mở mắt, ngó xuống quần tôi:

- Chẳng khác gì.

Bị tôi nguýt một cái, anh liền ngậm mồm, môi mím chặt, cơ mặt run lên từng chập.

Vết thương ở bụng không chảy máu nhiều, chỉ cần rắc thêm ít thuốc tê cho bớt đau. Nhưng lúc băng lại thì lại phát sinh một vấn đề nho nhỏ. Để băng được tôi cần vòng tay qua người Nguyên Khang, mỗi lần như thế lại gần giống ôm ấp, ngượng vô cùng. Lúc trước cũng vòng tay như vậy, nhưng khi đó anh đang hôn mê, tôi có tranh thủ sàm sỡ cũng chẳng biết. Còn hiện tại, anh đang cực kì tỉnh táo. Tôi gần như nín thở.

Đột nhiên Nguyên Khang nắm lấy bàn tay lóng ngóng của tôi.

- Để ta tự làm.

Tôi buông dải vải ngay lập tức. Nhìn cánh tay trái của Nguyên Khang cử động khó khăn cũng hơi xót. Nhưng thôi kệ.

Tôi hỏi trong khi Nguyên Khang cắn răng vòng tay ra sau:

- Này, cái bẫy hoạt động là do tôi ngồi lên bục đá hay tại anh xoay viên ngọc mắt rồng?

- Cả hai. Nàng không ngồi lên cái bục thì ta cũng không xoay được viên ngọc, cũng chẳng mở được ngăn bí mật trên bức tranh gốm.

Tôi chồm tới:

- Ngăn bí mật à? Phật hoàng không muốn ai thấy nó nên mới bố trí kiểu móc nối như vậy?

Mắt Nguyên Khang thẫm lại:

- Hoặc là phải đánh đổi.

Tôi sửng sốt:

- Bằng mạng sống của người khác ư?

- Làm việc lớn cần có sự hy sinh.

- Tàn nhẫn.

Nguyên Khang cười nhạt:

- Nàng không hiểu đâu. Nhiều người có thể chết vì lí tưởng lớn lao. Không phải theo kiểu gạch lát đường. Sự hy sinh của những người đó, những người anh em đã cùng sát cánh, sẽ tiếp thêm động lực cho người còn sống chạm đến mục tiêu cuối cùng. Cũng đau lắm chứ, nhưng dừng lại là nhẫn tâm giẫm đạp lên sự hy sinh của họ.

Cái lí lẽ của Nguyên Khang vẫn không thể nào chui lọt vô đầu óc tôi. Chắc đó là lí do tôi chẳng đời nào làm nổi việc lớn. Tôi không thể hy sinh anh em của mình, thậm chí dù đó là kẻ thù đi chăng nữa.

Tôi nhớ lại từng sự việc diễn ra sau khi tôi vô tình ngồi lên bục đá. Thật tốt, Nguyên Khang đã không chọn hy sinh tôi. Hay tại lúc đó anh quá tự tin vào bản thân. Tôi chẳng thể nào biết được.

Vậy ra anh chàng xấu số tên Thận cũng là một vật hy sinh cho con đường tiến đến lí tưởng lớn lao của ai đó. Mà kể cũng lạ, đi mót của thì có lí tưởng gì chứ? Tôi thở dài thườn thượt. Không biết anh ta chạy đâu mất rồi.

Tôi hỏi Nguyên Khang:

- Thế anh tìm thấy cái gì?

- Hai cuốn sách.

- Sách á?

Bố trí bẫy khủng khiếp như vậy chỉ để bảo vệ hai cuốn sách thôi ư? Ai mà tin được.

Tôi hỏi mỉa:

- Sách gì đấy? Bí kíp võ công à? Hay thuật trường sinh?

- Binh pháp.

Tôi vỡ lẽ. Thảo nào nơi này thu hút toàn quân nhân, hoá ra giấu hai cuốn binh thư. Đột nhiên tôi nhớ ra một chuyện:

- Quên mất. Sao anh lại bỏ bọc vàng ra?

Nghĩ lại chuyện này tôi vẫn toát mồ hôi.

Nguyên Khang đáp:

- Khi đi loanh quanh ta vô tình phát hiện cái nắp hầm. Nó đẩy về phía trước, chèn dưới cái bục đá.

Tôi rít lên:

- Thế là anh bỏ ra coi thử cái bẫy có khởi động không hả?

Nguyên Khang nín thinh, tỏ ra chăm chú buộc nút dải băng. Lúc ngẩng đầu lên bắt gặp vẻ mặt hằm hằm của tôi, anh cười nịnh:

- Chỉ nhấc lên một chút thôi. Khẽ động là ta hạ xuống ngay.

Tôi vẫn không thể nào nguôi giận ngay được. Dù tuyệt đối an toàn thì tôi vẫn cứ bị doạ cho sợ gần chết.

- Còn chưa tính tội cái bình thuốc mê của anh nữa. Người đâu mang theo toàn thứ chả ra làm sao.

Sau khi tỉnh lại, chẳng cần động não cũng có thể biết được cái bình đen thơm thơm kia nhất định là thuốc mê. Tôi vẫn chưa quên cái đêm bị đánh thuốc rồi trói gô ở ngôi làng người Trại. Càng nghĩ càng thấy tức.

Trước vẻ mặt tức điên lên của tôi, Nguyên Khang không nói gì nữa, đứng dậy cầm đuốc đi đến cuối phòng.

Chạy nhanh thật! Tôi thầm rủa rồi lật đật đi theo.

Quan quách nhìn ở cự li gần trông lớn hơn tôi tưởng. Bề ngang của nó khá rộng, một người nằm thì hơi thoải mái quá. Cái nắp hình vòm trùm ra ngoài thành quách, Nguyên Khang đã đẩy được cái nắp ra cỡ một gang tay.

Đột nhiên lửa tắt phụt. Tôi giật nảy mình. Từ khi vào đây, cứ mỗi lần lửa tắt là y rằng có chuyện không hay. Chưa kể tới bây giờ tôi còn đứng ngay cạnh một cái quan quách.

- Nguyên Khang!

- Ta tắt đấy.

Tôi kêu lên:

- Anh bị cái gì vậy?

- Quan tài bên trong tẩm dầu.

Thì ra đây là lí do vì sao lúc tôi tỉnh dậy xung quanh lại tối thui.

Tôi và Nguyên Khang cùng kề vai vào đẩy cái nắp quách nặng trịch. Anh bị đang bị thương nên sức tôi góp vào cũng coi như đáng kể. Cái nắp quách nhanh chóng bị đẩy ra cả một khoảng lớn. Mùi hăng của dầu càng ngày càng xộc lên mạnh khiến tôi hơi khó thở.

Nguyên Khang bảo tôi lùi lại. Sau đó một tiếng rầm cực lớn vang lên. Cái nắp quách chắc đã bị lật hẳn ra.

Nguyên Khang đánh giá:

- Không nhiều dầu lắm. Có thể đặt đuốc ở xa một chút.

Tôi nghe thấy tiếng bước chân nhè nhẹ, một lát sau thì thấy tiếng xoẹt và rồi ngọn lửa bùng lên ở khoảng giữa căn phòng. Nguyên Khang cắm cây đuốc lên cái giá trên tường rồi quay lại chỗ tôi.

Dưới ánh lửa mờ ảo hắt lại từ xa, quan tài bằng gỗ hiện lên trước mắt tôi với những hoa văn chạm khắc tinh xảo. Quan tài được bảo quản rất tốt, nước sơn màu đỏ gần như còn nguyên vẹn, có lẽ do tác dụng của dầu hoả. Chính giữa nắp quan tài chạm nổi hình rồng phượng, quanh viền là hoa sen, một hình tượng trang trí phổ biến thời Trần.

Nếu tôi nhớ không lầm thì trong các đời vua Trần, không một ai được táng tại Yên Tử, ngay cả Phật Hoàng cũng được táng ở lăng Quy Đức.

Tuy nhiên, trong lịch sử cũng không thiếu trường hợp xây mộ giả. Lý do thì có muôn hình vạn trạng, tránh kẻ thù, chống trộm, thừa tiền, cho bằng tổ bằng tiên,... Thật tò mò không biết đây rốt cuộc là nơi an táng vị vua nào.

Nguyên Khang nhắc:

- Đừng chạm vào quan tài, lát còn cầm đuốc.

Nguyên Khang lấy dao găm lách vào nắp quan tài. Khi nắp quan tài chuẩn bị bật ra, tự nhiên trống ngực tôi đập liên hồi. Nếu dùng một từ để miêu tả chính xác cảm giác lúc này thì đó là "phấn khích". Đâu phải lúc nào cũng có cơ may được nhìn thấy một ông vua đã chết cách đây mấy trăm năm. Tôi nắm chặt các khớp ngón tay đang ngọ nguậy không yên. Được tự tay mở thì hay quá.

Rầm.

Nắp quan tài gỗ bị lật sang một bên, nằm lọt thỏm trong nắp quách.

Tôi vội vàng nhảy qua cái nắp, nhòm vào bên trong.

Tâm trạng phấn khích của tôi bị dội nguyên một xô nước đá. Đến mẩu xương nhỏ cũng chẳng có chứ đừng nói nguyên một cái xác ướp.

Trong quan tài là hai bộ quần áo thêu hình rồng phượng đặt ngay ngắn cạnh nhau, đầy đủ cả mũ và giày. Duy chỉ có thứ chủ chốt nhất là hai cái xác thì lại thiếu mất tiêu. Một điểm đáng nói nữa là hai bộ quần áo này đều có kích cỡ khá nhỏ, chắc chỉ vừa cho trẻ con tầm chín, mười tuổi.

Tôi thất vọng:

- Mộ giả à?

Nguyên Khang không đáp mà cúi xuống quan sát vách quan tài gỗ. Tôi cũng ngó vào. Trên vách quan tài khắc chữ dày đặc, có khi kể hẳn một thiên tình sử cũng nên.

Ánh sáng quá kém, đứng bên ngoài, trừ nhận biết được đó là chữ ra thì không thể nào đọc được. Nguyên Khang đã nhảy hẳn vào bên trong, đang chăm chú đọc những dòng văn tự. Tôi chống tay lên thành quan quách một lúc lâu cũng thấy chán, nhìn loanh quanh thì phát hiện trong cái nắp cũng khắc mấy chữ.

"Vua Trần Thái Tông"

"Hoàng hậu Lý Thiên Hinh"

Theo những gì sử sách ghi lại thì vua Trần Thái Tông dược táng ở Chiêu lăng. Xây một ngôi mộ giả nhưng lại đi công bố mộ thật. Suy nghĩ của vị vua này thật khó hiểu. Hay là ông ta có tới mấy ngôi mộ giả? Thế thì vị vua này quá cẩn thận, đến độ hoang phí.

Còn hoàng hậu Lý Thiên Hinh? Lý Thiên Hinh? Tôi lẩm bẩm.

- Lý Chiêu Hoàng.

Nguyên Khang thình lình lên tiếng. Anh đã ra khỏi quan tài và ngồi xuống cạnh tôi từ bao giờ.

Cái tên anh thốt ra gợi cho tôi nhớ được nhiều điều. Lý Chiêu Hoàng là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam, và cũng là hoàng đế cuối cùng của triều Lý. Nhưng cái danh hiệu nữ hoàng khoác trên vai chưa đầy một năm ấy rốt cuộc không khiến người ta nhớ lâu bằng cuộc đời đầy bất hạnh của bà.

Sáu tuổi, trong khi con người ta vẫn đang tuổi ăn tuổi chơi, thì vua Lý Huệ Tông lại đẩy đứa con gái nhỏ của mình vào giữa vòng xoáy chính trị khốc liệt. Điều hành cả một vương triều ở cái tuổi vắt mũi chưa sạch là điều không tưởng, chưa nói tới vương triều này còn bị quyền thần thao túng. Quyền thần kia là thái sư Trần Thủ Độ.

Một đứa trẻ khác cũng bị cướp đi tuổi thơ là Trần Cảnh, cháu trai của Trần Thủ Độ. Một bước quan trọng trong âm mưu lật đổ triều Lý là để Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh, sau đó ép vị nữ hoàng nhỏ tuổi nhường ngôi cho chồng. Trần Cảnh trở thành vị hoàng đế đầu tiên của triều Trần, Trần Thái Tông, còn Lý Chiêu Hoàng bị coi như kẻ tội đồ muôn đời của nhà Lý.

Chưa dừng lại ở đó, đứa con đầu lòng của bà là thái tử Trần Trịnh qua đời khi mới được vài ngày tuổi. Mấy năm sau bà cũng không thể sinh thêm đứa con nào nữa. Lo sợ huyết thống hoàng thất bị đứt đoạn, Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh phế Chiêu Hoàng xuống thành Chiêu Thánh công chúa, sau đó lập chị ruột của Chiêu Thánh là Thuận Thiên công chúa, khi ấy đang là vợ Hoài vương hầu Trần Liễu và có thai ba tháng lên làm hoàng hậu.

Sau hai mươi năm giam lỏng trong cung, để hoàn chỉnh bức tranh về số mệnh lắm bi ai của Chiêu Hoàng, Trần Cảnh làm một việc cuối cùng là đem Chiêu hoàng gả cho công thần Lê Tần. Hai mươi năm chung sống với Lê Tần, không ai biết được Chiêu Hoàng có hạnh phúc hay không. Nhưng có lẽ, hai đứa con bà sinh cho Lê Tần cũng là một bằng chứng để phỏng đoán.

___Hết chương 20___

Gió đông (Ngoại truyện về Thái Tông, Chiêu Hoàng và Lê Tần)

Cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng kể theo phong cách khốn n...

Đông Dương

Chương 21: Nguỵ triều

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro