Đại cương Ma pháp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ma pháp là sự vận hành của pháp lực để tạo ra hiệu quả đáp ứng nhu cầu của người sử dụng ma pháp.


1. Cơ chế nền của ma pháp

a. Thể - Hồn - Thức và ba thể thức phục sinh

- Thể, hay thể xác, là thân thể về mặt sinh học của sinh vật, chịu ảnh hưởng của các yếu tố sinh học, vật lý, hoá học. Trong đó, linh thể là những thể xác đặc biệt được bảo hộ bởi pháp khí tự nhiên với khả năng sinh tồn hoàn toàn. Nói một cách khác, người mang linh thể, bất kể là sinh vật gì, có hành lang ma pháp hay không, có pháp lực hay không, có kiểm soát được pháp lực và sử dụng được ma pháp hay không, thì đều hoàn toàn bất tử về mặt sinh học.

- Hồn, hay linh hồn, còn được gọi là hồn thể, là thân thể về mặt ma pháp của sinh vật, không chịu ảnh hưởng của các yếu tố sinh học, vật lý, hoá học. Linh hồn được kết tụ từ pháp khí tự nhiên khi sinh vật bắt đầu hình thành ý thức và hệ thần kinh, cũng là nơi mang hành lang ma pháp, và có thể tồn tại độc lập bên ngoài thể xác. Tuy có nguồn gốc từ pháp khí, song linh hồn không đại biểu cho khả năng sử dụng ma pháp của sinh vật. Các linh hồn tồn tại độc lập, không mang thức thể nhưng mang hành lang ma pháp có khả năng phát động pháp lực hoặc thực thi ma pháp không chủ đích, dễ gây nguy hiểm đến xung quanh, vì vậy tất cả những linh hồn này cần được thu giữ và phong ấn, thậm chí huỷ diệt nếu cần thiết và có thể.

- Thức, hay thức thể, phân biệt với ý thức, là thân thể về mặt ma pháp của các sinh vật có ý thức, không chịu ảnh hưởng của các yếu tố sinh học, vật lý, hoá học, và có mối liên hệ không thể tách rời với ý thức của sinh vật. Thức thể được kết tụ từ pháp khí tự nhiên khi sinh vật bắt đầu hình thành ý thức. Trong đó, linh thức là thức thể của các sinh vật có ý thức và sở hữu linh thể, hoặc mang hành lang ma pháp, hoặc có khả năng kiểm soát ma pháp. Sự khác biệt chủ yếu của thức thể và linh thức nằm ở khả năng tồn tại bên ngoài thể xác, trong đó linh thức có khả năng tồn tại độc lập, còn thức thể thì không. Tuy vậy, linh thức tồn tại độc lập thường không có khả năng sử dụng ma pháp.

- Dựa vào tính chất của thể-hồn-thức, Căn phòng Thời Không đã phân loại khả năng phục sinh thành ba thể thức:

Trùng sinh: hồn thức hoặc linh thức chiếm lĩnh thân thể người khác sau khi rời bỏ thể xác ban đầu, hầu như sự phục sinh này đều sẽ còn ký ức.

Tái sinh: hồn thức hoặc linh thức được sinh ra trong một thể xác khác từ bào thai, có thể có ký ức hoặc không phụ thuộc vào độ mạnh của thức thể.

Hồi sinh: sống lại với thể xác cũ sau khi thông tin chết về mặt sinh học đã được gửi đi.

b. Cơ chế nền của ma pháp - Lưu trữ ma pháp

Cơ chế nền của ma pháp là chức năng lưu trữ thông tin ma pháp của thời không ma pháp, còn được gọi là "cơ chế lưu trữ ma pháp". Thời không ma pháp lưu trữ tất cả các thông tin tồn tại, vận hành và tác động của pháp khí và pháp lực suốt dọc dài lịch sử hình thành và tồn tại. Dựa vào cơ chế này, Căn phòng Thời Không đã tạo nên hệ thống ma pháp.

Bên cạnh các thông tin được thời không ma pháp lưu trữ, thông tin về thể-hồn-thức bao gồm tính trạng và ký ức, thông tin về dòng khí bao gồm hành lang ma pháp, pháp lực, pháp khí và quyền năng, còn được lưu trữ theo pháp tự tại đồng thời tại Thời Không Lệnh Pháp và Căn phòng Thời Không.


2. Các thuật ngữ ma pháp

Ma pháp là thuật ngữ dùng để chỉ đơn vị lớn nhất được cấu tạo nên từ các thành tố ma pháp, có thể là ma pháp đơn lập hoặc là ma pháp tổ hợp từ nhiều ma pháp đơn lập Mỗi ma pháp sẽ có một công dụng nhất định, tuy nhiên có thể không cố định, phụ thuộc vào tính chất của ma pháp và việc ma pháp sư thực thi ma pháp đó như thế nào.

a. Các thành tố ma pháp

- Pháp lực: Năng lượng cần tiêu tốn để thực thi ma pháp. Pháp lực được tổng hợp từ pháp khí trong không gian, tuy nhiên hầu hết các ma pháp sư vô nguyên không có khả năng chuyển hoá trực tiếp pháp khí thành pháp lực mà chỉ có thể sử dụng pháp lực đã được chuyển hoá bởi khối ma pháp lõi ở Căn phòng Thời Không dẫn truyền qua hành lang pháp.

Linh lực: Pháp lực của vùng linh thức, có tính phòng thủ, phục hồi và chữa trị. Mọi sinh vật có linh thức và có pháp lực thì đều có linh lực, tuy nhiên có linh lực không đồng nghĩa với việc có thể sử dụng linh lực, cũng như sử dụng được pháp lực chưa chắc đã sử dụng được linh lực. Ngoài ra, linh lực chỉ tồn tại khi sinh vật có ý thức, nếu sinh vật mất ý thức thì linh lực sẽ trở về dạng pháp lực, tuy nhiên nếu sinh vật có thức linh thì thức linh vẫn có thể sử dụng pháp lực dưới dạng linh lực.

- Pháp tự: Từ ngữ được thừa nhận là ngôn ngữ ma pháp, được viết bằng hệ chữ latin không kèm dấu thanh và dấu câu, phân biệt chữ hoa và chữ thường, một pháp tự phải được viết liền, các pháp tự phân tách nhau bằng một khoảng trắng, một dấu câu hoặc một dấu nối. Pháp tự thường được sử dụng với hai mục đích chính là cấu thành pháp chú và đặt nhận diện kết nối ma pháp. Bởi vì mang tính nhận diện độc nhất, cho nên pháp tự không được xuất hiện tình trạng đồng âm hoàn toàn hay có cách viết giống hệt nhau.

- Pháp chú: Một hoặc vài câu được tạo thành từ các từ ngữ mang ý nghĩa nhất định, được gọi lên bằng âm thanh hoặc chữ viết. Một pháp chú phải tương ứng với một ma pháp hoàn chỉnh.

Pháp chú pháp tự: Pháp chú được tạo thành bởi pháp tự, gồm pháp chú cơ bản (những câu hoặc cụm cố định), pháp chú tự do (pháp tự sắp xếp và thay đổi theo quy tắc nhất định) và pháp chú kiến tạo (pháp chú của ma pháp kiến tạo).

Pháp chú toàn ngữ: Pháp chú sử dụng trực tiếp ngôn ngữ của ma pháp sư để triệu hồi ma pháp, thường là phân loại đặc biệt của pháp chú ma pháp kiến tạo hoặc là pháp chú gián tiếp để tạo liên kết đến pháp chú pháp tự.

Pháp chú cục bộ: Một dạng đặc biệt kết hợp của pháp chú toàn ngữ và pháp chú pháp tự, được ma pháp sư tạo ra và gán cho ma pháp không có pháp chú, chỉ có thể sử dụng ở phạm vi cá nhân, cho nên ma pháp sư không thể sử dụng pháp chú cục bộ được gán bởi ma pháp sư khác.

Pháp chú pháp danh: Một dạng đặc biệt của pháp chú toàn ngữ liên kết đến pháp chú pháp tự, sử dụng để triệu hồi ma pháp bằng cách gọi lên pháp danh chính thức của ma pháp đó. Loại pháp chú này chỉ có thể dùng với các ma pháp có tên định danh và các bản dịch tên được Căn phòng Thời Không xác nhận.

Pháp chú ngôn lệnh: Một dạng đặc biệt của pháp chú kiến tạo, luôn được sử dụng bằng cách gọi lên pháp chú và chỉ được sử dụng bởi ma pháp sư kiến tạo ra ma pháp đó, có chức năng thực thi ma pháp với pháp trận ẩn, có thể mang tính pháp tự hoặc toàn ngữ hoặc cả hai.

- Pháp thức: Thuật ngữ đầy đủ là "ma pháp khởi động thức", là hình thái cơ bản đầu tiên của ma pháp được hữu hình hoá từ pháp chú, có dạng giống pháp trận nhưng tương đối đơn giản và hoàn toàn tĩnh, dùng để kích hoạt lên pháp trận. Thông thường, mỗi ma pháp sẽ gồm pháp thức trung tâm và các pháp thức cơ sở, tạo thành bộ pháp thức. Các ma pháp cùng phân nhóm có cùng hình thái pháp thức trung tâm, đây cũng là nguyên tắc cơ bản để phân nhóm ma pháp, tuy nhiên bộ pháp thức của mỗi ma pháp là độc nhất. Ngoài ra, thông thường thì ma pháp kiến tạo của cùng một ma pháp sư cũng sẽ có cùng hình thái pháp thức trung tâm, mang tính đại diện cho ma pháp sư đó.

- Pháp trận: Hình thái hữu hình đầy đủ của ma pháp, điển hình cho sự thực thi của ma pháp, ma pháp có thể không có pháp chú và pháp thức nhưng chắc chắn phải có pháp trận. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là pháp trận bắt buộc phải hiện hình khi thực thi ma pháp, sự hiện hình của pháp trận phụ thuộc vào tính chất và cấp bậc của ma pháp, điều kiện của không gian ma pháp, cũng như cấp bậc và ý đồ chủ quan của ma pháp sư. Khác với pháp thức, pháp trận sẽ luôn chuyển động kể cả khi ma pháp bị phong ấn hoặc trong quá trình ủ sau khi kích pháp (nếu có), và sự chuyển động này thường sẽ theo quy luật nhất định. Nếu pháp trận không chuyển động, điều đó chỉ có thể có nghĩa là thời gian ma pháp ở chỗ đó đã ngừng lại.

Tầng: Một tầng pháp trận nằm trên một bề mặt không gian, hầu hết là mặt phẳng, có thể đơn lớp hoặc đa lớp. Các tầng pháp trận thường sẽ nằm song song với nhau.

Lớp: Các lớp pháp trận nằm trên cùng một tầng, mỗi lớp gồm các đường kín và hình khối bên trong đường cơ sở, thường thấy nhất là đường tròn. Các lớp pháp trận có thể song song, giao cắt hoặc chồng lấn lên nhau, nhưng phải cùng nằm trên một tầng.

● Thông thường, các ma pháp sẽ hoàn thiện lần lượt các lớp, sau đó là các tầng. Tuy nhiên, tuỳ theo quyền năng của ma pháp sư, các tầng các lớp có thể khởi tạo đồng thời.

- Trận pháp: Là một ma pháp được tổ hợp bởi nhiều ma pháp đơn lập, tùy tính chất và mục đích sử dụng sẽ có những đặc điểm và yêu cầu khác nhau.

Lưu ý: Đại cương Ma pháp được soạn cho ma pháp vô nguyên. Vì vậy, ngoại trừ pháp lực, các thành tố ma pháp khác đều không bắt buộc đối với ma pháp thượng nguyên.

b. Các thuật ngữ khác

- Hành lang ma pháp: Ngoài việc đề cập đến Thời Không Lệnh Pháp, hành lang ma pháp còn được dùng để chỉ hệ thống lưu chuyển pháp lực tồn tại trong cơ thể sinh vật ở chiều thời không ma pháp, có thuật ngữ đầy đủ là "hành lang ma pháp cá nhân", tên cũ là "lưới pháp lực". Hành lang ma pháp được chia làm bốn loại:

Hành lang ma pháp hoạt hoá: Hành lang ma pháp hoạt hoá là đặc trưng của ma pháp sư, ngoại trừ ma pháp sư thượng nguyên và sinh nguyên pháp sư, với khả năng kiểm soát pháp lực và thực thi ma pháp toàn diện.

Hành lang ma pháp tĩnh: Hành lang ma pháp tĩnh không có tác dụng kiểm soát pháp lực hay thực thi ma pháp, song vẫn có khả năng lưu trữ pháp lực và có tác động lên cơ thể sinh vật.

Hành lang ma pháp bán hoạt: Hành lang ma pháp bán hoạt là đặc trưng của thứ pháp sư thể pháp, người sở hữu hành lang ma pháp bán hoạt chỉ có thể sử dụng một vài ma pháp cố định dựa vào cấp độ phân hoá của hành lang ma pháp hoặc vật dẫn truyền ma pháp.

Hành lang ma pháp bán tĩnh: Hành lang ma pháp bán tĩnh là đặc trưng của thứ pháp sư thể lai, người sở hữu hành lang ma pháp bán tĩnh chỉ có thể sử dụng một vài ma pháp cố định có tầm ảnh hưởng trên phạm vi vật lý dựa vào cấp độ phân hoá của hành lang ma pháp.

- Pháp khí: Thông thường, "pháp khí" được dùng để chỉ dòng khí toả ra từ pháp lực, chỉ tồn tại trong không gian ma pháp, phân biệt với "pháp khí tự nhiên" tồn tại tự nhiên trong không gian. Pháp khí có tính tự phát tán, lan toả và sẽ loãng dần khi càng rời xa nguồn pháp lực, tuy nhiên ma pháp sư đủ năng lực cũng có thể phát tán, thu giấu và điều khiển pháp khí một cách chủ động về mặt nồng độ, phương hướng và phạm vi phát tán, thậm chí dựa vào pháp khí để cảm nhận những diễn biến trong không gian ma pháp. Bởi vì toả ra từ pháp lực, nên về cơ bản thì pháp khí cũng có tính nhận diện về mặt cá nhân và ma pháp.

- Luyện pháp: Quá trình ma pháp sư luân chuyển pháp lực để ổn định nguồn pháp lực và hành lang ma pháp của mình, đồng thời cũng có tác dụng hồi phục từ các chấn thương và kiệt quệ sức lực mang tính ma pháp, đặc biệt là các tổn thương trực tiếp ở hồn thức hoặc hành lang ma pháp. Ngoài ra, đối với các ma pháp sư có khả năng hấp thụ pháp lực chậm, đây cũng là quá trình được sử dụng để hấp thụ và tồn trữ pháp lực vào hành lang ma pháp.

- Dẫn động (dẫn động pháp lực): Là việc đưa pháp lực ra khỏi hành lang ma pháp một cách có kiểm soát để thực thi ma pháp.

- Kích pháp: Sử dụng pháp lực để kích hoạt pháp thức chờ hoặc pháp trận ở đang ở trạng thái ủ để ma pháp được thực thi.


3. Quy trình sử dụng ma pháp

a. Quy trình cơ bản

Quy trình sử dụng ma pháp cơ bản và đầy đủ gồm 5 bước:

● Bước 1 - Dẫn động pháp lực

● Bước 2 - Gọi ma pháp bằng pháp chú, hữu hình pháp thức

● Bước 3 - Kích pháp pháp thức chuyển tới pháp trận

● Bước 4 - Thực thi có kiểm soát với ma pháp

● Bước 5 - Kết thúc ma pháp và thu hồi dòng pháp lực

Sau khi dẫn động pháp lực ra khỏi hành lang ma pháp, ma pháp sư sẽ đọc pháp chú của ma pháp để khởi tạo bộ pháp thức. Lúc này, ma pháp còn được gọi là "trạng thái chờ".

Để chuyển lên pháp trận và bắt đầu thực thi ma pháp, ma pháp sư cần kích pháp vào pháp thức trung tâm, sau đó pháp thức trung tâm sẽ kích hoạt các pháp thức cơ sở. Tuy nhiên, nếu ma pháp quá khó kiểm soát hoặc ma pháp sư quá yếu, pháp thức có thể tự hút lấy pháp lực của ma pháp sư và tiến hành thực thi ma pháp không có kiểm soát, những trường hợp như vậy thường sẽ gây thương tổn ma pháp cho ma pháp sư triệu hồi và thậm chí cũng có thể ảnh hưởng đến phạm vi lớn hơn.

Sau khi chuyển tới pháp trận, ma pháp thường sẽ thực thi ngay lập tức, sau khi kết thúc thì sẽ tự biến mất hoặc trở về trạng thái pháp thức. Tuy nhiên, ma pháp sư cũng có thể ngừng cung cấp pháp lực và sử dụng pháp khí để "ủ ma pháp" - tức là giữ ma pháp ở trạng thái pháp trận nhưng không thực thi - cho đến khi cần. Đây là một phương pháp rất khó, mức độ rủi ro cao, nên cũng yêu cầu ma pháp sư có khả năng kiểm soát ma pháp cực kỳ tốt. Vì vậy nên thông thường, nếu cần duy trì ma pháp, ma pháp sư sẽ chọn cách giữ ma pháp ở trạng thái pháp thức và đến khi cần sử dụng mới tiến hành kích pháp.

Khi ma pháp kết thúc, ma pháp sư bắt buộc phải thực hiện thu hồi dòng pháp lực, kể cả khi pháp trận tự biến mất sau khi kết thúc để tránh trường hợp ký ức ma pháp được lưu giữ tạm thời tại thời không ma pháp được cung cấp pháp lực mà tự động thực thi.

b. Quy trình tối giản

Ma pháp sư sẽ bắt đầu học sử dụng ma pháp theo quy trình cơ bản. Sau khi thuần thục, các ma pháp sư sẽ tối giản quy trình khởi tạo và thực thi ma pháp, ngoại trừ các ma pháp có yêu cầu đặc biệt. Việc này không chỉ giúp cho thời gian khởi tạo ma pháp nhanh hơn mà còn giảm tiêu tốn pháp lực khởi tạo và kích pháp, hạn chế pháp lực phát tán không chủ động và tối thiểu nguy cơ mất kiểm soát pháp lực. Có ba dạng thức tối giản quy trình:

- triệu hồi chú: Khởi tạo pháp chú và kích pháp trực tiếp lên pháp trận, bỏ qua pháp thức, yêu cầu ghi nhớ chính xác pháp chú cả về cách viết và phát âm. Ma pháp sư sử dụng triệu hồi chú cần đọc thành tiếng hoặc viết pháp chú ra để có thể sử dụng, vậy nên về lý thuyết thì có thời gian khởi tạo lâu nhất, tuy nhiên trên thực tế thì cũng không chênh lệch quá nhiều. Bởi vì pháp chú là thành tố ma pháp dễ nhớ nhất và dễ dùng nhất nên triệu hồi chú cũng được sử dụng phổ biến nhất với các ma pháp sư không phải hệ chiến đấu và trong các tình huống không đối kháng. Mặc dù không phải ma pháp nào cũng có pháp chú, nhưng ma pháp sư đủ quyền năng có thể gán pháp chú cục bộ cho ma pháp để sử dụng với triệu hồi chú.

- triệu hồi thức: Khởi tạo trực tiếp pháp thức và dùng chính pháp lực khởi tạo để kích pháp lên pháp trận, yêu cầu ghi nhớ chi tiết hình thái hữu hình của pháp thức kể cả pháp thức trung tâm và tất cả các pháp thức cơ sở. Bởi vì sử dụng ma pháp từ pháp thức nên đây là dạng thức dễ kiểm soát nhất, an toàn nhất, cũng dễ để ma pháp sư thực hiện ủ pháp trận hoặc giữ ma pháp ở trạng thái chờ nhất. Tuy nhiên, vì độ phức tạp và số lượng của pháp thức, triệu hồi thức là dạng thức khó nhớ nhất. Hơn nữa, không phải ma pháp nào cũng có pháp thức, và cũng không thể gán pháp thức cho ma pháp.

- triệu hồi pháp: Khởi tạo trực tiếp pháp trận và thực thi ma pháp, bỏ qua pháp chú, pháp thức và quá trình kích pháp, yêu cầu ghi nhớ chính xác hình thái hữu hình và sự vận động của pháp trận. Bởi vì bỏ qua gần hết giai đoạn khởi tạo, đây là dạng thức thực thi ma pháp nhanh nhất và tiêu tốn ít pháp lực nhất, được sử dụng phổ biến nhất đối với ma pháp sư hệ chiến đấu và trong các tình huống hệ đối kháng. Tuy vậy, cũng bởi vì bỏ qua gần hết giai đoạn khởi tạo mà triệu hồi pháp là dạng thức khó kiểm soát nhất, thường yêu cầu khả năng kiểm soát pháp lực và mức độ quyền năng ở mức nhất định. Đồng thời, do mọi ma pháp vô nguyên đều có pháp trận, cho nên ngay cả ma pháp sư chuyên dùng triệu hồi chú hoặc triệu hồi thức đôi khi cũng phải sử dụng triệu hồi pháp cho các ma pháp không có pháp chú và/hoặc pháp thức.


4. Pháp tự tuyệt đối

Pháp tự tuyệt đối có chức năng định danh cá nhân nhằm mục đích để Thời Không Lệnh Pháp và Căn phòng Thời Không nhận diện hành lang ma pháp và hồn thức của cá nhân, nhưng không có tính liên kết hay quy định đặc tính của pháp khí, pháp lực và hành lang ma pháp. Vì mang tính định danh ma pháp, cho nên pháp tự tuyệt đối gần như không bao giờ được đổi, một pháp tự chỉ đại diện cho một cá thể duy nhất (trừ pháp tự nhiệm vụ).

a. Pháp tự ma pháp

Pháp tự ma pháp, thường được gọi tắt là pháp tự hoặc pháp tự cá nhân, là pháp tự đặt nhận diện liên kết cho những người có kết nối với hành lang ma pháp (cả trực tiếp và gián tiếp), không được trùng lặp với bất cứ pháp tự nào đã tồn tại trước đó (cả pháp tự sử dụng cho ma pháp và pháp tự sử dụng để nhận diện), được phân loại thành:

Pháp tự hoạt hoá: là pháp tự của dòng khí với hành lang ma pháp hoạt hoá, bán hoạt hoặc bán tĩnh.

Pháp tự không hoạt hoá: là pháp tự của dòng khí với hành lang ma pháp tĩnh.

Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng do phụ thuộc vào độ hoạt hoá của hành lang ma pháp nên tính hoạt hoá và không hoạt hoá của pháp tự có thể chuyển đổi qua lại với nhau.

b. Pháp tự nhiệm vụ

Pháp tự nhiệm vụ là pháp tự cố định của một vị trí nhiệm vụ được bổ sung vào bên cạnh pháp tự cá nhân bằng thức nhiệm vụ khi người đó tiếp nhận nhiệm vụ có quy định pháp tự nhiệm vụ. Pháp tự nhiệm vụ có thể được sử dụng cho nhiều nhận dạng ma pháp nhưng không được đặt cho nhiều nhận dạng trong cùng một thời điểm.

c. Pháp tự nhân danh

Pháp tự nhân danh hình thành từ pháp tự ma pháp hoặc tên họ của các ma pháp sư nắm giữ vai trò đặc biệt được Căn phòng Thời Không thừa nhận, là pháp tự duy nhất có thể đặt cho nhiều người trong cùng một thời điểm, tuy nhiên yêu cầu dành cho việc tạo ra pháp tự nhân danh và được đặt pháp tự nhân danh cực kỳ khó khăn. Các ma pháp sư mang pháp tự nhân danh được hưởng rất nhiều đặc quyền từ thân phận của ma pháp sư sở hữu pháp tự, song cũng đồng thời có sự phụ thuộc nhất định vào ma pháp sư đó.

Pháp tự kiến tạo: là trường hợp đặc biệt kết hợp cả pháp tự nhiệm vụ và pháp tự nhân danh là pháp tự kiến tạo, chỉ được đặt cho những ma pháp sư thừa kế vị trí hoặc hỗ trợ cho các ma pháp sư kiến tạo Căn phòng Thời Không và Thời Không Lệnh Pháp, các pháp tự kiến tạo đều là tên của ma pháp cấu thành hoặc ma pháp sư kiến tạo dưới dạng pháp tự, những ma pháp sư mang pháp tự kiến tạo thường được gọi là ma pháp sư thừa kế pháp tự kiến tạo.

d. Pháp tự tượng trưng

Pháp tự tượng trưng, cũng được gọi là pháp tự cá nhân, được đặt cho những người không có hành lang ma pháp, không có kết nối với hành lang ma pháp và không có khả năng sử dụng ma pháp, song vì pháp tự tượng trưng vẫn có thể chuyển đổi thành pháp tự ma pháp, mặc dù trường hợp này rất hiếm khi xảy ra, nên để tránh các tình huống không mong muốn, pháp tự tượng trưng vẫn phải tuân theo quy tắc của pháp tự ma pháp.

-----


Phụ lục

THỨC PHÁP TỰ VÀ THỨC PHÁP TỘC

Họ tên của ma pháp sư mang tính chất thể hiện tình chất độc lập hoặc phụ thuộc của dòng ma pháp, vì vậy ngoại trừ pháp tự, trong tên của ma pháp sư còn có thể mang theo các thức đặc biệt, bao gồm thức pháp tộc và thức pháp tự.

Thức pháp tự

Vì mang tính nhận diện hồn thức và hành lang ma pháp, cho nên Căn phòng Thời Không đã quy định các thức pháp tự đối với ma pháp sư. Tuy nhiên, không phải tất cả ma pháp sư đều có thức pháp tự mà cần phải đáp ứng đủ yêu cầu về dòng khí và ma pháp thì mới được Người đặt tên xác nhận thức pháp tự.

- Thức chủ họ: [pháp tự]-[họ]: Đặc điểm dòng khí và ma pháp được di truyền hầu hết theo huyết thống.

● Thức chủ họ sẽ huỷ bỏ tác dụng của thức đồng họ (nếu có) của các ma pháp sư thừa hưởng dòng khí của cả song thân. Khí đó, họ gắn liền với thức chủ họ sẽ đứng trước, gạch nối của thức đồng họ sẽ thay thế thành chữ "et".

- Thức chủ pháp: [pháp tự]'s [họ]: Pháp tự có tính gắn liền với hành lang ma pháp, đổi pháp tự sẽ đổi hoàn toàn hành lang ma pháp, tương đương với việc đổi cả dòng chủng. Pháp tự mang thức này có liên kết hành lang ma pháp rất chặt, ngay cả Người đặt tên cũng hiếm được đổi.

● Thức chủ họ và thức chủ pháp không cùng tồn tại trên một pháp tự.

- Thức độc lập: de [pháp tự]: Người mang pháp tự thức độc lập sở hữu quyền năng đặc biệt duy trì theo hồn thức, sử dụng được quyền năng đó ngay cả khi không có pháp tự hoặc pháp tự bị đổi, thậm chí kể cả khi không có hành lang ma pháp.

● Thức độc lập có thể tồn tại cùng thức chủ họ và thức chủ pháp.

- Thức đa pháp tự: [pháp tự]'[pháp tự]: Thức pháp tự hiếm gặp nhất Ma pháp Giới, chỉ được đặt trong những trường hợp rất đặc biệt, có thể đi kèm với thức chủ họ hoặc thức chủ pháp, khi đó pháp tự mang thức chủ họ hoặc thức chủ pháp sẽ đứng cuối cùng.

Thông thường, một người chỉ có một hành lang ma pháp, trong trường hợp người đó mang thức đa pháp tự vì lý do nào đó thì các pháp tự sẽ được gọi là hoạt hoá không độc lập. Song, vẫn tồn tại số hiếm những người mang nhiều hơn một hành lang ma pháp, và mỗi hành lang ma pháp đều phải có pháp tự nhận diện, vì vậy các pháp tự sẽ được gọi là hoạt hoá độc lập.

Trường hợp phổ biến nhất của thức đa pháp tự là thức nhiệm vụ có dạng [pháp tự nhiệm vụ]'[pháp tự cá nhân], trong đó pháp tự nhiệm vụ và pháp tự các nhân hoạt hoá không độc lập. Ngoài ra, thức nhiệm vụ cũng có tính ưu tiên ma pháp, sẽ huỷ bỏ tạm thời tác dụng của thức chủ họ và thức chủ pháp cho tới khi ma pháp sư không còn giữ nhiệm vụ đó.

Thức pháp tộc

Pháp tộc, tên gọi đầy đủ là "gia tộc truyền thừa đặc trưng ma pháp", là những gia tộc được Căn phòng Thời Không thừa nhận sự di truyền về mặt ma pháp với các đặc điểm đặc trưng, khi đó họ của hậu duệ pháp tộc cũng được coi là một dạng nhận diện ma pháp. Vì vậy, Căn phòng Thời Không đã quy định các thức pháp tộc đối với ma pháp sư đáp ứng đủ yêu cầu về sự di truyền ma pháp.

- Thức đồng họ: [họ thứ nhất]-[họ thứ hai]: Thức đồng họ được phép đặt khi đặc tính ma pháp của ma pháp sư mang theo đặc tính ma pháp di truyền từ cả song thân, được những người mang nhiệm vụ đặt tên cho ma pháp sư xác nhận dưới sự đồng thuận của Thời Không Lệnh Pháp hoặc Căn phòng Thời Không. Đây là thức duy nhất trong hệ thống thức pháp tộc có thể được đặt ngay cả khi ma pháp sư không phải hậu duệ của pháp tộc.

- Thức kết họ: [họ thứ nhất]'[họ thứ hai]: Thức kết họ là dạng đặc biệt của thức đồng họ, cần có sự xác nhận của Căn phòng Thời Không rằng quyền năng và đặc tính ma pháp của cả hai họ đều có thể di truyền sang các đời tiếp theo, từ đó xác nhận pháp tộc. Hậu duệ của ma pháp sư mang thức kết họ không thể mang thức đồng họ, trừ khi thực hiện nghi thức huỷ kết họ.

- Thức đơn họ: de [họ]: Thức đơn họ là thức đặc biệt rất hiếm khi sử dụng, chỉ sử dụng với các pháp tộc có vị trí nhiệm vụ đặc biệt truyền thừa theo huyết thống. Thức đơn họ phổ biến nhất được dùng với hậu duệ các ma pháp sư kiến tạo Căn phòng Thời Không và Thời Không Lệnh Pháp, xác định nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của họ đối với Căn phòng Thời Không và Thời Không Lệnh Pháp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro