Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Con đường nhỏ xíu gập ghềnh sỏi đá làm cho xe hơi không thể vào bên trong, như không muốn chào đón bất kì bánh xe to nào vào. Tôi thở hắt một hơi không quá dài cũng không quá ngắn, thực chất cũng chỉ cho mẹ biết tôi không hề muốn về quê học một tí nào.

"Mẹ! Mẹ đuổi thẳng cẳng con về quê thật à?" Tôi phụ mẹ mở cốp xe đựng đầy va-li phía sau ra, mở giọng hờn dỗi muốn mẹ đưa mình về lại thành phố.

"Ừm, ở đây có nội chăm con, ngược lại con cũng phải chăm sóc lại cho nội. Tiện thể cho con biết thế nào là niềm vui ở quê hương, đến lúc về lại thành phố con sẽ lại tiếc hùi hụi cho xem!"

"Còn lâu! Con cóc thèm đâu!"

Tôi vừa định xách va-li cùng với hai chiếc túi lớn quay mặt đi thì mẹ lại níu áo lại, ôm chầm tôi lúc lâu. Cả người tôi khựng lại, đành ôm lại mà xoa nhẹ tấm lưng nhỏ nhắn mà quá đỗi quen thuộc.

Hồi nhỏ, mỗi khi bất chợt bị đau bụng hay trúng gió, mẹ đều xức dầu cù là thơm nóng rồi ôm tôi vào lòng, hát ru tôi đôi ba câu là vào giấc ngay. Khi ấy, bờ vai ngang và tấm thân gầy guộc ấy còn to lớn hơn siêu anh hùng hay phát trên đài, để rồi tôi chỉ cần chui vào lòng mẹ là an toàn ngay tức khắc.

"Bá Tùng nhớ phải cẩn thận đó, đừng yêu sớm kẻo lại học hành lêu lỏng. Đừng có đi theo người lạ hay nghe người ta dụ dỗ ngon ngọt nghe không?" Mẹ đẩy vai tôi ra, vò đầu tôi rồi hướng mặt xuống nhìn chăm chăm mũi giày đế bệt.

"Mẹ xin lỗi nhiều... Khi nào hoàn tất xong thì sẽ lên lại thành phố."

"Không sao đâu mẹ, con sẽ ngoan ngoãn ở đây chăm sóc nội và học hành đàng hoàng. Mẹ đừng lo!" Tôi vỗ vai mẹ, giơ tay chào tạm biệt rồi tót chạy vào hẻm nhà nội. Sợ rằng nếu mình còn ở lại nói chuyện thêm, chắc chắn tuyến lệ của mẹ sẽ hoạt động hết công suất.

Quả thật chiếc va-li to tướng này không phải lựa chọn tuyệt vời cho con đường bé tí tẹo teo này, nghe tiếng bánh xe nhỏ va nhau với mặt đường đi vào không bằng phẳng. Có lẽ nhờ tiếng "lộc cộc, lộc cộc" cứ phát ra một cách kì lạ, mấy đứa nhóc từ mấy căn trọ nằm san sát nhau cứ thi nhau ngó đầu ra ngoài nhìn làm tôi cứ hơi xấu hổ.

Không chỉ thế, nội chỉ bảo đi vào con hẻm sâu bên trong, không cho tôi bất cứ manh mối tìm nhà ở đâu làm tôi rối mù hết cả lên. Bà nói gợi ý nằm ở những người dân sống xung quanh, chỉ cần hỏi là biết ngay. Nhưng dù là vậy, tôi thường sợ giao tiếp với mỗi khi đối mặt với người lạ, cảm giác mình chỉ cần dăm ba câu nữa là tay chân bủn rủn muốn rụng hết.

"Anh ơi, anh lạc đường hay sao mà cứ đi đi lại lại vầy anh? Mà... anh người nơi khác tới à?" Con bé tầm sáu, bảy tuổi gõ nhẹ va-li, xung quanh lại có thêm mấy đứa nhóc vây quanh làm tôi hoảng hốt.

"Ờm..." Tôi nuốt nước bọt ừng ực, trách yêu nội sao lại đưa ra thử thách khó nhằn cho thằng cháu thân yêu này.

"Phương Nam ơi, Phương Nam ơi, em đâu rồi?"

"A! Chị hai!"

Con bé vừa nãy khều hỏi thử tôi trong một chốc liền chạy vù ra ngoài hẻm, ôm chầm lấy một cô gái thoạt nhìn ngang tuổi tôi, con bé hét lớn rồi chỉ tay vào tôi.

"Chị hai ơi, có anh này ảnh mới đến đây mà chắc không biết đường nên cứ đi vòng vòng khúc này. Lúc đầu em còn tưởng ảnh buồn tiểu mà không biết cầu tiêu ở đâu."

"Tầm bậy, em không được vậy nghe chưa?" Cô chị ôn tồn giảng cho em hiểu câu nói đó khiến tôi xấu hổ đến như nào, chốc sau lại quay sang hỏi tôi. "Còn anh, chắc là dân thành phố nên lạ đường nhỉ? Tui giúp nhé!"

Cô gái tiến lại gần tôi, cổ chắc cao ngang ngực tôi, mái tóc đen nhánh được tém gọn ra sau gáy. Khi lại gần quá sát, tôi lại nghe đâu đó hương bưởi quanh chóp mũi, đôi mắt cô ấy to tròn, mặt bầu bĩnh trông dễ gần, có vẻ là người thân thiện, trên gò má lại lốm đốm mấy vết tàn nhang nho nhỏ.

Tôi chẳng hiểu vì sao mình có thể giáp mặt với một người lạ lâu như thế, đành vô thức ngoảnh mặt sang chỗ khác để cho nhịp tim trở lại bình thường.

"Ủa anh bị say nắng hả? Mặt đỏ lựng luôn kìa, cần nước hay dìu vào nhà không anh? Nam cầm cái rổ mồng tơi đó về rửa giúp chị, để sau hè để chị về chị nấu. Anh này đang cần giúp."

"Không sao, không sao. Mà... cho tôi biết nhà bà Tư Thắm ở đâu không? Tôi là cháu nội của bà..."

"Trời... Bà Thắm có khoảng sân lớn trồng rau phía sau đúng không? Mà anh tên... Bá... Khùng gì phớ hôn?"

Tôi tái mặt, thà rằng không biết nhau rồi giới thiệu họ tên sau, chứ mò đoán tên mà sai lệch tùm lum như vậy... Coi như tai tôi chưa nghe thấy gì.

"Là Bá Tùng, cảm ơn cô đã cố gắng nhớ."

"À... tôi xin lỗi. Để tôi dẫn anh đến nhà bà Tư Thắm nha! Không xa lắm đâu!"

Mặc dù cô gái đi trước dẫn đường cho tôi nhưng chốc chốc vẫn quay lại ngó xem tôi có đuổi kịp tốc độ của cô không. Không ngoài dự đoán, tôi tụt lại phía sau.

"Phụt... con trai mà đi chậm rì vậy? Cứ thế này có khi đến chiều anh rùa mới đến nơi. Để tôi cầm giúp cái túi cho!"

"Cảm ơn nhưng không cần ạ, thà tạt đầu xe lửa còn hơn nhờ con gái cầm phân nửa. Do là cái giày tôi hơi khó đi, xin lỗi đã làm mất thời gian của cô..."

Tôi còn chưa kịp nói xong, cô bạn ấy đã vội cầm một bên túi xách bên hông. Bớt đi một cái túi to tướng, vai tôi như trút bớt một phần gánh nặng. Trong một thời gian ngắn như vậy, tôi cảm giác mình không còn sợ hãi khi gặp người lạ nữa, mức độ thiện cảm trong mắt tôi đối với cô gái này cũng tăng lên đáng kể.

"Mà quên hỏi, cô tên gì vậy? Lớp mấy? Cô quen bà tôi hửm?"

"À, tôi tên là Bảo Tâm, 16 tuổi. Ờm... Nhà tôi hơi nghèo nên bà Tư hay giúp đỡ nhiều, nên giờ cũng phải giúp lại cháu nội của bà mà!"

"Vầy là bằng tuổi tôi rồi, nên gọi mày - tao cho thân thiết hen?"

Tâm đi chậm phía trước lại, quay nửa người giáp mặt với tôi rồi nói.

"Thôi xin kiếu, gọi tui - ông nghe còn lịch sự hơn. Mà... đến điểm đến rồi đấy, coi như tui chở khách về đúng nơi rồi nhé! Bái bai."

"Hay là Tâm vào nhà uống nước, nãy giờ đã phải xách giúp túi của tôi giữa trưa thế này..."

Không đợi tôi nói hết câu, bóng người nhỏ bé ấy đã vội vụt đi trước.

"Em gái tui còn ở nhà chờ cơm, không nỡ cho nó nhịn đói."

Tôi nhìn theo cô bạn người tuy chỉ có chút xíu mà chạy nhanh như chớp ra khỏi con hẻm ngoằn ngoèo, mừng thầm khi mình tới nơi mới đã gặp người tốt giúp đỡ. Mong rằng sẽ có lần hội ngộ lần thứ hai.

"Thằng Tùng hả? Sao không vào nhà đi mà đứng như trời trồng ngoài nắng thế kia? Cẩn thận không làn da như cục bột bị rám nắng."

"Nội này, sao lại chọc cháu như thế, còn không cho cháu biết nhà ở khúc nào."

Lâu rồi tôi mới gặp lại nội, từ lúc bà bồng bé tí đến giờ. Tóc nội đã điểm thêm vài cọng tóc bạc, nhưng những dấu hiệu tuổi già không thể cản được tinh thần mỗi ngày tập Yoga cùng Aerobic với hội bạn. Trong mắt tôi, nội vẫn thế, vẫn tươi trẻ mỗi ngày, vẫn tràn đầy năng lượng, vẫn chòng ghẹo mỗi khi nhìn thấy thằng cháu của bà.

"Không phải mày được người đẹp chỉ đường à? Có phúc không biết hưởng còn gân cổ lên trách nội!"

"Người ta tốt bụng giúp đỡ chỉ đường cho cháu, còn nội không quan tâm cháu mình đang nơi nào mà ở nhà coi Tivi."

Nội không thèm nghe tôi nữa, xoay người ra sân sau làm gì đó. Tầm lát sau thì đưa tôi trái dưa hấu to đùng còn dính lem nhem đất, kéo võng ra nằm rồi chuyển kênh "Tuyển tập nhạc trẻ remix hiện nay".

"Tao còn tính sắp tới sẽ tập theo bài dạy "dô-ga" trên "diu túp", giờ lại thêm mày đến ở cùng nên phiền tối lui. Không biết phận còn tới làm càng hử? Cắt cho nội miếng dưa hấu coi."

"Cháu chịu, nội hướng dẫn thị phạm mấy phát may ra còn hiểu nguyên lý đôi chút."

"Ý cưng là kêu nội cắt luôn chứ gì?"

"Dạ..."

Nội lườm nguýt tôi, lấy dao bổ một đường ngang bụng trái như trò chém trái cây. Ruột dưa đỏ hồng, cuống xanh và sọc dưa xanh sẫm trông đẹp mắt, nhìn vào đã ứa hết cả nước bọt ra.

"Nhắc mới nhớ, mai là cháu vào học trường Chiều Tà gần đây đó. Trong kho của nội có cái xe đạp cũ mầy chạy được."

"Mà cháu không biết đường." Tôi ngốn gần nửa trái dưa hấu, cố tiêu hóa hết rồi vặn hỏi nội.

"Mày có miệng làm gì? Không biết thì hỏi, nội ra trường lâu nên quên sạch đường rồi nhé!"

"Cháu thấy mình còn khổ dài dài..."

==========

Đến hôm khai giảng ở trường mới, tôi còn chưa kịp chuẩn bị đồ dùng học tập cho công cuộc "thích nghi môi trường mới" thì nội đã lôi đầu tôi dậy, đưa vội cái bánh mì mới đút hun hút từ lò xong còn thơm nghi ngút mùi pa-tê kèm thịt nguội được tẩm ướp đậm đà.

Không đợi nội dặn dò gì nhiều, tôi đã xách cặp rồi trèo lên chiếc xe được phủi sạch nằm từ rất lâu trong nhà kho. Trên tay còn cầm theo ổ bánh mì mà bụng reo lên cồn cào, vòm miệng muốn tứa nước miếng liên tục chực chờ "thưởng thức" bữa sáng đầy đủ.

"Không biết đường thì mở miệng ra mà hỏi? Nghe chưa thằng quỷ?" Nội vừa cầm vòi nước tưới cây xanh sau vườn, vừa hét lớn từ sân sau, nói vọng từ sau lưng làm tôi suýt thót hết tim.

Mặc dù tôi cũng đã cố hết sức mình để mở miệng ra hỏi mấy thím ở xung quanh làng như lời nội nói, nhưng cuối cùng lại chẳng thấy con đường được chỉ đâu, lung tung tứ phía làm chóng mặt thấy đầy sao. Cứ quay đầu xe tới lui thế này làm tôi sốt hết cả ruột, nơm nớp sợ rằng mình sẽ tới trường trễ ngay buổi học đầu.

"Bạn gì đó ơi, đang lạc đường hả?" Một giọng nam phát ra từ phía sau tôi, trong tức khắc vì quá sợ hãi khi bị bắt chuyện đột ngột làm tôi đứng im thin thít, cả người muốn run lên như cầy sấy.

"Cũng học ở Trường Chiều Tà? Bọn này cũng đang tính lên trường hôm đầu xem." Một bạn khác đầu tóc xoăn nâu trông hổ báo lên tiếng, lại gần tôi rồi đặt tay lên vai, cao giọng hỏi. "Sao không nói gì? Lơ tụi tôi à?"

Tôi cúi gập người giả bộ cột lại dây giày, lo sợ sự im lặng của mình sẽ tạo ra điều bất lịch sự mà người khác hiểu nhầm.

"Không... phải..."

"Gì cơ? Nói chuyện thì nhìn mặt nhau cái, dù gì cũng làng xóm láng giềng gặp mặt nhau mỗi ngày mà!" Cậu bạn khác dùng lực nhẹ xoay người tôi lại, giọng nói nhẹ nhàng hơn.

Bấy giờ, chẳng có ai đáp lại câu gì cho xua tan bầu không khí gượng gạo, tôi mới tò mò đành ti hí mắt. Hóa ra là nhóm bạn ba người, ai cũng vẻ mặt hơi ngạc nhiên nhìn tôi.

"Đậu mé, tao mà là con gái là tao yêu thằng này rồi!" Cậu tóc xoăn bắt chuyện trước đưa tay lên che miệng, lộ vẻ xuýt xoa dễ thấy.

"Tao luôn ủng hộ mày!"

"Kệ hai thằng trẩu đó đi, bạn cũng học 10A luôn à? Vậy là bốn đứa mình cùng lớp rồi." Bạn khi nãy nói giọng nhẹ nhàng đang đẩy gọng kính trượt xuống mũi lên, bất ngờ trèo lên xe tôi trong sự ngỡ ngàng.

Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra đã bị lôi kéo xuống ghé sau ngồi cho bạn dễ dẫn đường điều khiển xe đối với một đứa mù đường như tôi. Đi phía trước là hai cậu bạn kia, chúng tôi men từ con đường sỏi đá lên đường được trải nhựa bằng phẳng. Lúc chạy xe, "người cướp xe bất đắc dĩ" ngồi trước có nói với tôi vài ba câu.

"Ờ... Gọi mày - tao cho dễ... ấy nhé. Mày dân thành phố à? Nghe giọng khác hẳn."

"Ừm..."

"Ba đứa tụi tao sinh với sống ở đây nên biết hết tất tần tật, có gì không biết hỏi nhé! Bạn cùng lớp mà!"

"Ừm... Cảm ơn..."

"Tao tên là Đăng Khôi, cái thằng đầu xoăn xúp lơ nãy tỏ tình với mày tên Minh Vũ, còn cái thằng tóc bổ luống chĩa hai bên tên Gia Anh. Mày thì sao?"

"Ừm... Tên Bá Tùng... Hà Bá Tùng..."

Nói tới đây, bỗng chiếc xe vừa nãy còn đang đi bình ổn và chắc tay khéo léo, bây giờ lại xiêu vẹo làm tôi - người ngồi phía sau xe đầy rẫy nguy hiểm muốn nảy ra ngoài đường. Kèm theo đó là tiếng cười sảng khoái của Khôi làm tôi ngờ ngợ lý do.

"Phụt... Há há! Thật á? "Hà Bá" Tùng, đùa hay giỡn vậy?"

Không những thế, thằng Khôi khi tới cổng trưởng gửi xe mà miệng vẫn còn nhếch lên trông thấy rõ là ghét, còn cười khành khạch trước mặt làm tôi quên mất mấy phút trước còn tưởng nó tri thức ít nói đeo kính. Còn lôi thêm cả Vũ và Gia Anh vào nhập hội chung rồi cười tôi... thối mũi, chẳng biết còn đường nào để chui xuống lòng đất lẩn đi.

"Há há! Vậy là mày khỏi cần tìm biệt danh cho mình chi cho mất công, ba mẹ mày còn tinh ý đặt lồng tên thật với biệt danh làm một rồi!"

"Trời má, vầy nhóm tụi mình "chiêu mộ" được thêm một vị thần tối cao rồi! Khỏi lo gì đến thủy hết!"

Tuy cũng phải nhận nhiều trò đùa từ những người quen từ nhỏ, tôi cũng không khỏi bực tức, ai mà vui cho nổi khi bị người khác chòng ghẹo cái tên mà ba mẹ đặt cho cơ chứ!

"Mày coi kìa, người ta giận rồi."

"Vũ "õng ẹo" qua dỗ đi!" Tuy Đăng Khôi với Gia Anh nhỏ giọng trò chuyện, nhưng tai tôi vẫn nghe rõ mồn một.

"Tùng, Tùng, qua chỗ cuối cạnh cửa sổ ngồi đi! Bốn đứa mình "bành trướng lãnh thổ" trước không bị mấy thằng đầu gấu giành chỗ." Vũ kéo vai tôi vào lớp, không gian lớp không quá nhỏ, vẫn còn hơi sớm nên hơi lác đác vài người.

Tôi không biết nói gì đành cười trừ rồi hướng mắt ra ngoài cửa sổ suy nghĩ lát, cảm giác khoảng cách khó khăn cũng đang dần thu hẹp lại dần. Ghi nhận sự tiến bộ của tôi khi cho người lạ khoác vai hay nói chuyện thân mật bạn bè như thường.

Có những điều người ngoài nhìn vào tưởng rằng là điều hiển nhiên mà ai cũng phải vượt qua. Nhưng đối với tôi, nội từng nói rằng hành trình tôi phá vỡ sự an toàn còn khó hơn mấy trăm lần hiểu nổi tâm tư của con gái tuổi mộng mơ, dù tôi cũng nửa tin nửa ngờ, dẫu chăng vì tôi cũng chưa từng để bất cứ cô gái nào trong tâm trí để chúng tùy thích xáo trộn suy nghĩ.

Tai tôi có vẻ nhạy hơn người thường nên dù có chìm đắm trong những sắc đỏ rực màu của cây lộc vừng, tôi vẫn có thể để ý có cô gái đang từ ngoài lớp vào, trên tay cầm giẻ lau rồi bước lên bục giảng bôi bảng.

Tôi vừa định bụng sẽ lên bục giảng đưa tay ra lau giúp cô gái, nhưng sợ rằng mình sẽ làm phiền đến việc trực nhật của người ta, hay nhận lại cái xua tay cùng câu "Cảm ơn nhưng mình không cần..." Hoặc khi mới bước chân lại gần, bản thân lại lo lắng quá mức mà đứng im như tượng, mồ hôi túa ra lòng bàn tay làm cả bạn ấy sợ hãi muốn tránh xa.

Nghĩ sâu xa là thế, rốt cuộc hành động tôi lại trái với suy nghĩ rối ren. Cuối cùng vẫn nên giúp đỡ thì hơn.

Tôi kéo ghế ra đứng lên, lại gần bục giảng vươn tay giúp cô bạn đang cực nhọc với tay lên cao xóa bảng. Chắc mẩm trong bụng rằng thể nào cô gái ấy cũng sẽ chừa lại cho tôi chút mặt mũi mà để tôi lau cho xong rồi tíu tít cảm ơn. Mong rằng cậu ấy đừng từ chối.

"Ừm... Mình... giúp bạn nhé!" Tôi gõ lên vai bạn, cố gắng làm bộ mặt cún cưng mà mỗi khi xin tiền bà nội đều phải gục ngã.

Xung quanh lớp bây giờ cũng đã kha khá người, lại vô tình vang lên những tiếng la ó chói tai khó hiểu. Tôi ngẩn người một lúc lâu sau mới kịp để ý cô bạn tôi đang "giúp đỡ" hóa ra là cô gái ngày hôm qua đã "cứu trợ" tôi đi đúng hướng. Vậy coi như là "có qua có lại", càng thêm lý do khiến cô ấy không thể từ chối.

"Ghê thật! Nay có cậu trai non tơ sa chân vào lưới tình của mụ phù thủy rồi!"

"Cảnh cáo cho chú em trước! Đừng có nhìn mặt mà bắt hình dong!" Mấy đứa con trai thi nhau nhao nhao lên, làm không khí lớp càng ngày càng ồn ào thêm.

Mà nãy giờ tôi đã đứng đợi khá lâu để nhận câu trả lời của cô bạn Tâm, vậy mà nhỏ vẫn bình thản lau hết bảng, chỗ cao quá thì bắc cái ghế đỏ gần đó leo lên cao, mặt lạnh tanh như chưa từng nghe một lời đề nghị xuất phát từ tận đáy lòng từ tôi. Cuối cùng để mặc tôi thất thểu đi xuống trong sự trêu ghẹo của mấy đứa con trai lạ mặt khác, nghĩ đi nghĩ lại sao mà con nhỏ này phũ phàng quá!

"Đúng là "Hà Bá" Tùng mới nhập môn có khác, vẫn còn non và xanh lắm!" Gia Anh cao giọng nói, làm vẻ nhà bác học thông thái cung cấp thông tin mức độ nguy hiểm của đối phương trước mắt.

"Con nhỏ đó là Bảo Tâm, cái mặt thoạt nhìn thì dễ thương là vậy, biết bao thằng con trai con gái tán nó rồi, mà nó vẫn liếc mắt im re." Vũ góp đầu "súp lơ" chụm vào đáp chuyện, giọng điệu như thể oán trách cái tính thờ ơ của nhỏ.

"Mày không biết đâu! Nó còn học giỏi khiếp, làm lớp trưởng từ "lớp vỡ lòng" đến tận giờ. Cái tình thì thôi khỏi nói, kiểm tra bài thiếu một câu liền bắt bẻ, còn chọn giúp cô "đối tượng xấu số" lên kiểm tra miệng, phát hiện một miếng giấy dưới liền bắt đi trực nguyên tuần..." Khôi vừa lấy tập vở chuẩn bị ra vừa nói khe khẽ, cuối cùng lại chốt hạ một câu.

"Mà quản lớp chặt thế nên cũng được khen nhiều!"

Nghe bọn này "kể xấu hết tội ác" của con bé tốt bụng ngày hôm qua vừa giúp đỡ mình xong, tôi bần thần nguyên cả tiết học, mặc kệ lời thầy giáo Tân (hay còn gọi "chim xanh hót mãi chẳng về") dặn dò kỹ từng chân tơ kẽ tóc, lòng nghĩ vẩn vơ xem mình có nhận nhầm ai không.

Chắc là không đâu, nhỏ thoạt nhìn có vẻ không mấy đặc biệt và nhàm chán, nhưng khi vươn tay ra giúp tôi thì lại hoàn toàn khác. Nhỏ chớp sáng đôi mắt biếc, môi chúm chím cười nhẹ nhàng, khi cười khi đôi mắt biến thành dấu ngoặc tròn tinh nghịch, má thì ửng hồng lên mấy đốm tàn nhang đáng yêu, đôi tay gầy guộc nhỏ nhắn mà đỡ biết bao nhiêu là việc.

Người gì mà đáng yêu như thế, chắc chắn tôi không thể nhìn nhầm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro