III - HIỆN TƯỢNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Thế là từ thượng tầng không khí, sau khi thành được Phật ở nội tâm, chứng được Chúa ở tự thể, Krishnamurti phủi tay bỏ ngôi Chưởng giáo, bước xuống làm người, một người "không là gì hết" giữa thế giới người. Với hai bộ quần áo, vài cuốn sách, túi không, tâm không, Ông lên đường du thuyết.

Thiên hạ chờ một Thượng Đế. Ông bảo:

Không có Thượng Đế nào khác hơn con người hoàn thiện. Không có một thần uy nào ở ngoài sai khiến được con người. Không có thiên đường địa ngục nào khác hơn những cái do chính con người tạo ra. Cho nên con người chỉ có trách nhiệm đối với mình, khỏi phải trả lời với ai khác.

Thiên hạ chờ một giáo chủ. Ông bảo:

Đừng theo ai hết, cả tôi nữa. Khi anh theo người nào là anh bỏ chân lý. Chân lý không có học trò, không có tín ngưỡng. Anh đừng làm học trò cho chân lý, mà chính tự anh phải là Chân lý.

Thiên hạ chờ một siêu nhân. Ông bảo:

Siêu nhân không có. Người ta thường hình dung siêu nhân như một người khổ luyện được những đức tánh tuyệt cao. Trái lại, bậc giác ngộ không hề có những thứ đức tánh ấy, vì đức tánh ấy chỉ là cái tôi... Cái tôi nung đốt đến cực độ gọi là siêu nhân.

Thiên hạ chờ một ý thức hệ. Ông ghê tởm ý thức hệ, chung qui chỉ là những ý nghĩa đúc thành khuôn nhằm biến con người thành một loạt tôi mọi như nhau, cho nên "Ý thức hệ càng phát triển thì cá nhân và hạnh phúc càng bị chối bỏ".

Thiên hạ chờ một lý tưởng. Ông bảo nuôi lý tưởng là phủ nhận hiện tại, chạy trốn trong thời gian nhằm đạt một mục đích.

"Cuộc sống tự nó không có mục đích. Mục đích đặt giới hạn cho cuộc sống. Lý tưởng luôn luôn là cái không thực, cái mơ tưởng, cái nghịch lại. Chỉ có hiện tại là thực. Ta rêu rao lý tưởng hòa bình, lý tưởng bất bạo động, và như thế là đặt luôn nền móng cho chiến tranh".

Thiên hạ chờ một giải pháp cho vấn đề trị loạn của thế giới. Ông bảo:

"Chính cá nhân là vấn đề duy nhất, tự đó lôi kéo theo vô số vấn đề khác do sự thiếu tự tri tự ngộ của cá nhân. Đành rằng về mặt kỹ thuật có thể có một kế hoạch hòa bình thích đáng nào đó, nhưng lại không thể thực hiện được nếu không cưỡng ép, mà đã cưỡng ép thì không thể có hòa bình.

"Hòa bình không phải là hậu quả của một cuộc đấu chiến. Hòa bình không phải là mâu thuẫn với xung đột, mà cũng chẳng phải là tổng hợp tất cả tương phản.

Thiên hạ chờ một tin tưởng. Ông bảo chính con người là tin tưởng duy nhất của con người. Muốn được vậy phải hoài nghi tất cả, bất mãn tất cả, bất mãn đến chỗ tột cùng không lối thoát, nghĩa là phải nung sôi ý thức "nổi loạn" vậy. Ông nói:

"Tôi muốn thúc giục người tìm chân lý phải dám thâu hút về mình tất cả sấm sét của người đời, có thế mới trừ tuyệt được hết ươn hèn cho tâm trí".

Thiên hạ chờ một câu trả lời dứt khoát, hoặc "có" hoặc "không" cho những vấn đề lớn của cuộc sống. Đã một góc tư thế kỷ rồi, tiếng nói ấy chưa hề nói lên, và sẽ mãi mãi không khi nào nói lên. Nhiều lần bị thúc giục, Ông đáp:

"Ta muốn dứt khoát có một tiếng trả lời, "có" hoặc "không", vì tâm trí ta nhỏ hẹp. Cái gì kết luận được đều chẳng phải là chân lý.

"Anh muốn tôi biện giải cho anh rõ thế nào là tình thương trong khi anh chỉ cần thương, dễ dàng thế thôi, là thấu rõ hết.

"Một làn mây trong cảnh mặt trời lặn, anh chưa cho là đủ. Anh còn đòi thêm một thiên thần ngự trong mây nữa.

Thiên hạ chờ một thần tượng. Thiên hạ đụng phải một... hiện tượng: hiện tượng KHRISHNAMURTI.

1. Hiện tượng sống:

KHÔNG THỜI GIAN

anh không biết sống cái khoảnh khắc hiện giờ, ấy là anh chết rồi cái chính anh và cái bao la của Cuộc Sống.

Đó là hiện tượng Krishnamurti, một mình bật nổi, không mặt nạ, giữa thế hệ, thuần túy như một năng lực của Cuộc Sống. Hơn thế nữa, Krishnamurti, chính là Cuộc Sống, cuộc sống không phấn son, mộc mạc mà huyền diệu, tịnh mà động, một mà là tất cả. Cuộc sống ấy vừa là nhân, vừa là quả, vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh, tự nó đủ cho nó, đủ để mà tự chứng minh, tự hiện hữu, khỏi phải ông thầy đời thầy đạo dạy nó phải thế nào mới là hợp lý hợp tình. Lý và tình là của người đời. Vì có người nên có đời - hai đối thể - nên "người" muốn "đời" phải như thế này thế nọ, trong khi đời là đời, tự nhiên nó vậy là vậy đó thôi.

"Nhân nguyện như thử như thử

"Thiên lý nhi lai nhi lai

Thiên lý đó là cuộc sống. Cuộc sống ấy là thực tại. Cho nên muốn nắm được thực tại phải nhảy vào trung tâm điểm của cuộc sống, đừng lãng vãng vòng ngoài mà bị mê hoặc bởi những biểu tượng do người đặt ra để biểu thị cuộc sống: danh từ, tư tưởng, triết học, văn nghệ v.v... Phải đi thẳng vào cuộc sống, đừng tránh né một bên. Phải nhập một với cuộc sống. Phải tự mình là cuộc sống thì mới hiểu, nhân đó hành động mới thức thời.

Nói một cách khác, trong trạng thái nhập một ấy, hiểu cũng là sống, mà hành cũng là sống, tất cả đều tùy duyên mà ứng hiện lên từ một nguyên lý đại đồng. Cho nên sanh ra là thuận lẽ trời, mà chết đi cũng thuận lẽ trời. Hoa nở là đạo mà hoa rơi cũng là đạo. Đạo là Chân lý. Chân lý là Cuộc Sống.

Ta quan niệm cuộc sống diễn ra trong thời gian. Thời gian có quá khứ, hiện tại và vị lai. Ta đã sanh ra: đó là quá khứ. Ta sẽ chết đi: đó là vị lai.

Giữa hai giới hạn ấy là tấn bi kịch sống.

Tuy nhiên, quá khứ đã chết rồi. Còn tương lai thì chưa đến - và chẳng khi nào đến. Cả hai đều là ảo ảnh, là hư vô. Một cái đã thoát khỏi ta. Một cái ta mong đến. Hầu hết chúng ta đều đặt cuộc sống trên hai chiếc phao nổi ấy - hai bào ảnh. Còn hiện tại thoát khỏi ta, hoặc ta cố tình trốn tránh. Krishnamurti dạy rằng cuộc sống chẳng phải diễn ra liền lạc trong thời gian, mà diễn ra, tròn đầy, tuyệt đối trong hiện tại. Chỉ có hiện tại là thực.

Hiện tại là gì? Đừng nghĩ đến nó. Nghĩ đến nó thì mất nó.

Thật vậy, khi tôi vừa mở miệng nói "hiện tại" thì hiện tại đã thành quá khứ rồi. Như vậy hiện tại không phải là một khoảng phút giây nào đó, dầu li ti đến không thể hình dung gì được, vì nếu thế thì hiện tại đã "bị" kéo dài thành một kì gian lấn một phần về quá khứ và một phần về tương lai. Cho nên ta không thể nghĩ đến hiện tại được. Nghĩ đến hiện tại là một việc làm phi lý. Ý nghĩ và hiện tại không nằm chung nhau trên một bình diện.

Cùng lắm, ta chỉ có thể hình dung hiện tại như một lằn giới tuyến phi lý giữa quá khứ và tương lai. Phi lý vì đường giới tuyến không có bề dày, không có dung tích. Đó là một con đường "không". Hiện tại là một cái không vậy.

Cũng như trong hình học, điểm là chỗ cắt đứt nhau của hai đường, trong nhận thức, hiện tại là điểm cắt nhau giữa vĩnh cửu và kì gian. Điểm không có chiều dài nên "không mà có". Hiện tại không có dung tích nên "có mà không" . Các không ấy là cái vô tận.

"Tôi cả quyết cùng các anh rằng muôn vật đều sanh ra tự cái không ấy; tất cả những gì mới tinh khôi đều ứng hiện từ cái trống không ấy, bao la, vô lượng vô biên. Đó là sự thực, không phải trò tiểu thuyết hoang đường".

Cùng lắm, ta chỉ có thể gọi hiện tại là cái hiện giờ, cái chớp nhoáng, cái hiện tiền, cái khoảnh khắc. Cuộc sống diễn ra, và mới lạ mãi, trong khoảnh khắc ấy.

"Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân".

Không ai có thể nghĩ ngợi gì được về cái tân ấy, tự nó vốn không có thời gian. Ta có thể nghĩ đến ngày qua, ngày mai, vì ý nghĩ, cũng như ngày qua, ngày mai, đều nằm trên một bình diện: thời gian.

Cái không thời gian thì viên mãn từng khoảnh khắc, không nhân không quả.

Cái có thời gian thì nối tiếp mãi để trở thành, nghĩa là biến đổi từ một trạng thái tương đối này đến một trạng thái tương đối khác, và mãi mãi không lúc nào gọi là viên mãn được. Cho nên mê mà cầu mong "sẽ" được ngộ ở một ngày mai nào đó thì cái ngộ ấy chỉ là một tên gọi khác của cái mê.

Vậy phải làm sao?

Krishnamurti khuyên chấm dứt tất cả điều sở cầu, dầu cầu làm thánh làm hiền. Ngược lại, phải chứng nghiệm cái hiện tiền.

Trong hiện tiền không có ý nghĩ - nên hiện tiền không trở thành trong thời gian.

Trong ý nghĩ không có hiện tiền - nên hiện tiền là tự tại ngoài thời gian.

Khám phá, ngộ nhập được cái hiện tiền ấy là giải thoát khỏi thời gian, luật nhân quả, và đau khổ. Mọi sự tu chứng của đạo giáo, hạnh phúc, tình thương, sự thật đều tự khoảnh khắc không thời gian ấy mà thành tựu.

Krishnamurti nói:

"Sự giải thoát không nằm ở ngày mai mà cũng không có ở ngày qua. Tôi dám quyết rằng chỉ có hiện tại, hiện tại ngay bây giờ đây, mới chứa đựng tất cả sự vật.

"Cuộc sống điều hòa ở nội tâm không thể đạt được ở quá khứ, cũng như ở tương lai, mà ngay ở giao điểm của quá khứ và tương lai, tức là ở chỗ hiện giờ. Chứng được giao điểm ấy là không thấy có quá khứ và tương lai, sống và chết, thời gian và không gian. Chính cái hiện giờ ấy là sự giải thoát.

"Muốn giải thoát đừng trông cậy vào tương lai, vì tương lai không bao giờ cùng, hễ ta còn chưa hiểu thì tương lai còn kéo dài mãi. Nếu hiểu rồi thì giải pháp nằm ngay đấy, nơi gặp nhau giữa quá khứ và tương lai, nghĩa là ở chỗ hiện giờ... Hiểu được vậy là vượt qua tất cả định luật, tất cả giới hạn, là thoát khỏi nghiệp báo và luân hồi. Những thứ ấy, dầu là sự kiện thật đi nữa, vẫn mất hết giá trị, vì con người đã thường trụ rồi ở vĩnh cửu.

"Muốn sống cái ngay hiện giờ ấy - cái chân cửu ấy - anh phải xa lìa tất cả những gì thuộc ngày cũ hoặc mai sau. Tất cả những tín ngưỡng điêu tàn, những lý thuyết hư ngụy, những thần tượng, tất cả phải mất đi; và anh phải sống - như đóa hoa tỏa khắp hương thơm cho thiên hạ - tập trung hẳn vào cái hiện giờ đây, nó không phải là ngày qua hoặc mai sau, nó không xa cũng không gần. Cái hiện giờ ấy bao dong cả lý và tình trong nhịp thái hòa.

"Cái hiện giờ ấy là cái thực tại, và chỉ tự nơi đó mới hoàn thiện được cuộc sống.

"Cái hiện giờ ấy hiển hiện bất cứ đâu, nó hiện thực ở mỗi người chúng ta, toàn vẹn, tròn đầy, tự tại.

*

* *

Nhưng do đâu từ những "điểm" rời rạc, ta thấy thành "dòng" thời gian liên tục? Đó là do ký ức nằm trong tâm thức ta.

Ta có ký ức vì ta có kỷ niệm. Ta có kỷ niệm vì ta trốn sống. Ta không sống thật với tất cả nhiệt thành của con người thật, mà ta chỉ sống trên tên gọi, nhãn hiệu, biểu tượng, sống bằng sách vở, bằng kinh nghiệm của người khác. Cuộc sống dang dở để lại một kỷ niệm cũng như củi cháy dang dở để lại tro tàn. Kỷ niệm chồng chất lâu ngày kết lại thành bản ngã. Con người chúng ta là kết tinh của bản ngã ấy, nghĩa là của quá khứ vậy.

Với cái ngã ấy càng ngày càng được củng cố, con người càng biệt lập với loài người, biệt lập và loại trừ ra ngoài tất cả những gì chẳng phải là mình, tất cả cái phi ngã. Đó là đầu mối của mọi sự tranh chấp ray rức con người, từ nội giới đến ngoại cảnh, xã hội, loài người. Cái ngã ấy càng cứng rắn bao nhiêu thì cái phi ngã càng khủng khiếp bấy nhiêu. Con người đâm sợ, sợ mất cái ngã, và tất cả những gì là sở hữu của ngã. Sợ, con người cần tự vệ. Muốn tự vệ, cần tấn công. Tấn công để chiếm hữu.

Sự chiếm hữu không phải chỉ nhắm vào những của cải vật chất (tiền bạc, ruộng đất) mà còn bao gồm luôn những sở hữu tinh thần (học vấn, văn bằng) và tình cảm (yêu đương, uy tín, v.v...).

Khi tinh thần chiếm hữu đi vào đoàn thể, thì "cái tôi" được thổi phồng lên thành "cái chúng ta" mang đủ màu sắc kỳ thị: đó là tinh thần bộ lạc, quốc gia, chủng tộc. Hai trái bom Hiroshima đủ vạch trần bộ mặt của cái chúng ta ấy, chung qui đều vì sợ mà tự vệ và tấn công vậy. Và mọi cuộc xung đột, bạo động, chiến tranh, cách mạng, đều là hiện thân của lòng vị kỷ tập thể ấy nung sôi đến cực độ để bảo vệ cái tôi tập thể ấy.

*

* *

Toàn thể nền văn minh hiện đại đều xây dựng trên cái tôi ấy.

Cái tôi bắt nguồn từ quá khứ, nên mọi hành động của con người đều phản bội lại hiện tại, chối bỏ cuộc sống, trốn tránh sự thực. Càng vùng vẫy, con người càng chìm đắm thêm giữa mâu thuẫn và khổ đau, càng cảm thấy thấm thía hơn tất cả nỗi phi lý của kiếp người.

Sống là phi lý. Làm gì cũng là phi lý. Mà chết quách đi cũng là phi lý. Tất cả đều là phi lý: đó là tiếng nói của thời đại - của cái tôi.

Vậy bài toán đặt ra là giải thoát con người khỏi cái phi lý ấy - mà cũng đừng thay thế vào đó bằng cái hữu lý nào khác.

Nói một cách khác, chỉ đả phá chứ không xây dựng, chỉ phủ nhận chứ không chấp nhận lại, vì lẽ trên quan điểm hiện thực, phủ nhận tức là chấp nhận, đả phá tức là xây dựng, không làm gì hết là làm tất cả, hiện tại tức là toàn thể thời gian, cái không tuyệt đối bao gồm luôn cái có tuyệt đối.

Do đó, con đường giải thoát là con đường vô vi: không đuổi theo thời gian mà dừng lại ở hiện tiền. Cái hiện tiền ấy tự nó là viên mãn, nên thân chứng vào cuộc sống không đòi hỏi chút công khó hoặc thời gian nào.

"Anh có thể được giải thoát, nhưng phải ở hiện tại, ngay bây giờ đây, chứ không phải ở ngày mai".

"Ngay bây giờ đây" là đoạn tuyệt với quá khứ nằm ở ký ức, ở bản ngã, và nhất là ở tâm thức con người.

2. Hiện tượng tri:

KHÔNG SUY NIỆM

khi tâm trống không mọi vật của trí, khi trí trống không mọi niệm của tâm thì có tình thương: chỉ có cái không mới là vô tận.

Cái nghiệp quái gỡ nhất của con người chúng ta là... suy nghĩ. Thật vậy, ta nghĩ suốt ngày đêm, khi đi đứng nằm ngồi, và cả trong giấc ngủ. Xem tranh đọc sách cũng là nghĩ. Tưởng nhớ cũng là nghĩ. Chiêm bao cũng là nghĩ. Lắm khi bực mình ta muốn ném quách sự đời, không thèm nghĩ nữa. Nhưng không nghĩ cũng là nghĩ: nghĩ cái không nghĩ. Cái vòng lẩn quẩn!

Ta có cảm tưởng có nghĩ thì trong người mới được thăng bằng, bằng không ta sẽ mất thế đứng, và rơi vào hư vô mất. Ta sợ cái hư vô ấy. Càng sợ càng nghĩ.

Vậy, suy nghĩ tức chạy trốn cái hư vô ấy, chạy trốn trong thế giới ảo tưởng do mình tạo ra bằng những ý nghĩ. Chính cái việc chạy trốn ấy mà ta gọi là tìm chân lý.

"Không phải ta không đủ khả năng hiểu chân lý mà chính ta xua đuổi chân lý bằng cách bám níu vào ảo tưởng".

Bám níu: đó là bản năng tự vệ của con người.

Con người không thể sống được với một trí óc trống không, mà luôn luôn phải bám níu hết ý nghĩ này đến ý nghĩ khác, có thế mới được thăng bằng - cái thế thăng bằng mỗi lúc bị phá đổ và lập lại mãi. Cả cuộc đời chúng ta đều kết bằng những chuỗi sợ và mưu toan trốn ấy. Có bao giờ chúng ta dám đừng sợ, đừng trốn nữa, mà thử gan lỳ nhìn thẳng vào cái hư vô ấy coi nó là cái quái gì, thực hay giả?

Nếu ta dám nhìn thẳng vào hư vô ấy, vào dòng tâm niệm ấy, ta sẽ thấy gì?

"Mặc dầu tư tưởng tác động mau, chuyển gấp, vẫn có những lỗ trống, những khoảng ngưng từ ý nghĩ này nhảy qua ý nghĩ khác. Giữa hai ý nghĩ luôn luôn có một khoảng lặng im cắt đứt hẳn dòng diễn tiến của tư tưởng. Xét kỹ, ta sẽ thấy khoảng lặng im ấy không thuộc về thời gian. Khám phá, nhận rõ được khoảng trống ấy là thoát ly khỏi mọi ràng buộc".

Thật vậy, chúng ta nghĩ liên miên như dòng nước chảy, nhưng thỉnh thoảng có lúc ta không nghĩ. Đó là những phút giây kỳ diệu nhất của cuộc sống, trong ấy hoàn thành tất cả công trình siêu việt nhất của loài người. Trong khoảng vô biên không tư tưởng ấy, con người trở thành bao la giữa cái bao la của vũ trụ. Trí óc không bồn chồn nữa mà lặng im đi; tự khối im lặng ấy, ánh sáng tự bừng ra, và ta hiểu, hiểu thấm thía, rốt ráo, chứ không phải hiểu vụn vặt bằng trí thức suy luận.

"Sự hiểu biết đến với chúng ta bằng những tia chớp, và phải có những khoảng im lặng thì tia chớp mới xẹt được. Sự hiểu biết không phải ở lời nói xuông, mà cũng không dính dấp gì đến suy luận. Suy luận chỉ là nói xuông, nên suy luận không hiểu gì ráo.

"Sự hiểu biết đến với chúng ta tự khoảng cách giữa hai tiếng nói, trong khoảng ấy tiếng nói chưa thốt ra, chưa tạo thành ý nghĩ.

"Khoảng cách giữa hai tiếng nói", ấy là cái hiện tại không có thời gian, cái hiện tiền không có tư tưởng, phi lý mà huyền vi, không mà là tất cả. Đó là nguồn động lực tự đó muôn vật hóa sanh. Đó là nguồn ánh sáng và tình thương, tự đó hàng đạt đức phát ra những đợt sóng bác ái, hàng đạt đạo chứng ngộ chân lý, và ở một bình diện thông thường hơn, hàng văn nghệ sĩ khơi nguồn mỹ cảm.

Hơn ai hết, người nghệ sĩ thường được diễm phúc sống những phút giây bao la không suy niệm ấy, tâm tư ngưng đọng, trí óc lắng im, những phút giây "không" để cho nghệ thuật tự chọn chữ, gieo vần, pha màu, nắn cung bực. Say sưa trong sáng tạo, người văn nghệ hòa đồng với tác phẩm, với trời đất, thân chứng vào vĩnh cửu.

Vĩnh cửu không có thời gian, nên văn nghệ phẩm không hề lỗi thời, giữa giòng biến dịch chứng lẽ Bất Động.

Vĩnh cửu không có tư tưởng, nên văn nghệ phẩm không nhằm nói lên gì hết, thể hiện cái Vô Cùng.

Vĩnh cửu không có tâm, nên văn nghệ phẩm tùy duyên mà thành tựu cái Tâm Đại Đồng.

Nhưng rồi tác phẩm chấm hết, rồi nghệ sĩ nắn nót ghi thêm vào đó một danh hiệu, kèm theo ngày tháng. Quả là một trò sang đoạt phủ phàng!

Tác phẩm vốn vô tâm mà tạo ra, nay chuyển sang làm của riêng của một cái tôi xấu hổ.

Tác phẩm xây dựng lên trong một cơn hứng không thời gian, nay thời gian in dấu vào làm một vật lưu niệm giữa dòng đời trôi chảy.

Tác phẩm thành hình trong khoảng nhập thần không suy niệm, nay niệm dấy lên, và so đo cân nhắc, tung ra chợ đời làm mồi câu danh lợi.

"Thử xem các nhà thi sĩ nhạc sĩ văn nghệ sĩ: lẽ ra các ông ấy phải là vô danh, tách lìa khỏi tác phẩm mình. Nhưng hầu hết lại thích ký tên vào tranh. Họ muốn chức tước và địa vị đó".

*

* *

Từ lúc những người làm văn nghệ, hoặc nói chung chúng ta, gọi tên lên là bắt đầu có xáo trộn, cái giả đánh tráo vào cái chân, cái danh chiếm chỗ cái thực.

Thật vậy, tên gọi là một phù hiệu dùng để chỉ sự vật. Sự vật một khi đã thông đạt rồi thì tên gọi quên luôn. Nhưng trên thực tế thì tên gọi càng ngày càng đồng hóa thành sự vật, thay thế luôn sự vật. Cái danh chôn vùi cái thực, như một nhãn hiệu dán lấp một món hàng.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vui lòng với những nhãn hiệu ấy. Chúng ta suy luận, chọn lựa, đánh giá gì cũng đều nhắm vào những nhãn hiệu ấy. Cho đến ngay chúng ta cũng biến thành nhãn hiệu nốt. Con người là nhãn hiệu. Xã hội là nhãn hiệu. Chân lý là nhãn hiệu. Đó là thế giới ảo tưởng của danh từ: từ một "cơ" tâm, con người tạo ra một "cơ" giới múa máy bằng những "cơ" sự. Cho nên, "Cùng một đóa hoa, thấy bằng mắt là một việc, còn thấy bằng danh từ lại là một việc khác nhau".

Thấy bằng danh từ là thấy bằng cái tôi - cái tôi phóng ra ngoại giới làm đối tượng cho cái thấy.

Cái tôi, nhìn ở góc cạnh khác là thế này:

Con người là một cái toàn thể, không phải lý mà cũng chẳng phải tình, không phải tâm mà cũng chẳng phải vật. Nhưng rồi bỗng dưng con người nổi lên một ý muốn kỳ cục: muốn tự mình nhìn thấy lại mình cho thỏa thích như chàng Narcisse thỏa thích ngắm bóng mình in trên dòng nước. Tự đó có phân tâm, và con người sa đọa vào vô minh và đau khổ. Tự đó, cùng ở một người tách làm hai: có người sống và người nghĩ; có người hành đồng và người quan sát người hành động; có người hát và người nghe hát. Người nghe hát là một phân thân của người hát - là cái tôi vậy. Kết quả là con người tự đồng hóa hẳn với cái tôi.

Nói rộng ra, tất cả những gì con người đồng hóa vào đó thì đó chính là cái tôi.

Cái tôi của ông nhà giàu là tủ bạc.

Cái tôi của thí sanh là mảnh bằng.

Cái tôi của gã si tình là cô gái.

Cái tôi của ông chính khách là kế hoạch bình trị.

Cái tôi của ông tu sĩ là cảnh giới siêu hình nào đó, trong đó hoặc ông thành một cái gì, hoặc ông tự hủy trong hư vô.

Đặc biệt hơn, con người đồng hóa với tương lai để mong thành một ước nguyện: cái tôi là thời gian.

Con người đồng hóa với tư tưởng mình: cái tôi là tư tưởng:

"Cogito ergo sum" (Tôi "nghĩ", tức là "tôi" có thật).

"Nếu không có người tư tưởng thì không có tư tưởng. Chính tư tưởng phát sanh ra người tư tưởng. Người tư tưởng sống nhờ kinh nghiệm, tạo ra thời gian, và chính đó là nguồn lo sợ".

Vậy người ta tư tưởng vì người ta khát khao được hiện hữu, được trở thành một cái gì đó ở ngày mai vì ở hiện tại người ta sợ hư vô, sợ "không là gì hết".

"Các anh không là gì hết. Anh có thể có của cải, chức vị, tên tuổi, tiền bạc gởi nhà băng, có thế lực và danh vọng nhưng tất cả những thứ che chở ấy không che nổi cái không là gì hết của anh. Có thể anh không ngờ, hoặc không thèm biết đến cái không ấy, nhưng nó vẫn sờ sờ đó, dầu anh cố tránh... Anh không thể tiếp xúc với cái hư vô ấy. Anh với hư vô chỉ là một hiện tượng, không phải hai dòng diễn biến riêng rẽ".

Suy niệm là động tác riêng rẽ ấy nhằm giúp cái tôi trở thành một cái gì, hoặc không trở thành gì hết, vì hoặc tiêu cực hoặc tích cực, hoặc muốn thành tiên thánh, hoặc tự tiêu diệt đi, vẫn là muốn cả, vẫn là đặt cái tôi làm chủ đích. Cho nên nghĩ là nuôi dưỡng cái tôi: "suy niệm là bản năng tự vệ của tự ngã".

Nguồn gốc của cái tôi là quá khứ, nên nghĩ là phủ nhận hiện tại, chối bỏ thực tại. Do đó có mâu thuẫn.

Nói một cách khác, mâu thuẫn sở dĩ có vì ta hiện giờ là thế này ta muốn trở thành thế khác, theo một hình tượng nào đó. Ta bóp chết con người hiện tại để dựng tượng cho con người ngày mai, hình dung theo một đường lối suy tư nào đó. Ngày mai đã không khi nào nắm được trong khi hiện tại lại thoát khỏi ta, ấy thế là có mâu thuẫn và xung đột. Cho nên khi con người nhân danh một ý thức hệ nào đó, cả đến ý thức hệ đạo giáo, mà rêu rao một kế hoạch hòa bình là đồng thời đặt luôn nền móng cho chiến tranh. Lấy "trị" mà trừ "loạn", đời càng thêm loạn. "Trị" không thể là một ý thức hệ. Ý thức hệ là loạn - loạn từ gốc, từ nội tâm.

Cũng vậy, vì nội tâm loạn nên ta ao ước ánh sáng. Ao ước ánh sáng tức là khép chặt kết cửa nẻo trước ánh sáng. Ánh sáng không thể là một niềm ao ước. Ánh sáng không có thời gian, không thể là một ý niệm, một lý tưởng, một mục tiêu, một mâu thuẫn. Ngược lại, nếu trước mắt ta không có mục tiêu thì làm gì có mâu thuẫn? Không mâu thuẫn thì sự thật hiện liền trước mắt. Trong sự thật không có thời gian, không có cái tôi. Sự thật không thể suy ra được.

* *

*

Thử hỏi ta suy nghĩ bằng cách nào?

Nghĩ tức là nhớ. Không nhớ, không thể nghĩ.

Không kỷ niệm, không thể có suy niệm.

Không khuôn mẫu, không thể chê khen.

Không tiêu chuẩn, không thể suy luận.

Khuôn mẫu, tiêu chuẩn, kỷ niệm nằm ở ký ức của cá nhân và cả của loài người.

Ký ức của loài người là lịch sử, nơi ghi chép những oán thù truyền kiếp giữa các nước.

Ký ức của cá nhân là tiềm thức, nơi chất chứa mọi điều buồn đau tủi hận, những mơ ước không thành cũng như mọi kiến thức.

"Ký ức tạo ra ngày qua, ngày nay và ngày mai. Ngày qua chi phối ngày nay, và uốn nắn ngày mai... Đó là một dòng diễn tiến liên tục nhằm kéo dài để mà trở thành".

Trở thành nghĩa là lặp đi lặp lại mãi, với ít nhiều sửa đổi bên ngoài, mà bên trong vẫn là cái cốt cũ ấy ướp khô giữa những mốc meo của quá khứ. Chính cái lặp đi lặp lại mãi ấy ta gọi là cuộc đời, là sự thật - cuộc đời và sự thật dưới mắt của ký ức.

Trái lại, dưới mắt người giác ngộ, cuộc đời là một lò sáng tạo phi thường, chưa hề lặp lại; trái đất này không phải đã sanh ra ở một thời cổ lỗ nào đó, mà hiện giờ vẫn đương sanh, và ngày mai lại sẽ sanh. Không giây phút nào chúng ta không đứng trước một cuộc sáng thế - sáng thế ở ta, và quanh ta.

Thử coi: trong số năm sáu tỉ người trên trái đất này, chưa hề có hai người giống hệt nhau: đó là cái tuyệt đẹp của cuộc sống. Ta tưởng chừng như thiên nhiên tạo xong người nào là đập ngay cái khuôn ấy. Cuộc sống không giữ khuôn. Cuộc sống không có khuôn.

"không nhằm tạo ra những kiểu mẫu. Sự sống tạo ra chúng ta khác nhau hết, và ta thành tựu là thành tựu cái dị biệt ấy, chứ không phải rập khuôn".

Không rập khuôn: đó cũng là cái chí thiện của thiên nhiên.

"Trong đời, kẻ mạnh bạo có thế lực, có quyền oai thì ngồi trên cao, còn kẻ yếu hèn phải gục đầu dưới thấp. Bây giờ ta thử ngắm cây kia, ngược lại, toàn thể sức mạnh nâng đỡ thân cây đều trụ ở bộ rễ nằm sâu kín dưới đất, còn trên cao là lộc non, mầm hèn, cành yếu.

"Trong xã hội loài ngưòi, theo tổ chức hiện nay, kẻ yếu nâng người mạnh và có thế lực, còn trong thiên nhiên thì cái gì mạnh và cứng lại nâng cái yếu hèn.

Thế mới biết cái mà ta gọi là "cạnh tranh sanh tồn" chỉ là một triết lý suông nhằm thỏa mãn cái tôi hiếu chiến và ham chiếm hữu.

* *

*

Cuộc sống không có cái tôi nên cuộc sống không triết lý. Triết lý nhằm nuôi sống cái tôi, nên tìm chân lý ta chỉ gặp được cái tôi, và mọi biến thể của cái tôi. Nghĩ đến sự thật là phản lại sự thật. Sự thật là một sự kiện, không phải là một ý nghĩ. Sự kiện là cái gì trước mắt, rất cụ thể, đang diễn tiến và diễn biến, ngẫu nhiên và vô tận.

Ý nghĩ là cái gì rất trừu tượng, đứt nối kết vào nhau trong quá trình nhân quả.

Cái gì vô tận thì mãi mãi sáng tạo, luôn luôn mới.

Cái gì đứt nối thì mãi mãi lặp lại, luôn luôn cũ.

Cho nên nghĩ tức đem cái cũ ra đo lường cái mới - cái cũ rút ra từ kho ký ức.

Sự thật không có ký ức, nên sự thật là một năng lực không nguyên nhân, là ngọn lửa không khói.

Ký ức bám đầy khói nên ý nghĩ là một trò tái diễn "buồn nôn".

Hàng giác ngộ không có ký ức nên các ngài tự nhiên yêu đời - đời là một trường thiên diễn giàu sang không cùng, mà người là những diễn viên chưa hề cũ.

"Mỗi ngày anh đi làm về nhìn lại gia đình phải thấy vợ con mới lạ tưởng chừng như mới thấy nhau lần đầu".

Đó là lời khuyên của hàng đạt đạo thấu triệt được chân tướng của đời: đời không hề lặp lại, nên "nhất kiến bất khả tái kiến".

Chúng ta nặng mang ký ức nên sống, đối với chúng ta, chỉ có nghĩa là lặp lại, nghe lại, thấy lại, nhớ lại. Không phải đời nhớ, mà cái tôi nhớ. Chẳng hạn như lần đầu ta ngắm một cảnh mặt trời lặn, ta thấy thích. Lần sau ta tìm xem lại cảnh ấy, và ta hết thích. Ấy chỉ vì lần đầu ta không có ký ức nên ta trực tiếp nhìn và cảm cảnh hoàng hôn, màu sắc bảng lảng biến đổi từng giây phút trên nền trời. Lần sau ta có ký ức nên ảnh cũ chồng lên ảnh mới. Ta sanh chán. Đời đáng chán là vậy. Ta chán đời? Hay đời chán ta?

Vậy nên ta cần đề phòng những cái mà thiên hạ gọi là "bài học lịch sử", là "khuôn vàng thước ngọc", là kinh nghiệm. Ở đâu có khuôn thước, có bài học là ở đó không có sự thật và sáng tạo. Ở đâu có kinh nghiệm là ở đó có lặp lại. Sự thật không lặp lại. Lặp lại sự thật là láo khoét. Cho nên kinh nghiệm với sự thật không đi đôi nhau. Sự thật và thiếu kinh nghiệm chỉ là một.

Ta nghĩ để làm gì? Để tìm sự thật ư?

"Tìm sự thật là một cái vô nghĩa, là xoay lưng với sự thật. Sự thật không có chỗ trụ, không có đường vào... Khi anh tìm sự thật, anh chỉ gặp toàn vô minh, vì động cơ giục anh tìm sự thật vốn đã là cái vô minh rồi. Anh không thể tìm sự thật. Anh phải buông dứt hết đi thì sự thật lộ ngay trước mắt".

Ta tìm sự thật bằng cách nào? Bằng suy luận ư? Suy luận là từ cái đã biết diễn ra cái chưa biết.

Cái đã biết là ký ức, kinh nghiệm, tủ sách, là cái tôi nằm ở quá khứ.

Cái chưa biết là cái chân thiện mỹ, là đạo, là bổn thể của muôn vật, là chân tướng của sự sống chết, v.v...

Từ cái tôi, người ta chỉ có thể diễn ra một cái tôi khác, tinh vi hơn; không thể nào diễn ra được cái chưa biết, cái thực.

"Anh không thể nào nghĩ được cái anh chưa biết. Suy niệm chỉ có thể hoặc nhận hoặc chối, chứ không tìm ra hoặc khám phá được cái mới nhưng nếu suy niệm im đi, là có cái mới.

"Trí óc phải bặt đi trong im lặng hoàn toàn. Sự im lặng đó chỉ có được khi trí óc không tìm tòi nữa, không dấn vào cuộc trở thành. Trí óc phải hoàn toàn bất động. Trí óc chỉ có thể bất động khi nó không còn là trường kinh nghiệm, nghĩa là khi nó hết chỉ trỏ và đặt tên, không xếp loại và tích trữ gì hết trong ký ức... Chỉ khi nào toàn thể tâm thức bất động và trầm lặng, hết bôn ba để trở thành là lúc ấy bừng mở rộng và tiếp nhận cái bao la vô tận... Trí óc không lường được cái không có hạn lượng. Ta không thể nói gì về thực tại - khi ta nói đến thực tại thì không còn là thực tại nữa.

Đó là con-đường-không-đường vào chân lý.

Khrishnamurti nói:

"Hãy chết đi cái kỳ gian. Chết đi toàn thể quan niệm về thời gian - quá khứ, hiện tại và vị lai. Chết đi những hệ thống, những biểu tượng, chết đi những tên gọi vì đó toàn là mầm thúi nát. Chết đi tâm thức của anh, vì chính nó tạo ra cái thời gian tâm lý... Chết đi ở mỗi phút, mỗi ngày, ở mỗi việc làm, chết đi ở niềm vui thoắt đến, và ở nỗi khổ dằng dai", và kết luận:

"Đối với suy tư, tham thiền là thoát ly thời gian. Vì lẽ trí óc là sản phẩm của thời gian, suy tư phải dứt đi để cho thực tại hiển hiện.

"Chỉ khi nào trí óc cởi mở hết suy niệm thì lúc ấy mới tiếp nhận được cái hiện tiền, cái vĩnh cửu, cái thực.

Cái thực ấy là cái hằng ngày diễn ra trong cuộc sống, ở trong ta, ở ngoài ta. Và chỉ cái thực ấy mới giải phóng được con người, chứ không phải là tư tưởng, kế hoạch, chánh sách hoặc hiền thánh, siêu nhân nào.

Cái thực ấy cũng chính là tình thương. Tình thương ấy là tâm đạo.

"Người có tình thương mới thật là tâm đạo, vì đạo chân chánh không dựng trên tín ngưỡng, giáo điều. Người có tình thương mới thật có đạo tâm, dầu thương một người hay thương nhiều người.

"Tình thương là cái hiện tiền, cái tột cùng, cái không đo lường được, cái tất cả.

Tình thương là Biển Đại Giác, thâu gồm ba đời trong khoảnh khắc: Một trong Tất Cả, Con Người trong Vũ Trụ. Toàn thể là một bầu Nguyên Thỉ trong ngoài thông suốt, phản và chiếu nhau trùng trùng theo nhịp cảm ứng đại đồng:

"Ôi trùng dương tràn ngập lòng ta

"Một ngày sống đủ trăm mùa hạ.

"Bạn ơi,

"Nơi anh ta ngắm khuôn mặt ta

"Khuôn mặt Người Yêu thương mến lạ!

(Khúc Ca Tình Thương)

3. Hiện tượng hành:

KHÔNG CHỦ ĐÍCH

hành động nhằm đạt một mục tiêu, thành một lý tưởng, là đuổi theo bóng dáng của chính mình phóng ra ngoài, đó là hành động của con chó chạy xẩn quẩn sau đuôi nó.

Sống là hành động, điều ấy quá hiển nhiên, không có gì phải đặt thành vấn đề. Toàn thể cơ cấu thịt gân xương của chúng ta đều tổ chức nhằm quy vào hành động. Hành động là sống.

Tuy nhiên, dưới ánh sáng của thực nghiệm, sống với chết chẳng phải hai hiện tượng khác nhau. Hãy chết đi ở tên gọi, thì sống hay chết không thành vấn đề, mà cái chủ yếu còn lại chỉ là hành động. Nên ta không thể nói hành động "là" sống, càng không thể nói hành động "để mà" sống. Nói "để mà" là nói cố ý, nói mục đích, nói dụng tình - nói cái tôi đặt thành động cơ để hành động. Ánh trăng rơi trên dòng nước há có ý điểm cho nước một tinh thần? và dòng nước in bóng trăng há vì tình mà tô cho ánh trăng một sắc thái? Tất cả hiện tượng trong trời đất, cũng như ở con người, đều tự nhiên mà có, không nhắm đến một mục đích nào, không "để mà", không "bởi vì", mà cùng lắm ta chỉ có thể nói:

pour être, être simplement

Xa hơn chút nữa, ta cũng đừng nên quá dễ dãi mà quyết đoán rằng "hành động" là phản nghĩa với "phi hành động", hoặc vô vi là phản nghĩa với hữu vi. Đó toàn là danh từ. Đừng theo danh mà bỏ thực. Thực là thế này:

Khi tôi chán "làm" thì tôi nói tôi "không làm" nữa, nhưng không làm vẫn còn là làm, làm cái không làm.

Khi tôi chán đuổi theo ngoại cảnh thì tôi lại đuổi theo nội tâm: nội tâm là một tên gọi khác của ngoại cảnh.

Khi tôi vứt hết tiền bạc để được an nghèo thì cái nghèo ấy vẫn là một thứ tiền bạc, dầu có phần cao thượng hơn: an thân hay an tâm đều là "cầu an" cả; cầu để kéo dài và xác định cái tôi.

Nói tóm lại, dầu tiêu cực hoặc tích cực, dầu muốn có hoặc muốn không, đều là muốn cả. Làm là muốn, không làm cũng là muốn; muốn đạt một mục đích, dầu mục đích ấy là "nát với cỏ cây" vẫn là mục đích, vẫn nhằm thỏa mãn cái tôi đặt làm trung tâm cho cuộc sống.

Ngược lại, khi tôi không đặt một mục đích cho cuộc sống thì cuộc sống bỗng dưng không còn là một vấn đề để giải quyết. Ngoài vòng hấp lực của cái tôi, không còn gì nữa để mà thắc mắc, không có mâu thuẫn nào nữa để mà giải trừ. Lúc ấy thì tôi làm hoặc không làm đều ung dung như nhau, bặt hết tinh thần cầu cạnh. Không cầu cạnh để trở thành, tức ngưng lại để tự tại. Không phải ngoài cái trở thành có cái tự tại, hoặc tìm cái tự tại bằng cách khướt từ cái trở thành. Từ cái trở thành đến cái tự tại không phải là một tràng diễn tiến theo đường thẳng, mà đó là một cuộc đột biến, một cuộc biến chất, một hiện tượng Alchimie tinh thần không thời gian, không nhân quả.

Vậy, vấn đề đặt ra không phải là làm hoặc không làm, mà là làm trong tinh thần nào. Đó là điểm huyết mạch. Tự mình bắt được căn mạch ấy tức là khám phá được chân tướng của hành động. Nắm được chân tướng ấy là chặt đứt được guồng máy vô minh, và trả lại cho con người cái ánh sáng nguyên thỉ làm bằng thực tại và tình thương. Lúc ấy thì làm và không làm đều là đạo tâm cả?

Tự thuở con ngưòi biết vận dụng khối óc thì vấn đề TRI và HÀNH đã được đặt ra gay gắt cho con người. Người ta hỏi nhau:

nên TRI trước HÀNH sau?

nên HÀNH trước TRI sau "

nên...? nên...?

Đặt vấn đề như trên thì rõ ràng cuộc sống không còn cụ thể như cái bàn tôi đang ngồi viết đây, trong đêm khuya này, dưới ánh đèn này, mà tất cả đều bị "khái niệm hóa", và trở nên trừu tượng, siêu hình.

Tri không còn là cái thấy biết thực của đôi mắt, dễ dàng làm sao, mà biến thành cái "khái niệm về tri".

Hành không còn là việc tay nắm chân đá, rõ ràng là thế, mà biến thành cái "ý nghĩ về hành". Phù hiệu thay thế cho sự vật. Cái giả hóa thành cái chân. Thực tại bị đồng hóa với ý nghĩ.

Nhưng, đời là đời, mà ý nghĩ là ý nghĩ. Con người thích nghĩ thì cứ nghĩ, mặc sức mà phê phán, phân tách, đặt vấn đề, kết luận.

Đời không nghĩ thì đời cứ tự nhiên mà diễn biến, không "tại sao", không "bởi vì", không "để mà", không gì gì hết.

Con người thích nghĩ nên con người thích làm thầy đời - thầy của đời.

Đời là đời, không lý không tình, mà cũng không có ai là thầy cả.

Thế nên khi con người nghĩ thì nói đời "phải" như thế này thế nọ, nhưng đến lúc bắt tay vào việc thì thường chỉ làm thôi chứ không nghĩ, hoặc làm ngược với ý nghĩ, hoặc bỏ lý bắt tình. Con người chỉ duy lý ở sách vở.

Cho nên vấn đề tri hành chỉ được nêu lên khi con người đứng bên lề cuộc sống. Nếu con người đứng ngay giữa dòng đời, mặt nhìn tận mặt, thì không có gì là vấn đề cả.

Cũng vậy, khi tôi dụng trí để tìm hiểu một bụi trúc chẳng hạn, thì liền đó có vấn đề "tôi", và vấn đề "bụi trúc". Cái quan hệ đối với tôi là vấn đề, chứ không còn là bụi trúc. Bụi trúc đã bị khái niệm hóa thành vấn đề; và nếu, bằng một xảo thuật nào đó, tôi giải quyết được cái gì đó, thì hiển nhiên cái đó là "vấn đề" bụi trúc, chứ chưa phải là "bụi trúc". Cái tài ảo thuật của suy niệm là vậy. Cho nên đặt vấn đề tức là trốn sự thật. Sự thật không dính dấp gì đến vấn đề. Giải quyết vấn đề không có nghĩa là giải quyết sự thật. Giải quyết vấn đề "sống", không có nghĩa là giải quyết cuộc sống. Thế nên cuộc sống của chúng ta không lúc nào thiếu vấn đề. Càng giải quyết vấn đề càng làm rắc rối thêm cuộc sống. Cuộc sống chẳng phải là một vấn đề.

Vậy, thử hỏi nên TRI trước HÀNH sau?

Vâng, hầu hết chúng ta đều nghĩ vậy. Ta tin rằng muốn hiểu sự thật trước hết phải có một số vốn kiến thức nào đó, càng nhiều càng tốt. Có kiến thức mới biết nhận định và suy luận ra sự thật.

Có biết sự thật thì hành động mới hợp lý.

Tuy nhiên, đời là đời, cần quái gì đến lý. Lý phải theo đời, sao bắt đời theo lý? "Nhập giang tùy khúc", sao bắt dòng sông phải uốn khúc theo thuyền?

Hơn nữa, sự thật không phải một món hàng "tiền chế" chung cho mọi người, mọi thời đại, lúc nào cần cứ đem ra mà dùng. Trái lại, chân lý không lặp lại. Cái gì lặp lại là trò láo.

Chân lý là cái gì đang diễn ra trước mắt ta đây, và từng khoảnh khắc mới mãi, tròn đầy mãi. Biết là biết dòng diễn tiến ấy, nhận kịp những cơ sự độc đáo ấy ở hiện tại. Cái biết ấy hẳn không đòi hỏi một số kiến thức nào, mà kiến thức còn gây trở ngại nữa. Kiến thức nào cũng là những khuôn nếp ấp ủ trong bóng tối của vô số ngày qua, và chồm lên hiện tại khi ta suy nghĩ. Cho nên cái tri ấy chỉ là cái tri lỗi thời. Và cái hành ấy chỉ là lặp lại tuồng cũ tích xưa.

Nên HÀNH trước TRI sau?

Tri làm gì trước sự việc đã rồi? Cái tri ấy chỉ độc chuốc hận. Đành rằng có ân hận, có ăn năn là có sửa đổi. Tuy nhiên, việc đã qua là qua hẳn, trời không sửa được. Việc chưa đến thì biết gì mà sửa? Còn việc hiện tại thì có bao giờ diễn lại đâu mà mong dùng lại bài học cũ. Không có cái dại nào giống cái dại nào, cũng như không có ngày nào giống ngày nào. Vậy đã trót dại đừng mong dại mãi sẽ thành khôn. Đừng mong rút ở dĩ vãng những kinh nghiệm nhằm soi sáng công việc của hiện tại. Kinh nghiệm chỉ là bó đuốc soi sau lưng.

Tuy nhiên, những kiến giải trên vẫn là triết lý suông. Con người đã dùng khối óc để đặt cuộc sống thành vấn đề. Rồi con người lại dùng khối óc để luận giải vấn đề. Cho nên dầu luận giải cách nào, con người vẫn loanh quanh trong vòng lẩn quẩn của khối óc.

Sống không phải là một vấn đề. Đừng nghĩ đến sự sống. Hành động không phải là một vấn đề. Đừng đem ý nghĩ đặt giới hạn cho hành động.

Hành động là một sự kiện rất cụ thể, của hiện giờ. Vậy, muốn thích ứng với hiện giờ, đừng tìm gì ở ngày qua, ở ngày mai.

Muốn sống thực, đừng tìm gì ở cái chết của kỷ niệm, của sách vở. "Hãy dứt hết kiến thức đi thì tâm trí mở thông". Tâm trí thông thì hành động "hợp thời vụ". Ngược lại là hành động không thức thời.

* *

*

Thật vậy, thử hỏi ta hành động bằng cách nào?

Mọi việc làm của ta đều bắt đầu bằng một ý nghĩ. Vậy hành động là sản phẩm của ý nghĩ.

Phóng tầm mắt vào sâu thêm chút nữa ở bên trong, ta dễ nhận thấy ý nghĩ là một sức phản động của trí nhớ: trí nhớ, trước những kích thích nào đó, phản động lại bằng một ý nghĩ. Vậy, ý nghĩ là sản phẩm của trí nhớ. Do đó ta có thể kết luận rằng hành động là sản phẩm của một sản phẩm, một thứ sous-produit tâm lý - một cặn bã. Qua những quá trình của tác động và phản động nối tiếp liên miên trong vòng nhân quả, từng lớp cặn bã nhiễm độc đầu óc con người. "Khối cặn bã ấy là cái tôi". Đó là cơ cấu của bộ máy tâm thức quy định tất cả hành động vị kỷ của con người.

Cái tôi mượn suy niệm để kéo dài, mượn hành động để trở thành, nhờ tương lai mong hoàn tất một chủ đích. Đó là những mắc nhân quả móc nối vào nhau trong cái thế mâu thuẫn do suy niệm dựng lên vì bản chất của niệm là mâu thuẫn.

Sự vật tự nó không mâu thuẫn. Mâu thuẫn chỉ có khi ta đến với sự vật bằng một tâm trạng nào đó, hoặc muốn chiếm đoạt hoặc muốn ruồng bỏ, hoặc nhận hoặc chối - nghĩa là khi ta đến với sự vật bằng một ý nghĩ.

Cũng vậy, cuộc sống tự nó không có mâu thuẫn. Mâu thuẫn chỉ có khi ta đến với cuộc sống bằng một ý nghĩ: nhận định, khen chê, mong muốn, v.v... Ta hiện là thế này. Ta muốn trở thành thế khác. Ta bỏ thực tế mà vói đến lý tưởng vậy. Giữa thực tế mà ta trốn tránh, và lý tưởng mơ hồ như bóng ma, có một khe hở. Ta nghĩ, ta làm là bắt một nhịp cầu qua khe hở ấy.

"Nếu không có ý nghĩa thì sao? Lập tức, anh loại trừ ngay khoảng cách ấy, anh thế nào thì hiện y thế ấy".

"Hiện y thế ấy" là nhân chứng hiện tại, cái hiện tại không nghĩ bàn gì được. "vì hiện tại tức là hành động, ngoài ra không còn hành động nào khác".

Ý nghĩ nuôi sống cái tôi kết khối ở quá khứ, và đòi trở thành ở tương lai. Trở thành bằng chủ đích gán vào hành động. Trí óc con người, như một trái lắc, chỉ có thể đu đưa giữa hai giới hạn ấy: dĩ vãng và tương lai. Đó là một cuộc chạy trốn. Chạy về trước để nuối tiếc, hay chạy về sau để mong thành, đều là chạy trốn cả: trốn hiện tại, trốn thực tại. Cho nên hành động có chủ đích chỉ là hành động giữa một vòng tròn, mà trung tâm điểm là cái tôi.

Cái tôi đặt giới hạn cho hành động. Ý nghĩ theo dõi và uốn nắn hành động. Hành động quay xung quanh ý nghĩ. Ý nghĩ buộc chặt hành động. Đó là bộ mặt của hành động có chủ đích, nhằm thực hiện một lý tưởng.

"Anh đang là thế này. Anh muốn trở thành thế khác. Hẳn nhiên, cái khác ấy chỉ do tư tưởng anh tạo ra... Tư tưởng phóng đại lý tưởng ra ngoài. Lý tưởng nằm trong phạm vi của tư tưởng. Lý tướng tức là tư tưởng vậy".

Lý tưởng, chính là cái tôi.

Cái tôi có vô số mặt nạ, dùng vào vô số chủ đích khác nhau. Chủ đích càng có vẻ "chí công vô tư", càng tiêu cực, thì mặt nạ càng tinh xảo hơn, dễ lừa ta hơn - hay chính ta thích được lừa để được an tâm?

Cho nên nuôi lý tưởng từ thiện chẳng hạn không phải là từ thiện mà chính là trốn tránh từ thiện. Hoặc tôi thương, hoặc không thương, chứ không thể sẽ thương. "Sẽ" thương tức "không lúc nào" thương, vì tình thương, cũng như cái chân, cái mỹ, chỉ biết có hiện tại: tại đây, và ngay bây giờ đây.

Cho nên, đuổi theo cái gì, ta chỉ gặp lại ta dưới một khuôn mặt khác. Đuổi theo mục đích chân thiện mỹ, ta vẫn gặp chân thiện mỹ, song là thứ chân thiện mỹ của vô minh, của tranh chấp, của khổ - nghĩa là những bóng dáng của chính ta. Trái lại, chân thiện mỹ thực không phải là lý tưởng lấp láng ở ngày mai, mà là thực tại, không thời gian, cần nhận ra tại đây, trước mắt đây. Nhận ra được thì hành động tự nhiên là vô tư, không vụ lợi: đó là hành động giải thoát. Không nhận ra được thì càng vùng vẩy càng bị trói buộc, vì sự vùng vẩy ấy chỉ kéo dài thêm quá khứ và gây thêm đau khổ cho mình và cho người. Đó không phải là hành động mà chỉ là hoạt động, của một con chó chạy quây tròn sau đuôi nó.

"Hoạt động có một quá khứ và một tương lai, còn hành động thì không. Hành động luôn luôn trụ ở hiện tại, và do đó, trực tiếp, tức thời.

"Cải biến là hoạt động, không phải hành động, nên cái gì được cải biến là phải cải biến mãi, không thôi. Cải biến là phi hành động, nghĩa là một thứ hành động bắt nguồn từ mâu thuẫn.

"Hành động thì tức thời, và đặc biệt là bặt hết mâu thuẫn, còn hành động, dầu nhất trí thế mấy vẫn dẫy đầy mâu thuẫn.

"Hoạt động cách mạng nào cũng bị xé nát giữa mâu thuẫn nên không thể giải thoát được.

"Tranh chấp, chọn lựa không thể coi là yếu tố giải thoát, chọn lựa là hoạt động không phải là hành động, vì chọn lựa dựa vào một ý nghĩ.

"Trí óc con người có thể dấn vào mọi hoạt động nhưng không thể hành động. Hành động phát ra từ một nguồn khác kia.

Vậy, hành động không chủ đích là gì?

Đó là hành động của người không ngã.

Vì không ngã nên không niệm.

Vì không niệm nên không cầu.

Vì không cầu nên không hướng tới đâu cả, tức an trụ ở hiện tại.

Ở hiện tại, con người không vói tới để chiến thắng mà ngưng lại để hòa đồng.

Con người không phải là một răng cưa giữa guồng máy để mà phục tòng như hạng hạ nhân.

Con người càng không phải là người thợ máy đứng cao lên để mà ngự trị như hạng siêu nhân.

Con người là con người, không là gì hết, mà là tất cả.

Tất cả là không.

Cái không ấy, ta đừng đem chữ nghĩa, học thuyết, kỹ thuật, chánh trị, đừng đem bất cứ gì lấp đầy nó.

"Ta cứ để tâm trí hoàn toàn trống không thì tự nó, nó lấp đầy lấy".

Nó lấp đầy bằng những xác chết của quá khứ, của suy tư, của triết lý.

Nó lấp bằng tình thương và ánh sáng.

"Tâm trí lúc ấy đi vào giai đoạn bất động. Bất động không có nghĩa là chết, mà đó là trạng thái vừa tinh tiến vừa tiêu cực, bặt hết suy nghĩ. Đấy là trạng thái rung cảm tuyệt độ. Khi tâm trí hoàn toàn bất động ở mọi bình diện là thật sự có hành động. Hành động ấy không có nguyên nhân, và chỉ lúc ấy mới có hạnh phúc. Hành động ấy không dựa vào tư tưởng, không đếm xỉa đến sự thưởng phạt. Đó là hành động không thời gian, vì trí óc con người, vốn nằm trong guồng máy thời gian, guồng máy so đo tính toán chia rẽ và cách biệt, không tham dự vào đó được".

Chỉ có hành động ấy mới là giải thoát, giải thoát khỏi thời gian, khỏi suy niệm, khỏi chủ đích. Tất cả ảo tưởng do con người tạo ra từ cái tôi hư giả bỗng chốc đổ vỡ, và con người hiện nguyên hình là con người - con người toàn diện, hợp nhất, và vô tận.

Con người vô tận. Cuộc sống cũng vô tận. Đem cái vô tận bên trong ứng đối với cái vô tận bên ngoài, đó là hành động của hàng giác ngộ.

Thật vậy, cuộc sống là một trường thiên diễn, một lò "sáng chế" độc đáo, tuyệt đẹp, tuyệt lành. Mỗi cơ sự mới mẻ diễn ra từng giây phút, đòi hỏi ở con người một sự đáp ứng tức thì. Sống là đáp ứng. Và đáp ứng đúng giấc, nghĩa là đáp ứng ngay khi cơ sự vừa diễn ra, trả lời tức thì khi đời vừa lên tiếng hỏi. Giữa câu hỏi và câu trả lời tuyệt không một kẽ hở để cho ý nghĩ và thời gian xen vào. Đó là hành động thức thời của một tâm không trả lời cho thế sự. Thế sự thì không lúc nào là chẳng mới, mới từng phút giây, nên hành động cũng độc đáo theo, không lúc nào giống lúc nào, tự đủ ở mỗi màn, tự tròn đầy ở mỗi cảnh, tự nó đủ chứng minh cho nó, ngoài tất cả lý do và cứu cánh.

Đó là "hành động" của miếng kiếng: kiếng nhận tia sáng nào là phản chiếu lại ngay, cùng một lúc. Tia sáng nhận được là hỏi. Tia sáng phản chiếu là trả lời. Hai sự việc, một quá trình, diễn ra đồng thời, không ý niệm, không chủ đích.

Sở dĩ không ý niệm vì bổn thể của miếng kiếng vốn là không: kiếng in hình, chiếu hình, nhưng không "giữ" hình.

Trí óc chúng ta, ngược lại, là "kho giữ hình", nên giữa câu hỏi và câu trả lời luôn luôn bị ngăn cách bởi một thời gian, do đó ta hiểu chậm, trả lời trễ, hành động mất thời gian tánh. Thời gian ngăn cách ấy, dầu ngắn ngủi mấy, cũng đủ cho vô số ý nghĩ chen vào để mà tưởng nhớ, đánh giá, lừa lọc, và nhất là chọn lựa.

Nếu anh thấy được rằng cái gì sờ sờ trước mắt đều sáng tỏ cả thì không có gì phải chọn lựa, quyết định lôi thôi, mà chỉ có hành động thôi, và câu hỏi: "không biết tôi phải làm sao?" không còn đặt ra cho anh nữa. Hành động không tùy thuộc vào sự chọn lựa. Hành động phát sanh từ sự chọn lựa là hành động điên đảo.

Chọn lựa là chọn lựa giữa hai, bỏ một, lấy một. Do sự chọn lựa, con người được đề cao là con vật có tự do. Vấn đề tự do cho con người như một quyền thiên liêng khả dĩ đánh giá được con người.

Tuy nhiên, tự do là "chọn lựa giữa hai lấy một". Vậy, khởi điểm của tự do là mâu thuẫn. Từ nội tại, sự mâu thuẫn ấy chuyển mình qua tất cả tiến trình của tự do, nên không lúc nào là tự do chẳng bị xé nát giữa mâu thuẫn. Chẳng thế mà luân lý, luật pháp, chế độ nào cũng qui định rằng tự do là tự do trong khuôn khổ nào đó, chứ không thể có tự do suông. Chẳng thế mà từ đời thuở nào loài người chúng ta không ngớt tranh đấu cho tự do mà vẫn chưa hề hưởng được chút tự do nào, dầu "tự do trong khuôn khổ nào đó". Ấy chỉ vì tự do là một cái phi lý, như tất cả những phi lý khác do trí óc vẽ vời ra.

Tự do là tự do chọn lựa, chứ không phải tự do không chọn lựa. Không chọn lựa, thật vậy, tức là chọn lựa cái không chọn lựa. Sự chọn lựa là nền tảng của thể tánh được chọn lựa, không phải nền tảng của chọn lựa. Đó là cái phi lý của tự do (J.P. Sartre: la liberté est liberté de choisir et non liberté de ne pas choisir.

Ne pas choisir, en effet, c'est choisir de ne pas choisir. Le choix est le fondement de l'être choisi, mais non pas fondement du choisir. D'où l'absurdité de la liberté).

Do đó hàng đạt đạo không cần tự do, vì các ngài không thể, mà cũng không hề muốn làm gì thì làm, nhưng "trong những điều kiện nhất định, các ngài chỉ có thể làm một việc nhất định". Việc làm nhất định đó là việc làm tức thì để ứng đối với hiện tiền. Cái hiện tiền không có mâu thuẫn, nên hành động khỏi cần đến tự do để cân nhắc thiệt hơn.

"Chỉ những khối óc thiếu minh mẫn mới phải chọn lựa trong cuộc sống. Người thật sự minh mẫn không thể chọn lựa gì hết, vì khối óc nhất định phải thấy sự thật, và do đó nhất định nhận ngay con đường phải đi. Khối óc minh mẫn tác động và phản động một cách tự nhiên, và với một năng lực cao độ nhất. Nó tự đồng hóa hồn nhiên với cái phải. Tuyệt nhiên nó không thể chọn lựa. Chỉ có khối óc hèn kém mới có tự do tự quyết".

Có tự do tự quyết là vì có vấn đề.

Không có vấn đề thì không bị cấu xé giữa những mâu thuẫn của tự do.

Tự do là... ràng buộc.

Tự tại mới là giải thoát.

Giải thoát không phải là cứu cánh, nên hành động không có chủ đích nào cần đạt tới, mà chỉ cốt đáp ứng thôi, đáp ứng tại đây, và hiện giờ đây.

"Hiện giờ có đầy đủ ý nghĩa hơn ngày mai. Trong hiện giờ bao gồm toàn thể thời gian, và hiểu cái hiện giờ là thoát ly thời gian.

"Trở thành là nối tiếp thời gian, nối tiếp đau khổ.

"Trong trở thành không có tự tại. Tự tại luôn luôn trụ ở hiện tại.

Sống tự tại là sống bằng trực quan, nhận thẳng cuộc đời đang diễn ra trước mắt.

Nhận thẳng thì tri thẳng. Tri thẳng thì hành thẳng. Toàn thể hệ thống tương quan giữa người và người, và vũ trụ, tự nhiên biến thành một dòng cảm ứng huyền diệu và nhịp nhàng. Con người không phải là anh, là tôi, mà cũng là ngọn suối đang chảy kia, là cụm rừng rì rào gió mới, là bụi cỏ còi trên phiến đá, là toàn thể vũ trụ không thỉ không chung, là tất cả. Trạng thái hòa đồng ấy, cái vui bất diệt chan hòa ánh sáng và tình thương ấy, là gì? Ta thử nghe sau đây đôi lời tâm sự của người trong cuộc rì rào qua tác phẩm Commentaries on Living, 3rd series:

Đây là Trang Châu hóa bướm:

Mọi vật dường như qui tụ vào chị ta và nhận chị làm chung một. Chị không phải là một thực thể riêng rẽ mà là một phần của anh của tôi của cây me. Chị không đi trước mặt tôi, nhưng chính là tôi đang đi, đầu đội thúng. Đấy chẳng phải là ảo giác, mà là một cuộc thể nhận tự nhiên và lập tức.

Đây là cái động của Tôn Ngộ Không nhảy qua bàn tay bất động của Phật Như Lai:

Trong hư không không có gì hết chuyển lên một sức động, nhưng sức động ấy lại là bất động. Đấy là một sức chuyển động bao la, sâu thẳm, không chiều hướng, không lý do, khởi đầu từ vành ngoài, và đi với một tốc độ kinh khủng vào trung tâm - một trung tâm không là đâu hết giữa khối bất động, giữa khối chuyển động.

Đây là thế giới duyên cảm:

Lúc ấy, vòm cây trở thành cao vút. Tất cả đều thuộc về nó: mảnh đất, con sông, người ta và ngôi sao. Chốc nữa đây, cây sẽ thâu mình vào giấc ngủ cho đến sáng mai thức dậy với tia nắng sớm.

Đây là khúc "tiêu dao du"

Tại đây, giữa đồng quê và trên chiếc xe lửa lắc lư, sự sống dàn ra như một ân huệ không cầu xin mà cũng không ai ban cho cả. Cuộc sống hiển hiện đó cho mọi người, cũng như cho đóa hoa vàng mảnh khảnh kia nở sát đường rầy. Trong xe lửa, người ta nói cười hoặc đọc báo sáng, và sự sống vẫn là đó, giữa mọi người, cũng như trong nụ tầm xuân.

Đây là cảnh giới "vô lượng quang":

Ánh chiều tà ngả trên lùm cây, giải khắp làng... nhưng "đó" là thứ ánh sáng không khi nào tắt, sáng mãi mãi. Lạ lắm, tuyệt không một ngấn bóng mờ trong ánh sáng; anh không thể nào để bóng anh ngã trên đó được... Hoặc anh mở mắt, hoặc anh nhắm mắt, ánh sáng vẫn là đó mãi, không thể bắt nó đem vào nhà thờ.

Đây là màn lưới ngọc vua Trời Đế Thích:

Anh nhập làm một với cảnh thanh vắng huyền diệu ấy. Không một bóng chim. Bầu không khí ngừng im, và cây không cử động dựa đầu vào nền trời xanh. Cánh đồng xanh mướt và phì nhiêu là trung tâm của vũ trụ; còn anh, ngồi trên phiến đá kia, anh nhập làm một với trung tâm ấy... Anh nhập làm một với cánh đồng xanh, với phiến đá cứng ấy, với trời xanh, và hàng cây trang nghiêm ấy.

Và đây, Lưu Nguyễn vào Thiên Thai:

"Hãy lượm một mảnh vỏ ốc. Anh có thể ngắm nó, say sưa vẻ đẹp tế nhị của nó, mà không khen nó tốt, hoặc hỏi nó là của con vật nào, được không? Anh có thể ngắm nó mà tuyệt nhiên không một ý nghĩa vẩn đục tâm hồn, được không? Nếu được, anh sẽ khám phá một điều mầu nhiệm: một chuyển động ngoài vòng đo lường của thời gian, một mùa xuân không biết đến mùa hạ.

Đó là hình ảnh của Krishnamurti - con người không hào quang - xô cửa huyền vi mà đi vào pháp giới.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro