Hình bóng nào trong tim? (chương 4)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 4.

 Hạ My đánh xe vào một khu phố nhỏ. Những ngôi nhà ở đây đa phần đều cũ kỹ, cao nhất cũng chỉ có hai tầng và một chiếc tum nhỏ. Mái nhà chủ yếu vẫn là mái xi măng hoặc ngói đỏ mà trước kia người ta vẫn chuộng để lợp nhà.

 Xe dừng lại trước một ngôi nhà hai tầng nho nhỏ, cửa cổng bằng sắt được sơn màu trắng ngà. Tôi bảo My ngồi đợi trong xe rồi bước xuống, nhấn chuông hai hồi. Một lúc thì cửa gỗ bên trong mở ra, Linh Trang thò đầu ra khỏi cửa, chớp chớp mắt. Tôi vẫy tay với con bé, nó mở lớn mắt rồi toét miệng ra cười.

“A, dì Linh Đan!!! Mẹ ơi, dì Linh Đan !”

  Chị tôi chạy ra, lúc này chị đang đeo tạp dề.

“Em tới đấy à? Đúng lúc ghê, chị đang chuẩn bị nấu cơm.” Chị vừa nói vừa loay hoay mở  cổng.

Tôi nói “Chị đừng nấu nữa. Mấy chị em mình cùng đi ăn.”

Chị tôi ngó ra phía sau lưng tôi, trông thấy Hạ My ngồi trong xe, liền gật đầu. “Ừ, đợi chị một lát.”

 Một lát sau chị ra ngoài khóa cửa lại. Bé Trang được bọc trong chiếc áo phao điệu đà màu hồng nhạt, tai chụp một cái chụp tai bọc len ấm áp. Hai má con bé bị nẻ, hơi hồng lên, đáng yêu vô cùng. Mà chị tôi lại ăn vận thật giản dị, một chiếc quần khaki đen bóng, chiếc áo dạ ngắn có thắt đai màu trắng.

 Sau khi cả ba đã ngồi vào trong. Hạ My nhìn vào gương chiếu hậu, thốt ra một câu.

“Đúng là gái một con trông mòn con mắt, chị Lan à, chị cứ như vậy uổng quá!”

 Chị tôi hơi bối rối, gài một nhúm tóc lòa xòa ra sau tai, không nói gì. Mà tôi lại thấy trong lòng bức bối, như một con rắn trườn bò trong tim, tôi nhìn nó “Mày nói gì vậy, anh rể tao không phải đang ở nước ngoài sao.”

Nó vừa khởi động xe vừa nói, giọng hối lỗi. “Ừ, tao quên mất, bố bé Trang vẫn đang ở nước ngoài.”

 Bốn chúng tôi vào một nhà hàng lẩu vịt nướng. Gọi một con vịt nướng béo múp, nồi lẩu lăn tăn sôi giữa bàn. Bé Trang cầm một cái đùi thơm giòn, hít một hơi, sau đó há miệng cắn. Chị tôi nhìn con gái cười “Đúng là lâu rồi chị không đưa nó đi ăn ngon thế này. Bình thường gửi nó ở nhà trẻ, tối về mệt mỏi, chỉ nấu cơm ăn cho xong bữa, mà dỗ con bé ăn mất rất nhiều thời gian.”

Hạ My nhúng một miếng thịt mỏng vào nổi lẩu, sau đó đưa vào bát chị. “Chị cũng ăn đi chứ, cứ nhìn mãi mà làm gì.”

“Lý do cho bữa ăn là gì hả hai đứa?”, chị tôi cười.

“À, lý do thứ nhất là em đã quyết định bỏ công việc người mẫu, về nhà buôn cám lợn cám gà…”, Hạ My nói, giọng cố tình vui vẻ nhưng vẫn nghe ra chua xót, “…lý do thứ hai là, đã cắt được một cái đuôi phiền phức…”. Nghe nó nói, tôi nhớ lại nụ hôn khủng khiếp với nó hồi sáng, dù chỉ là môi chạm môi, vẫn thấy lợm giọng, bèn nhè miếng thịt trong miệng ra tờ giấy ăn, ném xuống thùng rác bên dưới chân, mà nó vẫn cứ tiếp tục, “…lý do thứ ba là…chả có lý do gì cả. Hahaha…”

 Tôi liếc mắt nhìn nó, cười như mếu vậy mà cũng cười được.

  Tôi nhớ lại ngày đầu tiên nó ký hợp đồng làm người mẫu. Lúc đó, nó kéo tôi vào một nhà hàng sang trọng, gọi bao nhiêu là món ngon. Tôi nhìn nó, thấy mắt nó sáng rực, long lanh long lanh, miệng cứ liến thoắng mãi không thôi. Nào là sau này tao sẽ nổi tiếng hơn cả Hà Anh, Xuân Lan, sẽ được diễn trên sàn catwalk ở Milan, ở Paris, sẽ suốt ngày được lên trang bìa Cosmopolitan hay Vogue, ELLE, mày nhìn đến phát ngán thì thôi, còn ông già tao sẽ phải lác mắt…

 Thế mà giờ…

 Thực ra cuộc sống không phải lúc nào cũng như mình mong muốn, cứ thích là được. Nếu dễ dàng như vậy đã không có cái gọi là tham vọng, là ảo tưởng, là ghen tỵ. Nếu thứ gì cũng ở trong tầm tay, người ta sẽ không quý trọng. Mà những thứ ở xa tầm tay, người ta sẽ dùng mọi cách để chiếm giữ. Nếu có thể chấp nhận những thứ thuộc về mình, thấy đủ, biết giới hạn nào là cực hạn, nên dừng lại, thì sẽ cảm thấy hạnh phúc rất gần mình thôi.

 Hạ My đã biết dừng lại.

 Còn tôi, không thể dừng lại…tôi không thể dừng việc nhớ đến anh…Nỗi nhớ của tôi cũng là tham vọng, tham vọng nhớ, tham vọng không thể quên. Tôi rất sợ việc mình sẽ quên mất khuôn mặt anh như thế nào. Có những đêm, tôi mơ mình đã quên mất khuôn mặt anh, lập tức vùng dậy, thò tay xuống dưới đệm lần tìm tấm ảnh đã chụp trộm anh nhiều năm về trước. Sau đó tôi cứ ngồi ngắm anh như vậy. Tôi bắt mình phải học thuộc từng đường nét, từng biểu cảm của anh, thuộc như học thuộc mặt chữ vậy. Tôi sợ ngay cả khuôn mặt anh tôi cũng không nhớ được, thì sẽ có ngày tôi cũng quên mất việc mình đã từng yêu anh, yêu đơn phương anh, mối tình đầu sâu đậm.

 Tôi yêu anh ngay cả khi anh đã cưới chị tôi.

 Tôi yêu anh ngay cả khi anh cùng chị chìm đắm trong hạnh phúc với đứa con mới chào đời.

 Tôi yêu anh ngay cả khi anh không còn nữa.

 Tôi yêu anh nên tôi sẽ không ngừng nhớ anh. Tham vọng và ảo tưởng của tôi là yêu anh trong hồi ức. Vì thế mới nói, những thứ ở xa tầm tay, người ta sẽ tìm mọi cách để chiếm giữ.

 “Đan, em làm sao vậy?”, tôi bừng tỉnh khi chị tôi gọi tôi.

“À, không sao, lẩu cay quá…”, tôi gạt nhẹ khóe mắt, “…em vào phòng vệ sinh chút, mấy người cứ ăn đi nhé.”

 Tôi lật đật đứng dậy, lúc ra khỏi cửa vẫn cảm thấy ánh mắt chị đang nhìn mình.

 Sau khi vã nước lên mặt cho tỉnh táo, tôi lau lau tay rồi bước ra khỏi phòng vệ sinh. Đúng lúc ấy cũng có người từ phòng bên cạnh bước ra. Chúng tôi ngẩn ra nhìn nhau. Cuối cùng là tôi mở lời trước, dù sao cũng là sếp của mình.

“Chào anh, anh cũng đi ăn ở đây ạ?”

 Anh ta nhìn tôi, chậm rãi gật đầu. “Ừ”.

Chợt nhớ ra lúc sáng anh ta đã nhìn thấy, bỗng nhiên tôi ngượng ngùng, “Thế…tôi đi hướng này, không làm mất thời giờ của anh nữa.” Tôi gật đầu chào rồi quay người đi.

Một bàn tay mát lạnh nắm tay tôi kéo lại, tôi bị giật ra sau, suýt nữa ngã vào người anh ta.

“Sáng nay…”, Việt An mở lời.

Tôi không quen có người khác giới chạm vào mình như vậy, liền rụt tay về. “ Buổi sáng anh nhìn thấy đều là hiểu lầm hết. Nói nhỏ nhé, tôi giúp cô bạn tôi đá anh chàng kia…”, tôi thì thào.

“À, ra vậy…”, sếp Việt An cười như không cười, “…Đúng thế. Ai cũng có thể, nhưng cô thì không thể.”

 Tôi bị câu nói của anh ta làm cho tò mò. “Vì sao vậy? Sao anh nghĩ tôi không thể là les?”.

Nhưng anh ta chỉ lắc đầu, bỏ lại một câu, “Chào cô nhé.”

  Lúc quay lại bàn ăn, Hạ My đang đổ một đống rau vào nồi lẩu, nó ngẩng lên nhìn tôi trách “Mày đi gì mà lâu vậy?”

“Ừ. Gặp người quen.”

“Ai thế? Sao không mời người ta vào đây?”

“Người ta cũng có bạn của người ta, không tiện.”

 Ăn tối xong, Hạ My lái xe đưa chị Linh Lan và bé Trang về nhà trước. Sau đó hai chúng tôi vào một quán karaoke trên đường TDH, chọn một phòng nhỏ, gọi một két bia Ken và đồ nhắm. Khi người phục vụ ra khỏi phòng, Hạ My chồm lấy cái mở bia, khui liền mấy chai đặt lên bàn. Nó đưa cho tôi một chai, cũng lấy một chai khác, “Uống cho đã đi mày.”

 Chúng tôi cùng ngửa cổ tu ừng ực.

 Tôi chẳng phải ham hố bia bọt gì, nhưng những lúc cao hứng tôi cũng uống được kha khá.

Hạ My cầm mic, chọn bài “Thằng Tàu lai”, nhạc lên, nó cũng hát vống lên.

“ Thằng bạn mình mẹ người Hoa bố nó ta…

Thằng Tàu lai…rất bô trai………………….”

Ngay từ hồi học đại học, hễ đi hát karaoke thì nhất định Hạ My sẽ hát bài này. Nó bảo nhạc và lời bài này hay hay, tưng tửng, rất giống tính cách của nó. Cũng có lúc tôi hát song ca với nó, cảm thấy bài này tuy có dở hơi thật nhưng ca từ của nó cũng dân dã và chân thật lắm.

 Hát đến đoạn “…hai đứa đau, chỉ biết nhìn nhau….”, thì cả hai chúng tôi quay ra nhìn nhau, lại ngửa cổ lên tu một hơi.

 Đến lượt tôi, nghĩ đi nghĩ lại, tôi chọn bài “Khoảnh khắc”.

Nhạc rất buồn, lời cũng rất buồn.

“Chỉ còn một chiếc lá…cuối thu…mỏng manh….

Chỉ còn một mình em…xót xa…chờ anh…

Chỉ còn đêm nay, mai lá kia rơi…

Chỉ còn đêm nay, mai lá kia rơi….

Khi mùa thu khuất nơi cuối trời….giọt nước mắt khô không lời…

Người về đây với em…….”

 Tôi không nhìn vào màn hình, hát lộn xộn, nhạc lộn xộn, lời cũng lộn xộn, tim tôi…còn lộn xộn hơn.

 Hạ My ném cho tôi một tờ giấy, giọng nghèn nghẹn. “Lau đi mày. Buồn chết đi được.”

Tôi ngẩn ra nhìn nó, rồi nhìn tờ giấy, sau đó đưa tay lên mặt. Trời ạ, tôi khóc từ bao giờ không biết, vội lấy tờ giấy lau đi.

“Thôi, uống tiếp.”

 Tôi chạm chai với nó “Cốp” một tiếng, rồi lại uống.

 Hôm đó chúng tôi hát đến hai mươi bài, uống hết hơn nửa két Heineken, chủ yếu là Hạ My uống, tôi chỉ uống hết ba chai, còn lại uống túc tắc. Tàn cuộc, Hạ My nằm úp trên sopha, tay buông thõng, vẫn cầm một chai bia, miệng lảm nhảm gì không rõ. Tôi cũng say, nhưng không đến nỗi nằm ngay đơ như nó, lục túi của nó tìm được số điện thoại của lái xe nhà Hạ My.

“Chú ạ, cái My nó say lắm rồi, chú đến đưa nó về hộ cháu. Địa chỉ là…”

 Nhìn chú lái xe khoác vai nó đặt vào trong xe rồi lái đi, tôi cũng xiêu vẹo rời khỏi quán. Gió mùa đông thổi làm lật tung vạt áo dài, tóc cũng cuốn lên rối tung rối mù, nhưng hơi lạnh làm tôi tỉnh ra một chút. Ban nãy thanh toán xong tiền ở phòng hát, tôi cũng cạn túi, mà giờ này thì làm gì còn xe buýt.

 Hay gọi bố mẹ ra đón. Thôi, có lẽ giờ này bố mẹ cũng ngủ rồi.

Đi bộ vậy.

 Tôi hoa hoa mắt, nhìn hàng gạch lát đường dưới chân cứ như tranh ba chiều, loạn hết lên. Mà đèn đường vàng vọt càng kích thích khiến mắt có cảm giác khó chịu. Mấy tên thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chen chúc nhau trên một chiếc xe máy, phóng vụt qua, ném lại tiếng trêu ghẹo cùng huýt gió.

 Một cảm giác chua chua lợm lợm từ dưới dạ dày quặn thắt, đẩy lên cổ họng. Tôi bước líu ríu về phía một gốc cây ven đường, gập người xuống, nôn thốc nôn tháo.

“Ụa…”

“Ụa…”

  Đột ngột một bàn tay to đặt lên lưng tôi, vỗ nhẹ. Tôi hơi run lên, nhưng cũng mặc kệ là ai, chỉ biết là người ta có lòng tốt muốn giúp mình. Tôi tiếp tục nôn, mà người kia cũng vẫn nhẹ nhàng vỗ vỗ lưng tôi.

 Sau khi cho hết những gì đã ăn cả ngày hôm nay ra ngoài, tôi cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Người qua đường đó liền đưa cho tôi một chiếc ăn mùi xoa. Tôi nhìn cổ tay áo người đó, một chiếc sơ mi có màu sáng bên trong, bên ngoài là áo vest. Tôi nhận chiếc khăn, đó là một chiếc khăn tay màu trắng, lau sạch miệng. Sau đó ngẩng đầu lên định nói cám ơn.

Sững sờ.

Là sếp Việt An.

“Ơ…anh…”

“Ừ, là tôi.”

“Cám ơn anh.” Ba lần tình cờ gặp mặt trong một ngày, liệu có phải là có duyên không. Tôi hơi ngại vì bị sếp bắt gặp toàn những lúc chả ra làm sao. “Về nhà tôi sẽ giặt sạch khăn và mang trả anh”.

“Ừ, cũng không cần lắm.”

Tôi im lặng, thực sự là trong hoàn cảnh này chẳng biết phải nói gì. Nôn xong, đã khá tỉnh táo, đầu óc chỉ còn hơi váng vất, mắt vẫn hơi có cảm giác hoa lên. Tôi cần phải về nhà ngay, từ đây về nhà, tôi nhìn về phía biển đề tên đường, chắc phải đi bộ gần một tiếng.

 Sếp nhìn vào mặt chiếc đồng hồ Rolex, giọng nói không nghe ra ngữ điệu gì. “Đã gần 12 giờ đêm, cô định về nhà thế nào?”

“Tôi…đi bộ.”

 Sếp Việt An nhìn bộ dạng ngất ngư của tôi, thoáng nhăn mày. “Một cô gái đêm hôm đi một mình không an toàn đâu. Hơn nữa cô còn không tỉnh táo.”

“Ai bảo anh tôi không tỉnh táo? Không tỉnh táo mà tôi vẫn đứng nói chuyện với anh đường hoàng thế này ?”

“Vậy lúc nãy ai là người đi hình số 8, còn trượt chân mấy lần.” Sếp nhếch môi cười.

“A…hóa ra anh theo dõi tôi. Bảo sao tôi cứ thấy lạ làm sao mà tình cờ gặp anh nhiều như vậy.”

“Tôi nói cô không tỉnh táo cô còn cãi. Hoang tưởng! Tôi đi ngang qua, chẳng may đập vào mắt thôi. Mà tôi vốn là người tốt…”.

Ồ, thì ra anh ta là người tốt…

“Vậy anh tốt thì tốt luôn một thể, lái xe đưa tôi về đi, dù gì anh cũng biết nhà tôi mà…”.

 Về sau khi nghĩ lại, đêm hôm đó đúng là tôi không tỉnh táo, quá không tỉnh táo. Nếu không tôi cũng không vô duyên vô dạng đi nhờ anh ta như vậy. Bình thường tôi vốn kiêng dè anh ta, cùng với khuôn mặt như sắt như đồng của anh ta.

    Ngày hôm sau tỉnh dậy, đầu đau như búa bổ, tôi mò xuống dưới nhà, vắng lặng như tờ. Bố mẹ đi chơi đâu thì phải. Trên mặt bàn có đặt một cốc chanh mật ong và một tờ giấy “Uống đi cho tỉnh rượu, đồ ăn sáng trong bếp.” 

 Tôi nhấc vung của nồi hấp, thì ra là xôi đỗ, vấn còn nóng hổi, trong bụng thầm cám ơn mẹ. Nhìn lên đồng hồ treo tường ngoài phòng khách, gần 7h30, có đi làm cũng không kịp. Thế là tôi gọi vào số cố định đặt trên bàn sếp để xin nghỉ buổi sáng. Một hồi lâu sau mới có người bắt máy, lại không phải là giọng Việt An.

“ Đan à, sếp sáng nay có cuộc họp… Ừ, mệt thì nghỉ đi, chiều đỡ thì tới công ty cũng được, chị thưa lại cho.”

 Thế là tôi yên tâm ở nhà nằm ườn cả buổi sáng. Bật hơn một trăm kênh TV, chọn bừa một kênh về khám phá thiên nhiên. Trên màn hình là một con sư tử đang nấp trong đám cỏ khô vàng vùng châu Phi hoang dã để rình một đàn sơn dương. Sau khi rình rập chán chê, nó lao vào đàn sơn dương bằng tốc độ khủng khiếp, ngoạm ngay vào đùi một chú. Chú sơn dương đen đủi giẫy cật lực nhưng không thể thoát khỏi nanh nhọn và vuốt sắc của sư tử kia. Cuối cùng nằm chết thằng cẳng. Sư tử ngoạm lấy sơn dương rồi lôi về một cái ổ đằng sau mấy phiến đá to. Thì ra ở đó có mấy chú sư tử con đang chờ mẹ đem thức ăn về. Chúng nhảy tưng tưng mấy bước đến chỗ con vật đã chết, cắn xé ngon lành.

 Đúng là trên đời mạnh được yếu thua, quy luật sinh tồn là vậy. Một chú sơn dương chết đi nuôi sống được một đàn sư tử. Ai mà biết những con sư tử kia sau này sẽ không bị mấy tên săn trộm bắn giết cơ chứ.

 Con người nói chung vẫn là độc ác nhất.

 Khi tôi vừa rút ra được kết luận này thì điện thoại nhấp nháy, trước giờ tôi không thích để chuông sợ làm phiền người khác.

 Số máy  của sếp hiện lên trên màn hình. Tôi vội ngồi dậy ngay ngắn, hít một hơi, sau đó ấn nút nghe.

“Vâng.”

“Lúc nãy cô gọi tôi có việc gì?”

“Ơ,….tôi gọi điện xin nghỉ sáng nay.” Tôi có gọi vào di động của sếp đâu nhỉ, sao sếp biết? Mà nếu sếp đã về phòng, có lẽ nào chị Hà lại chưa xin phép hộ tôi?

“…” Tút tút tút.

 Tín hiệu dài cho biết cuộc gọi đã bị ngắt. Tôi thấy hơi bực bội, cứ như là bị xem thường. Tối  hôm qua tôi vừa có ấn tượng tốt với sếp được một chút thì hôm nay anh ta đã lại giở chứng. Tự nhiên tôi có cảm giác mình như chú sơn dương vừa rồi bị con sư tử ngoạm cho một miếng vậy.

Bình tĩnh lại nhìn vào danh sách gọi đi, tôi mới "à" lên, thì ra lúc nãy nằm đè lên điện thoại, ấn nhầm nút gọi vào di động của Việt An, mà số cố định và số di động của sếp tôi để gần nhau. Thế cho nên...

 Buổi chiều uể oải đến công ty, tôi thấy lạ lùng khi cậu Sơn mọi khi vẫn ngồi trong góc bây giờ lại đang ngồi vào ghế của sếp.

 Tôi cười trêu. “Này, tí nữa sếp đến tôi mách lại chuyện cậu tự tiện ngồi vào chỗ của sếp đấy nhé.”

Cậu Sơn ngẩng đầu lên nhìn tôi, đôi mắt sau cặp kính lộ rõ lúng túng. Đúng lúc ấy chị Hà bước vào, tay cầm một tách café, chị nói. “Ấy, sáng nay em nghỉ nên không biết rồi, cậu Sơn vừa được đề bạt lên chức Trưởng phòng, tất nhiên cậu ấy phải ngồi đó rồi.”

“Ồ, chúc mừng cậu nhé.”, tôi nói với “sếp mới”. Cậu ta cười ngượng nghịu. Tự nhiên tôi thấy mừng thầm, nếu sếp là cậu Sơn, từ giờ tôi sẽ không còn bị soi mói mắng mỏ nữa. Nhưng còn “sếp cũ” thì sao?

“Thế sếp cũ Việt An nghỉ việc rồi ạ?” Tôi hỏi lại chị Hà.

Chị cười “Không, bây giờ sếp cũ còn là sếp của sếp mới cơ.”

“Ý chị là gì?”

“Thì cậu ấy được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc, trước giờ ghế đó vấn để trống mà.”

“Thế còn Phó tổng thì sao ạ? Em cứ nghĩ Phó Tổng sẽ lên làm Tổng chứ.”

 Chị Hà dùng ánh mắt khó dò nhìn tôi, ậm ừ nói. “À, cái đó…chị cũng không biết.”

 Tôi chợt nhận ra chị nhìn tôi như vậy là có ý gì. Đúng là nhờ bác ấy tôi mới xin được vào đây, nhưng câu hỏi vừa rồi hoàn toàn là do tò mò vô tư, không hề có ý gì khác. Chẳng biết làm thế nào cả, người ta vẫn thường hay suy diễn mà. Tôi cũng không có ý định chạy chọt hay nhờ vả gì thêm nữa, nên bác ấy là phó tổng hay là tổng cũng vẫn vậy thôi.

   Cần một tài liệu để đối chiếu, tôi xin chữ ký trưởng phòng Sơn và mượn chìa khóa vào phòng chứa các file tài liệu. Phòng này ở tầng trên, có gắn camera theo dõi, cùng tầng với phòng làm việc của Tổng và Phó tổng. Vừa ra khỏi thang máy, tôi gặp ngay bác Tài, chính là Phó tổng công ty tôi. Hình như bác có việc phải ra ngoài, nhìn thấy tôi, bác dừng lại.

“Cháu chào bác.” Tôi lễ phép.

“Ừ, Đan à? Dạo này có gặp khó khăn gì không?”, bác tươi cười vỗ vai tôi.

Có lẽ bác hỏi đến công việc của tôi. “Không ạ, vẫn ổn bác ạ.”

“Ừ, thế cháu lên đây làm gì vậy?”

“Cháu cần một ít tài liệu nội bộ, phải vào phòng mật ”.

 Tôi nhận thấy bác hơi ngập ngừng, sau đó chần chừ nói.“Bác có việc này muốn nhờ cháu giúp….”.

Bác Tài nói đến đó thì ánh mắt đột ngột bối rối, lại nhìn ra sau lưng tôi. Tôi cũng quay người ra phía sau, thì ra Việt An- Tổng giám đốc mới đang đứng ở cửa phòng nhìn chúng tôi. Ánh mắt anh ta rất sắc bén, đảo qua mặt bác Tài và tôi, đó là ánh mắt thăm dò lạnh lẽo.

“…À, thôi để lúc khác. Bác có việc phải đi rồi.” . Bác Tài vội vã bước vào thang máy.

“Vâng, cháu chào bác.” Tôi đợi cho cửa thang máy đóng vào mới xoay người đi đến phòng chứa tài liệu.

Đi qua Tổng giám đốc mới, tôi chào. “Chào anh, Tổng giám đốc.”

Anh ta gật đầu, giọng nói thâm trầm mà răn đe. “Cô phải biết, điều gì nên làm, điều gì không nên làm.”

“Anh nói vậy là có ý gì?”, tôi không hiểu.

Việt An nheo nheo mắt, nhìn sâu vào mắt tôi như cố gắng đọc ra thứ gì đó. Cuối cùng anh ta nhếch môi cười, “cô đừng giả bộ nữa”, sau đó đóng sập cửa phòng.

 Tôi giả bộ cái gì? Chẳng lẽ anh ta nói tôi giả bộ mệt để xin nghỉ buổi sáng?

    Từ ngày cậu Sơn lên làm trưởng phòng, không khí trong phòng tự nhiên giãn ra, dễ thở hơn rất nhiều. Tôi vẫn hay sai sót như mọi khi, nhưng mỗi khi đưa cho Sơn, cậu ta chỉ nói “Chỗ này chị làm sai rồi ”, sau đó tự mình sửa lại cho đúng, hoàn toàn không hề quát mắng hay gây khó dễ gì cho tôi. Trái ngược hẳn với sếp Việt An hồi trước.

 Cũng từ khi Việt An nhận chức Tổng Giám đốc, anh ta rất bận rộn, hiếm khi tôi chạm mặt anh ta. Chỉ có một vài lần thoáng thấy ở hành lang hoặc dưới sảnh tầng một. Mà mỗi lần như vậy, anh ta đều đi rất nhanh, vừa đi vừa trao đổi với thư ký bên cạnh, có vẻ vội vã lắm.

 Cứ như thế mà thêm hai tháng nữa trôi qua.

                                                                                  Hết chương 4.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro