Chương 1: Sự đời

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 1: Sự đời

-Út ở nhà không khóc nghe con.

Xế chiều, trước con tàu đang hú lên những hồi còi để chuẩn bị lên đường ra nơi tiền tuyến, lời u nói văng vẳng bên tai lũ trẻ như lời quyến luyến cuối cùng trước khi chia ly. U đi rồi, chẳng biết có về được nữa hay không? Út còn nhỏ quá, đâu hiểu được u dặn mà giọng u nghẹn ứ cổ họng đến mức nào. U thương con u, nhưng biết sao được, nơi chiến tuyến còn đầy gian khó, bộ đội ta còn lam lũ vất vả, u đi vì đất nước, vì tương lai cho các con nữa. Biết sẽ khó mà đoàn tụ, có thể sẽ rất lâu, nên nhìn chúng nó đứa nào đứa nấy sụt sịt khóc, u cũng nước mắt lăn dài trên má.

Nhẹ nhàng thả Út xuống đưa cho cái Mẫn dắt tay, u xách túi vải rồi bước lên toa tàu trước mặt, người còn quyến luyến ngoái đầu lại nhìn lũ trẻ. Cái Tý mọi ngày nhanh nhảu láu táu thế mà hôm nay cứ níu vạt áo nâu đã sờn màu của u, khóc gào ầm lên, tưởng như trời long đất sập đến nơi. Lúc u ngồi vào ghế nhìn qua cửa sổ, nó như ôm chầm lấy con tàu, còn muốn đòi lên cùng. Lúc tàu chạy, cái Mẫn cũng rưng rức lệ, lấy tay quệt ngang mặt, gió thổi lành lạnh làm gò má hơi ran rát. Con Tý chạy theo tàu, cố gắng nhìn được mái tóc phai màu nắng và gió của u thêm lần cuối. Thằng Tũn mà không giữ chắc nó chạy theo bu sang miền Nam luôn rồi.

Chị Hoàng Lan tiến đến ôm lấy bả vai tụi nó, kêu về nhà đi, u đi rồi sẽ về. Cái Mẫn biết thừa, quân y có khi còn khổ nhọc hơn cả bộ đội, lúc u về thì chắc bé Út đã đến tuổi cập kê rồi nên chỉ biết cắn môi, ngậm ngùi bế nó lên tay đi cho nhanh. Út còn nhỏ lắm, mắt nó cứ ngây ngốc tròn xoe nhìn về phía con tàu đang đi xa khuất theo chân trời. Thằng Tũn còn phải kéo con Tý, chắc hai đứa lết về nhà trời cũng lặn mất tăm. Hai đứa nó sinh đôi mà chẳng giống nhau được cái nết nào. Thằng Tũn biết nghĩ lắm, táy máy thì có nhưng cũng chăm chỉ làm lụng, biết thương u vất vả, hộ chị cả chị hai, rồi lo Út đói. Chẳng như con Tý, được cái xác trắng bóc như trứng gà, làm điệu rồi láu lỉnh, phá phách hơn cả quỷ. Lúc trước, chỉ tại nó mà cả gánh rau rơi xuống ao, hại cái Mẫn quần áo ướt như chuột lột, người dính đầy bùn ao trông đến mà thảm, chị Hoàng Lan tiếc gánh rau đứt cả ruột, một phần cũng sốt sắng sợ em đuối nước rồi bị cảm. Dù là vậy, chúng nó đều là anh chị của Út, là em của cái Mẫn và chị Hoàng Lan, các chị không thương chúng nó thì ai thương hộ đây?

Năm chị em về căn nhà mái lá nhỏ nhắn bên cạnh một cái đầm khá rộng. Nơi đây nằm trong ven khu sơ tán nên khá an yên, nhưng cứ dăm bữa bọn ôn dịch lại thả bom để dò soát bên đây. Dù mỗi lần vậy bom thả rất ít, tầm một hai quả bụi bay mờ mịt chốc là tan nhưng vẫn có người đã thiệt mạng vì nó. Trước khi u đi, thằng Tũn đã xông xáo cùng chị cả và chị hai làm một cái hầm trú bom kiên cố cách nhà chỉ vài ba bước. Hầu như trong cái thôn này nhà nào cũng có, chạy không kịp là đi gặp liệt sĩ ngay.

Cái hầm khá nhỏ, chỉ vừa đủ năm sáu đứa trẻ chui vào đó. Con Tý và Út cả ngày cứ ra ra vào vào chơi trốn tìm. Tội bọn nhỏ, hai người chơi không vui, mà rủ thế nào thằng Tũn cũng không tham gia, nó thích ra ao vớt bèo cùng chị ba, rồi nấu cơm phụ chị hai hơn. Sự đời ấy mới là lạ! Con Tý ham vui bao nhiêu thì cái đứa cùng trứng đẻ ra với nó lại khác thường bấy nhiêu. Đôi lúc cái Mẫn có phần thiên vị thằng Tũn hơn, cái gì cũng giấu giếm chị hai cho nó phần nhiều, đến cả củ sắn, ngó sen con Tý xin chị mỏi cả miệng mà vẫn thua thiệt anh Tũn. Nhất Tũn! Được chị ba thương hơn cả em!

-Tũn ơi, Tũn!

Cái Phương con gái út của quan huyện từ đầu thôn sấn sổ chạy tới, miệng thở hồng hộc, chắc do chạy quá sức nên mới gấp gáp đến vậy.

-Nghe nói u Tũn hôm nay phải đi à? Xin lỗi nha, tui đến muộn không ra tiễn u cùng Tũn được. Ba không cho tui đi, tui trốn ý.

Nó nhe hàm răng trắng muốt ra cười. Con bé trạc tuổi cái Mẫn, nghĩa là hơn thằng Tũn con Tý ba tuổi lận mà vẫn xưng cái Mẫn là chị, con Tý từ xưa đã không có thiện cảm với Phương nên việc cái Phương gọi chị nó là chị như thế thì nó lại cho rằng cái Phương muốn gian tuổi, mưu đồ không tốt đẹp.

Năm ấy, trong thôn có một ông giáo già có ý định mở một lớp học nhỏ cho con em nông dân giữ chữ gốc của ta. Nhưng quy mô nhỏ hẹp, chỉ đóng đủ tám mươi đồng mới được một suất học cho cả một năm. Chị Hoàng Lan muốn cho cái Mẫn và thằng Tũn đi để biết cái chữ nó như thế nào, hai đứa chúng nó cũng sáng dạ, tiếp thu nhanh. Được ông giáo dạy thì tốt quá, nhưng số tiền tích lũy mấy năm nay chỉ đủ một suất cho một đứa. Thế là cả buổi hai đứa đùn đẩy nhau, đứa nào cũng nhất quyết nhường cho đứa kia, mỗi đứa lại có lý do riêng. Dù biết ai mà chẳng muốn được đi học, nhưng chúng nó thương nhau, muốn người kia có cơ hội thay đổi cái nghèo đói thì đâu thể bắt ép chúng nó phải làm gì. Đất nước hoạn nạn, được đi học cũng là một đặc ân, một thứ xa vời mà đứa trẻ nào cũng ao ước. Để nhường cơ hội cho người khác, chỉ có tình cảm mới dám làm.

-Ông giáo gần nhà tui ý, mở một lớp học đó. Tũn học không, tui cũng đăng ký nè.

-Xì, chuyện đó "em" và Út hóng hớt nghe lỏm từ hôm qua rồi nhé. Chị Hoàng Lan cũng sắp xếp cả rồi. Ai mướn "chị" lo? Tui tui cậu cậu, hơn nhau ba bốn tuổi lận tui cậu chi hả "chị"?

Con Tý ra vẻ khó chịu, cố tình nhấn mạnh xưng chị, nói kháy làm cái Phương nghẹn họng chẳng đáp trả lại được lời nào. Con này càng ngày càng hư thân mất nết! Con gái con đứa, người ta có ý tốt đến hỏi thăm lại còn giở cái điệu chua ngoa ra dạy khôn người khác. May cái Phương là đứa hiền lành tốt tính, thân là quan huyện mà tính nhu mì không so đo chi li chuyện nhỏ nhặt, chứ không thì con Tý bị vả vỡ mồm là cái chắc. Cho chừa tội hỗn láo!

-Chị chỉ để một đứa đi học thôi. Hai đứa thì tốt quá nhưng điều kiện không cho phép em ạ.

Chị Hoàng Lan cười trừ. Cái Phương ỉu xìu, nó biết thừa người được đi học sẽ là cái Mẫn, mấy cụ trong thôn hay bảo, đứa nào càng ít nói kiệm lời càng là đứa khôn mà. Có mỗi suất thì đứa khôn nhất sẽ được đi. Đứa còn lại vẫn ở nhà ra ao vớt bèo thả cá thôi.

-Hay suất của Tũn, em giấu cha lấy tiền đóng cho Tũn nhé chị. Cha em không hay để ý ngân sách gia đình đâu. Năm mươi đồng không thấm thía gì đâu. Em thêm ba mươi đồng tiền tiết kiệm là đủ rồi.

Chị Hoàng Lan bối rối, dù rất muốn cho cả hai đều được đi học nhưng càng không muốn dựa dẫm vào người khác. Định từ chối thì đã có người gạt phắt đi:

-Không cần, chị em tôi chả thèm một xu của nhà chị. Tiền của cha chị toàn là tiền mồ hôi nước mắt của dân nghèo thôi. Dơ bẩn như thế cho không anh tôi chẳng thèm, Tũn nhở?

Con Tý và cái Phương chẳng khác gì nam châm cùng đầu, tách nhau ra thì yên ổn, mà càng cố đẩy chúng vào thì sẽ chẳng có gì tốt đẹp xảy ra.

-Chị Hoàng Lan, em không biết cha em có được tiền từ đâu. Nhưng xin chị tin em, em chỉ có ý tốt, không hề có ác ý như Tý nói.

Phương mặt buồn buồn, như người bị vu oan, quay ra cầm tay Hoàng Lan một cách chân thành và thùy mị, chuẩn mực cốt cách của một người con gái nết na gia giáo.

-Tôi nói chị ác ý bao giờ? Hay chị tự nhận? Chị hai chị xem xem, người ta vu khống em đấy. Thế chứ cái sự đời!

-Võ Thị Thư!

Chị Hoàng Lan nói cả họ cả tên nó ra nó mới chịu ngậm mồm lại. Đôi lông mày mảnh dẻ vẫn ương bướng nhíu chặt, vừa tức giận vừa uất ức.

-Chị thay nó xin lỗi em. Chị biết em có ý tốt nhưng chị không thể dạy các em mình dựa dẫm vào người khác được.

Cái Phương khẽ gật gật tỏ ý đã hiểu, chào mọi người rồi xin phép ra về. Trước khi về còn nhỏ ý muốn Tũn ra tiễn một lát thôi. Thằng Tũn đồng ý đi ngay. Đến cổng mà hai đứa vẫn còn nói chuyện gì đó, cái Tý càng khó chịu. Anh là anh trai song sinh của nó, có gì không nói với nó lại phải đi nói với người ngoài?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro