Chương 17: Khoa trực gián

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(Trực gián: dành cho quan văn, có nhiệm vụ khuyên giải, can ngăn thẳng thắn những quyết sách trong triều)

Edit: Hikari2088


Lá thư trong túi Hứa Tắc trở thành một câu đố, sau tối đó Thiên Anh cũng chưa từng thấy nó thêm lần nào nữa.

Nhưng đây không tính là việc lớn, bởi vì từ buổi tối khác thường đó thì Hứa Tắc lại giống như trước, nên làm việc thì làm việc, nên đọc sách thì đọc sách. Thiên Anh hỏi thì nàng cũng chỉ nói do chế khoa sắp tới, có rất nhiều việc cần phải chuẩn bị.

Những ngày Tết nhanh chóng trôi qua, đối với quan viên lớn nhỏ trong thành Trường An chẳng qua là thêm mấy ngày nghỉ để uống rượu chơi bời, hoặc là bị các bà vợ nắm lỗ tai cằn nhằn chuyện người thân, đồng liêu; hoặc là chạy tới đạo quán núi Nam hút hít ăn tiên đan. Tóm lại không có gì thú vị hết.

Một năm trôi qua đối với cuộc sống thái bình của hầu hết người dân ở thành Trường An chính là hao tài tốn của liên tục. Bọn họ đã không nhớ rõ thành Trường An bị đánh chiếm mấy chục năm trước, không quan tâm chiến sự ở Hoài Tây, Thành Đức; lại càng không quan tâm quân Tây Nhung nhiều lần đánh vào biên giới. Bọn họ chỉ chú ý đến nếp nhăn nơi khóe mắt và tóc có bạc nhiều hơn theo thời gian không, quan tâm đến việc làm ăn buôn bán, lo lắng con trai nhà mình có học giỏi không, lo lắng con gái có thể câu được con rể vàng hay không......

Còn các quan viên vẫn theo thường lệ đều quay lại làm việc vào mùng bảy, mà Thượng Thư vì việc tổ chức chế khoa nên càng bận rộn.

Tuy chế khoa là lấy danh nghĩa của vua mà hạ chiếu chỉ, nhưng đa phần đều giao cho môn hạ của Trung thư lệnh hoặc Thượng Thư tổ chức. Về phần kiểm tra bài thi, hầu hết do quan viên tứ phẩm hay ngũ phẩm đảm nhiệm, có thể là môn khách Trung thư, cũng có thể là Lại Bộ Thị Lang. Bọn họ phụ trách đánh giá bài thi, sẽ cùng hỗ trợ các đại thần thảo luận bước đầu nên loại hay nhận và sắp xếp thứ bậc rồi bí mật dâng lên trên, cuối cùng lại lấy danh nghĩa thiên tử chiếu cáo thiên hạ.

Trước đó, khảo khóa định kỳ mỗi năm một lần rốt cục đã có kết quả. Hứa Tắc giành được loại tốt, nàng biết kết quả này là do nàng đổi lấy từ quyết định đi thi chế khoa.

Vì vậy Ngũ phòng nhà họ Vương thuận lợi nghênh đón thời kì thái bình nhất. Ngay cả người luôn soi mói như Vương Quang Mẫn cũng vì chuyện "Con rể thi khảo khóa được loại tốt, lại đồng ý thi chế khoa" mà tươi cười rạng rỡ, thậm chí thái độ trở nên khác thường, bắt đầu lấy lòng Hứa Tắc.

Trời còn chưa sáng Vương Quang Mẫn đã thức dậy đến đập cửa phòng con gái con rể:"Hôm nay bắt đầu thi chế khoa mà còn ngủ được à!"

Thiên Anh xoay người, che tai không tình nguyện ngồi dậy đã thấy Hứa Tắc mặc xong y phục. Nàng mặc gọn gàng chỉnh tề, sửa sang lại tóc, đội khăn vấn đầu rồi cầm hộp sách lên, quay đầu nói với Thiên Anh:"Muội đến phường ăn chút điểm tâm, tỷ ngủ tiếp đi."

"Lúc bị soát người thì muội nhớ cẩn thận đó, nhớ mang cái bùa mà tỷ đã cầu cho muội nhé."

"Bùa của tỷ có thể giúp tránh được việc soát người hay sao?" Hứa Tắc cười nhẹ, xoay người mở cửa nhìn Vương Quang Mẫn, nói:"Xin nhạc phụ yên tâm, con nhất định sẽ thi tốt."

Vương Quang Mẫn nghe lời này cảm thấy rất thoải mái nhưng ngoài miệng lại nói:"Thi không tốt thì không cần về nữa!"

Hứa Tắc bất đắc dĩ cười cười, cuối cùng một mình bước ra cửa.

Nàng không cưỡi ngựa, đến cổng phường thì thấy đám đông rộn ràng chen chúc lẫn nhau đang chờ cửa mở. Chợt có một người nhô đầu ra gọi nàng:"Tam lang thi chế khoa đấy à?" Hắn là một quản sự.

Hứa Tắc có chút lạnh nhạt gật đầu. Không ngờ người nọ cũng không thức thời, đi tới hỏi cái này cái kia, còn nói Thập thất lang gần đây bề bộn nhiều việc, đa phần đều nói đến chuyện Hứa Tắc không quan tâm.

Chờ đến lúc cổng phường mở, mọi người như ong vỡ tổ tràn ra, Hứa Tắc thừa dịp này bỏ rơi tên quản sự kia, tìm một cửa hàng rồi ngồi xuống ăn điểm tâm.

Nàng chưa từng ăn điểm tâm một cách thong thả như thế, điệu bộ như sẽ ăn từ sáng sớm đến trời tối. Tiểu nhị nhìn nàng rồi âm thầm nói xấu, nhưng Hứa Tắc không thèm để ý chút nào, nàng từ từ khoan thai ăn một cái bánh hấp.

Nàng không vội nhưng người khác lại sốt ruột lắm rồi.

Là đối tượng quan trọng cần quan tâm, Hứa Tắc lề mề chưa đến khiến cho Lễ bộ lệnh sử vội muốn chết.

"Hứa Tắc sao còn chưa tới?!","Đến cửa quan sát, thấy hắn vừa đến thì đưa đến đây cho ta!".

Đứng ở hành lang trong Thượng Thư tỉnh, Trương lệnh sử đứng ở hành lang sốt ruột chờ đợi, hai chân mày đã nhăn lại thành chữ "Xuyên".

(Tỉnh Thượng Thư: "Tỉnh" là tên gọi các khu hành chính)

Vì sao hắn lại gấp gáp như vậy? Là vì thi chế khoa không giống kỳ thi tiến sĩ. Cho dù thời tiết giá lạnh hay gió tuyết thì người thi tiến sĩ cũng phải ngồi trong phòng của Thượng Thư tỉnh để thi; Mà người thi chế khoa là do thiên tử kiểm tra cho nên địa điểm cuộc thi là ở cung điện trong thành. Nhiệm vụ của hắn là tập trung họ lại, giao cho Kim Ngô Vệ mang đến cuộc thi.

Thấy sắp tới giờ, dưới sự thúc giục của Kim Ngô Vệ, Trương lệnh sử không còn cách nào khác, cắn răng cau mày:"Không đợi nữa!" Vừa hạ quyết tâm thì bên kia thư lại hô to:"Hứa cử nhân đến rồi!"

Trương lệnh sử xoay người thở phào một cái, trong lòng mắng Hứa Tắc một trăm tám mươi lần, ngoài miệng thúc giục:"Mau mau mau!"

Bởi vì đang vội nên Kim Ngô Vệ chỉ soát người qua loa chiếu lệ. Hứa Tắc thở phào, mang theo hộp sách xen lẫn với hàng ngũ cử nhân vượt qua phố nhỏ, đi tới Thừa Thiên môn.

Thừa Thiên môn vẫn tráng lệ đồ sộ, nhưng Hứa Tắc hiểu rõ nó đã suy tàn. Là cổng chính của chính cung, nó từng là nhân chứng của thời đế quốc thịnh thế huy hoàng. Nhưng nay đế vương đã không còn ở nơi này, triều hội cũng ko tổ chức ở đây, ngay cả con đường dành cho người đi bộ cũng dường như vắng lặng.

(Triều hội: là thời gian vua triệu kiến quan lại để xử lý chính vụ)

Mấy trăm học trò bước vào hậu điện theo rồi lần lượt ngồi xuống. Mặc dù là ngồi dưới đất nhưng đãi ngộ so với thi tiến sĩ thì tốt hơn nhiều; không chỉ có chiếu để ngồi, mà còn được ban ngự thực, chậu than lại cháy hừng hực. Quả thực khiến người ta quên đi cái lạnh bên ngoài.

(Ngự thực: thức ăn dành cho vua)

Vì hoàng thượng chưa tới, theo trình tự cuộc thi Lễ bộ phát đề thi để các sĩ tử trả lời. Bên trong điện hoàn toàn yên lặng ngoại trừ tiếng lật giấy và tiếng bước chân qua lại của cung nhân.

Trước mặt Hứa Tắc là tách trà nóng đang bốc khói, nàng chậm chạp chưa uống.

Năm nay chế cử phân làm bốn khoa, tuyển quan văn gồm khoa Trực ngôn cực gián và khoa kinh thế trị quốc (kinh tế chính trị); quan võ gồm khoa binh pháp và khoa biên tướng. Hứa Tắc thân là quan văn, vốn là giữa hai khoa chỉ cần trúng tuyển một khoa là được, nhưng thi chế khoa không hạn chế số khoa. Vì thế hôm nay nàng thi hai khoa nên sẽ được phát hai đề thi.

Nội dung cuộc thi chế khoa gọi là Thí Sách. Lần đầu chế khoa được thiết lập thì số lượng sách vấn (đề thi) không giống nhau. Nhưng hiện nay một khoa một sách đã thành thông lệ, do Hứa Tắc thi hai khoa nên cũng phải viết hai phần đối sách.

(Sách: thể văn thi cử ngày xưa, thường hỏi về các vấn đề chính trị hoặc kinh tế để người ứng thí đối đáp)

Đầu tiên nàng cầm đề thi vấn đáp kinh thế trị quốc (kinh tế chính trị), đọc nó từ đầu đến cuối.

Tuy rằng mỗi khoa mỗi đề khác nhau, nhưng một đề này lại gồm bảy tám vấn đề xâu chuỗi với nhau, độ khó rất cao. Nội dung từ "Nguyên nhân gì khiến tình trạng đói kém xảy ra liên tục ở Hà Sóc khiến thuế nông nghiệp bị thất thu", đến "Kiến giải việc vận chuyển bằng đường thủy ở Hoài Nam", thậm chí còn liên quan đến hai trận chiến sự ở Hoài Tây và Thừa Đức là "Giải quyết vấn đề quân lương như thế nào".

Có thể do tình hình quốc gia đang trong thế bức bách, trong những năm gần đây đề thi vấn đáp của các cuộc thi chế khoa đều gắt gao xoay chung quanh tình hình chính trị đương thời. Không cần những lời lý thuyết sáo rỗng, chỉ cần phương pháp giải quyết cụ thể phù hợp với tình hình thực tế nhất.

Hứa Tắc làm việc ở Bỉ bộ nhiều năm nên rất rõ ràng quốc gia thu bao nhiêu và chi như thế nào.

Tài chính là thế mạnh của nàng, góc nhìn lại độc đáo, không giống người khác chỉ có thể nói qua loa đại khái, nên nàng có ưu thế đối với đối sách đầu tiên. Còn những vấn đề khác cũng khó trả lời, nàng cũng hết sức nghiêm túc, đem hết khả năng mà viết ra.

Một đề thi Sách đã xong, đã có sĩ tử lần lượt đi ra. Hứa Tắc bị chậu than hun nóng đổ mồ hôi đầy đầu, nàng đưa tay lau đi và lấy đề thi Sách thứ hai.

Từ xưa tới nay, khoa Trực ngôn cực gián là khoa lớn, đã tạo ra không ít danh nhân. Khoa này chuyên chọn những người có dũng khí, không sợ quyền quý, sẵn sàng kiên quyết chỉ ra những khuyết điểm sai sót. Từ khoa thi được tổ chức đầu tiên đến bây giờ đã gần ba trăm năm, trong thời gian đó bởi vì khoa "Ngôn từ thi Sách quá kịch liệt đến mức không chịu nổi" mà bị ngừng lại một thời gian lâu. Hiện nay tổ chức lần nữa, tạo thành làn gió mang hơi hướm phục hưng.

Nói thẳng thì phần thi vấn đáp của khoa Trực ngôn cực gián không đòi hỏi nhiều lắm so với khoa kinh thế trị quốc (kinh tế chính trị). Đối sách phải viết như thế nào thì phải xem suy nghĩ và tác phong của sĩ tử đó. Có người chuyên chọn thảo luận sâu vào một vấn đề; Có người chỉ cưỡi ngựa xem hoa tất cả mọi vấn đề tỏ vẻ kiến giải uyên bác; Có người đưa phương pháp giải quyết; Có người trực tiếp nhìn thẳng và phê bình nghiêm khắc......

Nhưng đối sách của Hứa Tắc không nằm trong những nhóm trên.

Nàng viết rất nhiều, nửa chừng dừng bút vài lần, gần như không chống đỡ nổi. Cung nhân thấy tay Hứa Tắc đã run run, liền đổi một ly trà nóng cho nàng, ý bảo nàng uống một chút rồi lại viết tiếp, đáng tiếc Hứa Tắc không thể tiếp thu được ý tốt này.

Cung nhân nọ nhìn mái tóc hoa râm của Hứa Tắc thì trong lòng khẽ thở dài, nàng ta đứng lên mới giật mình thấy sắc trời đã tối, trong điện chỉ còn thưa thớt vài sĩ tử.

Thái Cực cung, ngoài Thừa Thiên môn vang lên tiếng trống, tiếp đó từng tiếng từng tiếng vang vọng đến mỗi phường mỗi cổng, thành Trường An dần chìm vào màn đêm.

Lúc này quan khảo Sách tự mình đứng dậy lấy nến, đưa cho các sĩ tử còn lại. Khi đến trước mặt Hứa Tắc, nhìn bài thi dài của nàng lại nhẹ nhíu mày. Đã nhiều năm rồi hắn chưa thấy tình huống như vậy, trong lòng cảm thấy vui mừng một chút, đúng là người trẻ tuổi! Đây mới chính là người trẻ tuổi......

Dường như Hứa Tắc đã quên thời gian, viết đến chữ cuối cùng mới phát giác trong điện chỉ còn một mình nàng. Cung nhân quan tâm đưa cho nàng một ly trà nóng, Hứa Tắc có chút mê man nhận lấy, thẫn thờ uống cạn ly trà, cảm thấy sau lưng tê buốt do ngồi quá lâu.

Nàng cúi đầu thu hộp sách, âm thầm xoa xoa đôi chân tê dại, đứng lên bái lạy về phía ngự tòa trống không, rồi cúi chào vị quan khảo sách lớn tuổi. Sau đó mới cùng Kim Ngô Vệ bước ra khỏi điện.

Ở nơi ấm áp khá lâu nên vừa bước ra khỏi cửa bị gió bắc lạnh lẽo phả vào mặt, Hứa Tắc không khỏi rùng mình một cái. Ra khỏi Thừa Thiên môn, Hứa Tắc theo Kim Ngô Vệ đến con phố nhỏ, hai bên là tường thành cao ngất, dường như ngay cả ma quỷ cũng không vào được. Con đường này kéo dài tận đến cổng Diên Hỉ. Bởi vì trời đã tối nên nhóm sĩ tử đành phải nghỉ đêm ở phía đông trong chùa Quang Trạch.

Khi Hứa Tắc đi qua thì thấy các họ đã ngồi xung quanh bàn ăn lớn thảo luận đề thi Sách hôm nay, cũng có người nói đùa, than thở mình làm bài không tốt. Hứa Tắc vừa ăn vừa nghe bọn họ nói chuyện, quan sát quang cảnh náo nhiệt, đồng thời cảm nhận được tài năng sắc sảo và chí hướng không tầm thường trong lời nói của bọn họ.

Trong lòng mọi người đều hiểu rõ thời thịnh thế đã không còn nữa, thậm chí cũng không tình nguyện nhắc lại thời hưng thịnh khoảng một trăm năm trước. Nhưng vẫn có tấm lòng và một đôi tay, hy vọng có thể tiến quân mãnh liệt lật ngược tình thế, chấn hưng quốc gia.

Đêm nay Hứa Tắc ngủ trên một cái giường nhỏ trong chùa Quang Trạch, nàng mơ một giấc mộng dài, mơ thấy một người chưa từng gặp mặt.

Nàng không nhất thiết phải đến kinh đô huyện giải, cũng không cần thiết phải thăng ba cấp. Nhưng nàng cần ổn định bản tâm của mình để không làm thất vọng người đã chết, để xứng đáng với quốc gia của nàng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro