Ba - Rung động là cảnh tranh tối tranh sáng.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Canh ba hôm ấy, khi tiếng chó sủa ma ỏm tỏi vang lên ngoài ngõ, Tĩnh Nguyệt mới thấy bóng dáng cha nàng. Đi cùng ông còn có vài người khác, nàng nghe tiếng Pháp văng vẳng, lẫn cùng với tiếng chó sủa và cả tiếng còi xe huyên náo. Nghe giọng điệu, có thể nhận ra họ đang bất mãn.

- Ông có thể cho người giám sát điều tra, monsieur¹ Dominique. Nhà tôi không dung chứa Phan Văn Khương. - Ông Phán nhíu mày - Sao tôi có thể chứa chấp một kẻ cầm đầu hội nhóm chống đối Toàn quyền kia chứ!

- Con gái ông quen hắn! - Gã người Tây rít lên.

- Đã lâu con bé không liên lạc với nó. Bằng không sao tôi có thể để nó lọt lưới. - Ông Phán quả quyết - Tôi sẽ phát lệnh truy nã và bắt hắn về trình diện các ông.

- Ông nên làm được như lời ông nói, monsieur Lê Cố Miên.

Dominique quắc mắt đe dọa rồi quay gót giày da, phủi đuôi tôm bỏ đi. Đèn xe loang lổ rọi lên lớp bùn đất bám vào gót giày của vị thông phán. Ông Miên trông theo làn khói xe phả vào hơi đêm, khẽ thở dài rồi mở cổng vào nhà.

Tĩnh Nguyệt chong đèn, đợi sẵn cha mình trước hiên. Thấy ông vào sân, nàng bước tới, đón lấy tấm áo choàng Tây của ông, nói khẽ:

- Thưa cha.

- Cứ gọi bình thường đi, đám kia đi cả rồi.

- Dạ, thầy về khuya quá.

- Ừ con, mấy bữa nay trên tòa sứ bận bịu.

Ông Miên tháo giày Tây dính bùn, đổi một đôi dép trong nhà. Guốc mộc của Tĩnh Nguyệt xếp gọn ngay gần đó, bên cạnh là đôi giày vải Thiều Hoa đem cho nàng trước lúc về. Lia mắt qua đôi giày kiểu Tây, ông Miên hỏi:

- Giày ai thế?

- Dạ, bạn con tặng. - Tĩnh Nguyệt đáp.

- Bạn nào? Con trai hở con?

- Con gái ạ, cùng trường con... thầy biết cô Đài Trang không ạ? Lệnh ái của ông Phủ Hà Nam...

- À, cái Trang đấy hả? - Lông mày ông Miên hơi giãn ra - Thầy chỉ thấy lạ thôi, con đừng chê thầy lắm chuyện.

Tĩnh Nguyệt mỉm cười, đặt đèn cầy lên sập, pha trà rót nước mời cha. Cha nàng không uống rượu, hút thuốc nhưng lại nghiện trà, dù đông hay hè ông đều uống trà mỗi sớm, mỗi khuya. Ông Miên kỹ tính, từ bé đến lớn, Tĩnh Nguyệt đã quen tự tay hãm trà cho ông. Nàng lấy ấm ra khỏi giành tích, vừa pha trà vừa nhìn cha ngồi lên sập, mở cặp lấy ra một xấp tài liệu.

Mượn ánh đèn, nàng trông thấy loáng thoáng cái tên Phan Văn Khương xuất hiện trong công thư tiếng Pháp.

Lần này là một phong trào bạo động của thanh niên thành thị. Khi lời nói mất đi tác dụng, người ta sẽ phải tìm đến những phương thức cứng rắn hơn để biểu thị tiếng lòng trước sự bóc lột bạo tàn.

Hãm trà xong, nàng đặt ấm lên khay, hỏi ông:

- Thầy ăn gì chưa ạ?

- Hồi tối thầy ghé hàng ăn tạm phở gánh rồi. - Ông Miên đáp, mắt vẫn không rời tập giấy kia, nếp nhăn trên khóe mắt thoáng hằn sâu.

Tĩnh Nguyệt không nán lại lâu, rót trà xong bèn nói:

- Con đi nghỉ trước.

- Ừ, con nghỉ sớm, mai còn lên lớp.

Tĩnh Nguyệt vâng lời cha, đang định trở vào phòng thì chợt nghe ông gọi lại:

- Nguyệt con. - Ông Miên đặt tập tài liệu xuống bàn, thở dài ảo não - Năm sau tốt nghiệp xong, con có muốn về quê ở với me con không?

Tĩnh Nguyệt dừng bước, ngoảnh lại, tỏ vẻ khó hiểu với ông.

- Tự dưng thầy muốn con về quê... - Nàng ướm hỏi - Có chuyện gì sao ạ?

- Mấy hôm trước thầy tiện đường về thăm me con, nàng bảo nhớ con. Vốn thầy thấy tình hình sức khỏe của me con đã khá hơn nên định đưa nàng lên tỉnh, kiếm Đốc-tờ chạy chữa, ai ngờ sau đó thằng Khương... thôi. Thời buổi vàng thau lẫn lộn thế này, có sơ sẩy cũng chẳng trách nó được. Thầy chỉ lo con bị liên lụy.

- Anh Khương... - Tĩnh Nguyệt cân nhắc câu từ - gặp vạ chuyện gì vậy ạ?

Ông Miên đặt xấp tài liệu sang bên, trầm ngâm tay vắt qua gối. Hồi sau, ông chậm rãi nói:

- Văn Khương bị mật thám báo lên Toàn quyền rằng nó tham gia hội nhóm bạo động vũ trang, may mà trốn kịp thời. Thầy nghĩ nó chạy sang Xiêm, bên đó người mình đông, có thể bảo trợ nó. - Nói đến đây, ông lắc đầu - Những chuyện thế này con không nên biết nhiều, nhưng chú ý, tuyệt đối không được liên lạc với nó. Thầy làm trong tòa sứ, mấy việc như này không dễ trót lọt. Thời gian tới xung quanh con có thể có tai mắt, con giao du cẩn thận.

- Vâng, con nghe thầy.

- Ừ, đi nghỉ đi con. Với nghĩ cả chuyện về quê. Con về với me, thầy cũng yên tâm hơn.

- Dạ, thầy cũng nghỉ sớm ạ.



Khuya, khi sương giăng đầy đêm hè tĩnh mịch, Tĩnh Nguyệt rón rén lật chăn, chong lên một ngọn đèn dầu. Nhà nàng rộng nhưng hiu quạnh, sáng còn có bà giúp việc đến dọn dẹp, cơm nước, về đêm chỉ còn mình nàng và cha.

Nghe nhịp thở đều đều của ông Miên trong gian phòng bên cạnh, Tĩnh Nguyệt yên tâm đi sang trai phòng của ông. Dù đã ngâm trong nước thuốc, bàn chân nàng vẫn phồng rộp, nhoi nhói khi bước từng bước nhỏ trên nền gạch hoa. Tĩnh Nguyệt khẽ khàng mở cửa, tiến đến chỗ bàn gỗ phủ sơn bóng.

Lén vào đây nhiều lần, nàng rất quen thuộc với từng vị trí trong phòng. Cha nàng có thói quen để tài liệu vào một góc tủ hai ngăn, ngăn trên đặt vài tờ Nam Phong tạp chí², ngăn khuất lấp bên dưới mới là nơi giữ tài liệu cơ mật. Tĩnh Nguyệt đã vài lần cạy khóa ngăn tủ này. Nàng đặt đèn dầu sang bên, lấy ghim cài tóc thuần thục mở khóa, khéo léo tìm thấy tập tài liệu ban tối của cha.

Lẳng lặng lật giở từng trang tài liệu, Tĩnh Nguyệt cẩn thận soi dưới ngọn đèn. Từng dòng mực ráo hiện lên, phản chiếu rõ nét trong đôi mắt nàng.

Tài liệu đề cập đến một thư xã hoạt động dưới danh nghĩa cơ sở ấn loát, được một số nhà trí thức trẻ dùng làm nơi phổ cập những tư tưởng cổ vũ tinh thần yêu nước cho phần đông các thanh thiếu niên và công chức. Thư xã kia móc nối với một hội nhóm hoạt động ngầm, đề cao độc lập dân tộc. Sau khi thư xã nọ bị dẹp bỏ, hoạt động của một số thanh niên cũng bị mật thám Toàn quyền theo dõi và phát hiện. Một số bị thuyên chuyển, phần lớn bị bắt, vài người khác thì đã trốn thoát.

Trong số những người trốn thoát, Phan Văn Khương là một trong những thành viên chủ chốt của hội nhóm ngầm kia.

Đọc hết phần tài liệu quan trọng, Tĩnh Nguyệt rốt cuộc cũng hiểu ngọn ngành những lời cha nàng nói ban nãy. Nàng đã nghe hết cuộc trò chuyện giữa cha nàng và quan chức người Pháp kia, cũng hiểu nguyên do ông đột nhiên muốn nàng về quê ở với mẹ.

Lần này, ông thực sự đã vướng vào một vụ việc nghiêm trọng.

Làm quan chức giữa thời buổi tranh sáng tranh tối chẳng khác nào đèo bòng hai gánh nợ trong lầm lũi. Nợ dân, nợ nước. Người ta chỉ thấy một ông Phán nhà cao cửa rộng, cúi lưng làm việc cho Tây đổi lấy vinh hiển, phú quý. Không ai biết cha nàng trăn trở hằng đêm về những kẻ sĩ lưu lạc phương xa, lén lút móc nối với những hội nhóm cách mạng. Không ai được phép biết. Ấy là số mệnh trái khoáy của những người bon chen giữa vòng xoáy nhiễu nhương, những kẻ chân đạp hai dòng nước.

Từ khi bước chân lên con đường này, cha nàng cũng chấp nhận rằng ông chẳng thể sống thẳng lưng, ngẩng đầu. Chỉ mỗi Tĩnh Nguyệt biết ông đang gánh vác những gì khi cùng lúc đón đầu hai ngọn sóng - một bên giữ sự tín nhiệm của Toàn quyền, bên còn lại bao che cho những thanh niên trí thức như Văn Khương.

Không ai ghi công cho ông, mà ông sẽ lập tức mất mạng một khi bị phát hiện. Mạng người ở thời buổi này còn chẳng bằng rơm rác.

Bất giác, Tĩnh Nguyệt nhớ đến gương mặt đăm chiêu của Thiều Hoa ban chiều, không khỏi trầm ngâm. Văn Khương tín nhiệm nàng nên mới nhờ nàng gửi đồ trước lúc chạy trốn, giờ thì Tĩnh Nguyệt tin rằng đó tuyệt đối không phải một bức thư tình chàng ý thiếp. Tài liệu đề cập đến thư xã... rất có thể vẫn còn những nơi khác như vậy.

Ví dụ như những tiệm sách ngụy trang thành nơi đàng điếm chẳng hạn.

Nếu thế, thực chất thứ mà Văn Khương gửi Đỗ Thiều Hoa liệu có liên quan gì đến hội nhóm hoạt động ngầm kia không?

Nàng chỉ biết bề nổi mối quan hệ giữa hai người đó, nếu như sự thật khác xa, có lẽ Đỗ Thiều Hoa cũng chẳng hề giống như hình tượng trong những lời đàm tiếu.

Tĩnh Nguyệt xếp gọn tài liệu trở lại vị trí ban đầu, bỗng dưng thấy cõi lòng rối bời, nôn nao.



Trưa hè nắng, cây hoàng lan trước nhà nở những chùm hoa vàng ươm. Tĩnh Nguyệt đi học về liền bắt gặp bà giúp việc đang quét tước trước sân. Thấy cô, bà khom lưng chào:

- Cô Nguyệt, cô về đấy à.

- Dạ, bác Nga. - Tĩnh Nguyệt chào bà rồi thay guốc vào nhà - Cơm trưa xong chưa ạ?

- Tôi dọn lên rồi, cất trong lồng bàn. Cô rửa ráy rồi dùng cơm, tôi quét nốt cái sân rồi về.

- Phiền bác rồi ạ.

- Không phiền, không phiền, việc của tôi mà, cô chủ lúc nào cũng lễ độ như thế.

Tĩnh Nguyệt cười nhẹ với bà rồi vào phòng để cặp, thay đồ. Hà thành độ này nóng đến bỏng da cháy thịt, phải về nhà mới mát mẻ hơn. Thay đồ xong, Tĩnh Nguyệt sang phòng ăn dùng cơm trưa. Trên bàn để múi mít bọc trong tờ Nam Phong tạp chí, nàng nhìn cũng thấy bất đắc dĩ. Cha nàng nghiêm túc phô trương thanh thế, mua báo cũng luôn mua tờ do Toàn quyền phát hành, xong về đem đi gói mít, gói xôi. Còn mấy tạp chí do những trí thức An Nam yêu nước chủ biên thì ông lại phải lén lút đọc trong trai phòng, kể ra cũng thật nhọc nhằn.

Nàng gắp một miếng cá kho, mắt nhìn nắng trải trên tán hoàng lan trong sân. Gió hiu hiu thổi những cánh hoa vàng phảng phất qua ô cửa sổ.

Không còn tiếng quét tước của bà giúp việc, gian nhà rộng trở lại tĩnh mịch, tiêu điều.

Chợt, Tĩnh Nguyệt nghe thấy thanh âm lớn vang lên phía xa. Như tiếng sấm ầm trời.

Nàng nhận ra đó là tiếng súng.

Dạo gần đây, người dân thị thành đã chẳng còn xa lạ với thanh âm này. Cứ độ dăm ba ngày lại vang lên tiếng còi, tiếng súng đàn áp những đoàn biểu tình trên phố. Cứ mỗi khi khởi nghĩa nổi lên, lại có những người ngã xuống. Liên tục qua nửa thế kỷ, chẳng bao giờ ngơi nghỉ, hệt như sóng tiếp nối nhau xô vào triền đá, thét gào cùng loài chim báo bão.

Chiến tranh chưa lúc nào ngừng trên mảnh đất này.

Tĩnh Nguyệt đặt bát cơm xuống, đứng dậy ra ngoài. Guộc mộc lẫn cùng với gió xào xạc. Nàng nghe loáng thoáng ngoài ngõ thanh âm truy đuổi dồn dập lẫn cùng tiếng Tây, có vẻ như lính Toàn quyền đang truy bắt người biểu tình.

Vừa mới mở cổng, Tĩnh Nguyệt lập tức nghe thấy tiếng bước chạy ráo riết tới gần. Sau đó, một bóng người xô thẳng vào người nàng, đẩy nàng ngã về phía sau. Cũng may Tĩnh Nguyệt kịp giữ lấy thanh chắn cổng, chỉ lảo đảo một chút rồi thôi. Vừa kịp lấy lại tinh thần, khi ngước lên, nàng lập tức sửng sốt khi trông thấy người đang bị truy đuổi.

Không phải chứ?

Thế mà lại là Đỗ Thiều Hoa?

Mặc dù trang phục trên người cô là kiểu quần áo của những nam thanh niên trí thức, tóc dài giấu cả vào trong mũ nồi, chỉ lộ ra vài lọn xoăn lòa xòa trước trán, gương mặt cô vẫn quá nổi bật để bị người khác ngó lơ. Đôi mắt sắc sảo của Thiều Hoa thoáng mở to khi trông thấy nàng, nhưng tiếng bước chân dồn dập phía sau không cho hai người đủ thời gian sửng sốt. Tĩnh Nguyệt thấy Thiều Hoa ngoảnh đầu nhìn về phía sau, lập tức nắm lấy cổ tay người kia, kéo cô vào trong nhà.

Cánh cổng kẽo kẹt khép lại. Nắng đổ dài trên khoảng sân im ắng, chỉ nghe thấy tiếng thở rất nhẹ dưới tán hoàng lan. Thiều Hoa dựa vào thân cây, Tĩnh Nguyệt chắn phía trước cô, hai người mặt đối mặt. Tĩnh Nguyệt đưa tay lên miệng ra hiệu im lặng, mắt hé nhìn hai tên lính Tây chạy lướt qua con ngõ. Nhận thấy hình như đã để mất dấu kẻ náo loạn, bọn hắn chửi đổng đầy bực dọc, chia nhau ra tìm. Chỉ một lúc sau, con ngõ đã trở lại vẻ yên tĩnh vốn có.

Nhận thấy không còn nguy hiểm, Tĩnh Nguyệt mới dời bước, tránh sang một bên. Đang định khách sáo nói: "thất lễ rồi", nàng chợt nhận ra đối phương là Thiều Hoa, bỗng dưng thấy hơi ngán ngẩm bản thân.

Sao nàng lại đi làm mấy chuyện thừa thãi như vậy nhỉ?

Đỗ Thiều Hoa bị truy đuổi thì can hệ gì đến nàng kia chứ? Căn bản chuyện này là do cô ta tự chuốc lấy rắc rối.

Nếu bắt gặp người khác, Tĩnh Nguyệt chẳng lúng túng đến mức này. Nhưng đây lại là Đỗ Thiều Hoa - người từng chứng kiến cảnh nàng khóc mất hết mặt mũi. Chưa kể đến việc, hai người còn chẳng ưa gì nhau.

- Vừa rồi... cảm ơn cô.

Tĩnh Nguyệt ngạc nhiên nhìn người đối diện, không thể tin nổi Đỗ Thiều Hoa vừa mới cảm ơn mình. Trông thấy biểu cảm của nàng, Thiều Hoa hơi cau mày.

- Cô nhìn tôi thế là ý gì? Không nghĩ tôi sẽ cảm ơn cô à?

- Ừ. - Tĩnh Nguyệt thẳng thắn thừa nhận - Trông cô không giống người sẽ đi cảm ơn người mình ghét.

- Tiểu thư thật định kiến với tôi nhé... mà khoan! - Thiều Hoa thốt lên - Tôi có ghét cô đâu?

- Vâng, cảm ơn vì mademoiselle đã không ghét tôi. - Tĩnh Nguyệt châm chọc.

- Cô thù dai đến thế cơ!

- Cô thì liều lĩnh gớm. - Tĩnh Nguyệt tự thấy mình thật trẻ con khi nhất quyết đấu khẩu với Đỗ Thiều Hoa. Nàng vén tóc sang bên, thở dài - Đang yên đang lành, cô cải trang xuống đường biểu tình làm gì? Nhỡ may bị người ta bắt bớ...

Thiều Hoa không đáp ngay mà nhìn nàng chằm chằm. Ánh nhìn gai góc của cô khiến Tĩnh Nguyệt khó chịu. Từ bé đến giờ, rất hiếm khi nàng phải đối mặt với ý chê trách trực diện trong đôi mắt ai đó.

- Cô biết người ta biểu tình vì cái gì không, tiểu thư? - Thiều Hoa cao giọng chất vấn - Cô có biết đoàn biểu tình hôm nay gồm những ai không? Tất cả bọn họ đều là chủ các cửa hàng nhỏ lẻ bị chặn đứng việc buôn bán, là công nhân các nhà máy buộc phải phá sản vì hàng trăm kiểu thuế của "mẫu quốc". Cô hỏi tại sao tôi đi biểu tình cùng họ? Vì nhà tôi cũng làm thương nghiệp, nhà tôi cũng chịu đủ sự chèn ép thuế khóa, cũng lao đao trong tình cảnh bị đám mại bản chiếm dụng hết đường buôn bán!

Tĩnh Nguyệt nhíu mày, cảm thấy Thiều Hoa luôn hiểu sai ý nàng. Những chuyện kia, nàng vốn đã hiểu hết rồi, chẳng cần người kia lên mặt rao giảng một bài ca thời thế. Vừa rồi, nàng thực sự không có ý hỏi. Nàng chỉ hơi... lo lắng cho cô.

Nhưng Tĩnh Nguyệt lại chẳng thể thẳng thừng thừa nhận như thế. Nàng không muốn xuống nước giải thích với Đỗ Thiều Hoa chút tâm tư kia.

- Những thứ cô nói thật vô nghĩa. - Tĩnh Nguyệt lạnh nhạt nói.

Thoạt tiên, Thiều Hoa trông hơi tức giận. Nhưng sau đó, cô chỉ cười khẩy.

- Đương nhiên, chúng vô nghĩa trong mắt cô. - Cô mỉa mai - Cũng như tiệm sách Đoạn Trường vậy.

Tĩnh Nguyệt hơi bất ngờ vì người kia nhắc đến tiệm sách Đoạn Trường. Đúng lúc, nàng nảy ra một ý tưởng.

- Chỗ đó thì liên quan gì? - Nàng giả vờ hỏi.

- Cô không biết chỗ đó thực chất là gì? - Đôi mắt Thiều Hoa hơi híp lại, như thể đang tìm tòi. - Phan Văn Khương chưa từng nói cô hay?

- Anh ấy nói cho tôi mấy chỗ dung tục thế làm gì? Chẳng phải rõ mồn một đó sao? - Tĩnh Nguyệt mặc nhiên nói - Một chốn làng chơi của những quý bà ham mê của lạ đất An Nam.

Thiều Hoa bật cười, ánh mắt như đang giễu cợt một kẻ ngu dốt.

- Ôi mademoiselle ngây thơ! - Cô lắc đầu ngao ngán - Cả đời cô sống trong chiếc lồng tam tòng tứ đức, chẳng biết chút gì về thời cuộc cả.

Đến đây, Tĩnh Nguyệt rốt cuộc cũng hiểu, những lời nói phiếm chỉ, những lần so sánh hơn thua của các bạn học trong trường vô hình trung đã tạo ra những định kiến khó thay đổi trong mắt người khác. Không chỉ với Thiều Hoa, mà còn cả về nàng. Đối với mọi người, có lẽ nàng chẳng khác nào một hình tượng bất động như tố nữ trong bức tranh, một thứ cành vàng lá ngọc toàn bích và rỗng tuếch.

Nàng chẳng thể trách cứ Thiều Hoa vì đã suy nghĩ như vậy. Chính nàng khi mới gặp cô cũng chỉ nghĩ đến những tai tiếng đầy rẫy của cô. Nhưng nếu Đỗ Thiều Hoa đã gán cho nàng định kiến về một tiểu thư sống trong nhung lụa, ngây thơ, khờ khạo, Tĩnh Nguyệt cũng chẳng ngại để cô lầm tưởng lâu hơn chút.

- Chỗ đó còn gì khác ngoài một nơi đàng điếm, dung tục sao?

- Thưa mademoiselle kính mến. Nơi ăn chơi trác táng đó là một tụ, điểm, săn, tin, đấy! Cô hiểu không? Là một vùng đất cấm, nơi người ta moi móc và đổi chác những tin tức trọng yếu rồi cung cấp cho các hội nhóm chống đối Toàn quyền. - Thiều Hoa chỉ lên bầu trời cao vợi, mắt lại nhìn xuống đất - Cô không thấy à? Sóng ngầm loang lổ dưới chân cô rồi, tiểu thư ạ!

Lời nói của cô đã xác nhận những suy đoán trong lòng nàng. Tĩnh Nguyệt quan sát gương mặt hơi ửng đỏ vì nắng nóng của thanh nữ trước mặt, lòng đột nhiên trỗi dậy nỗi hiếu kỳ.

Hệt như khi nàng bắt gặp nguồn tri thức mới.

- Bỏ đi, có nói cũng chẳng ích gì. - Thiều Hoa rời khỏi tán hoàng lan - Tôi về đây.

Vừa đi được nửa bước, cổ tay cô đã bị Tĩnh Nguyệt giữ chặt. Đang định nổi xung, thanh nữ hơi sững lại khi nghe người kia cất tiếng:

- Vậy hãy đưa tôi đi xem đi.

Trước sự ngạc nhiên của Thiều Hoa, nàng nhẹ nhàng nói:

- Cho tôi thấy đâu mới là thời cuộc trong mắt cô.

Che mắt Thiều Hoa thế này đúng là chẳng hề nhân nghĩa chút nào, thế nhưng nàng nhất định phải xem xem, phía sau những tai tiếng đầy rẫy, đâu mới là hình hài thực sự của đóa hồng đất Cảng.

Để thấu hiểu hơn về con người Đỗ Thiều Hoa, nàng sẵn lòng trở thành kẻ mông muội.



¹ Từ tiếng Pháp, xưng hô trang trọng với nam giới.

² Nam Phong tạp chí là một tờ nguyệt san xuất bản tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 7 năm 1917 đến tháng 12 năm 1934 thì đình bản, tất cả được 17 năm và 210 số.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro