Hai - Rung động là giọt nước mắt giai nhân.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ khi Đông Kinh Nghĩa Thục bị dẹp bỏ, làn sóng của giới trí thức cũng ngày càng mãnh liệt, nhất là trong lứa thanh thiếu niên như các cô cậu học trò. Bước sang thập kỷ mới, ngày càng nhiều người trẻ xuống phố, dẫn đầu những đoàn biểu tình phản đối quyết sách của Toàn quyền, đơn cử như một số học sinh theo học trường Thành chung. Ngược lại, bên phía Albert Sarraut có rất nhiều thân hữu của người Tây, hoặc những người theo trào lưu Tây hóa một cách thái quá.

Tĩnh Nguyệt thường xuyên nghe từ bạn học, rằng: Đỗ Thiều Hoa cũng là một người chạy theo mốt thời thượng kệch cỡm, là một "me Tây". Cha cô vốn là thương nhân sở hữu xưởng tàu lớn nhất đất Cảng. Từ nhỏ, nghe nói cô nàng đã thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều người ngoại quốc, không chỉ riêng người Pháp, mà còn người Hoa, người Anh, người Hà Lan, người Nhật,... thậm chí còn từng đi du học một thời gian, trở về liền nhập học tại ngôi trường nổi bật bậc nhất đất Hà thành.

Đỗ Thiều Hoa xinh đẹp nức tiếng, hệt như một đóa hoa hồng kiêu kỳ được người xứ lạ mang đến gieo trồng tại đất Nam, chẳng bao giờ hòa hợp với những người con gái Hà thành nền nã.

Cũng chẳng biết từ lúc nào cái tên thanh nữ kia đã luôn được người ta cất lên mỗi khi nhắc đến nàng, dù rằng, suốt quãng thời gian học ở Sarraut, nàng thậm chí còn chẳng bắt gặp Đỗ Thiều Hoa mấy lần.

Tại sao người ta lại so sánh hai nàng với nhau nhỉ? Tĩnh Nguyệt bắt đầu cảm thấy, dường như trước kia nàng đã quá thờ ơ với những lời bàn tán của bạn học. Nàng chỉ biết, những lời đồn đại về Đỗ Thiều Hoa hầu như đều đi kèm tai tiếng.

Lần theo dấu vết, cuối cùng Tĩnh Nguyệt cũng nhớ ra, có lẽ mọi người bắt đầu đặt hai người lên bàn cân từ cái hôm nàng bắt gặp Văn Khương đợi Đỗ Thiều Hoa gần cổng trường.

Hôm ấy cũng là một ngày hè nắng rạng, Tĩnh Nguyệt cùng mấy cô bạn vừa tan học. Lúc ra gần đến cổng, nàng bỗng nghe có người bên cạnh "ồ" lên:

- Kia có phải anh Văn Khương bạn chị Nguyệt không?

Nhìn theo hướng chỉ tay, Tĩnh Nguyệt trông thấy Văn Khương đang đứng một góc bên ngoài cổng trường, hình như đang đợi chờ ai đó. Nàng lấy làm lạ. Đúng là nàng và anh Khương quen biết đã lâu, nhưng chưa lần nào anh ấy đột nhiên đến trường mà không báo cho nàng biết.

- Có phải anh ấy đang đợi chị không hở chị Nguyệt? - Một cô bạn khác tủm tỉm.

- Chứ không thì anh ấy đợi ai! - Cô khác nữa cười trêu.

Tĩnh Nguyệt còn chưa kịp đáp lời thì đã trông thấy một bóng người lướt ngang tầm mắt. Không như phần đông nữ sinh An Nam đến trường thích diện áo dài, đeo guốc mộc, người con gái kia khoác lên người thước vải Tây, đội mũ bê-rết, đeo cao gót, cứ thế lướt qua đám các nàng và bước về phía Văn Khương.

Khi ấy Tĩnh Nguyệt còn chưa biết người Văn Khương đợi là Đỗ Thiều Hoa cho đến khi nghe cô bạn bên cạnh nói:

- Ơ? Anh Văn Khương thế mà lại đợi cô ả Kiều Hoa?

Có mấy cô học trò liếc nhìn nàng. Bầu không khí đám thanh nữ thoáng chốc trở nên sượng sùng.

- Cái chị này! - Một cô khác liếc nàng, hắng giọng nhắc nhở thanh nữ nọ - Người ta tên Đỗ Thiều Hoa.

- Thì ai chẳng biết cô ta là Đỗ Thiều Hoa, nhưng cô ta có biệt danh "Kiều Hoa" đó. - Người nọ khúc khích đáp.

- Tại sao lại gọi thế? - Nữ sinh khác tò mò hỏi.

- Mỗi lần tan học, người ta lại thấy cô ả đi với các anh khác nhau. Có anh con ông Tham, có anh cháu đằng xa của ông Nghị, rồi cả con trai vua mỏ đất Bắc,... thậm chí... hình như còn có cả cháu họ Thống sứ nữa kìa! - Nữ sinh nọ kể - Nên mọi người mới gọi cô ả là "Kiều Hoa" đó. Đã xinh như Kiều¹ còn tên là Hoa, gặp hoa hoa nở, gặp người người yêu còn gì?

- Có mà đĩ như Kiều! - Có người lên tiếng châm chọc - loại nhảy đầm đó hay ho lắm à mà hâm mộ?

- Chị Trang này! Nào có ai đi hâm mộ cô ta?

- Tính tôi thẳng, ghét nhất loại đàn bà lẳng lơ như ả. - Cô Đài Trang kiên quyết - Các chị mà rây vào loại lăng loàn me Tây đó... thì đừng có làm bạn với tôi!

- Bọn tôi tránh cô ả còn không kịp nữa là! Có phải không chị Nguyệt?

Nghe người ta nhắc đến tên mình, Tĩnh Nguyệt mới ậm ừ qua quýt, mắt vẫn dõi theo chỗ Phan Văn Khương và Đỗ Thiều Hoa khuất bóng xa xa. Thấy nàng thất thần, cô bạn kia than khẽ:

- Anh Văn Khương cũng thật là... có chị Nguyệt ở đây mà lại đi với cô khác!

Tĩnh Nguyệt nghe vậy hơi nhíu mày, cảm thấy mình nên giải thích một chút:

- Tôi với anh ấy có phải gì của nhau đâu, anh ấy đi với ai chẳng được.

- Ơ chị Nguyệt đừng giận!

Nàng... đâu hề giận? Tĩnh Nguyệt cảm giác mình chẳng hiểu được mạch tư duy của mấy cô bạn này.

- Khác mà, chị với anh Văn Khương khác chứ. Cô ả Kiều Hoa đó làm sao so sánh được với chị!

- Mấy chị gọi đúng tên người ta đi, gọi vậy không lễ nghĩa chút nào. - Nàng nhắc nhở.

- Ai cần lễ nghĩa với loại đó! - Cô Đài Trang xéo xắt - Mà chị Nguyệt này, tôi bảo thật lòng, chị nên quản chặt anh Văn Khương vào, mấy ả đàn bà nhảy đầm thông thạo nghệ thuật hớp hồn người ta lắm đấy!

Có vẻ họ không chỉ gán ghép nàng với Văn Khương mà còn nghĩ nàng và anh ấy là một cặp. Tĩnh Nguyệt nghĩ mình đã giải thích đủ, chỉ "vâng" một tiếng lạnh nhạt.

- Các chị, tôi đi trước, hẹn gặp sau.

Ngẫm lại mới thấy, dường như mọi người bắt đầu so sánh nàng và Đỗ Thiều Hoa từ dạo đó. Tĩnh Nguyệt không mấy quan tâm những việc tầm phào ấy, cũng chẳng mặn mà chuyện ai hơn ai kém. Đối với nàng, Đỗ Thiều Hoa chỉ giống như muôn vàn cô gái khác - thêm một chút yêu kiều, càng thêm nhiều tai tiếng.

Nhưng lúc này, đối diện với thanh nữ luôn bị các bạn học của mình dè bỉu, chê trách, Tĩnh Nguyệt vẫn bất giác muốn thở dài.

Văn Khương thực sự muốn rước thêm phiền toái cho nàng đây mà.

Nàng toan mở lời, chợt thấy người kia cất tiếng trước:

- Ồ, ngọc lan, dám bước vào đây thì cô cũng can đảm phết đấy nhỉ?

Thiều Hoa vừa cười vừa bước qua tấm rèm. Ngón tay cô lả lướt vờn qua những sợi châu ngọc như chơi đàn dây, động tác uyển chuyển và tự nhiên đến mức Tĩnh Nguyệt vô thức nhìn theo.

Có phải đây là cái mà đám bạn học của nàng hay gọi là "nghệ thuật hớp hồn" không nhỉ? Thực ra, dáng vẻ ấy không những không hề lẳng lơ mà lại vô cùng duyên dáng.

Nhưng quan trọng hơn...

... Ai là Ngọc Lan cơ?

- Tôi tên Tĩnh Nguyệt. - Nàng nghiêm túc đính chính - Chị Thiều Hoa, chị nên nhớ tên bạn học của mình.

- Cứng nhắc ghê. Ai chẳng biết cô tên Tĩnh Nguyệt.

Thiều Hoa hơi nghiêng đầu, hất tóc sang một bên rồi cúi người, khoanh tay lên thành trường kỷ ngay trước mặt Tĩnh Nguyệt.

- Cô không biết à? Rất nhiều người ví cô như đóa "ngọc lan" đó. - Cô nhoẻn miệng, trong giọng nói lẫn theo một chút đùa cợt.

Bạch ngọc lan, sứ ngọc lan, vọng xuân, nghênh xuân, ngọc đường xuân, hàm tiếu,... có rất nhiều tên gọi cho loài hoa thanh khiết ấy. Ngọc lan là tất cả những đức tính tốt đẹp mà người ta gán cho giới nữ lưu - thùy mị, nền nã, trinh bạch, thanh tao. Không như cô, một ả gai góc tiếng xấu vang xa, Lê Thị Tĩnh Nguyệt lại gần như là khuôn vàng thước ngọc trong con mắt người đời.

Một vị tiểu thư lá ngọc cành vàng, cả đời sống yên ổn sau màn nhung trướng gấm.

Loại con gái tẻ nhạt nhất trong mắt Thiều Hoa.

- Nhà tôi toàn dùng ngọc lan làm hoa cúng. - Tĩnh Nguyệt nhìn thẳng vào mắt Thiều Hoa, nhàn nhạt đáp - Người nào gọi tôi vậy chắc cũng chẳng có ý tốt gì.

Thiều Hoa chớp mắt, đột nhiên nghiêng đầu sang bên, bật cười.

Cô rút lại đánh giá trước đó. Có vẻ cô nàng này không đến nỗi tẻ nhạt.

- Được thôi, không gọi cô là ngọc lan nữa. - Thiều Hoa híp mắt, chìa tay ra phía trước - Vậy, mademoiselle à, đồ của tôi đâu?

Dẫu không thích thú gì thái độ ngả ngớn của Thiều Hoa, Tĩnh Nguyệt cũng biết mình tới là để giúp Văn Khương đưa đồ. Nàng gạt đi cảm tính riêng, mở cặp, lấy ra một tệp hồ sơ được niêm phong cẩn thận, đang định đưa cho Thiều Hoa thì bị cô chặn lại.

- Suỵt - Cô liếc quanh căn phòng, tủm tỉm - mademoiselle kính mến, cô thực sự muốn giao đồ ở đây à?

Lúc này, Tĩnh Nguyệt mới chú ý đến những ánh nhìn tò mò xung quanh. Ngoại trừ mấy Quý cô đang tình tứ với Búp bê của mình, số còn lại nhìn hai nàng một cách thích thú.

- Joan, nàng kia là Quý cô của em đấy à? Hay là Búp bê? - Có người lên tiếng.

Tĩnh Nguyệt bất giác mím môi, trong đầu niệm "không nghe, không hiểu, không nói" vài trăm lần.

- Tôi nghe thấy Joan gọi người ta là Quý cô đấy. - Một người khác cười khúc khích - Ôi, Joan xinh đẹp cũng có lúc là Búp bê sao? Thế có muốn làm Búp bê của chị không?

- Cho em xin. - Thiều Hoa nhún vai, cười nói với Búp bê của nàng kia - Diệp, giữ Quý cô của em cho chặt.

Rồi bảo nàng:

- Tôi đưa cô đến chỗ nào riêng tư hơn chút.

- Nè, nè, Joan vừa mới nói gì thế? - Một Quý cô kéo tay Búp bê, hứng chí hỏi. Búp bê của người nọ ghé lại gần nói gì đó, Quý cô kia thốt lên.

- Riêng tư cơ đấy! Nàng kia trông thế mà biết chơi vậy sao?

Tĩnh Nguyệt đứng dậy, theo Thiều Hoa ra ngoài trong những tiếng cười rinh rích như chim ri. Nàng chẳng để những lời tục tĩu kia trong lòng, tuy nhiên, nói không tò mò là nói dối. Tĩnh Nguyệt không ngờ, cô ả lăng loàn trong những lời đàm tiếu, lúc nào cũng thấy qua lại với những anh con trai, những người đàn ông khác nhau, vậy mà còn... rất được những người đàn bà thưởng thức.

Nhận thấy suy nghĩ của mình có phần vô lễ, Tĩnh Nguyệt lập tức dìm xuống đáy lòng. Không nghe, không hiểu, không nói. Quên đi, nàng nhủ thầm, đây là một giấc chiêm bao hoang đường.

Ra khỏi căn phòng đàng điếm kia, Tĩnh Nguyệt như được ân xá, bất giác thả lỏng người. Đến lúc này nàng mới nhận ra chân mình tê rần, lòng bàn chân có lẽ đã rộp lên, mỗi bước đều đau buốt như kim châm.

Thiều Hoa không dẫn nàng ra bên ngoài mặt tiền tiệm sách mà rẽ lối khác, vào một căn phòng nhỏ. Thấy phòng không có trường kỷ mà chỉ có tủ với giường, Tĩnh Nguyệt thở dài, tự thấy thương thay đôi chân mình.

Thiều Hoa đóng cửa xong, ngoảnh lại thì hơi giật mình.

- Cô sao thế?

- Gì cơ? - Tĩnh Nguyệt chẳng rõ người kia đang đề cập chuyện gì.

- Trông cô không khỏe lắm... - Thiều Hoa lướt mắt xuống dưới, "à" lên một tiếng - Đau chân?

- Không sao, đưa đồ xong tôi về luôn.

Thiều Hoa làm như không nghe thấy lời nàng, bước về phía giường, vén rèm sang bên rồi nói:

- Lại đây ngồi, tôi xem thử.

- Tôi không ngồi lên giường người khác. - Tĩnh Nguyệt đáp.

- Dẹp phắt cái lễ tiết thủ cựu của cô đi, tiểu thư. - Thiều Hoa bực - Không phải nơi nào cũng là khuê phòng của cô đâu.

- Thực ra cô rất không ưa tôi nhỉ? - Tĩnh Nguyệt không xưng hô khách sáo nữa, lạnh giọng - Không ưa thì đừng có tỏ ra thảo mai thế.

- Cô làm dáng cái gì? - Thiều Hoa cao giọng - Chẳng phải cô mới là bên gây hiềm khích trước à?

Gây hiềm khích? Tĩnh Nguyệt nhíu mày.

- Tôi còn chẳng chạm mặt cô được mấy lần, tội gì phải gây hiềm khích với cô?

- Chứ không thì sao chúng nó suốt ngày so sánh tôi với cô? - Thiều Hoa khoanh tay, nhếch miệng mỉa mai - Có kẻ tai tiếng như tôi làm đòn bẩy, người ta sẽ càng thấy cô thanh cao sạch sẽ chứ sao? Cái chiêu trò đấy tôi còn lạ gì đám người giả nhân giả nghĩa như cô nữa. Chỉ bởi tôi qua lại đôi lời với Phan Văn Khương mà...

- Không hề. - Tĩnh Nguyệt bực đến mức chẳng chờ Thiều Hoa nói hết đã cắt ngang.

Sửng sốt một thoáng, Thiều Hoa cũng nhíu mày:

- Không hề cái gì?

- Tôi không hề muốn bị đặt lên bàn cân với cô, không hề đàm tiếu cô, cũng không hề nghĩ mình thanh cao sạch sẽ. - Tĩnh Nguyệt thẳng thắn nhìn Thiều Hoa, tay hơi xiết lấy chiếc cặp. - Chẳng biết tại sao cô lại nghĩ tôi là người như thế, nhưng tôi chưa từng đem cô ra làm đòn bẩy. Tôi cũng như cô, chẳng hề thích thú gì việc bị người ta lấy ra làm đề tài buôn chuyện. Và trên hết, giữa cô và anh Khương có gì cũng không phải việc của tôi!

Trong lòng Tĩnh Nguyệt cuồn cuộn sóng trào, cảm giác như trước giờ nàng chưa từng phẫn uất tới vậy. Tại sao Đỗ Thiều Hoa lại nghĩ nàng xấu xa đến nhường ấy?

Thoáng kinh ngạc qua đi, Thiều Hoa bỗng bật cười.

- Cô giống như tôi? - Cô thốt lên đầy vẻ khó tin - Cô đùa tôi đấy à?

Tĩnh Nguyệt mím môi, giận dữ ném tập hồ sơ kia về phía Thiều Hoa rồi xoay người, hướng về phía cửa. Nàng đã chịu đủ sỉ nhục rồi, chẳng cần ở đây tiếp tục nhẫn nhịn mặc người ta hả hê cười nhạo.

Có lẽ lực chân nàng hơi mạnh, lúc bước đi, guốc mộc phát ra tiếng "cốp" rất vang, mà bàn chân nàng cũng thoắt cái đau điếng. Tĩnh Nguyệt bất giác hít một hơi, cắn răng, đang định mở cửa thì cổ tay chợt bị Thiều Hoa nắm lấy.

- Tiểu thư.

- Đừng có gọi kiểu đó! - Nàng gắt - Làm như cô không phải tiểu thư!

- Tôi không phải tiểu thư thật, nhà tôi làm thương nghiệp mà. - Thiều Hoa hạ giọng, xoay Tĩnh Nguyệt lại định giải thích gì đó thì bỗng sững người - Cô...

Gương mặt Tĩnh Nguyệt đỏ bừng, môi mím chặt, hai mắt long lanh như ánh đèn chiếu xuống làn nước thẳm, phản chiếu bóng nguyệt vô ngần. Từ khóe mắt nàng, những giọt nước mắt lẳng lặng lăn xuống, vụt tan vào thinh lặng.

Đầm đầm châu sa. Trong đầu Thiều Hoa chợt bật ra cụm từ mỹ miều kia. Cô chưa từng nghĩ, trên đời này thực sự có người khóc đến mức rung động nhường ấy.

Nước mắt của tiểu thư quý giá ngàn vàng nha.

- Cô... trước tiên cô ngồi xuống đã. - Thiều Hoa kéo tay nàng, kéo đến bên giường, giọng mềm như lụa - Chân cô đã thế rồi còn đi đâu nữa?

- Tôi không ngồi lên giường người lạ. - Tĩnh Nguyệt lặp lại, chất giọng sắc lạnh bình thường giờ hơi nghèn nghẹn, thoạt nghe vừa tủi thân vừa giận dỗi.

Từng trông thấy đủ kiểu chiêu trò của cánh đàn bà, Thiều Hoa không ngờ có ngày cô phải khuất phục trước tiếng khóc giai nhân.

Cô buông tay, quay lại túm lấy cái chăn trên giường, trải phẳng xuống đất rồi bảo:

- Thế này được rồi chứ? Ngồi ở đây thì không phải ngồi giường.

Tĩnh Nguyệt hơi ngỡ ngàng, không nghĩ Thiều Hoa sẽ làm đến mức đó trong khi bọn họ rõ ràng như nước với lửa. Nàng nhìn tấm chăn phẳng phiu, rốt cuộc vẫn tiến lại, tháo guốc ngồi xuống.

Thiều Hoa nửa ngồi nửa quỳ, vạt váy chạm cả xuống đất. Cô không để ý lắm, đang định xem xét thử bàn chân dưới lớp quần lụa thì Tĩnh Nguyệt giữ tay lại.

- Này nhé. - Cô thở dài - Tôi sắp hết kiên nhẫn rồi đấy tiểu thư. Cô có phải bó chân đâu mà không thể để người ta xem?

- ... Không, ý tôi là... - Tĩnh Nguyệt nửa muốn giải thích, nửa còn lại chẳng biết nên giải thích kiểu gì.

Nàng không ngại để người ta thấy chân đau mà nàng ngại để người ta thấy mình uất ức.

Dù đúng là vừa rồi nàng uất đến phát khóc.

Khóc trước mặt người lạ là điều thất lễ nhất nàng từng làm. Tính tình nàng vốn lạnh nhạt, không dễ xúc động, bị người ta lời ra tiếng vào cũng có thể bình thản cho qua. Thế mà trước mặt Đỗ Thiều Hoa nàng lại hành xử mất hết lễ giáo như vậy.

Tĩnh Nguyệt cảm thấy mặt mũi nàng bay sạch.

Thôi thì đến thời khắc này, giữa hai bên cũng chẳng còn chút lễ nghĩa nào nữa rồi.

Buông tay cô ra, nàng vén ống quần, hơi nâng chân về phía Thiều Hoa.

- Thấy rồi chứ?

Thiều Hoa như bị điểm huyệt, sững lại trong thoáng chốc.

Ôi cái góc độ này...

Lần này, đến lượt cô mới là người thẹn thùng. Khẽ hắng giọng, Thiều Hoa rời mắt khỏi gương mặt vừa mới khóc xong của Tĩnh Nguyệt, tập trung nhìn bàn chân nàng.

Ôi, cô cảm thán trong lòng. Sưng hết lên rồi. Sao người kia chịu được đến giờ nhỉ?

- Phải ngâm chân, đắp thuốc mấy ngày đấy. - Xem xét xong, cô đặt chân nàng xuống, nhắc nhở.

- Ừ. - Tĩnh Nguyệt đáp, giọng đã trở lại bình thường - Tôi cũng nghĩ thế.

Nói xong, hai bên bỗng chìm vào khoảng trống im lặng quái gở.

- Xem đi. - Tĩnh Nguyệt lên tiếng trước.

- Hả? - Thiều Hoa hơi ngây ra - Xem gì?

- Đồ anh Khương gửi cô.

- À... ừ!

Thiều Hoa với lấy tập hồ sơ trên giường, mở con dấu niêm phong. Bên trong có một tập giấy kèm một lá thư. Cô liếc Tĩnh Nguyệt một thoáng rồi mở lá thư, nghiêm túc đọc thông tin bên trong. Càng đọc, chân mày cô càng nhíu chặt.

Tĩnh Nguyệt quan sát biểu cảm trầm trọng của cô, sâu trong đôi mắt tĩnh lặng lóe lên tia sắc bén mờ nhạt.

Cảm giác minh triết đột ngột khiến nàng hơi phiền não. Nàng vờ như không hiểu.

- Sao thế? - Tĩnh Nguyệt hỏi.

Thiều Hoa im lặng một lúc mới hỏi:

- Anh Khương đến tận nơi nhờ cô đưa tôi à?

- Không, anh ấy gửi qua thư, nhờ người quen đưa tôi bưu phẩm.

- ... Bao lâu rồi cô chưa gặp anh ấy?

- Ý cô là gì?

- Không có gì. - Thiều Hoa khách sáo nói - Tôi nhận được đồ rồi, cảm ơn, để tôi gọi xe kéo đưa cô về.

Tĩnh Nguyệt không nhiều lời, chỉ gật đầu rồi đứng lên. Lúc nàng định đeo guốc mộc, Thiều Hoa bỗng lên tiếng:

- Đừng đeo.

- Không đeo chẳng lẽ tôi đi chân trần về nhà?

- Để chân cô nghỉ ngơi đi. Đôi guốc đó về nhà hẵng đeo. - Thiều Hoa liếc nàng - Chờ tôi đem đôi giày thủy tinh khác đến cho cô, Cendrillon².

- Người Nam thì dùng truyện cổ nước Nam đi, mademoiselle. - Tĩnh Nguyệt nhấn nhá ngữ điệu từ ngữ kia y hệt Thiều Hoa, lời ít ý nhiều - Một đôi hài thêu sẽ đỡ đau chân hơn là giày thủy tinh đó.

Thiều Hoa đảo mắt, không đáp lại mà cầm theo luôn tập hồ sơ kia, quay gót hồng bỏ đi. Tĩnh Nguyệt lần nữa ngồi xuống tấm chăn đã hơi nhăn nhúm trên đất, lơ đễnh nhìn bức tường trước mắt.

Lại có thêm những bức tường khác vỡ vụn mất rồi.



¹ Ý chỉ Vương Thúy Kiều trong Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh).

² Từ tiếng Pháp, nghĩa là Lọ Lem.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro