Một - Rung động là buổi đầu gặp gỡ.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hè nắng như đổ lửa. Đang độ ban trưa, cửa nẻo nhà nào nhà nấy đều giăng màn, đóng kín. Mấy hàng chợ vắng người, trước ngõ xếp một hàng xe kéo đủ loại. Loại cà tàng bám đầy bùn, gỉ sét cũng có. Loại đắt đỏ căng bạt chắn nắng cũng có. Thậm chí, sang quý nhất còn treo rèm nhung, kê đệm lông ngỗng.

Giờ này vắng khách, mấy tên phu xe hoặc nằm vạ vật trên xe kéo, lấy nón mê che mặt đánh tạm một giấc, hoặc túm năm tụm ba một góc chiếu chơi tam cúc, tứ sắc, miệng ca cẩm mấy điệu xẩm hát rong.

Chợt, có tiếng guốc mộc dợm bước tới gần. Tên mặt rỗ lanh mắt huýt sáo một tiếng, vội bỏ lại xấp bài trên tay, nhảy qua đầu một đứa khác.

- Chị đây đi đâu thế ạ? - Hắn xán tới chỗ thanh nữ đeo guốc mộc, nhanh nhảu ướm hỏi. Trông mặt hắn còn già dặn hơn nàng kia, ấy thế mà vẫn gọi tiếng "chị" ngọt xớt.

Nàng kia còn chưa kịp đáp đã nghe có người gọi với từ sau:

- Cô ơi, đi xe tôi này, xe hắn chỉ là loại rởm, đâu xứng với hoa nhài như cô.

- Liêm, đừng có mà tranh khách của bố! - Tên mặt rỗ quay lại phía sau, gào lên.

Lúc ngoảnh về đối diện với thanh nữ, gương mặt hắn thoắt cái lại niềm nở, lật mặt nhanh như lật bánh tráng.

- Xe tôi không phải loại tốt nhất nhưng rất sạch sẽ. - Hắn chỉ một chiếc xe kéo thuộc loại tầm trung trong đám, cười đon đả - Chị xem, ghế ngồi lẫn bạt che nắng đều tinh tươm!

Tên mặt rỗ tự tin mắt nhìn khách của hắn rất chuẩn, chưa từng lệch một xăng-ti. Thanh nữ kia diện loại áo dài ngũ thân chất vải thanh nhã, đường may mộc mạc - đặc trưng của các làng nghề cổ truyền, lại vấn tóc trần, nhìn là biết con nhà gia giáo không đua theo mốt thời thượng, kiểu cách. Nàng mang một chiếc cặp nhỏ, dáng đứng nghiêm chỉnh, thong dong, đến tám phần là con quan theo học trong mấy ngôi trường Phơ-răng Phơ riếc gì đó. Hắn thường xuyên đón dạng khách như vậy. Các cô các cậu ấy đều chê kiểu xe cà tàng, nhưng lại không đủ kinh phí đi hẳn những chiếc lót đệm màu mè, bởi vậy, loại tầm trung như của hắn là lựa chọn phù hợp nhất.

Thanh nữ trông theo hướng chỉ tay của hắn, im lặng một thoáng rồi cất lời:

- Anh à, tôi không đi xe. Tôi muốn hỏi đường thôi anh.

- Hỏi... hỏi đường á?

Thoạt tiên, tay phu xe ngớ ra, không thể tin nổi là mình đoán lệch. Trời nắng gắt thế này, cô gái kia còn không đem theo đồ che nắng, thế mà lại muốn đi bộ?

Hắn quan sát thêm một lượt, thầm nghĩ. Trông cũng đâu giống người keo kiệt, túng thiếu gì...

- Tôi mới từ trạm xe xuống, muốn tìm tiệm sách Đoạn Trường mà đi quanh loanh một lúc vẫn chưa thấy. Anh cho tôi hỏi tiệm sách đó ở đâu thế anh?

Nghe đến "tiệm sách Đoạn Trường", tên phu xe như vỡ vạc ra điều gì, mắt nhìn thanh nữ khác hẳn. Hắn "à" một tiếng khinh khỉnh trong lòng, không nhiều lời, quay ngoắt về chỗ chiếu ngồi với đám anh em. Có đứa huých tay hắn, hỏi vừa nói chuyện gì với em xinh tươi kia, lập tức bị hắn bịt mồm.

- Đừng có lắm lời, cô ta đến "chỗ đó". - Tên mặt rỗ dọa nạt - Liệu hồn thì câm, coi như tao chưa từng nói chuyện với cô ta. Bép xép ra ngoài, tao vặt trụi lông mày.

Nghe đến "chỗ đó", tên phu xe cũng lập tức im miệng, coi cô nàng kia thành không khí.

Thanh nữ thấy người ta không có ý định chỉ đường cho mình cũng chẳng hề bực tức. Nàng mở cặp, lấy ra một thanh tre kẹp vải có những khớp nối. Trước sự ngỡ ngàng của đám phu xe, nàng dựng ống tre lên cao, vặn khớp nối, sau đó lại dựng lên cao nữa, tiếp tục vặn khớp, cuối cùng mở rộng các thanh nối đến trung tâm, bung xòe tán ô. Chẳng ai trong số họ ngờ được một thanh tre kẹp vải có thể xếp gọn trong chiếc cặp nhỏ con kia lại mở ra được thành một chiếc ô đủ cho hai người trưởng thành, không khỏi nhìn thanh nữ nọ một cách kỳ khôi. Nàng dựng ô, mắt đảo về cung đường bên tả.

Vừa rồi, lúc nghe nàng nhắc đến "tiệm sách Đoạn Trường", tên phu xe kia đã theo thói quen liếc sang bên tả.

Vậy thì đi bên tả. Thanh nữ nghĩ rồi quả quyết cất bước.

Ánh nắng hầm hập phả xuống con đường, tưởng như có thể trông thấy cả làn khói hôi hổi bốc lên từ mặt đất. Guốc mộc không hợp để cuốc bộ quãng dài. Đi thêm một lát, bàn chân nàng bắt đầu nhưng nhức âm ỉ. Thanh nữ dừng lại, đang định ngồi nghỉ ngơi thì bỗng trông thấy trong con ngõ bên đường loáng thoáng bóng người qua lại. Một người đàn bà ngoại quốc mặc áo Tây váy xòe đi ra từ con ngõ, tay cầm cuốn "Những kẻ khốn nạn"¹ dịch tiếng An Nam, phía sau có một thiếu nữ xinh xắn khoác áo cánh tứ thân cúi người. Mãi đến khi người đàn bà kia ngồi lên xe kéo sang trọng rời đi, thiếu nữ mới đứng thẳng lưng, quay gót hồng trở vào bên trong cửa tiệm.

Liệu có phải đó là tiệm sách Đoạn Trường không nhỉ?

Băn khoăn chẳng ích gì, nàng bèn sang bên đường xem thử. Cửa tiệm kia không ở sâu trong ngõ nhưng lại khuất sau giàn hoa giấy, nàng bước đến gần mới thấy, qua khe cửa, những chồng sách cũ chất đầy trên những gian tủ và trường kỷ. Nắng lấp ló chiếu vào con ngõ, nàng ngước lên tấm biển sơn son hai từ "Tân Thanh" theo lối viết hoa mỹ, bên cạnh là tiêu đề tiếng Pháp và tiếng Hoa, đôi mày cánh cung bất giác chau lại.

Chỗ này không phải tiệm sách Đoạn Trường, mà là... Tân Thanh?

Liệu anh Khương có nhầm lẫn gì không nhỉ?

Nàng còn đang phân vân nên đi hay nán lại hỏi thử thì bỗng trông thấy một thiếu nữ vấn tóc bước ra. Người này có vẻ khác với thiếu nữ nàng mới trông thấy, dáng người yểu điệu, mặc áo dài suông trông càng thêm thướt tha. Thiếu nữ cong đôi mắt long lanh như sương đọng, mỉm cười với nàng.

- Chị muốn tìm sách gì ạ?

Phân vân một thoáng, thanh nữ bèn mở lời:

- Có người nhờ tôi đưa đồ đến tiệm sách Đoạn Trường mà tôi đi loanh quanh chỉ thấy tiệm sách này... em cho tôi hỏi gần đây còn tiệm sách nào khác không?

Nghe nàng nói, nét cười tủm tỉm dần biến mất khỏi khóe miệng thiếu nữ. Trông cô nàng nghiêm nghị hơn hẳn. Thiếu nữ nọ nhìn nàng một lúc rồi mới hỏi:

- Người nào nhờ chị đưa đồ cho ai vậy ạ?

- Đây là tiệm sách Đoạn Trường? - Thanh nữ hỏi. Thiếu nữ kia chỉ mỉm cười không đáp.

Nhớ lại thái độ của những phu xe ban nãy, giác lạ lùng bất giác dâng lên trong lòng nàng.

Có khi nào, anh Khương...

- Người gửi là Phan Văn Khương, mười chín tuổi, học ở trường Thành chung. Người nhận... - Thanh nữ lấy một phong bì thư từ trong cặp, đưa tới trước mặt thiếu nữ - tôi chỉ biết tên là "Joan", nhưng người gửi bảo tôi chỉ cần đến tiệm sách Đoạn Trường đưa thứ này, ắt sẽ có người nhận.

Thiếu nữ toan cầm lấy phong bì thì thanh nữ đã rụt lại.

- Cô là "Joan" à? - Nàng hỏi, giọng hoài nghi.

Thiếu nữ thấy nàng cẩn trọng như vậy thì không cố xem lá thư nữa, miệng lại treo nét cười mềm mại.

- Chị là bạn anh Khương... cô Nguyệt, Lê Thị Tĩnh Nguyệt, học trường Albert Sarraut đúng không ạ?

- ... Đúng là tôi.

- Thế thì... chị Nguyệt, chị vào trong đợi một lát. Em đi liên hệ với cô Joan.

Thiếu nữ nói rồi bước vào trong, dẫn đường. Tĩnh Nguyệt theo sau, mắt liếc những chồng sách trong tiệm, trầm ngâm hỏi:

- Vậy nơi này là tiệm sách Đoạn Trường, tại sao bên ngoài lại đề biển "Tân Thanh"?

- Thì phải có "Đoạn Trường" rồi mới có "Tân Thanh" chứ ạ.

- Cô Joan cũng là bạn anh Khương à?

- Cái này em không biết ạ. - Thiếu nữ ngoảnh lại, ý nhị nói - Nhưng chắc chị cũng biết chị Joan. Chị ấy cũng học trường chị mà.

Cái cô Joan đó cũng học ở Albert Sarraut? Thoáng ngạc nhiên qua đi, Tĩnh Nguyệt rốt cuộc cũng hiểu vì sao chỉ đưa đồ mà Văn Khương cũng phải nhờ đến mình. Vốn dĩ hai trường Bưởi² với Sarraut như nước với lửa, học sinh hai bên không tỏ thái độ ngoài mặt thì cũng thầm chán ghét trong lòng. Đến mức, chỉ cần học sinh trường này giao du với học sinh trường kia, lập tức sẽ có người ca thán vở "Romeo và Juliet".

Nhưng anh Khương và cô Joan... chắc cũng không phải như hai họ Montague và Capulet thật chứ? Thế thì nàng đến đây đưa đồ lại thành trao giúp tín vật định tình?

Tĩnh Nguyệt miên man nghĩ, thầy nàng mà biết nàng chạy vài cây số đi trao duyên giúp người ta, chắc phải tức lộn ruột. Dù sao ông cũng đã nhắm Văn Khương làm con rể nhà mình... ôi, nhất định phải kiếm cớ cho qua chuyện.

Mà "Joan" có phải tên thật không nhỉ? Sao nàng học ở Sarraut mấy năm rồi mà chưa bao giờ nghe đến người nào tên Joan? Hay cô ấy là kiểu người kín tiếng?

- Chị Nguyệt. - Thiếu nữ gọi nàng.

- Sao thế? - Tĩnh Nguyệt nhìn cánh cửa phía trước, hỏi.

- Chị vào bên trong đợi nhé. Lát nữa chị Joan đến nhận đồ.

- Ừ, tôi biết rồi.

- Chị Nguyệt này. - Thiếu nữ đột nhiên tới gần nàng, hạ giọng, gần như thỏ thẻ - Những chuyện không liên quan đến mình thì hãy coi như không nghe, không thấy nhé ạ.

... Nghĩa là sao?

Tĩnh Nguyệt hơi nhíu mày, chưa kịp hỏi lại đã thấy cô nàng kia rời đi. Lễ nghĩa không cho phép nàng gọi người ta lại gạn hỏi, sau giây lát chần chừ, nàng hạ quyết tâm, mở cánh cửa thần bí kia ra.

Gian phòng bên trong kín kẽ nhưng lại mát mẻ đến không ngờ - quá mát so với cái nóng như đổ lửa ngoài kia. Tĩnh Nguyệt tìm kiếm nguồn cơn, mắt thấy một chiếc quạt gỗ chạy bằng hơi nước đang quay đi quay lại, phía trước đặt một thau nước đá lớn. Rất hiếm khi nàng được trông thấy nước đá (mà còn cả một tảng lớn như vậy), Tĩnh Nguyệt lập tức bị thu hút. Nhưng còn chưa kịp lại gần xem xét, nàng bỗng nghe một giọng nói quyến rũ cất lên.

- Quý cô hay là Búp bê thế?

Nói bằng tiếng Pháp, nàng nghe được rõ từ "mademoiselle³" và "poupée⁴" phát âm rất chuẩn. Tĩnh Nguyệt ngoảnh mặt, loáng thoáng thấy bóng mấy người phụ nữ bên kia tấm rèm ngọc. Nàng không đáp lại, vén rèm đi vào gian phòng.

Gian phòng thoang thoảng một số hương liệu vùng nhiệt đới khác. Tĩnh Nguyệt hơi nhạy với các thứ mùi, ngửi được mùi đàn hương phảng phất, lẫn với hương bưởi nhè nhẹ. Phòng treo rèm kín, thắp đèn cầy, không lọt lấy một sợi nắng.

Trên những chiếc trường kỷ, sập gỗ phủ đệm, nàng trông thấy bóng dáng mấy người đàn bà. Họ nằm nghiêng, vạt xa-tanh lụa là trơn trượt và bóng loáng như nước phủ dọc những đôi chân đẫy đà. Tay họ đều để móng, đính đá quý, cổ đeo ngọc trai, thạch lựu, hổ phách,... chỉ cần lướt qua cũng biết cả đời họ sống cuộc đời phú quý. Có vài người Tây, một người Hoa và hai người An Nam. Bên cạnh họ, có ít nhất một thiếu nữ tóc vấn trần, người thì mặc áo dài, người thì mặc áo tứ thân, áo cánh, hầu hết đều là người đất Nam. Có cô đứng quạt, có cô quỳ bóp chân, còn có cô ngồi trên trường kỷ, để những người đàn bà kia gối đầu lên đùi, nhè nhẹ ngâm một điệu ca hoài cổ.

Hương liệu che mờ dung nhan những ả đàn bà. Trông thấy khung cảnh kia, tâm trí Tĩnh Nguyệt nổ "ầm" một tiếng vang dội như pháo Tết.

- Cô kia quả là một con Búp bê. - Một người Tây nhoẻn cười, cất giọng trầm lắng.

- Đừng nói như người An Nam nào cũng là Búp bê. - Người khác khúc khích, giọng điệu nửa giễu cợt.

- Nè, cô ấy có phải Búp bê không? - Cô gái nằm trên đùi nhổm dậy, hỏi nhỏ với thiếu nữ mặc áo dài.

- Em thấy... chắc không phải đâu. - Thiếu nữ kia đáp lại bằng giọng Tây lơ lớ, nũng nịu - Quý cô còn nhìn gì người khác nữa, cô có em rồi mà.

Tĩnh Nguyệt từng nhận lấy đủ kiểu ánh mắt thế này, phần lớn trong số chúng đều đến từ cánh mày râu. Nhưng kiểu ánh mắt nửa tìm tòi nửa thưởng thức như vậy, dù là nam hay nữ nàng đều thấy khắp người gai góc.

Cảm giác hệt như nàng là một thứ trưng bày, một vật không sống - một con búp bê vô hồn, vô giác.

Vờ như mình không hiểu những lời kia, nàng ngồi xuống một chiếc trường kỷ trống, đặt cặp lên đùi, tay chắp lại, ngồi thẳng lưng, nghiêm chỉnh như khi học bài.

Những tiếng xì xào dần trở thành những thanh âm ríu rít, đằm thắm... ướt át. Tĩnh Nguyệt thở dài trong lòng. Văn Khương có biết tiệm sách mà anh ấy nói thực ra là một nơi... đàng điếm thế này không? Nơi đây giống như kiểu... nhà chứa thượng hạng của các vị quý nhân?

Như vậy, "Quý cô" và "Búp bê" có lẽ cũng để ám chỉ...

Nàng rốt cuộc cũng hiểu lời thiếu nữ kia nói có ý nghĩa gì rồi. Một nơi trác táng thế này, đúng là không nên nhìn, không nên nghe, càng không thể nói ra bên ngoài.

Và cô Joan kia nghe chừng quen thuộc với nơi này. Là khách quen hay...

- Chị à.

Tĩnh Nguyệt giương mắt nhìn, nhận ra thiếu nữ này là người đầu tiên nàng trông thấy trong ngõ. Thiếu nữ kia tới gần nàng, thỏ thẻ:

- Em tên Liên. Chị ơi, chị đi một mình hay sao? Hay chị đang đợi người? Người chị đợi là Quý cô hay Búp bê thế ạ? - Cô nàng xáp lại gần, đôi mắt cong cong như vành trăng khuyết, lộ ra lúm đồng tiền nhí nhảnh - Nếu chị không đợi ai... em thì sao ạ?

Tĩnh Nguyệt nghiêng người, hơi tránh né sự thân cận của thiếu nữ kia. Dù không mấy thoải mái, nàng vẫn giữ lễ, không tỏ thái độ mặt ngoài mà chỉ lạnh nhạt nói:

- Tôi không có nhu cầu. Tôi chỉ đến đưa đồ thôi.

- Chị đưa đồ cho ai ạ? Có cần em...

- Liên.

Từ ngoài rèm, một chất giọng lanh lảnh như châu ngọc cất lên, đánh động sự chú ý của cả hai. Tĩnh Nguyệt phát hiện nhỏ Liên kia thoáng sượng sùng hẳn, bèn đánh mắt qua người bên kia rèm châu. Thanh nữ nọ vén rèm, mái tóc xoăn điệu đà cùng thước đồ Tây thời thượng thoáng qua tầm mắt Tĩnh Nguyệt.

Lập tức, cả người nàng cứng lại như gỗ.

- Đó không phải là khách của chúng ta... - Đối diện với ánh mắt sửng sốt của Tĩnh Nguyệt, thanh nữ nọ thoáng bặt thinh.

Liên nghe vậy vội nói:

- Vậy... vậy ạ? Em đi ngay đây, chị Joan! - Rồi nhanh chóng rời khỏi gian phòng như bị chó đuổi.

Mãi đến khi cửa phòng đánh "cạch" một tiếng, khép lại, Tĩnh Nguyệt mới ép được sự kinh ngạc xuống đáy lòng, miễn cưỡng mở lời:

- Thì ra, Joan... là cô đấy à, Đỗ Thiều Hoa.

Bị nàng gọi cả họ lẫn tên thật, thanh nữ cũng chỉ thoáng đảo mắt một cách kiêu kỳ. Ngón tay cuốn lấy ngọn tóc xoăn, Thiều Hoa khẽ chép miệng. Đáng lẽ cô nên biết trước người mà Phan Văn Khương nhờ đến đây lại là nàng tiểu thư con gái ông Phán⁵ nức tiếng Hà thành - Lê Thị Tĩnh Nguyệt.

Cũng là đóa ngọc lan luôn được đặt lên bàn cân với cô suốt thời gian học tại trường Sarraut - đối thủ hão trong những câu chuyện tam sao thất bản của đám học sinh nhiều lời, lắm mối.



¹ Tựa đề cuốn "Những người khốn khổ" (Les Misérables) của Victor Hugo khi được xuất bản năm 1926 (bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh).

² Cách gọi khác của trường Thành chung Bảo hộ, do học sinh bản xứ đặt để ngầm phản đối chế độ Toàn quyền.

³ Từ tiếng Pháp, nghĩa là "quý cô" (thường để chỉ phụ nữ chưa chồng, khác với madame là phụ nữ đã có chồng).

Từ tiếng Pháp, nghĩa là "búp bê".

Viên chức trung cấp làm việc trong các công sở thời Pháp thuộc, làm thông phán ở tòa sứ tỉnh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro