Mười hai - Rung động là một giấc hoài mộng.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gần tới giao thừa, nhà ông Tham bất ngờ tiếp đón một vị "khách lạ". Chiếc xe kéo dừng lại trước cổng nhà, chàng trai trẻ bước xuống, nói gì đó với cậu phu xe rồi nhấn chuông cửa.

Tĩnh Nguyệt đang cùng cha bày biện mâm ngũ quả thì nghe thấy tiếng chuông lanh lảnh. Ra đến cổng, bắt gặp vị khách, nàng hơi ngạc nhiên.

- Anh Liêm?

Chàng trai mặc một bộ trường sam của người Hoa, khoác áo choàng và quấn khăn len, tóc tai cũng dài hơn lần cuối nàng gặp anh (cái hôm anh xuất hiện ở phiên tòa), tết thành một dải gọn ghẽ phía sau.

- Mong tiểu thư hãy gọi tôi là Quý Vãn Đường. - Anh nói bằng chất giọng lơ lớ của một thương lái Hoa kiều xuất thân vùng Quảng Đông - Tôi dùng thân phận này để gặp ngài Lê. Xin hỏi ngài ấy có nhà hay chăng?

Đến lần gặp thứ ba, Tĩnh Nguyệt cũng dần quen với cách người này ngụy trang. Nàng mỉm cười ý nhị, tỏ ra khách sáo như thể đây là lần đầu mình gặp anh.

- Vâng, anh Quý, cha tôi có nhà. Mời anh vào.

Cẩn thận khép cổng, nàng tiểu thư ngó quanh lần nữa rồi mới bước theo "Quý Vãn Đường" vào trong nhà. Nàng từng nghe cha nói những người cách mạng thường có ít nhất dăm ba thân phận. Mỗi lần gặp gỡ, anh Liêm lại khoác lên một diện mạo mới, dù đã quen, Tĩnh Nguyệt vẫn thấy rất đôi phần kỳ khôi.

Sự xuất hiện đột ngột của anh gợi nàng nhớ tới lần đầu gặp Thiều Hoa, mọi người ở tiệm sách đều gọi cô là "Joan". Dù trong mắt nàng, "Joan", Thiều Hoa... hay thậm chí là "Kiều Hoa" thì vẫn đều là cùng một người, song nếu nhìn theo khía cạnh khác, nàng nhận ra mỗi cái tên sẽ tượng trưng cho một thân phận, một "bộ mặt" của cô. Nàng không biết nhiều về "Joan", có lẽ anh Khương hay anh Liêm sẽ rành rẽ hơn nàng. Nàng chỉ biết Thiều Hoa mình gặp là một cô nàng kiêu kỳ, đa đoan, ngoài miệng lúc nào cũng cạnh khóe với nàng nhưng trong thâm tâm lại nhường nhịn, ân cần rất mực. Thiều Hoa của nàng là một cô gái chẳng ngại khoác lên mình những thước đồ Tây - cách ăn mặc mà người ta hay chê trách của những cô gái "tân thời", thích uống cafe nhưng lại đọc Kiều và nhuần nhị điệu khúc ả đào; một cô gái với mái tóc xoăn tự nhiên mà người ta luôn nghĩ là nhân tạo. Cô gái ấy thâm trầm và sâu sắc hơn nhiều so với vẻ ngoài bóng bẩy, kiêu sa, cũng mềm mại và mỏng manh hơn nét hiên ngang, gai góc cô luôn phơi bày.

Chưa đầy một tháng kể từ khi Thiều Hoa rời đất Nam, Tĩnh Nguyệt đã bắt đầu nhớ nhung những kỷ niệm đôi bên.

- Anh có hay tin gì về Thiều Hoa không? - Nhân khi "anh Quý" đang thay giày, nàng mạnh dạn hỏi.

- Cô ấy vừa mới mở một cửa tiệm ở Hương Cảng, tôi chỉ biết có vậy.

- Hy vọng cô ấy vẫn khỏe.

Tĩnh Nguyệt lẩm bẩm, gạt cơn nhớ nhung bất chợt kia đi và dẫn "anh Quý" vào buồng khách.

- Cha ơi, có anh Quý Vãn Đường ghé thăm.

Nghe cái tên kia, ông Miên hơi nhướng mày, đặt mấy cây hương trở lại trong hộp.

- Chú Miên. - Liêm tháo khăn, kính cẩn chào ông, không còn nói giọng Hoa kiều vừa rồi nữa - Cháu xin lỗi vì đã tìm gặp chú lúc cuối năm bận bịu. Tai mắt của Sở Liêm phóng ở khắp nơi, cháu chỉ có thể đến gặp chú vào dịp này.

Ông Miên dường như không mấy bất ngờ trước sự xuất hiện đột ngột của Liêm. Ông mời anh ngồi xuống trường kỷ bên bàn nước, dặn Tĩnh Nguyệt pha trà mời khách. Nàng đi hãm một ấm trà mới, trở vào đúng lúc nghe anh Liêm nhắc đến cái tên "Phan Văn Khương".

- ... Hôm mới đây, cháu nghe được tin tức về Văn Khương. Lần này cháu đến gặp chú, chủ yếu vì muốn nhắc nhở chú sang năm mới hãy cẩn trọng với...

Thấy Tĩnh Nguyệt bước vào, anh Liêm ngừng nói. Nàng rót trà cho cha và anh rồi ngồi xuống bên cạnh cha. Ông Miên tháo kính, vừa uống trà vừa bảo:

- Cậu cứ nói tiếp.

Liêm liếc nhìn Tĩnh Nguyệt, thoáng sau nói tiếp về tình hình của Phan Văn Khương. Tết ông Táo vừa rồi, anh từ Xiêm trốn về Nghệ Tĩnh gặp một người bạn trong hội nhóm cũ của mình. Chẳng ngờ cuộc gặp bị phát giác, mật thám ráo riết truy đuổi, suýt chút nữa đã bắt được anh. Liêm nghe phong thanh rằng Văn Khương đang muốn lần nữa tập hợp người trong hội cũ để thành lập một đảng phái mới nên mới mạo hiểm về nước, rốt cuộc lại đổ bể.

- Ắt hẳn Sở Liêm phóng sẽ không để yên chuyện này. Chú Miên, cháu nghe nói chú nhận việc bắt giữ Văn Khương. Chuyện này chú cũng biết phải không?

Ông Miên không lập tức đáp lời mà trước tiên nhấp một ngụm trà. Đặt chiếc chén sứ xuống bàn, ông điềm đạm nói:

- Tôi không thể can thiệp nhiều đến công việc của Sở Liêm phóng. Có lẽ chuyện này do bên Dominique chủ trương.

- Chú không thể tiếp tục án binh bất động như thế, Toàn quyền sẽ càng nghi ngờ chú. - Liêm thẳng thắn nhìn ông - Chú Miên, chú hiểu rõ mà. Trong chuyện này ắt phải có người phải hy sinh. Nếu muốn giữ vị trí hiện tại và tránh thoát sự nghi ngờ của Toàn quyền, chú cần...

- Tất nhiên là tôi hiểu, cậu Quý. - Ông Miên chỉnh lại gọng kính. Ánh mắt sắc bén của ông loang loáng qua tấm thủy tinh - Tôi bắt được thằng Khương và để Toàn quyền xử tử nó, tôi sẽ giữ được vị trí của mình. Tuy nhiên...

Ngừng một chút, ông nhìn thoáng qua con gái mình, khẽ lắc đầu:

- Một khi mầm mống nghi ngờ đã nảy sinh thì không thể dập tắt. Nếu Phan Văn Khương thứ nhất ngã xuống, liệu sẽ có Phan Văn Khương thứ hai, thứ ba chết dưới tay tôi không? Đến lúc đó, tất cả những chuyện tôi làm bấy lâu liệu còn ích lợi gì đây?

Liêm cau mày, im lặng một lúc rồi thở dài thượt. Thêm một khắc trôi qua, ấm trà còn chưa vơi hơi nóng, anh đã đứng dậy.

- Nếu đó là quyết định của chú, cháu cũng không thể khuyên nhủ gì hơn. - Liêm quàng khăn, sửa lại xưng hô - Ngài Cố Miên, có lẽ đây là lần cuối cháu đến tận nhà gặp ngài. Mong tương lai ngài hãy bảo trọng.

- Cậu cũng thế, cậu Thanh Liêm. - Ông Miên gọi tên thật của người nọ rồi quay sang - Nguyệt con, tiễn khách giúp thầy.

- Vâng thưa thầy.

Tĩnh Nguyệt đứng dậy, chậm rãi cùng Liêm rời khỏi buồng khách.

Ra đến ngoài hiên, nàng lia mắt nhìn tán hoàng lan trơ trọi trước sân. Gió đông lùa qua da thịt, nàng hít một hơi rồi thở ra làn khói mỏng. Mây xám tụ lại phía chân trời, dệt một khoảng tiêu điều. Nàng tiễn vị khách ra cổng, chợt nghe anh nói:

- Sau này, nếu gặp khó khăn gì, cô Nguyệt có thể gửi thư cho "Quý Vãn Đường", anh ấy sẽ cố gắng tương trợ.

Nghĩ rằng đó chỉ là lời khách sáo, nàng mỉm cười, đáp:

- Vâng, cảm ơn anh. Chúc anh ăn Tết vui vẻ.

- Cô Nguyệt và bác nhà ăn Tết vui vẻ.

Nói rồi Liêm trèo lên xe kéo, thì thầm với cậu kéo xe địa điểm tiếp theo. Trông chiếc xe xa dần, Tĩnh Nguyệt bất giác nhớ về cái hôm đầu tiên nàng gặp Liêm, Thiều Hoa có nói một câu rằng: "Anh cứ đi tiếp con đường của anh".

Mỗi người trong số họ đều bước lên những chuyến tàu riêng biệt, thi thoảng sẽ gặp nhau ở trạm dừng, rồi lại lên tiếp một chuyến tàu khác, hối hả tiến bước về phía trước. Đến một lúc nào đó, sẽ có những người mắc kẹt giữa ga chuyển tàu, chẳng biết tiếp theo sẽ đi đâu về đâu giữa dòng đời ngược xuôi, tấp nập. Có lẽ lúc trước Thiều Hoa đã từng chơi vơi như thế. Nhưng rồi cô ấy cũng đã tiếp tục khởi hành trên một chuyến tàu khác, cũng như Văn Khương, như Thanh Liêm.

Còn nàng, bao giờ nàng mới tìm thấy chuyến tàu tiếp theo?

Dõi mắt đến khi chiếc xe kéo khuất sau bờ tường ngói đỏ, nàng tiểu thư mới xoay người, cất bước trở vào trong nhà.



Ra Tết, Tĩnh Nguyệt bắt đầu kỳ học cuối cùng ở trường, vừa thi cử vừa cân nhắc đến việc học lên cao hơn. Nàng luôn được đánh giá xuất sắc khi học những môn khoa học kỹ nghệ, thậm chí đã có một giáo sư ngỏ ý sẽ viết thư giới thiệu và đề cử cấp học bổng cho nàng. Tĩnh Nguyệt đã suy nghĩ rất nhiều về việc được đề cử. Lúc nàng đem chuyện thảo luận với cha, ông Miên nghĩ ngợi mấy hôm, rốt cuộc nói rằng, nếu nàng thực sự muốn đi du học, ông sẽ cố gắng chu cấp cho nàng.

Nhưng mãi đến khi tốt nghiệp, Tĩnh Nguyệt vẫn chần chừ chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Chưa bao giờ nàng nghĩ đến chuyện rời khỏi mảnh đất này. Tĩnh Nguyệt lo lắng, nếu nàng đi rồi, căn nhà này chỉ còn mình cha cô quạnh, đó là chưa kể đến... mẹ nàng.

Dạo này Tĩnh Nguyệt ngày càng nghĩ nhiều đến người mẹ ở quê. Trong lúc đợi lãnh giấy tốt nghiệp, nàng quyết định theo lời cha lúc trước, về quê mẹ Hà Nam một thời gian. Hôm cha tiễn ra ga xe lửa, nàng ôm lấy ông, mỉm cười:

- Thời tiết ẩm ương, thầy nhớ giữ gìn sức khỏe.

- Ừ, về đến nơi nhớ viết thư cho thầy.

Vẫy tay tạm biệt ông, Tĩnh Nguyệt lên xe lửa, ngủ một giấc đến khi tàu dừng tại ga.

Những dải đèn và cảnh người qua kẻ lại tấp nập trên phố được thay thế bởi những ruộng mạ non và mùi lúa mới phảng phất trên con đường đất. Xuống xe lửa, Tĩnh Nguyệt lên xe kéo đi về khu nhà cũ. Đã vài năm kể từ lần cuối cùng nàng về Hà Nam, mảnh đất này vẫn yên bình như trong trí nhớ nàng.

Về đến đình làng, nàng chợt bắt gặp cô Đài Trang. Mới chỉ qua nửa con trăng kể từ lần cuối hai bên giáp mặt trên trường. Tĩnh Nguyệt ngạc nhiên khi lần này gặp lại, Đài Trang bỗng dưng trở nên điềm đạm hơn rất nhiều, tựa như thiếu nữ qua một đêm trở thành người đàn bà đằm thắm.

Hai người đối mặt với nhau, Tĩnh Nguyệt còn chưa kịp mở lời đã thấy người kia đưa đến trước mặt nàng một tấm thiệp.

- Tuần sau tôi cưới, nếu rảnh... cô có thể tới dự.

Nhìn tấm thiệp cưới thắm đỏ, Tĩnh Nguyệt thoáng tần ngần. Phải rồi, những cô gái tầm tuổi này đều đã bắt đầu nghĩ đến chuyện đại sự cả đời. Khi còn thiếu nữ nàng cũng từng nghĩ mình sẽ như cô ấy, học xong rồi cùng một người đàn ông môn đăng hộ đối gây dựng tổ ấm. Nhưng đã trải qua tất thảy những chuyện kia, Tĩnh Nguyệt biết rằng nàng sẽ bước trên một con đường rất khác với cô ấy.

- Cảm ơn cô đã mời. - Nhận lấy tấm thiệp, nàng mỉm cười - Tôi nhất định sẽ tới, chúc cô và chồng cô trăm năm hạnh phúc.

Tạm biệt Đài Trang, nàng xách va-li, rảo bước về nhà mẹ. Trước cổng nhà, dây leo bám kín những khung gỗ xếp thành hình con thoi. Lẫn trong khóm lá xanh um nở rộ mấy bông bìm bịp, sắc xanh phảng phất chuyển thành sắc tím dưới ánh hoàng hôn.

Trước khoảng sân, một người phụ nữ mặc áo dài trắng nằm dài trên võng, miệng ngâm nga điệu hát xa xăm. Tĩnh Nguyệt đặt va-li xuống, cất giọng:

- Me ơi, con về đây rồi.

Người phụ nữ mơ màng mở mắt, trông thấy nàng thì khẽ nhoẻn cười. Gương mặt bà thoạt trông chẳng thay đổi mấy so với năm xưa. Tĩnh Nguyệt thoáng có ảo giác như thể người trước mặt nàng vẫn là vị phu nhân đằm thắm thuở nào. Bà ngồi dậy, vẫy tay gọi nàng lại. Tĩnh Nguyệt chậm rãi bước về phía võng, vén tà áo ngồi xuống chiếc ghế tre bên cạnh bà. Bàn tay mảnh khảnh của người phụ nữ chạm lên gương mặt nàng, ve vuốt. Nàng gượng nở nụ cười, hỏi:

- Me à, me nhận ra con không?

Người phụ nữ không đáp lời, chỉ tiếp tục mân mê khuôn mặt nàng. Khóe môi bà run run, ánh mắt xa xăm, tuồng như đang trầm luân trong miền ký ức sâu thẳm. Bà hé đôi môi màu trầu, dịu dàng cất giọng:

- Có phải con trai của me đó không? Tĩnh hở con? Cuối cùng con cũng đến thăm me rồi.

Cánh tay Tĩnh Nguyệt thoáng cứng lại giữa không trung. Nàng cứ nghĩ mình vẫn sẽ thất vọng và đau đớn như thuở nào, thế nhưng đối diện với ánh mắt mê man của người phụ nữ, nàng lại chỉ cảm thấy cõi lòng ráo hoảnh.

Mẹ nàng đã chẳng còn nhận ra nàng nữa. Bà đã vĩnh viễn sa lầy trong giấc mộng xưa cũ của chính mình.

Thấy nàng không đáp lời, người phụ nữ vẫn cười hiền hậu. Bà ôm nàng vào lòng, lại tiếp tục ngâm nga điệu thơ xưa.

Hiên trống, ghế vắng, trăng chiếu nghiêng,
Sắc trời, ảnh hồ, một vệt tối sẫm.
Như có hàng vạn đấu ngọc sáng rây trên mặt nước,
Một dải lụa biếc bổ đôi tâm sóng.

Gió lay rặng trúc khẽ lao xao,

Sương mỏng bao phủ, bờ cây nhìn sâu hút.
Đâu đó vọng lại dăm ba tiếng chuông chùa,
Khiến lòng người sảng khoái thanh tịnh, rũ sạch bụi trần.¹

- Tĩnh con. - Người phụ nữ rủ rỉ trong cõi mơ hồ - Đến bao giờ con mới thành gia lập thất, lấy cho me một người vợ đảm, sinh cho me một đứa cháu trai?

Tĩnh Nguyệt ngẩng nhìn tiết trời xanh trong, nỗi ủ ê tràn khỏi đáy mắt, loang ra trong làn nắng. Nàng thở dài, ôm người phụ nữ kia vào lòng, cất giọng trầm lắng.

- Me à, me nhớ không? Me từng nói con của me là một cánh chim trời, lớn lên rồi sẽ bay đi.

Nàng nhìn gương mặt ngơ ngác của mẹ mình, cảm giác những u uẩn trong lòng từ từ vơi cạn.

Rốt cuộc, mộng tường cũng chỉ là mộng tưởng mà thôi.

- Con không thể trở thành một người như cái tên mà thầy me từng mong ước.

Con không thể giữ lòng tĩnh tại giữa thời đại này, cũng chẳng thể yên ả làm một vầng trăng nhạt nhòa như ảo mộng.

Nàng nắm tay bà, dịu dàng nói:

- Con gái me đã lớn, con phải bay đi rồi.

Sau một khoảng lặng như nước hồ thu, người phụ nữ bỗng co rúm lại như sợ hãi, lại như vừa mới bừng tỉnh. Những giọt nước mắt trào ra khỏi hốc mắt, như châu ngọc lăn xuống gò má. Bà úp hai tay lên mặt, khóc tức tưởi đến mức mệt lả đi. Tĩnh Nguyệt đỡ mẹ mình nằm xuống võng, nhìn quanh ngôi nhà yên ả như ru.

Phía xa xa, vầng dương nhỏ những giọt lệ thẫm đỏ xuống sân nhà. Ánh sáng đỏ rực loang lổ trên vạt áo dài, Tĩnh Nguyệt đứng dậy, xách va-li vào gian trong.

Trong bóng tối buổi chiều, nàng lấy ra một tập giấy và bút mực, nhấc bút viết một lá thư.

Hà Nam, ngày 9 tháng 6 năm 1929.

Tôi cảm thấy, giống như cái tên mình, mười tám năm cuộc đời tôi chưa từng trải qua sóng gió gì đáng kể. Có lẽ vì thế nên tôi mới ao ước và ngưỡng mộ những người can trường như anh Khương, và sau này... là nàng. Nàng nói tôi là mơ tưởng của nàng, nhưng nàng biết không? Thực ra nàng cũng là mơ tưởng của tôi, là ánh sáng mà tôi từng cảm thấy chói chang đến mức e sợ, nhưng cũng là nguồn sáng tiếp cho tôi can đảm để bước ra khỏi bức tranh tĩnh tại.

Kể từ ngày hôm nay, tôi sẽ bước lên một chuyến tàu mới, đi trên hành trình của bản thân. Chẳng biết giữa hành trình của chúng ta có giao lộ hay không, nhưng tôi muốn nàng biết rằng, quãng thời gian gặp gỡ và ở bên nàng là kỷ niệm mà tôi vĩnh viễn khảm khắc trong lòng.

Thương nàng,

Lê Thị Tĩnh Nguyệt.



Khoảng một tuần trước khi quyết định lên tỉnh, Tĩnh Nguyệt đột nhiên nhận được thư từ vị giáo sư từng muốn đề cử nàng đi du học. Trong thư, giáo sư bày tỏ ý làm tiếc rằng, nàng không đạt đủ chỉ tiêu nên trường không tiếp tục cấp học bổng cho, bản thân ông chẳng thể làm gì khác. Tĩnh Nguyệt đọc đi đọc lại mấy lần mới đặt lá thư xuống bàn, nhíu mày.

Không đạt chỉ tiêu? Đột ngột vậy ư?

Nghĩ đi nghĩ lại, Tĩnh Nguyệt cảm thấy có lẽ bởi mình từng bị mời lên Sở Liêm phóng nên trường học ít nhiều không muốn cấp học bổng cho nàng. Lúc trước thảo luận với cha, nàng đã lường trước việc này nên chỉ buồn một lúc rồi nhấc bút, viết thư phản hồi đến vị giáo sư kia kèm theo lời cảm ơn trang trọng.

Nhưng chỉ mấy ngày sau, nàng đã biết nguyên cớ phía sau lời từ chối đột ngột kia.

Đang sắp xếp đồ đạc vào va-li, Tĩnh Nguyệt loáng thoáng nghe thấy tiếng Đài Trang hớt hải gọi nàng phía ngoài cổng. Nàng đi ra, bắt gặp gương mặt thảng thốt của cô ấy.

- Nguyệt, chị biết tin gì chưa? - Cô ấy dúi vào tay nàng một tờ báo - Chồng tôi lên tỉnh, tự dưng nghe được tin tức rằng anh Văn Khương đã bị bắt. Không chỉ thế...

Chưa để cô Đài Trang nói hết, Tĩnh Nguyệt đã vội mở tờ báo ra. Dưới phần chữ viết rằng đã bắt được Phan Văn Khương là vài dòng thông cáo ông Lê Cố Miên có liên quan đến hội nhóm cách mạng và có những hành vi bao che cho quân phản loạn, chống đối Toàn quyền.

- Người ta nói là cha cô sẽ bị giết vì là gián điệp cách mạng...

Đài Trang còn chưa dứt lời, tờ báo đã rơi xuống chân cô. Gương mặt Tĩnh Nguyệt xám ngoét, nàng bấu lấy tay cô, vội vã nói:

- Chị Trang, giờ tôi phải lên tỉnh ngay lập tức. Me tôi... nhờ chị trông nom bà giúp tôi.

- Vâng, chị yên tâm, tôi sẽ coi sóc bác nhà.

Nhận được lời đồng ý của Đài Trang, Tĩnh Nguyệt tất tả chạy ra bến, bắt chuyến xe gần nhất lên tỉnh. Suốt đường đi, lòng nàng nóng như lửa đốt. Tại sao anh Khương lại đột nhiên bị bắt... và tại sao người ta phát hiện cha nàng... liệu cha vẫn bình an chứ...?

Đáng lẽ nàng không nên về quê mẹ lúc này. Đáng lẽ nàng phải ở lại bên thầy...!

Ngàn vạn nghi vấn rối ren quẩn quanh tâm trí, Tĩnh Nguyệt chẳng còn nghĩ ngợi được gì tử tế. Chốc chốc nàng lại ngóng nhìn ra cửa sổ, mong nhanh nhanh chóng chóng lên tỉnh. Ấy thế mà, chiếc xe lại hỏng hóc giữa đường, lái xe thông báo phải chờ thêm mấy tiếng sửa xe. Lo sốt vó, Tĩnh Nguyệt quýnh quáng xuống xe, lên vội một chiếc xe ngựa của thương gia đi ngang qua.

Chiều tà, nàng mới về đến khu nhà mình. Chạng vạng vất vưởng một chút oi ả bất thường. Nàng chạy một mạch vào ngõ, bỗng dưng ngã nhào ra đất. Tĩnh Nguyệt kêu khẽ một tiếng, nhìn xuống chân, thấy một bên guốc đã đứt quai. Nàng loạng choạng đứng dậy, vứt đôi guốc ở đó rồi chạy tiếp bằng chân trần. Xung quanh văng vẳng tiếng chó sủa, Tĩnh Nguyệt thấy giữa trong không trung lún phún vài hạt mưa bụi. Nàng chẳng màng, tiếp tục chạy trong bóng tối buổi chiều.

Băng qua những bờ tường gạch đỏ, những tấm ngói hai bên lối nhỏ, từ xa nàng trông thấy căn nhà trơ trọi những tàn tro. Những vệt tro bám dính trên hàng gạch vôi, phủ đen bờ tường và khoảng sân trống trải.

Bước chân Tĩnh Nguyệt khựng lại, nàng chết lặng.

Trước cổng nhà xiêu vẹo, chiếc đầu người sừng sững treo cao. Máu vẫn còn nhỏ ra từ phần cổ bị cắt rất ngọt, chảy thõng xuống nền đất phía dưới. Đôi mắt ông Miên nhắm nghiền, trong vệt mờ tối của thềm trời, gương mặt ông phảng phất cảm giác bi thương.

Khoeo chân run rẩy, Tĩnh Nguyệt quỳ sụp xuống, kinh hoàng nhìn thủ cấp cha mình treo trước cổng nhà.

- Thầy... - Nàng nói không thành tiếng, hơi sức như bị rút cạn khỏi cơ thể.

Trong một hồi ức xa xăm nào đó, nàng thấy ông ngồi trong buồng, cặm cụi viết một lá thư. Gió phất phơ tấm rèm thêu lá trúc đen, ánh đèn Hoa Kỳ bập bùng soi chiếu gương mặt nghiêm cẩn, trầm tư của ông. Tĩnh Nguyệt rón rén đứng bên cửa, cất giọng:

"Thầy ơi."

Ông ngẩng đầu, quay về phía con gái. Nét nghiêm nghị thoáng vơi bớt trên gương mặt ông. Đôi mày hơi dãn, ông đặt bút xuống bàn.

"Không ngủ được hở con?" Ông vẫy tay về phía nàng, dịu giọng. "Lại đây với thầy."

Tĩnh Nguyệt bước tới, trèo lên ghế ngồi nhìn ông ngồi viết công văn. Tiếng bút máy soàn soạt cựa quậy trong màng nhĩ, nàng cụp mặt, đột nhiên nói:

"Thầy ơi, có phải me sẽ không về nhà nữa không?"

Cha nàng ngừng bút, lúc sau mới quay sang, bình thản nói:

"Ừ, me con bị bệnh, cần ở quê tịnh dưỡng. Tết thầy đưa con về thăm me nhé?"

"Vâng." Nàng ủ rũ nói: "Vậy là từ giờ, ở đây chỉ còn thầy và con thôi."

Lần này, cha nàng im lặng lâu hơn. Tĩnh Nguyệt thấy cha không đáp thì hiếu kỳ nhìn sang, sau đó, ông khẽ ôm nàng vào lòng, thở dài não nuột.

"Đúng thế, chỉ còn lại thầy và con. Nên hai thầy con mình phải nương tựa vào nhau, con nhé."

Giọng nói hoang hoải của ông vọng về trong tâm tưởng, Tĩnh Nguyệt khẽ nấc lên một tiếng nghẹn ngào.

- Đến thầy cũng bỏ con đi... sau này con còn lại gì đây? - Nàng xót xa chất vấn.

Đáng tiếc, lúc này đây cha nàng không thể trả lời nàng nữa.

Là ai đã khiến mọi thứ ra nông nỗi này?

Là ai? Tĩnh Nguyệt thảng thốt ngửa mặt. Thềm trời tù mù lác đác vài hạt mưa. Mưa nhỏ xuống gò má nàng, Tĩnh Nguyệt nếm thấy vị mằn mặn. Những tưởng nàng sẽ khóc lóc, vạ vật, nôn nao, nhưng từng khắc qua đi, nàng chỉ rệu rạc quỳ trên đất, thừ người nhìn thủ cấp của cha mình.

- Không là ai cả. - Nàng lẩm bẩm - Là cả bầu trời.

Chẳng biết bao lâu trôi qua, mưa bắt đầu nặng hạt. Tiếng mưa giăng ồn ã át hết những thanh âm xung quanh, thấm nhuần vào cõi lòng xác xơ của nàng. Lúc lâu sau, Tĩnh Nguyệt lảo đảo đứng dậy, chân vẫn bủn rủn như con nai tơ. Nàng loạng choạng từng bước về phía chiếc đầu treo mái vòm, run rẩy gỡ sợi thừng xuống khỏi cổng nhà.

Làn da ông lạnh ngắt trên tay nàng, mãi đến lúc này, nàng mới bắt đầu cảm nhận cơn quặn đau như đứt từng khúc ruột. Nàng ôm lấy thủ cấp của ông, lê từng bước kiệt cùng vào trong ngôi nhà tan hoang. Ngôi nhà bị một mồi lửa thiêu rụi, chẳng rõ là do ai. Cây hoàng lan trong sân chỉ còn mỗi gốc đen lùi lũi, khắp nơi rơi rụng những mảnh tường bám tro đen đặc quánh, nham nhở. Mỗi bước chân nàng nặng trịch như đeo gông cùm. Tĩnh Nguyệt thẫn thờ ôm thủ cấp của cha, lặng mình bên hiên nhà.

Mưa xối xả đổ xuống mảng sân, kéo theo một bầu huyên náo. Nàng cứ ôm mãi chiếc thủ cấp trong lòng, chẳng màng máu nhuộm tà áo lấm lem đất bùn. Nhìn khoảng trời dày đặc màn mưa, nàng bỗng gào lên một tiếng đau nát lòng.

- Thầy ơi...!

Tiếng gào ấy như chiếc van xả ra tất thảy những phẫn uất, đau đớn, căm hờn nàng nín nhịn trong lòng. Nàng thổn thức ôm chặt mớ thịt da lạnh ngắt như cơn mưa và xám ngoét như thềm trời, lặp đi lặp lại những lời van vỉ khản đặc.

- Thầy ơi, thầy ơi! Về với con đi... thầy về với con, con sẽ không đi đâu nữa, con không đi nữa... thầy về với con đi...

Nàng cúi oằn người, nức nở:

- Thầy nỡ bỏ me với con lại ư? Con xin thầy... con van thầy...

Chỉ có tiếng mưa đáp lại nàng. Giọng Tĩnh Nguyệt vỡ ra, lạc đi trong thanh âm xô bồ của mưa giăng bất tận. Bầu trời giết hại ông, cõi đất vùi chôn cuộc đời ông. Lê Cố Miên, cả đời ông như một giấc mộng hoài cựu, sống không vẻ vang, đến chết cũng chẳng huy hoàng.

Nghe mới ảm đạm và tức cười biết bao!

Tĩnh Nguyệt run rẩy ôm thủ cấp, lặng người bên mái nhà giờ đã hóa tàn tro.

Nàng biết, cha nàng đã luôn sống như thể ông chỉ còn một ngày trên cõi đời. Ông đã chuẩn bị trước cho ngày mình ra đi. Kể từ lần gặp anh Liêm cuối năm ngoái, cha nàng đã chuyển dần tài sản sang tên mẹ nàng và thu dọn dần đồ đạc về căn nhà của bà ở phủ Hà Nam. Thậm chí, ông còn thuê người lo liệu tang sự phòng khi bất trắc.

Mắt đau đáu nhìn triền mưa tuôn, Tĩnh Nguyệt tự hỏi. Dẫu cha nàng đã biết về kết cục ấy, khi con thuyền chòng chành kia lật sấp, dìm ông xuống đáy nước thẳm, khi lưỡi máy chém sắc lẹm cắt lìa cổ ông, ông có từng nuối tiếc hay chăng?

Liệu cha nàng có khoảnh khắc nào ao ước, giá như ông không lựa chọn con đường âm thầm, kham khổ kia? Hay ông vẫn mỉm cười tới tận sau cuối?

- Con nghĩ là... thầy đã không nuối tiếc. - Tĩnh Nguyệt cất lên thanh âm mệt nhoài - Con vẫn luôn cảm thấy thầy là người hiên ngang nhất trên đời.

Không ai nhớ tới thầy, con sẽ ngày ngày tưởng niệm. Không ai ghi công thầy, con sẽ luôn tạc lời thầy vào cõi lòng.

Chỉ những vĩ nhân mới được người ta tạc tượng và tôn vinh muôn đời. Số còn lại, chết đi rồi sẽ trở thành dĩ vãng xưa cũ, bị phong hóa trong hơi thở của thời gian...

Và bị lãng quên.

- Nhưng thầy vẫn sẽ sống. - Giọng nàng lâm thâm mưa ngâu.

Thầy sẽ luôn sống mãi trong ký ức của con, trong bước đường con đi. Con sẽ không quên những gì chúng đã làm, không quên được ngày hôm nay.

Mặt đất dậy lên cái mùi nồng ẩm, lẫn cùng mùi tro hăng hắc - mùi của điêu tàn. Đôi mắt thẫn thờ dần lấy lại tiêu cự, Tĩnh Nguyệt nhìn cơn mưa không dứt, nức nở ôm chặt thủ cấp của cha vào lòng.



¹ Phần dịch nghĩa của bài "Tiền đường ngoạn nguyệt/Trước hiên ngắm trăng."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro