Mười một - Rung động là bản án luân thường.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lúc Tĩnh Nguyệt nhận được giấy triệu tập đến phiên tòa xét xử Đỗ Thiều Hoa, trời vừa mới dứt cơn mưa tầm tã. Nàng mở cửa, lặng nhìn những cánh hoàng lan trải một tấm thảm vàng tả tơi giữa khoảng sân, lòng bỗng trĩu nặng.

Ngay khi trở về, Tĩnh Nguyệt đã kể lại toàn bộ sự tình với cha. Nhìn vết hằn tím tái, ghê rợn trên cổ nàng, ông Miên quả quyết rằng ông sẽ nhận việc làm thầy kiện cho bên Thiều Hoa trong vụ án này.

- Thầy, liệu chuyện này có ảnh hưởng gì đến thầy không ạ? - Tĩnh Nguyệt xoắn xuýt.

Nàng muốn giúp Thiều Hoa hơn ai hết, nhưng nàng cũng không thể không nghĩ đến tình cảnh hiện tại của cha mình. Vụ việc của Phan Văn Khương đã khiến ông bị Toàn quyền hoài nghi, nếu giờ còn đứng ra biện hộ cho Thiều Hoa, nàng chỉ e rằng sau này, người ta sẽ còn gây phiền toái nhiều hơn.

- Không đến nỗi. - Ông Miên thản nhiên nói - Thầy là thông phán trong tòa sứ, nhận công việc kiện tụng kiểu này cũng là thường tình. Con đừng lo.

Tin cha, Tĩnh Nguyệt không hỏi han thêm nữa. Sáng sớm hôm khi giấy triệu tập gửi đến nhà, nàng dậy sớm tắm gội, chọn một bộ áo dài trắng ngần, cùng cha lên xe đến tòa. Là người chứng kiến toàn bộ vụ việc, nàng được phân đến ngồi tại hàng trên cùng, ông Lê Cố Miên là bên biện hộ cho Thiều Hoa. Phía bên Nguyễn Anh Hào, nàng nhận ra gương mặt của vị thông phán nọ. Monsieur Dominique, người mà đã tranh cãi với ông Miên khuya hôm ấy. Ông Miên đeo cặp kính, ngồi đọc lại văn kiện vụ án. Phía bên kia, Dominique lạnh tanh nhìn ông.

Người đến dự bắt đầu đông hơn, thân quyến của hai bên lần lượt xuất hiện. Thậm chí, Tĩnh Nguyệt còn thấy cả cô Đài Trang bên hàng ghế đối diện. Nét mặt cô ấy lộ rõ vẻ sa sút, mòn hao. Ngay khi Đài Trang vừa yên vị, cánh cửa lần nữa mở ra. Thiều Hoa xuất hiện trong bộ trang phục đen tuyền, tóc xoăn búi gọn, trong nét nghiêm trang vẫn giữ lại phần hiên ngang, ngoan cường vốn có.

Trông thấy cô, Đài Trang bật dậy khỏi chỗ ngồi. Chẳng nói chẳng rằng, tiểu thư nhà ông Phủ đi một mạch thẳng đến trước mặt Thiều Hoa rồi vung tay.

- Quân giết người!

Gương mặt tiều tụy của Đài Trang phủ đầy vẻ bi thống. Tiếng vang chát chúa kéo Tĩnh Nguyệt đứng dậy, nhưng trước khi kịp bước tới, nàng đã thấy Thiều Hoa tảng lờ tiếng hét của Đài Trang, bước thẳng về phía trước.

Dải ánh sáng khép lại phía sau lưng cô, cánh cửa nặng nề đóng kín.

Khi quan tòa gõ chiếc búa gỗ xuống, tất cả mọi người trong khán phòng lần lượt đứng dậy.



- Trong vụ việc lần này, nghi vấn lớn nhất nằm ở cha nuôi của Nguyễn Anh Hào.

Ông Miên tháo kính, tay niết nhẹ ấn đường. Bên cạnh ông, Tĩnh Nguyệt vừa rót trà vừa cẩn thận xem xét chỗ tài liệu mà ông đã thu thập.

- Cha nuôi của Anh Hào là Đô đốc Edgar de Dominique... Dominique ư...? - Cái tên kia gợi nàng nhớ đến khuya hôm ấy - Thầy, cái họ Dominique này...

- Ừ, chính là người mà con thấy đi cùng thầy khuya hôm ấy, hắn cũng là họ hàng của Đô đốc. Thầy với tên đó trước giờ không hòa hợp, cộng thêm cả vụ việc của thằng Khương... gác lại chuyện đó sang một bên, cái thấy muốn nhấn mạnh ở đây là, không tự dưng mà người nhà họ Nguyễn đâm đơn kiện và Dominique làm thầy kiện cho họ. Chuyện này ắt hẳn có Đô đốc dự phần.

- Mà Đô đốc là cấp cao của Toàn quyền... - Tĩnh Nguyệt cau mày - Thầy, thầy có nghĩ kẻ đã ám sát Nguyễn Anh Hào là...?

- Con thử nghĩ xem, nếu Nguyễn Anh Hào chết, ai sẽ được lợi nhất? - Ông Miên nhấp một ngụm trà - Nhà họ Nguyễn mất trưởng tử, vị thế của quan Thượng thư sẽ không còn như xưa. Phía bên này, con gái mình trở thành nghi phạm, công tử của quan viên triều đình lại chết ngay trong cảng, Đỗ Thiều Quang cũng chẳng thể an ổn với xưởng tàu của mình. Nhắm làm suy yếu cả quan chức triều đình và chim đầu đàn của thương nghiệp trong nước, một mũi tên trúng hai con chim như vậy, ai được lợi nhất con hẳn cũng đã rõ.

- Nhưng dù có biết... - Tĩnh Nguyệt đau đáu nhìn cha - chúng ta cũng không làm được gì khác.

- Phải. - Ông Miên thở dài - Có lẽ nhà họ Nguyễn cũng chỉ đang bị lợi dụng, cũng có lẽ chính họ cũng nhúng tay vào, hoặc biết nhưng làm ngơ. Dù thế nào thì vụ kiện tụng này vốn dĩ đã được sắp đặt trước, Toàn quyền lấy cái chết của Nguyễn Anh Hào ra làm cái cớ để gán tội lên gia đình ông Thiều Quang. Rất khó để chúng ta lật ngược thế cờ.

- Thầy ơi, vậy phải làm sao mới được ạ?

Ông Miên nhìn vết bầm tím trên cổ nàng, thoáng sau trầm giọng:

- Vết thương của con là chứng cứ quan trọng để chứng minh hành động của Nguyễn Anh Hào là cố ý giết người. Phiên tòa không lập tức xét xử chắc chắn là để chờ thương tích của con lành lại. Như vậy, kể cả chúng ta có giấy bệnh án của Đốc-tờ thì vẫn không đủ chứng cứ.

- Thế nên... - Tĩnh Nguyệt tiếp lời ông - Con phải giữ nguyên "bằng chứng" này cho đến ngày xét xử, như vậy mới có thể chứng minh Thiều Hoa vô tội.

Ông Miên gật đầu, gõ tệp tài liệu xuống sập, cất giọng vững chãi:

- Còn lại, con cứ tin tưởng ở thầy.



Ngay khi phiên tòa bắt đầu, phía Dominique buộc tội Đỗ Thiều Hoa dùng súng ngắn sát hại vị hôn phu tại bến cảng Ninh Hải. Ông Lê Cố Miên phản bác rằng đó là hành vi vu khống. Sau một hồi giải trình vụ án và lấy lời khai từ Thiều Hoa, bên phía Dominique muốn đối chất với nhân chứng duy nhất tại thời điểm đó.

Nhận được cái gật đầu kín đáo của ông Miên, Tĩnh Nguyệt đứng dậy, bước ra khỏi hàng ghế đầu tiên đến vị trí chỉ định.

- Cô Nguyệt hãy trung thực thuật lại sự việc. - Quan tòa mặc nhiên nói.

Cảm nhận được ánh mắt của Thiều Hoa, chẳng hiểu sao Tĩnh Nguyệt thấy vững tin hơn hẳn. Nàng thuật lại sự việc từ lúc Anh Hào đe dọa nàng cho đến khi hắn bị ám sát, lời kể trùng khớp với lời khai của Thiều Hoa, chỉ thêm phần Anh Hào bóp cổ và có ý định giết nàng.

- Cô Nguyệt cáo buộc cậu Hào muốn sát hại mình. Xin hỏi, cô có bằng chứng không? - Dominique chất vấn.

- Sau khi trở về, tôi đã đến khám và lãnh giấy từ Đốc-tờ Hoàng Sẩm. - Nàng bình tĩnh nói.

- Giấy khám bệnh có thể làm giả, thưa cô.

- Vậy chúng ta hãy mời Đốc-tờ Sẩm đến làm chứng.

- Đốc-tờ đã từ chối lời triệu tập của tòa. - Quan tòa thông báo.

Trông thấy vẻ tự mãn kín đáo trên gương mặt Dominique, Tĩnh Nguyệt thoáng im lặng. Có vẻ người nhà Đô đốc đã tác động gì đó đến Đốc-tờ Sẩm. Nàng ngước nhìn bức tượng Nữ thần Công lý sừng sững trong căn phòng, cùng với gương mặt lạnh lùng, sắt đá của những vị thẩm phán, bỗng thấy toàn bộ phiên tòa này chẳng khác gì một trò bày vẽ tẻ nhạt đến tức cười.

Ngay trước khi Dominique tiếp tục lên tiếng tra hỏi, Tĩnh Nguyệt bỗng vươn tay, tháo chiếc khăn lụa quấn quanh cổ nàng xuống, để lộ vết bầm tím trên vùng cổ trắng như một đóa ngọc lan.

- Đây là bằng chứng, thưa quý toà.

Trông thấy vết thương trên cổ nàng, Dominique hơi tái mặt. Phía khu vực ghế ngồi, những những người dự thính bắt đầu bàn tán trước sự xoay chiều đột ngột của vụ việc. Cô Đài Trang hoang mang nhìn nàng, rồi lại nhìn về phía Thiều Hoa. Mãi đến khi quan tòa gõ búa yêu cầu im lặng, những xôn xao mới dần lắng xuống.

- Bằng chứng được xem xét. - Thẩm phán nói.

- Tôi phản đối việc xem xét bằng chứng, thưa quý tòa. - Dominique lên tiếng - Thời điểm xảy ra vụ việc, chỉ có mình cô Lê Thị Tĩnh Nguyệt, con gái ông Lê Cố Miên chứng kiến. Theo như lời khai của cô Nguyệt, nạn nhân Anh Hào có chủ đích giết cô để bịt miệng, sau đó Đỗ Thiều Hoa đã bắn vào chân anh ấy để cứu cô. - Gã sắc bén nhìn nàng - Xin hỏi, vì đâu mà cậu Hào lại muốn sát hại cô để bịt miệng?

- Bác bỏ, thưa quý tòa, - Ông Miên lên tiếng - Ông Dominique đang muốn đánh con lận đen!

- Il n'y a point de fumée sans feu.¹ - Dominique đạm nhiên nói - Thời gian đi học tại Albert Sarraut, được biết là cô Thiều Hoa từng có rất nhiều hành vi thiếu đoan chính khi giao du với những người con trai khác nhau. Như vậy, vị hôn phu của cô, tức cậu Hào, hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ về sự thiếu chung thủy của cô Hoa đây.

Hắn lia mắt về phía Tĩnh Nguyệt, mỉm cười:

- Có phải cô Nguyệt đang bao che cho bạn mình và để cậu Hào biết được hay không? Hay thực ra cô Nguyệt là kẻ xúi giục...

- Phản đối, thưa quý tòa. - Ông Miên lập tức lên tiếng - Đây là võ đoán vô căn cứ từ phía monsieur!

- Monsieur Dominique, hãy cẩn trọng ngôn từ. - Quan tòa nhắc nhở.

Dominique dừng lại một chút rồi từ tốn nói:

- Như vậy, cô Nguyệt không phủ nhận hành vi lăng loàn của...

- Cô ấy không lăng loàn, thưa monsieur, xin hãy xem xét ngôn từ.

Tĩnh Nguyệt ngắt lời gã con lai, rời mắt khỏi cán cân trên tay Nữ thần. Nàng ngoảnh nhìn ánh sáng của lòng mình, từng lời vang vọng như chuông ngân.

- "Trai anh hào năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng." Các ngài luôn miệng nói ấy là quan niệm hủ bại của các Nho sĩ phong kiến, cần phải bài trừ triệt để, nhưng chính các ngài cũng chẳng thể dứt khỏi cái quan niệm về sự trinh bạch của cánh phụ nữ. Cô Thiều Hoa trò chuyện với những người đàn ông thì bị cho là thiếu đoan chính, còn anh Hào đây đi riêng và chuyện trò thân mật với người con gái khác, đấy gọi là phong lưu, phải không?

Nàng nhìn gương mặt nhăn nhó của Dominique, lạnh nhạt nói:

- Chúng ta có cần phải đặt lên bàn cân và đếm từng lạng thủy chung của mỗi bên hay không, thưa monsieur?

Căn phòng im phăng phắc. Tĩnh Nguyệt trông thấy cái lắc đầu kín đáo của cha, biết rằng vừa rồi nàng đã quá xúc động. Phiên tòa không phải nơi để hùng biện về những giá trị luân lý. Ở đây chỉ có trắng và đen, đúng và sai, vô tội và có tội. Nhưng luật lệ và công lý vốn được tạo nên bởi quy chuẩn của con người. Tĩnh Nguyệt cảm thấy, càng ở trong tình cảnh giống như hiện giờ, nàng càng phải thể hiện tiếng nói của mình.

Ít nhất, lúc này đã có người sẵn lòng lắng nghe nàng.

- Trinh bạch, nền nã, lơi lả, lăng loàn đều là những sự áp đặt tiêu chuẩn của các vị lên chúng tôi, gò ép chúng tôi vào khuôn khổ mà các vị cho rằng ấy là mực thước, là chân lý, là xác đáng. Những người phụ nữ vượt ra khỏi khuôn khổ ấy, có phải số phận họ rồi sẽ trở thành những Hypatia, những Joan de Arc tiếp theo hay chăng?

Lần tiếp theo khi đôi mắt họ chạm nhau, Tĩnh Nguyệt trông thấy nét cười êm dịu nở rộ trên môi Thiều Hoa. Khuôn miệng cô phác họa khẩu hình mà nàng đọc được là: "Dũng cảm lắm."

Giây khắc ấy Tĩnh Nguyệt nhận ra, nàng đã trở nên dũng cảm hơn trước kia rất nhiều.

- Cô Nguyệt - Quan tòa lên tiếng nhắc nhở - cô đang vượt quá phận sự của một nhân chứng.

- Tôi xin lỗi, thưa quý tòa. - Tĩnh Nguyệt thành khẩn cúi đầu.

Kết thúc phần khai báo của mình, nàng trở về vị trí. Lúc quay lại hàng ghế của mình, nàng loáng thoáng nghe ai đó phía sau lẩm bẩm: "Tel père, tel fils²". Ngoảnh lại, nàng hơi ngạc nhiên khi thấy Liêm cũng đến dự phiên tòa. Khác với dáng vẻ phu xe lấm lem lần trước, hôm nay anh ấy mặc một bộ đồ Tây nghiêm chỉnh, một phần gương mặt giấu sau chiếc mũ Fedora. Nếu không nhìn kỹ, Tĩnh Nguyệt đã suýt lầm anh thành người khác.

Đang định mở lời, thấy Liêm ra hiệu im lặng, Tĩnh Nguyệt bèn biết ý quay lên, coi như mình không quen người vừa rồi. Phía trên bục, sau một hồi thảo luận, phiên tòa tiếp tục với nghi vấn được ông Lê Cố Miên đặt ra đối với lời cáo buộc của phía Dominique.

- Monsieur Dominique nhất quyết cho rằng cô Thiều Hoa sát hại cậu Anh Hào, vậy ngài giải thích thế nào cho việc ổ súng của cô Thiều Hoa chỉ thiếu mất một viên đạn, còn cậu Anh Hào lại có hai vết thương trên cơ thể. - Ông Miên đẩy kính, đẩy ngược thế cờ nan giải về phía đối phương.

- Và tại sao viên đạn ghim vào chỗ trí mạng lại có vị trí ngược với vết thương ở chân cậu ấy?



Phải đến non nửa tuần trăng, phiên tòa xét xử vụ án của Nguyễn Anh Hào mới ngã ngũ. Khi nghe Thiều Hoa được quan tòa phán vô tội trong vụ án này, rốt cuộc Tĩnh Nguyệt mới có thể trút bỏ được cơn bức bối suốt nhiều ngày nay.

Sau phiên tòa kia, danh tiếng của ông Lê Cố Miên vút lên như diều gặp gió, từ thông phán được cất nhắc lên chức tham biện. Ông Miên không hề hân hoan trước việc thăng chức đột ngột của mình, vẫn ngày đến tòa sứ đêm về nhà, thi thoảng nhắc nhở nàng chuyện học hành năm cuối.

Trường Albert Sarraut bắt đầu năm học mới, phiên tòa kia vẫn là chủ đề bàn tán xôn xao của những cô cậu học trò. Tĩnh Nguyệt quay lại trường sau kỳ nghỉ ngắn, nhận ra thái độ của bạn học và thầy cô cũng bắt đầu thay đổi. Lác đác vài người âm thầm ngợi khen "bài hùng biện về luân lý" của nàng trong phiên tòa, còn lại, hầu hết là những lời chê trách. Ngạc nhiên thay, lần này cô Đài Trang lại không nằm trong nhóm người nhiếc móc nàng. Tĩnh Nguyệt nhớ rằng buổi cuối cùng khi tòa án phán quyết Thiều Hoa vô tội, cô ấy đã vắng mặt.

Nàng tưởng rằng chuyện này sẽ lắng xuống và lẫn vào biết bao sự kiện khác ở đất Hà thành, song dường như mọi thứ mới chỉ là khởi đầu.

Những ngày cuối tháng chín, Thiều Hoa một lần nữa bị triệu tập lên Sở Liêm phóng vì có thư nặc danh tố cáo cô là kẻ tình nghi liên quan tới hội nhóm ngầm của Phan Văn Khương. Sau đó một tuần thì tới lượt của nàng. Trước sự tra hỏi của những vị quan Tây, Tĩnh Nguyệt làm như lời cha dặn, không thảng thốt cũng chẳng tỏ ra giấu giếm.

Rời khỏi Sở Liêm phóng, ngẩng nhìn tòa nhà xây theo lối kiến trúc Tây dương, phết vôi trắng, gần đó là những bức tượng điêu khắc cầu kỳ và duy mỹ, Tĩnh Nguyệt bỗng cảm nhận được sâu sắc cái ngột ngạt của cuộc sống một người dân thuộc địa. Thiều Hoa đã luôn sống trong sự o ép ấy, cả cha nàng, anh Văn Khương và tất cả những người hoạt động cách mạng khác. Họ đã luôn phải lẩn trốn trong bóng tối, giằng co với thứ ánh sáng nhiễu nhương của Toàn quyền. Ánh sáng ấy còn chói chang hơn cả vầng dương kia, thiêu rụi và sát phạt tất cả những Icarus ngông cuồng muốn vươn mình tới bầu trời cao vợi.

Rồi mùa đông tới, gió Bấc mang cái rét ảm đạm của vùng non cao xuống đồng bằng. Tĩnh Nguyệt bỗng nhận được tin ông Đỗ Thiều Quang bị Toàn quyền triệu tập và đặt nghi vấn về việc làm ăn bất chính. Thảo luận với cha, nàng biết rằng kể từ sau cái chết của Nguyễn Anh Hào, ông Quang liên tục bị gây sức ép và chặn đứt con đường làm ăn. Một số xưởng của ông phải đóng cửa, những thương hội liên doanh thì lần lượt rút vốn, hoặc rời khỏi An Nam. Thiều Hoa cũng bởi vậy mà nghỉ học triền miên, nàng hiếm khi gặp được cô trên trường. Mỗi lần tình cờ chạm mắt, dù lòng vẫn xao động như tiếng sóng vỗ hôm nao, Tĩnh Nguyệt chẳng thể nói gì hơn ngoài vài lời khách sáo, tựa như điệu nhảy trong boong tàu hôm ấy chỉ còn là một thoáng ảo mộng, chiêm bao.

Nàng biết, họ còn nhiều thứ phải lắng lo hơn một chút rung động trong lòng. So sánh với những vấn đề cấp bách khác, ái tình chỉ bé nhỏ như giọt nước mắt và chấp chới như cánh chim đậu trên mặt biển. Song, dẫu nhỏ nhoi, nó vẫn âm ỉ trong nàng như một chiếc dằm khó nhổ.

Nàng cũng biết, ngày họ phải chia xa đã gần kề.

Lần gần nhất họ tranh thủ gặp nhau dưới gốc phượng ven đường, Thiều Hoa thông báo với nàng:

- Cha tôi đã quyết, cuối năm tôi sẽ nghỉ học, lên đường về cố hương cùng với mẹ.

Dù đã linh cảm từ trước, đến lúc nghe chính miệng cô nói, Tĩnh Nguyệt vẫn thoáng hụt hẫng.

- Hơn nửa năm nữa là tốt nghiệp rồi, cô thực sự không đợi được ư?

- Ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra trong nửa năm nữa chứ. - Thiều Hoa thở dài, chẳng buồn giấu ánh mắt muộn phiền.

- Cố hương của mẹ cô...

- Ở Hương Cảng. - Thiều Hoa quấn lọn tóc xoăn, giải thích cho nàng - Dù tình hình ở Đại Lục cũng chẳng khá hơn, song bên đó đất rộng, người đông, các thương hội cũng không dễ dàng bị bắt chẹt. Cha tôi đang lo, nhỡ may ông...

Đến đây, cô ngừng lại, không nói gì thêm nữa. Tĩnh Nguyệt cũng ngầm hiểu, cứ với tình trạng hiện giờ, nếu một ngày nào đó ông Thiều Quang bị tịch thu toàn bộ gia sản thì nàng cũng chẳng quá bất ngờ.

- Nguyệt này. - Thiều Hoa chợt gọi.

- Ơi?

- Tôi có yêu cầu này hơi quá quắt, nhưng tôi vẫn muốn nói... - Thanh nữ buông tay khỏi lọn tóc, ngẩng lên nhìn nàng - tôi hy vọng hôm đó cô có thể đến tiễn tôi lên tàu.

Tĩnh Nguyệt thoáng ngẩn người, hé miệng toan đáp lại thì bỗng nghe cô nói tiếp:

- Lần này tôi đi, không biết bao giờ mới có thể trở về. Có thể một năm, hai năm, cũng có thể mười năm, hai mươi năm. Chẳng có gì chắc chắn cả. Nên tôi nghĩ mình cần phải nói điều này với cô.

Tĩnh Nguyệt nghe nhịp thở nàng bị gió đông thổi mất. Giữa trời đông buốt giá, dưới tán phượng vĩ trơ cành, nàng lại cảm thấy trong lòng râm ran như ai đang đốt lửa. Thanh âm nhẹ nhàng mà trang trọng của Thiều Hoa chạm khẽ vào trái tim nàng, vẫn xuyến xao như thuở đầu đôi bên tri ngộ.

- Gặp cô ở tiệm sách là điều dĩ ngẫu, thân cận với cô lại là chuyện bất ngờ, nhưng trên hết, cô khiến tôi nhận ra rằng giữa mịt mùng vẫn còn ánh sáng, giữa nhân gian vẫn còn phép lạ.

Cô là ý nghĩa mà tôi ghi tạc trong lòng, là vầng trăng thanh tao nhã nhặn soi sáng con đường tôi đi.

Là những lần tình cờ gặp gỡ, là phiên chợ xô bồ, là tiệm sách bị tháo dỡ, là buổi chiều rong ruổi trên toa tàu điện, trò chuyện về ái tình.

Cô cũng là một điệu nhảy đầm giữa ánh chiều tà đỏ hỏn, là cái nắm tay xao xuyến tâm hồn, là cái hôn phớt mang theo những dấu yêu, là đau xót và buồn thương, là lời tự tình khờ dại.

- Nàng là mơ tưởng của tôi.

Gió đông cuốn lấy lời thổ lộ kia, ném nó vào giữa khoảng trời sương giăng xám xịt cùng với những rung động xốn xang của thời thanh xuân thiếu nữ.

Khi ngón tay cô khẽ quệt đi giọt lệ giá lạnh nơi khóe mắt, Tĩnh Nguyệt mới phát hiện nàng vừa mới bật khóc. Nàng giương đôi mắt ngấn nước nhìn cô, nấc lên trong cơn rấm rứt.

- Đi đâu... đến đâu cũng chỉ thấy cảnh điêu tàn, cô vẫn muốn đi ư?

Nhìn vào đôi mắt phóng khoáng và bão bùng như cánh mòng két chao liệng khắp biển trời ấy, Tĩnh Nguyệt đã có được câu trả lời.

- Thiều Hoa - Nàng ôm lấy cô, mỉm cười - nàng vẫn còn nợ tôi một điệu nhảy.

Một buổi sáng mờ sương tháng Chạp, Tĩnh Nguyệt đến bến cảng tiễn người con gái ấy rời đất An Nam. Mặc cho tất thảy ngoài kia chiến tranh lửa khói, chuyến tàu viễn dương vẫn rẽ sóng ra khơi. Mái tóc xoăn đen tung bay trong làn gió buốt, Thiều Hoa nhìn vạt áo trắng ngần phía xa xa, cảm tưởng đâu đây còn vương vấn hương ngọc lan thuở nào.

Mademoiselle của tôi,

Nàng là lần rung động đầu đời, là chút thơ ngây còn sót lại trong cõi hồn hoang hoải, là phần tình cảm trân quý nhất tôi để lại mảnh đất thiêng liêng này.

Là điệu nhảy dở dang của trái tim tôi.



¹ Thành ngữ tiếng Pháp, nghĩa là: "Không có lửa sao có khói."

² Thành ngữ tiếng Pháp, nghĩa là: "Cha nào con nấy."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro