Năm - Rung động là mơ tưởng của đàn bà.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nửa buổi chiều còn lại, hai nàng dừng chân ở một cửa tiệm bán loại đồ uống "café" của Tây. Thiều Hoa không còn mặc bộ đồ giả nam kia mà quay trở về với áo kiểu, váy xòe thường thấy.

Tĩnh Nguyệt cảm thấy nàng đã quen với sự phô trương của đóa hồng đất Cảng, cô gọi café thì cũng đành học uống thử. Uống một ngụm, mặt mày nàng nhăn tít, rùng mình còn hơn uống phải thuốc Bắc. Thấy nàng không thích mùi vị của thứ đồ uống đen xì kia, Thiều Hoa bèn gọi trà cho nàng, tiện thể lấy luôn ly café của nàng về bên mình.

Trò chuyện, Tĩnh Nguyệt mới biết cô đã quen với loại thức uống đó lúc đi du học.

- Thực ra cũng chẳng gọi là du học, chủ yếu tôi theo các chú đi buôn bán, gặp gỡ đồng hương tha phương xứ lạ. Tôi muốn xem xem, những người Đông du, Tây du, họ thấy được những gì.

Từ bé đến giờ Tĩnh Nguyệt chỉ luôn quanh quẩn ở đất Hà thành, xa nhất cũng chỉ về tới quê mẹ ở phủ Hà Nam. Hồi đọc về Duy Tân hội, nàng cũng từng nhiều lần mơ tưởng đến những vùng đất kia. Tuy nhiên, sau chuyện xảy đến với gia đình, nàng cũng thôi những ý nghĩ xa vời ấy. Dẫu không thể, Tĩnh Nguyệt vẫn không khỏi hiếu kỳ. Làm sao Thiều Hoa có đủ dũng khí vượt trùng dương mà đặt chân tới những xứ sở mà cô chưa từng hay biết?

- Cô đi xa vậy, cha mẹ cô không nói gì à?

- Từ năm tôi mười ba cha đã không quản thúc tôi nữa rồi. Ông ấy bảo con gái cập kê là trưởng thành, mà người trưởng thành thì phải tự lo liệu cuộc sống. - Thiều Hoa khuấy ly café, nhìn những cụm khói nóng hổi bốc lên từ cốc nước đen.

- Thật ra, đợt tôi lên thuyền năm kia, mẹ tôi cũng gàn nhiều lắm. Mẹ sợ tôi đi biển gặp trắc trở. Tôi nói thế nào mẹ cũng không cho tôi đi.

- Thế sao về sau cô vẫn đi được?

- Tôi trốn mẹ lên thuyền. Đợt đó mẹ giận cả tôi lẫn cha tôi, tôi về gần một năm rưỡi rồi mà mẹ vẫn chẳng chịu làm lành với tôi đây.

Thiều Hoa than thở xong lại uống một ngụm café. Lớn lên ở vùng nhượng địa, từng nhiều lần cùng cha đến các đồn điền của thương nhân người Tây và tận mắt chứng kiến hiện thực, cô hiểu rõ cái sự bạo tàn nhân danh khai hóa của "mẫu quốc" hơn ai hết. Mỗi một hạt café thơm lừng mà cô được thưởng thức đều phải đánh đổi bằng mồ hôi xương máu của những người cùng khổ, nên cô càng trân quý biết bao những thứ mà người mình làm ra.

Thiều Hoa luôn cảm thấy, tự cô hiểu rõ là được rồi. Những lời tam sao thất bản về cô chung quy lại cũng chỉ để thỏa lòng những người bám víu lấy một thuở phong kiến đã gần tàn lụi. Nhưng thật ra, sâu thẳm trong thâm tâm, cô vẫn mong mỏi có một ai đó ngoài kia chịu bóc tách lớp vỏ xù xì, gai góc bên ngoài để nhìn và hiểu con người mình hơn.

Hôm ấy, dưới những chùm hoàng lan vàng rỡ như rót mật, rốt cuộc Thiều Hoa cũng gặp được người ấy - người mà cô từng cảm thấy như tố nữ im lìm trong bức tranh, người cũng khoác lên mình một tấm áo bị người đời thêu dệt. Nàng rũ bỏ tấm áo hoa mỹ ấy, bước ra khỏi bức tranh kia và xuất hiện trước mặt cô một cách đầy chân thật.

Dù cách họ gặp gỡ nhau chẳng quá êm dịu thì giờ đây, Tĩnh Nguyệt trong mắt cô trở nên sống động hơn bao giờ hết. Thiều Hoa cảm tưởng như cô được biết nàng thêm một lần nữa. Lại từ đầu.

- Tôi chẳng bao giờ nghĩ sẽ có ngày tôi với cô nói những chuyện này. - Cô tỏ ra bất đắc dĩ - Nhưng biết sao được, tôi rảnh rỗi quá mà, lại vì cô mà không thể trò chuyện với cô gái nào khác trong trường.

- Mademoiselle luôn thích lấy tôi ra làm cái cớ nhỉ? - Tĩnh Nguyệt cười - Thẳng thắn lên nào.

- Tôi lúc nào chẳng thẳng thắn. - Thiều Hoa châm chọc - Có mỗi tiểu thư đây để ý mấy thứ lễ tiết đến phát bực thôi.

- Còn cô thì cứ thích khiến người ta ghét mình. - Tĩnh Nguyệt nói mát - Đến truyện cổ cô cũng dùng Cendrillon, hẳn là mademoiselle cũng thuộc làu ngụ ngôn La Fontaine và nhuần nhuyễn sử Phú Lãng Sa nhỉ?

Thực ra nàng biết mình không nên bắt bẻ Thiều Hoa mấy chuyện thế này. Toàn quyền bãi bỏ khoa cử Nho học, đưa tiếng Pháp, sử Pháp vào chương trình bắt buộc, nỗ lực làm thui chột văn hóa dân tộc suốt nửa thập kỷ. Lớp thanh niên lớn lên trong môi trường ấy, rốt cuộc cũng sẽ thấm nhuần tư tưởng mà họ tiếp cận. Cha nàng vẫn thường nói, đổi mới không xấu, sính ngoại mới xấu. Mình học hỏi tri thức, kỹ nghệ từ họ, sau rốt cũng dùng những tri thức ấy giải phóng bản thân, giải phóng dân tộc.

Thiều Hoa thừa hiểu Tĩnh Nguyệt nghĩ gì. Cô cười, độp lại:

- Không chỉ mỗi tiếng Pháp, tôi còn biết cả tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Nhật, mỗi thứ một ít đó. Câu trả lời đấy đã vừa ý cô chưa?

- Thật ra tôi không có ý chê trách cô hay gì. - Tĩnh Nguyệt thở dài, giải thích - Đúng ra, ban đầu tôi có định kiến với cô nên mới cảm thấy...

- Tôi me Tây, sính ngoại, thượng đẳng chứ gì?

Chẳng hiểu sao, giọng điệu cố tình chanh chua đầy khoa trương của Thiều Hoa lại khiến Tĩnh Nguyệt bật cười.

- Cho cô một cơ hội thuyết phục tôi.

Nàng đã bắc cho cô một chiếc thang, Thiều Hoa cũng chẳng làm dáng nữa. Cô nhấp môi chút café rồi cất tiếng.

- Người xưa vẫn nói: "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng." Cha tôi bảo, là thương nhân thì phải luôn giữ tâm trí rộng mở, phải học hỏi và tiếp thu tất cả những điều mới mẻ, những nền văn hóa xa xôi, biết sàng lọc, nắm bắt thời cơ, và quan trọng nhất... - Ánh mắt Thiều Hoa hướng xuống chân mình - Biết người rồi, thì phải biết mình là ai.

- Vậy cô là ai?

- Một người An Nam. - Thiều Hoa mỉm cười.

Ngừng một chút, cô nói nốt:

- Lai chút gốc Hoa.

Thấy Tĩnh Nguyệt ngạc nhiên, cô nhún vai.

- Mẹ tôi là người An Nam gốc Hoa, cha tôi là người An Nam bản địa. - Thanh nữ quấn lọn tóc mình, nhoẻn cười - Tóc tôi xoăn tự nhiên đấy. Tôi rất thích nó, đặc biệt nhỉ?

Mái tóc xoăn của Thiều Hoa đúng là rất đặc biệt, Tĩnh Nguyệt mỉm cười uống một ngụm trà. Thứ trà ở mấy cửa tiệm kiểu này chẳng bao giờ sánh quyện bằng trà tự tay nàng hãm, ấy thế mà chẳng hiểu sao hôm nay nàng lại thấy nó ngon đến lạ kỳ.

Có lẽ tâm trạng người uống cũng ảnh hưởng tới vị ngon của trà.

Thiều Hoa đặt ly café sang một bên, gợi ý:

- Nói về gia đình tôi rồi, giờ đến lượt cô đi.

- Tôi nên nói gì?

- Cũng như tạp chí có nhiều loại, giới trí thức thời buổi này chia năm xẻ bảy. Có người chủ trương canh tân theo lối dân chủ tư sản Tây hóa, có người hướng đến con đường bạo lực vũ trang, cũng có người không muốn giành độc lập, chỉ muốn đất nước tự trị để yên ổn làm văn hóa.

Thiều Hoa chống khuỷu tay lên bàn, ôm lấy hai bên má, nhoẻn cười nhìn nàng.

- Không biết cha cô là người thế nào đây?

Tĩnh Nguyệt không trúng bẫy của người kia, thong thả đáp:

- Nữ lưu như cô và tôi, người ta hay nói thế nào nhỉ? "Đàn bà không can chính".

Thấy Tĩnh Nguyệt cố ý né tránh đề tài kia, Thiều Hoa chép miệng:

- Chắc người ta quên thôi. Dân ta có Bà Trưng, Bà Triệu... có Tây Sơn Ngũ Phụng Thư danh chấn lẫy lừng kia mà.

Ngừng một chút, cô cười khẽ, quay trở lại chủ đề ban đầu.

- Dông dài quá. - Thiều Hoa lẩm bẩm - Ý tôi muốn nói ở đây là: Tôi là đàn bà, nhưng cũng là một người An Nam. Thứ người mình mong muốn, vĩnh viễn là độc lập dân tộc. Ước nguyện kia đã được minh chứng bằng ngàn năm thoát Bắc thuộc, bằng những cuộc khởi nghĩa chưa lúc nào ngơi. Dù chỉ một phần nhỏ, bé tí hin như hạt muối, hạt cát, tôi vẫn muốn góp sức mình vào công cuộc ấy.

Như thể muốn đáp trả lời trêu tức nhẹ nhàng của nàng lúc trước, Thiều Hoa thực sự dùng lịch sử và vĩ nhân của dân tộc để đối đáp với nàng. Tĩnh Nguyệt cảm thấy chuyến đi này đúng là chẳng hề uổng phí. Nàng quả thực đã được chứng kiến một mặt rất riêng của Thiều Hoa, phần sáng ngời tàng ẩn phía sau những tai tiếng. Nàng nghiền ngẫm từng lời cô nói rồi cất lời:

- Muối rất đắt.

- Đó là điều cô quan tâm à, tiểu thư? - Thiều Hoa bật cười.

Tĩnh Nguyệt cũng mỉm cười, song lời nói lại chẳng hề khớp với thái độ đùa giỡn của hai nàng.

- Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn, những thứ họ "bố thí, ban phát" cho chúng ta. Toàn quyết siết chặt thuế nhu yếu phẩm, lại dung túng tệ nạn, khuyến khích chơi bời, buông thả. Người thì ngập ngụa trong thuế má, nợ nần, kẻ thì chết rục nơi sòng bạc, nhà chứa với những ả Phù Dung của họ. Đây rốt cuộc là cái mà họ gọi là "khai phóng văn minh" ư?

- Ai đó vừa rồi còn nói cái gì mà "đàn bà không can chính" ấy nhỉ?

- Thì người ta nói, chứ người ta là ai tôi đâu biết.

- Cô trả treo thì giỏi rồi, tiểu thư. - Thiều Hoa đảo mắt - Không biết tôi với cô ai mới là con gái thương nhân nữa.

Tĩnh Nguyệt cười, cảm thấy nàng với Thiều Hoa câu qua câu lại không hề giống như dạng châm chọc, đôi co bình thường giữa cánh đàn bà con gái. Kiểu trò chuyện nửa tầm phào, nửa nghiêm túc ấy vô hình trung lại khiến bầu không khí giữa hai người hòa hảo và thoải mái đến không ngờ. Thậm chí, Tĩnh Nguyệt ngạc nhiên phát hiện, thế mà nàng lại nảy sinh cảm giác tri âm đầy quái lạ.

Vốn dĩ, nàng chưa từng trò chuyện đề tài kiểu này với người khác, kể cả anh Văn Khương. Những lúc anh ấy nói, nàng chỉ nghe. Những lúc anh ấy nghe, nàng không lên tiếng. Nhưng nàng lại nói với Thiều Hoa.

Tại sao nhỉ?

Bởi Thiều Hoa hiểu tất cả những điều nàng nói, bởi cô không mang lòng phán xét, hay vì đồng cảnh ngộ nên càng thấu hiểu nhau?

Có lẽ đây là niềm đồng cảm giữa những người con gái.

- Tĩnh Nguyệt.

Tĩnh Nguyệt đang trôi nổi trong dòng suy nghĩ của bản thân, nghe người gọi mình thì vô thức "ơi" một tiếng. Đáp xong, nàng mới giật mình.

Thiều Hoa gọi thẳng tên nàng? Không phải mademoiselle hay "tiểu thư" nữa rồi?

- Thực ra dạo gần đây tâm trạng tôi không tốt lắm. - Thiều Hoa giãi bày - Cô biết đấy, anh Khương và những người khác phải trốn chạy, bôn ba nước bạn, tôi cũng chẳng biết sau này mọi thứ sẽ đi đến đâu.

Nói đến đây, cô thoáng dừng lại, dường như đang cân nhắc điều hệ trọng. Tĩnh Nguyệt nhìn người kia, thấy cô hơi tránh ánh mắt nàng. Tầm mắt Thiều Hoa hướng ra ngoài phố, giấu đi khóe môi cười.

- Nhưng hôm nay, có cô đi cùng, tôi vui lắm.

Cõi lòng Tĩnh Nguyệt như có dòng nước ấm chảy qua. Nàng nhìn nắng hấp háy trên những ngọn tóc xoăn của người đối diện, chẳng hề nhận ra nét cười của mình rất đỗi dịu dàng.

- Tôi cũng vậy, Thiều Hoa.

- Thế thì, gạt đi chuyện cũ, liệu tôi với cô có thể làm b...

Thiều Hoa nói đến đây thì chợt im lặng, ánh mắt hơi lộ vẻ thảng thốt. Thấy sự lạ, Tĩnh Nguyệt vừa định ngoảnh lại xem cô mới bắt gặp gì thì bỗng thấy người đối diện đứng dậy, sốt sắng nói:

- Tôi có việc gấp, đi trước nhé.

Chưa để Tĩnh Nguyệt kịp trả lời, cô đã quay gót hồng, rảo bước như đang bị ai đòi nợ. Tĩnh Nguyệt còn chưa hết ngơ ngác thì bỗng nghe một giọng nói vang lên cách đó không xa.

- Ơ, chị Nguyệt đó phỏng?

Thanh nữ ngoảnh đầu. Trông thấy cô Đài Trang, nàng bỗng hiểu ra tại sao vừa rồi Thiều Hoa vội vã rời đi như vậy. Nàng nhìn bóng lưng vội vàng của thanh nữ, tâm trạng bất chợt ủ ê.

Đi cùng Đài Trang còn có một thanh niên mặc Âu phục thẳng thớm. Chờ hai người tới gần, Tĩnh Nguyệt mới đứng dậy, khách sáo nói:

- Chị Trang, chào chị. - Mắt liếc sang người con trai bên cạnh Đài Trang, nàng lễ độ hỏi - Thưa, anh đây là...?

- Tôi tên Anh Hào, hân hạnh được gặp cô Nguyệt. - Người kia tự giới thiệu.

- Vâng, chào anh.

- Vừa rồi, bạn chị đi vội vã quá, tôi còn chưa kịp đến chào hỏi. - Đài Trang băn khoăn - Cô ấy là ai thế? Tôi có thân quen gì không?

Tĩnh Nguyệt còn chưa kịp lên tiếng đã thấy Anh Hào cất lời, giọng chắc nịch:

- Có phải cô Thiều Hoa không? Tôi từng thấy cô ấy mặc bộ đồ đó rồi.

Không hiểu sao, Tĩnh Nguyệt đột nhiên hơi khó chịu trước kiểu nói chuyện của chàng trai kia. Anh ta không chỉ tinh mắt mà còn có trí nhớ tốt đến mức nhớ Thiều Hoa từng mặc loại trang phục gì?

Đối diện nàng, cô Đài Trang thoáng sửng sốt.

- Thiều Hoa... là Đỗ Thiều Hoa đó hả?

- Trường em còn Thiều Hoa nào khác à? - Anh Hào cười trêu Đài Trang.

- Đúng, cô ấy là Đỗ Thiều Hoa đó. - Tĩnh Nguyệt lên tiếng trước khi Đài Trang đáp lại - Xin lỗi anh chị, tôi có việc đi trước.

Nói đoạn, nàng quay lại, lấy khăn mùi soa vẫy gọi xe kéo ven đường. Trước thái độ thản nhiên của nàng, gương mặt Đài Trang từ ngạc nhiên chuyển sang bực bội. Cô ả kéo tay nàng lại hỏi, giọng đầy chất vấn.

- Chị Nguyệt, sao chị lại đi cùng loại con gái như cô ta?

Tĩnh Nguyệt ngoảnh nhìn người thanh nữ trong bộ áo dài nền nã, mỉm cười ung dung.

- Tôi đã học được một bài học đắt giá. Từ giờ tôi sẽ chỉ tin vào điều tôi mắt thấy tai nghe, chị Trang ạ.

Thấy người phu xe chạy đến, nàng gật đầu với hai người kia rồi ngồi lên xe kéo, về nhà.



Vở kịch còn chưa hạ màn hồi hai, Tĩnh Nguyệt đã thấy Thiều Hoa đứng dậy - mặc kệ ánh mắt khó chịu của chúng bạn - hiên ngang rời khỏi chỗ ngồi. Nàng nhìn những người An Nam khoác lên bộ trang phục Tây căng phồng, đeo đạo cụ giả hạt cườm lóng lánh, cất lên những lời thoại sến súa, nghĩ ngợi một chút rồi cũng đứng dậy.

- Đang giữa chừng, chị Nguyệt đi đâu thế? - Cô bạn bên cạnh nàng hỏi.

- Trong đây hơi ngột ngạt, tôi ra ngoài đổi gió chút. - Tĩnh Nguyệt khách khí đáp.

- Đúng rồi, chị Nguyệt phải đổi gió chứ. - Tĩnh Nguyệt nghe Đài Trang xỉa xói - Cô Nguyệt nay đã khác xưa rồi!

Tĩnh Nguyệt tảng lờ lời bóng gió của cô Đài Trang, đứng dậy ra ngoài.

Một thập kỷ trở lại đây, thoại kịch nổi lên như một hiện tượng trong tầng lớp trí thức và tư sản An Nam. Thay vì xem chèo văn minh¹, hát bội, hay nghe hát ả đào - thứ giờ đây đã bị coi là thú vui hủ bại của tàn dư phong kiến, người ta có xu hướng tìm đến những cái mới mẻ, thời thượng như kịch Tây để mua vui. Nhà trường thi thoảng cũng cho học sinh đi xem thoại kịch, đặc biệt là những vở kịch lãng mạn như "Mai-nương Lệ-cốt" hôm nay.

Khách quan mà nói thì vở thoại kịch được dàn dựng khá công phu, khắc họa đầy đủ cuộc đời từ xa hoa đến bần cùng của chàng công tử trong mối tình với ả kỹ nữ, mà như lời tựa của người diễn Quốc ngữ, ấy là tình cảnh "say mê một gái giang-hồ, đến nỗi như đui, như điếc, như dại, như ngây²." Con người sống vì tình ái, hạnh phúc và khổ sở cũng vì tình ái, sang quý và thấp hèn cũng đều do tình ái.

Đến cùng thì đây vẫn là một vở diễm tình. Chữ "tình" trong vở kịch này thực sự choán lấy cả đời người.

Ra tới hành lang dẫn đến cửa nhà hát, Tĩnh Nguyệt trông thấy Thiều Hoa ở đó. Cô đứng giữa nơi sáng tối giao thoa, lưng tựa vào bờ tường, khoanh tay nhìn nắng trải bên thềm. Vạt nắng hắt lên nửa gương mặt nghiêng nghiêng của cô, lên thớ vải óng ánh. Phần còn lại, nơi ánh sáng chẳng chiếu đến, kín đáo cất giấu những trầm tư.

Tĩnh Nguyệt chưa từng thấy người con gái kiêu kỳ, gai góc kia tĩnh lặng đến vậy.

- Thiều Hoa. - Nàng gọi, dù biết cô đã nghe thấy tiếng guốc mộc của mình từ lâu.

Thiều Hoa không lập tức đáp lời nàng. Tĩnh Nguyệt bèn bước tới, đứng bên phía bờ tường đối diện, tay chắp lại theo thói quen, mắt lặng nhìn khoảng hè nắng đổ.

Thoáng sau, cô nghe Thiều Hoa thở dài:

- Tĩnh Nguyệt, vào trong xem kịch tiếp đi.

- Hôm trước cô rời đi vội vã, giờ lại muốn đuổi tôi à? - Nàng bông đùa.

Thiều Hoa ngẩng nhìn nàng. Tĩnh Nguyệt chợt nhận ra, bên mắt được ánh nắng chiếu tới của cô rực lên như ánh đèn Hoa Kỳ, trông còn sắc bén hơn thường nhật.

- Tôi biết rõ họ nói gì về tôi. - Cô cười nhạt - Tôi cũng biết họ sẽ nói gì về cô nếu thấy cô cứ luôn trò chuyện với tôi.

- Tôi không quan tâm mấy chuyện kiểu đó lắm.

- Nhưng tôi thì có. Tôi không muốn cô mất đi những người bạn khác.

- Nếu họ quay lưng với tôi chỉ vì tôi trò chuyện với cô thì có lẽ duyên bằng hữu của chúng tôi chỉ đến thế thôi. - Tĩnh Nguyệt nhẹ nhàng nói - Trước kia tôi không có chủ kiến trong những chuyện thế này, ai nói gì thì tôi nghe vậy, chẳng nghĩ ngợi quá nhiều. Giờ thì tôi nhận ra mình không nên làm mây, làm bèo nữa.

- Bèo dạt mây trôi cũng tốt mà, người ta sẽ không biết được ý nghĩ thực sự của cô. Không nghe, không hiểu, không nói, đó là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ bản thân. Làm như vậy, cô vẫn cứ vẹn toàn trong mắt họ.

- Sau đó thì thế nào?

Thiều Hoa ngây người, đôi mày bất giác chau lại.

- Có người sẽ luôn thấy họ chọn con đường nào cũng là sai, cũng có người thấy họ luôn làm đúng. Tôi thì... không lo đúng sai, được mất nhiều đến thế. Tôi chỉ nhìn vào lựa chọn hiện tại thôi.

- Thế, lựa chọn lúc này của mademoiselle là gì? - Thiều Hoa cắt ngang sự nghiêm túc của nàng bằng một câu đùa êm ả.

- Rõ như ban ngày mà. Là cô đấy, Thiều Hoa.

Những lời thẳng thắn của Tĩnh Nguyệt như chạm tới phần nào đó trong lòng Thiều Hoa, gợi lên chút sóng gợn lăn tăn trong trái tim cô. Thanh nữ bước về phía đối diện, cười lém lỉnh:

- Tiểu thư, trốn học với tôi không?

Cô còn tưởng rằng người quy củ, lễ nghĩa như Tĩnh Nguyệt sẽ ít nhiều chần chừ trong tình huống này. Ai ngờ nàng nghe xong liền bảo:

- Cũng được. Nhà tôi cách đây vài trạm xe thôi. Tôi còn chưa trả cô đôi giày mượn cô hôm trước.

Thiều Hoa hơi buồn cười trước vẻ sĩ diện của Tĩnh Nguyệt. Tại sao nàng có thể vừa thẳng thắn vừa vòng vèo như vậy nhỉ? Chỉ cần bảo, "tôi muốn mời cô đến chơi nhà" là được mà.

- Ừ, đến nhà cô đi.

Hai nàng trốn khỏi rạp hát giữa cái nắng ban trưa, tìm đến trạm xe gần nhất. Trò chuyện hơn một khắc, họ nghe thấy tiếng còi xe điện leng keng vang lên. Thanh âm sắt thép kéo trên đường ray, đoàn xe dừng lại trước trạm. Ở toa thứ ba, nhiều người áo vải nâu sồng lục đục cầm đòn gánh, xách thúng, máng chen xuống. Thiều Hoa và Tĩnh Nguyệt chờ người ta xuống hết rồi mới lên toa thứ hai. Hai nàng đi tầm trưa chiều, xe điện chẳng có mấy người. Thiều Hoa chọn ghế cạnh cửa sổ, Tĩnh Nguyệt ngồi bên cạnh cô.

Sau một khoảng lặng, nàng bỗng hỏi:

- Sao vừa rồi cô bỏ dở vở kịch giữa chừng?

- Thì chán chứ sao.

- Tôi cứ nghĩ cô cũng thích mấy câu chuyện lãng mạn như vậy cơ.

- Tiểu thư đây định kiến quá thể. - Thiều Hoa cười, đính chính - Tôi không say sưa những thứ hư cấu quá mức. Trên thực tế, đời người đâu thể chỉ tồn tại mỗi ái tình? Nhất là giữa tình cảnh này, mấy ai đủ sức hoài mơ về một cuộc tình nồng nàn mà hư hoại nhường ấy. Ít nhất tôi không nằm trong số đó.

Ngừng một thoáng, cô thở dài:

- Thôi nhưng lại ngẫm, nếu ái-tình không làm được ra phép lạ, cổ-nhân sao có gọi là thần

- Thế mà cô vẫn thuộc cả lời kịch. - Tĩnh Nguyệt cười.

- Trí nhớ tôi tốt quá thể mà. Tôi không chịu nổi nên mới ra ngoài đấy. - Thiều Hoa bĩu môi - Người ta luôn cảm thấy, ái tình chính là mơ tưởng của đàn bà. Thật nông cạn. Chúng ta còn có nhiều thứ đáng mơ ước hơn kìa.

- Tỷ dụ như cái gì?

- Như việc... tôi vẫn luôn muốn trở thành một thương nhân giống cha tôi. Thời thế thay đổi, chúng ta phải đổi thay cùng với nó mới được.

Thiều Hoa nói xong, đợi mãi cũng chẳng thấy người bên cạnh đáp lời, bèn hỏi:

- Tĩnh Nguyệt, cô có mơ tưởng điều gì không?

Cô vừa dứt lời, bỗng thấy gương mặt Tĩnh Nguyệt đượm nét ưu tư trĩu nặng.

Ước mơ - đối với những người từ khi sinh ra đã mang trên mình "tam tòng, tứ đức" như họ mà nói - thực sự là một điều xa xỉ. Từ khi sinh ra đến lúc chết đi, tên tuổi đàn bà luôn gắn liền với gia tộc, dòng dõi; lấy chồng thì phải theo chồng, chồng chết thì lại theo con. Cả đời đàn bà sống vì người khác, lặp đi lặp lại như đường kim mũi chỉ trên chiếc áo họ thêu. Họ không thể có mơ tưởng cho riêng mình, không thể tự mình lập nghiệp, bởi đó giờ con đường khoa cử không dành cho họ. Sinh ra là đàn bà tức là phải sống một cuộc đời được định sẵn. Nếu qua tuổi xuân thì mà chưa dựng vợ gả chồng, người con gái ấy sẽ bị coi khinh, đặt điều. Sống đến nửa đời người mà vẫn chăn đơn gối chiếc, người đàn bà ấy sẽ trở thành một thứ quái vật gớm ghiếc trong mắt xóm làng.

Nửa phần đời còn lại họ sẽ ngập ngụa trong hình hài ghê rợn mà thói đời gán lên họ.

Đến một lúc nào đó, họ sẽ tự hủy hoại chính mình.

Nàng đã tận mắt trông thấy một người đàn bà như thế.

Tận mãi đến khi hai nàng xuống xe, Tĩnh Nguyệt vẫn chưa trả lời câu hỏi kia. Thiều Hoa hiểu rằng vấn đề tưởng chừng rất đỗi giản đơn ấy lại là khúc mắc lớn nhất của nàng. Cô không cố gạn hỏi mà nói sang mấy chuyện trà dư tửu hậu. Tĩnh Nguyệt không nói nhiều, dường như vẫn còn chìm trong nỗi sầu tư. Về nhà, nàng mở cổng, nhìn tán hoàng lan im lìm mà không khỏi tần ngần.

Bước lên bậc tam cấp, nàng chợt cất tiếng:

- Cô rất giống một người tôi từng gặp hồi tấm bé.

- Giống á? - Thiều Hoa ngạc nhiên - Ngoại hình hay tính cách?

- Không, cái giống mà tôi muốn nói thuộc về khí chất cơ. - Tĩnh Nguyệt mỉm cười - Cha tôi từng đón tiếp một vị madame người Pháp đến nhà, một cựu giáo viên trường mình. Trong tất cả những người Tây dương sinh sống trên mảnh đất này, bà ấy là một trong số ít người khiến ông tôn trọng từ tận đáy lòng.

Nghe nàng nhắc đến một người phụ nữ Pháp trước kia từng dạy học ở Albert Sarraut, Thiều Hoa ngờ ngợ danh tính bà ấy.

Tĩnh Nguyệt dẫn cô vào trong nhà, thẳng đến phòng mình.

- Hồi đó tôi còn khá nhỏ, chẳng biết bà ấy là ai. Nhưng bà ấy đã nói một câu mà tôi nhớ mãi. - Nàng mở cửa phòng, dẫn Thiều Hoa vào trong - Bà ấy nói: "Con gái ông có thể làm nên chuyện."

Thiều Hoa vốn nghĩ, khuê phòng của Tĩnh Nguyệt sẽ hệt như con người nàng - trầm lặng và giản đơn. Trái ngược với tưởng tượng của cô, căn phòng của Tĩnh Nguyệt không nhỏ, cũng chẳng quá gọn gàng. Nguyên một góc phòng nàng là kệ tủ để đủ loại sách báo, nhiều nhất lại là những tạp chí khoa học kỹ nghệ. Một phần khác xếp những mô hình tàu điện, xe lửa tự chế, còn có một chiếc quạt máy đang lắp dở giữa phòng. Tĩnh Nguyệt vén tà áo dài sang một bên, ngồi xuống lắp cánh quạt trong sự ngỡ ngàng của Thiều Hoa. Chỉ khi ấy cô mới nhớ ra, điểm số các môn khoa học ở trường của người kia luôn ở những thứ hạng đầu.

Tĩnh Nguyệt nối dây, hài lòng nhìn những cánh quạt chầm chậm quay. Nàng thu dọn đám sách báo, để gọn lên kệ rồi tiếp tục câu chuyện:

- Sau này tôi mới biết bà ấy là một nhà khảo cổ học, rời bỏ quê hương mà lên đường đến xứ lạ, dành cả đời để tìm tòi, nghiên cứu di sản của người An Nam. Bà ấy bôn ba khắp nơi để khảo cứu cổ vật, chứng tích biết bao đề tài, thế nhưng vẫn chẳng được viện Viễn Đông Bác cổ công nhận là một thành viên chính thức. Chỉ bởi bà ấy một người đàn bà.

Nàng nhìn chiếc quạt máy thô sơ được mình tự tay lắp đặt, bên trong niềm tự hào còn vương cả nỗi buồn sâu kín.

- Tất nhiên, tôi cũng có vô vàn mơ tưởng của riêng mình. Tôi cũng muốn đến những vùng đất kia, gặp gỡ các nhà khoa học, những người trí thức. Tôi cũng muốn mở mang đầu óc, muốn dùng những thứ mình biết để giúp ích cho công cuộc giải phóng dân mình.

Nói đến giữa chừng, giọng nàng đã bắt đầu run rẩy. Tĩnh Nguyệt cảm thấy, mỗi khi ở cạnh Thiều Hoa nàng luôn để lộ phần yếu đuối nhất của bản thân. Nàng sẽ cất lên nỗi lòng, sẽ xúc động, sẽ nói cười, đùa vui, cũng sẽ sẻ chia những mơ tưởng hão huyền nhất.

Và cũng sẽ bộc bạch cả những nỗi sợ trong sâu thẳm đáy lòng.

- Nhưng tôi... không thể. - Nàng nhìn sâu vào đôi mắt kiều diễm của người kia, nghẹn ngào - Tôi chỉ là một người đàn bà. Sẽ chẳng ai công nhận tôi cả.

Tĩnh Nguyệt vừa dứt lời, cơ thể nàng bỗng được bao trọn trong hơi ấm của Thiều Hoa. Người nọ ôm lấy nàng, nhịp thở sâu lắng mà dìu dịu bủa vây quanh vành tai, hệt như tấm vải dày bao bọc chiếc bình sứ sắp sửa rạn nứt.

- Nguyệt à, madame ấy nói không sai. - Thiều Hoa vỗ về tấm lưng nàng, cất giọng nhẹ nhàng - Cô chỉ cần dũng cảm thêm một chút nữa thôi.

Tĩnh Nguyệt bỗng nhận ra nguyên do trái tim nàng xao động.

Người con gái ấy thực sự quá chói chang, nàng không kìm được mà bị cuốn theo thứ ánh sáng ấy, để Thiều Hoa soi đường chỉ lối cho mình bước ra khỏi chiếc lồng luân lý, đối mặt với thói đời vốn đã luôn khắc nghiệt.

Tĩnh Nguyệt cảm giác sống mũi cay cay. Nàng kìm lại nước mặt, sụt sịt gật đầu.

- Ừ, tôi... sẽ cố. Tôi sẽ cố dũng cảm như cô.

Thiều Hoa buông nàng ra, rộ cười:

- Thực ra tôi không dũng cảm đến vậy đâu, tôi chỉ biết cách che đậy những nỗi sợ của mình thôi.

Nét cười của cô rực rỡ như những cánh phượng vĩ trải ngợp vùng trời đất Cảng. Trong thoáng chốc, Tĩnh Nguyệt hơi lóa mắt.

Cô thực sự giống một đóa hồng kiêu hãnh.

- Biết che đậy nỗi sợ... nghe rất khôn khéo nhỉ? - Nàng cười, vươn tay đan lấy tay cô.

Thiều Hoa trông xuống đôi bàn tay khẽ chạm vào nhau, lời nói bất giác ùa ra:

- Tĩnh Nguyệt, cô có muốn đi cùng với tôi không?

- Mademoiselle muốn dẫn tôi đi đâu thế? - Tĩnh Nguyệt vẫn chưa thôi nét cười.

- Đến quê tôi, đất Cảng. - Thiều Hoa siết tay nàng chặt hơn một chút, giọng bồn chồn - Tôi có thể cho cô thấy... ừm, một phần nào đó... những mơ tưởng của cô.

Tĩnh Nguyệt ngạc nhiên nhìn gò má ửng đỏ của người đối diện, cảm thấy tay mình thoáng tê dại.

Thiều Hoa chưa bao giờ khiến nàng thôi bất ngờ.

Nàng chú mục vào đóa hoa yêu kiều trước mặt, vừa định mở lời thì bỗng nghe thấy thanh âm vang lên ngoài sân. Tiếng cổng kẽo kẹt và tiếng giày da đánh động không gian yên tĩnh, Thiều Hoa giật mình buông tay.

Trước ánh nhìn ái ngại của cô, Tĩnh Nguyệt chỉ có thể thở dài.

Nàng không ngờ cha bỗng dưng về nhà lúc này.



¹ Chèo được phổ biến tại thành thị, gọi là chèo văn minh.

² Trích trong phần tựa của Nguyễn Văn Vĩnh, dịch giả "Mai-nương Lệ-cốt".

³ Câu trích trong hồi thứ nhất, tác phẩm "Mai-nương Lệ-cốt".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro