Sáu - Rung động là loài chim báo bão.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiễn Thiều Hoa ra đến cổng, Tĩnh Nguyệt thoáng liếc đôi giày vải xếp gọn nơi hiên nhà, chợt nhớ ra nó là cái cớ để nàng mời người kia đến nhà.

- Chờ chút, để tôi lấy đôi giày...

- Không cần đâu, tiểu thư. - Thiều Hoa cười - Cứ coi đó là quà gặp mặt đi.

Nhớ đến lần gặp mặt dở khóc dở cười hôm ấy, Tĩnh Nguyệt cảm thấy như đã là chuyện từ lâu lắm rồi. Hôm ấy trời oi bức hơn bây giờ, nàng bùi ngùi nhận ra, lúc này đã sắp sửa vào thu. Nàng với Thiều Hoa cũng quen nhau tròn hai tháng.

- Cô định bao giờ sẽ về quê? - Nàng hỏi nốt đề tài dang dở vừa nãy.

- Khoảng chừng vài tuần nữa, Trung thu là sinh nhật cha tôi.

- Ừ, tôi sẽ hỏi cha, đến lúc đó sẽ báo cô một tiếng.

- Tôi sẽ chờ.

Thiều Hoa nhoẻn cười, đang định quay gót thì bỗng thấy Tĩnh Nguyệt dúi vào tay mình một chiếc ô gấp thẳng thớm.

- Trời nắng, đi đường cẩn thận. - Nàng dặn.

- Ừ, hẹn gặp cô sau.

Đợi đến khi bóng lưng Thiều Hoa khuất sau ngã rẽ, Tĩnh Nguyệt mới đóng cổng, trở vào trong nhà. Đến buồng khách, nàng thấy cha mình đã ngồi sẵn đó, trầm ngâm lau cặp kính lão. Nghe tiếng guốc mộc, ông cất kính vào hộp nhung, đưa mắt nhìn con gái.

- Thầy mệt không ạ? - Tĩnh Nguyệt ướm hỏi - Để con đi pha cho thầy ấm trà.

- Thôi, lát nữa đi. - Ông Miên nghiêm nghị nhìn nàng - Ngồi xuống nói chuyện với thầy chút.

Tĩnh Nguyệt biết ông sẽ hỏi chuyện gì. Vừa rồi, lúc trông thấy Thiều Hoa, cha nàng đã rất ngạc nhiên. Tĩnh Nguyệt chưa từng đưa bạn về nhà, lại còn vào khoảng thời gian thế này. Ông Miên làm thông phán ở tòa sứ đã lâu, ánh mắt sắc sảo, chỉ thoáng chốc ông đã nhận ra nhiều điều.

Thôi thì binh tới tướng cản, nước đến đất ngăn vậy.

- Con bé kia là bạn học cùng trường con à?

Thấy cha mình mở đầu bằng một câu hỏi khá nhẹ nhàng, Tĩnh Nguyệt chủ động nêu rõ danh tính và thân thế của cô với ông.

- Vâng, cô ấy tên Thiều Hoa, học dưới con một lớp. Cha cô ấy là thương gia Đỗ Thiều Quang, hẳn thầy cũng biết đến ông ấy.

Ông Miên xem chừng chẳng hề ngạc nhiên trước thông tin này. Ông gật đầu, chậm rãi nói:

- Tuy thầy chưa gặp nhưng đã nghe danh ông Thiều Quang. Ông ấy quả là một thương nhân tài ba.

Đương khi Tĩnh Nguyệt cho rằng đó là tín hiệu tốt thì cha nàng hơi hạ giọng, nghiêm túc nhắc nhở:

- Những thương nhân tài ba không bị thời thế ghìm chân, họ cũng chẳng bó buộc trong một luồng tư tưởng nhất quán. Ấy là cái tốt và cũng là cái xấu. Con nên xem xét, chọn bạn mà chơi.

Tĩnh Nguyệt không lập tức "vâng, dạ" như những lần trước. Nàng đăm chiêu, im lặng một lúc rồi gọi khẽ:

- Thầy ơi.

- Sao con?

- Con biết thầy không có nhiều hảo cảm với thương nhân, nhưng Thiều Hoa... cô ấy là một người rất tốt.

- Thầy lại không thấy vậy. - Ông Miên nói thẳng - Đôi giày kia thật ra không phải do cái Đài Trang tặng con, mà là con bé ấy, thầy nói đúng không? Cả hôm nay nữa, con vốn có buổi học trên trường, tại sao lại dẫn bạn về nhà giờ này? Con đừng nghĩ mình qua mặt được thầy.

Thấy con gái mình không đáp, ông thở dài:

- Thầy không muốn con học theo cái thói đua đòi, lươn lẹo của mấy người như thế. Trước đây con vẫn luôn ngoan ngoãn, giờ bắt đầu biết nói dối thầy rồi. Con nói xem là do đâu? Do ai?

Tĩnh Nguyệt rất muốn giải thích cho cha mình hiểu những chuyện này hoàn toàn không phải do lỗi của Thiều Hoa, chỉ là - cũng như ông chẳng bao giờ nói cho nàng sự thật về công việc của mình - Tĩnh Nguyệt đã quen giấu giếm ông nhiều thứ. Giữa hai cha con nàng, thoạt nhìn thì con kính cha, cha thương con, thực ra lại chẳng ai giãi tỏ được nỗi lòng. Giống như tất thảy các cặp phụ tử khác, nàng và cha mình vẫn luôn bị ngăn cách bởi lễ nghĩa, giáo điều, chỉ có người răn dạy và kẻ cun cút tuân theo.

Tĩnh Nguyệt chợt nhận ra, trước giờ nàng không thể thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ thực của bản thân cũng bởi quen sống trong cái gia phong tồn đọng từ ngàn xưa, rằng đàn bà thì không có tiếng nói.

Những kẻ bất tuân, tức là đi ngược lại cái lẽ thường ấy, ắt sẽ bị người đời khinh rẻ. Tĩnh Nguyệt luôn nghĩ nàng chẳng quan tâm miệng lưỡi thiên hạ, giờ nàng mới phát hiện đó giờ mình chỉ đang trốn chạy. Sống trong bức tranh quá lâu, nàng đã trở nên mong manh hệt như tấm giấy kia, chẳng chịu được những lời lẽ hà khắc của bất cứ ai.

Thiều Hoa là người đầu tiên xé rách bức tranh tố nữ và nói cho nàng biết, nàng chỉ là một người phàm tục, không phải thánh thần, cũng chẳng hề hoàn mỹ.

Nực cười làm sao, đến tận lúc này nàng mới dám đối mặt với sự thật ấy.

- Thiều Hoa là một thành viên trong hội nhóm ngầm của anh Khương. - Tĩnh Nguyệt lên tiếng trước sự ngỡ ngàng của cha mình - Lúc trước, cô ấy cũng thường xuyên mật báo tin tức khi anh Khương còn hoạt động ngầm với người ở thư xã. Thiều Hoa còn thường xuyên tham gia biểu tình trên phố. Thầy, con thực sự có lý do để tin tưởng cô ấy.

- Con biết những chuyện này từ đâu? - Ông Miên cau mày. Rồi, trước sự bất ngờ của nàng, ông quát - Con biết được bao nhiêu!

Tĩnh Nguyệt giật mình, hơi muốn chùn bước. Nhưng rồi nàng nhớ tới cái ôm dịu êm của Thiều Hoa và câu nói như mang theo ánh sáng, rằng: "cô chỉ cần dũng cảm thêm một chút thôi."

Tất cả những gì nàng cần vỏn vẹn là một chút dũng khí.

- Con lén đọc tài liệu của thầy. - Tĩnh Nguyệt thú nhận - Trước giờ... con vẫn luôn lén đọc. Anh Văn Khương gặp chuyện gì, con đều biết cả... Thực ra hôm ấy con đã nhận lời giao tài liệu mật giúp anh ấy tới cho Thiều Hoa. Đôi giày cô ấy tặng con cũng là vì thấy con cuốc bộ đau chân, chỉ vậy thôi ạ.

Thấy cha bặt thinh, nàng chủ động giãi bày:

- Thầy, con xin lỗi thầy. Con chỉ... con nói ra những chuyện này cốt để thầy hiểu con biết những gì diễn ra ngoài kia. Con cũng hiểu cả những chuyện thầy làm bấy lâu, con...

- Tao không cần mày phải hiểu!

Ông Miên gầm lên. Chưa bao giờ ông nổi giận gay gắt đến thế, gân xanh ịn rõ bên huyệt thái dương. Tĩnh Nguyệt hơi run, tay vô thức siết lấy tà áo. Nàng hiểu rõ vì sao cha mình phẫn nộ. Bởi tình cảnh của mẹ mà cha càng muốn che chở nàng. Ông chỉ cần nàng luôn thơ ngây, an nhàn, yên ổn... mai sau tìm cho mình một bến đỗ tránh mưa tránh gió.

Sau đó thì sao? Nàng sẽ như một nhánh thường xuân nép mình vào thân cổ thụ, mặc kệ tất thảy giông tố bên ngoài mà sống ngây dại cả đời, hay rốt cuộc sẽ vụn vỡ như mẹ nàng?

- Con hiểu. - Nàng ngoan cố.

Thấy cha mình vung tay, Tĩnh Nguyệt bất giác nhắm chặt mắt. Thế nhưng cơn đau rát trên gò má lại không xuất hiện như nàng tưởng. Nàng hé mắt, chỉ thấy cha đưa tay vuốt nhẹ nếp nhăn giữa lông mày.

- Tĩnh Nguyệt... - Ông thở dài - Con biết vì sao tên con là "Tĩnh Nguyệt" không?

Tĩnh Nguyệt mím môi, đáp khẽ:

- Dạ, con biết.

Hồi nàng còn nhỏ, khi thần trí mẹ nàng vẫn còn ổn định, bà từng kể nàng nghe ngọn nguồn cái tên nàng. Mẹ nàng khi trước là con gái ông Phủ, thông hiểu thi thư, thuộc làu sách thánh hiền. Lúc mẹ mang thai, cả hai ông bà đều háo hức, ngóng trông. Mẹ nàng lấy tập thơ của một danh sĩ mình rất thích đưa cha xem, bảo cha chọn một chữ đặt cho con trai, bà sẽ chọn cho con gái.

- Hiên không kỷ tĩnh nguyệt tà xâm... Hồ ảnh thiên quang nhất sắc âm¹. Chữ "tĩnh" rất hợp ý tôi. Sống giữa thời "động", lòng càng cần tĩnh tại. - Ông Miên gật gù - Nếu đứa trẻ là con trai, nó sẽ là Lê Văn Tĩnh.

- Kỷ tĩnh nguyệt tà xâm. Ghế vắng, trăng chiếu nghiêng... - Vợ ông mỉm cười, mắt xa xăm - Mình đã lấy chữ "tĩnh", vậy tôi lấy chữ "nguyệt" đi ngay sau. Lê Thị Nguyệt, nếu đứa bé là con gái.

Đáng lẽ, tên nàng là "Lê Thị Nguyệt". Nghe mẹ kể vậy, Tĩnh Nguyệt không nén được niềm hiếu kỳ của con trẻ. Nàng tựa vào lòng mẹ, ngây ngô hỏi bà:

- Tại sao sau cùng thầy me lại thêm chữ "Tĩnh" ạ?

Người mẹ dịu dàng như nước trong trí nhớ vuốt ve mái tóc đen nhánh của nàng, khẽ khàng đáp:

- Sau khi sinh con xong, me không sinh thêm được nữa. Thầy con thấy thế, lúc con đầy tháng mới quyết định đổi thành "Tĩnh Nguyệt", ngụ ý con mang cả hy vọng lẫn tình thương của thầy và me.

Sau này Tĩnh Nguyệt mới biết, thực ra khi ấy mẹ nàng chỉ nói bảy phần thật, để ba phần giả chìm xuống cùng nỗi u uẩn của bà. Có những đêm cha bận việc trên tòa sứ, mẹ nàng vừa khóc vừa rả rích một mình: "Than ôi! Sao tôi lại thế này? Sao tôi lại không sinh được mụn con trai? Tại sao lại là cái Nguyệt mà không phải thằng Tĩnh? Dòng dõi nhà họ Lê rồi sẽ thế nào? Sao mình không bỏ quách tôi đi, hả ông Phán? Sao mình không bỏ quách tôi đi!"

Dần dà, bà ngày càng trầm lặng, ngày càng mơ màng, như hợp nhất với chiếc bóng gắn chặt với vách tường. Chiếc bóng ấy là những người đàn bà lùi lũi góc phòng, những người đàn bà không có khuôn mặt, những "ả", những "thị", những người sinh ra đã được gán cho cái danh vịt giời, là bát nước hắt đi, với thiên chức duy nhất trong đời là sinh con đẻ cái, giúp nhà chồng nối dõi tông đường.

Đến việc đó cũng làm không xong, trong mắt thói đời, người đàn bà ấy nghiễm nhiên trở thành kẻ vô dụng.

Lắm khi, chính những người đàn bà cũng tự làm khổ mình bởi cái ý nghĩ đó. Họ được dưỡng dục để thực hiện thiên chức ấy. Mất đi sứ mạng cao cả nhất đời, chơi vơi trong những điều thánh hiền không hề răn dạy, họ chỉ còn trên mình cái hình hài mục ruỗng.

Tĩnh Nguyệt lớn dần lên, tình trạng sức khỏe của mẹ nàng càng tệ dần. Bà trở nên nóng nảy, luôn gắt gỏng vô cớ, chẳng còn đâu vị phu nhân đằm thắm, dịu dàng thuở xuân xanh. Bà đành hanh, sách nhiễu, lắm điều, thô bạo. Người ta bảo, mẹ nàng là một người điên. Cha nàng từng nhờ Đốc-tờ chạy chữa nhưng bà không chịu. Bà bảo rằng, "Tôi vốn là thế đấy! Mình không dung được thì bỏ quách tôi đi mà tìm vợ khác!"

Nhưng sau rốt, chính bà lại là người đột ngột biến mất trong một đêm mưa gió. Cha nàng sốt sắng đi tìm suốt ba ngày không nghỉ mới hay tin vợ mình về quê mẹ ở Hà Nam. Tĩnh Nguyệt cùng cha tìm khuyên mẹ về nhà, nhưng bà chỉ nhìn nàng dửng dưng như nhìn kẻ xa lạ.

Giây phút ấy, lời nói dối năm nào của bà trở thành con dao cau sắc nhọn ghim thẳng vào tim nàng. Tĩnh Nguyệt thấy lòng mình quặn thắt, buốt rát.

- Tôi bỏ ông. Đi mà tìm vợ khác. - Bà lạnh nhạt nói với cha nàng. Ánh mắt bà khi ấy tỉnh táo đến mức hãi hùng.

Tĩnh Nguyệt vẫn nhớ như in cha nàng nói gì khi ấy.

Giờ đây, đứng trước người cha luôn cặm cụi trong cô độc suốt nhiều năm ròng, nàng bỗng xót xa. Từ khi nào khóe mắt ông hằn sâu nhiều dấu tích thời gian đến vậy?

- Thầy đã hứa với me con rồi. - Ông Miên trút một hơi não nề - Thầy hứa với nàng, sau này sẽ cho con một cuộc đời an nhiên, tĩnh tại.

- Thầy ơi, - Tĩnh Nguyệt đau đáu nhìn ông - nhưng trăng không thể luôn giữ hoài một dáng hình bất động. Trăng tròn rồi khuyết, lặn rồi lại mọc, ấy là cái lẽ thường tình.

- Trước nay con chưa từng cãi ta.

- Con xin lỗi, con không muốn khiến thầy phiền lòng.

- Con từng lén làm bao chuyện sau lưng thầy? Giấy tờ của thầy... con đọc được bao nhiêu rồi? Có từng nói cho ai chưa?

- Dạ, hầu như con đều đọc hết. Con không nói với ai cả, con chỉ muốn biết rốt cuộc thầy... rốt cuộc chúng ta phải đương đầu với điều gì. - Ngừng một chút, nàng nói thêm, giọng kiên quyết hơn - Con sẽ cùng thầy đối mặt.

Vị thông phán ngồi xuống trường kỷ, cau mày trầm ngâm. Tĩnh Nguyệt đứng cạnh ông, im lặng. Gian phòng yên ắng chỉ còn tiếng đồng hồ nước nhỏ từng giọt tí ta tí tách.

Sau nửa khắc, ông mới lên tiếng:

- Pha cho thầy một ấm trà.

Đôi mắt Tĩnh Nguyệt loang loáng phản chiếu ánh nắng lấp lánh. Nàng giữ mình không quá xúc động, khẽ khàng "vâng" một tiếng.

- Sau đó, kể cho thầy về Đỗ Thiều Hoa, toàn bộ những gì con biết. - Ông Miên nghiêm giọng, điệu bộ lại đôi phần bất đắc dĩ - Thằng Khương thực sự là tấm gương xấu mà.

- Vâng, con sẽ thành thực mọi thứ với thầy. Mà thầy ơi.

- Lại sao nữa?

- Thầy có thể chia sẻ với con tình hình trên tòa sứ lúc này không? - Tĩnh Nguyệt nghiêm trang hỏi - Về chuyện Sở liêm phóng mở cuộc truy nã diện rộng những người làm cách mạng như anh Khương.



Càng gần tới Trung thu, công việc của ông Lê Cố Miên càng bề bộn hơn. Tĩnh Nguyệt đã hai lần phát hiện có mật thám bám theo nàng trên đường về nhà; suốt thời gian đó, nàng không thể gặp mặt Thiều Hoa, đến việc gửi thư cũng phải nhờ qua tay người khác. Không bắt được Phan Văn Khương, Sở liêm phóng ngày càng gấp rút, áp lực đè nặng lên vai cha nàng càng nhiều thêm.

Mấy lần tỉnh giấc giữa đêm, Tĩnh Nguyệt vẫn thấy trai phòng cha sáng đèn. Nàng choàng áo qua vai, đi pha một ấm trà mới, lấy cớ ngồi lại hầu chuyện ông. Thời gian đầu, cha nàng vẫn không muốn đề cập đến vấn đề trên tòa sứ. Ông vẫn luôn cảm thấy bản thân là đấng mày râu đội trời đạp đất thì phải gồng gánh hết những phiền muộn, không thể để con gái can dự vào. Nhưng nước chảy đá mòn, nàng kiên trì mỗi ngày, rốt cuộc đổi được vài lần bàn luận cùng cha.

- Dạo gần đây có một hội nhóm đang hoạt động rất sôi nổi, địa bàn mở rộng đến cả khu mỏ Quảng Yên. Toàn quyền bởi vậy mới mở cuộc truy nã diện rộng. - Ông Miên cau mày, uống một ngụm trà nóng - Bất cứ hội nhóm nào hoạt động cũng cần nguồn lực tài chính hậu thuẫn phía sau. Thầy nghĩ, sắp tới Sở Liêm phóng sẽ nhắm tới cả những thương hội Hoa kiều. Nếu trừ diệt được bộ phận tư sản yêu nước, chúng có thể phần nào chặt đứt vây cánh cách mạng.

Tĩnh Nguyệt nghe vậy thì không khỏi lo lắng:

- Ý thầy là, hiện tại, các thương gia là những người đứng nơi đầu sóng?

- Cây to đón gió lớn, giàu có giữa thời biến loạn chưa chắc đã là điều tốt. - Ông Miên tháo kính lão, chợt hỏi - Hôm trước con hỏi thầy, Trung thu muốn ghé qua Hải Phòng, có phải đi cùng cái Thiều Hoa không?

- Vâng, hôm đó là sinh nhật cha cô ấy.

- Ừ, đi đi. - Thấy nàng ngạc nhiên, ông Miên cười, bảo - Sao? Tưởng thầy không cho con đi à?

- Thầy vừa mới đề cập đến chuyện Sở Liêm phóng nhắm đến các thương hội - Tĩnh Nguyệt điềm nhiên nói - con còn tưởng thầy đang cảnh báo con không nên thân cận với Thiều Hoa.

- Mấy năm nay Đỗ Thiều Quang thu mua nhiều xưởng đóng tàu mà người Tây dương thua lỗ, ít nhiều có sức ảnh hưởng. Toàn quyền còn cần tàu của ông ta để chở hàng về xứ họ, tạm thời sẽ không động đến địa bàn của ông ta. - Ông Miên phân tích rõ ràng cho nàng hiểu - Thầy nói là tạm thời, bởi trước sau gì ông ta cũng sẽ bị nhắm đến. Toàn quyền sẽ không để một người An Nam nắm giữ quá nhiều tài sản mà không bị kiểm soát. Nếu con gái ông ta có tham gia phong trào đấu tranh ngầm, ít nhiều Đỗ Thiều Quang cũng dính dáng tới. Ông ta là cái gai mà Toàn quyền chắc chắn sẽ nhổ bỏ.

- Liệu ông ấy có biết điều đó không ạ?

- Con có thể nhân chuyến đi này để tìm hiểu rõ. - Ông Miên nhìn thẳng mắt nàng, thở dài - Thầy luôn nghĩ con giống me con, nhưng giờ thầy lại thấy, tính con chắc là bị ảnh hưởng bởi thầy.

- Từ nhỏ tới giờ con lớn lên cạnh thầy mà. - Tĩnh Nguyệt mỉm cười, bình thản đáp lời ông - Con nghĩ tính con giống thầy là điều tốt. Thầy chưa bao giờ ước giá như con là con trai như me.

Nàng thoáng thấy nét cười của cha nhạt nhòa hẳn. Ông tắt bớt một cây đèn, cất giọng thâm trầm:

- Đừng trách me con.

- Thầy rất thương me. - Tĩnh Nguyệt thành thực với ông - Thật ra con cũng từng ước mình là con trai. Như vậy, me cũng sẽ không khổ sở đến mức sinh bệnh và thầy cũng sẽ chẳng tự dằn vặt mình như thế. Nhưng rồi sau này con nhận ra, đó chỉ là thứ mơ tưởng viển vông và cũng rất đỗi nực cười. Con chẳng hề mang tội khi sinh ra là con gái, đúng không thầy?

- Ừ, con không có lỗi. - Bàn tay cứng cỏi của ông Miên khẽ siết chặt, ông trút một hơi thở dài, lặp lại - Con chưa bao giờ có lỗi khi làm con gái của thầy me.

Tĩnh Nguyệt chỉ cần một lời như vậy để siêu độ cho đứa trẻ cô quạnh thuở nào, cũng để bao dung cho ánh mắt của mẹ nàng năm xưa. Ánh mắt mịt mờ trong guồng quay sợi của phận đàn bà. Ánh mắt sáng tỏ khi rời bỏ nàng và cha.

Thời khắc ấy, nàng cảm thấy mình đã thấu triệt ánh mắt của mẹ nàng năm nào. Cả đời bà sống vì bốn chữ "tam tòng tứ đức", rốt cuộc bà dứt bỏ hết công, dung, ngôn, hạnh, dứt bỏ cả chồng và con. Người đàn bà ấy chẳng còn lại gì.

Tuồng như đó là lối thoát duy nhất cho bà khỏi tấn bi kịch mà chính bà cũng chẳng thể định danh.

Hệt như tất cả những người đàn bà khác trong các thiên chuyện từ muôn thuở ngàn xưa.



¹ Hai câu thơ đầu bài "Tiền đường ngoạn nguyệt (Trước hiên ngắm trăng)" của Vũ Tông Phan. Dịch nghĩa là: "Hiên trống, ghế vắng, trăng chiếu nghiêng/Sắc trời, ảnh hồ, một vệt tối sẫm."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro