Bảy - Rung động là chuyến tàu viễn dương.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xe lửa rồ lên vài hồi còi, bánh xe lạo xạo ma sát với đường ray. Tàu vừa mới rời ga Hàng Cỏ, Thiều Hoa bên cạnh nàng đã ngủ mất. Tĩnh Nguyệt liếc quầng thâm mờ dưới vành mắt cô, nén lại những nghi vấn vào trong lòng. Thanh nữ chống tay lên cửa sổ, ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài chảy trôi cùng với mùi hoa sữa của mùa thu Hà thành.

Thiều Hoa đã dùng tới phấn son mà còn chẳng giấu nổi quầng thâm, đoán rằng cô đã mất ngủ một thời gian. Mấy tuần không tiện liên lạc với người kia, nàng cũng chẳng rõ cuộc sống của cô lại có gì biến động. Phía sau vẻ ngoài sắc sảo, kiêu kỳ ấy, Tĩnh Nguyệt biết cả một góc thâm trầm của cô.

Dẫu vậy, nàng nghĩ mình vẫn chưa biết đủ - về gia đình cô, về những thói quen, sở thích, những tâm tư, tình cảm sâu kín của cô.

Và còn cả ánh mắt như mang theo ánh sáng, nụ cười chứa chan những dịu dàng.

Càng biết nhiều, nàng lại càng cảm thấy như mình chẳng biết gì.

Thiều Hoa ngủ không yên giấc, chốc chốc lại hơi nhăn mày. Tĩnh Nguyệt vừa mới quay lại định kê cho cô chiếc gối, chợt thấy mái đầu xoăn ngả về phía mình. Dựa lên vai cô, như thể đã tìm thấy điểm tựa ổn định, nhịp thở Thiều Hoa chìm xuống, yên ổn hơn hẳn.

Khách trên xe lửa hoặc ngồi đọc sách báo, hoặc to nhỏ trò chuyện. Toa tàu không quá tĩnh lặng, ấy thế mà Tĩnh Nguyệt chỉ nghe rõ hơi thở đều đặn của người bên cạnh. Hơi nóng râm ran chạy từ bờ vai xuống trái tim nàng, hệt như nàng đang đứng giữa làn nắng tháng tám. Chẳng hề oi ả, chói chang; cảm xúc ấy trìu trĩu, ngòn ngọt như trái mọng trĩu cành. Bất giác, Tĩnh Nguyệt chợt nhớ đến một điệu hát ả đào nàng từng nghe lúc nhỏ, điệu hát lả lơi mà phong tình như lời thơ của nữ sĩ Xuân Hương.

Đình tiền ảnh chiếu hoa di nguyệt,
Viện lý hương phiêu nguyệt bạng hoa.¹

Cái thú vui phong lưu, nhã nhặn của những Nho sĩ phong kiến giờ đã bị biến chất trở thành những cuộc chơi sa đọa, Tĩnh Nguyệt bỗng thấy tiếc thay. Điệu nhạc kia như có như không quanh quẩn bên tai, thanh nữ ngồi yên một lúc cũng chìm vào giấc ngủ.



Tĩnh Nguyệt thức dậy trong những thanh âm huyên náo. Xe lửa dừng trước ga, người ta tất bật lấy đồ đạc, bon chen đi xuống. Nàng dụi mắt, bẽn lẽn nhận ra mình đang tựa vào vai Thiều Hoa. Ngồi lại nghiêm chỉnh, Tĩnh Nguyệt vờ như không để ý tới ánh mắt đầy ý trêu đùa của người bên cạnh.

- Tóc cô có mùi hoa ngọc lan. - Thiều Hoa tủm tỉm cười - Sao cô bảo nhà mình dùng nó làm hoa cúng kia mà.

Tĩnh Nguyệt tảng lờ kiểu hỏi như không hỏi của người kia.

- Đến ga nào rồi? - Nàng ngó ra bên ngoài.

- Tiểu thư đây lại không thành thật rồi.

Cô ả này thật là, cứ thích dồn nàng vào đường cùng, ngõ cụt.

- Trên người cô cũng có mùi hoa hồng đó. - Tĩnh Nguyệt độp lại - Mà còn là mùi tinh dầu chứ không phải hương hoa tự nhiên đâu.

- Khứu giác cô nhạy bén thật. - Thiều Hoa không tiếp tục bắt bẻ nàng. Cô cười, lấy chiếc khăn voan trong va-li buộc lên mái tóc. Trong lúc đó, Tĩnh Nguyệt cũng vấn lại kiểu tóc bị lệch trong lúc ngủ.

Xe lửa đi thêm một quãng nửa thì đến đất Hải Phòng. Trông cung đường phượng vĩ giăng lối, Tĩnh Nguyệt bất giác cảm thấy đôi phần lạ lẫm. Hà thành cũng có hoa phượng, nhưng chẳng bao giờ đỏ ngợp cả một góc trời như nơi đây.

Hai nàng vừa xuống xe đã thấy có một người đàn ông đứng tuổi đợi sẵn ở ga. Thiều Hoa xách va-li, hớn hở gọi lớn:

- Chú Bách!

Người đàn ông kia bước tới, đón lấy va-li trên tay cô.

- Mấy tháng không gặp, cô chủ hình như lại cao lên rồi.

- Chú cứ trêu cháu! - Thiều Hoa phì cười - Cháu sắp mười chín rồi, không cao hơn được nữa đâu!

Chú Bách mỉm cười, đoạn nhìn sang Tĩnh Nguyệt bên cạnh cô, hơi ngạc nhiên.

- Hiếm lắm mới thấy cô chủ dẫn bạn về chơi.

- Kìa chú!

- Chào chú ạ. - Tĩnh Nguyệt lễ độ chào hỏi người đàn ông rồi ghé lại gần Thiều Hoa, cố ý hỏi dò. - Cô chủ?

- Chú ấy là quản đốc của cha tôi. Hồi bé cha tôi bận bịu nhiều, chú ấy nuôi tôi lớn. - Thiều Hoa giải thích.

- Ồ, tôi hiểu rồi, cô chủ. - Tĩnh Nguyệt tủm tỉm.

- Này... - Thiều Hoa thở dài - Giờ cô chẳng còn chút lễ nghĩa nào với tôi đó phỏng?

- Đã mất sạch từ lần đầu gặp cô rồi.

- Phải đó, tiểu thư mít ướt.

- Cô cũng từng khóc trên vai tôi đấy cô chủ.

- Cô có máu hơn thua lắm đấy nhỉ? Cái gì cũng phải so kè với tôi. - Thiều Hoa bĩu môi - Sĩ diện nó vừa.

- Chẳng biết ai sĩ diện hơn ai. - Tĩnh Nguyệt đáp xong cũng thấy mình hơi cố chấp.

Nhưng tôi qua cô lại, mỗi người một câu thế này, đối với đôi bên dường như đã trở thành thói quen. Thiều Hoa nói vậy chứ sẽ chẳng bao giờ thực sự so đo. Điểm ấy cô thực sự rộng lượng với nàng lắm.

Chú Bách không xen vào bầu không khí rôm rả của hai thanh nữ, yên lặng đánh xe. Lúc lên xe ngựa rồi, cuộc đấu khẩu giữa Tĩnh Nguyệt với Thiều Hoa vẫn chưa ngã ngũ. Mãi đến khi ngửi thấy mùi mằn mặn trong những cơn gió biển ùa vào khoang, Tĩnh Nguyệt mới ngừng nói, tầm mắt phóng ra ngoài tìm kiếm nơi sóng vỗ.

Thiều Hoa trông theo hướng nàng, cười bảo:

- Tiểu thư chắc chắn chưa đi biển bao giờ, hôm nay cho cô mở mang tầm mắt.

- Chúng ta sẽ lên thẳng tàu? - Tĩnh Nguyệt ngạc nhiên hỏi. Nàng còn nghĩ, trước tiên sẽ ghé qua nhà Thiều Hoa đó kìa.

- Ừ, thẳng đến cảng, chỗ có đoàn tàu của cha tôi. Ông ấy có căn nhà gần đây, chú Bách sẽ mang hành lý về đó trước. Tôi dẫn cô đi thăm thú.

Thiều Hoa nhanh chóng lên kế hoạch xong xuôi lịch trình mấy ngày, Tĩnh Nguyệt chỉ việc theo cô. Xe ngựa xuống bến cảng, nàng vừa bước xuống thì chợt nhớ ra.

- Quên mất, còn quà cha tôi gửi biếu bác.

- Để cả trên xe đi, chốc nữa về đưa sau cho đỡ lỉnh kỉnh.

Thiều Hoa nói rồi mở ô, che cho nàng. Tĩnh Nguyệt nhận ra đó là chiếc ô hồi lâu nàng đưa cho người kia tránh nắng. Thiều Hoa vẫn gìn giữ nó cẩn thận như cách nàng gói ghém đôi giày cô tặng.

Hai nàng sóng bước bên nhau, hòa vào khu cảng tấp nập. Tiếng còi tàu vang lên, Tĩnh Nguyệt hiếu kỳ quan sát những người thủy thủ chụm lại một chỗ, kéo một chiếc mỏ neo bằng sắt, trán ai nấy đều mướt mát mồ hôi.

- Họ nên quấn sợi xích quanh chiếc bệ đỡ, tạo điểm tựa, như vậy sẽ kéo mỏ neo nhẹ nhàng hơn. - Tĩnh Nguyệt bình xong liền bổ sung - Nguyên lý ròng rọc là thay đổi hướng lực tác...

- Tiểu thư của tôi ơi! Tôi không cần bài học nào ở đây đâu! - Thiều Hoa bất đắc dĩ nhìn nàng - Cô đó, chắc sẽ nói chuyện hợp với mấy anh trong xưởng kỹ thuật đóng tàu của cha tôi lắm.

- Bác nhà có cả xưởng kỹ thuật cơ á?

- Tất nhiên. Thế là cô chưa nghe rồi, vài năm trước ông ấy hạ thủy một con tàu, toàn bộ là do thợ kỹ thuật An Nam trong xưởng thiết kế dựa trên những di sản của thầy Sưởng, thầy Trứ² để lại.

- Ồ chuyện đó thì tôi đã nghe phong thanh, thuở ấy tạp chí Hà thành đưa tin nhiều lắm. - Tĩnh Nguyệt trông hào hứng hẳn - Tàu ấy là loại chạy nồi súp-de đúng không? Dùng cánh quạt hay có g...

- Tiểu thư. - Thiều Hoa nhắc nhở.

Tĩnh Nguyệt mỉm cười, không nói thêm nữa. Tạm rời khỏi tình cảnh căng thẳng ở nhà, nàng đã lỡ thoải mái quá mức khi ở cùng Thiều Hoa rồi.

Nắng gió ở đất Cảng như còn nhuộm thêm vị mặn và nồng ẩm của biển. Tiếng guốc mộc và giày cao gót của hai nàng lẫn cùng những tạp âm bốn bề. Tĩnh Nguyệt nhìn bàn tay cầm cán ô nghiêng nghiêng, lòng nở rộ những xốn xang.

Thiều Hoa dẫn nàng tới bãi neo đậu, chỉ cho nàng con tàu Bình Chuẩn³ trên vùng biển mênh mang. Trời nay gió lớn, sóng nối tiếp sóng vỗ mạn thuyền. Nhìn con tàu sừng sững như một sinh vật khổng lồ trên biển cả, Tĩnh Nguyệt đột nhiên cảm thấy, thứ mơ tưởng nàng chỉ có thể trông thấy qua sách báo, văn thư bỗng chốc không còn quá xa vời. Nàng sâu sắc thấu hiểu cảm giác của Đặng Huy Trứ khi cảm thán về con tàu hơi nước của Hoàng Sưởng, rằng: "Nồi hơi, ống khí, khéo làm sao. Chớp mắt mây bay, núi chạy nhào.⁴" Những mông muội, rụt rè khi mới đặt chân lên mảnh đất này thoáng chốc bay biến, nàng lặng nhìn con tàu; mê mải, say sưa, chẳng nhận ra có người tới gần.

Mãi đến khi Thiều Hoa gọi hai tiếng, "thưa cha", Tĩnh Nguyệt mới giật mình, bối rối chắp tay:

- Cháu chào bác.

Ông Quang trông có vẻ lớn tuổi hơn cha nàng, khoảng ngũ tuần, vóc người đầy đặn. Ngoại hình Thiều Hoa không thừa hưởng nhiều từ ông, duy có đôi mắt là giống cha y đúc. Chỉ một cái liếc mắt, Tĩnh Nguyệt cảm thấy vị thương gia nức tiếng kia đã nhìn thấu nàng. Ánh nhìn sắc sảo ấy gợi nàng nhớ về cha mình, dù khí chất hai ông khác nhau một trời một vực.

- Tĩnh Nguyệt nhỉ? Trước khi về, cái Hoa đã kể bác qua thư.

Ông cất giọng ôn tồn, thái độ cũng hòa nhã hơn hẳn cha nàng khi mới gặp Thiều Hoa. Nhưng Tĩnh Nguyệt cảm giác được sự đánh giá lặng lẽ của ông.

- Vâng, bác cứ coi cháu như hậu bối trong nhà là được. - Tĩnh Nguyệt cười gượng.

Nàng tự thấy mình không giỏi giao thiệp với người lớn tuổi như Thiều Hoa, chắc hẳn đã để lại ấn tượng không tốt cho cha cô ấy rồi.

- Vậy cháu Nguyệt cứ tự nhiên như ở nhà nhé. - Ông Quang hóm hỉnh nói - Tính cái Hoa gớm ghê như này, không ngờ lại kết bạn được với một đứa trẻ ngoan ngoãn, thật thà.

Thiều Hoa đảo mắt, không chấp nhặt với việc cha nói xấu mình trước mặt Tĩnh Nguyệt.

- Thiều Hoa không gớm ghê đâu ạ, cô ấy tốt lắm. - Tĩnh Nguyệt nghiêm túc bao che cô - Lần đầu gặp nhau, thấy cháu đau chân, cô ấy còn đổi cho cháu một đôi giày vải đấy ạ.

- Ồ? Nó tốt vậy cơ à? - Ông Quang nhướng mày, cười nhìn Thiều Hoa - Sao với cha mẹ thì nó ương bướng thế nhỉ?

- Bố! - Thiều Hoa bất đắc dĩ thốt lên - Chú Bách còn đang chờ bố ngoài xe ngựa kìa!

Ông Quang bật cười ha hả, nói chuyện thêm vài câu rồi vẫy tay cho người xuống tàu, kê ván gỗ.

- Hai đứa cứ tham quan thoải mái nhé, bác về trước.

Vị thương gia đã đi xa mà Tĩnh Nguyệt vẫn chẳng thở phào được. Bắt gặp ánh mắt lo lắng của nàng, Thiều Hoa phì cười.

- Ông ấy xem chừng rất ưng cô.

- Sao tôi lại không thấy vậy nhỉ? - Tĩnh Nguyệt hoài nghi.

- Ông ấy tò mò thôi. Tôi hiếm khi viết thư về nhà, trong thư lại còn nhắc đến cô nên... - Thiều Hoa lẩm bẩm - đáng lẽ không cần nhắc mới đúng.

Thấy ván gỗ đã kê xong, Thiều Hoa gấp ô, cười bảo:

- Lên nào, tôi chỉ cô vài thứ hay ho.

Tĩnh Nguyệt gật đầu, vừa định theo người kia lên tàu thì chợt nghe thấy giọng nói quen quen vang lên gần đó.

- Em Hoa cũng về sinh nhật bác lần này à?

Thấy Thiều Hoa khựng lại trong thoáng chốc, Tĩnh Nguyệt nhìn sang phía có tiếng nói, khi thấy Anh Hào thì chẳng giữ được nét cười êm dịu trên môi.

Thiều Hoa nhoẻn cười, giả lả hỏi:

- Câu đó phải là em hỏi anh mới đúng. Em tưởng độ này trên tòa sứ bận rộn, sao anh còn thời gian đến thăm cha em vậy anh?

Tòa sứ? Tĩnh Nguyệt nghi hoặc quan sát gương mặt trẻ trung, tuấn tú của Anh Hào.

Người này cũng làm việc trong tòa sứ giống cha nàng ư?

- Anh đi công chuyện ở Quảng Yên, trên đường về thì nhớ sinh nhật bác nên ghé qua Hải Phòng, không nghĩ sẽ gặp em Hoa. Em đấy, ở Hà Nội suốt mà mấy lần anh hẹn không được.

- Em bận mà. - Thiều Hoa đáp qua quýt.

- Mấy cô gái như em thì bận gì? Rõ là em còn giận anh chuyện lần trước. - Anh Hào thở dài - Thiều Hoa, anh không có ý đó.

Tĩnh Nguyệt thấy Thiều Hoa rõ ràng đang mỉm cười nhưng ánh mắt lại lộ rõ vẻ cáu kỉnh. Nàng bỗng cảm thấy, có lẽ lúc trước Thiều Hoa rời đi sớm không chỉ vì trông thấy Đài Trang. Đúng hơn, cô ấy muốn tránh mặt người này.

Rốt cuộc anh ta là ai? Tại sao Thiều Hoa phải tránh mặt anh ta? Hàng loạt nghi vấn chờn vờn quanh tâm trí, Tĩnh Nguyệt nhanh chóng gạt bỏ. Khoan bàn đến những thứ đó, hiện tại Thiều Hoa không thoải mái khi trò chuyện với người này, nàng nên giải vây cho cô mới phải đạo.

Cân nhắc xong, Tĩnh Nguyệt bước lên trước, rất tự nhiên khoác tay Thiều Hoa, mềm mỏng gọi:

- Chị Hoa này, chị bảo dẫn tôi lên tàu, sao còn nán ở đây thế? - Nàng nhìn thẳng Anh Hào, tỏ ra ngạc nhiên - Chào anh, lần trước chúng ta từng gặp nhau rồi nhỉ?

Vừa rồi Tĩnh Nguyệt đứng phía sau, Anh Hào không thấy hết gương mặt nàng. Giờ nhận ra người quen, anh ta ngẩn người.

- Có phải là cô Nguyệt...?

- Vâng, tôi gặp anh cái hôm anh đi với chị Đài Trang đấy ạ.

Tĩnh Nguyệt cố ý nhắc đến Đài Trang, lẳng lặng quan sát vẻ sượng sùng lồ lộ trên gương mặt thanh niên kia.

- À, cô đừng hiểu lầm. - Anh Hào nhanh chóng giải thích - Tôi với cô Đài Trang chỉ là bạn thôi.

Có vẻ anh ta cũng biết chuyện Đài Trang không ưa Thiều Hoa, thế mà vẫn muốn qua lại với cả hai người.

- Tôi đâu có hiểu lầm. - Tĩnh Nguyệt mỉm cười nhẹ tênh.

Phản ứng "giấu đầu hở đuôi" của Anh Hào khiến nàng hơi ngán ngẩm, tuy nhiên chưa biết ý Thiều Hoa như nào, nàng cũng chẳng định làm anh ta bẽ mặt thêm.

Khẽ kéo tay Thiều Hoa, nàng hạ giọng, nhẹ nhàng ướm hỏi:

- Hay là tôi lên tàu trước nhé? Đứng lâu, tôi thấy hơi đau chân với chóng mặt quá.

- Để tôi đưa chị lên. - Thiều Hoa dễ dàng phối hợp với nàng, bình thản nói với Anh Hào - Em không giận, lúc đó em đã thẳng thắn với anh rồi. Em nghĩ chuyện cũ không cần bàn tiếp nữa, giữa chúng ta cũng chẳng có gì đáng bàn.

Chưa đợi Anh Hào nói thêm, cô thẳng thừng kết thúc đề tài:

- Bạn em không khỏe, em đưa cô ấy lên tàu nghỉ ngơi. Anh thông cảm.

Nói rồi cô đỡ vai người bên cạnh, cẩn thận dìu nàng bước lên ván gỗ. Tĩnh Nguyệt cảm thấy động tác đầy săn sóc của Thiều Hoa không hẳn chỉ là đang diễn kịch. Nàng biết rõ ngoài miệng cô toàn nói lời khó nghe nhưng lòng thì mềm như cọng bún, trong thâm tâm lúc nào cũng lo lắng cho người khác.

Một người như vậy, thực ra lại rất dễ bị chính gai góc trên người đâm đến mức đầm đìa máu chảy.

Nghĩ đến đây, Tĩnh Nguyệt nghiêng đầu, hơi ngoảnh về phía sau. Qua kẽ mắt, nàng tình cờ bắt gặp gương mặt u ám của Anh Hào.

Lòng nàng chùng xuống, lạnh lẽo như triều rút về khơi xa.



¹ Trích điệu ca trù "Nợ nguyệt hoa", tác giả khuyết danh. Dịch nghĩa là: "Trước sân, bóng soi hoa động trăng; Trong viện, hương đưa trăng dựa hoa."

² Ý nói Đặng Huy Trứ, một vị quan, nhà cải cách thời Nguyễn.

³ Đặt theo tên tàu của Bạch Thái Bưởi.

⁴ Bản dịch của Bồ Giang.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro