Tám - Rung động là gương mặt yêu kiều.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tĩnh Nguyệt vẫn nhớ hơi ấm nao lòng khi lần đầu chạm tay với Thiều Hoa. Bàn tay cô không mảnh khảnh, cứng nhắc như tay nàng. Đôi tay ấy đầy đặn hơn, mềm mại hơn và rất đỗi ấm áp. Khi ấy nàng đang trong cơn bực tức, hơi ấm xa lạ kia tràn đến cả khóe mắt, hóa thành giọt lệ nghẹn ngào.

Có lẽ ấn tượng về lần gặp đầu tiên quá sâu đậm, Tĩnh Nguyệt lại bất giác nảy sinh hoài cảm mỗi khi hai người chạm tay. Giống như cái lần nàng kéo cổ tay cô đến nấp sau tán hoàng lan. Giống như khi cô kéo tay nàng ở khu chợ. Cũng lại giống như khi đôi bên dịu dàng đan tay trong khuê phòng. Những cái chạm tay từ bỡ ngỡ cho đến thân quen, từ xa cách, ngại ngần cho đến lúc gần kề, dạn dĩ; mỗi lần đều đọng trong lòng nàng những rung động âm ỉ. Tĩnh Nguyệt đăm đăm nhìn vầng dương nhuộm ánh cam đỏ lên mái tóc xoăn của Thiều Hoa. Ngược sáng, xung quanh bóng lưng thanh nữ tỏa rực thứ màu sắc lúc tàn ngày, rộ lên như đóa hoa của hoàng hôn.

Dẫn Tĩnh Nguyệt lên boong tàu, Thiều Hoa ngoảnh lại, thấy Anh Hào rốt cuộc cũng bỏ đi thì thả lỏng hơn. Tĩnh Nguyệt cảm nhận được sự nhẹ nhõm của cô qua bàn tay. Ngoảnh nhìn nơi sóng vỗ, nàng nói vu vơ:

- Triều dâng rồi.

- Ủa đâu, giờ là lúc triều rút...

Nói đến giữa chừng, Thiều Hoa chợt phát hiện chẳng lý gì Tĩnh Nguyệt không nhận thấy được quy luật vận động của thủy triều. Cô quấn lọn tóc, ái ngại nói:

- Vừa rồi... xin lỗi, làm phiền đến cả cô. Tôi không ngờ anh ta dai dẳng hơn tôi tưởng.

- Tôi không tò mò đâu. - Tĩnh Nguyệt đáp bâng quơ.

- Tiểu thư à... - Thiều Hoa bất đắc dĩ nhìn nàng - Cô không cần phải vòng vo thế.

Tĩnh Nguyệt tính chối đến cùng, thế mà chẳng hiểu sao nàng lại bột phát hỏi:

- ... Anh ta là người cũ của cô?

Nàng hiểu rất rõ, nghi vấn kia đã vượt xa khỏi phạm trù lễ nghĩa nàng nên giữ. Nhưng hẳn đã lắng nghe tiếng sóng quá lâu, cõi lòng nàng bỗng chốc lao đao và dập dềnh như biển cả. Dường như đã có thứ gì vượt qua một ranh giới riêng tư nào đó giữa hai người; thứ ranh giới mỏng manh như vạch kẻ chân trời.

Thiều Hoa không lập tức đáp lời mà tiếp tục kéo tay nàng sang phía mạn tàu bên phải. Thấy cô im lặng, Tĩnh Nguyệt hơi bồn chồn.

- Có phải tôi không nên hỏi...

Người kia quay lại, đặt ngón trỏ lên môi nàng. Dù gương mặt cô trông bình thản, Tĩnh Nguyệt vẫn cảm thấy có điều gì là lạ ở Thiều Hoa.

Thân tàu rất lớn, hai nàng đã đi qua gần chục căn phòng. Giày cao gót dừng lại trước một cánh cửa bình thường như những căn phòng khác, Thiều Hoa nghe sóng vỗ rầm rì, hít một hơi, lấy chìa khóa ra từ túi áo.

- Đi cả giày. - Cô nhắc rồi mở cửa.

Vạt nắng đỏ rực len lỏi theo cánh cửa he hé, hắt vào căn phòng tối. Trong bóng tối im lìm, Tĩnh Nguyệt trông thấy những tiêu bản¹ kim loại loang loáng. Vệt nắng hắt lên một tiêu bản giấy bạch đản², gương mặt tươi cười của Thiều Hoa ngập trong sắc hoàng hôn. Đến khi trông thấy một chiếc máy ảnh đứng phủ vải nhiễu náu mình trong góc, nàng mới ngờ ngợ nơi này là một phòng chụp ảnh.

Tuy nhiên, khi Thiều Hoa khơi lên ngọn đèn Hoa Kỳ, mọi thứ thậm chí còn vượt quá tưởng tượng của nàng. Căn phòng la liệt những bức hình chụp Thiều Hoa, cả những tấm kính tráng, tiêu bản kim loại đến những loại in trên giấy bạch đản, giấy tráng bạc³. Nghề nhiếp ảnh rất đắt đỏ, Tĩnh Nguyệt không hình dung nổi phải tốn bao nhiêu chi phí mới có được một tấm ảnh rõ nét, chưa kể đến việc rửa được cả trăm, ngàn tấm như thế này.

- Đống ảnh này - Thiều Hoa đột nhiên cất tiếng - là do Anh Hào chụp.

Dưới ánh nhìn kinh ngạc của Tĩnh Nguyệt, cô nhấc một tiêu bản lên trước ánh đèn, nhếch miệng:

- Ban đầu là vậy. Sau này anh ta có thuê người khác chụp không thì tôi chẳng rõ.

Ánh đèn chiếu rọi sự căm ghét đầy tràn đôi mắt cô. Nhất thời, Tĩnh Nguyệt chưa hiểu được đầu đuôi câu chuyện. Nàng nhìn hàng loạt những tấm ảnh chụp Thiều Hoa, đâu đó trong lòng bỗng nảy sinh cảm giác quái gở khó tả thành lời.

Thiều Hoa thản nhiên thả tiêu bản kia rơi xuống sàn. Tiếng kim loại leng keng vang lên giữa yên ắng, Tĩnh Nguyệt khẽ giật mình. Sau đó, nàng thấy Thiều Hoa giẫm gót giày lên mặt kim loại bóng nhoáng, gần như đang đay nghiến một cái gai không thể nhổ bỏ.

- Tôi quen anh ta ở một tiệm ảnh, giờ nhiếp ảnh gia đã rời An Nam nên chỗ đó dẹp tiệm. - Thiều Hoa bắt đầu câu chuyện - Tình cờ, anh ta chụp lúc tôi đang trò chuyện với chủ tiệm. Bọn tôi khách sáo qua lại vài câu rồi anh ta đề nghị tôi làm mẫu ảnh. Lúc đó tôi cũng hứng thú với thứ máy móc đó nên đồng ý. Từ độ ấy, chúng tôi thân thiết hơn.

Cô nhấc chân khỏi tiêu bản đã lõm xuống, bước về phía Tĩnh Nguyệt. Đèn Hoa Kỳ rọi lên chiếc bóng chập chờn, phác họa ảo giác rằng dáng hình cô hơi liêu xiêu. Cô bước thẳng đến chỗ trường kỷ, ra hiệu cho Tĩnh Nguyệt ngồi xuống cùng mình. Chống tay lên thành ghế, Thiều Hoa đăm đăm nhìn ánh đèn mờ phản chiếu lên những tiêu bản.

- Một thời gian sau, anh ta ngỏ lời với tôi. Khi ấy, tôi bận bịu mở tiệm sách Tân Thanh nên còn lưỡng lự. Anh ta cho rằng tôi làm dáng, thế nên càng quyết tâm theo đuổi tới cùng.

Tĩnh Nguyệt nhíu mày, xẵng giọng:

- Hắn khiến cô khó chịu từ đó?

- Không đến nỗi, lúc ấy tôi vẫn chưa đến mức ác cảm với anh ta như sau này. Phải đến cái hôm anh ta ngỏ ý mời tôi đến một bữa tiệc... - Thiều Hoa đỡ trán - đáng lẽ tôi nên nhận ra từ sớm, rằng anh ta là loại người khác mình.

Ngừng lại trong phút chốc, cô khẽ nở nụ cười nhạt nhòa:

- Chắc cô cũng hiểu, có những người An Nam thực sự tin rằng tất cả mọi thứ Toàn quyền mang tới đều là để khai sáng. Họ tin vào biểu tượng Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân⁴ của "mẫu quốc" và tin rằng nếu ở dưới sự chở che của Toàn quyền, họ sẽ có được tự do - bình đẳng - bác ái.

Cõi lòng Tĩnh Nguyệt hơi chùng xuống trước những lời dụng ý của Thiều Hoa. Học ở Albert Sarraut, nàng biết xung quanh mình có rất nhiều người như Anh Hào, những người từ khi sinh ra đã được hưởng "đặc quyền" nên mặc nhiên rằng tất cả những người khác đều giống như họ.

Nếu không sớm biết về công việc bí mật của cha mình, cũng như không quen biết Văn Khương, có thể nàng cũng sẽ trở thành một người như thế - sống trong nhung lụa, hưởng mọi đặc ân và trở nên vô cảm với những cá thể gọi là "đồng bào".

Thiều Hoa nghiêng đầu, lặng ngắm dáng vẻ nghiêm chỉnh suy tư của Tĩnh Nguyệt. Mỗi khi chắp tay, ngồi bất động trên ghế, nàng lại trông hệt như tố nữ trong bức tranh, trở thành một sự tồn tại bất khả xâm phạm. Dù chỉ cách nhau một sải tay, cô bỗng thấy mình và nàng sao mà xa vời.

- Bữa tiệc đó... khiến tôi nhận thức sâu sắc được khác biệt giữa "mình" và "họ". Khác biệt ấy lớn đến mức, dù đôi khi hai bên vẫn có tiếng nói chung, song nó chỉ như muối bỏ bể giữa những mâu thuẫn không thể xóa nhòa.

Bắt gặp ánh mắt cô, Tĩnh Nguyệt nhìn sang. Giữa căn phòng mịt mùng, đôi mắt nàng vẫn sáng trong như tấm kính tráng bạc. Nàng nghiền ngẫm lời cô, nhẹ nhàng nói:

- Và cô nghĩ, mâu thuẫn ấy chỉ có thể giải quyết bằng việc đổ máu?

Thiều Hoa rời mắt, ngẩng đầu, thở dài:

- Có thể đàm phán được thì đã chẳng cần nổ súng. Sau hôm ấy, tôi mới hạ quyết tâm xin gia nhập hội nhóm của Văn Khương, đồng thời cũng manh nha kế hoạch biến tiệm sách Tân Thanh thành Đoạn Trường. Tôi đã nhiều lần từ chối tên đó, tôi nghĩ mình đã rất quyết liệt... nhưng anh ta... nhưng hắn...

Nói đến lưng chừng, giọng cô hơi lạc đi trong cơn xung động. Tĩnh Nguyệt mím môi, nhích tới gần kề, khẽ kéo tay áo người bên cạnh. Thiều Hoa không tiếp tục chống tay, tựa đầu lên thành ghế nữa. Cô ngồi thẳng dậy, đối diện với nàng.

- Hắn cho rằng tôi đang giận dỗi và bắt đầu đeo bám... không, hắn nghĩ đó là một cuộc chinh phục đầy lãng mạn. Hắn gọi tôi là bông hồng của hắn, sau đó, mọi người trong trường hùa theo gọi tôi như vậy. Khi đó tôi chỉ thấy cách gọi đó thật gớm ghiếc, còn bẽ bàng hơn cả cái biệt danh "Kiều Hoa" mà bạn học gán cho tôi.

Trông thấy nỗi xót xa trên gương mặt Tĩnh Nguyệt, Thiều Hoa bất giác muốn bật cười. Hơn cả sự nhẹ nhõm khi tìm thấy một người thấu hiểu mình, cô vui sướng khi nàng xót thương cô, khi đáy mắt nàng in đậm nỗi buồn của cô. Ngả đầu xuống vai nàng, Thiều Hoa mượn căn phòng tranh sáng tranh tối, mượn tiếng sóng rầm rì khơi xa để phơi bày nỗi sợ nơi sâu thẳm đáy lòng.

- Những bức ảnh này đều là "tác phẩm" của hắn. Mỗi tuần, đều đặn một tấm, hắn lại gửi cho tôi... tôi không biết hắn kiếm đâu ra ngần ấy tiền để phục vụ cái sở thích quái đản đó... - Thiều Hoa bật cười, vẫn với quãng giọng run rẩy, vụn vỡ ấy - xin lỗi, thói quen tính toán ấy mà... ban đầu tôi còn dùng đủ mọi cách tống khứ đám tiêu bản kia. Nhưng miễn chừng nào hắn không dừng lại, chúng sẽ chẳng thể vĩnh viễn biến mất. Tôi cũng không thể thoát khỏi hắn.

Rồi đến một ngày nào đó, tôi sẽ trở thành những tiêu bản kia, trở thành tài sản của riêng hắn.

Thiều Hoa hiểu một điều rõ ràng, hiện giờ Anh Hào không thể ngang nhiên bắt ép cô lấy mình vì còn e ngại cha cô. Hắn chỉ đành mượn cớ thăm hỏi, đánh tiếng, dùng đủ mọi phương thức chứng minh sự tồn tại của mình trong mắt cô, trong tâm trí cô. Chẳng ai biết hắn điên cuồng với "nàng thơ" của hắn đến mức nào. Hắn nhớ mọi bộ váy cô mặc, mọi đôi giày cô đeo. Giữa đám đông, chỉ một cái liếc mắt, hắn cũng có thể lập tức nhận ra sự hiện diện của cô.

Như ngắt một nhành hoa, giăng lưới đánh cá; hoa lìa cành hoa tàn, cá rời nước cá thác. Ngày mà cha mẹ không còn đủ sức che chở cho cô, ngày mà cuộc chinh phạt của Anh Hào ngã ngũ, cuộc đời cô sẽ hoàn toàn thuộc về hắn. Nghĩ về viễn cảnh đó, Thiều Hoa chỉ thấy lòng sục sôi phẫn uất.

- Tại sao họ lại cho rằng thứ đó là lãng mạn? Tại sao họ lại ghen tỵ với tôi vì tôi bị kẻ khác đeo bám không dứt? - Cô vùi mặt vào hõm vai mảnh khảnh, rấm rứt gọi tên nàng - Tĩnh Nguyệt, cô có bao giờ cảm thấy, đường nào cũng là đường cùng không?

Thiều Hoa kể với nàng nhiều, từ việc Anh Hào vốn con nhà thế gia, sau này lại được Đô đốc nhận làm con nuôi. Hắn xuất thân cao quý, lại làm trong tòa sứ, quen biết nhiều chức sắc, chỉ cần hắn muốn, sớm hay muộn, thứ gì hắn cũng sẽ lấy được về tay.

Tĩnh Nguyệt chạm tay lên bả vai run run của Thiều Hoa, gói ghém những bức bối ôm đồm của cô vào lòng. Nàng chẳng thể thốt lên những lời an ủi sáo rỗng. Nàng còn chẳng tìm ra được một giải pháp tươi sáng trong tình huống tréo ngoe này, chỉ đành yên lặng ôm lấy cô.

Ánh đèn chập chờn hắt lên trường kỷ, ám lên bức tường hai chiếc bóng mờ nhòe. Tĩnh Nguyệt nghe tiếng khóc người bên cạnh lắng dần bên tai, lặng nhìn về phía chiếc máy ảnh đứng trong góc phòng.

- Tôi có thể mở cửa sổ không? - Nàng đột nhiên hỏi.

- Được... - Thấy nàng đứng lên, khom lưng gom nhặt những tấm tiêu bản, Thiều Hoa ngạc nhiên hỏi - cô định làm gì thế?

- Nếu cô không thể dứt khỏi chúng, vậy hãy thử cách khác.

- Cách gì cơ...?

- Ném đi, cô đã từng làm thế mà. Đừng ngừng lại.

Tĩnh Nguyệt nói rồi mở cửa sổ, hất những tấm tiêu bản xuống sóng biển dập dềnh. Gió ùa qua ô cửa, thổi tung mái tóc đen dài. Những tấm kim loại trôi nổi một lúc rồi chìm xuống, biến mất trong dải sáng đỏ rực lấp lóa trên mặt biển. Thiều Hoa ngẩn ngơ nhìn gương mặt Tĩnh Nguyệt trong ánh chạng vạng, chợt nghe cô cất giọng trang nghiêm:

- Thiều Hoa, cô có muốn chụp một tấm ảnh với tôi không?

Ngạc nhiên trong thoáng chốc, Thiều Hoa mỉm cười:

- Tiểu thư muốn lấy độc trị độc à?

- Cô muốn không? - Tĩnh Nguyệt cứng nhắc hỏi lại.

Thiều Hoa đứng dậy, bước về phía nàng. Gió biển ập vào khoang buồng, hong khô vệt nước mắt trên gò má cô. Thanh nữ vươn tay đóng cửa rồi vuốt lại lọn tóc vương trên trán Tĩnh Nguyệt.

- Muốn.

Tĩnh Nguyệt rộ cười, đôi mắt cong cong như vành trăng non. Nàng tiến về phía góc phòng, cẩn thận lật tấm vải nhiễu lên khỏi chiếc máy ảnh cơ. Thiều Hoa châm thêm vài ngọn đèn, điều chỉnh nguồn sáng trong phòng. Xong xuôi, cô ngoảnh lại, thấy Tĩnh Nguyệt đang kiểm tra máy ảnh bèn cười trêu:

- Tiểu thư trông vậy mà lại rành rẽ máy móc của người Tây nha.

- Làm như cô chưa từng vào phòng tôi. - Tĩnh Nguyệt độp lại, tay vẫn điều chỉnh ống kính.

Ngừng một chút, nàng ngẫm nghĩ rồi hạ giọng:

- Tôi thực sự yêu thích máy móc kỹ thuật của Tây dương.

Thiều Hoa khoanh tay, mỉm cười không đáp. Nếu chỉ gặp gỡ Tĩnh Nguyệt qua những lời đồn, cô sẽ chẳng bao giờ biết một tiểu thư thoạt trông thủ cựu như nàng lại có niềm đam mê phóng khoáng đến thế.

Nếu chỉ gặp gỡ qua những lời đồn, họ sẽ mãi mãi là hình tượng kệch cỡm và tẻ nhạt trong tâm trí nhau.

Điều chỉnh xong, Tĩnh Nguyệt khênh chiếc máy ảnh ra giữa phòng, hướng ống kính về phía nguồn sáng Thiều Hoa đã sắp đặt từ trước. Nàng lùi mấy bước, vừa định quan sát bố cục thì bước hụt. Vội bám vào chiếc kệ gần đó, nàng cảm giác kệ tủ hơi ngả nghiêng. Một vật mảnh rơi xuống, vang lên tiếng động rất khẽ.

Cúi đầu, Tĩnh Nguyệt trông thấy một tấm bưu thiếp chụp mặt tiền của tiệm sách Tân Thanh. Nhặt lên, nàng soi tấm bưu thiếp trước ánh đèn, thấy mặt sau có chữ viết bằng bút máy. Lớp mực sáng bóng trong ánh đèn, mắt nàng lia qua những dòng chữ viết theo lối chữ kiểu.

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 1927.

Hôm tôi xin vào hội, Văn Khương hỏi tôi có bí danh không. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi trả lời anh là: "Joan."

Anh hỏi tôi tại sao, tôi chỉ cười trừ. Tôi không dám thú thực với anh niềm khao khát của mình khi thốt lên cái tên ấy. Joan, trong "Joan de Arc". Tôi sợ anh sẽ bảo tôi quá ngông cuồng.

Phải, tôi ngông cuồng. Đó là sự thật không thể chối cãi. Nếu tôi là một người đàn ông, họ sẽ ca ngợi tôi có chí làm trai. Còn nếu đặt chí khí ấy lên một người đàn bà, họ sẽ cảm thấy tôi là kẻ điên rồ.

Tôi không rõ anh Khương nghĩ thế nào về mình, tôi không dám đánh cược. Đến thời đại này, khi triều đình phong kiến chỉ còn là một cái danh có cũng như không thì trong mắt mọi người, đàn bà nuôi chí lớn vẫn là một điều cấm kỵ. Dường như họ đã quên, đã luôn cố vùi lấp chí lớn của đàn bà - và tụng truyền rằng, đàn bà cần một nguyên cớ để đứng lên, vì chồng, vì con, như cái cách họ dựng lên vở tuồng "bi kịch của Thi (Sách)", như cái cách họ biến đàn bà thành những con rắn báo oán đầy cay nghiệt.

Họ gọi những người đàn bà như vậy là Kiều. Và họ bảo:

"Kiều lố bịch, Kiều lăng loàn, Kiều bỏ rơi tam tòng tứ đức, bỏ rơi lễ tiết. Kiều kệch cỡm, Kiều mông muội, bởi vì Kiều là đàn bà." Là đàn bà nhưng lại ham thích tự do. Tự do yêu đương, tự do trốn chạy, tự do quyên sinh. Kiều là tất cả những tội nghiệp đáng trách, bởi nàng là đàn bà mà lại khao khát làm chủ cuộc đời mình. Khao khát, nhưng không thể. Nên Kiều bất hủ.

Tôi ao ước mình có thể trở thành Joan de Arc, người ta bảo tôi chẳng khác gì Kiều.

Văn minh làm sao, khi họ ném Joan vào lửa đỏ, còn Kiều có thể tự mình quyên sinh nơi đáy sông.

Khai phóng thế nào? Kiều chính là sự khai phóng. Sự khai phóng của tâm tưởng đàn bà.

Tôi có nên ném mồi lửa cuối cùng vào nền văn minh khai phóng ấy?

Tĩnh Nguyệt ngẩng lên, chạm mắt với gương mặt yêu kiều của Thiều Hoa. Giây khắc ấy nàng bỗng phát hiện, nét bút của cô hóa ra lại đẹp đẽ, chỉn chu đến thế.

- Đốt đi. - Thanh nữ nhìn nàng - Đốt và lãng quên tất cả. Về đọc lại sách thánh hiền của cô đi, tiểu thư.

Mất một lúc để Tĩnh Nguyệt tìm lại vốn từ của mình. Nàng mở miệng, mãi mới thốt lên:

- Tôi không ngờ cô còn đọc Kiều.

- Chứ cô nghĩ tại sao tiệm sách đó lại là "Đoạn Trường" và "Tân Thanh"? - Thiều Hoa tủm tỉm.

Tĩnh Nguyệt im lặng một lúc mới khẽ đáp:

- Tôi cũng đọc.

- Mọi người An Nam đều thuộc Kiều, mademoiselle à. - Thiều Hoa bật cười.

- Phóng đại quá, làm gì đến mức đó. - Tĩnh Nguyệt nghiêm túc sửa lời.

Nàng đọc lại những dòng chữ trên tấm bưu thiếp, ngập ngừng một chút rồi mới nói tiếp:

- Thật ra cái khiến tôi bất ngờ là góc nhìn của cô về Kiều.

Thiều Hoa xoay một vòng rồi ngồi xuống trường kỷ, nhoẻn miệng cười với nàng:

- Ngông cuồng quá hả?

- Không đâu. - Tĩnh Nguyệt đặt tấm bưu thiếp về chỗ cũ, bước về phía cô. - Tôi từng đọc một cuốn sách, người trên tòa sứ tặng thầy tôi. Trong cuốn sách ấy có những bản vẽ, một trong số bản vẽ đó là khinh khí cầu. Lần đầu tiên tôi thấy con người ngồi trên những quả bóng và rời khỏi mặt đất như vậy.

Nàng nở nụ cười ảm đạm khi nhắc lại ký ức xưa cũ kia. Thiều Hoa chống tay lên cằm, yên lặng nghe nàng nói.

- Tôi mới hỏi mẹ tôi: "Me à, chúng ta có thể bay thật hả me?" Mẹ cười hiền, xoa đầu tôi và bảo: "Con thì bay được đấy. Con là một chú vịt giời, lớn lên sẽ vỗ cánh bay đi." - Nàng thở dài - Sau này tôi mới hiểu vịt giời nghĩa là gì. Nhưng lúc ấy, tôi đã thực sự nghĩ, lớn lên mình cũng có thể bay. Sau đó, tôi vẫn luôn tìm cách để bay, rồi ham thích khoa học lúc nào không hay.

Nàng chìa tay về phía Thiều Hoa. Ngần ngừ một thoáng, cô vẫn nắm lấy tay nàng, đứng lên. Tĩnh Nguyệt chỉnh băng cài tóc của cô, ôn tồn nói:

- Định nghĩa xấu xí ấy lại là thứ chắp cánh cho những mơ tưởng của một kẻ cả ngày quẩn quanh chiếc lồng. Nên tôi nghĩ, Thiều Hoa à, những định nghĩa cô bị gán lên, đến thời điểm nào đó sẽ trở thành tấm huân chương, là áo giáp của cô. Cô xinh đẹp như Kiều và còn giỏi giang hơn Kiều. Kiều đâu có biết buôn bán, đúng chứ? - Thấy Thiều Hoa khúc khích, Tĩnh Nguyệt nghiêm giọng - Nghe tôi nói nốt.

- Vâng, thưa mademoiselle.

- Cợt nhả vừa thôi... tôi nói đến đâu rồi... trên hết thì, cô luôn đấu tranh như Kiều. Kiều luôn bị kìm hãm, nhưng có lúc nào nàng ấy ngừng đấu tranh? Chúng ta đều biết tự vẫn là tội lớn lắm, nhưng Kiều có màng không? Nàng không sợ mình mang tội, nàng chỉ làm những cái mà nàng cho là đúng. Nàng tìm kiếm tất cả những phương tiện có thể khai phóng nàng. Cuối cùng, nàng gặp được sư Giác Duyên. Tại sao lại là "Giác-Duyên"? Kiều đã giác ngộ, khỏi mười lăm năm lưu lạc, khỏi trăm dặm bể dâu, khỏi mọi lề thói trói buộc và khỏi cả ái tình. Cô không cảm thấy, đó là một cái kết viên mãn ư?

- Cô nghĩ đó là cái kết viên mãn? Tôi thì không cho là thế. - Thiều Hoa cười nhạt - Kiều cũng chỉ là con người phàm tục mà thôi. Đoạn kết kia, nàng dứt bỏ được hết, tức là thành Phật rồi. Nếu nhìn theo cách khác, nhập cõi niết bàn cũng chẳng khác nào đã chết trong mắt phàm nhân. Cuộc đời đàn bà trong những câu chuyện muôn thuở luôn là thế, chỉ được người đời rửa sạch tội lỗi sau khi thành Phật, hoặc chết. Như Kiều, như Thị Kính.

- Tôi không nói rằng cô phải thành Phật... nói thế nào nhỉ? Kiều chỉ là người phàm, bởi thế người ta luôn thích moi móc những điểm xấu ở Kiều mà chê bai. Cái tôi nói là...

- Cũng như Kiều, chúng ta chưa bao giờ ngừng đấu tranh để được tự do. - Thiều Hoa uyển chuyển kết thúc chủ đề - Tôi hiểu mà Nguyệt.

Tĩnh Nguyệt cảm thấy, so với nàng, có đôi lúc Thiều Hoa thực tế và bi quan hơn nhiều. Cô không tin vào sự vẹn tròn của bất cứ điều gì, mà nàng lại chẳng đủ sứt sẹo để thấu hiểu tận cùng những cực đoan của cô. Kể cả hiểu nhau, họ vẫn chẳng lúc nào cũng tìm được tiếng nói chung.

Nhưng không như cuộc chiến đấu tranh trường kỳ suốt hơn nửa thập kỷ, họ có thể lựa chọn thỏa hiệp với nhau.

- Tôi... mới chỉ chụp ảnh một lần. - Tĩnh Nguyệt quay lại chủ đề ban đầu, thành thực nói - Chụp cùng thầy me tôi, hồi đó tôi mới bảy tuổi. Nên tôi... không biết tạo dáng.

- Cứ tự nhiên thôi.

- Nói dễ hơn làm, cô chủ à.

Thiều Hoa xoay nửa vòng, ngẫm nghĩ một lúc rồi đề nghị:

- Tạo dáng ấy à? Hay là để tôi thị phạm cho cô một điệu nhảy nhé? - Cô lém lỉnh nói - Mở màn tiệc sinh nhật cha tôi có phần khiêu vũ. Chắc hẳn tiểu thư chưa bao giờ nhảy nhạc Tây.

- Vâng, tôi quê mùa vậy đấy.

Thiều Hoa mỉm cười, nâng cánh tay nàng lên ngang vai. Đến lúc tay cô đặt lên hông nàng, Tĩnh Nguyệt mới phát hiện khoảng cách giữa họ đã chẳng còn đáng kể. Nàng quên bẵng mình vừa nói gì, ngẩn ngơ nhìn cô.

Hương ngọc lan vẫn chưa phai trên tóc nàng. Thiều Hoa bất giác mường tượng đến những chùm đèn sáng lóa trong bữa tiệc. Tĩnh Nguyệt đan chéo tay, đặt lên tà áo dài, ngồi nghiêm cẩn bên chiếc lọ gốm trắng muốt những đóa huệ tây. Nghe thấy tiếng giày cao gót thân quen, nàng sẽ nâng mi, ngẩng lên nhìn cô. Gần đó, điệu Fantasie của Claude Debussy chậm rãi ngân vang, hệt như bản nhạc dạo mở đầu câu chuyện cổ tích. Giữa những tiếng xôn xao, cô hơi khom lưng, chìa tay về phía nàng, cất lên câu hỏi từ tận đáy lòng:

"Mademoiselle kính mến, nàng có muốn nhảy cùng tôi một điệu không?"



¹ Tiêu bản in ảnh: bản kim loại đồng có muối bạc i-ốt, dùng trong kỹ thuật ảnh nguyên mẫu Daguerre.

² Giấy bạch đản (Albumen paper) là loại giấy được xử lý nhạy sáng, bề mặt được phết lòng trắng trứng và một loại muối, sau đó được nhạy hóa bằng bạc nitrat.

³ Chất liệu cho phương pháp phơi sáng ướt. Phương pháp phơi sáng ướt dùng collodion là một kỹ thuật nhiếp ảnh độ bản đời đầu do nhiếp ảnh gia người Anh Frederick sáng chế năm 1851.

Dịch nghĩa của bức "La Liberté guidant le peuple" do Eugène Delacroix vẽ về cuộc cách mạng tháng Bảy năm 1830 tại Paris.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro