Kỳ 21- Chuột cống chạy loạn xạ, cá lóc nổi lờ đờ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cơn bão số 5 vừa dứt chưa bao lâu trong trại lại xảy ra tình trạng kỳ lạ. Đầu tiên là chuột cống nhum chạy loạn xạ, cá lóc 3-4 kg một con đen thui nổi lờ đờ dưới kênh mương, nước lộ thiên bị hóa mặn, hệ thống nước ngầm bị tụt không bơm lên được. Các hồ, bể chứa dự trữ đưa vào sử dụng cũng dần cạn kiệt vì không có nguồn bổ sung. Các đội sinh hoạt khó khăn vì thiếu nước.

Mùa khô hạn, tù nhân đi lấy nước ở cửa sông

Chờ đợi, nhìn trời đất suốt mấy ngày để mong một cơn mưa nhưng không thấy có dấu hiệu gì của mưa. Buối chiều gần 4 giờ, giám thị vào trại ra lệnh Tổ Hỏa thực và T2 đi lấy nước trời.

Gần 10 chiếc thuyền lớn (ghe bầu) xuất phát từ cổng đường thủy của trại hướng ra cửa sông. Chẳng mấy chốc 2 khẩu thần công trấn cửa nội thủy đã khuất xa tầm mắt. Nước đổ một chiều ra cửa sông làm thuyền di chuyển rất nhanh, đến đoạn dòng sông mở ra rộng bát ngát thì dòng chảy cũng ngưng lại vì nước từ phía ngược lại chảy vào, cán bộ ra lệnh cho dừng thuyền. Anh em kéo nước lên uống thử: mặn đắng. Vị cán bộ đứng ở đầu mũi thuyền chụm tay lên mắt nhìn đường chân trời. Trông ông chẳng khác nào Gia Cát Lượng Khổng Minh nhìn thiên văn đoán ý trời.

Trời quang đãng, không bóng mây, mấy anh tù nhìn trời mãi chẳng thấy gì nên gõ mạn thuyền hát nhạc sến. Bỗng mây khói đèn từ chân trời bốc lên và di chuyển rất nhanh, cán bộ ra lệnh:

-Chuẩn bị!

Tay lái cho máy nổ, anh em ngồi bám vào mạn thuyền, rất nhanh nước từ đâu đổ xuống như vỡ đập, như thác đổ. Rất nhanh và đột ngột như khi đến, chỉ vài phút trời đất lại như cũ.

-Lấy nước!

Cán bộ ra khẩu lệnh, anh em dùng thùng gàu kéo nước lên, khoảng một giờ các vật chứa đều đầy nước, anh em tranh thủ uống nước thật nhiều để giải mặn, nước trời vừa thơm vừa ngọt:

-Có mùi sữa đậu nành.

-Mùi dừa dứa.

-Mùi nước cơm...

-Trật lất, mùi bồ kết, chắc mấy bà tiên đang cởi đồ tắm trên trời.

Nhớ nhà, chạnh lòng đọc thơ Thôi Hiệu

Tôi đưa hồn vào câu chuyện xa xăm huyền hoặc, nhớ lại tuồng "Chiêu Quân cống Hồ" mà tôi xem ở đình làng thời thơ ấu: xưa có nàng Chiêu Quân rất đẹp, nàng hay giặt áo trên sông, áo nàng thơm đến nỗi cả dòng sông đều thơm mát theo. Những tưởng con người có nhan sắc khuynh thành sẽ có cuộc sống hạnh phúc, nào ngờ nàng bị cống nộp làm vợ người nơi xứ xa và chết nơi đất khách quê người trong tiếng đàn tì bà thương nhớ quê nhà...

-Điểm danh!

Thuyền quay về chốn cũ. Trời tắt dần ánh nắng, khói sóng trên sông như sương buổi sớm, mới cười nói tất cả bỗng im lặng u uất, có tiếng vạc bay ngang trời kêu sầu thảm, nước đã đổi chiều, đâu đó tiếng con chim bìm bịp lạc loài kêu nước lớn, nước sông mặn đắng trở lại.

Điều kỳ lạ là anh em đi lấy nước dù rất mệt nhưng đều trải qua một đêm khó ngủ. Năm dài chỉ tiếp xúc với những bức tường vây quanh, cảnh sông nước ngút ngàn với khói sóng buổi hoàng hôn đã khơi lên nỗi nhớ quê nhà từ trong những miền sâu thẩm của tâm hồn con người.

Cách đây hơn ngàn năm, nhà thơ Thôi Hiệu (sinh năm 704 mất năm 754) khi đứng tại lầu Hoàng Hạc ngắm cảnh trời chiều trên sông Trường Giang đã phải thốt lên:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

(Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai- Bản dịch:Tản Đà).

Thì ra cho dù là thi hào, nghệ sĩ hay những người tù lưu đày đều có tình yêu quê nhà u uất, mãnh liệt.

Tôi quay mặt vào tường không khỏi trào nước mắt lòng chạnh nhớ bãi sông đầy dừa nước, lục bình ở cầu sắt Phú Long (Quận 12). Ngày còn thơ ấu, tôi đã chứng kiến ba tôi thường hay lặn xuống sông gở những cái lụp chìm. Tôi đổ nó ra, đủ loại cá, nhiều nhất là cá bống dừa, trong niềm vui trẻ thơ tôi không để ý gì đến việc ba tôi ho xù xụ vì quá lạnh.

Khi gió sông thổi ngược vào bờ, gà đã lên chuồng, ba tôi cởi áo khoác thêm một lớp cho tôi, mặc những cơn gió căm căm, ba tôi đốt bó lá dừa làm đuốc cõng tôi về nhà, giỏ cá đeo bên thắt lưng. Chẳng mấy chốc, tôi đã ngủ trên lưng ba, miệng nhóp nhép mơ mình đang ăn cơm với cá bống kho tiêu, thơm lừng.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro