Chương 6.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Giờ tý, ta nhìn thấy pháo hoa phát sáng phía đông nam kinh thành.

Đó là tín hiệu khởi sự.

Theo như ước định giữa bản vương với Vân Đường Vương Cần, giờ tý lấy pháo hoa làm tín hiệu, Thượng thư Bộ binh Trình Bách và cháu của Vân Đường là Vân Hoàn sẽ dẫn một vạn binh thủ quanh bốn góc kinh thành. Lý Giản và Vương Tuyên dẫn một vạn binh vào thành, hợp lại với ba nghìn cấm vệ quân của Vương Cần.

Nguyên nhân chính là ở ba nghìn cấm vệ quân kia, mà bản vương phải mạo hiểm dấn thân vào chỗ dữ, mượn dùng hai vạn phiêu kị quân.

Ta thật không biết bà già goá Thái hậu mấy năm nay đã đổi chác cái gì, lúc đầu khi Khải Giả chưa tự mình chấp chính thì bề ngoài bà ta nhún nhường bản vương và mấy vị Vương huynh, bên trong thì ngấm ngầm lật đổ, bà ta coi đám người Cảnh thị ta không đáng tin cậy, chỉ có bên nhà mẹ đẻ của mình mới đáng tin. Chim nhạn già Gia Vương kia trong thời điểm mấu chốt vội diễn vở kịch trung nghĩa, trong tay lão chỉ có ba nghìn cấm vệ quân, ấy vậy mà mượn cớ hục hặc với chim sẻ nhà ta, liền mang ba nghìn binh quyền trả cho Thái hậu, từ quan về nhà làm thơ.

Chiêu ấy thật là lưỡng bại câu thương. Ông ta phẫn nộ khóc ra máu, còn ta thì nội thương ói máu.

Quả nhiên đến lúc Khải Giả chấp chính rồi, ba nghìn cấm vệ quân vẫn nằm trong tay nhà mẹ của Thái hậu, không quay về tay Khải Giả. Người bên nhà mẹ Thái hậu cũng như Thái hậu, không đủ phẩm đức trung nghĩa, cũng không đủ năng lực để làm phản nên mới dẫn đến kết cuộc hôm nay để cho Vương Cần điều động.

Kinh thành có ba vạn trọng binh, chỉ dựa vào ba nghìn cấm vệ quân không thể thuận lợi bắt vua thoái vị. Vì thế mà Vân Đường Vương Cần phải nín nhịn nhiều năm qua.

Thượng thư Bộ binh Trình Bách, cuối năm nay sắp phải cáo lão hồi hương, Lý Giản cũng được điều qua chỗ ông ta.

Những người ngày xưa cùng cha ta chinh chiến, trải qua ba triều đại, giờ tuổi tác đã khá cao.

Một thời gian dài không chiến tranh, đối với triều đình bách tính là chuyện đáng vui mừng, song chỉ có một điểm không tốt, đó là thiếu điều kiện để tạo ra một vị tướng có thể khiến nghìn vạn quân khâm phục nghe theo.

Trình Bách Lý Giản một lui một đến, binh quyền phiêu kỵ quân rơi vào tay ai, thực sự rất khó nói, ngay cả bản vương cũng từng nghe phong thanh, mấy tiểu tướng bên dưới đấu đá nhau rất dữ dội, may mà còn Lý Giản trấn áp.

Điều đáng sợ nhất là người tiếp nhận chức vụ mà không trấn áp được, thì thực quyền sẽ phân ra thành nhiều phần, có thế bị lợi dụng.

Vân Đường và Vương Cần bao năm qua ẩn nhẫn, chính là chờ thời cơ này.

Môn sinh của Vân thái phó trải rộng từ triều đình đến địa phương. Quan văn và quan võ chẳng mấy xung đột nhau, mà chủ yếu liên thủ nhau vì lợi lộc, phàm là quan đều nắm rõ đạo lý này. Nếu môn sinh của Vân Đường cấu kết với các tiểu tướng, ngày khác e rằng không chỉ có ba nghìn cấm vệ quân, mà là trên vạn quân.

Có điều nước cờ này đối với Vân Đường Vương Cần cũng không kém phần phiêu lưu.

Vì thế bản vương mới mượn cớ Trình Bách Lý Giản không cam lòng giao binh quyền, dùng hai vạn phiêu kỵ quân làm mồi nhử, Vân Đường Vương Cần đương nhiên hết sức mừng rỡ.

Theo sắp xếp, một vạn phiêu kị quân và ba nghìn cấm vệ quân nội ứng ngoại hợp, đầu giờ sửu, bản vương đến trước hoàng cung, đưa người vào cung, bắt Khải Giả đoạt vị.

Đã qua giờ tý bốn khắc, bản vương cũng nai nịt chỉnh tề, chuẩn bị xuất môn.

Vân Đường và Vương Cần không hay biết, hiện tại các quan viên tạo phản ở các điểm chuẩn bị tiếp ứng đã bị bắt trói hoặc đền tội. Hồi Tết đoan ngọ, các vương vắng mặt, hiển nhiên đã rời khỏi kinh, trong kinh thành hẳn còn lại mình Tông Vương. Bản vương đưa cho Vân Đường Vương Cần danh sách chắp nối những người tạo phản, hết thảy đều là những bậc trung thần.

Hoàng thượng và Thái hậu vốn dĩ không nên phòng bị bản vương như vậy, Vân Đường và Vương Cần cũng không nên xem trọng bản vương nốt.

Cái gọi là 'thiên hạ binh mã lệnh', cái gọi là thế lực bí mật, hết thảy đều là giả. Hai tay ta trống trơn chẳng có lấy một mống binh quyền gì, tất cả mọi chuyện đều là nhờ cậy người khác, mượn gió đông mà thôi.

Điều khiến họ thề cống hiến đến chết, không phải vì cha ta ngày trước, càng không phải vì binh phù, mà là vì giang sơn Cảnh thị và thiên hạ thái bình.

Bây giờ bản vương phải đường hoàng đến chỗ Vân Đường Vương Cần hội họp, vẫn cần phải giả vờ tạo phản.

Ta thay một bộ y bào gọn ghẽ, đeo thanh trường kiếm, dẫn theo đoàn người ở sân sau chuẩn bị lên ngựa xuất môn, bỗng nghe đằng vách tường có tiếng lịch bịch, ai đó vừa rớt xuống.

Thị tòng bên cạnh ta rút vũ khí, bóng đen dưới tường yếu ớt thều thào, "Vương gia."

Là tiếng của Vân Dục, ta bước vội đến, mặt Vân Dục dưới ánh trăng tái nhợt, ta căng thẳng bật thốt, "Tùy Nhã?"

Vân Dục ôm tay trái, nhẹ giọng nói, "Vương gia, sự tình e là có biến."

Có biến? Bản vương nhớ rõ đã cùng Tông Vương hẹn ước, chờ đến khi ập vào hoàng cung, bọn người của Vân Đường thò đầu ra hết thì mới động thủ. Tại sao giờ lại thay đổi? Lẽ nào Lý Giản quá nóng vội?

Vân Dục cười khổ sở, "Có lẽ... nguồn tin về cấm vệ quân đã bị lộ... trong cung... đều có người mai phục... phiêu kị quân, chỉ sợ là..."

Xem ra, ngoại trừ Tông Vương ở chỗ ta, Khải Giả còn có an bài dự phòng khác.

Vân Dục chậm rãi nói, "Đại thể đã mất, việc đã không thành. Bên ngoài hết thảy đều là người của Cảnh Khải Giả."

Ta hỏi, "Vân thái phó với Vương Cần..."

Vân Dục không đáp.

Tiếng quân sĩ ồn ào loáng thoáng ngoài tường ngày càng lớn dần, Vân Dục lại cười khẽ, "Thật không ngờ ta và Vương gia thực sự chết chung với nhau."

Ta nắm lấy tay áo của hắn, "Vẫn chưa phải là hết."

Ta kéo Vân Dục, vội vã đi về phía cầu nổi nối với thủy tạ.

Ta để người của vương phủ lại trong sân vờ như kháng cự, một khoảng không vắng vẻ, chỉ có ta và Vân Dục.

Vào thủy tạ, ta mò tìm trên giá sách ra hai cái đèn lồng, mồi lửa thắp sáng một cái, đưa cho Vân Dục, sau đó đẩy thư án, mặt đất kêu răng rắc một trận, lộ ra một cái cửa hầm.

Vân Dục cầm lồng đèn đứng trên mép cửa, "Hóa ra ngài đã chuẩn bị sẵn."

Ta đáp, "Đã làm chuyện treo đầu trên lưỡi đao này, nhẽ nào lại không chừa đường lui?"

Ta cầm theo một cái đèn lồng khác, trước chậm rãi men theo vết bùn dưới bậc thang đi vào hầm. Vân Dục đi theo sau ta. Ta vặn cơ quan điều khiển trên thạch bích, đóng cửa hầm lại.

Bậc thang dài hun hút dẫn xuống dưới, ta không giỏi đi thang, dò dẫm từng bậc từng bậc xuống một lát, Vân Dục hỏi, "Lẽ nào cầu thang này thông xuống đáy hồ?"

Ta trả lời, "Phải."

Cho đến bậc thang cuối cùng, phía trước là con đường dài ngoằn ngoèo, thăm thẳm xa như vô cùng tận.

Ta lấy từ trong hốc ra một túi đồ, "Túi nước, lương khô, tiền bạc đều trong này. Cứ đi từ từ, con đường này dài lắm đấy."

Suốt đường đi Vân Dục không hề nói tiếng nào.

Chiếc đèn lồng kia dùng để dự phòng, một cái không đủ ánh sáng, chỉ có thể miễn cưỡng chiếu tới chừng dăm bước chân, ánh sáng chập chờn khiến cái bóng cũng lay lắt theo, tiếng hít vào thở ra rõ vanh vách.

Tay trái của Vân Dục bị thương, chỉ băng bó qua loa, trên lớp vải băng trắng còn ri rỉ máu.

Ta không biết nên nói gì với hắn cho phải, giờ ta có mở miệng, cũng vẫn nói những điều giả dối với hắn.

Ta rất muốn hỏi Vân Dục, tại sao hắn lại đến phủ Hoài Vương, Vân Đường và Vương Cần hẳn cũng chừa đường lui, nếu Vân Dục có thể chạy trốn, tại sao còn đến phủ Hoài Vương làm gì.

Bí đạo này ta vốn định đợi sau khi tụ họp với Vân Đường, việc trung nghĩa tiêu diệt loạn đảng giao lại cho Tông Vương, ta giả vờ trốn chạy, dẫn Vân Dục rời đi từ đây.

Sau khi đi không biết là bao lâu, bước chân Vân Dục từ từ chậm lại. Ta hỏi hắn có mệt không, Vân Dục gật đầu, tiện thể tựa vào thạch bích ngồi xuống. Dưới ánh đèn, hắn cúi đầu nhắm nghiền mắt.

Ta lo ngoại trừ vết thương trên tay, hắn vẫn còn bị thương chỗ khác, bèn cầm tay hắn lên dò mạch.

Vân Dục mở mắt ra, "Vương gia biết xem mạch?"

Ta bảo, "Mạnh yếu nhanh chậm hẳn có thể nhận biết được."

Vân Dục khẽ cười một tiếng, rút tay lại.

Ta muốn tìm chuyện nói với hắn, "Con đường này trước đây ta từng đi qua một lần, cứ như là đi mãi cũng không hết vậy."

Vân Dục thản nhiên nói, "Đi không hết, cũng chẳng sao."

Ta bình tĩnh nhìn hắn, Vân Dục chuyển mắt sang nhìn ta, "Lẽ nào Vương gia sợ người của Cảnh Khải Giả phát hiện ra chỗ này rồi đuổi theo?"

Hắn lại nhắm mắt, ra điều chán chường, "Đuổi tới thật, cũng chẳng sao."

Nghỉ tạm một lát rồi tiếp tục đi về phía trước, vừa đi ta vừa rời rạc kể lại lai lịch con đường ngầm này cho Vân Dục nghe.

Bên nhà mẹ mẫu phi cha ta, cũng chính là tổ tiên của tằng ngoại tổ của bản vương từng lập nghiệp bằng nghề thợ hồ, sau tích cóp đủ tiền, trong một năm tai ương quyên tiền cho nhà quan, không ngờ lớp thế hệ sau lại chăm chỉ đèn sách thi đỗ khoa cử, ngày càng thăng quan tiến chức, đến đời tằng ngoại tổ thì đạt được mức cao nhất trong sự nghiệp quan lại, Thượng thư Hộ bộ.

Vị tằng ngoại tổ của bản vương vốn là người nhát gan thận trọng, về già ông tự thấy bản thân đã lên đến chức quan này, con gái lại tiến cung làm nương nương, phúc trạch của nhà này đã lên đến đỉnh điểm, mà cực thịnh thì ắt phải suy, để phòng ngừa ngày nào đó đoạn tử tuyệt tôn, ông bèn lưu lại một đường lui.

Có điều cách thức tạo đường lui của ông không giống người thường. Ông tự mình thiết kế bản vẽ, bắt đầu khởi công đào bí đạo này.

Trước tiên ông cho đào một cái hồ lớn giữa sân sau nhà mình, giữa hồ xây đảo, sau đó tạo bí đạo từ đáy hồ ra khỏi phủ.

Bí đạo này rất dài, lại được xây dựng bí mật, ông đã giấu tên mua mấy căn nhà nằm trên tuyến bí đạo trong bản vẽ. Cách năm lại thuê mấy tốp người khác nhau đến đào bới. Đám thợ đào tưởng đâu chỉ là địa đạo thông thường, cũng không biết tột cùng thông đến đâu. Cuối cùng sau khi khai thông con đường xong, bèn cho lấp lại lối vào của mấy toà nhà ấy, chỉ chừa lại đường ra và đường vào trên đảo nằm giữa hồ.

Con đường này quá khó đào, mãi đến khi ông ấy mất mới đào xong. Cậu của cha sau khi từ quan hồi hương, đã giao tòa nhà này lại cho cha ta, sau khi xây dựng tu bổ thêm thì biến thành phủ Hoài Vương.

Cố sự này thật dài, ta kể lắt nhắt từng đoạn, thỉnh thoảng còn nghỉ chân thấm chút nước, ăn miếng bánh.

Đợi đến khi kể xong, ta ước chừng không còn cách lối ra bao xa nữa.

Quả nhiên, rẽ thêm vài chỗ ngoặt, vách đá hai bên chuyển sang màu gạch xanh, địa đạo hẹp dần, chỉ còn đủ chỗ cho một người lách qua, vòng thêm vài khúc quanh nữa, đột nhiên trở nên trống trải thoáng đãng.

Vân Dục giơ đèn lồng lên soi xung quanh, ta và hắn đang đứng trong một gian thạch thất vuông vắn, trên một mặt tường dường như có bút tích ghi lại.

Vân Dục nói, "Không phải là bản đồ kho báu của tổ tiên Vương gia cất giấu hay bí mật gì giữ lại đấy chứ?" Hắn đi đến cạnh tường giơ đèn lồng lên nhìn, nét chữ bị tro bụi khuất lấp trở nên mơ hồ, song vẫn có thể đọc được.

Trên tường có khắc hai dòng.

Dòng thứ nhất, nét chữ thanh tú tuấn dật, viết rằng, 'Núi cao sông rộng, ngoài kia ắt có trời.' có lẽ xuất xứ từ tằng ngoại tổ hoặc cữu công mà ra.

Còn dòng kia thì mạnh mẽ khắc ghi, 'Nơi dành cho hậu nhân, để tự suy ngẫm, tự hổ thẹn, tự nỗ lực.' Vừa nhìn là biết bút tích của cha ta, tiên Hoài Vương.

Ta lại xoay bàn đá ở giữa thạch thất, phiến tường ngay chỗ chữ 'núi cao sông rộng' chậm chạp di chuyển, hiện thành hình dáng một cánh cửa, lộ ra khe hở.

Vân Dục theo ta ra ngoài cửa, trước mặt là một lối đi. Ta đẩy cửa đá, nói với Vân Dục, "Chỗ này muốn quay lại cũng không được. Cửa địa đạo, trừ chỗ giữa nhà thủy tạ ra, chỉ có thể xoay về một hướng."

Đầu mút hành lang có bậc thang uốn khúc lên trên.

Phía trên cùng bậc thang có một căn phòng, ta xoay cơ quan, đẩy cửa ngầm trên thạch bích, bước ra ngoài cửa, cánh cửa đá phía sau ầm ầm đóng lại, phía trên đầu có tiếng đập cánh phành phạch, nghe như tiếng con dơi hoặc giống thiêu thân lớn nào đó.

Phía trước mơ hồ trông thấy ánh trăng mông lung.

Chỗ này là sơn động trên sườn một ngọn núi con con, nằm kế bên kinh thành, ta nắm tay áo Vân Dục ra khỏi sơn động, trời còn chưa tỏ, ánh đèn lồng kéo theo một lũ sâu bọ thiêu thân bâu lại, vừa ra khỏi cửa động, Vân Dục liền dập tắt đèn.

Ta đưa hắn đi con đường nhỏ men theo vách núi, nương nhờ ánh trăng mà mang máng thấy đường đi, vòng qua mặt vách núi này là một con đường quanh co hướng lên trên, vừa hẹp vừa dốc, phải đi cẩn thận kẻo hụt bước, mà không thể đi quá chậm. Đi lên cao, quay lại nhìn về hướng kinh thành, chỉ thấy màn trời mơ hồ đỏ ánh lửa hồng.

Không rõ tình hình kinh thành thế nào, Hoàng thượng có truy quét sạch sẽ loạn đảng của Vân Đường Vương Cần hay không, có phái người truy bắt Vân Dục hay không. Người trong phủ chỉ biết ta mang Vân Dục đi vào nội viện, nhưng có mấy người thị tòng của ta trông chừng người Vân Dục mang theo, bọn chúng hẳn không biết ta đưa Vân Dục đến thủy tạ, cho dù đoán ra được trong phủ Hoài Vương có đường ngầm, cũng phải tìm một trận đã đời.

Không rõ Tông Vương có bẩm báo việc bản vương cho Khải Giả không, bản vương mang Vân Dục chạy, ông ấy sợ cũng khó giải thích.

Chuyện bản vương nằm vùng, chỉ có Tông Vương biết.

Trong tay ta không có quyền, khó mà mưu đàm với bọn Vân Đường Vương Cần, chỉ có thể mượn ngoại lực.

Nhưng trước tiên không thể để Khải Giả biết, trong cung lắm tai mắt, ít nhiều gì cũng sẽ để lộ tiếng gió. Ta chỉ có thể tìm đến Tông Vương.

Những người cũ đi theo cha ta đều chướng mắt bản vương, nghĩ ta làm mất sạch thể diện hai chữ 'Hoài Vương'. Ta nói đám kia phản loạn bọn họ cũng chẳng tin, nhưng vẫn có thể giữ cho Tông Vương ba phần mặt mũi, Tông Vương tra rõ phản loạn, bọn họ nhất định tin.

Ngoài sáng có Tông Vương đứng ra chủ trì, cùng với Hoàng thượng và đám thanh cao kia trừng trị nội loạn, nhưng thực tế người âm thầm làm, lại chính là bản vương.

Nhất là lúc mượn hai vạn phiêu kị quân, bản vương lại dấn thân vào chỗ nguy hiểm.

Trình Bách, Lý Giản đều một mực thuần phục Khải Giả, hai vạn phiêu kị quân trừ Khải Giả ra không ai có thể điều động, mà ta lại cần mượn hai vạn binh này để dụ dỗ Vân Đường Vương Cần. Bất đắc dĩ, ta đành phải nói với Tông Vương, huynh đi bẩm báo Hoàng thượng, nói Hoài Vương muốn tạo phản, định dùng binh mã phù đi tìm Trình Bách Lý Giản, xin Hoàng thượng lệnh cho Trình Bách Lý Giản tạm thời tương kế tựu kế.

Vốn dĩ chỉ cần lúc ta ập vào cung bức vua thoái vị, khi lâm trận trở giáo là đủ thể hiện sự trong sạch, nhưng hôm nay vì bảo vệ Vân Dục nên không thể làm gì khác hơn là phải tạm thời mặc kệ nhiều chuyện.

Cuối con đường nhỏ là đỉnh núi, trên đỉnh núi có một gian nhà tranh.

Ta đẩy cửa nhà tranh, lục lọi dưới gầm giường đối diện cửa ra vào lấy ra một chiếc hòm gỗ, nói với Vân Dục, "Trong này có ít vật dụng y lữ, từ sơn đạo xuống núi, trên đường có chỗ mua ngựa."

Vân Dục bình tĩnh hỏi, "Chỗ nào có người tiếp ứng?"

Ta lấy trong ngực ra một tấm bản đồ, trao cho Vân Dục, "Dựa theo đường đi trên bản đồ, quan binh rất khó đuổi kịp. Bản đồ này, ngươi giữ lấy."

Vân Dục gấp bản đồ lại, nhét vào trong ngực.

Ta lại lấy ra một miếng ngọc bội, nhét vào tay hắn, "Tới Từ Châu rồi, mới có chỗ tiếp ứng. Đến ngõ Viên gia tìm cửa hàng Viên Tam Tửu, chỉ có đưa miếng ngọc này ra mới có thể thuận lợi đến chỗ ở tây nam."

Vân Dục cũng nhận lấy ngọc bội.

Ta nói, "Ngươi thay đồ thường đi, ta ra ngoài trông chừng."

Ta ra khỏi nhà tranh, đứng bên vách núi, phía đông đang chuyển màu lam, trời dần hửng sáng.

Ta đang suy nghĩ, tột cùng nên đi chung với Vân Dục, hay ở lại. Chuyện ta nằm vùng, Vân Dục sớm muộn gì cũng biết. Khi hắn biết sẽ ra sao, bản vương vẫn chưa muốn nghĩ đến.

Ta chỉ mong ta còn sống ngày nào, sẽ bảo vệ hắn bình an ngày đấy, mặc cho hắn hận ta cũng được, muốn giết ta cũng chẳng sao.

Trung thần, ta đã làm rồi. Ngôi vị Hoàng đế, là của Khải Giả, thiên hạ cũng là của hắn. Lần này ta đã tính toán hết mức có thể rồi, không làm phụ lòng Khải Giả.

Trong lòng ta hôm nay, chỉ có Tùy Nhã mà thôi.

Phía sau có tiếng bước chân, ta ngoái đầu lại, là Vân Dục. Hắn không thay quần áo, đi đến chỗ ta.

Ta nhíu mày, "Tùy Nhã, sao ngươi..."

Vân Dục ngó ra chân trời đằng xa, "Đáng tiếc lần này thất bại trong gang tấc, không biết đến ngày nào mới có thể quật khởi."

Ta cười rầu, "E là cả đời cũng không thể."

Vân Dục xoay lại nhìn ta, "Lẽ nào đường lui này không phải là nước cờ ẩn sao?"

Ta vẫn khư khư giấu chuyện nằm vùng, chỉ thở dài, "Lần này được ăn cả ngã về không, hết thảy nhân thủ trong tay bản vương đều đã tung ra hết, đường lui chỉ để giữ mạng thôi."

Ta nhìn hắn thắm thiết, "Tùy Nhã, từ nay về sau, ta và ngươi chỉ làm một đôi dân thường ở bên cạnh nhau, ẩn cư thế ngoại, ngươi có bằng lòng không?"

Vân Dục lại trông vời chốn xa xôi, khẽ thở dài, "Đa tạ Vương gia quan tâm, chỉ là thần..."

Ta vừa định ngăn chữ 'thần' của hắn lại, thân hình Vân Dục bỗng khẽ động đậy, ta chỉ thấy ánh sáng trắng lóe lên trước mắt, một thanh trường kiếm mang theo tia nắng ban mai nhuốm màu bạc lạnh kề sát bên cổ.

Bản vương giật mình khựng lại, xung quanh bỗng ngợp ánh lửa.

Sau nhà tranh, trong rừng cây, từng bó đuốc sáng rực lên chỉ trong nháy mắt, từng tốp người ùn ùn xuất hiện tầng tầng lớp lớp, tựa như ảo thuật, trong tích tắc, vây lấy ta và Vân Dục ở giữa.

Trong ngọn gió thổi quanh đỉnh núi, ống tay áo cầm kiếm của Vân Dục bay phần phật, đám quân tốt tay giương vũ khí tách ra hai bên, có hai người chậm rãi bước ra, một người mặc long bào, đội đế quan, là cháu trai Khải Giả của ta. Người còn lại vận quan bào lam sắc, là Liễu Đồng Ỷ.

Ta nghe Liễu Đồng Ỷ nói, "Phản vương Cảnh Vệ Ấp, ngươi đã hết đường trốn chạy, mau nhận tội chịu trói."

Ánh mắt Khải Giả trông về phía này, mang theo sự lo lắng lẫn khẩn thiết không rõ ràng.

Lẽ nào, Vân Dục phát hiện ra bản vương là nằm vùng, Khải Giả và Nhiên Tư vì bảo vệ bản vương nên cố tình đóng kịch?

Tay của ta không tự chủ được cử động, liền nghe Khải Giả vội vã thốt ra một câu:

"A Dục cẩn thận!"

Trước mắt ta bỗng nhiên hơi chao đảo.

Trong đám người ấy, ta không thấy Tông Vương.

Cái cười mỉm của Vân Dục trong ánh đuốc chiếu rọi thật rõ ràng, "Hoài Vương điện hạ, là ngài bó tay chịu trói, hay là ta động kiếm, ngài kéo ta xuống sườn núi, chúng ta đồng quy vu tận?"

Giờ ta mới phát giác, vị trí ta và Vân Dục đang đứng gần kề với vách núi, chỉ cần ta kéo tay hắn trong tích tắc thôi là cả hai sẽ cùng ngã xuống vực.

Khải Giả từ tốn nói, "Cảnh Vệ Ấp, niệm tình ngươi là Hoàng thúc của trẫm, nếu ngươi bó tay chịu trói, trẫm sẽ tha chết cho ngươi."

Bốn bê im lặng tựa như suốt kiếp vẫn thế.

Ta nhắm mắt lại, khẽ thở dài, "Đến con kiến còn tham sống, Hoàng thượng đã nói tha tội chết cho ta, mong rằng nói được làm được."

Mở mắt ra, ta nói với Vân Dục, "Vân đại phu, chúng ta đứng ngay vách núi, quá nguy hiểm, lỡ may một người đứng không vững mà rớt xuống dưới, ta chết chưa hết tội, đi theo Vân đại phu cũng không có lời đâu. Tốt nhất chúng ta nên đi vào trong một chút. Nếu Hoàng thượng lo lắng thì có thể cho binh sĩ lên trói bản vương lại trước, Vân đại phu buông kiếm sau."

Bốn bề lại một thoáng yên ắng, trong đám quân sĩ có hai tên chạy ra, trói gô bản vương lại, thanh kiếm mới được hạ xuống.

Ta nhìn Vân Dục buông kiếm, xoay người đi về phía đoàn người. Khải Giả tiến lên, trong ánh đuốc, đôi bên nhìn nhau.

Gương mặt lẫn ánh mắt Vân Dục hiện lên vẻ biến ảo khôn lường, ta chưa bao giờ nhìn thấy biểu cảm đó của hắn.

Khải Giả tiến lên một bước, "A Dục, tay ngươi có bị thương không?"

Khải Giả đưa tay lên, Vân Dục lui về sau một bước, nhìn đối phương, ánh lửa bập bùng trong đồng tử, rồi lại hạ mí mắt, "Hoàng thượng, việc ta hứa đã làm xong, mong Hoàng thượng nhớ kỹ những gì đã từng hứa với ta."

Khải Giả nhìn chăm chăm đôi mắt hắn, "Trẫm, không nuốt lời. Trẫm hứa với ngươi, không giết Vân Đường."

Trước mắt bao người, hai vị mày đi mắt lại như thế, có nên ý nhị một chút chăng?

Vân Dục nói, "Tạ ơn Hoàng thượng. Thần là con trai loạn thần, theo luật có cần phải vào nhà tù Hình bộ chờ xét xử không?"

Khải Giả thở dài, "Sao ngươi cứ như thế..." Chắc vì cảm thấy câu thở dài kia không thích hợp phô bày trước bao người, bèn đổi thành, "Phản vương Cảnh Vệ Ấp sa lưới là công lao của ngươi. Trẫm luôn thưởng phạt phân minh."

Vân Dục đáp, "Là do kế sách của Liễu thừa tướng cao minh, thần không dám tranh công một mình."

Ánh đuốc, quân sĩ, bản vương, đứng một bên làm nền, hình như có hơi thừa thãi.

Khải Giả xoay người lại nhìn ta, nhíu mày, "Cảnh Vệ Ấp, trẫm không rõ, vì sao ngươi lại tạo phản. Cho dù ngươi tạo phản thành công, dựa theo quy củ tông pháp, thân thể ngươi bị khiếm khuyết, không được tọa đế vị."

Ta trả lời, "Trên đời vốn dĩ chỉ có được làm vua thua làm giặc, không có thứ quy củ nào nhất định phải tuân theo, thân thể không trọn vẹn không được làm vua là quy củ tông pháp, nếu tổ tiên có thể định ra, thì hôm nay sao không thể sửa? Tại sao người bị tật chân như ta lại không được làm Hoàng đế?"

Khải Giả nhướng mày, "Hoàng thúc vẫn luôn tự đề cao bản thân như thế."

Ta đáp, "Hoàng chất quá khen."

Trong Hình bộ đại lao bốc mùi ẩm mốc ngai ngái.

Nhà tù tống bản vương vào không giống nhà giam bình thường khác, chỉ có độc một cửa vào, dọc đường là tầng tầng lính canh, bên trong có bốn gian buồng, ta bị áp giải vào trong gian tận cùng.

Nhà giam lại khá rộng rãi, sát tường kê một cái giường gạch, có đệm có chăn. Giữa buồng bày biện một cái bàn gô, trên tường có vỏn vẹn một cái lỗ thông hơi, không có cửa sổ, không phân rõ ngày đêm, đốt một ngọn đèn vàng tù mù, ánh sáng vừa đủ dùng.

Góc phòng để một cái bồn cầu, không gì che chắn, đi lớn đi nhỏ đều bị nhìn rành rọt.

Ngoại bào của bản vương bị lột xuống, tròng áo tù vào, tay chân đều mang xiềng xích, vòng xích quanh chân nặng nề thô to, một đầu gông cùm xiềng xích bị đóng chết trên bức tường ở giữa đuôi giường và bồn cầu. Độ dài dây xích đo đạc chuẩn, có thể đi ngủ, sử dụng bồn cầu hoặc ngồi ăn cơm đều được, muốn đi vượt cái bàn một chút cũng không được.

Bản vương ngồi trong lao chừng nửa ngày, ánh sáng xuyên qua lỗ thông hơi vẫn còn, thì có người đến thăm.

Không ngờ người đến lại là Sở Tầm.

Ta không nghĩ hắn sẽ đến, lại còn là người đầu tiên, bản vương là loạn thần phản nghịch, vừa mới bị bắt, làm sao hắn có thể khơi thông quan hệ mà đến gặp ta?

Sở Tầm đứng xa xa ngoài lao chắn, ta đứng dậy rời khỏi giường, kéo xích sắt tiến về trước hai bước, "A Mịch, sao ngươi lại đến đây? Giờ ta là phản tặc mưu nghịch, ngươi mau quay về đi."

Sắc mặt Sở Tầm trong quầng tối ảm đạm không mấy rõ ràng, "Vương gia, giờ nhìn ngươi như vậy, ta nghĩ đến một câu."

Ta ngẩn người, "Câu gì?"

Sở Tầm chậm rãi đáp, "Lưới trời tuy thưa, nhưng khó lọt."

Sở Tầm tiếp, "Vương gia, đống mật hàm sổ sách bỏ trong ám thất và chìa khóa trong phòng ngủ của ngươi, ta đã đưa cho Liễu thừa tướng. Lúc ở vương phủ, ta đã cho in lại bộ khuông chìa khóa."

Sở Tầm nói thêm, "Hoài Vương gia, ngươi cho là ta không đoán được sao, người bức ta vào Mộ Mộ Quán, có thể là ai chứ? Chỉ vì ta không nịnh bợ Hoài Vương điện hạ ngươi, ngươi búng một ngón tay, liền khiến ta phải đi làm nam xướng."

Bản vương lặng yên không đáp. Hóa ra Sở Tầm vẫn luôn cho là thế.

Ta nói, "Nếu ngươi đã đoán ra, sao không giết bản vương trên giường luôn, chẳng phải sướng hơn sao?"

Sở Tầm buông tiếng cười nhạt, "Tại sao ta phải làm chuyện hời thế cho ngươi. Ta muốn nhìn thấy người bị trời phạt, chịu hình phạt đáng phải chịu. Ta vốn đã là một người chết, lúc vào Mộ Mộ Quán, đáng lẽ ta nên chết, một hai năm qua, ta không để cho ai nhìn thấy con người thật của ta, làm những chuyện không phải người làm, rốt cuộc đã chờ được đến ngày này!"

Sở Tầm đi rồi, đến khi ánh sáng qua lỗ thông hơi biến mất rồi có lại, Khải Lễ Khải Chính Khải Càn Khải Phi... đám Vương chất Hoàng chất đều đến thăm ta.

Khải Phi Khải Đàn là tốp đầu tiên đến.

Ta còn nhớ mười năm trước, cha ta vừa tạ thế, ta ngã từ trên lưng ngựa xuống bị gãy chân, mấy đứa nhỏ Khải Đàn thường gọi ầm sau lưng ta, "Tiểu Hoàng thúc què! Tiểu Hoàng thúc què!" Còn cố ý bước đi cà thọt phía sau ta.

Lúc đó ta còn trẻ, không khỏi cảm thấy chướng tai gai mắt, mẹ ta bèn nói, sự ác ý của trẻ con cũng chỉ là một loại ngây thơ. Rồi sau đó có một ngày, ta tiến cung, bên hông đeo món trang sức bằng sừng trâu do cha ta mang về, các tiểu Hoàng tử lẵng nhẵng bám theo ta nhòm chòng chọc. Lúc ta quẹo qua góc hành lang, Khải Đàn nhảy ra từ sau một cây cột, nhào đến bên chân ta, nắm lấy món trang sức sừng trâu kia, hai mắt mở to nhìn ta, "Cháu muốn."

Ta liền tháo món đồ trang sức xuống, Khải Đàn cười hoan hỉ lộ ra cái răng cửa bị sún, vươn tay lên, "Cảm ơn tiểu Hoàng thúc què."

Tay nắm chặt đồ trang sức của ta nhấc hổng lên cao, "Gọi ta là gì?"

Khải Đàn kiễng mũi chân, cố mãi cũng không với tới, bèn nắm lấy áo choàng của ta chớp chớp mắt, "Cảm ơn tiểu Hoàng thúc."

Ta cho nó món đồ, Khải Đàn mừng rỡ cầm trong tay, còn để ta vuốt tóc.

Đại khái với mấy đứa cháu ngày trước, ta đều phải bỏ ra chút mua chuộc vậy đấy.

Cho đến hiện tại, ta vào thiên lao, bọn chúng không kiêng kị xa lánh mà còn tới thăm, gọi ta một tiếng Hoàng thúc. Cho dù là vì tình cảm hay thể diện, ta đều thấy đáng quý.

Khải Đàn không ngừng lặp lại với ta, "Hoàng thúc, sao người lại vướng vào tạo phản, sao người lại nhất quyết tạo phản..." lặp đi lặp lại vô số lần, ngoại trừ câu này ra, phỏng chừng nó không biết phải nói gì hơn.

Khải Phi thở dài, "Đại Hoàng thúc sau khi trúng tên từng xin Hoàng huynh, dẫu thế nào cũng không được giết Hoàng thúc. Ông ấy vì Hoàng thượng mà cản mũi tên bắn lén, trên tên có độc, hiện giờ nửa mạng đang chầu chực ở quỷ môn quan, có tỉnh lại hay không còn chưa biết. Dựa vào phân lượng của đại Hoàng thúc, Hoàng huynh hắn sẽ khai ân cho Hoàng thúc..."

Ra thế, Tông Vương trúng tên, hôn mê bất tỉnh, xem ra ông trời đang trêu ngươi bản vương.

Ngồi một lát, Khải Phi cân nhắc chút thì nói, "Hoàng thúc, Vân... với... cháu nghĩ nên cho người biết."

Ta không nói không rằng, Khải Phi hạ giọng nói, "Ai, Hoàng thúc, người thế nào lại không nghĩ xem, Vân Đường là Thái phó, Vân Dục lúc nhỏ hay chơi cùng bọn cháu. Còn từng đề cập việc để Vân Dục làm thư đồng của Hoàng huynh, hẳn là do Hoàng huynh yêu cầu, tiếc rằng tuổi của hắn lớn hơn Hoàng huynh, nên việc mới không thành."

Khải Đàn bảo, "Đừng nói là Hoàng thúc, bọn cháu suốt ngày chơi chung với nhau còn chẳng nhìn ra. Cũng chỉ có người tinh mắt mới nhận ra. Hiện tại nghĩ lại, thật ra, vật trong nhà Hoàng thúc dâng cho Hoàng huynh, chẳng phải Hoàng huynh đều đem cho người đó sao."

Trước đây, Vân Dục đúng là thỉnh thoảng cũng theo mấy đứa cháu hoàng thất và cháu quan gia đến phủ Hoài Vương chơi, chỉ là khi đó ta không chú tâm lắm, giờ nghĩ lại, Khải Giả không mấy hứng thú với vật bày trí, những thứ mà hắn cứ nhìn mãi không thôi đó, nói không chừng là do Vân Dục muốn.

Đây đúng là chuyện tình cảm của hai đứa nhỏ vô tư.

Việc này không tiện bàn sâu, ngồi thêm một chốc thì Khải Phi và Khải Đàn phải đi, trước khi đi, Khải Đàn nói với ta, "Hoàng thúc, Hoàng huynh hứa sẽ không giết người. Đến lúc đó, người nói ra hết mọi chuyện, thành tâm ăn năn, bọn cháu lại xin Hoàng huynh thêm, nói không chừng..."

Ta đáp, "Việc đã làm, không hối hận."

Khải Phi và Khải Đàn lại nhìn ta một lát, thở dài bỏ đi.

Đợi đến khi lỗ thông hơi tắt hẳn ánh sáng, bản vương đang nhai màn thầu khô nhúng nước, một đám hộ vệ quây quanh một nhân vật tiến đến ngoài nhà lao, mở cửa lao ra.

Ta buông màn thầu khô xuống, ngẩng đầu lên nói, "Liễu thừa tướng."

Tiểu quan phía sau Liễu Đồng Ỷ bưng cái khay sơn mài hình chữ nhật, trên khay đựng bút lông, thỏi mực, nghiên mực và xấp giấy. Ta cười bảo, "Liễu thừa tướng, không thăng đường thẩm vấn đã để bản vương ký tên đồng ý à?"

Liễu Đồng Ỷ ra hiệu cho tiểu quan đặt khay sơn mài lên bàn, tiểu quan và đám vệ binh lui hết ra ngoài cửa lao, Liễu Đồng Ỷ ngồi xuống bàn, đối diện ta.

Ta bảo, "Hóa ra Liễu thừa tướng định đương đêm tra vấn phản tặc."

Ta đem chén bát trên bàn để xuống đất, chỉnh trang y phục rồi ngồi xuống, "Liễu thừa tướng muốn hỏi gì, mời hỏi."

Liễu Đồng Ỷ dưới ngọn đèn nhìn ta, từ tốn nói, "Ta vẫn chưa nghĩ ra, tại sao Vương gia phải tạo phản."

Ta nói, "Liễu thừa tướng, có gì muốn hỏi cứ hỏi thẳng đi đừng ngại ngần, không cần phải quá lắt léo đâu. Liễu thừa tướng từ lâu đã biết việc bản vương mưu phản, sao lại đoán không ra duyên cớ?"

Y trước tiên cần phải nghĩ thông suốt, rồi mới có thể xác định được ta sẽ phản, sau khi xác định xong, mới có thể lập kế hoạch.

Lúc Vân Đường Vương Cần tìm đến bản vương bày mưu, Vân Dục mới tiếp cận ta sơ sơ, Liễu Đồng Ỷ còn chưa làm Thừa tướng. Có thể vì y là người lập ra kế sách này, nên mới được thăng làm Thừa tướng.

Liễu Đồng Ỷ nói, "Tay trong của Vương Cần có quyền điều động cấm vệ quân, Hoàng thượng từ sớm đã cảm thấy ông ta có ý mưu phản, lúc kiểm tra thì phát hiện ra Vân Đường cũng tham dự, còn có ý định lôi kéo Vương gia. Lúc đó ta nhậm chức Đại Lý Tự khanh, phụng chỉ điều tra rõ chuyện này."

Ta nói, "Thế nên Liễu thừa tướng liền bày kế, tạo ra ván cờ này, sắp đặt mấy năm qua. Lấy Vân Dục làm quân cờ."

Liễu Đồng Ỷ lẳng lặng nhìn ta, chỉ trong chốc lát thì nhẹ gật đầu, "Không sai, kế nội ứng là do ta sắp đặt."

Ta thở dài, "Sớm biết thế này, lúc bản vương thương nhớ Liễu thừa tướng, đã gội đầu sạch sẽ, chặt xuống dâng lên cho Liễu thừa tướng, biết đâu Liễu thừa tướng chịu nhìn đến ta nhiều hơn. Đỡ phiền phức nhiều người đến thế."

Liễu Đồng Ỷ không đáp.

Ta bảo, "Liễu thừa tướng điều tra sở thích của bản vương vô cùng tỉ mỉ. Đa tạ ngài đã an bài một Sở Tầm cho ta. Liễu thừa tướng vì trừ bỏ một kẻ phản bội ta đây, còn sắp xếp cho Vân Dục giả vờ lui tới với bản vương hết mấy năm. Trên giường lẫn dưới giường, đều chiếu cố chu đáo."

Sắc mặt Liễu Đồng Ỷ rốt cuộc đã có biến đổi, "Sở Tầm không phải do ta an bài."

Ta chế giễu, "Tương Vương đã nhớ chốn Vu sơn, cần gì trong mộng nhắc Giang Nam. Đa tạ Liễu thừa tướng đã tặng ta những lời này."

Tương Vương đã nhớ chốn Vu sơn, cần gì trong mộng nhắc Giang Nam. Ngày ấy ở thủy tạ, lúc Liễu Đồng Ỷ nói với ta câu ấy, tột cùng đã ôm tâm trạng như thế nào?

Liễu Đồng Ỷ không nói được lời nào, một lúc lâu sau mới nói, "Sở Tầm thực sự không phải do ta an bài, mặc dù ta không từ thủ đoạn, cũng không đến mức sử dụng loại kế sách ấy."

Ta trả lời, "Giờ có tính toán so đo cũng vô nghĩa, bản vương đã thành tù nhân. Đúng người đúng tội. Ta chỉ còn một chuyện không giải thích được, tại sao Hoàng thượng và Liễu thừa tướng lại biết lối ra bí đạo đó."

Liễu Đồng Ỷ và Vân Dục chỉ mới đến thủy tạ một lần, tuyệt đối không thể biết chỗ đó có mật đạo.

Liễu Đồng Ỷ nói, bí đạo này từ lâu đã bị Vương phi nói cho Thái hậu biết, Thái hậu nói lại cho Hoàng thượng.

Giờ nhớ ra Vương phi mỗi ngày đều ở trong thủy tạ ai oán yêu đương vụng trộm, trong lúc vô tình phát hiện ra bí đạo, nói không chừng cha đứa trẻ trong bụng Vương phi cũng bỏ chạy bằng bí đạo đó.

Ta thở dài, "Chặt chẽ chu đáo thế, bản vương đúng là chẳng thể nào chạy thoát được."

Ta cầm chén nước dưới đất lên uống thấm giọng, "Liễu thừa tướng muốn biết vì sao ta lại tạo phản ư. Ta nhớ là từng nói với ngài, lúc nhỏ ta đọc binh thư, cũng được ký thác kỳ vọng rất cao. Sau đó ta té ngựa bị gãy chân trái, chân khập khiễng, sự kỳ vọng lớn lao đó cũng biến mất, ai nấy cũng khinh ta vô tích sự, ai cũng cho là Cảnh Vệ Ấp làm mất hết mặt mũi hai chữ Hoài Vương. Thế nên bản vương muốn làm nên nghiệp lớn, cho người trong thiên hạ biết, thân thể có tật vẫn có thể hoàn thành đại nghiệp."

Hết thảy những chuyện trước đây, đều là một mớ si tâm vọng tưởng của kẻ què quặt, tự mình đa tình. Ta bỗng nhiên có hơi sợ Tông Vương tỉnh lại, giờ này khắc này, chí ít ta còn là một tên gian vương muốn cướp ngôi Hoàng đế dù chưa toại nguyện. Một khi chân tướng phơi bày, ta còn lại gì chứ? Chẳng còn gì cả. Chỉ là một gã hề với hai bàn tay trắng.

Ta cầm lấy một tờ giấy, lật qua lật lại, trên ấy ghi đầy tội trạng. Điều nào điều nấy toàn là tội ác tày trời.

Ta cầm bút chấm mực, đề tên mình lên, tay mang xiềng xích nên cầm bút hơi bất tiện, viết xong, điểm thêm cái dấu tay.

"Liễu thừa tướng, tất cả những tội cần phải nhận, bản vương đều nhận hết, Liễu thừa tướng cứ yên tâm về phục mệnh."

Liễu Đồng Ỷ đứng dậy, tiểu quan tiến đến, nhận lấy tờ tội trạng, đặt vào khay.

Liễu Đồng Ỷ đứng lên rồi, song chưa đi, ta nói, "Liễu thừa tướng còn gì muốn hỏi sao?"

Liễu Đồng Ỷ nói, "Vương gia còn gì muốn nói không?"

Ta đáp, "Không, tất cả những gì nên nói đều đã nói."

Liễu Đồng Ỷ vẫn chưa chịu đi. Ta cả cười, "Không lẽ Liễu thừa tướng nghĩ ta còn điều chi giấu diếm? Chỗ Vân đại phu bắt được chính là đường lui cuối cùng của ta rồi. Liễu thừa tướng nếu không tin có thể điều tra."

Liễu Đồng Ỷ nhẹ giọng, "Sở Tầm không phải do ta an bài, ta cũng không biết người làm nội ứng là Vân Dục."

Phải hay không, có gì phải so đo nữa.

Ta đáp, "Cho dù thế thì sao nào, về đạo nghĩa mà nói, Liễu thừa tướng vì muốn bắt phản vương Cảnh Vệ Ấp, làm vậy là hết sức đương nhiên, theo lẽ thường thôi."

Liễu Đồng Ỷ tiếp tục không đáp lời, rốt cuộc cũng chịu xoay người bỏ đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro