(3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

IV. - An phận (Le contentement)

Con phải vui lòng trả quả, dù nghiệp quả của con ra sao; phải nhận lãnh nỗi đau khổ như một điều vinh-hạnh, vì lẽ nó chứng-minh rằng các Đấng Cầm Cân Nhân Quả biết con xứng đáng, mới giúp con trả quả (đã tạo trong kiếp trước). Dầu nghiệp quả con nặng đến đâu, con cũng phải biết ơn các Ngài đã không bắt con trả nhiều hơn, quá sức con. Nên nhớ rằng con không giúp ích cho Thầy được nhiều, khi mà căn quả xấu của con chưa dứt và con chưa được rảnh rang về nghiệp quả. Lúc con hiến thân để phụng sự Thầy, con đã cầu xin nhồi quả cho con, đặng làm sao trong một hai kiếp, con trả sạch nghiệp quả của con, không vậy thì cả trăm kiếp con trả mới dứt. Nếu muốn lợi dụng cách trả quả báo ấy, con phải vui vẻ, bằng lòng nhận lãnh sự trả quả.

Còn một điều nữa: hãy diệt tất cả ý muốn có của sở hữu. Có thể nghiệp quả làm cho con mất những vật con quí chuộng hơn hết..., có thể mất những người mà con yêu quí nhất; dầu vậy đi nữa, con hãy sẵn sàng và vui lòng xa lìa bất cứ vật gì hay người nào quí nhất của con.

Đức Thầy thường dùng đệ-tử làm trung-gian để sang thần-lực cho những người khác; nếu đệ tử nản chí ngã lòng, thì Đức Thầy không làm việc ấy được. Như vậy, hạnh an-phận là quí luật phải tuân theo.

V. - Nhứt tâm tiến thẳng một đường tới mục đích (Unité de direction vers le but)

Điều thứ nhứt mà con phải nhắm là làm công việc của Đức Thầy; dầu gặp việc nào khác, con cũng không được quên công việc đó. Thật ra, còn có việc gì khác nữa đâu, vì mọi công việc hữu ích và vô tư lợi đều là công việc của Đức Thầy, và con phải làm thế cho Đức Thầy.

Con phải chủ tâm vào phần việc của con làm, để làm hết sức mình. Đức Đại Giáo-Chủ nói trên cũng đã viết câu nầy: "Dầu làm việc gì, con cũng phải hết lòng như làm cho Đức Thượng-Đế, chớ chẳng phải làm cho người thế gian." Con hãy tự hỏi con phải làm công việc thế nào, nếu con biết rằng Thầy sẽ đến xem xét công việc ấy; vậy con phải nghĩ như thế để làm tròn công việc của con. Những người khôn ngoan (sáng suốt) sẽ hiểu rõ ý nghĩa của lời nói trên. Còn một câu khác cùng một nghĩa nhưng xưa hơn: Dầu tay con làm gì, con hết sức chú ý vào đó.

Nhứt tâm tiến thẳng một đường tới mục đích cũng có nghĩa là khi con bước vào đường Đạo rồi, thì không có việc chi làm cho con giây phút nào bỏ Đạo được. Chớ để những cám dỗ, những lạc thú ở đời, những luyến ái phàm tục làm cho con lầm đường lạc lối. Bởi vì con phải nhập một với Đạo; đã đến mức mà Đạo thành ra bản thể của con, con tiến bước trên đường Đạo không cần nghĩ ngợi gì khác và con cũng không thể nào bỏ Đạo được.

Con là Chơn Thần (một Thành phần của Đức Thượng-Đế), con đã chí nguyện rằng: nếu con bỏ Đạo tức là con tự lìa bỏ con vậy.

VI. - Lòng tin tưởng (La cofiance)

Con phải có lòng tin-tưởng Tôn-Sư con; mà phải tự tin nơi con nữa. Nếu con được thấy hay gặp Đức Thầy rồi, thì dầu đầu thai bao nhiêu kiếp con cũng tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài luôn luôn. Nếu con chưa được thấy Đức Thầy thì con hãy cố gắng tưởng niệm Ngài và tin cậy nơi Ngài, bằng không vậy, dầu là Thượng-Đế cũng không thể nào giúp con được. Không tin cậy hoàn toàn thì từ ái của Ngài, thần lực của Ngài không thể truyền sang đầy đủ cho con được.

Con phải tự tin nữa. Con nói rằng con quá biết con (còn nhiều tật xấu) nên con không có lòng tự tin. Nếu đó là quan niệm của con, thì con chưa biết con đâu; con chỉ biết cái vỏ ngoài của con thôi, nó thường lem luốt, bợn nhơ. Còn cái Chơn-Thần (Linh-Hồn) của con – là điểm Linh Quang của Đức Thượng-Đế mà Thượng-Đế là Đấng Toàn-Năng đang ngự nơi con; vì lẽ đó, không có điều gì mà con làm không được, nếu con quyết chí. Con hãy tự bảo như vầy: "Điều gì có người đã làm được rồi, thì người khác cũng sẽ làm được. Tôi là người, mà tôi cũng là Thượng-Đế, Ngài ngự nơi tôi, tôi có thể làm được những điều mà tôi quyết chí làm". Bởi vậy chí quyết của con phải cứng rắng như thép đã trui, nếu con muốn bước vào đường Đạo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro