̶m̶ ̶ộ̶ ̶t̶.̶

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi ngáp một cách đầy rệu rã, mồ hôi chảy lấm tấm khắp khuôn mặt, nhưng tay thì lại chẳng thể đưa lên mà lau đi vì bận xách theo đống hành lý cồng kềnh, di chuyển khẽ bước từng bước chân nhẹ nhàng theo dòng người chật trội xuống khỏi toa tàu số sáu tỏa ra bên trong thứ nhiệt nóng một cách đầy bức bối, có lẽ trông dáng dấp khệnh khạng vì mải xách đồ của tôi lúc này sẽ từa tựa khung cảnh một công nhân khốn khổ bị hoàn cảnh trớ trêu buộc phải xuất khẩu lao động người Mexico vừa bước ra khỏi một cái mỏ than di động chẳng khác mấy so với địa ngục trần gian, một điều kiện làm việc mà chẳng ai có thể chấp nhận nổi.

"Điển, đợi mẹ."

Giọng nói quen thuộc khiến tôi khẽ quay đầu lại nhìn. Ẩn mình thật bé nhỏ sau tấm lưng to lớn của tôi là mẹ, người phụ nữ mà tôi nghĩ rằng là quan trọng nhất trong mỗi cuộc đời của mỗi đứa con vẫn còn với một trái tim đập trên hành tinh. Bà luồn lách khỏi những thân hình người vạm vỡ để đến gần đứa con trai, tròng mắt tôi có thể phản chiếu thấy rõ rằng khuôn mặt thanh tú kiêu sa của bà đang dần cau có đến đanh cả lại vì những sự bất tiện rẻ rúng mà bà ấy nghĩ sẽ chẳng bao giờ nên xuất hiện, dù chỉ là một vài khoảnh khắc trong cuộc đời thanh cao chẳng ai có thể chạm tới của mình.

Hoặc ít nhất, tôi đoán chắc là bà ấy vẫn còn nghĩ mình thật cao quý hay một danh xưng gì đó gần giống như vậy.

Cuối cùng sau một vài giây, tôi cũng đã dốc hết sức mà làm tròn trách nhiệm của một người con hiếu thảo, tôi vừa bê vác chỗ hành lý nặng như thể trọng lực đang tác dụng lên cơ thể tôi lớn gấp đôi người bình thường, lại còn vừa mang thân mình đến được cánh cửa thoát khỏi khói lửa của địa ngục đang mở sẵn cho những tâm hồn đã biết hối cải.

Tôi bước ra ngoài, nhẹ ngẩng đầu, cố gắng hít thở càng nhiều không khí trong lành vào phổi càng tốt, mắt tôi nhìn lên bầu trời nhuộm một màu cam cát, rồi lại đảo qua cái cảnh vật nhộn nhịp đang diễn ra ở ngay phía trước. Tôi hơi nhếch miệng, vẽ lên một nụ cười nhỏ cho riêng mình thấy, thật đúng như những lời kể thấm đẫm những mộng mơ trong từng câu chuyện cha tôi vẫn thường nói mỗi khi tôi hỏi về mảnh đất đặc biệt này ngày ông vẫn còn sống.

Quả là khi tôi chỉ vừa mới rời khỏi mái che của toa tàu, khẽ chạm gót giày của mình xuống mặt đất, ngay lập tức, tôi lần đầu tiên được diện kiến cái nắng mùa hè đến gay gắt, đến chói chang đặc trưng vào mỗi độ gần trưa của những vùng thuộc khí hậu nhiệt đới, chúng như những đứa trẻ ngây thơ đang đùa nghịch với đôi giầy cao su cứ kêu vài tiếng 'chíp chíp' mỗi bước đi, chúng như sa, như ùa từng gợn, từng gợn xuống mái tóc đen nhánh dày rồi chơi đùa trên đôi vai gầy của tôi, nhẹ nhàng mà đậm đà, cái nắng chẳng ngần ngại e thẹn chiếu thẳng vào đôi mắt nâu đậm mà tôi thừa hưởng từ ông.

Chỉ mỗi một thứ ông đã không kể tới, và may cho tôi rằng ngày tôi còn nhỏ ông đã không khiến con mắt của tôi nhìn quê hương khác đi, chính là việc những hành khách rệu rã vừa ra khỏi toa tàu đã ngay lập tức bị các chú xe ôm săn đón nhiệt tình, hết người nọ hỏi đi về đâu rồi qua một khúc sẽ lại đến người khác hỏi. Tôi nghĩ chắc phải ai có nhiều bản lĩnh lắm mới không bị những sự chân thành ấy gạ gẫm để lôi lên xe với giá cắt cổ.

Nắng dữ dội như một cơn bão không mưa khiến tôi phải nhăn mắt lại trong một chốc, toàn bộ phần da thịt lộ ra bên ngoài của tôi bỗng như bị quả cầu lửa to lớn trên trời cao thiêu đốt đến từng miếng, từng tế bào, tạo ra một cảm giác nóng đến bỏng rát, dù chẳng giống khi ta lỡ chạm vào nước sôi, nó cứ bỏng, cứ rát, cứ khiến tôi phải đau theo cách riêng của nó.

Lúc này, từ sâu bên trong tâm trí tôi mới bắt đầu nhen nhóm lên một suy nghĩ dằn vặt tôi phải tiếc nuối, giá chi mà tôi không cãi cọ, giá chi lúc ấy tôi chịu dẹp bỏ cái thể diện bên ngoài mà xuống nước nghe lời mẹ đội chiếc mũ quý tộc Anh giống bà, mặc dù theo tôi nó thật trông hết sức ngớ ngẩn khi phải đội nó về quê, thứ đã không được loài người như tôi rủ ra một chút thương tiếc, để rồi mãi mãi an nghỉ ở khu vực sân bay Pháp thì giờ đây, binh đoàn nắng đã chẳng phải rộng chỗ mà cho quân xâm lăng chiếm hết diện tích khuôn mặt lẫn cơ thể của tôi.

Nhưng tôi nói giá chi với mọi người được bao lâu kia chứ, quyền lựa chọn lúc ấy là ở tôi cơ mà, chính tôi đã chọn ném cái mũ vô tội ấy đi, thì giờ tôi sẽ phải có trách nhiệm gánh chịu hậu quả sau quyết định sai lầm ấy.

Nhưng nắng dù là một kẻ thù đáng gờm trên công cuộc bảo vệ vẻ bề ngoài, thì trong tâm hồn tôi, nó lại chẳng là gì so với cảnh tượng hùng vĩ mà tôi đang được tận mắt chứng kiến. Lần đầu tiên, cửa sổ tâm hồn của tôi được chiếu qua khung cảnh sân ga ở chính quê hương mình, được nhìn ngắm những con người quê chất phác, những bác nông dân thật thà và vui tính hay những cô hàng nước dù có đanh đá nhưng lại chẳng bao giờ có ý xấu với ai, những nhân vật trong từng câu chuyện, từng lời kể của cha tôi mỗi khi ông chúc tôi ngủ ngon như đã trỗi dậy và sống ngay trước tôi.

Những đường ray rỉ sét xung quanh toàn là những sỏi đá khô cằn, những vết sơn xanh trắng bị bong tróc bởi năm tháng của con tàu chúng tôi vừa bước xuống, tất cả chúng vẽ lên trước tôi một khung cảnh vừa náo nhiệt, vừa nhộn nhịp pha thêm chút mộc mạc đi cùng với một thứ cảm xúc hết sức lạ lẫm đang trào dâng khắp mọi bộ phận cơ thể tôi, một cảm giác như tôi đã thực sự đặt chân về đến nơi được định nghĩa là nhà, nó mang cho tôi sự an toàn chẳng biết từ đâu đến cùng sự thân thuộc cũng chẳng rõ từ đâu ra, dù tôi chẳng phải một người đàn ông vô gia cư đáng thương để biến bãi đất của sân ga thành nhà mình.

Khi đầu óc tôi còn đang mải đắm chìm trong một hố sâu suy nghĩ vô đáy, mẹ tôi lúc này mới bước đi từng bước chân một cách đầy thong thả, tay bà xách chiếc túi hiệu đắt tiền như một hành khách hạng thương gia đang đi làm từ thiện ở các chốn nghèo, mà tôi biết mẹ tôi luôn tỏ rõ ý khinh khỉnh, rồi dần từ lúc nào đã tự gắn hình ảnh quê hương mình với những từ ngữ như thiếu văn minh hay vô tổ chức.

Tôi nhìn theo hình bóng bà lướt qua một cách thật vô tình trước những lời mời gọi đi xe từ khuôn mặt dầm mưa dãi nắng đầy những vẻ khắc khổ của người tài xế, mẹ tôi bước đi như thể bà và họ chẳng cùng một đẳng cấp để phải tiếp chuyện, hay thậm chí chỉ là nhìn vào mắt nhau.

Mẹ tôi cứ đi như vậy, qua cả nơi đón khách nhộn nhịp của sân ga, với vẻ mặt lạnh lùng, hờ hững đến lạnh cả người, bà chẳng thèm để tâm hay thậm chí chỉ là một cái liếc nhẹ đến những chiếc Honda Super CUB 50 hay Suzuki Viva mà bản thân luôn coi thường cái xuất thân của chủ chúng. Mũi giày hơi nhô ra của đôi cao gót đen sang trọng chỉ dừng lại khi trước nó là một chiếc bánh xe lớn, hay để nói đúng hơn, chính là thứ duy nhất mà người đang đi nó nghĩ rằng sẽ phù hợp với xuất thân danh giá hay khí chất quý phái của mình.

Mẹ tôi dừng bước lại trước một chiếc xe con lạ trông có vẻ thuộc dòng đã khá cũ đang ung dung đỗ lại bên lề đường ngoài cổng sân ga, khẽ gõ bàn tay nhẹ vào khung kính cửa sổ, như nhận được một tín hiệu béo bở, ngay lập tức nó dần hạ xuống, sau lớp kính là một người đàn ông ngoài trung niên trông có vẻ hơi bụi bặm, da nâu sạm với bộ ria mép cùng lún phún những râu dưới cằm. Ông ta thấy bóng dáng điềm đạm trông có vẻ giàu có của mẹ tôi liền mỉm cười rộng, để lộ ra một hàm răng không được đều đặn bởi vài ba cái răng khểnh, nhưng với tôi, chúng vẫn rất duyên chứ chẳng hề thô kệch hay làm xấu mặt đến mức phải thay đi.

"Chị đi xe không, chị?" - Người tài xế mở lời trước, với tông giọng khàn khàn đặc trưng của một dây thanh quản đã phải hứng chịu lấy cái độc hại của việc hút thuốc lá lâu năm.

"Phiền ông, cho chúng tôi đến số nhà 112/1, đường Hương Hoa, sâu bên trong thị trấn Dương Ánh ấy."

Bà cất tiếng nói thanh thoát của mình, giọng nói trong trẻo của một người phụ nữ có xuất thân cao quý vẫn luôn như một bản nhạc dương cầm chậm rãi mà sâu lắng được chơi theo một cách đầy kinh nghiệm và kỹ thuật bởi người nghệ sĩ lớn tuổi đã hoạt động hơn cả thập kỷ trong nghề, chúng như một thứ âm thanh trầm bổng, mang cho mình sự cao quý và êm dịu. Nhưng tại sao tôi lại miêu tả mẹ mình theo cái lối văn chương đầy thơ mộng và trừu tượng ấy chứ, những lời viết hoa mĩ ấy chỉ nên được xuất phát ra từ ngòi bút của một vĩ nhân, buồn cười ở chỗ thứ như tôi sao có thể được người đời coi là một vĩ nhân, nhất là khi tôi đang phải gồng mình lên để bê vác không biết bao thứ vali, thứ túi xách to lớn nặng như mang cả cái đàn dương cầm đặt lên cả tay vẫn vai chứ hơi đâu để chơi, họa chăng cũng chỉ là những câu từ gió bay, mĩ miều mà mẹ tôi đem lòng căm ghét của một tâm hồn nghệ sĩ hờ.

"Vâng, vậy mời hai mẹ con lên xe."

Ông ta cười hí hửng như nghĩ rằng sau cả mấy giờ đồng hồ vắng khách đến mức muốn đi về, cuối cùng mình cũng đã trúng mánh được một mẻ lớn khi chở xe cho người giàu. Người tài xế mở cửa, cúi đầu ngụ ý mời mẹ tôi hay vị khách thương gia của ông ấy lên xe, bà cũng lấy đó làm hài lòng, nhìn tôi ra hiệu khiêng đồ vào cốp rồi khẽ nhấc tà váy dài gần chạm đất của mình vào bên trong. Ông ta đóng cửa, từ ngoài khung cửa sổ còn đứng đó mà cười theo kiểu nhân viên phục vụ, hàng mấy giây sau mới thấy bắt đầu rảo bước đến chỗ tôi. Chỉ trong thoáng chốc người đàn ông đã tới, có lẽ khi đảo mắt nhìn vào bộ dạng nom trông như một tên cửu vạn thảm hại dưới trời nắng nóng gần bốn chục độ của tôi, tấm lòng của ông có lẽ đã phát lên tín hiệu cho bộ não về sự thương hại giữa người với người.

"Để tôi khiêng giúp."

"Dạ, cháu cảm ơn bác."

Ông ta nói, một tay đỡ lấy cái túi to nhất đang được treo vắt vẻo, nặng kình trên vai tôi, tay còn lại cố gắng kéo theo chiếc vali cỡ đại nằm yên vị trên mặt đất trong tiếng cảm ơn rối rít, liên tục không ngớt của tôi. Cả cơ thể cũng có thể nhận xét là trai tráng cao lớn của tôi như được người tài xế giải phóng đi hơn phân nửa gánh nặng, giờ đây, tất cả những gì dù cho có lớn hay nhỏ mà tôi đang phải mang, cảm giác chúng cũng chỉ là những thứ vặt vãnh nhẹ tựa lông công sẽ chẳng thể làm hỏng một ngày tốt đẹp của tôi.

Ít nhất là cho đến khi lòng tôi cảm thấy hơi áy náy trong tâm can khi thấy người tài xế đang chật vật với việc để hai cái túi vào cốp xe.

Nhưng ông ấy đã yêu cầu được giúp tôi mà, bằng suy nghĩ ấy, tôi quyết rũ bỏ hết tất cả cảm giác áy náy. Mắt tôi nhìn thẳng về phía chiếc xe, môi mỉm cười, một nụ cười rạng rỡ nhất mà tôi có thể nhấc được hai bên mép lên, hai chân bước đi đong đầy sự tự tin nhưng cũng nghiêm phong theo kiểu lớp tập huấn quân đội. Tôi tiến về phía cốp xe để cho đồ vào, nhưng chợt người tài xế lại dùng chính đôi bàn tay ông ấy đóng nó lại, ngay khi tôi đã đi đến rất gần. Sự tự tin của tôi ngay lập tức bị chia đôi chỉ còn một nửa. Thế rồi nó hoàn toàn bị chia hết không dư khi ông ta nhìn tôi, lắc đầu vài cái rồi nói với tôi một câu chẳng khác đâu sét đánh ngang tai.

"Túi đồ to quá, hết mất chỗ rồi. Thôi thì phiền cháu cho nốt chỗ còn lại vào ghế sau, rồi cố chịu khó cho đi hết đoạn đường này nhé."

Không còn cách nào khác, vậy là đám đồ còn lại được ngồi trên ghế nệm êm phía sau xe, ngay bên cạnh người chủ nhân đang oán hận ông trời không để yên cho một ngày hạnh phúc trôi qua êm đềm của nó. Có thể lúc này, mọi người sẽ nghĩ tính tình tôi khá vương giả và cao ngạo do đã được sống trong nhung lụa ngay từ thuở mới lọt lòng, nhưng hãy tin tôi đi, chúng ta phải công nhận với nhau rằng gần như ai cũng sẽ buộc phải phát khóc ra nước mắt khi gần bốn phần năm chỗ ngồi của họ đã bị đám túi đồ trạc thực chất chứa toàn quần áo đã bị ám cái mùi buồn nôn kinh khủng của toa tàu cũ chiếm đóng.

Nhưng tôi không có quyền được lựa chọn, vì chiếc xe đã đầy vô tình, quyết định lăn bánh.

Trong xe cũng chẳng thoải mái mấy khi hết từ chỗ ghế nệm hàng ghế dưới, hàng ghế trên đến khu vực bánh lái được phủ lên một thứ mùi đậm đặc, nồng nặc khác hẳn với những chiếc xe Taxi ở Paris, bởi tôi thiết nghĩ rằng gần như bất cứ ai chắc chắn cũng sẽ thấy mùi thoang thoảng nước hoa khác với mùi bắp cải hòa lẫn với nước luộc rau muống. Tiếng máy nổ của xe hơi dù không to bằng những chùm pháo hoa rực rỡ được bắn lên trời hay chỉ là những tiếng khởi động động cơ của xe gắn máy, nhưng nó vẫn đủ công lực khiến cho trái tim bé nhỏ của tôi phải giật mình khẽ thon thót.

Qua một lớp kính dày đã in hình vài vệt xước lớn ở khung cửa sổ xe, trong khi toàn bộ tâm trí tôi đang cố gắng quên đi cái mùi kinh khủng của cả xe lẫn chỗ hành lý, ngón tay tôi nhẹ nhấn vào chiếc nút màu đen nhỏ để hạ bớt cửa kính, đôi mắt tôi ngay lập tức như bị hút vào từng cảnh vật đang lướt qua nhè nhẹ nhưng lại thật vội vã.

Tôi nhìn thấy các cô, các chú đầu đội nón, nhễ nhại mồ hôi dưới cái nắng gắt gỏng bên sạp hàng rong với đủ mọi mặt hàng, từ những cây cây kẹo cứng mang trên mình đủ thứ hình dạng ngộ nghĩnh, những chiếc chong chóng được điểm tô đầy sặc sỡ những sắc màu tươi trẻ như đang sáng bừng lên dưới nắng, cho đến cả những chùm túi nhựa bóng trong suốt đựng thật nhiều các loài cá cảnh đa dạng khác nhau như những chú cá màu vàng cam, bác cá chọi hống hách hay cậu cá ba đuôi với làn da nhị thể.

Xung quanh những gian hàng nhỏ gọn  xinh xắn được đặt san sát nhau ấy ắt hẳn không thể thiếu sự xuất hiện của những cô cậu bé nhỏ tuổi, tay nắm lấy gấu váy của mẹ, môi chúng bĩu lên, mắt hơi nước, hầu như đều làm gương mặt nũng nịu, vòi vĩnh không cái kẹo thì cũng con cá. Có những đứa đòi mẹ không được còn đạp chân, giãy đành đạch ra cả nền đất bẩn, khóc rống lên từng hồi, thu hút mọi sự chú ý của người đi xung quanh. Nhưng bên cạnh đó, cũng có thành phần dù mẹ có không mua nhưng vẫn lặng im như tờ, dường như chúng chỉ dám cất cái ấm ức ấy vào trong tim mà nhìn món đồ mình thích bị người khác mua mất.

Rồi sau một hồi lâu dù tôi cũng chẳng bây giờ là mấy giờ, hay thậm chí đang là buổi sáng hay buổi trưa, xe chúng tôi cuối cùng cũng đi qua một cái cổng treo biển hiệu lớn ghi hai chữ được viết cách điệu "Dương Ánh" để vào được thị trấn.

Khung cảnh thơ mộng với sắc xanh mướt tươi sáng, mộc mạc bên ngoài như thỏi nam châm mới được gọt dũa thu hút cái tâm trí tựa hòn sắt lớn của tôi, khiến tôi chẳng mảy may nghĩ thêm điều gì mà khẽ đưa đầu của mình ra ngoài để đón lấy chút gió. Suốt cả quãng đời dài này, đôi mắt của tôi, chưa bao giờ được chứng kiến một thứ nào khác đẹp đến vậy, hai bên đường cát gồ ghề mà xe tôi đi qua là bạt ngàn những cánh đồng mạ lúa xanh tươi mát vừa mới được cấy cách đây chắc cũng chưa lâu. Vạn vật hiện lên trước con ngươi tôi như một bức yểm họa đầy màu sắc, những người nông dân chăm chỉ, những màu xanh lam nhẹ của trời hòa cùng màu xanh mơn mởn của mạ non sinh động hơn thật nhiều so với những bức hình chụp mà cha tôi hay gửi về Pháp ngày tôi còn nhỏ, mỗi khi ông được đi công tác ở Việt Nam.

Nó đẹp, đẹp một cách khó có thể diễn tả, đẹp với những ruộng lúa thênh thang, với đàn cò trắng bay la đà duới khoảng trời cao bất tận, với một mùi hương của đất, của gió, của cây cỏ khiến tôi dường như phải thốt lên trong cái tâm trí nhỏ bé này.

"À, thì ra quê hương mình là đẹp như thế."

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã được đặt lưng nghỉ ngơi trên chiếc ghế Sofa tại trạm dừng chân đắt giá nhất trên chuyến hành trình dài khởi hành từ Paris về Dương Ánh, tại phòng khách của số nhà 112/1, căn biệt thự bạc tỷ của phú ông Trịnh Đông Hoàng, hay nói đúng hơn là người ông ngoại già của tôi. Tôi thực sự rất ít khi được gặp ông, mà có chắc cũng chỉ là vài bức thư hay những cuộc điện thoại chóng vánh. Nếu không gặp, không trò chuyện thì chắc chắn cũng chẳng hề thân thiết, đến nỗi giờ tôi còn chẳng biết ngày tháng năm sinh của ông hay ông năm nay đã bao nhiêu tuổi, tôi chỉ được nghe kể lại từ những câu chuyện hiếm hoi của mẹ rằng ông rất khó tính.

Ông chưa bao giờ hài lòng về mẹ của tôi, hoặc ít nhất là mẹ tôi nghĩ như vậy, ông luôn áp đặt bà vào một khuôn khổ khắc nghiệt, khiến bà gần như không thể chịu nổi dẫn đến quyết định xách vali lên và bỏ nhà đi ngay đêm ngày sinh nhật lần thứ hai mươi lăm để theo bố tôi sang Pháp.

Từ đó, ông và mẹ tôi chưa bao giờ gặp lại hay nói chuyện với nhau thêm lần nào nữa, cho đến cuộc gọi định mệnh vào tuần trước, khi mẹ tôi thông báo rằng gia đình tôi ở nước ngoài đã vỡ nợ, người của ngân hàng đã đến siết nhà và giờ chúng tôi sẽ phải về Việt Nam. Tôi biết ông rất sốc, có lẽ phần nhiều là sự thất vọng của ông đối với mẹ như thường lệ, nhưng cũng có một phần dù chỉ nhỏ nhưng mãnh liệt của sự đau đớn đã khiến ông ngất đi và phải nhập viện ở tỉnh, vì ai mà nghĩ được cuộc trò chuyện đầu tiên sau hơn hai mươi năm xa cách giữa hai cha con lại là về chuyện phá sản cơ chứ.

"Mẹ tới bệnh viện thăm ông một chút, con ở nhà học bài đi nhé."

"...Dạ."

Tôi đang ngồi, đầu chứa hàng vạn suy nghĩ, tay vẫn lật từng trang sách trên bàn học cũ của mẹ, bỗng giật mình khi thấy bà đã đứng đó từ bao giờ, giọng bà vang lên khẽ khẽ nhưng vẫn đủ uy lực của một người khiến người con thấp cổ bé họng như tôi buộc phải nghe theo. Mẹ tôi gật đầu một cái tỏ ý hài lòng, bà quay lưng đi nhưng rồi khựng lại như thể đã quên mất điều gì đó quan trọng chưa nói với tôi. Bà xoay người lại, rồi nhìn đứa con thân yêu nhất của bà.

"Mà Điển này, mẹ đã đăng ký cho con một lớp học thêm toán rồi đấy. Tuần sau sẽ bắt đầu đi học, để làm quen với trường mới, thầy mới. Con lo mà ôn lại kiến thức đi, hổng chỗ nào thì bù vào." - Mẹ tôi nói, giọng bà đều đều như thể đó là một lẽ thường tình.

"Nhưng, theo con thấy, thì nhà ta đâu còn nhiều tiền để đi học như vậy hả mẹ?" - Tôi nói, ánh mắt tôi lộ rõ vẻ đầy nghi hoặc nhìn mẹ.

Mẹ tôi im lặng, cả người trầm ngâm đi một lát, rồi đôi lông mày bà khẽ nhíu lại, giọng nói đã có vẻ mang chút tức giận. "Đó không phải chuyện của con, chuyện của con là học, học cho thật tốt."

"Dạ, con hiểu rồi, con xin lỗi." - Biết rằng mình đã lỡ đụng phải tổ kiến lửa, tôi khẽ rụt cổ lại rồi khẩn khoản nói vài lời trăn trối tới mẹ tôi.

Nghe những lời chân thành từ phía tôi, chắc mẹ cũng đã bớt nóng giận đi phần nào, bà như dịu xuống, mắt bà hiền hẳn đi rồi bà khẽ thở dài. "Thôi, con học đi."

Nói rồi, mẹ quay đi, chỉ vài chốc đã thấy mẹ khẽ xuống sân, mở cái cổng sắt lớn buớc ra rồi khóa lại, tôi thấy bà đi từng bước khoan thai ra khỏi khu vực nhà mình.

Tôi vươn vai nhìn nắng một chút rồi cũng chẳng còn biết làm gì hơn ngoài việc lấy sách toán bằng tiếng Việt mới cũ ra học, đơn giản là vì mẹ tôi chưa bao giờ cho rằng tôi đã lớn và có thể gánh vác những chuyện quan trọng trong nhà, dù con của bà đã lớn đến muời bảy tuổi đầu. Hơn nữa, tôi cũng không có khả năng trốn đi chơi đâu đó vì mẹ tôi đã lo đến chuyện ấy và mang chìa khóa đi, nhưng tôi thấy bà đã lo hơi quá xa xôi, vì con trai yêu quý của bà, Kim Bản Phương Điển, thậm chí còn chẳng có nổi một người bạn để cùng đi vui thú.

Tay đặt bút viết lên vài con số, vài công thức vào một trang giấy trắng của quyển vở bài tập do mình tự phong, mắt tôi bỗng chốc nhìn đầy vô định về khung cửa sổ phía trước, lòng chợt trào dâng lên một câu hỏi mà tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ có nổi một lời giải đáp, rằng cuộc sống tẻ nhạt này của tôi sẽ nhàm chán như vậy đến bao lâu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro