Xuất khẩu giá CIF, Nhập khẩu giá FOB

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xuất Nhập Khẩu

Xuất khẩu giá CIF, Nhập khẩu giá FOB:Lời giải cho bài toán nhập siêu

Làm thế nào để giảm nhập siêu? Đó là một trong những câu hỏi luôn được đặt ra trong các kỳ họp Quốc hội, không chỉ dành cho Bộ Công Thương, mà còn dành cho tất cả các doanh nghiệp và những người làm công tác quản lý xuất nhập khẩu trong toàn quốc. Ông Hoàng Tuấn Việt - Tham tán Thương Mại Việt Nam tại Chi Lê đã cung cấp thông tin về vấn đề này.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) tại hội nghị Thương mại toàn quốc ngày 1/2/2007 tại Hà Nội, trong năm 2006, cả nước xuất khẩu 39,6 tỷ USD (trị giá FOB), nhập khẩu 44,4 tỷ USD (trị giá CIF). Cán cân thương mại nghiêng về nhập khẩu, ta nhập siêu 4,8 tỷ USD. Tuy nhiên, cần phải phân tích rõ về cơ cấu hàng nhập khẩu của nước ta như sau:

- Hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất để tái xuất khẩu và sản xuất trong nước, bao gồm các mặt hàng: gỗ nguyên liệu, bột giấy, bột cá, đồng nguyên liệu, bông và sợi các loại, phân bón, sắt thép, da nguyên liệu, máy móc thiết bị v.v...chiếm khoảng 70%. Các mặt hàng tiêu dùng khác chiếm khoảng 30% trên cơ cấu hàng nhập khẩu.

Như vậy, để giảm nhập siêu, chúng ta không thể giảm nhập các mặt hàng trong nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, chỉ có thể giảm nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng. Theo lý thuyết "cung cầu", ở đâu có cung, thì ở đó có cầu. Đơn cử một mặt hàng đồ chơi trẻ em "đèn ông sao", xem lại bức ảnh chụp các em thiếu nhi năm 1945 cầm đèn ông sao làm bằng que gỗ có dán nilon xanh đỏ. Đến nay đã trên 60 năm, các nhà sản xuất trong nước vẫn không thay đổi mẫu mã, vẫ "giữ nguyên" như cha ông ta ngày xưa.

Trong khi đó các nhà sản xuất sản xuất đồ chơi của Trung quốc mỗi năm thay đổi mẫu mã một lần, hàng hoá rất phong phú, khiến các nhà nhập khẩu Việt nam không thể không nhập khẩu mặt hàng hấp dẫn này, phục vụ cho người tiêu dùng trong nước. Do đó, để giảm nhập siêu hàng tiêu dùng, cần phải có sự đầu tư của các nhà sản xuất trong nước, sao cho hàng hoá của ta có thể cạnh tranh được hàng hoá của nước ngoài.

Ngoài các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu do Bộ Công Thương đề ra như: Chủ động khai thác thị trường mới, mặt hàng mới, tăng số lượng hàng, nâng cao chất lượng để tăng giá trị gia tăng của hàng hoá xuất khẩu v.v...Thương vụ Việt nam tại Chi Lê xin đề xuất một giải pháp hoàn toàn mang tính nghiệp vụ: "Xuất khẩu giá CIF - Nhập khẩu giá FOB", nếu thực hiện tốt có thể góp phần làm thay đổi cán cân giữa xuất và nhập.

Những quy tắc chính thức của Phòng Thương mại quốc tế giải thích các điều kiện thương mại năm 2000 (gọi tắt là INCOTERMS 2000) là gì ?

- Giao hàng theo điều kiện CIF (C - cost: Tiền hàng; I - insurance: Bảo hiểm; F - freight: Cước phí). Theo điều kiện này, người bán phải giao hàng qua lan can tầu tại cảng gửi hàng, phải mua bảo hiểm cho hàng hoá và thuê tầu (hoặc container) vận chuyển hàng hoá đến cảng dỡ hàng.

- Giao hàng theo điều kiện FOB (Free On Board - Giao hàng lên tầu". Theo điều kiện này người bán chỉ cần giao hàng lên tầu tại cảng bốc hàng.

Qua các giao dịch trong thời gian vừa qua, phần lớn các doanh nghiệp trong nước chỉ thực hiện xuất khẩu theo điều kiện FOB, nhập khẩu theo điều kiện CIF. Có 2 nguyên nhân dẫn đến thói quen này của các doanh nghiệp ta:

- Thiếu thông tin về bảo hiểm và giá cước tầu hoặc container.

- Tâm lý cán bộ nghiệp vụ ngại chào hàng theo điều kiện CIF, vì phải tính toán tỷ lệ phí mua bảo hiểm và cước tầu (hoặc container), do đó các doanh nghiệp của ta chỉ chào hàng theo điều kiện FOB, vì giao hàng lên tầu là hết trách nhiệm. Nếu nhập khẩu, thường đề nghị khách nước ngoài chào hàng theo điều kiện CIF, hoặc CFR (giá hàng và cước phí)

Phương thức và cách thức Giao hàng theo điều kiện CIF đem lại lợi ích gì cho Quốc gia và cho cộng đồng Doanh nghiệp?

+ Lợi ích đối với quốc gia: Theo bảng minh hoạ dưới đây, nếu trong năm 2007, giả sử tất cả các doanh nghiệp trong toàn quốc đều xuất khẩu theo điều kiện CIF, chúng ta sẽ xuất khẩu được 50,86 tỷ USD, thay vì chỉ xuất khẩu được 47,54 tỷ USD theo điều kiện FOB, như kế hoạch của Bộ Công Thương. Phần ngoại tệ tăng thêm 3,32 tỷ USD cho quốc gia là do thu được tiền bảo hiểm và cước tầu.

+ Lợi ích đối với doanh nghiệp:

- Đối với doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp: Nếu xuất khẩu theo điều kiện CIF, sẽ thu được trị giá ngoại tệ cao hơn, so với việc xuất khẩu theo điều kiện FOB. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp thiếu vốn, có thể dùng thư tín dụng (L/C) thế chấp tại ngân hàng, sẽ vay được số tiền cao hơn. Doanh nghiệp rất chủ động trong việc giao hàng, không phải lệ thuộc vào việc điều tầu (hoặc container) do người nhập khẩu chỉ định. Đôi khi vì lệ thuộc vào khách nước ngoài, tầu đến chậm làm hư hỏng hàng hoá đã tập kết tại cảng hoặc trong kho, nhất là hàng nông sản.

- Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tầu (hoặc container): Các công ty này của Việt nam rất thiếu việc làm, nếu các nhà xuất khẩu liên hệ mua bảo hiểm hàng hoá và thuê tầu (container) trong nước, chắc chắn sẽ làm tăng doanh số cho các doanh nghiệp này, giải quyết thêm việc làm cho cộng đồng của chúng ta, hơn là để các công ty nước ngoài thu được phí bảo hiểm và cước tầu.

+ Đối với các cán bộ nghiệp vụ trong các doanh nghiệp xuất nhập khẩu: Theo thông lệ của các công ty bảo hiểm và hãng tầu, luôn luôn trích lại một tỷ lệ gọi là "tiền hoa hồng - commission" cho những người giao dịch trực tiếp với họ. Số tiền này không hề ảnh hưởng đến tiền hàng (cost) của doanh nghiệp. Thay vì phí bảo hiểm và cước tầu nước ngoài được hưởng, nếu các cán bộ nghiệp vụ trình Giám đốc phương án xuất khẩu theo điều kiện CIF, thì họ rất xứng đáng được nhận khoản hoa hồng trên, chúng ta không nên coi đó là tiền hối lộ, như lâu nay nhiều người thường quan niệm.

Hình thức Nhập khẩu theo điều kiện FOB, đem lại lợi ích cho Quốc gia và Doanh nghiệp

Theo nguyên lý trên, thay vì các doanh nghiệp nhập khẩu theo điều kiện CIF như hiện nay, chúng ta nên yêu cầu khách nước ngoài chào hàng theo điều kiện FOB.

+ Lợi ích cho quốc gia: Nếu tất cả các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu theo điều kiện FOB, kim ngạch nhập khẩu trong năm 2007 của cả nước chỉ là 48,55 tỷ USD, thay vì 52,20 tỷ USD nhập khẩu theo điều kiện CIF. Số ngoại tệ nhập khẩu giảm (-) 3,65 tỷ USD, do chúng ta tiết kiệm được tiền bảo hiểm và cước tầu phải trả cho nước ngoài.

+ Lợi ích đối với doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu: Các doanh nghiệp trả tiền ký quỹ để mở L/C ít hơn nếu nhập khẩu theo điều kiện CIF. Nếu nhập khẩu theo điều kiện CIF, khi khách nước ngoài giao hàng, sau 3 ngày họ đã điện đòi tiền. Nếu nhập khẩu theo điều kiện FOB, khi hàng cập cảng, doanh nghiệp nhập khẩu mới phải trả tiền cước tầu, doanh nghiệp không bị tồn vốn, hoặc không phải trả lãi vay ngân hàng cho khoản tiền cước tầu, giảm được giá thành hàng nhập khẩu.

+ Lợi ích đối với cá nhân, cũng tương tự như trên.

Như vậy việc xuất khẩu theo điều kiện CIF, nhập khẩu theo điều kiện FOB, đã tạo ra lợi ích cho quốc gia, cho doanh nghiệp và cho cá nhân. Đối với quốc gia có thể làm thay đổi cán cân giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Theo ví dụ trên, giả sử thực hiện theo điều kiện tuyệt đối, chúng ta sẽ xuất khẩu được 50,86 tỷ USD trị giá CIF, nhập khẩu 48,55 tỷ USD trị giá FOB, cán cân thương mại sẽ nghiêng về xuất khẩu, tăng (+) 2,31 tỷ USD so với nhập khẩu.

Tác giả bài viết này vào những năm 1990 phụ trách một tổ XK của một CT XNK thuộc Bộ Thương mại, khi XK đá Granite tại Quy Nhơn (Bình Định) đi Nhật Bản và XK vải sợi tại Nha trang đi Đài Loan, đã chào hàng theo giá CFR, ký hợp đồng thuê tầu chở hàng XK đá và ký hợp đồng vận chuyển container với hãng GERMATRANS chở hàng vải sợi. Mỗi lần XK, các hãng tầu đều trích phí hoa hồng cho nhóm. Sau mỗi lần XK, mọi người lại có một buổi uống bia, nên rất tích cực trong việc thuê tầu hoặc container để vận chuyển hàng xuất khẩu. Về nhập khẩu phân bón phục vụ sản xuât nông nghiệp theo điều kiện CFR, đã mua bảo hiểm tại Tổng công ty Bảo hiểm Việt nam (BẢO VIỆT), ngoài ra còn tư vấn cho các doanh nghiệp khác mua Bảo hiểm trong nước.

Cần tuyên truyền sâu hơn rộng hơn về vấn đề này

Người Trung quốc có câu: "Nếu một việc nói một lần không được, thì nói 10 lần. Nói 10 lần chưa được thì nói 100 lần". Tác giả bài viết này mong muốn nhiều cơ quan thông tấn trong nước đăng thông tin này cho cộng đồng doanh nghiệp Việt nam tham khảo. Việc xuất khẩu theo điều kiện CIF và nhập khẩu theo điều kiện FOB, không phải là quá mới đối với doanh nghiệp Việt nam, tuy nhiên do thiếu thông tin và do thói quen của các doanh nghiệp chúng ta, nên mọi người không chú ý, thậm chí khi xuất khẩu, chỉ cần xuất khẩu hàng hoá theo điều kiện FOB là được. Khi đọc được thông tin này, hy vọng các anh chị Tổng Giám đốc/Giám đốc các doanh nghiệp hết sức LẮNG NGHE & PHÂN TÍCH. Cán cân thương mại của quốc gia có nghiêng về phần xuất khẩu, chủ yếu là do sự chỉ đạo kiên quyết của các anh chị với nhân viên. Thay đổi tư duy của doanh nghiệp, dẫn đến thay đổi cán cân thương mại không thể thực hiện trong một năm, mà có thể kéo dài hàng chục năm, hoặc lâu hơn, tuỳ theo sự thực thi của cộng đồng doanh nghiệp chúng ta.

Việc chỉ đạo tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Công Thương, mà rất cần sự chỉ đạo của các Sở Thương mại, các Hiệp hội ngành hàng, các đồng chí Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các Tỉnh và Thành phố, và cao hơn sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội nghị Thương mại toàn quốc năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trao giải thưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín đã nói: "Tôi chưa bao giờ trao giải thưởng cho đơn vị nào. Đây là lần đầu tiên tôi trao giải thưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín". Điều đó khẳng định sự quan tâm của Chính phủ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín trong nước.

Để động viên cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và Tỉnh/Thành phố có có thành tích trên, Chính phủ có thể có hình thức khuyến khích động viên theo cấp độ tăng từ cấp doanh nghiệp, Hiệp hội và Tỉnh/Thành phố.

Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê là cầu nối quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Quốc tế:

Ngoài việc cung cấp các thông tin về chính sách của nước sở tại, tham mưu cho công tác điều hành của Bộ Công Thương, tìm các khách hàng nhập khẩu giới thiệu cho các doanh nghiệp trong nước, Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê đã cung cấp đầy đủ thông tin về ngân hàng, bảo hiểm và giá cước tầu cho các doanh nghiệp trong nước. Vận động các doanh nghiệp chào hàng theo điều kiện CIF và nhập khẩu nguyên liệu theo điều kiện FOB, để góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu. Đó là thông tin quan trọng để Cộng đồng Doanh nghiệp Nghiệp Việt Nam cập nhật những thông tin. Nếu cần thông tin về thị trường Xuất nhập khẩu tại ở Chi Lê, xin vui lòng liên hệ với Tham tán Việt Nam tại Chi Lê để biết thêm chi tiết, hoặc xin liên hệ qua Báo Thương Mại.

Tham tán Thương mại

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro