Tây Tiến

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chiến tranh đã qua đi, hạt bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh những anh hùng vô danh nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc vĩnh viễn vào tâm hồn chúng ta hình ảnh những người con hy sinh vì tổ quốc, họ đã dùng máu và nước mắt của mình tô lên hai chữ "độc lập" cho dân tộc. Tây Tiến là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất trong giai đoạn lịch sử khốc liệt những năm 1945 - 1954. Với cảm hứng lãng mạn, ngòi bút tài hoa Quang Dũng đã thành công khắc họa bức tượng đài người lính Tây Tiến, bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, mĩ lệ miền Tây. Bên cạnh đó là vẻ đẹp kiêu hùng, hào hoa và hi sinh bi tráng của người chiến sĩ Tây Tiến.

Nguyễn Tuân từng nói rằng "Tôi thích hai chữ "thi nhân" chứ không thích hai chữ "thi sĩ"". Thật vậy, thi sĩ là nghề làm thơ, còn thi nhân là người thơ - cái đẹp, cái sang lẫn chất thơ thấm sâu và quyện chặt trong tâm hồn, trong bản chất và cả nhân cách con người. Quang Dũng là một người như thế. Thi nhân rất đỗi chân thật và là "đứa con đầu lòng hào hoa và tráng kị của thơ ca kháng chiến". Thơ Quang Dũng phóng khoáng, hào hoa, lãng mạn cũng như nồng nàn xúc cảm yêu thương.

"Tây Tiến" là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ của Quang Dũng. Thi phẩm được chấp bút vào năm 1948 khi Quang Dũng đi nhận nhiệm vụ ở một đơn vị khác. Tại làng Phù Lưu Chanh, ông viết nên bài thơ, lúc đầu đặt tên là "Nhớ Tây Tiến" sau đó đổi thành "Tây Tiến". Tây Tiến là tên của một đơn vị bộ đội được thành lập năm 1947 do Quang Dũng làm đại đội trưởng. Phần đông các chiến sĩ Tây Tiến là sinh viên, học sinh Hà Nội. Họ chiến đấu trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ. Địa bàn hoạt động rất rộng lớn gồm các tỉnh ở Tây Bắc và qua bên kia biên giới Việt - Lào. Có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào đánh Pháp và vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Họ chiến đấu đầy dũng cảm nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn hào hoa lãng mạn của tuổi trẻ nồng nhiệt. Tác phẩm phong phú từ hình thức đến nội dung, được bao trùm bởi cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng.

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"

Tác phẩm bắt đầu bằng một ngữ cảm xác định: sông Mã - tên địa danh, Tây Tiến - phiên hiệu đơn vị, rừng núi - địa bàn hoạt động... Từ đó, khoảng trời thương nhớ lũ lượt ùa về trong tiềm thức của thi nhân. Nỗi nhớ thương đã gợi dậy cả một miền ký ức, dù có thể bị xáo trộn về trình tự thời gian, không gian nhưng đó là tất thảy tiếng lòng gợn sóng, là mạch cảm xúc chân thực nhất của nhà thơ. Bởi lẽ: "Thơ là sự bộc phát của những tình cảm mãnh liệt nhất" (Uy-li-am Uốt). Thiếu vắng cảm xúc, thơ ca phải chăng chỉ là những con chữ cứng đờ, gượng ép, là chén rượu nhạt nhòa, không người uống? Quang Dũng thật khéo léo khi dẫn dắt chúng ta vào miền không gian của xúc cảm, của hoài niệm và của nỗi nhớ "chơi vơi". Câu thơ đầu kết thúc bằng dấu chấm than cùng với âm hưởng của vần "ơi" ngân vang như một nốt trầm buồn, da diết, mênh mang của nỗi nhớ. Phải chăng đó là lời tự sự của Quang Dũng vang vọng đến đoàn quân Tây Tiến?

"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi"

"Sài Khao", "Mường Lát" cùng hàng loạt những địa danh được nhà thơ gợi nhắc đã mở ra trong tâm thức độc giả sự hoang vu, xa xăm của vùng đất miền biên giới ẩn chứa những hiểm nguy khôn lường. Kết tinh những biên độ cảm xúc đặc biệt của tâm hồn. Từ "lấp" đã vẽ nên một không gian dày đặc, choáng ngợp sương, pha chút sự lạnh lẽo. Trước hệ quả tất yếu của thiên nhiên, đoàn quân ấy đã lặng lẽ bước đi, chẳng chùn bước trước dãi dầu. Bởi những người lính ấy "mỏi" nhưng không "mệt". Nếu câu thơ trên gợi tả hiện thực đấu tranh khắc nghiệt, những vần thơ sau lại tô đậm nét hào hoa, tư chất nghệ sĩ, lãng mạn của người lính. "Hoa" có thể là những nhành hoa trên đường hành quân, là hoa thơm cỏ lạ tỏa ngát giữa núi rừng Tây Bắc. Hay những nhành hoa trên ba lô của người chiến sĩ. Đó còn là cách nói ẩn dụ về hình ảnh bó đuốc rực rỡ như những sắc hoa. Dù hiểu theo cách nào, người đọc đều cảm nhận được nét hào hoa của người lính Tây Tiến.

Tác phẩm văn học là chỉnh thể thống nhất chặt chẽ giữa nội dung và hình thức. Đó phải là một thứ quả tươi ngon, làm khơi dậy sự thưởng thức của độc giả: vỏ phải đẹp, phải tươi và lõi phải thơm, ngọt. Nhờ "cấu trúc ngôn ngữ tinh vi và dị biệt", những câu thơ giàu sức gợi của Quang Dũng đã mang đến cho người đọc những hình dung về bước đường hành quân gian khổ, thấm đượm chất tráng ca của người lính Tây Tiến:

"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi..."

Bốn câu thơ được xem là tuyệt bút của Quang Dũng và có thể tách thành một tác phẩm đơn lẻ. Câu thơ có đến hai chữ "dốc" kết hợp với nhịp thơ 4/3 tạo cảm giác hướng đi và dốc cứ ngược lên mãi, tô đậm sự trùng điệp của những dốc núi. Hai từ láy "khúc khuỷu", "thăm thẳm" là cái ngước nhìn của người leo dốc thu về cận cảnh và viễn cảnh để nhận ra đoạn đường phía trước hun hút đến khôn cùng. Từ láy "heo hút" cùng phép đảo ngữ thể hiện cái vắng vẻ và độ cao chót vót. "Súng ngửi trời" là cách nhân hóa thật thú vị, dường như ngọn súng đang tò mò, khám phá bầu trời, trêu nhử cao xanh. Ta nhớ đến chi tiết "đầu súng trăng treo" ở thi phẩm "Đồng chí" của Chính Hữu. Qua đó, hình ảnh người lính hiện lên với sự hóm hỉnh, trẻ trung, ngang tàng, mạnh mẽ trên nền thiên nhiên hùng vĩ. Điệp từ "ngàn" là sự định lượng mang tính chất ước lệ, nhấn mạnh sự hiểm trở của địa hình, khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhịp thơ bẻ gãy làm đôi kết hợp cùng chuyển động ngược hướng "lên-xuống" diễn tả sự cheo leo của dốc núi. Đang ở giữa chênh vênh lưng chừng núi, câu thơ lại "hạ độ cao" đột ngột, khiến hình dung trong người đọc bỗng dưng hụt hẫng đến nao lòng. Trên đấu trường nghệ thuật, nhà thơ là một dũng sĩ kiêu hùng, đấu tranh, quật ngã những con chữ xấu xí. Họ phải gạn đục, khơi trong, đẽo gọt và mài giũa, giọt ngọc mới sáng ngời trên trang văn. Thế nên Maiacopxki có câu: "Làm thơ là cân một phần nghìn miligram quặng chữ".

"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

Câu thơ dùng toàn thanh bằng với âm tiết mở gợi tả không gian mênh mông, trải rộng trong màn mưa giăng lối. Nó còn là tiếng "thở phào nhẹ nhõm" của người chiến sĩ sau những chặng đường hành quân vất vả. Lại nhớ đến câu thơ Tản Đà với dòng trên nhiều thanh sắc, dòng dưới toàn thanh bằng:

"Tài cao phận thấp chí khí uất

Giang hồ mê chơi quên quê hương"

Tản Đà tả tình, Quang Dũng lại tả cảnh. Dẫu vậy, phải tài hoa lắm, những thi sĩ mới có thể chấp bút được các câu thơ hay đến thế. "Đọc thơ Quang Dũng như ngậm nhạc trong miệng". Sóng Hồng từng nói: "Thơ là thơ, đồng thời là nhạc, là họa, là chạm khắc theo một nét riêng".

"Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời."

Từ láy "dãi dầu" đã khắc họa đủ đầy những vất vả, khó nhọc mà người lính phải chịu đựng. "Không bước nữa", "bỏ quên đời" ý chỉ những người lính chỉ dừng chân nghỉ ngơi sau một đoạn đường hành quân gian khổ. Hoặc phải chăng, họ đã hy sinh trên bước đường hành quân. Rừng núi hiểm trở đã vắt kiệt sức lực của những người chiến sĩ ấy. Đây là cách nói giảm nói tránh của nhà thơ: người lính hy sinh nhẹ nhàng như chỉ đang say giấc nồng. Cách nói ấy càng bộc lộ rõ sự ngang tàng, ngạo nghễ, chấp nhận cái chết một cách nhẹ nhõm, thanh thản của những anh lính. Nhà thơ không né tránh những mất mát, hi sinh bởi đó là một phần tất yếu của chiến tranh. Không lẩn tránh đề cập đến cái bi, nhưng bi mà không lụy. Cảm hứng lãng mạn đã chắp thêm cho cái bi đôi cánh và âm hưởng tráng lệ, hào hùng, giúp nó vút cao trong bầu trời nghệ thuật. Tinh thần bi tráng đã được triển khai trên nền cảm xúc "nhớ Tây Tiến". Một thời gian, tác phẩm không được chấp nhận vì bị xem là mộng rớt, đứa con rơi rớt của tư tưởng lãng mạn anh hùng kiểu cũ. Mãi tới thời kì đổi mới, trong xu hướng nhìn nhận lại các giá trị văn học, tác phẩm mới được khôi phục một vị trí xứng tầm. Tác phẩm là sợi chỉ đỏ vô hình kết nối giữa nhà văn và độc giả. Sự đón nhận của độc giả sẽ thổi vào tác phẩm một luồng sinh khí giúp nó tồn tại như một sinh thể độc lập.

Núi rừng Tây Bắc còn ẩn chứa những mối đe dọa tiềm tàng:

"Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"

Phép nhân hóa "gầm thét", "trêu người" cho thấy sự dữ dội, khốc liệt, bí hiểm. Điệp từ "chiều chiều", "đêm đêm" diễn tả bước tuần hoàn của thời gian, cho thấy sự vĩnh hằng, trường cửu. Nhà thơ đã khéo léo sử dụng phép tiểu đối giữa cái gầm vang của thác lũ với cái im lặng đến nghẹt thở trong khoảnh khắc chúa sơn lâm rình mồi. Đó là mối đe dọa cho sự sống của người lính. Nhưng cọp "trêu" người phải chăng lại gợi sự thân thuộc giữa thiên nhiên và con người. Loài vật ấy xem con người là bạn, vì là bạn hữu nên mới "trêu", mới chọc. Đó lại là cách nói hóm hỉnh đầy khéo léo của nhà thơ. Nhà thơ không quên kể về kỉ niệm trong lần dừng chân trên đường hành quân của những người chiến sĩ:

"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

Ta cảm nhận rõ tấm lòng thơm thảo của người dân nơi đây khi tận tình chăm sóc cho quân:

"Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương"

Bởi:

"Các anh về mái ấm nhà vui

Tiếng hát câu cười

Rộn ràng xóm nhỏ"

Vì thế Chế Lan Viên từng viết rằng:

"Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn"

Nhưng tại sao tác giả lại nhắc đến "mùa em"? "Em" là cách xưng hô đầy tình tứ. Đó liệu có phải là mùa lúa chín ta được gặp em chăng? Hay chăng đó là mùa đã gói trọn niềm thương, nỗi nhớ của người lính. Họ nhớ về những tấm lòng thơm thảo, những dáng hình thân thương mãi in sâu trong kí ức. Sự xuất hiện của cô gái ấy khiến cho bức tranh Tây Bắc có hồn hơn, duyên dáng và giàu sức sống hơn. Tố Hữu cũng từng gợi tả trong "Việt Bắc" hình ảnh "cô em gái":

"Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ cô em gái hái măng một mình"

Không còn những hình ảnh gân guốc của bức tranh núi rừng khắc nghiệt, hiểm trở như đoạn một, Tây Bắc hiện lên thật mềm mại, qua những nét vẽ tài hoa ở đoạn thơ:

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ"

Động từ "bừng" đặc tả sự xuất hiện đầy bất ngờ của ánh sáng với cường độ mạnh, xua tan sự lạnh lẽo, hoang sơ của núi rừng. Những bó đuốc dường như đã thắp sáng cả không gian, bập bùng cháy mãi giữa trời đêm tĩnh mịch, rực rỡ như những sắc hoa. Trong "Truyện Kiều' của Nguyễn Du có câu: 'Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa". Ta còn liên tưởng đến "đuốc hoa" - hình ảnh gắn liền với đêm tân hôn hạnh phúc của những đôi uyên ương. Dân ca Quan họ cũng có lời hát:

"Còn duyên ngồi gốc cây thông

Hết duyên ngồi gốc cây hồng hái hoa

Có yêu nhau sang chơi cửa nhà

Cho thầy mẹ biết để đuốc hoa định ngày"

Có lẽ đó là nét tài hoa lãng mạn và khát vọng hạnh phúc thầm kín tự sâu tâm hồn những chàng trai Hà Thành. Phút chốc, doanh trại đã được tô điểm và trang hoàng thành sân khấu cho đêm hội ánh sáng lung linh, huyền ảo. Từ "kìa" diễn tả sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trong ánh nhìn của người lính trẻ trước vẻ đẹp của những cô gái miền sơn cước. Họ chẳng thể rời mắt trước nét đẹp đầy mê đắm của những cô gái xinh đẹp, duyên dáng trong "xiêm áo'. Không gian ngập tràn hương sắc, nhạc, họa, khiến lòng chàng cũng rộn ràng khôn nguôi. "Khèn" là nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, là linh hồn của núi rừng Tây Bắc. Cái vẻ "e ấp" của "nàng" duyên làm sao, mềm mại, kín đáo và đẹp sao! Câu thơ "Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ" với đa số thanh bằng đã mở ra một miền không gian bay bổng, du dương, ngập tràn nhạc điệu. Phải chăng âm nhạc đã nâng cánh cho những vần thơ và cho cả những tâm hồn lãng mạn của những người lính, dẫn lối họ vào cõi mơ, cõi mộng. "Nhạc" ở đầu và "thơ" ở cuối, giữa hai đường biên xúc cảm ấy chính là hình ảnh người lính say xưa, ngất ngây, chìm đắm trong bữa tiệc thịnh soạn. Nối tiếp mạch thơ là nỗi nhớ thiết tha về thiên nhiên, con người miền Tây trong một buổi chiều sương lạnh:

"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

"Nẻo bến bờ" gợi không gian heo hút, vắng vẻ. Những vạt lau trắng xám là hình ảnh rất đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Lau được tác giả nhân hóa thành "hồn lau". Hay đó chính là hồn của thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc kết tinh trong những bông lau. Thiên nhiên cũng biết nhớ, biết thương thì xá chi là người. "Có nhớ", "có thấy' đều là những câu hỏi, nhưng với cảnh vật, ta chỉ cần dùng đến thị giác, còn với con người, ta phải dùng cả tâm hồn, dùng tấm lòng chân thành để cảm, để thấy, để hiểu. Giữa không gian ngập tràn màu hoài niệm,ta thấy thấp thoáng dáng người lẫn trong sương. Không miêu tả tỉ mỉ từng đường nét của người sơn nữ, nhà thơ chỉ gợi cái "dáng người" chèo thuyền độc mộc ấy thôi. Người con gái ấy mang vẻ đẹp rắn rỏi, kiên cường, mạnh mẽ, sự khéo léo của người miền Tây - làm chủ thiên nhiên, chèo thuyền độc mộc băng thác lũ mưa rừng. "Hoa" phải chăng là người con gái đang thẹn thùng, làm duyên. Nàng xinh đẹp tựa hoa rừng. Không phải là "đung đưa" mà là cử chỉ "đong đưa" thật nhẹ nhàng, mềm mại. Thiên nhiên dữ dội không che lấp nét đẹp yêu kiều của con người. Trái lại, nó còn điểm tô thêm phần duyên dáng, làm phông nền tôn vinh vẻ đẹp của người con gái.

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Cái tên 'Tây Tiến" có lẽ đã lặn sâu vào tiềm thức của thi nhân. Ắt hẳn nhà thơ đã dành cho nó khoảng không riêng nơi đáy tim để bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ký ức thỏa sức vùng vẫy qua năm tháng. Tựa như bức vạn lý trường thành, đoàn quân có một không hai ấy luôn sừng sững giữa bão tuyết thời gian và sương gió cuộc đời. Đó là chứng nhân lịch sử, là chủ nhân của cả một thời đại hào hùng. Thi sĩ đã sử dụng cách nói hết sức ấn tượng ' không mọc tóc". Nó phản ánh sự trần trụi hiện thực khốc liệt, những mất mát mà người lính phải đối diện bấy giờ. Không mọc tóc có thể là do người lính đã tự cắt tóc đi do yêu cầu của quân ngũ. Hay tóc của họ đã rụng dần do bệnh tật hoành hành, do tiết trời Tây Bắc khắc nghiệt? Ta cũng có thể thấy hình ảnh người lính với những trận sốt rét mà vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ qua góc nhìn của Chính Hữu:

"Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi"

Nhưng điều ấy không làm nhòe dũng khí mà còn tô đậm tư thế chủ động của người lính trên đoạn đường ra trận. Đoàn quân "vệ trọc' lẫy lừng một thời vẫn hiên ngang tiến bước về phía trước. Nhà thơ khéo léo sử dụng "đoàn binh" thay cho 'đoàn quân' như cách khẳng định hùng hồn về khí phách ngang tàn của những người chiến sĩ. Hiện thực chiến tranh còn được bộc lộ qua hình ảnh "quân xanh màu lá". Màu xanh ấy chính là sự ngụy trang của người lính để giảm thiểu sự chú ý của kẻ thù. Nhưng, ta còn xót xa khi đấy chính là hình ảnh người lính với làn da nhợt nhạt, tiều tụy vì đói khát rã rời, vì chứng sốt rét hiểm nghèo. Chứa trong vẻ ngoài nhợt nhạt kia là cả sự gan lì,khí phách "dữ oai hùm", bản lĩnh. Ta từng bắt gặp hào khí ấy trong những dòng thơ của Phạm Ngũ Lão:

"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu"

Họ "trừng" mắt, căng thẳng hướng về kẻ thù. Cái nhìn ấy chất chứa bao nỗi căm phẫn "chỉ tức chưa xẻ thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù"."Mộng biên giới" chính là giấc mộng chiến thắng, giết giặc trở về. Đó là "nợ công danh" cần phải trả của kẻ làm trai. Mộng thì gửi qua biên giới, mơ họ lại trao về Hà Nội - quê hương thân yêu. Hà Nội gắn liền với hình ảnh 'em gái nhỏ hậu phương". Đoạn đường hành quân đâu chỉ ngùn ngụt khói lửa, ngời ngời dũng khí diệt giặc, ta phải để người lính ấy mộng mơ về nơi hậu phương, nghĩ về động lực để tiếp tục chiến đấu:

"Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu"

Đó chẳng phải là những phút lơ là, là điều cấm kỵ trong chiến đấu, mà là khoảnh khắc hết sức đẹp đẽ của đời mình.

"Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Đoạn thơ hiện lên đầy trang nghiêm với hàng loạt các từ Hán Việt. Đó là nén hương thành kính tiễn đưa những người lính đã ngã xuống. Hệ thống từ ngữ ấy kết hợp cùng hình ảnh giàu sức gợi tạo nên sắc thái cổ kính, tưởng nhớ đến sự hi sinh oanh liệt của người chiến sĩ. "Mồ" với "mộ" cũng như nhau thôi, nhưng từ "mồ" được Quang Dũng sử dụng thật tinh vi. Bởi những nấm mộ của các anh chỉ là những nấm đất đào vội ngay bên đường hành quân. Lòng ta thấy xót xa là bao...Nghệ thuật "chiến trường đi" đã nhấn mạnh đích đến của người lính. Họ một lòng một dạ hướng về mục tiêu duy nhất là diệt giặc, bảo vệ non sông, bờ cõi:

"Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Nhưng ai cũng tiếc nuối tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc"

Chi tiết 'áo bào' thật đẹp và giàu giá trị biểu cảm. Nó tô đậm một hiện thực xót xa đến nao lòng, về những thiếu thốn vật chất trong chiến tranh. Tuy vậy, dường như sự hiên ngang, can trường đã phần nào lấn át thực tế bi thương và cảm giác mất mát trong tâm thức độc giả. Những manh chiếu kia chính là những tấm áo bào được ướm lên người dũng sĩ, cùng họ trở về cõi vĩnh hằng. "Về đất' không chỉ là cách nói giảm, nói tránh mà còn mang ý nghĩa biểu tượng thật thiêng liêng, sâu xa. Chết không đồng nghĩa người lính ấy sẽ biến tan vào cõi hư vô. Họ chỉ trở về với đất Mẹ, mảnh đất thân yêu luôn đón chào những người con anh dũng. Các anh đã ngã xuống, đã hóa thân cho dáng hình xứ sở:

"Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi"

Trong mỗi tấc đất, trong hình hài núi sông đều in dấu một phần xương thịt của các anh. Thi sĩ mở đầu và kết thúc tác phẩm với hình ảnh 'sông Mã". Bởi, đó là chứng nhân lịch sử, là dòng sông trĩu nặng niềm thương nỗi nhớ. Nó gợi dậy nỗi nhớ chơi vơi và cũng gầm thét trong cơn thịnh nộ như cố kìm nén đau thương, uất nghẹn. Đau thương đã hóa thành sức mạnh, thành lòng căm thù, sự quyết tâm, thành ý chí sắt đá. Dòng sông khi phải tiễn biệt người lính bỗng cô đơn trên hành trình tìm về biển lớn. Sự ra đi của các anh là nỗi mất mát chẳng thể bù đắp được. Nó in dấu vẹn nguyên sự tiếc thương, xót xa và nỗi niềm hụt hẫng cho non sông, đất nước và cả những người đồng đội thân thương ở lại.

Theo Buy-phông: "Phong cách chính là con người". Thật vậy, bài thơ Tây Tiến mang đậm phong cách thơ của Quang Dũng. "Tây Tiến" đã thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn. Không chỉ vậy, đọc thơ Quang Dũng ta còn thấy được bên cạnh những vần thơ đầy chất trữ tình là những câu đậm sắc thái bi tráng. Đó là những sự kết hợp khéo léo và đã góp phần diễn tả được cảm xúc, nỗi niềm khi thì tha thiết bồi hồi, lúc lại trang nghiêm, bi hùng của một nhà thơ luôn đau đáu về tháng ngày gắn bó với đồng đội.

Chiến tranh đã khiến con người phải trả một cái giá quá đắt. Nhiều người đã dành cả thanh xuân của mình để đổi lại hòa bình, cuộc sống yên vui cho con trẻ. Đứng nơi đầu sóng ngọn gió, nơi tận cùng của tổ quốc đầy hiểm nguy như thế nhưng vẫn có những con người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Họ sống hết mình, lạc quan và hăng say chiến đấu. Đó là những người lính trẻ, những vị anh hùng anh dũng hy sinh quên mình vì dân tộc. Tây Tiến là bài thơ, là tấm lòng của những người chiến binh Tây Tiến. Bài thơ có nhạc, họa; bên cạnh cái bi là cái hùng, bên cạnh mất mát, đau thương là niềm kiêu hãnh anh hùng. Nửa thế kỉ đã qua, bài thơ ngày một thêm sáng giá và đoạn thơ khắc họa đoàn quân Tây Tiến đã trở thành một hoài niệm khó quên của một thời kì lịch sử hào hùng trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro